Minh bạch - một tiêu chí văn hóa
Để tránh những đầu tư vô ích vào sự không hiểu biết lẫn nhau
Minh bạch là một trong những nguyên lý quan trọng nhất để khẳng định sự lành mạnh của cả thể chế lẫn xã hội, vì chúng ta đang sống trong thời đại mà khái niệm dân chủ được xem như một đặc tính chính trị. Nếu nhân dân không làm chủ được, thì mọi việc đều không minh bạch. Nhân dân làm chủ, không có nghĩa là nhân dân cần cái quyền đối chất với Nhà nước. Mặc dù đó cũng là một khía cạnh quan trọng, nhưng không phải là một khía cạnh quan trọng phổ biến, vì không phải chỉ có nhà nước mới cần minh bạch với nhân dân mà nhân dân cũng cần minh bạch với Nhà nước và nhân dân phải minh bạch với nhau.
Sự giao lưu giữa con người với nhau trong xã hội, sự giao lưu của hàng hóa ở trong một xã hội phải minh bạch, minh bạch phải trở thành một tiêu chuẩn chính trị. Phổ biến trên tất cả các chủ thế tham gia vào đời sống xã hội. Xưa nay chúng ta vẫn quan niệm rằng, minh bạch là nghĩa vụ của nhà nước, mà quên mất rằng minh bạch là nghĩa vụ của tất cả các bộ phận của xã hội. Hơn nữa, chúng ta không chỉ cần minh bạch xã hội, minh bạch với nhau mà đất nước chúng ta, dân tộc chúng ta phải minh bạch với cộng đồng quốc tế, nhất là trong thời kỳ hội nhập.
Chúng ta đang đề ra các bộ luật các tiêu chuẩn chính trị của tất cả các hiệp ước song phương và đa phương về vấn đề minh bạch và chúng ta đòi hỏi tính minh bạch có chất lượng thời đại. Để làm gì? Để tránh những đầu tư vô ích vào sự không hiểu biết lẫn nhau. Thế giới vẫn có những Sách trắng về Ngoại giao, Sách trắng về Quốc phòng... đó là một trong những biểu hiện rõ ràng của sự đòi hỏi về tính minh bạch, nó làm người ta không phải lo sợ về sự thất thiệt mà việc đầu tư do sự tưởng tượng, do sự nhầm lẫn mang lại.
Minh bạch là điều kiện cần để ổn định xã hội
Minh bạch là một đòi hỏi tự nhiên. Khi người ta yên tâm về nhau thì người ta có thể sống một cách bình yên. Ví dụ nếu Nhà nước không minh bạch thì nhân dân buộc phải phán đoán. Sự phán đoán về sự xuất hiện của những chính sách khác nhau sẽ làm người dân do dự trước các quyết định của mình. Ví dụ, nhà tôi ở cạnh nhà anh, nếu anh minh bạch, tôi biết, tôi hiểu anh thì tôi yên tâm, tôi không phải thuê một người bảo vệ khi ở cạnh nhà anh. Những biểu hiện như thế là rất nhiều trong đời sống. Đôi lúc, báo chí, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý của chúng ta giải thích đòi hỏi minh bạch theo quan niệm của nhà quản lý nhà nước mà không hiểu rằng minh bạch rộng hơn như thế và lợi ích cũng rộng hơn như thế. Gần đây chúng ta thảo luận về luật quản lý thuế, nếu minh bạch không trở thành một tiêu chí văn hóa cho mỗi một công dân, cho mỗi một hộ kinh doanh, cho mỗi một nhà kinh doanh thì quá trình đi thu thuế là một quá trình truy đuổi. Ông Dương Trung Quốc đã có một bài báo phê phán việc dùng từ "đánh thuế”, khi Quốc hội thảo luận về các luật thuế. Tại sao người ta lại mô tả sự đi thu thuế là sự đánh thuế. Là vì người ta phải đuổi thì mới bắt được. Nhưng nếu minh bạch thì không phải làm gì cả hoặc là người ta có thể làm một cách nhẹ nhàng hơn, nó tạo ra ít nhất là vẻ yên ổn bên ngoài của đời sống xã hội và do đó, đời sống xã hội của chúng ta hấp dẫn hơn. Chúng ta hấp dẫn hơn thì chúng ta giải quyết được rất nhiều việc, tạo được rất nhiều cảm hứng, cảm hứng từ bên trong xã hội chúng ta và cảm hứng từ bên ngoài xã hội chúng ta nhìn vào.
Hội nhập càng sâu càng phải minh bạch
Tất cả sự chú ý của thế giới đối với tính minh bạch của xã hội chúng ta sẽ càng ngày càng sâu dần, càng chuyên nghiệp dần, càng đặc biệt dần đối với từng khía cạnh, đối với từng khu vực từng loại hình hoạt động khác nhau của đời sống xã hội. Ví dụ người ta cẩn biết chúng ta quản lý các ngân hàng bằng cách nào? Tình hình hoạt động của các Ngân hàng của chúng ta thực chất như thế nào? Lỗ hay lãi? Nợ xấu của Hệ thống tài chính, Ngân hàng Việt Nam là bao nhiêu? Tất cả những chi tiết như thế họ cần phải biết và họ đòi hỏi phải biết, nhất là khi chúng ta gia nhập WTO thì chúng ta buộc phải cho họ biết.
