Muốn có mỹ hiệu "tiến sĩ", cứ nộp đơn thi Hội, thi Đình

09:10 SA @ Thứ Ba - 29 Tháng Mười Hai, 2009

Những nhà khoa học nào muốn nhảy sang làm cán bộ quản lý hành chính, để có những mỹ hiệu “tiến sĩ”, thì cũng có thể nộp đơn xin dự thi Hội, thi Đình kiểu mới, nhưng đừng về làm nhiễu các trường đại học và viện nghiên cứu nữa. - GS Bùi Trọng Liễu

Giáo dục không phải chỗ "thuận mua, vừa bán"

- Thưa GS, ông từng nói không đồng tình với đề án thi "2 trong 1", với lý lẽ là gì?

GS Bùi Trọng Liễu: Lý lẽ không nên gộp thi "2 trong 1" là như thế này:

Cái phi lý thứ nhất là gộp hai mục tiêu khác nhau: kiểm tra kết thúc Trung học phổ thông là kiểm tra sự hiểu biết về các môn "phổ thông"; tuyển học đại học là để bắt đầu học chuyên ngành (cần tuyển theo khả năng của học sinh trong một số ít môn thôi). Cái phi lý thứ nhì là đại học "tự quản" mang nghĩa gì nếu không được chọn sinh viên của mình ?

Và giải pháp theo tôi là : Nên phân biệt giữa sự công nhận trình độ kết thúc Trung học phổ thông - (thí dụ qua những kết quả khảo sát liên tục nhưng nghiêm túc trong từng năm học, rồi cho bằng chứng nhận, nhưng chớ dùng bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông làm "hộ chiếu" để ghi tên học đại học, sẽ sa lầy, vì đó là cách làm khuynh gia bại sản) - và việc thi tuyển vào đại học dưới một hình thức nào đó - (hoặc là mỗi đại học tự tuyển sinh riêng, hoặc tuyển theo một nhóm trường nào đó, theo một hình thức nào đó, miễn là đừng tuyển sinh đại học theo tiền bạc kiểu học phí cao, vì cách đó vừa trái đạo lý, vừa không có hiệu quả, trong khi con đường chấn hưng và phát triển vững bền phải là con đường của trí tuệ).

- Kinh nghiệm về vấn đề này ở Pháp là như thế nào?

Ở Pháp, bằng tú tài (baccalauréat) ra đời năm 1808, là một thứ bằng "2 trong 1": theo luật, nó vừa là bằng kết thúc trung học (định nghĩa thứ nhất), đồng thời là "bằng cấp đầu tiên của đại học", (định nghĩa thứ hai). Tuy sự thi cử được tổ chức nghiêm chỉnh nhưng vì cái định nghĩa thứ nhì kể trên, nên từ 200 năm, người có bằng tú tài Pháp được đương nhiên ghi tên vào học Université mà không phải thi tuyển gì hết. Với một số lượng sinh viên rất lớn, với trình độ không đồng đều, không ngân sách nào có thể chịu đựng nổi.

Lý do là có một số lớn sinh viên ghi tên học mà rồi học không nổi; tỉ số thi đỗ lên lớp rất thấp. Số sinh viên phải rời trường sau mấy năm lưu ban, không được phép học tiếp mà không có một mảnh bằng nào trong tay, là một con số khổng lồ. Do đó sự lãng phí thật khủng khiếp về thời gian, về nhân lực, về ngân quĩ. Trải qua nhiều thăng trầm, dù đã có những cải cách theo thời gian, nhưng 2 định nghĩa kể trên vẫn tồn tại, chính quyền tả hay hữu từ mấy chục năm rồi, muốn sửa mà không sửa được, sợ mất phiếu khi bầu cử, do sức phản kháng của vài công đoàn và hội phụ huynh, và một phần dư luận.

