Khi người ta nhu nhược với cái xấu
TP - PGS.TS Đỗ Đức Định, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Đông&Châu Phi (thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) từng giảng dạy ở các trường danh tiếng của Mỹ, Canada và các nước Phi, Trung Cận Đông,... PGS Định tâm sự về giá trị sống dưới một góc nhìn của một con người có nhiều trải nghiệm.
Là một nhà kinh tế, với ông, giá trị sống là gì?
Mỗi người có một cách quan niệm khác nhau về giá trị sống, nhưng đối với một người vừa học hành, vừa đi giảng dạy, vừa nghiên cứu, tức là vừa làm trò rồi làm thầy, rồi lại làm một nhà khoa học như tôi, cái giá trị sống trước tiên là phải có một nền kiến thức sâu và rộng.
Điều đó đặc biệt có ý nghĩa trong thời đại mà người ta đang gọi bằng một thuật ngữ mĩ miều nhưng thực tế: kinh tế tri thức. Trong thời đại kinh tế tri thức, kiến thức lại càng phải cần thiết. Nếu không có tri thức thì năng lực, sự đóng góp và hiến dâng nó sẽ rất hạn chế.
Thêm nữa, khi anh có kiến thức rồi thì cái kiến thức đó phải được thể hiện trong cái bản lĩnh của con người. Anh phải có cái chính kiến, phải có cái nhìn nhận xem xã hội hiện nay người ta sống như thế nào. Tư cách của anh cũng thể hiện ở chính kiến của anh về những vấn đề xảy ra xung quanh đời sống của mình.
Với không ít người, giá trị được định chuẩn ở khía cạnh khác?
Ý bạn là người ta đang xem tiền là giá trị đúng không? Người ta có thể sống bằng mọi giá để đi kiếm được nhiều tiền. Tuy nhiên, cần phân biệt hai cách kiếm tiền. Kiếm được nhiều tiền mà có thể vi phạm mặt này mặt khác thì cũng là một cách.
Nhưng kiếm được nhiều tiền bằng kiến thức của mình tích lũy được, bằng năng lực của chính mình thì lại là một cái GIÁ TRỊ. Tôi tin nhiều người sẽ ủng hộ cách kiếm tiền thứ hai, nhưng nhiều người lại nghĩ đa số đang làm theo cách thứ nhất (cười).
Ý ông là người ta đang bất chấp mọi thứ, chụp giật để sống, để kiếm tiền?
Cái này nó liên quan tới tính trung thực. Cũng có người sống theo kiểu nay tìm cách này, mai tìm cách kia để kiếm tiền. Gần đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói rằng chuẩn bị bầu cử, có những đồng chí né tránh nói điều này, điều khác, hay không dám làm cái gì mạnh. Đấy cũng là một cái giá trị sống. Người ta sống để lên chức lên quyền. Người ta né tránh, không muốn va chạm.
Giá trị sống đang bị chi phối bởi đồng tiền nhiều quá, khiến đạo đức cũng đang lệch chuẩn.
Tôi từ chối các bữa tiệc quyền lực
Giả sử có một trắc nghiệm như sau với PGS: Nếu ở tuổi 40, bạn sẽ chọn mình là ai trong số những người sau: 1) Một học giả có tiếng nhưng nghèo; 2) Một người giàu nhất Việt Nam; 3) Một người có đầy quyền lực. Hỏi, trong phút thật lòng nhất, ông sẽ chọn đáp án nào?
Nhiều người cứ thích vượt lên trên thiên hạ nhưng thực ra không vượt được đâu. Thực tế tôi chọn cách ở mức trung bình khá với thiên hạ. Bây giờ tôi cũng hay nói với con cái mình là nếu trung bình thì người ta bảo là trung bình chủ nghĩa; dưới mức trung bình thì hóa ra mình kém (trong tiếng Việt chữ kém đi đôi chữ hèn - hèn kém). Không thể trung bình chủ nghĩa, không thể kém và cũng chẳng muốn đứng đầu thiên hạ. Tôi chọn cho mình ở mức trung bình khá.
Năng nhặt chặt bị. Nhiều anh cứ vỗ ngực tự hào đứng đầu thiên hạ nhưng, cộng tất cả lại, có thể không bằng những cái mà tôi có.
