Một thể nghiệm dạy người thú vị

02:28 CH @ Thứ Năm - 14 Tháng Chín, 2006

TTCT - “Nghiêm túc kiểm điểm theo tinh thần nghị quyết T.Ư 2, phải nhận thấy rằng trong mấy năm qua giáo dục có phần lệch về dạy chữ, ít dạy nghề, không chú trọng dạy người” (Phạm Minh Hạc - báo Nhân Dân 9-2-1997)

Có thể nói rằng nhận xét của ông cựu bộ trưởng GD-ĐT đến nay không có gì thay đổi. Mà nói đến giáo dục thì không thể bỏ qua việc dạy người. Trường Nguyễn Thị Minh Khai từ 5-6 năm qua đã chú trọng đến khía cạnh này nên vào các kỳ hè đã mời các giáo dục viên, nhân viên xã hội, các nhà tâm lý xã hội đến tập huấn cho học sinh về giá trị sống, kỹ năng sống, giáo dục giới tính... Phương pháp là dạy theo kiểu “học vui vui học”.

Hè 2006 vừa qua, giáo viên phụ trách đưa ra yêu cầu cho chúng tôi thế này: “Các em quá vô tư, thiếu trách nhiệm với bản thân và xã hội, ngay cả với chuyện học hành...”. Ý này cũng phù hợp với chủ trương của Sở GD-ĐT năm nay. Mỗi tập huấn viên chọn cách làm của mình, người thì giúp các em tự nhận thức bản thân, kẻ dạy tư duy tích cực... Năm nay là lần đầu tiên tôi tham gia và tôi giúp các em tự xây dựng một kế hoạch cho bản thân trong năm năm sắp tới.

Tôi được giao cho tám lớp năm nay vào lớp 12. Trung bình mỗi lớp chừng 25 học sinh. Mỗi tuần dạy một lớp. Mỗi em nhận một biểu mẫu để lên kế hoạch cho niên khóa 2006-2007 đến 2011-2012. Hàng dọc đầu, theo từng niên khóa, các em ghi những mục đích muốn đạt tới. Hàng hai, các em ghi những việc phải làm để đạt mục đích. Hàng ba, những ưu khuyết điểm cần phát huy và khắc phục để thực hiện kế hoạch. Trong vòng hơn nửa tiếng, các em làm bài tập này. Ngoài vài ba em cá biệt không làm vì có vấn đề riêng, tất cả có vẻ suy nghĩ rất tập trung và nghiêm túc.

Về đặc điểm của trẻ mới lớn, thường ta chỉ nhấn mạnh các khía cạnh tiêu cực như khủng hoảng tâm lý, chướng, không vâng lời... Ta quên đi các khía cạnh tích cực mà các văn bản của Quĩ Cứu trợ nhi đồng LHQ nhấn mạnh:

- Tuổi 17 là tuổi mà trí thông minh của con người phát triển cao độ.

- Là tuổi bắt đầu xây dựng những hoài bão và ước mơ.

- Là tuổi bắt đầu xây dựng hệ thống giá trị sống riêng của mình và hình thành óc phán đoán. Ở tuổi này, trẻ bắt đầu phát hiện lời nói và việc làm của cha mẹ lắm khi không đi đôi, khủng hoảng và mâu thuẫn bắt đầu từ đó.

- Nhân cách hình thành không chỉ bằng học tập hay giáo dục bằng lời nói mà trẻ rất cần những hình mẫu ở người lớn để bắt chước. Trẻ cần thần tượng theo nghĩa khoa học mà tiếng Anh gọi là “role model”, nghĩa là những hình mẫu (về vai trò) để làm theo. Cha mẹ, thầy cô rồi ông bác sĩ, cô y tá là những người mẫu (trong cuộc đời) đầu tiên mà trẻ muốn trở thành.

Những “người mẫu trong cuộc đời” này luôn được trẻ săm soi từ đầu đến chân như người mẫu trên sàn diễn. Bi kịch là chúng ta thường quên rằng mình luôn đang “diễn” trước mặt trẻ và những vai không đạt yêu cầu làm trẻ thất vọng. Trẻ chạy theo người mẫu trên sân khấu (diễn viên, ca sĩ...) vì người mẫu trong cuộc đời thiếu vắng.