Cũng may cho nền giáo dục đại học của Pháp, đó là sự hiện diện của một số cơ sở giáo dục bên ngoài các Universités: đó là những cơ sở mà Pháp gọi là những "Grandes Ecoles" - tôi dùng tiếng Pháp cho khỏi lẫn lộn dưới đây, tóm tắt là những trường kỹ sư, những trường "gì đó" đã được mở bên ngoài các Universités. Các "Grandes Ecoles" tuyển sinh theo kiểu thi tuyển ở mức tú tài +2. "Đầu vào" nghiêm chỉnh, nên không lãng phí, và có phương tiện học hành đầy đủ hơn.

Nhưng đây chỉ dành cho một thiểu số sinh viên (Theo một nguồn: số sinh viên "Grandes Ecoles" chỉ chiếm 5,4% tổng số sinh viên, nhưng đạt 40% sinh viên tốt nghiệp mức tú tài +5 về các ngành khoa học kỹ thuật và quản lý kinh tế,...).

Các Universités thực sự chỉ "bảnh bao" ở cấp đào tạo tiến sĩ vì trừ một số trường hợp đặc biệt, đa số "Grandes Ecoles" không đảm nhiệm cấp này. Vì ở ta, một số người không phân biệt được Universités và Grandes Ecoles - ở ta tất cả đều gọi là "đại học" - nên có những đánh giá lẫn lộn.

"Tiến sĩ thuộc bài" và "tiến sĩ nghiên cứu"

- Hiện nay có nhiều ý kiến than phiền về trình độ ở Việt Nam, ông có ý kiến gì ?

Nhắc lại lịch sử tên gọi "tiến sĩ" và thể lệ thi hội thi đình thời Lê - (vì các đời trước, gọi là "thái học sinh"). Theo "Lịch triều hiến chương loại chí", phần "khoa mục chí" (bản dịch của Tổ biên dịch Viện sử học Việt Nam, NXB Sử học, Hà Nội 1961, trang 10):

Trích: "Thái tông, năm Thiệu Bình thứ 1 [1334] định phép thi chọn kẻ sĩ. Chiếu nói rằng: "Muốn có nhân tài, trước hết phải chọn người có học, phép chọn người có học thì thi cử là đầu.

Nước ta từ khi trải qua binh lửa, anh tài ít như lá mùa thu, tuấn sĩ thưa như sao buổi sớm. [...]. Nay định điều lệ khoa thi, hẹn tới năm Thiệu Bình thứ 5 [1438] thì thi hương ở các đạo, đến năm thứ 6 [1439] thì thi hội ở đô sảnh đường". Từ đó về sau cứ ba năm một khoa thi, đặt làm thường lệ. Ai thi đỗ đều cho là tiến sĩ xuất thân theo thứ bực khác nhau. [...]. Năm Đại Bảo thứ 3 [1442], tháng 3, thi hội, thi đình, lấy tam khôi cập đệ, lại sai soạn văn bia đề tên các tiến sĩ. Bia tiến sĩ bắt đầu có từ đấy.

Nhân tông, năm Thái hòa thứ 6 [1448], tháng 8, thi hội, thi đình. Vua thân ra văn sách hỏi về lễ nhạc hình chính, chia những người thi đỗ ra làm chính bảng và phụ bảng theo thứ bực khác nhau.

Thánh tông, năm Quang Thuận [...] thứ 7 [1466], [...] ngày 12 tháng 3, vua ngự ra cửa điện Kính thiên, ra văn sách hỏi về phép trị thiên hạ của các đế vương, lấy đỗ tiến sĩ và đồng tiến sĩ theo thứ bực khác nhau.(Hết phần trích).

Tên gọi tiến sĩ (Hán học) tồn tại đến năm 1919 (Khải Định năm thứ 4), khoa thi hội thi đình Hán học cuối cùng triều Nguyễn dưới thời Pháp thuộc; Hán học chấm dứt từ đó.

Sau đó, một số người Việt Nam sang Pháp du học, rồi làm luận án, bảo vệ để có được học vị "docteur" (trong các ngành không phải là Y). Học vị đó, vào những khoảng năm 1920, 30 trở đi được dịch là "tiến sĩ" (trong ngành Y thì dịch là "bác sĩ"), có lẽ vì với một số người Việt Nam, đó là tên gọi học vị cao nhất.

Vì trót dịch như thế rồi, thì thành ra thói quen, chứ trên thực tế, cách học, cách đào tạo, tiến hành thi cử hoàn toàn không có gì liên quan với nhau cả.

Chính bản thân tôi, năm 1975, khi tôi kiến nghị với Thủ tướng Phạm Văn Đồng việc cho lập học vị "docteur" ở trong nước, tôi cũng dùng từ "tiến sĩ", bởi vì tôi ngỡ rằng mọi người sẽ tự hiểu sự khác biệt; tôi không ngờ rằng việc lẫn lộn từ ngữ có thể gây ra những hậu quả như hiện nay.

Tôi nghi rằng ngày nay, ngay cả một số quan chức quản lý trong Bộ Giáo dục Đào tạo, và một số người Việt Nam, không biết thực chất cái học vị "docteur/doctor" là cái gì.

Để nói cho gọn - (cho thật rõ, tôi xin dùng tên gọi của Pháp) - tôi chỉ xin nói về cái bằng "docteur" ở mức tối thiểu tú tài +8 theo chuẩn châu Âu - (tuơng đương với Ph.D. của Mỹ) - chứ tôi không nói cái "doctorat d'exercice", với một tiểu luận chấm dứt một trong những ngành Y, Dược, Nha, để "hành nghề"(exercice d'un métier) mà trước đây dịch là "bác sỹ".

"Docteur" được "đào tạo qua nghiên cứu", mà kết quả là có được công trình nghiên cứu mang lại một số phát minh mới trước đây chưa từng có. Công trình nghiên cứu này được viết thành văn bản, gọi là luận án, và được bảo vệ trước một một ban giám khảo, và sau đó sự thành công này được đánh dấu bởi học vị "docteur".

Cách "đào tạo qua nghiên cứu" này, hoàn toàn khác với cách học cách thi hội thi đình thuở xưa của ta, thi hội thi đình mà trọng tâm là sự thuộc sách, khéo trả lời hợp ý người ra đầu bài. Có lẽ vì hiểu lẫn lộn, cùng một từ ngữ, nhưng hai cách khác nhau, nên mới lộn xộn như ngày nay.

- Vậy theo ông, có cách gì để làm trong sạch lại đội ngũ tiến sĩ thực sự?

Nếu muốn dùng tên gọi "tiến sĩ" để chỉ một thứ bằng cấp để chọn người quản lý hành chính trị dân, thì cứ theo định kỳ, triệu tập cán bộ sĩ tử thí sinh tại một quảng trường nào long trọng, "thi" kiểu ra đầu bài hỏi về học thuyết, lịch sử của chế độ, hỏi về đường lối đối nội đối ngoại.

Thí sinh nào viết bài trả lời hợp ý người lãnh đạo, thì lấy đỗ, và phát cho bằng "tiến sĩ", ban cho mũ áo, cho được về địa phương mở tiệc ăn mừng linh đình tùy theo mức độ khả năng. Rồi tha hồ khắc tên vào bia đá trên lưng rùa. Sau đó thì đề bạt vào những chức vụ quản lý hành chính trị dân.

Số "tiến sĩ" kiểu này nhiều ít tùy theo nhu cầu, sở thích, 2 vạn hay 20 vạn, không còn là chuyện bất khả thi nữa.

Còn thì dùng một từ khác để dịch chữ "docteur" cho các trường đại học và viện nghiên cứu. Tôi muốn đề nghị từ "đốc-tút" (từ tiếng la tinh "doctus"); từ này không hoành tráng, chắc chẳng mấy ai ham. Như vậy các trường đại học và viện nghiên cứu nghiêm chỉnh có thể thanh thản, "đào tạo qua nghiên cứu", có được những nhân sự trong mọi ngành chuyên môn cần thiết cho sự tồn tại và sự phát triển của đất nước.

