Đời sống chúng ta đang sống có thực sự là đời sống không ?

10:31 CH @ Thứ Bảy - 01 Tháng Mười Một, 2014

Khi càng xa tuổi trẻ, người ta càng gần những giấc mộng. Những năm gần đây, tôi càng gặp giấc mộng nhiều hơn. Một phần do những biến đổi tâm sinh lý khi người ta ngoài bốn mươi tuổi. Tôi đã sống trên thế gian này gần một nửa thế kỷ rồi. Nhiều chuyện có thể đã biết đúng sai. Ít đau buồn hơn nhưng đau buồn là đau buồn thực. Ít niềm vui hơn nhưng niềm vui là niềm vui thực. Tôi đã biết những hão huyền của đời sống này.Một điều nữa làm tôi những năm gần đây hay có những giấc mộng là vì những dày vò, những suy ngẫm và cả sợ hãi và cô đơn. Những điều ấy vẫn vây bủa tôi, đẩy tôi vào chân tường và bắt tôi trả lời một câu hỏi mà tôi không trả lời được: Đời sống mi đang sống có thực sự là đời sống không? Nhưng bây giờ thì tôi tin giấc mộng chính là khoảng khắc sống liền mạch của đời sống tôi đang sống.

Chuyến bay từ Tokyo đi Chicago là một chuyến bay quá dài, khoảng mười hai tiếng. Trong cái khối kim loại hình thoi ấy, người ta để mặc số phận cho Thượng đế. Đối với vũ trụ vô hạn này, thì chiếc máy bay không bằng một hạt bụi. Trong chặng đường bay như thế, người ta mất hết cảm giác và khái niệm về thời gian và không gian. Năm 1993, trong chuyến đi Mỹ đầu tiên cùng tôi có nhà văn Lê Thị Minh Khuê. Và trong chuyến bay mù mịt ấy, Lê Thị Minh Khuê đã thực sự sợ hãi. Chị nói với tôi rằng nếu có mệnh hệ gì thì làm sao mà quay về nhà được. Đúng thế, không thể quay về nhà được.

Chiếc Boeing của hãng Hàng không Nhật Bản cứ nâng dần độ cao. Chưa bao giờ máy bay lại tăng độ cao như thế. Và trên độ cao ấy, người ta không còn nghe thấy gì nữa. Đôi tai ù dần đi và cuối cùng không còn nghe thấy gì nữa. Không nghe thấy gì nhưng không phải kiểu không nghe được của người điếc. Đôi tai vẫn cảm thấy nhẹ. Nhưng tuyệt nhiên không còn một âm thanh nào nữa. Tất cả tĩnh lặng và mênh mang. Mọi người vẫn gọi hỏi nhau, các tiếp viên vẫn đi lại, nhưng tất cả chỉ như những cái bóng in trên tường của một buổi tối buồn bã.

Hồi tôi còn bé. Một đêm học bài và ngủ gục xuống bàn. Khi tỉnh dậy tôi bỗng thấy một cái bóng người in trên tường. Tôi chết đứng vì kinh hãi. Cả tôi và cái bóng kia đều bất động. Khi tôi biết đó là cái bóng của mình thì tôi hết sợ hãi. Nhưng tôi vẫn đứng im lặng rất lâu nhìn cái bóng và cứ tự hỏi đó có phải là mình không. Bây giờ thì có thể biết đó vừa là mình vừa không phải là mình. Tôi tin rằng cái bóng của chúng ta luôn luôn im lặng nhưng không phải không có cảm xúc gì. Cái bóng vẫn sống như chúng ta đang sống và vẫn tư duy như chúng ta tư duy, nhưng tư duy thế nào thì chúng ta không bao giờ biết được. Tôi nghĩ rằng; cái bóng của chúng ta không bao giờ mất đi. Khi chúng ta không nhìn thấy nó là lúc nó tồn tại trên một bức tường khác. Có thể đó là một bức tường thời gian.