Sau đó trong nửa tiếng các em trao đổi theo nhóm hay theo cặp các câu hỏi như “Làm kế hoạch dễ hay khó?”, “Làm kế hoạch đem lại lợi ích gì? Tại sao?”... Trong cuộc thảo luận, các em cũng được giúp suy nghĩ kỹ về định hướng tương lai của mình.

Nửa giờ sau cùng, các em viết một thu hoạch nhỏ trả lời câu hỏi “Bạn rút ra được gì từ tiết học này?” hoặc “Bạn có thể hoàn toàn tự do diễn đạt ý kiến của mình về bất cứ vấn đề nào”. Kết quả thật bất ngờ. Từ 150 bài thu hoạch nắm trong tay có 24 em không trả lời câu hỏi mà nói lên suy nghĩ riêng của mình, phê phán xã hội, hệ thống giáo dục và gia đình, với những câu như:

- Làm sao sống tốt khi xã hội đầy dẫy bất công?

- Ngày nay con người đối xử với nhau đầy tính thực dụng. Nghĩ gì, làm gì, nói gì trước tiên cũng tính tới điều có lợi cho mình.

- Cách ứng xử của người VN ngày càng tệ (như rối loạn giao thông, ô nhiễm môi trường, kém lịch sự...). Những người có trách nhiệm có thấy điều đó không? Có nơi nào dạy cách ứng xử văn minh không?

- 11 năm qua là một cực hình đối với em với thi cử, điểm số, bài kiểm tra, trả bài làm căng thẳng thần kinh. Em bị cướp đi sự hứng thú học tập. Em muốn năm lớp 12 em sẽ đỡ vác nặng sách vở và có thể áp dụng cách suy nghĩ và định hướng học tập mới để biến học tập thành niềm vui.

- Những thầy cô đáng kính trọng, có tư cách vẫn còn đó, nhưng có những thầy cô có những việc làm khiến chúng em bất mãn vẫn không ít (dạy thêm thì cho đề trước khi kiểm tra nên các bạn học thêm có điểm cao mà không cần suy nghĩ đầu tư, các bạn không học thêm thì bị đì, bị điểm thấp.

- Học ở trường là phụ, chỉ để lên lớp, có điểm. Học thêm là chính để có kiến thức.

- Mọi người xung quanh sống rất thực tế nhưng kỳ vọng đặt vào chúng em lại rất phi thực tế.

- Phụ huynh ngày nay xem con cái như những bậc thần thánh có thể làm tất cả hay các con robot muốn uốn nắn theo kiểu nào cũng được.

Vài ba em không hợp tác làm bài tập nhưng trong bài thu hoạch nói lên khủng hoảng trầm trọng trong gia đình. Cách làm thoải mái này cũng giúp phát hiện những em đang gặp khủng hoảng cần được tư vấn kịp thời. Đại đa số còn lại rất hứng thú với tiết học và cho biết:

- Em phải có một mục đích trong cuộc đời. Phải có ước mơ, hoài bão mới có thể thành công trong cuộc sống. Em phải tập tính kiên nhẫn, chịu khó học tập rèn luyện thì mới có thể đạt được mục đích. Phải lập kế hoạch để sống có định hướng và sống có kỷ luật.

- Em đã học được phương pháp để sống, để học tập và vươn lên khi vấp ngã.

- Em biết cuộc đời chẳng bao giờ bằng phẳng mà còn những khó khăn thử thách đang chờ đón mình.

- Phải sống đúng với lương tâm, sống có ích, theo đuổi chí hướng của mình cho đến cùng.

- Tiết học giúp em tăng thêm niềm tin vào ước mơ lớn của mình, không còn sợ bị cho là viển vông hay chảnh. Em đã đi Singapore, thấy người ta làm hay quá. Em quyết tâm trở thành một Lý Quang Diệu của VN. Muốn vậy em phải học tập thật nhiều, thật nhiều.

Tôi đã đọc được rất nhiều ý kiến như trên. Nhưng dù ước mơ có bay bổng (nhờ câu hỏi thứ ba của bài tập), các em đã nhìn lại mình và nhận ra mình còn phải phấn đấu nhiều mới hoàn thành được ước mơ và phát biểu với đầy quyết tâm:

- Em nhận ra mình còn quá thờ ơ với định hướng tương lai của bản thân. Nhưng sau này em biết mình phải làm gì: lên kế hoạch cho tuần sau, tháng sau, năm sau. Tiết học hôm nay đã cho em biết mình phải làm gì để đạt được những hoài bão của tương lai.

- Kể từ ngày hôm nay em có thể sống khác đi.

- Em đã lãng phí quá nhiều thời gian.

- Em đã sống bất cần đời. Nhưng cuộc trao đổi hôm nay khác với các cuộc nói chuyện với cha mẹ. Em sẽ cố gắng thay đổi.

- Em biết được có những giá trị khác với tiền bạc mà chưa biết phải làm gì.

- Trước giờ em rất vô tâm, chỉ lo chơi. Đã đến lúc mình phải chịu trách nhiệm về những việc mình làm và chịu hậu quả về nó.

Mục đích của tiết học là giúp các em suy nghĩ về chính mình, về cuộc đời của mình cho nên các thu hoạch rất khác nhau. Chủ yếu nhất là các em chịu nhìn lại mình và quan tâm đến xã hội nhiều hơn. Có những suy nghĩ rất triết lý như sau:

- Em thật sự cảm ơn tiết học đã giúp em hiểu được mình là ai, mình cần gì và cũng đã trả lời được một phần câu hỏi lớn nhất đời mình: Phải chăng hạnh phúc là đấu tranh?

Phần lớn các em cho biết mình được giải tỏa thắc mắc chính trong định hướng nghề nghiệp khi nghe được câu nói của một nhà tâm lý Mỹ: “Không ai tìm được hạnh phúc khi thực hiện một mục đích do người khác vạch ra”. Các em cũng quyết tâm sống tự lập hơn.

Kết quả tiết học vượt khỏi sự mong chờ của người dạy vì lúc đầu các em rất sợ phát biểu ý kiến riêng. Nhiều em đề nghị nhà trường tổ chức những tiết học tương tự trong năm. Không chỉ riêng cho tiết học của tôi mà ở một số lớp khác cũng có những đề nghị tương tự.

- Em thấy được rằng có những tổ chức xã hội biết quan tâm đến thực tế và đời sống của học sinh chứ không còn áp đặt như trong trường học. Em đề nghị có những giờ như vậy trong năm ít lắm một tiết/tuần để chúng em có thể giải quyết những thắc mắc và bổ sung kiến thức.

- Em mong sẽ có thêm nhiều sân chơi như thế này để thế hệ chúng em có điều kiện cống hiến tài năng cũng như sức lực cho đất nước.

- Em mong có được nhiều buổi học như thế này để các em được nói, được lắng nghe và thấu hiểu.

Giáo dục là khơi dậy tiềm năng và mặt mạnh của người học. Nhưng bí quyết ở đâu? Một học sinh đã nhạy bén phát hiện điều đó: “Đây quả là một lớp học không căng thẳng, không nặng nề. Không trả bài, không la mắng nên em rất thích”.

Đó chính là phương pháp và con người của người dạy. Nhà giáo dục Pháp Jean Jaurès có nói: “Người ta chỉ và chỉ có thể dạy bằng con người của mình” (On n'enseigne et ne peut enseigner que ce que l'on est). Hai vấn đề không dễ trong bối cảnh hiện tại khi ta đã quen với phương pháp đọc chép áp đặt. Nhưng phương pháp mới có thể học được. Và phương pháp đòi hỏi những xác tín và thái độ của nhà giáo, người mẫu trong cuộc đời. Ngay cả trong những môn kỹ thuật, thái độ, sự quan tâm và tận tình của nhà giáo mang tính quyết định.

Trong lĩnh vực xã hội, cuộc sống của nhà giáo là minh chứng của những điều mình dạy. Thông thường chúng ta không dạy bằng lời nói mà chính những niềm tin, những xác tín mà học sinh nhận biết rất rõ qua nhân cách và hành động của chúng ta mới thật sự có ảnh hưởng. Cũng như trong gia đình, cha mẹ không giáo dục bằng lời nói mà bằng lối sống của mình và bằng cách mình đối xử với nhau.

Một băn khoăn của tôi là làm thế nào để tiếp tục nuôi dưỡng những suy nghĩ tốt của các em chứ chẳng lẽ chỉ mỗi năm nhắc nhở một lần khi trong cuộc sống các em lại gặp phải bao điều trái với mong đợi của mình. Như một học sinh nói: “Chúng em sẽ cố gắng đó nhưng xã hội cũng phải hỗ trợ chúng em nữa”.