Chỉ cần Nhà nước đài thọ tài chính đầy đủ hợp lý cho ngân quĩ các trường đại học và viện nghiên cứu công lập, cho nhà giáo/nhà nghiên cứu đủ sống để hành nghề một cách nghiêm chỉnh, để họ tự điều khiển trong lĩnh vực chuyên môn của họ trong các đại học và viện nghiên cứu, trình độ giáo dục đại học và nghiên cứu tự nó sẽ được cải thiện.

Tất nhiên, những nhà khoa học nào muốn nhảy sang làm cán bộ quản lý hành chính, để có những mỹ hiệu "tiến sĩ", thì cũng có thể nộp đơn xin dự thi Hội thi Đình kiểu mới nói trên, nhưng đừng về làm nhiễu các trường đại học và viện nghiên cứu nữa.

Như vậy chế độ sẽ có khả năng vững bền, mà đất nước cũng tiếp tục tồn tại.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Một góc nhìn khác về bằng cấp

    22/03/2016Tạ Thị Ngọc ThảoCó nhiều nguyên nhân khiến người ta không thể tìm đến trường để học: không trang trải nổi chi phí học tập, bận nuôi sống bản thân mình và lo cho nhiều người khác... Nhưng cũng có những người sau khi làm bài toán so sánh họ chọn con đường tự học, tự đào tạo. Theo họ, lợi ích thu được từ việc đến trường không bằng cơ hội, thời gian, tiền bạc… mà họ phải mất đi....
  • Tại sao trình độ ở VN thấp hơn ở các nước khác?

    14/12/2015Những nguyên nhân thực tế bắt nguồn từ cách giáo dục. Hy vọng từ đó chúng ta rút được ít nhiều kinh nghiệm.
  • Năng lực và bằng cấp - Chuyện của ông thợ mộc và thợ cơ khí

    13/09/2009Xuân AnNhân dịp khai giảng năm học mới 2009 - 2010, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc trả lời trực tuyến về các vấn đề liên quan đến giáo dục nước ta hiện nay. Một trong những câu nói của ông được báo chí khai thác nhiều: "Năng lực thực sự bước vào đời mới là vốn quý...". Nhân câu nói của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, tôi xin đưa ra một số dẫn chứng thực tế mà tôi đã trải qua liên quan đến vấn đề năng lực & bằng cấp ở nước ta.
  • Những kịch bản thất thoát người tài

    12/06/2007Hải AnNhân tài là nguyên khí quốc gia. Thật đau lòng khi thấy đất nước, dân tộc đang để tuột khỏi tay những tài nguyên vô giá...
  • Để tạo nhân tài hay đào tạo người biết việc?

    25/09/2006Bùi Trọng LiễuMới đây, tôi thấy một số người dùng cụm từ “đào tạo nhân tài". Đằng sau từ ngừ còn có khái niệm, quyết tâm va cách tiến hành. Vì thế nên tôi đã tìm tra từ điển, rồi lại hỏi thăm đồng nghiệp trong và ngoài nước về ý nghĩa của cụm từ đó, rốt cục cũng chẳng ai giải thích được cho thỏa đáng. Tôi đành thử "đoán" và viết mấy dòng này như những câu hỏi cần được nêu.
  • Bảo vệ tiến sĩ - thi cử hay ăn mừng?

    30/07/2006GS. Lê Viết LyViệc bảo vệ Tiến sĩ ở nước ta nến được cải tiến theo hướng thiết thực, đểnhận biết được năng lực thựcsự của nghiên cứu sinh, tránh được tính hình thức...
  • Có nên sưu tầm bằng cấp?

