Hành trình lý giải những vướng mắc trong mối quan hệ không tốt đẹp của bạn

03:52 CH @ Thứ Tư - 28 Tháng Mười, 2009

Tên sách: Sao tôi không hạnh phúc
Tác giả: Philip Van Munching và Bernie Katz, Ph.D
Khổ: 13 × 20,5cm
Số trang: 311
NXB: Thaihabooks và NXB LĐ-XH.


- Bạn đã trải qua rất nhiều cuộc tình, trải qua nhiều cuộc hôn nhân nhưng vẫn chưa tìm được hạnh phúc đích thực?

- Bạn yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên, bạn tiến tới hôn nhân một cách nhanh chóng nhưng chỉ sau một thời gian, bạn phát hiện ra rằng, mình đã gặp phải người mang những đặc điểm tính cách mà mình vẫn luôn không thích?

Với giọng văn hóm hỉnh thông minh, với cách lý giải của một nhà tâm lý học, tác giả cuốn sách Sao tôi không hạnh phúc?sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi đó.

Bạn có biết rằng, với những người mới bắt đầu, lựa chọn người yêu thương không phải là một sự kiện ngẫu nhiên tùy thuộc vào sự hấp dẫn về mặt sinh lý (hay bất cứ một lý do bề nổi nào), mà là kết quả của một quá trình phức tạp. Vô thức của bạn sẽ nhận ra người nào có những nét tính cách phù hợp với những nét tính cách của bạn.

Cách bạn quan hệ với người bạn đời của mình bắt nguồn từ những mối quan hệ ngày nhỏ của bạn, tức là mối quan hệ giữa bạn với bố, mẹ, anh, chị, em hay bất kỳ một người nào khác có liên lạc thường xuyên với bạn khi bạn còn nhỏ. Đây là những người có ảnh hưởng quyết định tới sự hình thành tính cách của bạn, và chính tính cách đó lại là điều quyết định bạn sẽ chọn người nào để yêu, hơn nữa, nó còn quyết định chuyện tình của bạn có suôn sẻ hay không. Tính cách của bạn được hình thành qua bốn bước cơ bản:

1. Ngày nhỏ, bạn sống trong một loạt mối quan hệ giữa các cá nhân khác nhau. (Bạn và mẹ bạn, bạn và bố bạn, bạn và chị gái bạn…)
2. Các thành viên trong gia đình liên hệ với bạn theo những cách có thể quyết định phần nào tính cách của bạn. Phần nhiều cá tính của bạn chịu ảnh hưởng từ cá tính của chính họ, mà điều này lại được hình thành chủ yếu từ việc họ được nuôi dạy như thế nào.
3. Các mối quan hệ ngày nhỏ của bạn, cả những điều tốt và xấu, đều được tiếp thu, nghĩa là đều được “đưa” vào tâm thức bạn và tạo nền tảng cho cá tính của bạn.
4. Những kinh nghiệm và những cảm giác không thoải mái mà bạn cảm nhận khi còn nhỏ sẽ được nén lại và chuyển ra khỏi phần tâm trí có ý thức của bạn. Những điều đó đã tạo nên phần vô thức trong tính cách của bạn.

Philip Van Munching là tác giả của nhiều bài viết trên New York Times và Chicago Tribune. Từ năm 2006, ông phụ trách chuyên mục Devils Adman trên tờ Brandweek.

Khi bạn chọn người yêu và bắt đầu một mối quan hệ, những kinh nghiệm tương tác với người khác từ những ngày đầu tiên trong cuộc đời bạn sẽ được kích hoạt, nghĩa là bạn bắt đầu tái trải qua những trạng thái tình cảm mà bạn từng trải khi còn nhỏ. Trong những giai đoạn đầu tiên của mối quan hệ, những trạng thái tình cảm mà bạn tái trải qua thường sẽ là những trạng thái tình cảm tích cực. Đó là vì bạn đã lý tưởng hóa người mà bạn chọn làm người yêu, và cá tính của bạn sẽ hợp tác để có thể tạo ra một mối quan hệ vững chắc. Điều này phản chiếu sợi dây liên kết bạn với bố mẹ mình ngày nhỏ. Khi bước vào giai đoạn thực tế đầu, thực tế sau và đính ước, bạn sẽ trải qua những trạng thái tình cảm tiêu cực. Chính lúc này sẽ xuất hiện lời qua tiếng lại, và bạn sẽ quyết định tương quan giữa những tình cảm tích cực và tiêu cực mà bạn có với người bạn đời. Nếu những tình cảm tích cực trội hơn những tình cảm tiêu cực, mối quan hệ của hai bạn có thể vượt qua giai đoạn đính ước và chuyển sang giai đoạn hôn nhân.