Một ý nghĩ bất chợt của tôi là có thể biến giờ giáo dục thành những tiết sinh hoạt thật sáng tạo và sinh động dựa trên những nội dung đã đề ra.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Phát triển hứng thú học văn từ góc độ tâm lý học

    07/04/2016Đỗ Tiến Sĩ (Giáo viên trường THPT Yên Lãng - Vĩnh Phúc)Văn học nhà trường là vấn đề bức xúc thời sự khiến cả xã hội quan tâm. Mục tiêu của giáo dục hiện đại là phát triển và hoàn thiện nhân cách con người. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách nhìn về con người,về giáo dục con người, trong đó có vấn đề dạy và học văn - một môn học hướng con người vươn tới chân, thiện, mỹ trong quá trình phát triển nhân cách...
  • Hãy đánh thức người học

    24/03/2014Phạm Việt Hưng (Sydney)Nếu giáo dục không biết đánh thức vô thức - cái năng lượng vô cùng to lớn tiềm ẩn đó trong con người thì bao nhiêu cố gắng nhồi nhét chữ nghĩa cũng sẽ vô dụng. Công việc đánh thức được người phương Đông gọi là Khai Tâm, sự nghiệp giáo dục chủ yếu là Khai Tâm?
  • “Emile, hay vấn đề giáo dục”

    22/08/2013Dương Thị Ngọc DungEmile, hay vấn đề giáo dục chính là "tuyên ngôn giải phóng tuổi trẻ " với lý luận đòi tự do cho con người cá nhân ở lứa tuổi thiếu niên. Xuyên suốt năm quyển - tương ứng với năm giai đoạn phát triển khác nhau của thời kỳ niên thiếu, từ lúc mới sinh ra cho đến khi trở thành một công dân trong xã hội - tư tưởng của Rousseau đều nhằm vào một mục đích duy nhất là tạo ra mẫu người công dân tự do cho một xã hội dân chủ lý tưởng...
  • Cần có một nền học của ta và cho ta?

    23/06/2006Phan Đình Diệu (2004)Gần một trăm năm trước, trước những xáo động trong nền học vấn nước nhà, nhiều bậc thức giả tâm huyết hồi đầu thế kỷ 20 đã từng trăn trở: “Xưa khi học sách Tàu thì làm học trò Tàu, ngày nay học sách Tây chỉ làm học trò Tây mà thôi..... Từ xưa đến nay, nước ta quả không có quốc học thật....
  • Nghĩ về chuyện dạy và học

    10/04/2006Khi nền giáo dục Phương tây quan tâm chú trọng tới phương thức học gọi là "tấn công não" - tức lấy người học làm trung tâm, thì ở Việt Nam điều đó còn thật mới lạ và nó vẫn chưa được quan tâm đúng mức...

  • Muốn trường tốt phải có thầy hay

    16/11/2005Hồ Tú Bảo (GS. Tin học, Viện Khoa học & Công nghệ tiên tiến Nhật Bản - JAIST)Chúng ta đang bàn đến xây dựng ĐH chất lượng cao, nhưng tên gọi chính xác nên như thế nào, tiêu chí cụ thể ra sao, và đặc biệt đội ngũ giáo sư giảng dạy ở đó có thực sự là chất lượng cao hay không? Bài viết ngắn này bàn về một chuyện theo tôi là cốt tử nhất trong việc xây dựng đại học chất lượng cao ở nước ta, nhưng chưa được bàn thảo kỹ lưỡng.
  • Truyện tranh lịch sử theo sách giáo khoa: Lẽ ra phải làm từ lâu

    19/08/2005Rất kịp thời, trong khi dư luận đang xôn xao về những lỗ hổng kiến thức lịch sử của thế hệ trẻ, thì NXB Giáo dục đã phát động Cuộc thi biên soạn truyện tranh lịch sử theo SGK lịch sử hiện hành. Đây là việc lẽ ra phải làm từ lâu như một trong những giải pháp để giải quyết nạn “mù lịch sử” tiềm ẩn trong các thế hệ trẻ...
  • Mặt bằng xây dựng...và người hưởng thụ

    19/07/2005Hồ Ngọc ĐạiNgười thiết kế toà nhà phải có trong tay các cứ liệu của mặt bằng, gồm có phần lộ thiên (diện tích, danh giới, phương hướng...) và phần chìm sâu trong lòng đất, độ rắn của chất đất.
    Mặt bằng cho toà nhà giáo dục có phần lộ thiên là nền sản xuất hiện đại (kinh tế tri thức) có tính toàn cầu và phần chính trị hội nhập. Phần chìm của nó là nền văn hoá bản địa và chất nhà trường hiện hành...
  • Cái thực có tính giáo dục cao hơn cái ảo

