Khi tin đồn tìm ta trú ngụ

08:56 CH @ Thứ Sáu - 02 Tháng Mười Một, 2012

Trên truyền hình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình xác nhận: Hiện đang có những tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng xấu tới hệ thống ngân hàng. Vậy tin đồn xuất hiện như thế nào và liệu có thể hạn chế tác động tiêu cực của nó tới đời sống xã hội? Sinh Viên Việt Nam đã trao đổi cùng TS Lê Văn Hảo, Viện Tâm lý học (Viện Khoa học xã hội Việt Nam).

Cơ chế của tin đồn

Dưới góc độ tâm lý học xã hội và truyền thông, theo ông, khi nào thì một tin đồn xuất hiện?

Trong tâm lý học xã hội, tin đồn được xem là những "lý giải” chưa được kiểm chứng về một sự kiện, tình huống hay vấn đề mà công chúng quan tâm và nó được truyền từ người này sang người khác. Nói cách khác, tin đồn là một nỗ lực hay hành vi mang tính chất tập thể, nhằm lý giải một tình huống có vấn đề hoặc một tình huống kích thích cảm xúc của công chúng. Xét cho cùng, tin đồn cũng là một dạng giao tiếp/truyền thông xã hội loại đặc biệt, không chính thức. Khi một tình huống có vấn đề, thu hút sự quan tâm của công chúng nhưng lại thiếu vắng thông tin lý giải đã được kiểm chứng, chính thức và thuyết phục thì cách lý giải chưa được kiểm chứng, không chính thức và có phần “bán tín, bán nghi” sẽ là cơ sở để xuất hiện tin đồn.

Từ giữa thế kỷ trước, Knapp trong cuốn A Psychology of Rumor (1944) đã xác định rất rõ ba đặc điểm cơ bản của tin đồn: Được truyền miệng; cung cấp các "thông tin" về một người, tình huống hay câu chuyện đang diễn ra; thể hiện và đáp ứng các "nhu cầu về cảm xúc của công chúng/cộng đồng. Knapp cũng phát hiện ra rằng, các tin đồn tiêu cực thường dễ được lan truyền hơn các tin đồn tích cực. Liệu có phải vì vậy mà phần lớn các tin đồn đều mang tính chất "phá" nhiều hơn là "xây"?

Các yếu tố tâm lý cơ bản làm tin đồn lây lan là gì, thưa ông?

Tin đồn có thể xuất hiện trong mọi tổ chức hay xã hội, ở các mức độ khác nhau. Nhiều nhà nghiên cứu, sau này, đã xác định hai yếu tố mang tính chất tâm lý và tình huống quan trọng dẫn đến tin đồn và lan truyền tin đồn: Sự bất định và lo lắng. Bất định là trạng thái không xác định, nghi ngờ, không biết chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo và sự kiện vừa diễn ra có nghĩa là như thế nào. Khi thiếu thông tin để lý giải một cách có ý nghĩa tình huống có vấn đề, con người cảm thấy băn khoăn, lo lắng. Chờ đợi tin tức về việc một số lãnh đạo ngân hàng mà mình gửi tiền bị bắt giam hay theo quy hoạch mới nhà mình có bị giải tỏa hay không... là một quá trình rất nản lòng. Về khía cạnh cảm xúc, sợ hãi hay lo lắng khi thiếu các thông tin thiết thực là trạng thái có thể dẫn đến sự hình thành các tin đồn. Con người cần hiểu rõ chuyện gì đã, đang và sẽ diễn ra để có thể hành động, xử lý một cách hiệu quả.

Đâu là "đất sống” của tin đồn, thưa ông?

Trong điều kiện khủng hoảng, tin đồn càng có đất sống bởi khi đó công chúng thường cảm thấy bất định và lo âu nhất. Trong công trình The Psychology of Rumor (1947) đã trở thành kinh điển của mình, Allport và Postman đã xác định hai điều kiện tác động tới tin đồn (tạm gọi là T): Tầm quan trọng (tạm gọi là Q) của tin đồn đối với công chúng và sự mơ hồ (M) của các dữ kiện/bằng chứng liên quan tới tin đồn. Hai biến số này liên hệ với nhau theo công thức: T = Q x M. Có nghĩa, số lượng và cường độ của tin đồn (T) càng tăng, nếu tầm quan trọng của nội dung tin đồn càng cao đối với công chúng và sự mơ hồ của các bằng chứng (như thông tin đa nghĩa, tối nghĩa, nhập nhằng) càng cao và ngược lại. Khi lo sợ về những hệ quả của một tình huống, sự kiện nào đó như tăng giá hàng hóa, thực phẩm độc hại, động đất... (ngược lại với mong muốn của công chúng), các tin đồn sẽ xuất hiện nhiều với cường độ lớn khi thông tin về các tình huống đó thiếu hụt hoặc mơ hồ.