Việc hiểu nguồn gốc đó là một công cụ vô cùng hữu hiệu giúp cho mối quan hệ của bạn được thỏa mãn và trọn vẹn. Vấn đề mấu chốt là phải tạo ra được một vốn cơ sở những tính cách – của bạn và người bạn đời – có liên quan tới mối quan hệ này. Nguồn vốn cơ sở đó có thể được hình thành trong quá trình tự quan sát, quan sát người bạn đời và giao tiếp. Bạn theo dõi. Bạn phản chiếu. Bạn nói chuyện. Và khi bạn nhận thấy nhu cầu, bạn sẽ chỉnh sửa tiến trình, thay đổi hành vi của mình sao cho sự thay đổi đó không giáng một đòn tâm lý xuống người bạn đời, và bạn yêu cầu họ cũng làm điều tương tự cho bạn.

Bernie Katz, Ph.D là chuyên gia tư vấn tại Long Island, New York. Ông là giảng viên trường Đại học Cộng đồng Nassau. Ông cũng từng là phát thanh viên chương trình truyền hình trực tiếp hằng ngày State of Mind trên truyền hình cáp Mỹ.

Mục đích chính của cuốn sách này giúp bạn hiểu được những mối quan hệ ngày nhỏ có ảnh hưởng như thế nào tới những mối quan hệ người lớn của bạn. Nhưng không chỉ những mối quan hệ người lớn của bạn. Thực ra, trong lúc chúng ta tìm hiểu những mối quan hệ yêu thương ở các trang này thì bạn đã ở giữa hàng tá những mối quan hệ với nhiều người khác; mà những mối quan hệ này cũng chịu ảnh hưởng từ tính cách của bạn; và tính cách của bạn lại được hình thành từ những sợi dây liên kết với người khác kể từ khi bạn còn rất nhỏ.

Và sự thành công hay thất bại trong những mối quan hệ của bạn được quyết định bởi chính con người bạn: những khía cạnh vô thức và có ý thức trong tính cách của bạn, những kiểu tình cảm mà bạn mang lại cho người khác, khả năng giao tiếp hiệu quả của bạn và cả khả năng “nắm bắt” được những nhu cầu ở người khác của bạn. Tất cả những điều đó đều đóng vai trò nhất định trong cách bạn quan hệ với mọi người trong cuộc đời bạn. Những điều bạn học được từ cuốn sách này có thể đem ra áp dụng cho bất cứ mối quan hệ nào và có thể thay đổi một chút cho phù hợp.


Mục lục

Lời nói đầu
Lời giới thiệu

Cá tính... hay điều làm nên con người bạn
Khám phá tiềm thức của bạn
Những bài học hóa học
Chu trình của một mối quan hệ
Bài kiểm tra mức độ căng thẳng trong quan hệ
Nhận được điều bạn muốn... và thích điều bạn nhận được
Những nguyên tắc can dự của Katz
CPU, liệu pháp dành cho cặp đôi, được làm sáng tỏ

Lời bạt
Lời cảm ơn

Được rồi, không hẳn tất cả đều là lỗi của bố mẹ bạn

Cô bạn Sara của tôi đúng là ngu ngốc khi nói với mẹ rằng, cô ấy đã phải tới gặp chuyên gia tâm lý trị liệu để nhờ họ tư vấn những vấn đề tồn tại trong các mối quan hệ của mình. Mẹ cô ấy đã nói: “Mẹ sẽ tiết kiệm cho con rất nhiều thời gian và tiền bạc bằng cách nói cho con điều mà rốt cuộc bác sĩ tâm thần sẽ nói với con, đó là: “Tất cả đều là lỗi của mẹ bạn”. Sara cười và nói: “Thôi nào, mẹ, điều đó không công bằng. Còn có lỗi của bố con nữa, và con dám chắc rằng giáo viên cấp hai của con cũng phải chịu một phần trách nhiệm”.

