Mạng nơ ron xã hội

Khoa Luật, Đại học Kinh tế TPHCM
11:38 SA @ Thứ Tư - 13 Tháng Hai, 2019

Con người là một loài có tính cộng đồng rất cao, có ngôn ngữ giao tiếp phức tạp, suy nghĩ và hành động bị chi phối rất nhiều bởi suy nghĩ, các hành xử của đồng loại xung quanh. Hay nói cách khác, hành vi con người luôn nằm trong tương tác với hành vi của cộng đồng.

Mỗi cộng đồng có niềm tin, tín ngưỡng, tôn giáo, học thuyết, lý tưởng, giá trị riêng - gọi chung là ideology. Các giá trị này không đứng yên mà thay đổi qua thời gian; đặc biệt mạng xã hội tương tác ngang hàng, trực tiếp, toàn diện đến suy nghĩ của cộng đồng mạng xã hội.

Thông tin được chia sẻ, tương tác, phản hồi theo cấu trúc phi tập trung kết nối các bộ não trên toàn thế giới như thể một mạng nơ ron thần kinh toàn cầu khiến mà tác giả tạm gọi là mạng nơ ron xã hội. Nó khiến cho các thành viên say mê, hào hứng; xóa bỏ đặc quyền tin tức của báo chí truyền thống. Nhưng với đặc trưng cấu trúc phi tập trung, nó cũng đồng thời khó kiểm chứng và làm cho người ta dễ bị dẫn dụ bởi các tin giả; các định kiến sai trái.

Trong mạng nơ ron này, không chỉ diễn ra tương tác giữa người với người, mà giữa trí tuệ con người với trí tuệ nhân tạo, tạo nên trạng thái nhất nguyên của mạng nơ ron xã hội. Nhận dạng, dự đoán khuynh hướng và khai thác mặt mạnh, hạn chế mặt xấu của mạng nơ ron xã hội này là chủ đề mà tác giả muốn bước đầu bàn tới.

1. Hệ thống cảm biến tăng theo cấp số nhân

Điện thoại thông minh với camera và kết nối 3G đã biến mọi người dân thành một nhà báo nghiệp dư. Khả năng đưa tin mọi lúc, mọi nơi, mọi khoảnh khắc từ mọi người đã biến mạng xã hội thành một nền tảng “báo chí nhân dân” thực thụ. Mạng xã hội biến mỗi con người thành một cảm biến thông tin, cung cấp dữ liệu tăng theo cấp số nhân.

Sự đa dạng phức tạp của hệ thống cảm biến này làm cho việc kiểm soát “nguồn tin” theo chủ ý của ai đó trở nên khó khăn hơn, bởi vậy nó làm cho thế giới minh bạch hơn; không chỉ hoạt động của chính phủ mà quan hệ bạn bè... cũng trở nên minh bạch hơn, bởi lời nói dối có thể bị lật tẩy vô tình hay cố ý bởi một “cảm biến” bất kỳ, ví dụ vô tình để lộ biển số xe, khuôn mặt của một người cáo ốm, cáo bận từ một bức hình của người khác. Và người đọc dường như thích tiếp cận dữ liệu thô, nguyên thủy, chưa qua nhào nặn này hơn là những bài viết trau chuốt, bỏng bẩy.

Nhưng cũng chính tính phi tập trung, những kẻ xấu có thể cố tình cung cấp các thông tin sai lệch (chỉnh sửa ảnh, cắt cúp các đoạn băng ghi âm ghi hình, tung tin giả). Hay nói cách khác có loại cảm biến không tin cậy. Điều này cũng hết sức bình thường như chính trong cơ thể con người - cơ chế tự đào thải và kháng thể sẽ vô hiệu hóa các cảm biến không tin cậy.

Thông tin thô chỉ mới là yếu tố đầu vào của hệ thống; sự ảnh hưởng, tương tác các thông tin từ hệ đa cảm biến này phụ thuộc vào nhiều nhóm “nơ ron” chức năng khác nhau và phụ thuộc cả các thuật toán của các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội.

2. Tương tác đa luồng

Trong “hệ thống thần kinh mạng xã hội” phi tập trung, đa tuyến này thì báo chí chính thống hay các cơ quan phát ngôn của các bộ, ngành chỉ đóng vai trò một trong một trong các nhóm nơ ron tham gia tương tác.

Tuy báo chí nhà nước cũng là “của dân, do dân, vì dân” nhưng nhân dân chỉ có thể ảnh hưởng gián tiếp lên các tờ báo này thông qua đức hạnh của các quan chức, mà các đại án tham nhũng phản ánh việc một số quan chức nhà nước đã bội tín nhân dân trong rất nhiều trường hợp.