Ứng xử ra sao với tin đồn?

Thưa ông, công chúng thường phản xạ thế nào với các tin đồn?

Trước một tin đồn, các cá nhân trong công chúng thường thể hiện một trong ba loại định hướng: Phê phán, không phê phán hoặc truyền tiếp. Với loại phê phán, cá nhân sử dụng năng lực phê phán để phân định sự thật và giả dối trong tin đồn mà anh ta nghe được. Việc này dễ xảy ra, nếu anh ta có kiến thức hay kinh nghiệm về chủ đề đó. Nhưng quan trọng hơn là anh ta phát triển được tư duy phê phán, phản biện. Còn với loại không phê phán thì cá nhân không thể sử dụng năng lực phê phán để đánh giá mức độ thật giả trong các tin đồn. Có thể, một số tình huống hay cảm xúc đã hạn chế việc sử dụng năng lực phê phán, như trong các tình huống khẩn cấp (thiên tai hay nhân tai). Trong nhiều tình huống khác, các cá nhân không có đủ kiến thức về vấn đề mà tin đồn đề cập và không có năng lực phê phán sẽ suy diễn hay thêu dệt ý nghĩa của tin đồn, sao cho nó phù hợp với định khuôn, định kiến hay thái độ của mình. Với loại thứ ba (thường thể hiện trong các thực nghiệm tâm lý học xã hội), nội dung của tin đồn không liên quan đến cá nhân, nên anh ta chỉ quan tâm đến việc truyền tiếp nó cho người khác. Đôi khi, nó giống như một đứa trẻ được người khác cho biết một “tin vịt”, nó chẳng hiểu gì lắm nhưng lại phấn khích truyền tin này cho nhiều người khác vì nhiều động cơ khác nhau (thích thể hiện, kiếm chuyện làm quà…).

Xin hãy nêu một câu chuyện về tin đồn mà ông thấy có nhiều bài học đáng để ta suy ngẫm?

Khi dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát ở Việt Nam vào đầu năm 2004, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra một báo động về sức khỏe cho công chúng ở cấp độ quốc tế. Sau đó, Văn phòng Khu vực Tây Thái Bình Dương của tổ chức này (WPRO) đã chỉ định một viên chức giám sát tin đồn (rumor survaillance officer) để tìm kiếm và theo dõi dấu vết về tin đồn cúm gia cầm. Trong vòng 5 tuần, người ta phát hiện 40 tin đồn khác nhau về bùng phát cúm gia cầm ở các nước trong khu vực. 9 trong số này (chiếm 24%) là các tin đồn, sau đó, đã trở thành sự thật.

Bài học ở đây là trước các tin đồn (vốn thường phản ánh mối quan tâm hay lo ngại của công chúng), thay vào việc phớt lờ hay phủ nhận ngay lập tức như cách của nhiều tổ chức hay quốc gia có thể làm, WHO đã chủ động giám sát và những kết quả/phát hiện của họ đã dập tắt các tin đồn sai lệch và giảm thiểu các tác động tiêu cực về kinh tế và tâm lý. Điều quan trọng hơn là WHO đã xác minh và khẳng định, gần ¼ tin đồn là xác thực, huy động những nguồn lực để ứng phó ở những nơi bị ảnh hưởng.

Tất nhiên, trong các tin đồn nói chung có nhiều tin đồn không xác thực, một số tin đồn xác thực, một số khác chứa dựng cả 2 yếu tố: Nhiều thông tin chi tiết trong tin đồn là sai lệch nhưng vấn đề mà nó đề cập lại là có thật. Điều quan trọng là tin đồn báo hiệu cho chúng ta, đặc biệt là những người quản lý tổ chức hay xã hội, biết rằng có một chuyện gì đó đang diễn ra và đòi hỏi cần phải xử lý. Ngay cả khi tin đồn là sai hoàn toàn thì nó vẫn chứa đựng một dạng "sự thật". Nó cho ta biết một thông tin quan trọng là người dân đang nghĩ gì và tâm trạng, thái độ của họ ra sao (những yếu tố tác động rất lớn đến hành vi con người).

Tăng "sức đề kháng" bằng tư duy độc lập

Trước một tin đồn, thường thì người tiếp nhận rất hoang mang. Vậy, làm thế nào để có cách ứng xử đúng đắn?

Từ công thức T = Q x M và những gì đã được đề cập trên đây, có thể thấy, các cách thức xử lý với tin đồn từ góc độ của người quản lý tổ chức hay xã hội và từ góc độ của công chúng. Cách giảm T tốt nhất là giảm M. “Chìa khóa” đối với chiến lược hay cách thức xử lý tin đồn là năng lực thực hiện ba yếu tố: Cơ chế hay cách thức xác định các tin đồn; cách thức xác định tin đồn nào là xác thực và tin đồn nào là sai lệch/giả dối; cơ chế hay cách thức hiệu chỉnh các tin đồn không chính xác và thay thế chúng bằng các thông tin tin cậy.

Như vậy, cách tốt nhất để phòng ngừa và ngăn chặn việc lan truyền tin đồn lại chính là lan truyền thông tin xác thực?

Thông tin tốt chính là “thuốc giải độc” cho những tin đồn nhảm. Ngay cả khi người quản lý không có thông tin tin cậy thì anh ta vẫn có thể thông báo ít nhất hai điều: Tin đồn đang lan truyền nói rằng, XYZ và thông tin/bằng chứng tốt nhất mà chúng tôi hiện có về XYZ là... Còn một điều nữa cũng rất có hiệu quả: Khi biết rằng tin đồn là đúng thì hãy nói như vậy, cũng tương tự khi tin đồn là sai hoặc vừa đúng vừa sai. Chính cách làm này sẽ giúp công chúng giảm lo lắng hay hoảng sợ và vì thế giảm “nhu cầu cảm xúc” về tin đồn hay giảm tính chất lây lan của tin đồn trong công chúng. Dù tin đồn có thế nào, nhưng nếu người quản lý chia sẻ thông tin một cách trung thực và minh bạch thì phần lớn công chúng đều cảm thấy "nhu cầu" phải nói về tin đồn một cách vô trách nhiệm sẽ giảm. Trong tình huống hoang mang “bán tín bán nghi”, việc cung cấp thông tin trung thực cho công chúng chính là cách hiệu quả để lấy được lòng tin và sự hợp tác của họ.

Truyền thông thường đóng một vai trò quan trọng trong kiểm soát/xử lý tin đồn bởi truyền thông có thể chỉnh sửa lại các thông tin sai lệch và công bố các thông tin có cơ sở xác thực, đáng tin cậy. Để phòng ngừa sự lan truyền các tin đồn sai lệch, các cuộc họp báo hoặc cung cấp tin tức thường xuyên về tình huống “có vấn đề” và lý giải những gì đang xảy sẽ rất có ích.

Đó là từ phía người quản lý. Còn từ phía công chúng thì sao, làm sao tăng "sức đề kháng” trước tin đồn thất thiệt?

Xét về mặt dài hạn và bền vững, cần phát triển trong công chúng kỹ năng tư duy độc lập, tư duy phê phán như một thành tố rất quan trọng mà hầu hết các nghề nghiệp đều đòi hỏi. Văn hóa giáo dục ở Việt Nam, vốn chịu ảnh hưởng của Khổng giáo và nhiều yếu tố khác, dường như không khuyến khích điều này. Trong thời đại Internet, xu hướng công chúng đọc báo mạng đang tăng và báo in đang giảm, nhiều khi các tin tức chính thống, được kiểm chứng bị thay thế bởi nhiều thông tin giải trí, giật gân, lá cải, chưa được kiểm chứng hay sai lệch. Internet chứa đựng cả những điều có ích nhất lẫn những điều độc hại nhất.

Như thế, những người tiếp nhận thông tin từ Internet hay từ các nguồn khác mà không có năng lực tư duy độc lập hay phê phán sẽ là những người dễ bị lẫn lộn, bị lừa dối hay bị tổn thương nhiều nhất. Trong bối cảnh này, việc trang bị cho học sinh, sinh viên các kỹ năng tư duy độc lập, phê phán, ngay từ khi còn đi học là cách làm nên khuyến khích. Tư duy độc lập và phê phán giúp con người xét đoán, quyết định tin hay không tin vào một điều gì đó bằng cách đặt ra các câu hỏi về những kiến thức, dữ kiện hay ý kiến mà người đó nhận được. Đây cũng là một cách thức quyết định xem, liệu một thông tin nói chung hay một tin đồn nói riêng là đúng, đúng một phần hay sai lệch hoàn toàn. Phát triển tư duy độc lập, phản biện cũng giống như cách thức "tiêm phòng” vắcxin, là cách tự bảo vệ mình tốt nhất trước các tác động tiêu cực của những thông tin xấu, tin đồn thất thiệt.

Xin cảm ơn ông!

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhận thức thế giới trong thời đại thông tin

    01/02/2018Nguyễn Trần BạtCon người có thể nhận thức thế giới hay không là một câu hỏi hóc búa không chỉ với các nhà triết học mà còn với cả nhân loại. Tuy nhiên, không chỉ giữa các nhà triết học duy tâm với các nhà triết học duy vật, mà ngay cả giữa những nhà triết học duy tâm với nhau hay giữa các nhà triết học duy vật với nhau cũng có những mâu thuẫn nhất định trong việc trả lời câu hỏi này. Vậy chân lý nằm ở đâu?
  • Khung pháp lý về quyền tự do thông tin trong một thế giới phẳng

    03/09/2013Bùi Tiến ĐạtMạng toàn cầu đã tạo cơ hội cho con người sức mạnh thông tin và hợp tác. Con người bình đẳng gần như tuyệt đối trong tiếp cận và phổ biến thông tin. Mỗi cá nhân có quyền làm những gì mà họ cho là tốt nhất với những thông tin mà họ có. Hay nói cách khác, với mạng toàn cầu, con người có thêm sức mạnh để tìm kiếm thông tin. Hơn nữa, sự kết nối, hợp tác không biên giới trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Điều đó tạo triển vọng cho những cộng đồng toàn cầu.
  • Sống nhàn thời kết nối

    12/03/2010Nguyễn Vĩnh NguyênThời xưa, các cụ phẩy tay áo bỏ chốn lao xao về sống ẩn chỉ cần cầm trong tay “một cuốc, một cần câu”. Ngày nay, chúng ta về sống ẩn thì nhớ cầm theo điện thoại di động và một cái laptop nối mạng. Thêm trong ba lô vài đĩa nhạc, vài cuốn sách hay thì càng tốt…
  • Luyện “võ” chống tin đồn

    15/11/2009Hà VũCơn sốt vàng vô lý vừa qua góp thêm vào "bộ sưu tập" những ví dụ không nhỏ về tâm lý bầy đàn, thiếu tỉnh táo của người dân khi đối mặt với những tình huống thị trường bất thường. Chúng ta vẫn thiếu "võ" chống tin đồn cho dù đã trải qua nhiều bài học đắt giá...
  • "Giới trẻ không sống “nhạt” mà sống phức tạp hơn"

    17/02/2009Đinh Phương Linh (thực hiện)Đó là nhìn nhận của Đỗ Thanh Hải, Giám đốc trẻ măng của Trung tâm sản xuất phim truyền hình VN (VFC), đạo diễn chuỗi chương trình "Táo Quân" phát sóng mỗi dịp Giao thừa, phụ trách nhiều bộ phim về đề tài người trẻ: “Xin hãy tin em”, “Phía trước là bầu trời” và gần đây nhất là “Nhật kí Vàng Anh” luôn gây được dư luận.
  • Sức mạnh của thế giới ảo

    31/10/2008PVPhát triển của Internet và công nghệ tiên tiến, chúng ta không chỉ sống trong thế giới thực, mà còn có một thế giới khác vô cùng quan trọng, nơi đó chúng ta không sống mà là chúng ta tồn tại nhưng lại có một sức mạnh và tầm ảnh hưởng vô cùng ghê gớm: thế giới ảo.
  • Thế giới đòi hỏi ta mở rộng tầm mắt