Bất kỳ người nào đã bước qua tuổi 12 đều biết: trong mỗi lời chế nhạo luôn hàm chứa một sự thật nào đó. Kỳ thực, mẹ Sara đã lo lắng rằng con gái có thể đổ hết mọi tội lỗi lên đầu bà vì những điều thất vọng trong cuộc sống của cô, còn Sara thì bắt đầu đi tới kết luận rằng hầu hết những điều thất vọng của cô đều liên quan tới – hoặc đều có phần trách nhiệm của – những người đã nuôi nấng, dạy dỗ cô trong những năm đầu đời.

Cũng như nhiều người, Sara tìm tới phương pháp trị liệu nhằm tìm căn nguyên những vấn đề của mình, nhưng về cơ bản, cũng chỉ dừng ở đó mà thôi. Cô đã nhận ra những điều từ thời thơ ấu có ảnh hưởng tới con người “người lớn” trong cô sau này; cô đổ lỗi cho bố, mẹ, cô giáo dạy cấp Hai và một số người bạn trung học, rồi đột nhiên không tới gặp bác sĩ tâm lý nữa. Cô nghĩ rằng, đổ lỗi cho người khác vì những bất hạnh của mình là đủ rồi.

Thực tế, không phải như vậy. Việc đổ lỗi cho người khác có thể làm những suy nghĩ nhất thời của cô về bản thân khá lên một chút, nhưng nó không có tác dụng giải đáp bài toán nan giải trong mối quan hệ tệ hại của cô. Việc đổ lỗi không thể giúp cô hiểu được tại sao mình lại quyết định lựa chọn tình yêu này, hay tại sao những điều từng cuốn hút cô ở người bạn đời giờ lại làm cho cô phát điên lên. Việc đổ lỗi không giúp tìm ra cách giải quyết các mối quan hệ của cô... thậm chí còn chẳng giúp cô xác định được liệu mối quan hệ đó có thể giải quyết được hay không.

Vì đổ lỗi chẳng giải quyết được vấn đề gì nên chúng ta hãy tạm gác nó qua một bên. Hãy gạt bố mẹ, bạn bè, thậm chí là cả người bạn đời của bạn ra khỏi cuộc thảo luận của chúng ta một lúc. Hãy chỉ nói về bạn thôi. Trong năm chương của cuốn sách này, tôi sẽ nói cho bạn biết rằng, điều then chốt để giữ gìn những mối quan hệ yêu thương là phải hiểu được đối tượng vô cùng phức tạp đang đọc những dòng chữ này. Để có thể hòa hợp với những người khác, đầu tiên, bạn cần phải có những hiểu biết nhất định về chính con người bạn.

Xin kể một câu chuyện ngắn như thế này: Ông chủ cũ của tôi tôn sùng tất cả những thứ ngớ ngẩn mà ông ta đã học được ở ngôi trường kinh doanh của mình, vì thế ông ta rất thích vẽ sơ đồ, bảng biểu để lý giải cho mọi thứ. Thế nên cứ mỗi tuần, nhân viên chúng tôi lại phải vẽ một hoặc hai biểu đồ minh họa cơ cấu phòng ban, kế hoạch kinh doanh... thậm chí là cả tính cách của chính mình. Tôi đệ trình đơn xin từ chức, và ông ta tặng tôi một bản vẽ, mà theo ông ta là nó có ích cho tôi, dù việc tiếp theo tôi chọn có là gì chăng nữa.

Ông ta đã vẽ một ô cửa sổ có bốn tấm kính, hai tấm cao và hai tấm rộng. Phía trên hai ô kính trên cùng, ông ta viết dòng chữ “Điều người khác biết về anh”“Điều người khác không biết về anh”.Dọc theo hai ô kính bên trái, ông ta viết “Điều anh biết về bản thân” “Điều anh không biết về bản thân”. Còn bên trong những ô kính, ông ta viết “Điều anh biết về bản thân mà người khác không biết”, “Điều cả bản thân và người khác đều biết về anh”, vân vân và vân vân.