Nơ ron cơ sở (primary)

Ngân sách tuy lớn, nhưng không đủ sức “nuôi” cả hệ thống báo chí chính thống. Phát huy “nền báo chí nhân dân”, một nông dân, một công nhân, một tiểu thương, một học sinh đều có thể trở thành phóng viên xuất sắc, sâu sát hiện trường nhất, với những bản tin đa dạng từ lời nói bi bô của trẻ em, khoảnh khắc cảm xúc thăng hoa của một người bình dân, hay cái tét mông của cô bảo mẫu... với hàng triệu lượt share, like - điều vốn không có chỗ trong báo chí chính thống trước năm 2000.

Nơ ron cơ sở này tạo kênh mới cho cấp trên có thể “giám sát vượt cấp” mà không phụ thuộc vào các báo cáo của cấp dưới trực tiếp - thường được tô son, trát phấn kỹ càng; giúp cho xã hội chia sẻ khó khăn với đồng loại ở một góc nào đó xa lạ trên thế giới; giúp cho mọi vấn đề của người dân có cơ hội được cộng đồng lắng nghe lợi ích, hoàn cảnh của mình. Có thể nói, nhóm nơ ron này đặc trưng nhất cho “hệ thống thần kinh mạng xã hội”.

Nơ ron phản biện

Người dân thích thú mạng xã hội, không chỉ bởi tính “nguyên thủy”, đa dạng của thông tin thô được cung cấp bởi “nơ ron cơ sở”, mà khả năng tránh phiến diện, định kiến một chiều, bởi họ còn nhận được thông tin từ nhóm “nơ ron phản biện”.

Nhóm nơ ron phản biện này có thể chia làm hai nhóm nhỏ: “nhóm cung cấp thông tin đối chứng” và “nhóm lập luận phủ định”.

Bởi các thông tin thống kê ở Việt Nam chưa có độ tin cậy cao và tính vị lợi của nhóm cung cấp thông tin đề xuất chính sách, các thông tin đầu vào của quá trình thảo luận chính sách có thể không chính xác, nó cũng giống như chứng cứ cung cấp bởi nguyên đơn - mới là một chiều.

Các nhóm lợi ích bị ảnh hưởng bất công hoặc kể cả không bất công sẽ có động lực cung cấp thông tin đối chứng một cách đầy đủ, kịp thời nhất, dù chưa phải chính xác nhất. Nhóm nơ ron này hữu hiệu nhất là các doanh nghiệp, các hội nhóm phi chính phủ - vốn không được hưởng lợi gì từ các giấy phép con, chứng chỉ tập huấn hay rào cản kinh doanh.

“Nhóm lập luận phủ định” hữu hiệu nhất đến từ cộng đồng hưu trí, vốn có hiểu biết sâu về toàn bộ tiến trình phát triển của vấn đề, có kiến thức chuyên môn, không còn bị ràng buộc bởi lợi ích cục bộ ngành. Tham gia vào nhóm này còn có cộng đồng đông đảo các nhà khoa học gốc Việt đang làm việc ở nước ngoài - vốn không có động lực hay áp lực phải cài cắm lợi ích ngành vào các chính sách.

Nơ ron ngụy biện

Thế nhưng, núp dưới nhóm nơ ron phản biện này có thể tồn tại nhóm nơ ron ngụy biện. Ngụy biện có thể đến từ việc một cá nhân, nhóm cá nhân tìm cách phủ định/khẳng định một quan điểm, học thuyết nào đó. Ngụy biện cũng có thể vô cùng đơn giản bắt nguồn từ tính “sĩ diện” của văn hóa Nho giáo, không muốn thừa nhận phát ngôn, chính sách của mình trước đó, của thầy mình là sai, là lạc hậu.

Đối với người bình dân, họ rất khó phân biệt đâu là phản biện, đâu là ngụy biện, bởi vậy họ tìm đến nhóm nơ ron phân tích.

Nơ ron phân tích

Hoạt động phân tích ở cũng diễn ra ở nhóm phản biện, nhưng xét về cấp độ xử lý thông tin, nhóm này khác nhóm nơ ron cơ sở, ở việc họ thường xử lý thông tin thứ cấp, không trực tiếp ghi âm, ghi hình. Và về mặt khoa học, nhóm này có các phương pháp nghiên cứu, để loại bỏ các định kiến của chính mình, có phương pháp chứng minh tin cậy.