Máy bay vẫn lên cao. Tôi không thể nào nhìn thấy trái đất nữa. Những đám mây cũng không còn. Bao quanh tôi là một ánh sáng kỳ lạ. Một thứ ánh sáng không phải của mặt trời. Một thứ ánh sáng mà không một vật cản nào tạo ra được cái bóng của nó. Nó sáng từ đâu? Lúc đầu tôi nghĩ nó sáng từ bên trong chúng ta sáng ra. Những không phải thế. Sáng từ bên trong ra hay từ ngoài vào cũng vậy. Nghĩa là nó vẫn phải chấp nhận một qui luật: nơi xuất phát và nơi đến. Nó cũng không sáng theo một vòng tròn bất tận. Nó sáng bởi tất cả mọi vật đều sáng. Nghĩa là mọi vật đều trở thành ánh sáng. Thứ ánh sáng ấy loại trừ mọi âm thanh phát theo hình sóng. Mặc dù mọi vật đều cất giọng và đều nghe thấy vật đối diện. Khi hiểu ra điều ấy cũng là lúc tôi nhận ra chiếc máy bay cùng chúng tôi đã sang một thế giới khác. Nhưng thế giới nơi chúng tôi đang bay không phải xác lập sự cách biệt thế giới có ngôi nhà của tôi bằng cái chết. Hoặc có thể chúng tôi không nhận biết được đường biên giới ấy. Đường biên giới ấy là điểm không thời gian và không gian. Làng Chùa bé bỏng của tôi lúc ấy hiện lên. Nhưng trong thế giới này, tôi hoàn toàn không có cảm giác gì của thương nhớ, khổ đau mặc dù tôi không hề đánh mất một chút nào của ký ức. Quá khứ lúc đó giống như những ngón tay tôi đang nối liền với bàn tay. Và bàn tay nối liền với cơ thể tôi. Cơ thể tôi là một khối thống nhất. Rồi chỉ ít phút sau, tôi mất đi hoàn toàn cảm giác đang ngồi trong một khối vật chất là chiếc máy bay. Mặc dù, cái ghế vẫn đấy, hành khách bên cạnh vẫn đấy. Cái cánh máy bay nhìn qua cửa sổ máy bay vẫn đấy. Chúng tôi đã ở quá xa trái đất. Có lẽ chúng tôi không bao giờ trở về được nữa. Nhưng trở về để làm gì khi mà nơi trở về lại ở ngay trong chúng ta. Hai không gian này không phải là xếp chồng lên nhau. Không phải lồng vào nhau. Nó đang ở trong một không gian khác ; cái này chứa đựng cái kia và ngược lại. Sự chứa đựng ấy tưởng như hoán vị không ngừng nhưng thực ra nó chẳng hề như vậy. Tôi chỉ cảm nhận được khoảng khắc ấy chứ không nhìn thấy được. Không ai và không cái gì có thể nhìn thấy được.

Và chính ở nơi ấy, tôi thấy có một ai đó nhìn mình và mỉm cười với mình. Cái nhìn không phải từ phía trước, không phải từ phía sau, không từ bên phải, không từ bên trái, cũng không phải ở trên cao, mà ở đâu đấy giống như trong đôi mắt kia tôi không hề hiển diện nhưng lại được nhìn thấu. Và nụ cười cũng vậy. Và trong thế giới ấy, tất cả những bộ phận trên cơ thể con người mà đã từng mang lại cho con người những khoái cảm lạ lùng và cũng đầy đoạ chính con người từ từ biến mất. Đầu tiên là những cái lưỡi. Những cái lưỡi biến mất và ngôn ngữ con người ở đó cất lên giống như những tia nắng đầu tiên của ban mai ùa lên trái đất. Một thứ ngôn ngữ thông tuệ và ngân vang. Cảm giác như sau mỗi lời thốt ra là nắng sớm ngập tràn và hoa nở rực rỡ. Rồi những cái răng biến mất. Những cái răng biến mất trong vòm miệng chúng tôi tưởng như chưa bao giờ chúng tôi phải mang trong miệng mình những cái răng ấy. Sự mệt mỏi và đau đớn trong chuyển động của những hàm răng không còn. Lúc ấy, ánh sáng tràn qua miệng chúng tôi giống như ánh sáng tuôn chảy lộng lẫy qua các ô cửa Thánh đường. Và dạ dày biến mất. Đấy là hành trang nặng nhọc và đau khổ nhất mà chúng ta từng phải mang theo từ lúc sinh ra cho tới khi chết. Nhiều lúc nó đẩy chúng ta vào trong cơn mê sảng của đói khát. Nó làm chúng ta u mê và không ít kẻ trong chúng ta bỗng trở thành những con thú dữ. Giờ nó tan biến như sự tan biến của một chiếc cùm đá, của một cơn ác mộng. Rồi những bộ phận sinh dục tan biến. Nó đã làm cho con người được tận hưởng niềm sung sướng ghê gớm của thể xác nhưng nó lại đày đoạ tinh thần con người. Tất cả hành khách trên chiếc máy bay ấy trở nên trong suốt và bồng bềnh trôi trong vũ trụ vô tận. Họ nhìn nhau và mỉm cười. Nụ cười của họ giống như sự mở cánh của một bông hoa trước ban mai trên cánh đồng chưa hề có dấu chân người.

Tôi tỉnh khỏi cơn mộng khi máy bay xuống đường băng. Giấc mộng về một nơi chốn như tôi vừa thấy là mộng hay là thực. Có thể trong lúc tôi ngủ, mà chưa hẳn đó là giấc ngủ, thì một quyền năng kỳ diệu nào đó đã dẫn tôi tới chốn xa xăm kia. Mà tại sao tôi lại phải băn khoăn rằng nơi tôi đến chỉ là giấc mộng. Bởi tôi vẫn còn nhớ tất cả những gì đã diễn ra nơi ấy. Bởi tại sao tôi lại không có thể được ban phước đến nơi kia. Và dù giấc mộng ấy chỉ diễn ra trong một phút thì tôi cũng đã sống thực với nơi ấy kia mà. Tất cả những giấc mộng cũng chính là một khoảng khắc dài hay ngắn của một đời sống có thực mà tôi được sống. Có thể có lúc tôi đã không công nhận đời sống ấy. Nhưng nó vẫn là có thực. Cũng như con người sống trong giấc mộng ấy là chính tôi lúc đó có thể lại nghi ngờ cái khoảng khắc của một đời sống mà tôi đang ngồi viết đây là một giấc mộng chăng ? Và cuối cùng tôi tin, đến một ngày nào đó, với những nỗ lực và khát vọng sống của mình, con người sẽ đi đến một đời sống như vậy. Trong một bài thơ trước đó của tôi mang tên : Linh hồn những con bò, tôi viết về những con bò ra đi từ bóng tối đến ban mai và tan vào ánh sáng. Chúng đã đến được một thế giới như thế giới tôi đã mơ. Chúng đã sinh ra trên thế gian và ra đi. Chúng đã ra đi trong sự kiên nhẫn của cả cuộc đời chúng. Cuộc đời chúng là một sự kiên nhẫn tột cùng với những đường cày bất tận. Và chúng không một lần ngoái lại chiêm ngưỡng hay thoả mãn với những vụ mùa chúng để lại phía sau. Và cứ thế cho đến một ngày mà chúng không hề biết trước : những chiếc ách nặng nề đeo vào đời sống của chúng bỗng tan biến và chúng đã bay lên. Chúng bay lên và thanh thản như những đám mây trắng trong ban mai rực rỡ và tinh khiết. Và bên dưới những đám mây là cánh đồng của những con bò khác với những chiếc ách và những đường cày bất tận. Bí mật của chúng là không than thở và không được bỏ dở bất cứ một đường cày nào. Nhiều lúc, chính những con bò suốt đời làm nô lệ cho chúng ta lại dạy cho chúng ta bài học ý nghĩa nhất về giá trị thực của đời sống thế gian này.