Ông ta nói: “Philip, nếu bây giờ cậu giấu những điều đã biết về bản thân, dù người khác có biết điều đó hay không, thì cậu cũng chỉ còn hai thứ: điều không ai có thể biết về cậu, và điều mà người khác biết về cậu nhưng cậu lại không biết. Đó là điều cuối cùng mà mỗi chúng ta nên chú trọng. Chúng ta cần học được một điều rằng, người khác có thể cho chúng ta biết nhiều về bản thân chúng ta”. Tôi đã cố gắng lắm mới có thể kìm chế không nói ra những điều mà tất cả nhân viên chúng tôi đều biết về ông ta. Tôi không dám nói – vì sợ mất “cần câu cơm” – và cảm ơn ông ta vì đã tặng tôi ô cửa sổ có bốn tấm kính đó.

Nhiều năm sau, tôi vẫn nghĩ về bức vẽ đó, và nhận ra có thể học đôi điều rất thú vị, nếu biết tập trung vào tấm kính nào.

Có những điều về bạn mà chẳng ai biết, kể cả bản thân bạn. Nhưng ông chủ quá cố của tôi cũng không đúng khi nói có những điều không thể biết.

Thực ra, ý thức được điều này sẽ giúp bạn hiểu tại sao mình lại có sức cuốn hút với một số người, và tại sao, cùng với thời gian, các mối quan hệ lại bắt đầu rạn nứt, giống như một người từ sung sướng, thảnh thơi có thể trở nên căng thẳng, đau khổ vậy.

Như hầu hết mọi người, bạn có thể tin rằng mình là người đưa ra những lựa chọn yêu thương – có nghĩa là chọn những người bạn đời lãng mạn, cả tạm thời và lâu dài – phần lớn dựa trên những đặc điểm nổi bật bên ngoài như ánh mắt, sự hài hước hay sự thừa nhận của xã hội. Điều mà có lẽ bạn không nhận ra là vẫn còn rất nhiều thứ tiềm ẩn bên trong mỗi con người tác động sâu sắc đến tâm tư của bạn. Vì thế, bạn có thể bị hấp dẫn bởi một khuôn mặt rất cuốn hút, nhưng bạn cũng có thể xao động trước những điều ẩn sâu trong cá tính của người khác – điều tạo ra những phản ứng vô thức trong con người bạn. Chính những phản ứng này, cả tích cực và tiêu cực, đã nhanh chóng đẩy bạn vào các mối quan hệ... và qua thời gian, lại chia tách những mối quan hệ này.

Điều đáng mừng là dù có vẻ bí ẩn, nhưng những phản ứng vô thức này lại có thể đoán trước được, và chính nhờ đó đã cho chúng ta đôi chút “manh mối” để biết được nguồn gốc mọi chuyện. Từ những “manh mối” này, chúng ta có thể tìm hiểu được chính cá tính của mình, và bắt đầu ý thức được (cũng như thay đổi) nhiều điều ở con người chúng ta, khiến chúng ta trở nên cuốn hút trong mắt những người không phải vốn sinh ra là để dành cho chúng ta, hay phá hoại mối quan hệ yêu thương ổn định mà lẽ ra ta đã có với một người nào đó tưởng chừng rất hợp với chúng ta.

Cho phép tôi giới thiệu với các bạn người thầy đã giảng dạy cho chúng tôi tất cả những chuyện này, Tiến sĩ Bernie Katz. Từng là nhà tư vấn cho các đôi uyên ương và giáo sư tâm lý trong suốt bốn thập kỷ qua, Bernie đã làm việc với không biết bao nhiêu người trong rất nhiều giai đoạn tình cảm khác nhau: từ những cặp đôi đang băn khoăn về việc có nên gắn bó cả đời với nhau không tới những cặp đôi đã kết hôn được cả thập kỷ. Do đặc thù công việc, Bernie đã đối mặt với hầu như mọi loại quan hệ mà bạn có thể tưởng tượng được, và cả một số kiểu quan hệ mà có lẽ bạn chẳng bao giờ ngờ đến... Bạn nên, rất nên biết ơn ông vì điều đó.

Điều mà Bernie đã khám phá ra, và cũng chính là điều chúng tôi muốn trình bày trong chương tiếp theo, là ngay từ những ngày đầu của bất kỳ một mối quan hệ yêu thương nào, người ta đều có thể tìm được đầy đủ thông tin cần thiết để phán đoán tương đối chính xác về mối quan hệ đó rốt cuộc có làm cho mình hài lòng hay chỉ toàn những mâu thuẫn. Tất nhiên, điều quan trọng là phải nhận biết được những dấu hiệu để phán đoán... và làm thế nào để “đọc vị” được ý nghĩa của chúng.