    06/07/2005Khoa học ngày nay có vẻ càng mất đi tính hấp dẫn của nó đối với mọi người. Liệu ngành bảo tàng có thể làm gì để giảm tiến trình này đi?
  • Sự thất bại của giáo dục rập khuôn kiểu Mỹ

    07/07/2005Phan Hùng, Cát Yên dịchNhững trường công lập ở nước ta còn là gì ngoài một công cụ của nhà nước? Học sinh không được dạy cách suy nghĩ mang tính phê phán để tự giúp họ như những công dân của một xã hội tự do trong suốt cuộc đời. Giáo dục rập khuôn chú trọng vào học thuộc lòng và thành tích thi cử. Trường học không khuyến khích tư duy hay hành động độc lập mà dạy sự tuân theo và phục tùng đám đông.
  • Đổi mới giáo dục ĐH theo hướng nào?

    03/07/2005Gs. Hoàng TụyTuy đã có nhiều cố gắng thể hiện tư duy mới, nhưng dự thảo vẫn chưa đưa ra được những ý tưởng khả thi có khả năng tạo nên chuyển biến đột phá làm xoay chuyển tình hình theo kịp yêu cầu phát triển của đất nước.
  • Phải thay cách làm giáo dục

    21/12/2003Đây là bài phát biểu của GS-TSKH Hồ Ngọc Đại tại hội thảo “Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo?” với chủ đề: tiếp tục giải quyết mâu thuẫn lớn giữa yêu cầu vừa phát triển qui mô, vừa phải đảm bảo chất lượng với điều kiện hạn hẹp về nguồn lực, do Bộ Giáo dục - đào tạo và báo Nhân Dân phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 23-12-2003...
  • Trao đổi về “giải pháp cứu ngành giáo dục” của giáo sư Hoàng Tụy

    16/12/2003Chưa có bao giờ, chưa có ngành nào lại bị dư luận lớn tiếng chê trách nặng lời như ngành Giáo dục trong thời gian gần đây. Người ta chê trách: Những khoản tiền khổng lồ từ ngân sách Nhà nước, từ đi vay nước ngoài, từ đóng góp của nhân dân đổ vào cái thùng không đáy. Tiền càng nhiều, chất lượng càng sa sút. ...
  • Dạy học theo tình huống

    24/11/2003Đó là hai trong những vấn đề mà ngành giáo dục (GD) Nhật Bản đặt ra cho học sinh (HS) của họ từ cách đây hơn nửa thế kỷ. Trong quản lý GD và quản lý dạy học, ngành GD Singapore và Hàn Quốc cách đây rất lâu cũng đề ra một yêu cầu chặt chẽ: “cần có cái gì đây để phân biệt một bên là thợ dạy, bên kia là thầy giáo; một bên là thợ học, bên kia là HS”. Với họ, không thể đánh đồng giữa thợ với thầy, giữa người học theo lối “cầm tay chỉ việc” với người học theo kiểu tìm tòi nghiên cứu...
  • Để xây dựng một xã hội học tập

    18/11/2003Mới đây, Hội Khuyến học Việt Nam cùng với Bộ Giáo dục – Đào tạo và một số ngành liên quan đã có đề nghị lên Chính phủ về việc triển khai cuộc vận động "Toàn dân xây dựng cả nước trở thành một XHHT". Sau khi đã xem xét, ngày 27/10/2003, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã có ý kiến chỉ đạo về đề án "Xây dựng XHHT ở Việt Nam". Theo đó Thủ tướng nhấn mạnh: Việc xây dựng XHHT là hết sức cần thiết. Bộ GD-ĐT chủ trì cùng Hội Khuyến học và các bộ, ngành có liên quan xây dựng đề án về xây dựng XHHT trình Chính phủ trước ngày 30/12/2003...
  • Cần bãi bỏ ngay các “chỉ tiêu” trong giáo dục

    18/11/2003Có lẽ trong toàn bộ lịch sử giáo dục của Việt Nam, chưa bao giờ căn bệnh thành tích lại trở nặng như bây giờ. Nhìn sang các nước khác, hình như cũng không thấy ai mắc căn bệnh quái dị này. Bài viết này thử đề xuất một phương thuốc...
  • xem toàn bộ