Những giấc mộng trong những năm tháng này của tôi hoàn toàn khác những giấc mộng mà trước kia tôi hay gặp. Nhiều năm trước kia có lần tôi mộng tôi được quá nhiều tiền. Và khi tỉnh giấc, tất cả đống tiền trong mơ đã biến mất. Tôi không khóc, nhưng nước mắt giàn dụa. Lúc đó tôi cần và rất cần tiền. Tiền cho tôi và cho những người thân nghèo túng của tôi. Bây giờ có khá giả hơn nhưng đó không phải lý do mà giấc mộng được nhiều tiền không đến nữa. Trước kia, giấc mộng tôi thường gặp và bạn bè tôi cũng gặp là giấc mộng mà trong đó tôi luôn luôn bị một ai đó, một cái gì đó săn đuổi. Những cuộc chạy trốn ấy lúc nào cũng thất bại vì đôi chân cứ ríu lại như chân người bại liệt. Bây giờ thì tôi không gặp giấc mộng ấy nữa. Phải chăng bây giờ tôi không tìm cách chạy trốn nữa. Mà trong cuộc đời, chúng ta càng chạy trốn chúng ta càng bị truy đuổi. Và khi bị truy đuổi thì ít khi chúng ta có thể chạy thoát. Con đường duy nhất để chúng ta thoát khỏi sự truy đuổi là chúng ta dừng lại, quay về phía kẻ truy đuổi chúng ta, ngẩng cao đầu bước lên và thách đấu. Cuộc chiến đấu này là cuộc chiến đấu với một ai đó, một cái gì đó và đôi khi là chính bản thân chúng ta. Kẻ thù của chúng ta nhiều lúc thật mơ hồ và chính vì thế mà hầu hết chúng ta luôn luôn thất bại.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhận thức thế giới trong thời đại thông tin

    01/02/2018Nguyễn Trần BạtCon người có thể nhận thức thế giới hay không là một câu hỏi hóc búa không chỉ với các nhà triết học mà còn với cả nhân loại. Tuy nhiên, không chỉ giữa các nhà triết học duy tâm với các nhà triết học duy vật, mà ngay cả giữa những nhà triết học duy tâm với nhau hay giữa các nhà triết học duy vật với nhau cũng có những mâu thuẫn nhất định trong việc trả lời câu hỏi này. Vậy chân lý nằm ở đâu?
  • Bi kịch nhị nguyên và số phận con người

    18/05/2015Phan Bích HợpKhái niệm Nhị nguyên luận được dùng trong nhiều lĩnh vực của tri thức. Bất cứ một lý thuyết nào xác định sự phân ly không thể thu hẹp được giữa hai loại sự vật thì đều có thể gọi là thuyết nhị nguyên...
  • Giới hạn của nhận thức

    23/09/2014Đỗ Kiên Cường“Tự nhiên như người đàn bà ưu làm đỏm, khi thì phơi bày phần này, khi thì phơi bày phần khác trên cơ thể của mình. Và người chiêm ngưỡng kiên nhẫn đến một lúc nào đó sẽ nhìn thấy tất cả”. Đầu thế kỷ XIX, nhằm ca ngợi khả năng vô hạn của nhận thức, nhà khoa học Pháp lừng danh, hầu tước Laplace (1749-1827), được người đương thời xem là có đóng góp khoa học chỉ sau Newton, đã thốt lên nhận định bất hủ như vậy. Hỏi còn gì ve vuốt trí tuệ loài người hơn?
  • Vì sao mê tín dị đoan vẫn tồn tại và phát triển?