Có một điều đáng mừng là ngay cả khi bạn khám phá ra những dấu hiệu dự báo mối quan hệ của mình – mà cũng như mọi người, bạn có thể đã bỏ qua – thì cũng vẫn chưa phải là quá muộn để chuyển hóa mối quan hệ mâu thuẫn thành nhiều mối quan hệ hạnh phúc. Dù cô bạn Sara của tôi không thôi đổ lỗi cho người khác và chuyển sang giai đoạn điều trị “Làm thế nào để áp dụng một cách hiệu quả điều mình mới học được?”, nhưng vẫn có thể tạo ra những thay đổi trong chính con người bạn để cải thiện mối quan hệ với người bạn đời. Sau này, chúng ta sẽ nói chuyện về những phương pháp mà Bernie đã dùng để đạt được điều đó.

Đầu tiên, chúng ta sẽ nói về chính bạn. Vì cá tính là yếu tố then chốt làm nên sự thành công hay thất bại trong mối quan hệ của bạn, nên chúng ta sẽ bắt đầu với việc tìm hiểu cá tính của bạn đã phát triển như thế nào. Bạn có để ý tới từ “phát triển” không? Ngược với điều người khác khẳng định – “Thật ngạc nhiên, cháu rất giống bà ngoại” – cá tính không mang tính di truyền. Bạn không sinh ra với những niềm yêu, ghét, điểm mạnh, điểm yếu và những nỗi sợ sẵn có từ người thân. Những điều này sẽ trở thành một phần con người bạn qua quá trình bạn tiếp xúc với xã hội phức tạp kể từ khi cất tiếng khóc chào đời. Vì thế, có thể bạn có đôi mắt giống bố, nhưng không có nghĩa là bạn lại có những kinh nghiệm giống như bố bạn... và cũng chẳng thể nói rằng cá tính của bạn giống hệt cá tính của bố hay bất kỳ một người nào khác.

Một trong những yếu tố có vai trò quan trọng trong việc phát triển cá tính của bạn chính là tiềm thức – “ngôi nhà” chứa đựng những điều bí mật chẳng ai biết về bạn, thậm chí là chính bạn. Hầu hết những câu hỏi do bạn tự đặt ra, thậm chí là cả những câu hỏi chẳng liên quan gì tới thế giới tình cảm của bạn như “Sao mình lại không chọn một chế độ ăn kiêng giản đơn nhỉ?” hay “Mình biết là mình phải hoàn thành công việc này, nhưng sao lại không thể trì hoãn thêm nhỉ?” đều có thể trả lời, với điều kiện bạn làm chủ được tiềm thức của mình, nghĩa là bạn phải biết nhận thức. Tin hay không tùy bạn, nhưng bạn có thể bắt đầu thực hành điều đó, và chúng ta sẽ xem xét vô số cách giúp bạn hiểu và “xử lý” những dấu hiệu mà tiềm thức vẫn luôn gửi cho bạn. Từ giấc mơ tới những kiểu hành vi lặp đi lặp lại, tiềm thức có thể nói với bạn nhiều điều, và từ đó bạn cũng học được cách lắng nghe như thế nào.

Sau này, khi bạn đã hiểu rõ hơn về cá tính của mình, chúng tôi sẽ đưa người bạn đời của bạn vào cuộc, và bắt đầu tìm hiểu khái niệm “hóa chất yêu thương”. Chúng ta sẽ tìm hiểu cảm giác yêu thương tích cực phát triển như thế nào, và những cảm giác đó thực ra là những kiểu phản ứng nào trong cá tính của chúng ta (ý thức và vô thức) trước cảm hứng yêu đương của bản thân.

Từ đó, chúng ta thảo luận về sự phát triển và thay đổi của một mối quan hệ yêu thương từ “cô ấy là người phụ nữ hoàn hảo!” trong tuần trăng mật tới khi cảm thấy “Anh ấy vẫn luôn phiền toái như vậy sao?” Việc hiểu được những mâu thuẫn nảy sinh và phát triển như thế nào trong một mối quan hệ chính là chìa khóa giúp bạn nhận ra sự tồn tại của chúng trong những mối quan hệ của chính bạn; ở đây chúng ta chưa vội bàn tới cách đối phó với chúng. Cuối cùng, chúng ta sẽ làm sáng tỏ liệu pháp tâm lý cặp đôi, liệu pháp vốn được coi là lựa chọn tốt nhất, khi mà việc xác định những vấn đề trong mối quan hệ của bạn cũng như việc từng bước giải quyết chúng có vẻ như không thực hiện được. Như Bernie đã nói với biết bao nhiêu đôi lứa sau ngần ấy năm, khi đã dùng tới liệu pháp cặp đôi, thì chính mối quan hệ của các bạn, chứ không phải các bạn, là bệnh nhân.