Tuy nhiên nhóm này lại là nhóm ít có ảnh hưởng lan tỏa nhanh trực tiếp tới toàn hệ thống và thường bị vô hiệu hóa bởi nhóm “nơ ron gây nhiễu”, bởi nhóm này sử dụng ngôn từ chuyên môn hẹp, phương pháp chứng minh phức tạp khó hiểu đối với công chúng. Tâm lý đám đông thường sẵn có định kiến, ưa đơn giản, ngắn hạn, ưa cảm xúc sẽ ít tương tác với nhóm nơ ron phân tích này, vì vậy ảnh hưởng của nhóm này thường dừng lại trong giới hàn lâm.

Tuy nhiên, một nhóm nơ ron trung gian nào đó, biết cách chuyển hóa tư tưởng hàn lâm sang hình ảnh bình dân, ví dụ như từ Tư Bản luận thành hình ảnh “con đỉa”, thì sức mạnh của nhóm nơ ron phân tích sẽ phát huy sức mạnh và có khả năng thay đổi hệ thống.

Nơ ron gây nhiễu

Trong thế giới tương tác phi tập trung, việc áp đặt mệnh lệnh hành chính trở nên kém hiệu quả, nên các nhóm vận động chính sách - không phân biệt từ bên trong hay bên ngoài đã sử dụng một số vũ khí mới để tác động vào “hệ thần kinh mạng xã hội”, hòng thay đổi suy nghĩ, hành động của người dân. Cách tác động của nhóm này khác với nhóm nơ ron ngụy biện bằng hai phương pháp: tung mồi nhiệt và chuyển trọng tâm thảo luận.

Trái ngược với nhóm nơ ron phân tích, nhóm này khai thác triệt để tâm lý đám đông. Khi không thể chứng minh, thuyết phục được đám đông bằng các chứng cứ khách quan, lập luận chặt chẽ thì họ sẽ lái sự chú ý của dư luận bằng cách tung ra một sự kiện vốn ít có ý nghĩa về chính sách hay khả năng/ nguy cơ tác động đến đời sống người dân, tựa hồ như trong kỹ thuật phòng không, để chống lại tên lửa tầm nhiệt, máy bay mục tiêu tung ra mồi nhiệt giả để tên lửa tầm nhiệt chuyển hướng, bám bắt mồi giả. Để phát huy hiệu quả của nơ ron gây nhiễu, các tổ chức đằng sau thường ẩn danh, không sử dụng tên thật mà sử dụng bút danh hay tài khoản mạng xã hội giả.

Tinh vi hơn nữa, nhóm nơ ron gây nhiễu có thể sử dụng phương thức tấn công DOS gây ra hiện tượng “no thông tin”, “buồn ngủ trong phản ứng” với vấn đề mà nhóm này muốn che đậy. Họ sẽ không bị quy kết là tung tin giả, can thiệp, chỉnh sửa thông tin, nhưng vẫn đạt được mục tiêu.

3. Bồi thẩm đoàn mạng xã hội

Trong một hệ sinh thái thông tin mới, đa nguồn, đa luồng, người dân có nhiều nguồn thông tin để tổng hợp và họ thường tin tưởng người thân, bạn bè mình hơn là những chính trị gia, nhà báo xa lạ, nên họ có tâm lý like, share và tin vào những gì người thân, bạn bè mình nói, viết, chia sẻ lại.

Bởi vậy, người dân rất tích cực bày tỏ thái độ, chính kiến trên mạng xã hội, khiến cho tất cả các cơ quan báo chí cũng phải gia nhập; các cơ quan dân vận cũng phải chính thức hay phi chính thức thu thập ý kiến, đo lường phản ứng của cư dân trên mạng xã hội. Nhờ đó, trong một vài trường hợp chính quyền đã có những điều chỉnh chính sách, can thiệp kịp thời; rút ngắn khoảng cách Nhà nước - Nhân dân.

4. Thích ứng và tự lo cho mình

Trong thời đại mạng xã hội, bộ não là của mình, nhưng cũng dễ bị chi phối và dẫn dắt bởi một rừng thông tin mà rất nhiều khi không thể biết đâu là thật đâu là giả. Nhưng nếu tự mình cô lập với thế giới bên ngoài cũng không ai muốn; tự mình trói buộc, lệ thuộc vào một nguồn thông tin duy nhất cũng không ai muốn; mở rộng nguồn thông tin thì nguy cơ gặp phải nhóm nơ ron ngụy biện, nơ ron gây nhiễu cũng không ai muốn.

Làm sao bây giờ?