    23/11/2005B.N (theo Ca minteresse)Sự tiến triển của khoa học và những tri thức tiên tiến vẫn không đẩy lùi hoặc triệt bỏ được tệ mê tín dị đoan trong xã hội loài người. Năm 2005 này vẫn còn ghi đậm dấu ấn của điều khó lý giải đó...
  • Tử vi: Khoa học hay mê tín

    11/11/2005Hoàng Tùng (Tổng hợp từ các báo Trung Quốc)Tử vi là một dạng thức khoa học hay chỉ là một hình thức bói toán mang yếu tố mê tín và lừa đảo? Câu trả lời đó còn đang gây tranh cãi. Tuy nhiên, có thể nói, với tính chất khoa học thần bí của mình, Tử vi là một đối tượng nghiên cứu khá thú vị...
  • Nhà bác học, thiên tài và trí tưởng tượng

    11/10/2005Đây là bài phỏng vấn nhà vật lý Mỹ nổi tiếng Richard Feynman của tạp chí La Recherche, được chọn là một trong những bài báo hay nhất trong số đặc biệt kỷ niệm 30 năm thành lập của tạp chí này...
  • Thử nêu mấy nét chủ yếu của phong cách tư duy khoa học hiện đại

    24/08/2005Phạm Duy HảiMột số ngành khoa học phi cổ điển đầu tiên đã ra đời từ cuối thế kỷ 19, song khoa học hiện đại chỉ thực sự ra đời do cuộc cách mạng vĩ đại trong khoa học tự nhiên đầu thế kỷ XX. Mở đầu là thuyết lượng tử, đến thuyết tương đối, và đặc biệt là cơ học lượng tử. Các lý thuyết khoa học vĩ đại này đã làm thay đồi căn bản lối suy nghĩ về tự nhiên và hình thành một phong cách tư duy khoa học mới, gọi là phong cách phì cổ điển...
  • Chúng ta không nhìn, mà tưởng tượng thế giới

    26/07/2005Thuận An (theo ABC)Những hình ảnh mà bạn nhìn thấy mấy phần thực, mấy phần hư? Các nhà khoa học khi quan sát não chồn sương - với cấu trúc gần giống não người - đã phát hiện 80% những gì con người biết về thế giới là do hình dung.
  • Nghệ thuật, trí tưởng tượng và nhà khoa học

    19/07/2005Tôi muốn mượn tiêu đề bài báo của giáo sư sinh lý học Robert Root-Berstein, Viện Đại Học tiểu bang Michigan, trên tạp chí Nhà khoa học Mỹ đầu năm 1997 để bàn về mối quan hệ giữa ý thức và vô thức, giữa trí tưởng tượng và tư duy phân tích trong sáng tạo văn học nghệ thuật và sáng tạo khoa học kỹ thuật, một chủ đề hấp dẫn từng gây nhiều tranh cãi không chỉ tại Việt Nam ta.
  • 1 + 1 = 2?

    07/07/2005Phan Đình DiệuKhoảng ba chục năm trước đây, lần đầu tiên đọc báo thấy có người đặt câu hỏi đó, tôi cũng đã ngạc nhiên bởi tính “phi lý” của nó, và rồi từ chỗ hoài nghi sự hiểu biết của mình về chính những điều cực kỳ đơn giản như “số 1 là gì?”, “số 2 là gì?”, “phép + có nghĩa là gì?”, và từ đó phải tự xét lại xem mình đã hiểu “1+1=2” có ý nghĩa như thế nào mà mình tin là đúng?
  • Tri thức là gì?

    06/07/2005Phan Đình Diệu, Đại học Quốc gia Hà NộiThế giới đang chuyển biến tới một nền “kinh tế tri thức”, một “xã hội tri thức”, và với xu thế toàn cầu hoá hiện nay, điều đó cũng tác động rất lớn đến các nước đang phát triển như nước ta với không khi ít các cơ hội và đầy rẫy những thách thức. Nhưng, tri thức là gì? làm sao để có được sự giàu có tri thức tạo cơ sở cho một nền kinh tế và xã hội tri thức giàu có trong tương lai?...
  • xem toàn bộ