Mối quan hệ nào cũng tiềm ẩn nhiều khúc mắc, giống như mọi cỗ máy cuối cùng rồi sẽ hỏng. Mong bạn thứ lỗi khi tôi so sánh mối tình hay cuộc hôn nhân của bạn với một chiếc xe ô tô, nhưng quả thật chúng rất giống nhau: nếu bạn chăm sóc chiếc xe của mình đúng mực, thay dầu, tìm hiểu nguyên nhân gây ra những tiếng động lạ, chắc chắn nó sẽ chạy tốt trong một thời gian rất dài. Trái lại, nếu bạn bỏ qua dù chỉ một dấu hiệu bất thường rất nhỏ thì bạn có biết rằng, vũng nước nhỏ trên sàn nhà xe ngày hôm nay sẽ là nguyên nhân hỏng động cơ xe ngày mai?

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tâm lý học với việc nghiên cứu hạnh phúc con người

    20/01/2018TS. Nguyễn Chí ThuậtHạnh phúc là gì? Định nghĩa về nó tưởng vô cùng đơn giản, song lại khiến bao nhà nghiên cứu phải đau đầu và cho tới nay vẫn chưa có sự thống nhất hoàn toàn trong việc định nghĩa hạnh phúc...
  • Hạt đời long lanh

    20/10/2016Phong ThuÝ nghĩ hạnh phúc là giá trị, là những gì đẹp đẽ, lớn lao, cao cả, quý báu của con người - đời người. Để có được hạnh phúc cho mình và dành cho người khác khó lắm. Cần phải thật nỗ lực, phải có những việc, sự học, cống hiến lớn lao cao cả tương ứng với tầm vóc của hạnh phúc mà ta hướng tới...
  • Nguồn gốc của hạnh phúc và bất hạnh

    20/03/2016Trong cuộc sống, mọi người đều có thể cùng nhau vun đắp hạnh phúc. Tuy nhiên, không phải bất kỳ cặp nam nữ nào cũng có thể chung sống đến đầu bạc răng long. Hôn nhân trong cuộc sống hiện đại là một thử thách lớn cho hai người trưởng thành...
  • Nguyên lý hữu dụng và hạnh phúc

    06/03/2016Luận MinhCuối thế kỷ 18, triết gia người Anh Jeremy Bentham trong tác phẩm “Giới thiệu các nguyên lý đạo đức và luật pháp” (1789) đã đề ra nguyên lý hữu dụng, nội dung của nó là tán thành hay phủ nhận hành động của cá nhân hoặc chính quyền, dựa trên nỗ lực làm gia tăng hay giảm bớt hạnh phúc cho người khác. Theo J. Bentham, chính quyền được xây dựng trên căn bản tam phân: lập pháp, hành pháp và tư pháp, hình thức tổ chức chính quyền chỉ là phương tiện để đạt đến mục đích
  • Hạnh phúc

    20/09/2015Nguyễn Trần BạtHạnh phúc có phải là một trạng thái tinh thần nhất thời của con người và có đơn giản chỉ là sự thỏa mãn các đòi hỏi hay không? Bản chất của hạnh phúc thật sự là gì? Trước những cuộc khủng bố liên tiếp xảy ra trên khắp thế giới vào những năm gần đây, chúng ta buộc phải đặt câu hỏi: loài người có thật hạnh phúc không? Vì thế, tôi muốn truy đuổi khái niệm hạnh phúc để tìm ra đâu là yếu tố cơ bản tạo nên hạnh phúc của con người...
  • Hạnh phúc là nhìn thấy điểm dừng

    20/10/2014Đỗ Phương TiếnKết hợp những nghiên cứu mới nhất trong các lĩnh vực kinh tế học, tâm lý, khoa học thần kinh, xã hội học, triết học và chính sách xã hội, giáo sư kinh tế tại Đại học kinh tế London Richard Layard đã kiến tạo một cách nhìn độc đáo và thú vị về xã hội và cuộc sống của chính con người chúng ta.
  • Hạnh phúc: Điều quan trọng nhất trong cuộc sống

    24/09/2014Huỳnh Trúc“Điều quan trọng nhất trong cuộc sống? Nếu người ta hỏi một người trong cơn đói, đó sẽ là thực phẩm. Với một kẻ nào đang lạnh, đó sẽ là hơi ấm. Và nếu một ai đang cam chịu cô đơn, chắc chắn đó sẽ là sự gần gũi với người khác”.
  • Về vấn đề mưu cầu hạnh phúc cá nhân và ý nghĩa của nó đối với xã hội ta hiện nay

    03/05/2014PGS, PTS. Nguyễn Tấn HùngHạnh phúc và mưu cầu hạnh phúc cá nhân là vấn đề luôn được quan tâm trong lịch sử triết học. Bài viết điểm qua các quan niệm trong lịch sử triết học - cả phương Đông và phương Tây - về vấn đề quan trọng này. Thông qua cách nhìn mácxít về hạnh phúc, bài viết xác định một vài vấn đề đang đặt ra trong xã hội ta hiện nay...
  • Hạnh phúc hơn

    26/02/2014Tal Ben-Shahar, Ph.DTôi tin rằng nếu mọi người đều nhận ra bản chất thật của hạnh phúc như là cùng đích, thì chúng ta sẽ thấy xã hội xung quanh không chỉ ngập tràn hạnh phúc mà còn toàn những điều thiện.
  • Giá trị của hạnh phúc

    14/10/2009David NivenKhông bao giờ quá trễ để có được hạnh phúc nếu bạn thực sự quyết tâm. Vì cuộc sống này là thuộc về chính bạn và hơn nữa đó chính là giá trị của con người bạn.
  • Hạnh phúc, mi ở đâu?

    06/07/2009Sưu tầmChúng ta thường nói "đi tìm hạnh phúc" có nghĩa rằng ta thường nghĩ hạnh phúc nằm ở đâu đó và ta qua một chặng đường nào đó, để mắt đeo đuổi, tìm kiếm nó như một đích ngắm. Nó ở đâu? Có chăng một địa chỉ cố định nào đó bên ngoài. Dù gì đi nữa thì hạnh phúc đang ở đây, ngay đây thôi và ta phải nhận ra rằng hạnh phúc chính là ở một tâm hồn luôn mở rộng cửa, một tâm hồn luôn biết cho đi mà không bận tâm về cái nhận được...
  • Chợt nhận ra

    15/02/2009Trần Mạnh ThắngChợt nhận ra những tâm sự canh cánh trong lòng những truân chuyên cuộc đời làm người ta già đi, không đón nhận được hạnh phúc cuộc sống quanh ta. Chợt nhận ra kỹ năng để tạo dựng hạnh phúc không chỉ bởi trải nghiệm lòng mình mà còn bởi ta cho và nhận trong cuộc sống sao cho thích hợp, có nghĩa có tình...
  • Khát vọng Tình yêu & Hạnh phúc

    17/12/2008Nguyễn Khắc NhoTrong cuộc sống hàng ngày, ai mà chả mong mình được sống trong tình yêu và hạnh phúc. Lời chúc muôn thuở của con người mãi mãi vẫn là chúc nhau mạnh khỏe, thành đạt và hạnh phúc. Thế nhưng thử hỏi tình yêu là gì, hạnh phúc là gì, vì sao con người lại chúc nhau và mong mỏi thiết tha đến thế?
  • Nghiên cứu định lượng về hạnh phúc và chỉ số hạnh phúc (HPI) của Việt Nam

    21/11/2007Hồ Sĩ Quý (PGS. TS. Viện trưởng Viện thông tin KHXH)Khi tiến hành đo đạc, tính toán về hạnh phúc, đóng góp của các nhà nghiên cứu định lượng được ghi nhận nhiều ở việc họ đã chỉ ra vai trò của từng nhân tố cụ thể trong cấu trúc của hạnh phúc con người. Các nhân tố thường được quan tâm và đã được xem xét là năng lực thông minh và trí tuệ, yếu tố di truyền và bẩm sinh, vai trò của giáo dục và truyền thống, ảnh hưởng của thu nhập và tiền bạc, các quan hệ gia đình và hôn nhân…
  • “Hạnh phúc”, cũng cần học!