Từ hàng ngàn facebooker, blogger nổi tiếng trên Internet, hãy tự tuyển cho mình dăm thư ký báo chí cao cấp, một cách miễn phí. Họ sẽ tóm tắt giúp mình những bài báo đáng đọc.

Hãy tự sàng lọc cho mình vài nguồn tin nhanh và đáng tin cậy. Hãy tự đúc rút kỹ thuật nhận dạng và bước ra ngoài tầm ảnh hưởng của nơ ron ngụy biện, nơ ron gây nhiễu bằng cách chặn nó (block) để giữ cho đầu óc thư thái, nếu bạn không phải giữ trọng trách đi dọn rác trên mạng xã hội.

Hãy chọn cho mình vài nơ ron phân tích, nếu bạn có sở thích tìm hiểu sâu về một vấn đề.

Và đừng quên đóng góp cho cộng đồng những gì bạn coi là tốt đẹp chân thiện mỹ, đơn giản chỉ là một cái like, share để góp phần hình thành nên hệ thống kháng thể tốt cho toàn hệ thống.

Nhiễm virus, sốt, hình thành kháng thể, vô hiệu hóa virus là một quá trình tiến hóa hàng triệu năm mà hệ thống thần kinh loài người đạt đến ngày hôm nay.

Nội dung liên quan

  • ​Không thể né tránh mạng xã hội

    09/08/2019Lê Quốc MinhTôi còn nhớ vụ rơi máy bay quân sự cách đây nhiều năm. Một tai nạn thảm khốc! Khi đó, mạng xã hội chưa phát triển như bây giờ nhưng thông tin râm ran khắp nơi, cho dù có chỉ đạo không đưa tin về vụ này.
  • Khi giới trẻ bị lệ thuộc vào mạng xã hội

    13/03/2018Tân KhoaGiới trẻ đang nghiện nặng việc sử dụng mạng xã hội và thậm chí sẵn sàng nhịn ăn, nhịn tiêu để mua được cho mình một chiếc điện thoại thông minh. Đây chính là vật bất ly thân với nhiều sinh viên và không ít người lo ngại là mạng xã hội đang khiến sinh viên không tập trung học hành...
  • Mạng xã hội lượng nhiều, chất ít

    02/04/2016Hải AnhSinh vội vã, sống vật vờ - các mạng xã hội Việt Nam đang loay hoay tồn tại, phát triển và nỗ lực tìm hướng đi riêng để thoát khỏi tình trạng ảm đạm, nhất là trước động thái cạnh tranh mạnh mẽ sắp tới đây của Yahoo! (nâng cấp dịch vụ Yahoo!360o)...
  • Mạng xã hội - kết nối hay chia rẽ con người?

    19/07/2011Vương ĐỗNhững mạng xã hội như Twitter hay Facebook không giúp kết nối người ta với nhau – thay vào đó chúng cách ly con người với thế giới thực. Đây là lời cảnh báo mới nhất từ giới học giả về trào lưu sử dụng mạng xã hội hiện nay...
  • Sức mạnh đáng kinh ngạc của mạng xã hội

    22/12/2009Hoàng Giáp (lược dịch từ City-Journal)Trước khi mạng xã hội xuất hiện thì rất ít người trong số chúng ta từng muốn có một người bạn như vậy.
  • Các mạng xã hội ảo lý tưởng dành cho giới trẻ

    22/04/2009Phạm Thế Quang HuyGiới trẻ có lẽ không còn lạ lẫm gì với mạng xã hội ảo và tác động của nó đến xã hội thực tại. Tuy nhiên, trong khi các mạng xã hội ảo ngày càng phát triển, nhiều sinh viên lại không biết cách khai thác nguồn tài nguyên thông tin từ các mạng xã hội này.
  • Ai sẽ cứu những mạng xã hội tiên phong?

    26/10/2008Nguyễn Ngọc PhươngĐại đa số mạng xã hội mở rộng hệ thống để thu hút người dùng nói chung, nhưng những người này, những tính năng đó có bao nhiêu phần trăm đóng góp vào lợi nhuận của hệ thống thì mù mờ hơn cả đỉnh núi Pan xi phăng, nơi mây vờn núi, mây bay ngang trời...
  • Mạng xã hội Việt Nam

    15/07/2008Ngọc AnhRa đời giữa lúc các mạng xã hội nước ngoài đang chiếm lĩnh thị phần, các mạng xã hội Việt Nam (MXHVN) phải tạo dựng cho mình một hướng đi, một phong cách riêng nếu muốn thu hút ngày càng nhiều thành viên...
  • xem toàn bộ