Người Sài Gòn

03:11 CH @ Thứ Năm - 15 Tháng Mười, 2009

Phong cách của người Sài Gòn so với cả nước không có gì khác lạ. Ở đâu trên nước Việt Nam mà người dân không hiếu khách, trọng nghĩa khinh tài, lanh lẹ, cần cù! Nhưng ở Sài Gòn, phong cách ấy thể hiện đậm nét, ở vài khía cạnh nào đó.

Phong cách nào phải do trời đất ban cho, nhưng thành hình do hoàn cảnh bắt buộc con người phải thích ứng, hội nhập, bằng không thì dễ bị đào thải. Thích ứng để tồn tại, vươn lên. Hoàn cảnh do sinh hoạt kinh tế, với quy luật riêng.

Văn minh biển

Ai cũng biết văn minh Sài Gòn, đó là văn minh biển (Sài Gòn là hải cảng) để giao lưu với các nước Đông Nam Á, sau đó là các nước phương Tây. Sài Gòn cũng là nơi nhộn nhịp với văn minh sông nước về phía đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, Sài Gòn còn là không cảng quốc tế quan trọng. Mà khi đã là vùng cảng, thì luôn luôn có nhiều dịch vụ cần thiết, để thu mua hàng hóa, phân phối hàng hóa... đời sống tương đối dễ dàng hơn so với nông dân vùng xa, vùng sâu. Thành phố cảng phải có hạ tầng cơ sở cần thiết như nhà ở, đường sá, cống rãnh, bệnh viện, trường học, ăn uống, giải trí... Một yếu tố quan trọng phải được nhắc đến, đó là trên đường mở nước, từ những làng mạc khép kín với lũy tre, làng xóm lần hồi mở rộng ra, chỉ còn ranh giới mơ hồ về quản lý hành chính. Người đã bỏ làng quê không bị ràng buộc chặt chẽ về luân lý phong kiến, thể diện gia tộc. Với phố cổ Hội An thời chúa Nguyễn, mặc nhiên vua chúa phải ban hành cho phía Nam một quy chế dễ dãi. Quá khứ người tù đày, thường phạm bắt buộc phải đi khẩn hoang vẫn còn trong tiềm thức. Đi xa quê hương, nhưng vẫn gắn bó với sông Mã, sông Hồng, non sông liền một dải, chung một lịch sử, một văn hóa, cụ thể là về phong tục vẫn giữ cất lõi, qua những lễ hội, văn hóa, văn học...

Người Sài Gòn cũng ưa nghe tin tức, hay còn gọi là tìm lượng thông tin, bởi vậy báo chí là món ăn cần thiết. Họ đọc báo để tìm hiểu tình hình chung, đặc biệt là tin tức liên quan đến công việc làm ăn hằng ngày của mình. Thiếu lượng thông tin, hóa ra lạc hậu, thất bại trong việc làm ăn, vì tình hình luôn biến động từng giờ, từng phút. Và cũng vì ngành này liên quan đến ngành khác, người ta phải đọc báo để kiểm tra cho đầy đủ. Ngồi quán cà phê đọc báo, chờ bạn bè, ai không đọc báo thì lắng nghe người đã đọc tóm lược giùm. Giao thiệp với bạn hè, tìm bạn mới, trao đổi nhau số điện thoại, danh thiếp, ăn uống lặt vặt, ai trả tiền cũng được, người tuy khác ngành nghề nhưng biết đâu sẽ giúp đỡ mình chuyện gì đó. Làm quen với anh phu xích lô, cũng là một dịp huống gì với một thương gia. Người đang thất nghiệp cũng có thể giúp đỡ ta khi có dịp.

Sài Gòn hào sảng

Làm dịch vụ mua bán lớn nhỏ cần sự sòng phẳng. Làm ăn vui vẻ, bất chấp đối tác của mình có quá khứ như thế nào, miễn là giữ chữ tín. Ai gặp khó khăn, có thể thất tín, nhưng phải khiêm tốn xin lỗi. Giận hờn để làm lành, với một tiệc nhỏ rồi bỏ qua, nhưng theo luật giang hồ là “bất quá tam”, nghĩa là đến lần thứ ba thì không khoan dung được.

Hào hiệp, nghĩ rằng người đến Sài Gòn đa số là kẻ sa cơ thất thế, vì vậy mà giúp đỡ tận tình, nhưng đừng hiểu lầm đó là ngây thơ, khờ khạo. Là vùng ít thiên tai, bão lụt nên dễ sống. Có nhiều dịch vụ linh tinh, nhờ thế người nghèo có thể sống được, thậm chí nếu chịu khó thì cũng có thể khá lên được sau vài tháng. “Tiến thì về nội, thôi thì về ngoại”, còn hậu phương thì khá vững, đó là bà con, họ hàng bên vợ, là bạn bè chí cốt ở đồng bằng hoặc miền Đông.