    13/05/2007Hạnh Nguyên (London)Một đề tài tờ Daily Telegraph đưa ra đang gây tranh cãi trong những người làm giáo dục ở Anh. Đó là việc cố vấn cao cấp về giáo dục cho Chính phủ Anh, Richard Layard, giáo sư kinh tế tại Đại học Kinh tế London, đề xuất đưa một môn học mới vào giảng dạy. Môn học có tên là “Bài học hạnh phúc”...
  • Hạnh phúc

    21/02/2007Nguyễn Trần Bạt - Chủ tịch kiêm TGĐ Investconsult GroupNếu con người không có năng lực để đánh giá sự đúng đắn hay xác lập sự đúng đắn trong khi tiến hành các hành vi của mình thì con người không thể có hạnh phúc bền vững. Nhận thức được các tất yếu sẽ làm cho con người trở nên đúng đắn. Xin giới thiệu cùng bạn đọc một lát cắt trong những luận bàn sâu sắc của TGĐ- Chủ tịch Investconsult Group - Nguyễn Trần Bạt về hạnh phúc. Con đường để có được hạnh phúc, một hạnh phúc bền vững là hành trình tìm ra khuynh hướng đúng đến tận cùng giới hạn và vượt qua...
  • Hạnh phúc rất đơn sơ…

    01/01/1900BS. Đỗ Hồng NgọcBuổi sáng, mở tờ báo, mọi người chưng hửng, rồi tủm tỉm cười: Việt Nam mình hạnh phúc nhất Châu Á, xếp thứ 12 trên thế giới. Trong khi đó, Singapore - một "thần tượng” của mình lâu nay lại đứng hạng bét Châu Á và hạng thứ 131 của thế giới! Mỹ còn tệ hơn, hạng 150, rồi Anh 109, Pháp 129, Nhật 95 và Đức 85...Ai đó lên tiếng bên tách cà phê sáng vỉa hè Sài Gòn, giữa những ngày bão rớt, với dồn dập những tin động đất, lũ lụt, sóng thần, núi lửa, dịch bệnh, chiến tranh...
  • 10 bí quyết cho Hạnh phúc

    25/10/2005Minh Thu1/2 mức độ hạnh phúc của bạn có thể được định hình ngay từ lúc bạn vừa mới chào đời, và thêm 10% nữa là do các hoàn cảnh khách quan quyết định. Có nghĩa là chúng ta còn tớ những 40% cơ hội để tự xoay sở hạnh phúc cho mình. Vậy thì tại sao chúng ta lại không bắt đầu năm bắt khả năng ngay từ bây giờ ? Và đây là 10 điều kiện mà mỗi chúng ta đều cần có được nhằm mưu cầu một hạnh phúc thực sự cho mình...
  • Bí quyết của hạnh phúc

    17/10/2005Nguyễn Thị Thùy MaiNhiều khi bạn nghĩ rằng phải dư dả mới có hạnh phúc thực sự. Ngược lại, cũng có người nghĩ rằng hạnh phúc chỉ tồn tại với các cặp vợ chồng thuở hàn vi… Tuy nhiên, hạnh phúc lại phụ thuộc rất nhiều vào cách sống hằng ngày, vào cảm giác, vào quan niệm của bạn về cách hưởng thụ cuộc sống...
  • Khi nào bạn hạnh phúc?

    06/08/2005Giàu có không làm bạn tăng thêm hạnh phúc, nếu bạn không có nhiều tiền bằng người khác, hoặc ít có thời giờ dành cho giải trí hơn. Đó là kết luận từ một nghiên cứu mới về hạnh phúc của các chuyên gia phương Tây...
  • Bí mật của hạnh phúc (Hạt giống tâm hồn)

    02/08/2005Khi còn ở tuổi niên thiếu, dường như mọi người chúng ta thường nhìn nhận khái niệm hạnh phúc rất đơn giản - đó là đạt được những điều mình muốn. Khi bước vào cuộc sống, chúng ta thực sự đặt chân lên cuộc hành trình tự khẳng định mình, trải nghiệm, khám phá và đi tìm hạnh phúc cuộc sống.
  • xem toàn bộ