Minh bạch
Một trong những việc đầu tiên mà Tổng thống Mỹ Barack Obama làm khi công bố gói kích thích tăng trưởng kinh tế trị giá 787 tỉ USD, là thành lập ngay một hội đồng Minh bạch và giải trình đạo luật Phục hồi kinh tế. Ông Earl Devaney, một cựu mật vụ Mỹ và từng giữ chức tổng thanh tra nội vụ, được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng này
Nhiệm vụ của ông Devaney và đồng nghiệp là đảm bảo tiền thuế của người dân được chi tiêu đúng mục đích. Ông Obama hứa công khai hoá từng đồng đô la trong gói kích thích kinh tế khổng lồ. Nhà Trắng đã lập một website (http://www.recovery.gov/) để công bố tiền sẽ được chi tiêu như thế nào và theo dõi từng bước đi của các khoản tiền giải cứu kinh tế.
Minh bạch là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu của quản trị chính phủ. Nó đảm bảo luật pháp được thi hành nghiêm minh, và không ai, kể cả những người lập pháp và hành pháp, được đứng trên luật pháp. Vì minh bạch là điều kiện tiên quyết để luật pháp phát huy tác dụng, cho nên các quy định pháp luật và chính sách của Chính phủ cũng phải rõ ràng ngay từ đầu để đảm bảo tính minh bạch. Nhìn về gói kích thích tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được Chính phủ đề cập đến gần đây, bao gồm việc đẩy mạnh đầu tư công, bảo lãnh tín dụng, bù lãi suất cho doanh nghiệp và giãn thuế thu nhập, có rất nhiều vấn đề về minh bạch.
Đầu tư công là một phần quan trọng trong chính sách tài khoá của ta trong những năm qua. Theo số liệu chính thức, đầu tư công chiếm khoảng 18% GDP và khoảng 45% tổng đầu tư toàn xã hội. Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng đầu tư công đóng một vai trò quan trọng trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm qua, đây cũng là khu vực gây nhiều bất bình và tranh cãi nhất vì sự thiếu rõ ràng trong chính sách phân bổ đầu tư, dẫn đến cái gọi là ảnh hưởng của các nhóm lợi ích. Các tổng công ty và tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước thường bị vạch mặt chỉ tên về việc được cung cấp vốn quá dễ dàng trong khi hiệu quả đầu tư lại rất thấp.
Nhóm chuyên gia tư vấn kinh tế thuộc đại học Harvard và chương trình Fulbright Việt Nam trong đề xuất mới nhất đối với Chính phủ đã nhấn mạnh về việc cần phải điều chỉnh ưu tiên đầu tư công, tập trung cho các dự án tạo nhiều việc làm và tạo hạ tầng cơ sở cho các ngành sản xuất thâm dụng lao động và tạo kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, nhóm chuyên gia này nhấn mạnh việc cần phải lập một tổ công tác đặc biệt về đầu tư công. Đề xuất này viết: “Mặc dù thủ tục xét duyệt và đầu tư hiện nay rất phiền hà và tốn kém nhưng chất lượng của quá trình ra quyết định lại không hề được cải thiện cho tương xứng với quy mô của chương trình đầu tư công”. Nhóm tư vấn cho rằng cải cách thủ tục đầu tư công quan trọng đến nỗi “Chính phủ không thể cho phép nó bị nhào nặn tuỳ thích chỉ để phục vụ lợi ích cục bộ của một vài doanh nghiệp”. Một tổ công tác về đầu tư công sẽ thực hiện nghiên cứu về toàn bộ quá trình từ lập kế hoạch cho đến đánh giá dự án đầu tư công, trên đó đề ra những thay đổi chính sách trực tiếp đến Thủ tướng Chính phủ.
Một số chính sách mới được đưa ra trong gói kích thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ cũng đang bị giới quan sát cho rằng thiếu minh bạch và dễ tạo ra tình trạng “đục nước béo cò”. Chính sách bù 4% lãi suất cho doanh nghiệp được giới chuyên gia nhìn nhận một cách hoài nghi. Chính sách bù lãi suất này ưu tiên những doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo nhiều công ăn việc làm, tạo kim ngạch xuất khẩu. Các nhà kinh tế, trong đó có một số đã nêu ý kiến trên SGTT ở những số báo trước, phân tích khá kỹ về tính hạn chế của chính sách kích cầu này. Một lo ngại rất đáng quan tâm là chính sách này rất dễ tạo ra môi trường nhập nhằng cho một số doanh nghiệp và ngân hàng sử dụng nguồn lãi suất bù để đáo nợ, sử dụng vốn sai mục đích gây méo mó thị trường. Một phần vì sự thiếu rõ ràng mà cho đến nay, vốn vay bù lãi suất được các ngân hàng ban phát một cách nhỏ giọt.
Quay trở lại câu chuyện về lời hứa “minh bạch từng đồng” của ông Obama. Chính phủ Mỹ không hẳn là một mẫu mực về việc sòng phẳng, rõ ràng trong việc xài tiền của dân. Trước đây vài tháng, dân Mỹ đã tức điên vì việc chính phủ quyết định rót hàng trăm tỉ vào cứu các ngân hàng và tổ chức tài chính sắp phá sản mà không giải thích đồng tiền được tiêu như thế nào. Nỗi thất vọng của người dân đã khiến chính quyền hiện nay nhận ra rằng họ cần phải đảm bảo công khai mọi khoản chi tiêu, và đây là điều mà họ đang làm, với bước đầu tiên là lập website http://www.recovery.gov/.
Liệu Việt Nam có thể công khai hoá chính sách kích thích tăng trưởng và làm rõ đồng tiền được chi tiêu như thế nào, tác dụng ra sao? Lập ra một website có lẽ không phải là việc khó. Đảm bảo công khai chi tiết từng thông tin, từng đồng được chi tiêu, có lẽ là khó hơn, nhưng không phải không làm được.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh