Truyện tranh lịch sử theo sách giáo khoa: Lẽ ra phải làm từ lâu

11:57 SA @ Thứ Sáu - 19 Tháng Tám, 2005

Ý tưởng về bộ SGK bằng tranh

Ông Nguyễn Quý Thao, Phó giám đốc NXB Giáo dục, Trưởng ban chung khảo cho biết: Cuộc thi thu hút các đối tượng rộng rãi ở trong, ngoài nước. Tác phẩm dự thi có hai loại. Loại chỉ có phần truyện (phần chữ). Loại tác phẩm dự thi này nếu đoạt giải sẽ được họa sĩ vẽ bổ sung phần tranh.

Kỳ vọng của những người tổ chức cuộc thi là sẽ chọn được các tác phẩm tương ứng với kiến thức lịch sử (sự kiện, nhân vật) có trong chương trình SGK tiểu học và THCS. Nếu làm được điều này, những tập truyện tranh lịch sử sẽ giống như tài liệu bổ trợ hữu hiệu cho SGK trong việc dạy lịch sử cho HS. Tuy nhiên, đây là việc không hề đơn giản.

Ông Nguyễn Minh Khang, Chánh văn phòng NXB GD cho biết: Những tác phẩm truyện tranh dự thi qua vòng sơ khảo, nếu có chất lượng tốt sẽ được lựa chọn để giới thiệu trên báo, tạp chí của ngành hoặc xuất bản thành sách. Những truyện tranh đoạt giải, NXB sẽ in thành các tập truyện tranh và tác giả được hưởng nhuận bút theo chế độ hiện hành của NXB GD.

Ý tưởng hay…

Các đối tượng dự thi có thể dựa vào chương trình, nội dung các bài học trong sách giáo khoa Tiếng Việt các lớp 1, 2, 3, 4, 5, sách giáo khoa môn Tự nhiên xã hội lớp 4, 5, sách giáo khoa môn lịch sử các lớp từ 6-12 để thể hiện các tác phẩm truyện (chỉ có phần chữ) và truyện tranh (gồm phần chữ và tranh vẽ).

Thời gian nhận tác phẩm dự thi từ ngày 15-9-2005- 30-9-2006.

Giải thưởng dành cho cuộc thi gồm có 1 giải đặc biệt, trị giá 15 triệu đồng, 10 giải nhất trị giá 10 triệu đồng/một giải, 15 giải nhì trị giá 7 triệu đồng/giải, 24 giải ba trị giá 5 triệu/giải, 50 giải tư trị giá 2 triệu đồng/giải.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: Trong một cuộc điều tra từ cuối những năm 1990, với gần 2.000 đối tượng được hỏi ở lứa tuổi học sinh, sinh viên, chỉ có 39% biết rõ lai lịch của Hùng Vương , 65% biết Trương Định là ai, nhưng đa số biết rõ lai lịch của Michael Jackson, Maradona…

Bởi vậy, chuyện thí sinh làm bài thi lịch sử quá kém, nhầm lẫn đến mức kinh hoàng trong kỳ thi ĐH vừa qua, thực ra cũng chỉ là “sự tiếp nối của một hiện tượng đã có từ lâu”.

Tại sao học sinh không muốn học Sử. Chị Lê Thanh Thủy, giáo viên Trường tiểu học Kim Liên HN, thừa nhận: “Mặc dù những kiến thức lịch sử đã được đưa vào chương trình tiểu học rất sớm, nhưng phần nhiều giáo viên chịu áp lực bởi các môn học khác, như Toán, Tiếng Việt nên chỉ có thể cung cấp kiến thức một cách khô khan cho HS”.

Nhiều giáo viên trường tiểu học cho biết, nhìn học sinh ham mê đọc truyện tranh Doremon, Thám tử Conan, Thần đồng đất Việt, chúng tôi nghĩ nếu lịch sử dân tộc cũng được tái hiện qua những cuốn truyện tranh sinh động như thế thì học sinh sẽ tự nguyện tiếp cận lịch sử mà không phải “ép yêu” như hiện nay.

Nhưng… trông đợi gì ở những họa sĩ nhí nghiệp dư?

Không phải ngẫu nhiêu mà trong nhiều cuộc thi vẽ truyện tranh cho thiếu nhi, cả trăm tác phẩm dự thi không có lấy một tác phẩm vẽ tranh đề tài lịch sử. Trước đây, cũng đã có một số NXB phát hành truyện tranh lịch sử, nhưng không hấp dẫn các độc giả nhí. Hơn nữa những sự kiện chọn để vẽ truyện tranh cũng không có hệ thống nhằm mục đích giúp HS học tốt môn sử trong trường học.

Nhiều họa sĩ hiện nay từ chối thẳng thừng khi được mời vẽ truyện tranh lịch sử. Một bộ truyện tranh lịch sử có khi phải mất một năm mới hoàn thành, nhưng nhuận bút thì èo uột, không đủ tiền trà nước. Nhưng vấn đề chủ yếu khiến nhiều họa sĩ né tránh mảng đề tài này là thiếu tư liệu lịch sử để có thể hoàn thành tác phẩm truyện tranh lịch sử.

Họa sĩ Phạm Công Thành - Trường ĐH Mỹ thuật HN cho biết: “Tôi là người mê truyện tranh lịch sử từ nhỏ và từng dành nhiều công sức vẽ tranh lịch sử, nhưng vẫn thấy có rất nhiều trở ngại. Thứ nhất là sử liệu của ta hiện nay chưa được thống nhất. Có khi mỗi tài liệu đề cập một kiểu. Thứ hai, chúng tôi thiếu những tư liệu thực tế để vẽ tranh.

Muốn vẽ truyện tranh lịch sử, làm sao vừa sinh động vừa chân thực, người vẽ tranh không chỉ dựa vào cuốn SGK lịch sử mà phải tự trang bị cho mình những kiến thức về lịch sử, phải biết thời Nguyễn người ta ăn mặc khác thời Lê thế nào, khi các bề tôi gặp mặt vua thì phải chắp tay ra sao… Có lẽ chỉ vì khó khăn như vậy nên không phải họa sĩ nào cũng mặn mà với tranh truyện lịch sử”.

Từ ý kiến của họa sĩ Phạm Công Thành, trở lại những bộ truyện tranh đã được phát hành có thể “bắt lỗi” vô số những điều nhầm lẫn về “kiến thức thực tế”.

Ông Trịnh Bách, một Việt kiều có trên 10 năm tìm hiểu, khôi phục các hiện vật triều Nguyễn, cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Ông nhận xét: “Thời nay chuyện nhầm lẫn một bộ y phục triều đại này sang triều đại kia xuất hiện rất nhiều trên phim, trong truyện tranh do những người thực hiện thiếu hiểu biết”.

Quả là động chạm đến kiến thức lịch sử không thể làm bừa. Nhất là trong việc vẽ truyện tranh theo bài học lịch sử của học sinh, nếu cẩu thả, thiếu hiểu biết sẽ trở thành lợi bất cập hại.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Chuyện Alibaba và Nền giáo dục Việt Nam trong thế kỷ 21

    10/02/2003Bùi Quang MinhTừ quá trình tự trau dồi tri thức, Alibaba tự đúc rút ra thần chú của riêng mình để mở toang các kho báu Tri thức. Đó chính là “Cùng học cùng chơi; Bồi bổ Trí nhớ, Gợi mở Tư duy; Làm chủ Công cụ”. Trái với nó là “Học quá tải, thi nặng nề; Nhồi nhét trí nhớ, Hao mòn Tư duy; Xa rời Công cụ” là điều mà cách học không đúng hay mắc phải.