    14/07/2006Lê Ngân (Careers)Nhiều người mới tốt nghiệp đã nhanh chóng vỡ mộng vì cuộc sống đi làm, họ thấy mình không đi đến đâu, chán ngán với công việc, buồn chán với những quy định cơ quan, và nghĩ rằng cách duy nhất để cải thiện hoàn cảnh đó là đi học...
  • Cơn khát bằng cấp, học hàm, học vị

    14/11/2005GS. Hồ Ngọc ĐạiNhân loại đang cơn khát tư hữu và cơn khát quyền lực. Cơn khát ấy là chuyện tất nhiên, nó thế là nó thế, không nên đặt ra vấn đề tốt xấu, sang hèn (mà có chăng thì chỉ ở cách thức thỏa mãn thôi)...
  • Chúng ta muốn gì?

    18/10/2005Xuân DungĐồng hành với sự thay đổi về vai trò của bằng cấp (chứ không phải sự thay đổi nhận thức về vai trò của học vấn) là hàng loạt vấn đề mới về giáo dục - đào tạo: Chương trình quá nặng nhưng lại bất cập so với nhu cầu thực tiễn cải cách và tính hiệu quả của cải cách, lạm thu và tận thu tới mức chi phí giáo dục trở thành một gánh nặng mà người nghèo khó kham, dạy thêm và học thêm tràn lan, thể lực và trí lực của học sinh suy giảm…
  • Học để có kiến thức, không vì bằng cấp

    06/08/2005Tiến sĩ Phan Quốc ViệtQua cách học và cách dạy hiện nay ta có cảm tưởng rằng mục tiêu của sinh viên là học để lấy bằngvà mục tiêu của các trường cũng là dạy để cấp bằng. Thực trạng đào tạo hiện nay phản ánh khá rõ cách hiểu sai về mục tiêu đào tạo. Vì hiểu mục tiêu đào tạo là có bằng nên hiện nay các trường chỉ cố gắng cung cấp một số lượng kiến thức nhất định đủ để cấp được bằng cho sinh viên...
  • Cuộc rượt đuổi bằng cấp

    01/06/2005Ra trường thất nghiệp, chưa biết về đâu thì... làm cái cao học (nghe thật sang). Có việc rồi nhưng trốn việc, cao thủ nhất là xin cơ quan cho đi học.
    Bất mãn sếp, đi học! Thấy đứa trẻ hơn ngồi ghế trên mình, ngứa mắt, cũng đi học!
    Tóm lại, cứ bị ức chế thì nên đi học. Một công đôi việc, rất văn minh! Nhưng đi học để làm việc, hay chỉ là rượt đuổi bằng cấp?
  • Đổ xô kiếm “mác” tiến sĩ để thăng tiến

    14/01/2004Tiến sĩ là học vị cao nhất trong khoa học. Tuy nhiên, tại Việt Nam, bằng tiến sĩ “hấp dẫn” chủ yếu đang chỉ bởi tư cách là “giấy thông hành” bắt buộc cho sự thăng tiến. Số người dự định theo học sau đại học với toan tính có bằng cấp cao để dễ bề tiến thân mà không phải vì thực sự đam mê nghiên cứu khoa học ngày càng nhiều.
  • Tản mạn về mảnh bằng Ph.D

    06/12/2003Ngô Quang Hưng"Những năm gần đây có khá nhiều sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ và nhiều nước khác, bằng nhiều con đường khác nhau. Người có học bổng, chức trợ giảng (teaching assistant - TA), hoặc trợ nghiên cứu (research assistant - RA), người thì du học tự túc. Tôi không nhớ chính xác là đã đọc ở đâu đó rằng có hơn nghìn du học sinh mỗi năm sang Mỹ. Nhiều người trong số họ theo học tiến sĩ (Ph.D)." ChúngTa.com xin đăng tải vài viết của anh Ngô Quang Hưng viết trên mailling list [email protected] về vấn đề này.
  • xem toàn bộ