Các chị ở Sài Gòn nói riêng và Nam Bộ nói chung khá linh hoạt, giỏi làm kinh tế, nhất là trong nghề tiểu thương, tảo tần nuôi chồng con, hiếu đễ với cha mẹ. Ngoài ra, còn có thói quen cho vay tiền bạc góp, làm ăn nhờ tiền vay này, “làm bữa nào xào bữa ấy”. Ta thấy suốt ngày, thậm chí đến 8 giờ tối vẫn còn có người đi chợ mua rau cải, gạo, cá.

Ham thích du lịch, nhất là đi chùa chiền, miếu mạo theo sự đồn đại của bạn bè. Tư tưởng đa thần, cái gì cũng theo, cũng tin, để cầu mong phước đức. Kinh tế thị trường quả là sự rủi may, cho nên giàu thì không dám khinh lờn thần thánh, nghèo thì khấn vái để được gặp may mắn.

Nét tích cực nhất của người Sài Gòn là làm điều từ thiện, theo cảm tính, dễ thương người. Luôn giúp người khuyết tật, nạn nhân bão lụt, thiên tai, theo quan niệm “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”.

Hiện nay, những phong cách trên của người Sài Gòn vẫn còn thể hiện khá rõ. Mặc dầu lúc giao thời với kinh tế thị trường, một số người trẻ tuổi có những biểu hiện nông nổi, nhưng quá 50 tuổi, ai cũng trở về nguồn với kỷ niệm, với tâm linh.


(*) Trích trong Tâm lý người Việt Nam nhìn từ nhiều góc độ, NXB Tổng hợp TPHCM, 2000

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sức sống Việt

    28/01/2015Nguyễn Bỉnh QuânTa có năm đặc điểm văn hóa Việt để đi sâu nghiên cứu có thể thấy những nét bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó chính là sức sống Việt, sức sống của dân tộc, quốc gia. Bản sắc ấy, sức sống ấy sẽ chuyển hóa như thế nào, đưa chúng ta tới đâu, giúp chúng ta tới đâu trong cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa trong tình cảnh toàn cầu hóa... câu trả lời sẽ trở thành sức sống Việt thời mới.
  • Chủ nghĩa Hiện sinh ở Miền Nam Việt Nam 1954-1975 (trên bình diện lý thuyết)

    02/10/2019PGS.TS. Huỳnh Như PhươngĐể chọn một lý thuyết triết học và mỹ học được du nhập và có ảnh hưởng rộng rãi nhất trong lý luận và sáng tác văn học ở miền Nam Việt Nam những năm 1954-1975, có lẽ nhiều người sẽ không ngần ngại chọn chủ nghĩa hiện sinh. Ảnh hưởng đó thể hiện ở chỗ đây là trào lưu, tuy lúc đậm lúc nhạt, nhưng đã hiện diện gần như trọn cả một giai đoạn lịch sử đen tối và phức tạp.
  • Tiếng lóng Sài Gòn

    04/08/2009Mãn ChâuTiếng lóng vốn là tiếng của…vỉa hè, chợ búa, là thứ tiếng của đám đông. Có lẽ chỉ các bậc tu hành mới không có (chứ đôi khi các ngài cũng dùng) tiếng lóng chuyên dùng . Thoạt kỳ thủy đó là tiếng của một giới nào đó ( ăn chơi, mánh mung, lính tráng…) , là con đẻ của một ngoại cảnh nào đó, không phải “tiếng lòng” tức không phải của nội tâm, càng không là ngôn ngữ của tư duy...
  • Chuyện làm báo ở Sài Gòn trước 1975

    21/06/2009Đoan Trang"Nhiều nhà báo trẻ bây giờ sính dùng tiếng Anh, tiếng Mỹ trong bài quá, mặc dù nhiều từ có tiếng Việt tương ứng. Có khi lại dùng từ nước ngoài kèm theo tiếng Việt, kiểu như: fan hâm mộ, nắp ca-pô…” - ông Y. nói. "Tôi nhớ báo chí Sài Gòn thời trước 75 không ai viết tiếng Việt theo kiểu "ba rọi" như vậy, mà phóng viên có lỡ viết thì biên tập viên cũng sẽ sửa ngay".
  • Cà phê thứ bảy với một trí thức Sài Gòn

    03/05/2008Nguyễn Thị Ngọc HảiKhông phải vì “từ quan” ra làm dân ông mới nổi tiếng. Từ lâu, nhiều người ở TP. Hồ Chí Minh biết ông Lương Văn Lý là một nhà ngoại giao lịch lãm, một trí thức tài năng. Ông có thể dịch cho hai cuộc trao đổi chuyên môn sâu bằng hai ngôn ngữ Anh - Pháp cùng một lúc...