Luyện “võ” chống tin đồn

10:27 SA @ Chủ Nhật - 15 Tháng Mười Một, 2009

Cơn sốt vàng vô lý vừa qua góp thêm vào "bộ sưu tập" những ví dụ không nhỏ về tâm lý bầy đàn, thiếu tỉnh táo của người dân khi đối mặt với những tình huống thị trường bất thường. Chúng ta vẫn thiếu "võ" chống tin đồn cho dù đã trải qua nhiều bài học đắt giá. Điểm yếu này không chỉ xảy ra đối với những người dân bình thường mà ngay những cơ quan quản lý nhà nước.

Giá vàng đã tăng tới mức khó có ai dự đoán nổi, vượt xa giá vàng thế giới. Người ta không còn dùng từ nhẹ nhàng là "nhảy múa" để chỉ sự bất thường của nó mà đã gọi thẳng là "điên loạn". Nhưng chỉ sau một lời tuyên bố cho nhập khẩu vàng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, vàng chưa nhập về, giá đã giảm đến kinh ngạc. Có người nói đùa, nếu Nhà nước cho xe tải ghi ngoài thùng là "Xe chở vàng" đi từ ngân hàng ra, đi loanh quanh rồi đi về thì giá vàng cũng giảm. Sự tăng giảm chẳng qua cũng vì tâm lý mà ra, không phải vì cung - cầu thực tế. Nhiều người ngậm đắng nuốt cay vì trót mất bình tĩnh lao vào cuộc chơi.

Không riêng gì thị trường vàng, ngoại tệ, bất động sản, ngay cả nông sản như gạo cũng nhiều phen "thất điên bát đảo" vì những tin đồn này tin đồn nọ; thực hư chưa rõ, nhưng người người cứ lao theo nhau như những con thiêu thân. Nói vậy để thấy rằng, tâm lý của số đông người dân bây giờ vẫn rất dễ bị tin đồn lay chuyển, thường hay a dua, thiếu chính kiến. Họ, vô hình trung đã góp gió làm nên cơn bão rối loạn thị trường. Những tác động xấu của nó đối với xã hội không hề đơn giản. Ngay như đợt tăng giá vàng bất thường vừa qua, nhiều người dân rất hoang mang, lo sợ; họ sợ bùng nổ lạm phát, mất giá đồng tiền, hò nhau rút tiền ngân hàng đi mua vàng, mua "đô". Rất may là "phong trào" này chưa gây ra những hậu quả lớn hơn. Điều này cho thấy, tầm quan trọng của việc đối phó với những tình huống như vậy.

Người dân đã thiếu "võ" chống tin đồn, nhưng các cơ quan nhà nước hiện nay cũng chưa giỏi trong khâu này. Ngay như đợt tăng giá vàng vừa rồi, phải mất hơn 4 ngày, Ngân hàng Nhà nước mới "tung chiêu". Tuy hiệu quả đem lại tức khắc, nhưng như thế cũng có thể coi là chậm. 6 năm về trước, chính Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời "ra tay" giúp Ngân hàng ACB thoát khỏi hậu họa tin đồn "Tổng giám đốc bỏ trốn". Các chuyên gia ngân hàng hoàn toàn đủ trình độ nhạy cảm để phán đoán sự bất thường của thị trường ngay khi có những dấu hiệu đầu tiên. Trong đợt tăng giá vàng vừa rồi, chỉ cần xem diễn biến giá vàng bất thường ngày đầu tiên 6 và 7-11, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể đưa ra giải pháp bằng những phát ngôn chính thức. Nhưng phải đợi thêm 4 ngày, Thống đốc mới ra tuyên bố giúp hạ nhiệt thị trường.

Sự phản ứng của ngành ngân hàng như vậy còn được coi là "nhanh và hiệu quả", một số lĩnh vực khác thậm chí còn rất chậm, nếu không muốn nói là chưa có "võ" đối phó như ngành bất động sản chẳng hạn. Cách đối phó mà chúng ta thấy hiện nay chỉ mang tính sự vụ, tự phát. Ở các nước phát triển, chỉ cần thị trường có dấu hiệu bất thường, ngay lập tức cơ quan quản lý sẽ đưa ra những phát ngôn chính thức để định hướng cho người dân. Trong khi ở nước ta, trong nhiều trường hợp hiện tượng bất thường của thị trường phải cực "nóng", kết hợp với sức ép dư luận thì cơ quan chịu trách nhiệm mới đưa ra biện pháp giải quyết.

Chúng ta vẫn thiếu những quy định và cách thức phản ứng trước những diễn biến bất thường của thị trường một cách chuyên nghiệp, bài bản. Đó là điều cần cải thiện trước tiên trong quá trình xây dựng một nền kinh tế thị trường lành mạnh, cũng là để ngăn chặn những thiệt hại không đáng có từ những tin đồn.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Lố nhố một đám đông lộn xộn

    23/02/2016Nhà văn Vương Trí NhànNông thôn, làng quê, người nông dân… nghĩ tới xã hội Việt Nam là phải nói ngay tới cái bộ phận thiết yếu đó. Có lẽ bởi vậy mà trong truyện dài “Thiếu quê hương” ( in lần đầu năm 1940, Nhà xuất bản Hội Nhà văn tái bản năm 2006), mặc dù lấy đô thị hiện đại là địa bàn chủ yếu của các nhân vật, song cuối truyện nhà văn Nguyễn Tuân cũng phải một lần đưa họ về làng quê.
  • Đám đông nhỏ bé…

    14/10/2014Nguyễn Ngọc TưNhiều khi ớn chữ, tôi mua mấy tạp chí phụ nữ, thời trang về để… coi hình. Hững hờ để từng trang trôi qua tay mình, khuây khoả được chút kia thì thương vương nỗi nọ. Mình không thể có trang sức này, quần áo này, bộ mỹ phẩm này hay cái túi xách, đôi giày này. Hoặc chúng quá hào nhoáng chỉ để trình diễn hoặc quá sang trọng, quý phái hoặc chúng quá đắt tiền. Giống như một mối tình không mơ mộng và hy vọng. Tôi nhớ tới má cùng chị, nghĩ, nếu cố gắng, mình cũng mua được một vài thứ bày biện trong tạp chí này để tặng hai người phụ nữ mình thương.
  • Nói trước đám đông: chuyện nhỏ!

    07/06/2010Phát biểu trước đám đông hay khi bị phỏng vấn đôi khi không phải là chuyện dễ dàng. Mặt đỏ tía tai, người run lẩy bẩy, đổ mồ hôi hột... là những triệu chứng của căn bệnh "ngại tiếp xúc".
  • Hạnh phúc không cần đám đông

    19/10/2009Trang HạTrước ngưỡng cửa ba mươi, có phụ nữ chọn chồng để được làm mẹ, có phụ nữ chọn làm mẹ ngoài ra không chọn gì khác. Cả hai đều dũng cảm như nhau. Thậm chí người ta vẫn nói làm mẹ một mình là những phụ nữ dũng cảm, mạnh mẽ.
  • Một tôi và một đám đông

    06/03/2008Nguyễn Thị Châu GiangChuyện tình bắt đầu từ bậc thang này. Không phải bậc thang trong một ngõ tối dẫn lên căn phòng tù túng có chiếc giường đôi phủ drap trắng vứt nhàu nhò quần áo. Không phải bậc thang dẫn lên quán cafe đèn mờ nằm trên gác có những mái tóc dài, ngắn trộn vào nhau lẫn lộn khói thuốc khét nghẹt...
  • Tâm lý học đám đông

    28/10/2006Phạm ToànCái yếu tố bệnh lý để Le Bon nghiên cứu đám đông là tin đồn. Qua tin đồn, ta sẽ hiểu đám đông theo nghĩa là hiểu sự bí ẩn của cách hình thành đám đông để từ đó mà biết cách chi phối đám đông, hoặc theo nghĩa là hiểu tâm lý đám đông không phải để cai trị đám đông, mà để không bị đám đông cai trị...
  • Để thành công khi phát biểu trước đám đông

    11/11/2003Phát biểu trước đám đông, trong cuộc họp hay khi bị phỏng vấn đôi khi không phải chuyện dễ dàng đối với nhiều người, kể cả các đấng mày râu, đặc biệt với các bạn có tính nhút nhát, dè dặt. Đó quả là nỗi khổ không biết kêu ai. Mặt đỏ tía tai, người run lẩy bẩy, đổ mồ hôi hột...
  • xem toàn bộ