Hồn đô thị
1. Khi đến sinh sống ở thành phố Montréal (Canada) vào cuối những năm 1980, tôi nhìn thấy thành phố này đã từng được xây dựng và cải tạo mấy lần để đón các sự kiện quốc tế như Hội chợ quốc tế Expo’ 67 và Thế vận hội Olympic’ 72 với những công trình phong cách hiện đại bậc nhất thời bấy giờ. Bao thăng trầm đã trôi qua, Montréal nay nhường vai trò thành phố lớn nhất Canada cho Toronto, nhưng cái gây ấn tượng nhất và còn đọng lại trong tâm trí nhiều người dân vẫn là khu phố cổ Vieux- Montréal.
Rồi tới Paris- thủ đô của nước Pháp, tôi nghĩ rằng người ta đã thực sự khôn ngoan khi giữ gìn nguyên vẹn một thành phố cổ giàu bản sắc văn hoá lịch sử vào bậc nhất châu Âu. Một việc làm sáng suốt là Paris đã quyết tâm bảo tồn vốn cổ và đẩy xa khu phố cao tầng “ La Défense”.
Thử nghĩ nếu Paris không đẩy ra xa khu trung tâm kinh doanh mới La Défense với các công trình hiện đại và cao tầng, mà lại cho phép nó mọc lên ngay giữa các công trình lịch sử như nhà hát Opéra, nhà thờ Đức Bà, điện Tuileries, đại lộ Elysées… thì làm sao có được một Paris hấp dẫn du lịch khắp năm châu như ngày nay. Người Pháp đã khôn ngoan không phá bỏ một bản sắc di sản đã được khẳng định để tìm một bản sắc mới chưa được công nhận.
2. Quay lại châu Á, tình trạng thật đáng buồn khi nhìn thấy người ta đang chủ trương phá đi di sản kiến trúc cổ còn sót lại để xây dựng công trình hiện đại theo phong cách quốc tế khối hộp vô cảm chung chung mà ở đâu trên thế giới cũng có thể nhìn thấy. Sin-gapore nay hối tiếc vì đã vội vã loại bỏ di sản để hiện đại hoá. Trung Quốc bức xúc trước làn sóng công trình hậu- hiện đại lấn át di sản…
Kể từ khi lập quốc từ đầu những năm 1960, quy hoạch đô thị Singapore đã từng rập khuôn theo mô hình hiện đại phương Tây. Người ta đã tiến hành san bằng phố cũ, không bận tâm đến các công trình cổ, xây dựng các công trình mới đáp ứng yêu cầu của một trung tâm thương mại- tài chính quốc tế khu vực. Kết quả là Singapore chẳng còn cái gì là bản sắc thị giác và bản sắc văn hoá, ngoài vài công trình thuộc địa Anh, phố Tàu, phố Ấn Độ, phố Ả rập quy mô nhỏ.
Tuy ai cũng nhìn nhận Singapore thành công khi xây dựng một đảo quốc giàu có và tiên tiến vào bậc nhất, vậy mà xét về mặt văn hoá và bản sắc, Singapore vẫn là một thành phố hiện đại vô hồn và khá lạc lõng giữa bối cảnh châu Á . Người ta bắt đầu luyến tiếc, giá như họ đã không vội vã huỷ hoại những khu phố cổ sinh động của Hoa kiều, di dân Ấn, cư dân Mã Lai… thì Singapore có lẽ đã trở thành một thành phố ngã tư đường đa văn hoá tiêu biểu nhất Châu Á vậy. Phải chăng đây là một kinh nghiệm để ta rút ra bài học bổ ích, đó là không nên vội vã phá bỏ cái mũ làm mất đi cái hồn đô thị.
Nhìn lại Việt Nam, phải chăng chúng ta cũng theo vết đường sai lầm tương tự ở các nước châu Á? Trong cơn lốc đô thị hoá, chúng ta đang đứng trước nguy cơ xoá nhoà các di sản của quá khứ, phủ nhận nền kiến trúc của các thế hệ đi trước. Làm như thế phải chăng chúng ta đang phá bỏ bản sắc đang có và đã khẳng định để đi tìm một bản sắc mới chưa được công nhận là các công trình kiến trúc hiện đại. Và làm như thế chúng ta cũng tự đóng cửa với quá khứ, làm mất bản sắc và cái hồn của chính mình.
Người ta đang nói nhiều đến việc xây dựng bản sắc cho các đô thị Việt Nam, nhưng có một nghịch lý là những gì đã từng đem lại bản sắc độc đáo cho một Hà Nội, Huế, Sài Gòn ngày xưa, và còn tồn tại đến ngày nay, thì đang dần bị phá hỏng bởi các công trình cao tầng hiện đại vô cảm với khung cảnh lịch sử xung quanh.
Đi tìm cái hồn cho đô thị còn là biết gắn kết đô thị giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, tiếp nối tiến trình lịch sử của nó. Trong khi đó khi đi khắp nước, ta nhìn thấy các đô thị Việt lại đang phình rộng, nhưng bộ mặt đô thị và thẩm mỹ đô thị đang bị biến dạng theo cùng một kiểu. Trong một hai thập niên gần đây, hội chứng cào bằng, dễ dãi và sự bao cấp của quy hoạch đô thị đã đưa loại hình nhà hộp vô cảm cùng nhà ống mỏng, ép sát vào nhau mọc tràn lan từ phố này sang phố khác. Người ta không thấy đặc thù của từng vùng miền khí hậu, địa hình và sinh hoạt của từng địa phương.
Thật đáng tiếc nếu các nhà quy hoạch không đưa ra lập tức những chính sách cụ thể để ít nhất không còn tình trạng xây dựng công trình cao tầng hoặc nhà phố mới, tiếp tục làm hỏng bản sắc các khu vực trung tâm có giá trị lịch sử.
3. Không phải tự nhiên mà môt triết gia đã thốt lên : “ Linh hồn chính là quá khứ” khi nói về cái hồn của một thành phố. Và người ta nghĩ lại quá khứ ,di sản để lại của nó. Các thành phố nổi tiếng và trường tồn cho đến ngày nay như Athen, Roma, Paris, Bắc Kinh, Kyoto.. sở dĩ vẫn còn sống mãi và thu hút hàng triệu du khách là nhờ ở đó người ta cố gắng bảo tồn, giữ gìn từng mảng tường, con đường, góc phố vốn đã làm nên bản sắc của thành phố.
Các thế hệ cư dân nối tiếp nhau lại ghi thêm dấu ấn vào từng viên gạch, từng hàng cột, từng con hẻm để tạo nên một công trình nghệ thuật vĩ đại nhất. Như vậy một thành phố cũng phần nào là ký ức tập thể của một xã hội, là lịch sử gắn kết cư dân một cộng đồng, kinh qua một lối sống, nền văn hoá và môi trường chung. Tất cả các yếu tố đó gom lại sẽ tạo nên di sản văn hoá vật thể lẫn phi vật thể làm nên bản sắc và hồn đô thị của một thành phố.
Hồn đô thị…
Người Đô Thị 10/2010, KTS Nguyễn Hữu Thái
Một thành phố cũng phần nào là ký ức tập thể của một xã hội, là lịch sử gắn kết cư dân một cộng đồng, kinh qua kinh nghiệm lối sống, nền văn hóa và môi trường chung. Tất cả các yếu tố đó gom lại sẽ tạo nên di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gọi là “hồn đô thị”.
Nói về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đô thị, thật tâm đắc khi được nghe một nhà chính trị có văn hóa như tổng thống Pháp Frangois Mitterand phát biểu trong chiến dịch quy hoạch lại thủ đô Paris vào những thập niên cuối thế kỷ trước: “Sự hài hòa trong thành phố không phải tự nhiên mà có được, không phải cứ hàng ngày gặp gỡ nhau thì sự cô đơn lẫn sự thiếu hiểu biết tự chúng sẽ tan biến đi. Quá khứ chỉ lưu lại trong đô thị di sản của sự biết toan tính lo liệu trước. Ta hãy tôn tạo nó, vì tương lai không thể tự đến mà ta phải chuẩn bị cho nó. Không một kiến trúc nào chỉ giới hạn trong việc phản ánh một cách thụ động cái xã hội sản sinh ra nó, không có một công trình đền đài nào lại chỉ có mục đích sử dụng đơn thuần. Tất cả các công trình đó đã ghi dấu ấn vào không gian và thời gian một ý tưởng nào đó về sự hữu ích, về cái đẹp, về cuộc sống ở đô thị và cả về mối quan hệ giữa người với người“.
Con người thốt lên những lời đó đã từng làm vẻ vang cho nước Pháp vào những năm cuối thế kỷ XX khi mạnh dạn tiến hành xây dựng hàng loạt công trình kiến trúc và không gian đô thị mới có tác dụng làm tỏa sáng thêm cho cái hồn đô thị Paris “kinh đô ánh sáng” muôn thuở bên trời Âu.
Phải chăng ta đang tự đóng cửa với quá khứ!
Khuynh hướng “Tabula Rasa” (san phẳng thành bình địa) di sản kiến trúc để xây dựng nhà cửa tuy hiện đại nhưng vô cảm bị lên án khắp nơi. Singapore nay hối tiếc đã vội vã loại bỏ di sản để hiện đại hóa. Trung Quốc bức xúc trước làn sóng công trình hậu hiện đại lấn át di sản…
Trong cơn lốc đô thị hóa vội vã, Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ xóa nhòa các di sản của quá khứ, phủ nhận nền kiến trúc của các thế hệ đi trước. Làm như thế, phải chăng chúng ta đang phá bỏ bản sắc đang có và đã được khẳng định để đi tìm một bản sắc mới chưa được công nhận. Và làm như thế chúng ta cũng tự đóng cửa với quá khứ, làm mất bản sắc của chính mình.
Người ta đang nói nhiều đến việc xây dựng bản sắc dân tộc, tiên tiến, hiện đại cho các đô thị Việt Nam, nhưng có một nghịch lý là những gì đã từng đem lại bản sắc độc đáo cho một Hà Nội, Huế, Sài Gòn ngày xưa, và còn tồn tại đến ngày nay, thì đang dần bị phá hỏng bởi các công trình cao tầng hiện đại vô cảm với khung cảnh lịch sử xung quanh.
Đi tìm cái hồn cho đô thị còn là biết gắn kết đô thị giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, tiếp nối tiến trình lịch sử của nó. Trong khi đó khi đi khắp nước, ta nhìn thấy các đô thị Việt lại đang phình rộng, nhưng bộ mặt đô thị và thẩm mỹ đô thị đang bị biến dạng theo cùng một kiểu. Trong một hai thập kỷ gần đây, hội chứng cào bằng, dễ dãi và sự bao cấp của quy hoạch đô thị đã đưa loại hình nhà hộp vô cảm cùng nhà ống mỏng, ốm, ép sát vào nhau mọc tràn lan từ phố này sang phố khác. Người ta không thấy đặc thù của từng vùng miền khí hậu, địa hình và sinh hoạt của từng địa phương.
Thật đáng tiếc nếu các nhà lãnh đạo không đưa ra lập tức những chính sách cụ thể để ít nhất không còn tình trạng xây dựng công trình cao tầng hoặc nhà phố mới, tiếp tục làm hỏng bản sắc các khu vực trung tâm có giá trị lịch sử.
Giữ lại linh hồn cho Hà Nội
“Linh hồn chính là quá khứ“, một triết gia đã từng viết và khi nhắc về cái hồn của một thành phố người ta nghĩ lại quá khứ của nó. Các thủ đô lớn như Athen, Roma, Paris, Bắc Kinh, Kyoto… sở dĩ thu hút mọi người từ khắp năm châu bốn biển là do ở đó người ta cố gắng giữ gìn từng mảng tường, con đường, góc phố vốn đã làm nên bản sắc của thành phố. Các thế hệ cư dân nối tiếp nhau lại ghi thêm dấu ấn vào từng viên gạch, từng hàng cột, từng con hẻm để tạo nên một công trình nghệ thuật vĩ đại nhất.
KTS Huỳnh Tấn Phát khi là Phó thủ tướng đặc trách về xây dựng cơ bản, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam từng tâm đắc nhất phương án quy hoạch thủ đô Hà Nội do ông chỉ đạo nghiên cứu. Theo ông, ba thế mạnh của Hà Nội là cây xanh, mặt hồ và di tích lịch sử. Khai thác được các thế mạnh đó thì thủ đô chúng ta sẽ có những nét nghệ thuật độc đáo.
Hà Nội với ba mươi sáu phố phường, hồ Gươm, hồ Tây… đã đi vào lòng dân Việt, hồn của Hà Nội là ở những địa danh trên. Những ai đến Hà Nội rồi sẽ không bao giờ quên những khoảng không gian tuyệt đẹp với những tỷ lệ vàng giữa các kiến trúc, đường sá, cây xanh quanh hồ, lòng mến khách, sự nhộn nhịp của khu phố cổ. Người Hà Nội thật có lý khi ra sức bảo vệ cảnh quan này trước bao cám dỗ của những dự án nhà cao tầng của nước ngoài đòi đặt ở những vị trí đắc địa nhất. Nhưng phải chăng nay thì làn sóng nhà cao tầng của cơn lốc thị trường cũng đang hăm dọa thủ đô?
Khi xác định trung tâm thủ đô bao gồm hai thành phần – khu trung tâm hiện hữu mở rộng và trung tâm mới hiện đại và cao tầng, nên chăng cần khoanh vùng ngay và xác định thêm một thành phần thứ ba – khu trung tâm lịch sử của thủ đô (với những chính sách về quản lý phát triển và cải tạo hoàn toàn khác với hai thành phần kia)?
Hồ Gươm, các khu phố cổ, phố cũ trung tâm là linh hồn Hà Nội, đặc biệt khi thủ đô phát triển mở rộng. Cần quy hoạch lại các tuyến phố, quảng trường, vườn hoa… Bắt đầu lại từ những công việc nhỏ: tuyến đi bộ xung quanh hồ Gươm, trả lại không gian công cộng sử dụng sai mục đích, tạo sinh hoạt cộng đồng, vệ sinh lại đường phố văn minh, sạch đẹp, biển quảng cáo nên thu nhỏ, thống nhất, sơn lại tường cho phù hợp, tôn tạo lại villa thuộc địa Pháp, các đền chùa cổ…
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý