Muộn còn hơn không

11:22 SA @ Thứ Sáu - 22 Tháng Tám, 2014

Shakespeare, văn hào Anh, có nói rằng vết thương nào lành mà chẳng lành từng chút một. Những nỗi đau của con người, và những nỗi đau của dân tộc, những vết thương cứa vào lòng người, chắc cũng vậy thôi. Hàn gắn những nỗi đau đó, hình như cũng phải làm dần từng bước. Làm dần, nhưng phải có bước khởi động, phải có lúc bắt đầu, và muộn còn hơn không.

Đó là chuyện giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật vừa được trao, trong đó có bốn nhà văn mà tên tuổi và thân phận của họ bị bầm giập một thời, nay Nhà nước trao tặng giải thưởng cao quý cho họ. Dư luận kháo nhau rằng, liệu không biết có thể hiểu đó là một thứ “sửa sai” đối với những thân phận vốn từng bị bầm giập ấy, như là cung cách đã từng có đối với những người bị quy oan do sai lầm trong cải cách ruộng đất? “Sửa sai” cho những sai lầm, oan khuất gây ra đã từng là một nỗi đau không riêng gì của cá nhân họ, cũng không riêng gì của giới văn học nghệ thuật. Mà là một vết thương cứa vào lòng người, những người cùng một thời sống với những “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Và rồi cả những người có quan tâm theo dõi đời sống văn học nghệ thuật cùng với cuộc sống tinh thần của cái thời đoạn “phê phán Nhân văn Giai phẩm”, mà tên tuổi của các nhà văn đáng kính vừa được trao giải nói trên được nhắc đến như những tội đồ với những “miêu tả”, “tường thuật”, “hồi ký” cứ như thật, với những tội danh chính trị cũng như những sa đọa về nhân phẩm không thể nào tha thứ. Những sai lầm và tội lỗi đó luôn gắn liền với thành phần lý lịch bất hảo, được truy xét như là “nguồn gốc giai cấp” của những sai lầm, tội lỗi ấy. Điều này gắn liền với một thứ lý luận đặc biệt nhấn mạnh về giai cấp tính, phê phán quyết liệt sự thiếu kiên định lập trường trong nhận thức về nhân tính một cách “mơ hồ trừu tượng” và lệch lạc trong văn học nghệ thuật. Thứ lý luận này được du nhập cùng với lý luận về “chuyên chính vô sản” được hiểu một cách thô thiển và phiền diện, đượm màu “tả” khuynh, cùng với tư tưởng Maoít phản Mácxít. Giờ đây lần giở lại những trang viết trên những tác phẩm dày cộp, những tạp chí chính thống với đầy đủ sức nặng của quyền uy, do những nhà văn, nhà báo, nhà phê bình viết, trong số các tác giả đó, có không ít người vốn là những người bạn thân thiết của người mà họ đang say sưa và nghiêm khắc lên án . Suy ngẫm lại, mà bất giác không khỏi rùng mình cho sự ngột ngạt đáng sợ của một thời, khiến cho trong niềm hân hoan đón chào tin vui không khỏi không còn tâm trạng “vui này đã cất sầu kia được nào”! Cho nên, để có được niềm vui trọn vẹn, phải có sự sòng phẳng với những sai lầm.


Những câu thơ của Phùng Quán “Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét, dù ai ngon ngọt nuông chiều cũng không nói yêu thành ghét, dù ai cầm dao dọa giết, cũng không nói ghét thành yêu” được không ít những thầy cô giáo dạy văn bình luận hùng hồn về sự “mơ hồ trong quan điểm”, về “sự lập lờ trong biểu tượng hai mặt” : “Ai dọa giết Phùng Quán? Đây là thói ngông nghênh, tự huyễn về tài năng, kiêu ngạo coi thường lãnh đạo và căm thù, xuyên tạc chế độ, đã tự giết mình”. Đó là một trong những lời bình còn hằn sâu trong trí nhớ của thời học phổ thông, một nhà báo vừa nhắc lại trong câu chuyện về Giải thưởng Nhà nước tặng cho Phùng Quán vừa rồi. Đó cũng là cung cách quen thuộc của kiểu phê phán, nhận định, lên án tác phẩm văn chương của Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt. Đọc những dòng viết về cha của chị Băng Kha, con gái nhà thơ Trần Dần trên Vietnamnet, mới càng thêm thấm nỗi đau của một thời đoạn khó quên : “…người đời đã hiểu gì về ông trước đây, và sau này. Cả cuộc đời “tận tụy chữ”, ai đã hiểu nổi và chia sẻ cùng ông. Với tôi, ông không chỉ là một người cha, bình dị, ông còn là một người cha trí tuệ, sâu sắc và tuyệt vời. …tôi “trộm” đọc những trang thơ ông viết-mỗi chữ mỗi dòng- trình bày như một bức tranh ngay từ khi còn là bản thảo. Tôi không hiểu hết ông, nhưng tôi cảm nhận được rằng trong thăm thẳm, cha tôi có cái đau quằn quại, cô đơn đến tận cùng pha lẫn chút bất lực. Chỉ có Biển, Trời, Atula là có thể hiểu và chia sẻ cùng ông. Ông không bao giờ ngâm thơ mà chỉ đọc. Giọng ông sang sảng, đôi mắt đau đáu trong sự trang nghiêm tuyệt đối…Ông có nhân cách độc đáo, mẫu mực : sống chân thực và hết mình. Nghĩ thế nào nói thế ấy, nói thế nào thì làm thế…Và chẳng bao giờ hại ai. Ông khinh những gì luồn lọt, gian trá”.

Nhà thơ Trần Dần


Và quả thật người thơ ấy đã tạc vào cuộc đời một nỗi niềm bi phẫn cao cả : Tôi khóc những chân trời không có người bay Lại khóc những người bay không có chân trời

Giờ đây, đọc lại những tác phẩm của bốn nhà văn từng bị bầm giập nói trên mới thấu hiểu được ý nghĩa của việc trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho họ, đã vượt xa hơn nhiều, cao hơn rất nhiều, chuyện đánh giá sự đóng góp của họ về văn chương! Liệu đây có phải là sự lặp lại tâm trạng của Nguyễn Trãi với Tô Đông Pha : “Cổ kim thức tự đa ưu hoạn”? Hay lại là sự khái quát cái quy luật muôn đời “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật” mà nhà văn hóa lớn, người anh hùng dân tộc thế kỷ XV đã tiên đoán, nhưng rồi vẫn phải gánh chịu. Phải chăng đây là sự ghi nhận một thái độ trở về lại với sự thật, tôn trọng và nhìn thẳng vào sự thật, một ứng xử chính trị nhằm khẳng định một cách nhìn mới, một tư duy mới mở đường cho phát triển trong thời đoạn lịch sử mới? Đây không chỉ là chuyện “Đoạn trường sổ rút tên ra, Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau” đối với bốn nhà thơ, trong đó hai đã không còn cơ hội đón Giải thưởng nữa. Đây là bước đầu của sự sòng phẳng với những sai lầm của quá khứ. Vì, cần phải có sự sòng phẳng với quá khứ, mới tạo dựng được niềm tin đối với hiện tại, và có sức mạnh hướng tới tương lai.

Trong hành trình của đất nước, không sao tránh khỏi những bước gập ghênh, thậm chí những vấp ngã, những bước thụt lùi. Vấn đề là biết từ những gập ghềnh, những vấp ngã và những bước thụt lùi đó mà rút ra bài học để đi tới. Thông thường, người ta thich cứ lẳng lặng mà làm lành những vết thương, không muốn ai xát muối vào những nỗi đau của qúa khứ. Song, không dám nhìn thẳng vào sai lầm, công khai thừa nhận sai lầm, sòng phẳng với những nguyên nhân đẩy tới những sai lầm ấy, sẽ không có đủ nghị lực và sức mạnh để sửa chữa sai lầm đã qua, và biết cách tránh những sai lầm có thể xảy đến. Bản lĩnh dám nhìn thẳng vào những sai lầm của quá khứ , sòng phẳng với lịch sử, là bản lĩnh của người biết làm chủ hiện tại và vững tin vào tương lai. Phải chăng một chân trời mới của hội nhập và phát triển, cũng là chân trời của khát vọng dân chủ và tự do trong sáng tạo để góp phần đưa dân tộc bứt lên khi vận nước đang đến? Liệu có quá sớm để nói rằng đã đến lúc, “không phải khóc” những chân trời không có người bay, những người bay không có chân trời?Dù sao, cứ đi theo những dòng sông thì sẽ dẫn đến biển. Làm sao sống mà không hy vọng?

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Những đoản khúc Lê Đạt

    15/12/2018Nhà phê bình Phạm Xuân NguyênNgười “phu chữ” Lê Đạt đã dừng chân trên công trường chữ sản xuất thơ ca. Trong “bộ tứ” nhà thơ thường được nhắc đến của thời Nhân Văn – Giai Phẩm, ông là người ra đi thứ ba, sau Phùng Quán, Trần Dần. Cả bốn ông rồi ra đều được trao tặng giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật...
  • Về cái thời chúng ta đang sống

    14/07/2017Phong LêCái thời ấy thế mà cũng đã hơn 20 năm, trong tên gọi Đổi mới. Dài hơn hai lần chống Pháp. Dài hơn hai lần cả nước chống Mỹ. Hơn hai thập niên đất nước chia cắt... Những thời ấy, có lúc là ngàn cân treo sợi tóc - nhưng cả dân tộc cùng chung lo, cùng chịu đựng, cùng nhất tề xông lên, nhất tề đồng khởi... Còn bây giờ - là trăm mối lo toan. Mỗi biến động lớn nhỏ của đời diễn ra ở quanh ta, hoặc ở bất cứ nơi nào trên thế giới là trực tiếp đến với từng ngôi nhà, từng căn hộ, từng cá nhân riêng lẻ. Không bom đạn trên đầu, mà bối rối trong óc và bồn chồn trong lòng. Một cuộc sống sôi sục, cựa quậy trong những chuyển đổi.
  • Chúng ta chưa có con ngựa văn hóa để cưỡi

    09/07/2017Nguyễn Trần BạtHiện tượng bùng nổ do những trạng thái phát triển mới về tự do không phải là hiện tượng chỉ có ở Việt Nam. Thời kỳ Phục hưng, thời kỳ Khai sáng là những thời kỳ làm bùng nổ rất nhiều tài năng. Những trạng thái bùng nổ tinh thần tạo ra sự bùng nổ các tài năng là một hiện tượng có thật. Ở Việt Nam cũng có nhiều lúc như vậy....
  • Tại sao văn học Việt Nam tụt hậu?

    30/12/2016Triệu Từ TruyềnVai trò nhà cầm quyền rất lớn để tạo ra môi trường cho văn thi sĩ sáng tạo. Ngay dưới chế độ phong kiến hà khắc, cũng có nhiều vị hoàng đế ý thức được chính sách này. Dưới thời Napoléon đệ tam, Victor Hugo quyết liệt chống hoàng đế với những lời lẽ miệt thị cùng cực, nhưng ông vẫn được Napoléon III ân xá, dù dứt khoát không thoả hiệp, khi mất Victor Hugo vẫn được tổ chức quốc tang trong điện Panthéon. Rõ ràng chưa có chế độ nào vì chủ trương tự do sáng tác mà bị suy yếu, hay sụp đổ…
  • Không gian mới của trí thức

    25/09/2015Huy Đức - Mỹ Lệ lược thuậtNhà văn Nguyên Ngọc, Nhà sử học Dương Trung Quốc, Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên, cùng với Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa đã gặp mặt đầu năm 2008 cùng Sài Gòn tiếp thị, để từ những sự kiện văn hóa diễn ra gần đây, nghĩ về vai trò của trí thức...
  • Kiến thức cần can đảm

    06/09/2013Trần Đình HoànhKhi nói đến thu thập và phát triển kiến thức, chúng ta nói nhiều đến trải nghiệm, đọc sách, suy tư, trao đổi, thảo luận… Chẳng bao giờ nghe ai nói đến cái thứ nghe ra chẳng ăn nhập gì đến kiến thức như là … can đảm cả. Cái gì? Can đảm? Can đảm mà ăn nhập gì đến kiến thức? Chẳng lẽ cao bồi đấu súng không sợ chết thì có kiến thức cùng mình hay sao?
  • Nén nhang muộn cho Nguyễn Khải