Ở cơ quan (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam - PV) không bao giờ tôi tham gia các cuộc chiến đấu cho chức quyền. Bất kỳ lúc nào, cứ chuẩn bị bầu bán chức quyền là mình đứng bên ngoài. Chỉ có những lúc có cái sáng kiến, mình đề nghị làm cái này hay cái khác, người ta bảo mình làm thì là mình làm.
Thí dụ, cách đây năm năm, mình bảo nên làm một trung tâm nghiên cứu về Châu Phi và Trung Đông. Người ta thấy hay bảo thôi thì ông lập luôn cái Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông. Chứ còn bây giờ bảo có sẵn một cái viện rồi, sắp sửa bầu viện trưởng, viện phó, “ông chiến đấu đi” thì mình không chiến đấu.
Thực tế, nhiều người thích lao vào các bữa tiệc quyền lực?
Quyền lực cũng là một dạng ma túy. Đã say thì say lắm, có khi gần chết vẫn say.
Nếu bây giờ chạy đua thì mình có thể được cái này nhưng lại mất cái khác. Ví dụ chạy để được làm lãnh đạo, viện trưởng chẳng hạn, phải bán một hai cái nhà, phải mất đi phẩm giá. Thế thì mình không cần cái chức ấy. Tôi chả cần. Giờ đây tôi chẳng lấy gì làm giàu lắm nhưng, như có người nói: “Thiên hạ hơn ta cái giàu sang - Ta hơn thiên hạ cái đàng hoàng, thế thôi”. Tôi chủ đích sống lấy an vui làm trọng.
Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết. Không tham gia bữa tiệc quyền lực, chắc gì yên thân?
Cũng có lúc cái việc đó xảy ra. Mình cũng chứng kiến có những người bị xước xát vì chuyện đó. Tuy nhiên tôi từng làm thế này, kéo các bên chạy đua vào phòng tôi và tuyên bố “Các cậu chạy marathon thì cứ chạy. Định chỉ đứng một bên. Lúc nào đuổi nhau cứ yên tâm đuổi nhau”. Quyền lực, tiền tài và gái đẹp là thứ dễ làm mê lú con người ta. Nhưng mình phải biết mình.
Nhu nhược với cái xấu
Bây giờ không ít người lùi bước trước cái xấu, mặc cho cái xấu hoành hành. Ông có thể chia sẻ gì về điều này?
Thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng tổ quốc, lúc kinh tế thị trường chưa phát triển, người ta nói nhiều đến đấu tranh vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết. Thời bình, tình hình lại khác.
Có hiện tượng những người có quyền lực dùng quyền lực của mình để trấn áp người khác. Người ta phải suy nghĩ nếu đấu tranh mà nó có lợi cho người ta thì họ mới làm.
Nếu đấu tranh có lợi cho đất nước nhưng bất lợi cho người ta, không tránh được thì người ta cũng cân nhắc (mặc dù cũng có những người đấu tranh đến cùng). Nói là khuyến khích đấu tranh chống tham nhũng, nhưng khi đấu tranh thì lại bị chính anh tham nhũng ấy đánh lại.
Nhưng khi nhu nhược và sợ hãi là một bệnh dịch thì nguy hiểm quá?
Trước đây chúng ta có chế độ bao cấp, trợ cấp cho cán bộ, nhân dân. Một tháng được 13 kg gạo và vài lạng thịt, một năm được 4m vải, v.v. Nhiều năm như thế tạo thành nếp sống chờ bao cấp, ỷ lại, thụ động.
Sau giải phóng miền Nam năm 1975, người miền Nam kinh doanh rất tốt nhờ có thói quen trước đó. Người miền Bắc phải mất nhiều năm mới có thói quen kinh doanh, thói quen xây dựng cuộc sống thông qua sự phấn đấu của mình.
Cũng giống như chuyện ở miền Nam, thích đọc cuốn sách, người ta ra hiệu sách mua; còn ở miền Bắc người ta đến thư viện photocopy về đọc nó đỡ tiền, mặc dù họ chẳng phải không có tiền.
Thế thì hiện tượng né tránh trước cái xấu cũng thành nếp. Người ta nghĩ rằng thôi thì tránh đi cho nó khỏi phiền. Thêm nữa, nhiều người né tránh được lên chức, lên quyền, kiếm được hơn. Thế nên né tránh, về nghĩa nào đấy, lại thành tốt. Điều này cũng dần thành nếp, tiêu cực cũng trở thành một nếp, và dần dà tạo thành những giá trị sống khác với thông lệ.
Cảm ơn PGS.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn