Đi tìm chân dung đô thị Việt
Là tác giả của nhiều dự án quy hoạch đô thị trong và cả ngoài nước như quy hoạch đảo Phú Quốc, Phố Đông Thượng Hải và hai bờ sông Hoàng Phố – Trung Quốc, cuộc trao đổi giữa TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn và đội ngũ kiến trúc sư trong nước diễn ra vào ngày 26.6 tại Càphê Thứ Bảy đã đặt ra nhiều suy nghĩ.
Bài toán bảo tồn và phát triển trong quy hoạch đô thị
Từ kinh nghiệm thực tiễn trong việc bảo tồn những vẻ đẹp cũ trong xây dựng mới, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng: “Việc kết nối giữa cũ và mới luôn là vấn đề được cân nhắc kỹ càng trong kiến trúc quy hoạch. Năm 2003, thành phố đã tổ chức cuộc thi quốc tế về quy hoạch Thủ Thiêm, tôi nghĩ đây là một quy hoạch tốt, nhưng sau đó mới tổ chức cuộc thi quy hoạch khu trung tâm kiến trúc cũ của Sài Gòn.
Thử thách sắp tới của chúng ta là làm thế nào để kết nối hai bờ sông, đặc biệt là từ quảng trường trung tâm, đại lộ Hàm Nghi, Nguyễn Huệ với Thủ Thiêm, để tạo thành tam giác giao thông liền mạch cho những lễ hội và người đi bộ. Thay vì tổ chức hai cuộc thi riêng rẽ, chỉ cần tổ chức một cuộc thi kiến trúc giữa cũ và mới sẽ hay hơn nhiều.
Khi thiết kế Thượng Hải, tôi cố gắng để kiến trúc mới không xen cấy nhiều vào khu phố cổ. Muốn thế, phải xây dựng Phố Đông trước. Nếu chúng ta tập trung xây dựng Thủ Thiêm và Nam Sài Gòn trước khi cải tạo TP.HCM, chúng ta không rơi vào nạn kẹt xe khủng khiếp như hiện nay.
Làm thế nào để bóng các nhà cao tầng không che khuất khu sinh hoạt công cộng cũng là vấn đề phải đặt ra. Vấn nạn lớn nhất của hầu hết các thành phố biển của chúng ta là các công trình sát nhau, người dân không thể nào ra biển được. Khi quy hoạch lại Phú Quốc, tôi đã để những lối đi rộng ra biển, cứ 400 – 800 m lại có mảng cây xanh chạy thẳng ra biển.
Việc đưa trung tâm Hà Nội lên Ba Vì, tôi nghĩ không nên. Phải giữ lại trung tâm cũ xoay quanh Ba Đình, chỉ mở rộng sang hướng hồ Tây. Còn Đà Lạt, quê mẹ của tôi, thật đau lòng khi biết nhiều dự án cao tầng đang được triển khai xung quanh hồ Xuân Hương, phá vỡ hết cảnh quan. Bêtông hoá thì còn gì Đà Lạt nữa.
Tôi cũng đang lo Huế, quê nội của tôi, đang trở thành đô thị loại một. Huế phải là đô thị đặc biệt, mới giữ gìn được phần hồn của mình. Để gìn giữ những công trình cổ, những trung tâm lịch sử của TP.HCM, tôi đã đề xuất lãnh đạo thành phố một bản đồ lập nên ranh giới, để bảo vệ công trình”.
KTS Nguyễn Hữu Thái cũng đầy bức xúc khi nói đến Huế và Đà Lạt: “Hiện nay người ta cứ bắt chước nhau. Huế không phải là Bắc Kinh hay Hà Nội. Với mưa gió ấy, với sông núi ấy, con người ấy, thì kiến trúc cũng phải khác chứ. Tôi còn nghe người ta đang làm một xa lộ thẳng lên tới chợ Đà Lạt! Đà Lạt là vùng núi, chính những con đường chập chùng, quanh co tạo nên vẻ đẹp nên thơ của nó”.
Quy hoạch đô thị có trước, hay con người đô thị có trước?
Đó là câu hỏi của một kiến trúc sư trẻ đặt ra cho các đàn anh của mình. Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, ở các nước phát triển, quy hoạch đô thị phát triển song song với con người đô thị. Trước khi làm quy hoạch, kiến trúc sư cùng nhà đầu tư phải nghiên cứu xã hội, để giải được bài toán làm công trình này cho ai, ai là người thuê, ai sẽ trả tiền. Còn nhiều chung cư cao cấp hiện nay đang phát triển trên ảo tưởng của những nhà đầu tư đang mong muốn trở thành tỉ phú, triệu phú. Nên nhiều công trình đẹp làm ra, sau một thời gian sử dụng, người ta không còn nhận ra nó nữa, bởi đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Tranh luận về vấn đề này, KTS Nguyễn Trọng Huấn cho rằng: “Người ta cứ than thở với nhau rằng kiến trúc đô thị của chúng ta hiện nay… xấu như nhau. Nhưng thực tế, vấn đề kiến trúc không nằm trong bản thân kiến trúc nữa, nó được quyết định bởi những nhà kinh tế, bởi quyền lực. Không có kiến trúc mẫu cho một thành phố nào cả, nó là những sáng tác độc bản, xuất phát từ hiện thực cụ thể, trước hết dựa trên mô hình xã hội, nghiên cứu xã hội học về tính cách, con người, đời sống lịch sử và văn hoá vùng miền. Kiến trúc đô thị là một nghề, nhưng rất tiếc những người quản lý chưa nhận ra bản chất của kiến trúc và vai trò của nó. Phải có một cơ quan quản lý phát triển và bảo vệ đô thị và môi trường, để giải quyết sự rối loạn đô thị hiện nay”.
Nhạc sĩ Dương Thụ, người chủ trò nhiều diễn đàn cho giới kiến trúc bày tỏ quan điểm của mình với các bạn kiến trúc sư trẻ: “Khi đọc một bài báo đề cập đến việc phá Givral, và mong ước sẽ có một bức tượng nhỏ của Phạm Xuân Ẩn trong không gian ấy, tôi muốn khóc. Chúng ta phát triển hơi ngược với thế giới, nên thôi, hãy để đô thị có trước, ngăn nắp trước, rồi sẽ có con người đô thị. Cầu Cần Thơ phải làm, các bà vứt rác dần dần sẽ thấy mình kỳ cục quá mà thay đổi. Cùng với nó là việc hoàn thiện luật pháp. Chúng ta, mỗi người, hãy cố gắng là người tử tế trước đã, thấy cái gì hay thì làm. Nếu mọi người truyền cho nhau sự tích cực, mới có thể thay đổi chân dung đô thị”.
KTS Ngô Viết Nam Sơn đầy tâm huyết: “Tôi nghĩ đằng sau sự hỗn độn là tiềm năng. Làm việc cho đất nước mình, bản thân tôi thấy vui hơn nhiều. Nhà lãnh đạo, nhà đầu tư, nhà kinh tế, người sử dụng và nhà kiến trúc phải cùng nhau hợp tác, và ngang tầm nhau, mới tạo được sự cân bằng, hạnh phúc trong cuộc sống, và sản sinh ra những tác phẩm kiến trúc phục vụ cho con người”.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá