Một vài điều ít được nhắc lại về nhà phê bình Trương Tửu

11:19 SA @ Thứ Sáu - 08 Tháng Giêng, 2010

Năm nay (2008), chúng ta chính thức tổ chức kỷ niệm 95 năm ngày sinh của giáo sư Trương Tửu. Nhân dịp này, tôi xin nhắc lại một vài điểm gần như không ai nhắc đến, nhưng lại rất cần thiết để hiểu giáo sư cũng như phong trào “Nhân văn”, trong đó giáo sư là một nhân vật chủ chốt. Tôi tự nhận mình là người thân của giáo sư. Vì giáo sư chỉ hơn tôi có 13 tuổi, lại cũng “mất quyền dạy học” như tôi, nên tôi xin phép dùng chữ “anh”, danh từ thường dùng trong gia đình. Người Việt Nam thích gọi nhau bằng những danh từ thường dùng trong gia đình.

Trước tiên, xin nhắc lại một vài điểm đã được Kiều Mai Sơn nhắc đến trong bài “Kỷ niệm 95 năm ngày sinh của GS Nhà văn Trương Tửu (1913 - 2008)” với nhan đề “GS Trương Tửu: người đào tạo số mệnh của chính mình”.

Trương Tửu sinh năm 1913, học tiểu học và trung học ở trường tư thục Trương Minh Sang. Rồi vào trường kỹ nghệ thực hành học nghề thợ tiện ở Hải Phòng. Bị đuổi học vì tham gia phong trào đòi dân chủ. Từ đó tham gia phong trào Bình dân. Bị treo bút khi làm chủ bút tuần báo Quốc gia khuynh tả chống vua Bảo Đại. Trở thành nhà báo và nhà phê bình văn học từ năm 1931.

Tôi xin nói đến quan hệ giữa Trương Tửu với báo Phong hóa, Ngày nay và Tự Lực văn đoàn. Không phải ngẫu nhiên Trương Tửu là kẻ chống lại Phong hóa, Ngày nay, tờ báo có thể nói có ảnh hưởng lớn tới văn hóa Việt Nam, đặc biệt tới thế hệ chúng tôi. Tờ báo này và xu hướng văn học của nó là thiên hẳn về cá nhân luận. Ảnh hưởng văn học của nó là to lớn khi các tiểu thuyết và phong trào thơ mới mà nó đề xướng đề cao phân tích tâm lý, một ngôn ngữ giản dị ai đọc cũng hiểu, rất ít ảnh hưởng từ chương học cổ (đối xứng, điển cố). Cái cá nhân luận của nó khi đề cao ý thức cá nhân đối với xã hội, gia đình là có giá trị nhất định. Nhưng không làm gì có một cá nhân luận trống không, mà cá nhân luận là để làm gì, phục vụ ai. Rất tiếc phong trào văn hóa của nó chủ trương chống đối mọi đặc điểm của văn hóa cũ để theo văn hóa phương Tây. Lúc đó, nó là chủ nghĩa cá nhân, vì nó bỏ quên xã hội và đất nước. Người tiêu biểu cho nó là Nguyễn Tường Tam, bút danh Nhất Linh. Trong một bài viết trên tờ Phong hóa, tuy không nhớ chi tiết nhưng tôi nhớ nội dung, Nhất Linh nói: “Tuy văn hóa cũ đập vào mắt chúng ta nhưng chúng ta không thể hài lòng về nó. Chúng ta chỉ còn cách nhìn vào văn hóa phương Tây. Chúng ta chưa biết tương lai sẽ thế nào, nhưng số phận chúng ta là đi con đường chưa được xác định, là hy vọng và thay đổi”.

Quyển tiểu thuyết tiêu biểu cho phong trào này là quyển “Đoạn tuyệt” của Nhất Linh. Loan, một cô gái theo tư tưởng mới, bắt buộc phải lấy một người mình không thể yêu. Tiểu thuyết trình bày những phản ứng của Loan trước những tệ hại của gia đình theo lối cũ: việc bắt trẻ em uống tàn hương nước thải, việc dùng một cành dâu non để xua đuổi tà khí gây bệnh cho đứa trẻ. Những xung đột gia đình giữa Loan và người chồng vũ phu đánh đập nàng cuối cùng dẫn tới một vụ ngộ sát. Ông chồng trong khi đánh đập vợ bị mất thăng bằng ngã vào con dao rọc giấy Loan cầm ở tay để đọc truyện và bị đâm thủng tim rồi chết. Loan bị đưa ra tòa án và được trắng án nhờ sự can thiệp của luật sư bào chữa. Ông này nói trắng ra chế độ gia đình trước đây là chế độ nô lệ và nó phải sụp đổ.

Nhiều tác phẩm của Nhất Linh và Khái Hưng tập trung vào việc chống lại các hủ tục của gia đình truyền thống như việc bắt con gái chết chồng phải ở góa suốt đời, việc tranh giành gia tài trong một gia đình giàu có v.v... Những phê phán ấy là có lý, và nó đã góp phần gây ảnh hưởng quan trọng về văn học của nhóm này.

Nhưng có hai điều mà nhóm này bỏ quên. Thứ nhất, chính gia đình với sự gắn bó của nó với họ hàng, làng xã và Tổ quốc là nền tảng của nền độc lập Việt Nam trên một ngàn năm từ năm 939 khi nhà Đường phải thừa nhận đến năm 1859 khi thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn, không kể thời gian 20 năm ngắn ngủi 1407-1427 bị quân Minh đô hộ. Việc Việt Nam mất nước không phải do lỗi của gia đình mà là lỗi của chính quyền nhà Nguyễn không biết gì về cái thế giới phương Tây khi nó đã đi con đường xâm lược theo sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Điều thứ hai là dưới chế độ thực dân Pháp, không thể nào nói đến văn hóa mà không nói đến trách nhiệm. Dĩ nhiên, dưới thời Pháp thuộc không thể nào nói đến chuyện chống thực dân được. Nhưng trách nhiệm trước quần chúng lao động thì có thể bỏ qua được không để chỉ nói đến sự hưởng thụ của cá nhân? Tiếc là các nhà văn của Tự lực văn đoàn bỏ qua điều này, không nói đến nó. Một khi đã như vậy, thì các cá nhân thoát khỏi ràng buộc gia đình sẽ chạy vào trụy lạc, hưởng thụ và rơi vào chủ nghĩa cá nhân. Đó là điều các nhà văn này không thể tránh khỏi. Mặt khác, dù chống gia đình kiểu cũ, họ vẫn không thoát khỏi nó. Đó là trường hợp của nhân vật chính trong “Gia đình” của Khái Hưng. Dù rất ghét con đường làm quan, cuối cùng nhân vật này vẫn phải làm quan, vì họ bên nội, bên ngoại thúc ép, và thực tế anh ta không thể sống cách nào khác được. Thái độ coi khinh nông dân của Tự Lực văn đoàn là đáng trách, nhất là sau khi Xô viết Nghệ Tĩnh đã chứng minh nông dân là một sức mạnh quan trọng như thế nào và nếu được lãnh đạo đúng đắn thì những người ấy sẽ góp phần tạo nên lịch sử chứ không phải những người cá nhân chủ nghĩa chạy theo văn hóa Pháp của Tự Lực văn đoàn.

Không phải ngẫu nhiên mà Lê Văn Trương khi viết tác phẩm chính của mình là “Một người” có viết lời đề tặng “Tặng anh Trương Tửu”. Trương Tửu yêu cầu trách nhiệm. Dĩ nhiên, dưới thời Pháp thuộc làm sao có thể nói đến trách nhiệm chống Pháp? Câu chuyện trách nhiệm bị thu hẹp lại thành trách nhiệm với những người lao động quanh mình. Tôi có hỏi anh lý do. Anh bảo quyển tiểu thuyết này có nhiều điểm lấy ở cuộc đời của anh và tình yêu của anh. Nhưng anh không chịu nói thêm. Lê Văn Trương thích anh về cái nhìn “trách nhiệm”. Hai người đều bị Tự Lực văn đoàn phê phán trong câu quen thuộc “Tên anh nọ (chữ Trương trong Lê Văn Trương), họ anh này (chữ Trương trong Trương Tửu)”. Nguyễn Công Hoan cũng đi con đường ấy và quyển “Cô giáo Minh” viết ra để chống lại “Đoạn tuyệt” đã bị Nhất Linh kiện là “ăn cắp văn”. Nhưng Nguyễn Công Hoan xét đến trách nhiệm của một cô giáo với nhiều người chứ không bó hẹp vào những sở thích cá nhân.

Chính nhờ những công trình của Trương Tửu, Nguyễn Công Hoan và những nhà phê bình khác như Thiếu Sơn, thế hệ chúng tôi bắt đầu có cách đánh giá đúng mực hơn về Phong hóa, Ngày nay và bắt đầu chú ý đến những tác phẩm đi con đường mác-xít.