    19/08/2008Thế giới to lớn thật, dường như càng ngày càng to lớn hơn Cảm giác này mỗi ngày một khiến tôi ngạc nhiên. Mỗi khi lại gần bàn cầm bút lấy giấy ra, trong lòng tràn ngập nỗi lo, chân tay run rẩy như sợ ma quỉ. Văn học rút cuộc làm gì, rút cuộc thế nào là văn học?
  • Thế giới phẳng được và mất

    23/07/2008Phan QuangNhững suy nghĩ của bậc văn hào được dư luận quan tâm, đặc biệt các dân tộc từng đau khổ bởi "phản toàn cầu hóa lần thứ hai", tức chủ nghĩa thực dân cũ và mới - thuật ngữ của chính tác giả L.Phrít-men - nay nếu không tỉnh dễ có khả năng lại bị cuốn hút thụ động và chịu hệ quả buồn của làn sóng toàn cầu hóa lần thứ ba...
  • Thế giới quan – chiếc la bàn định hướng cuộc sống

    27/12/2007Bùi Quang MinhHành trang cuộc sống của mỗi người luôn luôn cần tới những tri thức, trí tuệ sâu sắc. Thế giới quan là thứ không thể thiếu được trong hành trang trí tuệ ấy của mỗi người. Nó là cái cần phải được từng người tự học hỏi, chăm lo, đổi mới để có thể nhìn, hiểu và làm theo những luận điểm tổng quát góp phần như một chiếc la bàn định hướng cuộc sống...
  • Thế giới đòi hỏi ta mở rộng tầm mắt

    04/12/2007Giả Bình AoThế giới to lớn thật, dường như càng ngày càng to lớn hơn Cảm giác này mỗi ngày một khiến tôi ngạc nhiên. Mỗi khi lại gần bàn cầm bút lấy giấy ra, trong lòng tràn ngập nỗi lo, chân tay run rẩy như sợ ma quỉ. Văn học rút cuộc làm gì, rút cuộc thế nào là văn học? Đã hơn mười năm cầm bút, nhưng chưa bao giờ tôi lại tự hỏi mình như hôm nay, và chưa giải đáp được...
  • Thế giới ảo xâm lấn truyền thống kiểu cũ

    13/12/2006Thụy KhaCơn lốc thế giới ảo với blog, chia sẻ video, hình ảnh... đã cuốn theo các hãng truyền thông kiều cũ, áp đặt và định hình những kênh giao tiếp, tiếp nhận thông tin mới...
  • Thế giới phẳng - Tóm lược lịch sử thế giới thế kỷ XXI

    27/08/2006Nguyên NgọcThomas L. Friedman là người giữ chuyên mục đối ngoại của tờ The New York Times, ba lần đoạt giải thưởng Pulitzer, tác giả cuốn sách nổi tiếng Chiếc Lexus và cây ôliu viết về toàn cầu hóa - mà bây giờ ta đã biết đấy là cuộc toàn cầu hóa lần thứ hai, từ khoảng năm 1800 đến năm 2000, theo như cách phân chia của ông...
  • Một thế giới chìm trong Internet

    19/08/2006Thiên Ý (Theo CNN)"Chỉ vài năm nữa thôi, Internet sẽ làm đảo lộn mọi công việc kinh doanh. Hoặc bạn hãy chuẩn bị đối phó - hoặc là chết".
  • Sống trong thế giới hôm nay

    28/01/2006Nguyên NgọcThomas Friedman, tác giả cuốn sách Chiếc Lexus và cây ô-liu, hiểu ra rằng, khác với thời Christopho Colombo, trái đất ngày nay không còn tròn nữa. Từ tròn chuyển sang phẳng là đặc điểm lớn nhất của thời đại ngày nay, và cái đó người ta gọi là toàn cầu hóa...
  • Tập sống và nghĩ cùng nhịp với thế giới

    27/01/2006Vương Trí NhànSáng tác của Nguyễn Tuân thời tiền chiến thường được xem xét theo một định kiến thiên lệch. Trong khi trình độ nghệ thuật của chúng được đề cao thì nội dung xã hội lại bị lên án. Nhưng đọc lại Nguyễn Tuân, chúng tôi muốn đề xuất một cách đánh giá khác...
  • Khái niệm độ phức tạp, thông tin và entropy

    04/05/2003Khái niệm và thuật ngữ thông tin được dùng trong giao tiếp giữa các hệ thống máy tự động, sinh vật, môi trường...
  • xem toàn bộ