Chúng ta không thể lấy cớ đây là bí mật quốc gia được nữa vì nếu không biết thì làm sao mà người ta hoạch định, người ta quản lý được rủi ro cho sự kinh doanh của người ta trên lãnh thổ của chúng ta dược? Người ta bắt đầu phải biết về tài chính của mình, sau đó người ta biết về các đối tác Việt Nam, người ta biết về bức tranh tài chính thật của tất cả các công ty Việt Nam là như thế nào? Ví dụ người ta cần biết tình hình kinh doanh của VNPT thực ra lỗ hay lãi? Vì bây giờ anh phát hành cổ phiếu và bán ra ngoài xã hội, anh cho phép người nước ngoài mua nghĩa là người ta mua hiệu quả kinh doanh của anh.
Hiệu quả kinh doanh mà VNPT công bố có thật không? Nếu không thì người ta tự nhiên bị lừa và người ta không hoạch định được không quản lý được cái rủi ro mang lại cho khoản đầu tư của người ta vào VNPT. Tất cả bắt đầu bằng những lợi ích cụ thể như vậy trong đời sống kinh doanh và WTO là bắt đầu từ đời sống kinh doanh. Chính những đòi hỏi như vậy mới khiến người ta nhận ra rằng, những yếu tố khác cũng tham gia vào quá trình làm người ta yên tâm, làm người ta quản lý được rủi ro. Vì thế, động cơ lợi ích của việc đòi hỏi tính minh bạch của một xã hội đối với các xã hội khác chính là để quản lý được, để dự báo được cái rủi ro mà một quốc gia mang lại cho các nhà đầu tư từ những quốc gia khác.
Lấy ví dụ, báo cáo thu nhập quốc dân của chúng ta có chính xác không? Thu nhập bình quân đầu người là 500, 700, 1000 USD có phải là con số thật không? Vì người ta thường dựa vào con số như vậy để tính toán. Để đưa ra quyết định đầu tư xây dựng hệ thống phân phối ở Việt Nam thì người ta phải biết rõ sức mua của xã hội như thế nào và sự phân bố sức mua ấy như thế nào trong từng vùng lãnh thổ khác nhau trong phạm vi nước Việt Nam. Nếu không có những thông tin như vậy và những thông tin ấy không được đảm bảo bởi Chính phủ thì làm thế nào để người ta hoạch định chính sách hay đưa ra quyết định? Minh bạch là đòi hỏi mang động cơ lợi ích ban đầu nhưng nó kéo theo, nó phát triển theo những đòi hỏi để đảm bảo tính ổn định của các yếu tố tham gia vào quá trình quản lý rủi ro.
Thậm chí, người ta còn muốn biết chính phủ của chúng ta có Ngân sách quốc phòng là bao nhiêu hay chúng ta có chính sách ngoại giao gì, chính sách quốc phòng gì với các nước láng giềng. Tất cả những chuyện như vậy tuy không phải là đòi hỏi thành văn của các lực lượng xã hội, nhưng sự tín nhiệm về sự hấp dẫn của một quốc gia bắt buộc phải minh bạch về cả những chuyện như thế. Các bạn đều biết rằng nguyên Thủ tướng Koizumi chỉ vì đến thăm đền Yasukuni mà tạo ra sự căng thẳng trong mối quan hệ với Trung Quốc. Điều đó cho thấy chúng ta đang sống trong một thế giới mà để người ta chơi với anh thì người ta phải lường được anh. Người ta không chỉ lường được chính sách của anh mà người ta còn phải lường được thái độ của anh, bởi vì không chỉ chính sách của một Chính phủ mới tạo ra cảm hứng phát triển, mà thái độ của các nhân vật quan trọng như Thủ tướng, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội cũng góp một phần rất đáng kể vào việc tạo ra sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam.
Niềm tin sẽ tạo thêm lợi thế cạnh tranh
Lợi ích lớn nhất là người ta yêu mến mình, người ta tin mình. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sức cạnh tranh được quy định bởi một trong những yếu tố rất quan trọng là sự tin cậy vào đất nước và nhà nước. Đấy là đặc trưng của thời đại chúng ta. Sự tin cậy vào đất nước và nhà nước là một trong những yếu tố tham gia một cách quyết liệt thậm chí là quyết định vào việc tăng cường sức cạnh tranh. Theo dõi Hội nghị APEC, các bạn đều không thể không nhận thấy rằng, chỉ nguyên thái độ cởi mở, thái độ thân thiện của Tổng thống Mỹ thôi đã có sức động viên cực kỳ lớn đối với các nhà đầu tư từ phương Tây. Là một người giao dịch với các nhà đầu tư, tôi hiểu rất rõ sự thân thiện ấy đã mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích như thế nào vì những lợi ích ấy được mang lại thông qua sự xác nhận của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ rằng chúng ta là một quốc gia hấp dẫn.
Khi Tổng thống Bush đang họp trong hội trường thì chúng tôi đi ăn trưa với một số cán bộ của Đại diện Phòng TM và CN Mỹ và người ta bàn luận một cách cực kỳ sôi nổi, người ta chất vấn một cách cực kỳ quyết liệt đối với quyết định của Hạ viện Hoa Kỳ trong việc hoãn phê chuẩn PNTR. Như vậy, chúng ta thấy ngay rằng, sự hoãn phê chuẩn của cơ quan hành pháp Hoa Kỳ đã tạo ra sự tranh cãi của các thương nhân Hoa Kỳ về việc tại sao quốc hội không thông qua PNTR cho Việt Nam. Nhưng thông qua thái độ thân thiện của Tổng thống Bush, các thương nhân nhỏ sẽ tin tưởng hơn, tức là họ thấy mặc dù chưa đến lúc bỏ PNTR nhưng khuynh hướng bỏ PNTR là tất yếu. Các nhà đầu tư bao giờ cũng đi trước bằng sự nghiên cứu và sự nghiên cứu đầu tiên của họ về một quốc gia chính là không khí chính trị trong các mối quan hệ quốc tế của quốc gia đó.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức Phương"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchTôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)