Câu chuyện “Nhân văn - Giai phẩm” trong đó có nhóm giảng dạy 5 người (Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Phan Ngọc) tham gia đã bị trình bày không sát. Tôi thấy cần phải nhắc lại sự thực.

Stalin (bí danh với nghĩa là “con người thép”) chết vào tháng 3 năm 1953. Ba năm sau, trong đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, Khơ-rút-sốp tố cáo ông đã thi hành một chính sách đàn áp, khủng bố, xuyên tạc lịch sử và tự đề cao mình. Tất cả chúng tôi đều đọc báo cáo này say mê và liên hệ nó với những điều quá đáng trong cải cách ruộng đất. Sau đó, chúng tôi còn đọc bài “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” của Chu Dương[1] và hy vọng vào cuộc đổi mới. Do đó, các anh Trần Đức Thảo, Trương Tửu, thầy Đào Duy Anh, GS Nguyễn Mạnh Tường có viết một số bài về hướng này. Thực tình không ai nghĩ đến chuyện chống Đảng cả. Bài tôi viết “Văn học và tuyên truyền” nói tác dụng to lớn của văn học về mặt tuyên truyền nhưng tự nó khác tuyên truyền vì nó phải dành chỗ cho người đọc tự mình suy nghĩ. Bài này không đăng. Tình hình thực tế là thế. Không ngờ đây là một biện pháp của Mao Trạch Đông nhằm xúi giục trí thức Trung Hoa nói thẳng ý nghĩ của họ để trừng trị cho có cơ sở. Nhưng đường lối cách mạng Việt Nam nhẹ tay hơn: không ai bị giết, chỉ bị thôi việc. Tôi vẫn ở lại làm việc nhưng chuyển từ nghiên cứu sang phiên dịch cho đến khi về hưu năm 2000 khi tôi 75 tuổi.

Tôi còn nhớ rõ hôm GS Trương Tửu bị phê bình và cách chức. Tôi thấy anh đi ra thản nhiên. Lòng tôi tự hỏi: “Anh làm cách nào để sống đây!”. Tôi có nghề phiên dịch sẽ sống bằng nghề này, một nghề có thể nói không động chạm tới chính trị. Còn anh thì làm thế nào để sống?

Sau này, tôi đến nhà anh ở 53 Hàng Gà, thấy anh đã thành một chuyên gia châm cứu nổi tiếng. Tôi hỏi anh làm thế nào mà anh thạo châm cứu như vậy? Anh bảo anh học châm cứu lúc đầu để chữa bệnh cho mình, sau đọc sách, học các lương y mà trở thành nhà châm cứu thực sự.

Điều cần nói đến là tuy số người bị kỷ luật về tội “xét lại” khá đông nhưng không có ai bỏ Đảng và dân tộc. Mọi người chấp nhận khó khăn, chăm chỉ làm việc. Chẳng ai chống lại Đảng và dân tộc. Trong lúc đó, có người chê bai chúng tôi nhưng sau lại chê bai cả đường lối cứu nước của Đảng và dân tộc một khi có dịp rời khỏi nước.

Bây giờ, tôi xin phép nói đến đường lối nghiên cứu của anh với tư cách nhà phê bình văn học. Người Trung Quốc và người Việt Nam đều say mê văn chương phần nào hơn người phương Tây. Chế độ thi cử xưa chỉ thu hẹp vào văn chương không mảy may nói đến một môn học nào nữa như toán, ngoại ngữ mà ngay việc thi bằng sơ học ngày nay đã phải có. Mà nội dung của văn chương là chuyện thời xưa, không phải chuyện ngày nay. Còn cái gọi là bình luận thì chỉ dựa theo ấn tượng hoàn toàn chủ quan của người viết. Ngày xưa có câu “Văn chương tự cổ vô bằng cứ” tức là “văn chương từ xưa đã chẳng có bằng cứ nào hết”. Phê bình là một bộ phận của văn chương, và nó thực sự chỉ là văn chương, và nhà phê bình chỉ nêu lên những ấn tượng chủ quan của mình không cần bằng chứng. Tôi chỉ xin dẫn trường hợp “Truyện Kiều”. Có hàng trăm bài viết về tác phẩm này đọc thường là thú vị nhưng ngoài một vài hiểu biết về cuộc đời của Nguyễn Du, chẳng ai biết gì hơn về phong cách, cách viết, kinh nghiệm viết, tất cả những chuyện tôi gọi là thao tác.

Còn Trương Tửu thì khác. Anh đòi hỏi tác phẩm phải có ích cho công việc hiện nay. Với một dân tộc yêu nước như Việt Nam thì điều cần thiết là cách cứu nước. Nhưng làm sao có thể nói điều đó dưới thời Pháp thuộc? Cho nên anh phải nói loanh quanh. Tôi xin phép lấy những tác phẩm anh viết về Nguyễn Du làm bằng chứng. Anh có viết ba công trình về “Truyện Kiều”: “Nguyễn Du và Truyện Kiều” (1940), “Văn chương truyện Kiều” (1944), “Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du” (1956). Nhân đây, tôi xin nói đến cách học chủ nghĩa Mác của anh, vì không những lối trình bày là của Mác, mà các cách lập luận của anh là dựa vào cách hiểu của anh về chủ nghĩa Mác, để lý giải những điều nhiều khi trái ngược nhau ở nhà phê bình này.

Trương Tửu tự mình học chủ nghĩa Mác, không phải theo một truyền thống có sẵn. Anh đòi hỏi một tác phẩm văn học phải có ích. Khi anh nhận thấy có một xu hướng chạy quá đáng vào văn chương bỏ quên trách nhiệm (dĩ nhiên, dưới thời Pháp thuộc làm sao có thể nói đến trách nhiệm đối với đất nước được) thì anh chống lại, bất chấp ảnh hưởng và giá trị thực tế về văn học của tác phẩm. Đó là lý do tại sao anh chống lại “Truyện Kiều”. Điều này anh nói công khai trong “Văn chương Truyện Kiều”. Cũng phải đánh giá việc anh bênh vực “nhà nho tài tử” ở Nguyễn Công Trứ. Đằng sau việc nêu lên cái tài trong khái niệm “tài tử” là tình trạng thấy mình vô dụng, không có điều kiện đưa cái tài sẵn có ra giúp dân cứu nước như trường hợp Nguyễn Công Trứ trước họa xâm lược.

Sau khi cách mạng thành công, anh nhận thấy sự thiếu sót, hời hợt của mình trong việc đánh giá văn học. Anh tự phê phán mình trong quyển “Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du”, và đây chính là thực tâm. Trên con đường khảo sát, nghiên cứu, anh thường cực đoan, nhưng anh không mưu lợi cho mình. Anh đúng là nhà phê bình văn học đầu tiên của Việt Nam mà tôi biết được không đi con đường văn chương mà đi con đường phục vụ, tuy chữ này phải hiểu ngầm và dễ vấp váp, như chính anh đã vấp váp.

Vì đi con đường tự mình xoay xở nên anh không đi theo con đường có sẵn do lý luận của Stalin đưa ra, hay do các Đảng Cộng sản nêu lên, và bị ngờ là theo Trotsky. Câu chuyện đường lối Stalin rồi đường lối Mao Trạch Đông hiện nay đã bị vượt qua. Thế giới ngày nay đã đi con đường hậu công nghiệp, giao tiếp toàn nhân loại, cho nên chuyện anh Tửu có phải là theo Trotsky hay không cũng không cần nói đến. Việt Nam đã có đường lối Hồ Chí Minh của mình.

Bây giờ nói đến cách dạy học của anh. Tôi biết rõ điều này vì tôi đã từng làm trợ lý cho anh ở Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp. Cách trình bày văn học của anh khác cách trình bày của phần lớn các giáo sư. Nhìn chung, các giáo sư không nêu ngay các kết luận mà đưa ra những nhận xét và chứng minh sức thuyết phục và tính đúng đắn của nhận xét. Còn anh khi dạy anh nêu lên một loạt tiên đề, rồi sau đó áp dụng cho từng tác giả. Anh thiên về phương pháp làm việc. Học sinh có quyền đưa ra những kết luận khác. Nhưng văn học từ nay có bằng cứ, không phải là văn chương chỉ dựa vào trình độ nhạy cảm của người trình bày.

Tôi nhận thấy anh rất được sinh viên thích học vì cách anh đánh giá văn học có cơ sở hơn. Còn việc đúng sai là thuộc trình độ học vấn của từng người, làm sao có thể quyết định trước được?

Giờ tôi nói đến thái độ của anh đối với vụ kỷ luật để khẳng định sự gắn bó của anh với Đảng và Tổ quốc.

Trước khi anh mất ba tháng, anh có gọi điện thoại cho tôi bảo vợ chồng tôi đến nhà anh vì anh đang ốm. Hai vợ chồng tôi đến. Anh hỏi tôi:

− Có một điều tôi thắc mắc là tại sao nhiều cậu chỉ nói đôi câu mà bị giam. Còn tôi tranh cãi rõ ràng, viết nhiều bài báo mà lại không bị giam?

Tôi đáp:

− Đó là vì bọn mình là dân ngoài Đảng. Dân trong Đảng phạm sai lầm là chống Đảng nên bị tội nặng. Còn bọn chúng mình có sai lầm là vì ngu dốt, bướng bỉnh. Anh xem có anh ngoài Đảng nào vì chống Đảng mà bị tù đâu?

Anh nói tiếp:

− Một anh bạn bảo mình: Thực là may khi Bác Hồ không nói một câu nào chống Nhân văn cả. Nếu không bọn mình đều bị tù hết.

Tôi nói thêm:

− Cả anh Văn (Võ Nguyên Giáp) nữa cũng thế.

Tôi nói điều này có căn cứ. Ngày Bác đến thăm trường Tổng hợp, tôi đứng bên cạnh. Có tiếng xôn xao: “Nhân văn! Nhân văn!”. Ý giục Bác nói về “Nhân văn”. Nhưng Bác không nói, chỉ nói trách nhiệm ở trường Đại học là phải học cho chu đáo. Tôi phải nói điều này vì vào lúc đó Việt Nam phải dựa vào sự giúp đỡ về vũ khí của Trung Hoa và phải nín nhịn. Ở nhà anh Văn treo một bức trướng to tướng chỉ viết một chữ “nhẫn” (nín nhịn). Các vị lãnh đạo của ta trong những hòan cảnh nhất định đều phải nín nhịn. Đã theo cách mạng, có nhiều lúc phải nín nhịn. Việc làm khoa học cũng thế.

Anh nói tiếp:

− Gần đây nhiều người yêu cầu tôi viết vì thời đại quan liêu bao cấp đã hết. Nhưng giờ tôi yếu lắm, trí nhớ kém sút, không thể viết được.

Tôi thấy cần nhắc đến chuyện này để bạn đọc hiểu tâm trạng những người bị xem là Nhân văn. Vì hầu hết đã qua đời nên nhân dịp này tôi trình bày một vài chuyện có thực. Dĩ nhiên là không phải để cầu xin điều gì, vì điều mơ ước là nước độc lập, thống nhất đã được thực hiện. Còn việc làm cho “nước giàu, dân mạnh, xã hội công bằng, phát triển, văn minh” còn đang tiến hành. Dù khó khăn đến đâu các kinh nghiệm thành công trong giai đoạn trước sẽ hết sức bổ ích cho giai đoạn sau./.

[1] “Trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng” của Chu Dương: chỗ này có thể ông Phan Ngọc nhớ lầm; thực tế đây là chủ trương do Trung ương ĐCS Trung Quốc đề xướng, giao cho Lục Định Nhất (chứ không phải Chu Dương) phát ngôn. Ở Việt Nam đương thời, bài viết của Lục Định Nhất với nhan đề nói trên (bản chữ Hoa đăng “Nhân dân nhật báo” Bắc Kinh) đã được trích dịch và đăng trên báo “Văn nghệ” số 134 ra ngày 16/8/1956, và được dịch đăng toàn văn trên báo “Nhân dân” ngày 30/9/1956 (chú thích của Lại Nguyên Ân).

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Lý luận phê bình văn học của Phạm Quỳnh

    21/04/2009Thạc sĩ Trần Văn ToànPhạm Quỳnh chính là tác gia lí luận và phê bình quan trọng nhất của văn học giao thời, và vì thế cũng là một trong những người mở đầu cho loại hình người viết lí luận và phê bình trong tiến trình lịch sử văn học nước nhà. Sau ông, chỉ mãi đến 1929 ta mới thấy xuất hiện Phan Khôi, Trịnh Đình Rư nhưng những cây bút thực sự chuyên sâu - chuyên nghiệp thì phải tính từ mốc 1931 với Thiếu Sơn và sau đó là một loạt những gương mặt của Lê Thanh, Trương Tửu, Thái Phỉ, Hoài Thanh, Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan... Đó là một thực tế mà độ lùi của thời gian đã giúp ta có được sự điềm tĩnh cần thiết để có được một thức nhận và biện giải thật sự khách quan.
  • Đặc điểm phê bình văn học Việt Nam - nhìn từ gốc độ tiếp nhận

    18/11/2006Đỗ Lai ThúyXã hội Việt Nam đã và đang hiện đại hóa, nên văn học Việt Nam không thể dẫm chân mãi trong vũng cổ truyền mà không hiện đại hóa. Và, thực tế, hơn một thế kỷ qua, nó cũng đã và đang hiện đại hóa...