Lý tính phê bình
Khoa học và kỹ thuật cuối thế kỷ XX tiến như vũ bão. Hình ảnh chiếc hia bảy dặm trong cổ tích sợ còn lạc hậu so với tốc độ phát triển của ngành tin học. Cái “đổi mới" hôm nào hôm nay đã trở thành “đời cũ” bán hạ giá ở chợ trời.
Người ta đã tạo ra con cừu Dolly bằng phương pháp sinh sản vô tính. Người ta đã phát hiện ra mật mã của gen, điều mà từ trước đến nay Thượng đế vẫn găm giữ trong cuốn sách ngữ pháp tuyệt mật của Thâm thiên cung cấm kỵ đối với hạ giới. Có người đã tính đến việc kinh doanh bất động sản trên mặt trăng như kinh doanh bất động sản ở những khu đô thị sắp mở. Hầu như không gì ngăn cản được bước tấn công của lý tính khám phá.
Một lần nữa, một số các nhà văn, nhà thơ, nhà truyền thông lại có cơ hội ca ngợi sức mạnh vạn năng của khoa học thực nghiệm và bước đi bạt núi ngăn sông của nó. Giữa giàn kèn đồng ồn ào trên, tiếng nói nhỏ nhẹ của một nhà tri thức học (épistémologie) người Pháp gốc Nga, Koyrê thật lạc lõng, thậm chí hơi bị bất lịch sự: "Tôi từng nói rằng khoa học hiện đại đã lật nhào bức rào ngăn cách những vùng trời với quả đất, rằng khoa học liên kết và thống nhất vũ trụ. Điều đó đúng, nhưng tôi cũng nói rằng nó tiến hành công việc trên bằng cách thay thế thế giới những chất lượng và những tri giác cảm thụ của chúng ta, thế giới trong đó chúng ta sống, yêu và chết, bằng một thế giới khác, thế giới của số lượng, của hình học đã được thần thánh hóa, thế giới trong đó mặc dầu có chỗ cho tất cả mọi thứ, chỉ không có chỗ cho con người."
Người ta có thể chê Koyrê là một nhà triết học nhiễu sự và hơi quá đát (ông mất năm 1964) nhưng Prigogin, nhà hóa học nổi tiếng, giải Nobel năm 1977, không những không phản bác ý kiến nhà triết học mà còn lớn tiếng phụ họa: "Việc thí nghiệm chất vấn tự nhiên theo cách một quan tòa nhân danh những nguyên lý đã định... đó là một tự nhiên bị đơn giản hóa, được chuẩn bị sẵn, đôi khi bị cắt xén tuỳ thuộc vào giả thiết có trước... Cái mà khoa học cổ điển đụng chạm tới tự khô héo và chết, chết đối với sự đa dạng chất lượng, đối với sự độc đáo, để đơn thuần trớ thành hệ quả một quy luật phổ biến".
Ông còn nói thêm: "Khoa học cổ điển bao giờ cũng giả định từ trước sự xuẩn ngốc đơn điệu của thế giới mà nó chất vấn". Việc phá hoại nghiêm trọng tự nhiên với sự tiếp tay của khoa học kỹ thuật dưới chiêu bài cải tạo vũ trụ, việc trả đũa không kém phần quyết liệt của tự nhiên qua những trận bão lụt hạn hán kinh thiên động địa, qua hiệu ứng nhà kính đầy hậu họa khôn lường đã đánh thức mối bận tâm đột ngột có tính toàn cầu đối với việc bức thiết phải bảo vệ môi trường sống của con người, trước khi quá muộn. Nó đánh dấu một bước ngoặt của khoa học.
Khoa học đã có khuynh hướng bỏ dần cuồng vọng vĩ đại làm chủ một tự nhiên, đơn giản, ù lỳ, ngoan ngoãn và dắt mũi nó theo những ý hướng chủ quan nhiều khi thiếu khôn ngoan của những hoạch định vội vàng. Càng ngày càng có nhiều nhà trí thức yêu cầu khoa học phải chú ý đến tính chất đa dạng, phức hợp, phong phú (thi vị nữa) của tự nhiên, lắng nghe và thành thật đối thoại với nó một cách khiêm tốn và hợp tác.
Thời đại đòi hỏi khoa học phải mở một cuộc liên minh quy mô lớn với các ngành khoa học nhân văn khác, với triết học và nghệ thuật, nói tóm lại xây dựng một khoa học của con người với tư cách là thành viên của tự nhiên chứ không phải với tư cách một tiểu thượng đế từ trên nằm xuống.
Prigogin nêu ra một hình ảnh rất hay: “Người ta nói rằng để quan niệm đầy đủ hơn những hệ quả tính chất hằng số phổ biến của tốc độ ánh sáng, Einstein đã tưởng tượng mình cưỡi một phôtông, nhưng cơ học lượng tử đã phát hiện được rằng chúng ta hoặc những dụng cụ đo của chúng ta quá nặng, để có khả năng cưỡi một phôtông hay một electron".
Dầu là một thiên tài, nhà bác học vẫn chi là một con người nặng cân. Càng ngày con người càng nhận thức được rằng lý tính khám phá đôi lúc quá say sưa với những thành tựu mà thiếu tinh táo nhìn lại bản thân nó. Lý tính khám phá có phút quên mất rằng ánh sáng chiếu vào vùng này thì lại để tối ở vùng khác.
Từ cổ xưa, các nhà triết học phương Đông đã nhắc nhở: “Bóng tối nằm ngay trên đĩa đèn”. Và thế giới lý tính còn không ít những “vùng mù”. Người ta thường nói thời đại mới là thời đại của khoa học, của trí thức. Nhưng tri thức không phải là một chức danh, một bằng cấp (dầu là thứ thiệt) để hưởng lộc suốt đời. Nó đòi hỏi một quá trình phấn đấu không ngừng để tự hoàn thiện.
Hình như Kant tác giả bộ “Phê bình lý tính thuần túy” sau khi trở thành một nhà triết học lừng lẫy được nhiều người ca ngợi và bình giảng, đã nói: “Thượng đế hãy giúp tôi đối phó với đám bạn bè, còn kẻ thù thì tôi có thể đảm trách được”.
Sự phát triển của khoa học thực nghiệm đòi hỏi sự phát triển của một ngành học anh em mà người ta gọi là trí thức học hay theo cách gọi của người Anglo Saxon, ngành triết - khoa học, nó chính là chuyên ngành của lý tính phê bình.
“Người ta nhận ra tính duy lý thật sự ở khả năng tự nhận ra những thiếu sót của bản thân nó”.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015