    19/07/2011Nhà văn Tạ Duy AnhNhưng cái được lớn nhất là lần đầu tiên ông dám sòng phẳng với chính mình. Ông đã dám nói ra một số sự thật liên quan đến việc viết lách, đến những trang văn nhem nhuốc viết theo đơn đặt hàng, đến cái danh hão mình đang mang. Phải ở một tầm nào đó mới có đủ khả năng tự giễu cợt mình, giễu luôn cả cái thứ gọi là văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa chết đồng loạt trên toàn hệ thống; ông đã dám công khai xin lỗi nhà văn Vũ Bão – một việc tưởng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được như ông đã làm...
  • Một vài điều ít được nhắc lại về nhà phê bình Trương Tửu

    08/01/2010Phan NgọcNăm nay (2008), chúng ta chính thức tổ chức kỷ niệm 95 năm ngày sinh của giáo sư Trương Tửu. Nhân dịp này, tôi xin nhắc lại một vài điểm gần như không ai nhắc đến, nhưng lại rất cần thiết để hiểu giáo sư cũng như phong trào “Nhân văn”, trong đó giáo sư là một nhân vật chủ chốt.
  • Tiếp cận quá trình hiện đại hoá văn hoá Việt Nam từ góc độ chủ nghĩa cá nhân “văn hoá”

    26/10/2009Hoàng Ngọc HiếnCái mà chúng tôi gọi là chủ nghĩa cá nhân “văn hoá” không có liên quan gì đến chủ nghĩa cá nhân “đạo đức học”: đó là ý thức của cá nhân về cá tính và bản lĩnh riêng của mình, đặc biệt nó thể hiện ở “ lòng tin “của cá nhân vào “giá trị của ý kiến riêng của mình” cũng như giá trị những hình thức diễn đạt nó lựa chọn và sáng tạo, tóm lại đó là lòng tin của cá nhân vào bảng giá trị của nó (thuộc mọi lĩnh vực chính trị, mỹ học, đạo đức…).
  • Đường chữ

    01/05/2008Nhà thơ Lê ĐạtCâu thơ khổ tu xí xoá nợ luân hồi Sau Nhân Văn, tôi vẫn tiếp tục…
    Nhân Văn chỉ là một chặng chứ không phải toàn bộ Đường chữ của Lê Đạt...
  • Nhà thơ Lê Đạt: Người lạc quan ngoan cố

    20/03/2008Sưu tầmSau hơn một tháng rét đậm, rét hại kỷ lục thế kỷ, Ngày Thơ Việt Nam 2008 bỗng rực nắng bất ngờ, như một minh chứng cho sức sống vượt mọi thử thách của thơ Việt. Minh chứng thứ hai, lão tướng thơ Lê Đạt, chân bước cà nhắc vào tuổi bát tuần, vẫn có mặt làm rộn một góc sân Văn Miếu - Hà Nội với tiếng cười "lạc quan” ngoan cố rất đặc trưng...
  • Trò chuyện với nhà thơ Lão Thực

    09/12/2006Vũ Ngọc TiếnCó một thời ấu trĩ, hễ ai nhắc đến Hiện sinh còn bị chuốc vạ vào thân, đã kìm hãm sự phát triển văn học Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ XX. Đáng tiếc, bước vào đổi mới, có một số người, để tỏ ra mình cấp tiến hơn các bạn viết, đã cố gồng cây bút lên cho có vẻ Hiện sinh, mà có khi Hiện sinh là gì họ còn chưa hiểu hết, sách Hiện sinh chắc gì đã đọc cho nghiêm túc. Ngược lại, có không ít người lại tỏ ra dị ứng, ác cảm với Hiện sinh. Triết học nào lập ra cũng vì con người, hướng dẫn con người đi tìm đến cội nguồn của hạnh phúc...
  • Trực diện với Văn học Việt Nam thế kỷ XX

    01/12/2005Nguyễn HoàBị hấp dẫn bởi tên gọi Văn học Việt Nam thế kỷ XX, tôi đã đọc cuốn sách với hy vọng được mở mang tầm nhìn, được bổ sung tri thức, được giúp lý giải các hiện tượng, các vấn đề lý luận - thực tiễn của văn chương - văn học dân tộc trong thế kỷ XX. Tiếc thay càng đọc thì nỗi thất vọng lại càng lớn dần...
  • xem toàn bộ