Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Tiểu thuyết lịch sử là sự giải mã lịch sử

04:33 CH @ Thứ Ba - 22 Tháng Tám, 2017

Gần đây, một số tiểu thuyết viết về lịch sử đã bộc lộ những hạn chế về kiến thức lịch sử, cùng những cách nhìn nhận vấn đề, hư cấu nhân vật... gây phản cảm và dễ khiến người đọc hiểu theo hướng khác. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Hoàng Quốc Hải về một số vấn đề viết tiểu thuyết lịch sử.


Nhà văn Hoàng Quốc Hải

- Phóng viên: Bỏ ra gần 30 năm viết nên hai bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ (gần 7.000 trang), về hai vương triều hiển hách trong lịch sử dân tộc: Triều Lý, triều Trần với thời gian lịch sử kéo dài gần 400 năm, nhà văn Hoàng Quốc Hải đang được xem là một tiểu thuyết gia lớn về tiểu thuyết lịch sử. Vậy ông có suy nghĩ về tiểu thuyết lịch sử như thế nào?

- Nhà văn HOÀNG QUỐC HẢI: Mỗi người có cách tiếp cận, khai thác và viết về lịch sử khác nhau. Tôi cho rằng tiểu thuyết lịch sử làm “sống lại” những giai đoạn lịch sử mà nhà văn cảm thấy hứng thú; trong đó, có thể tìm ra những bài học thành công hay thất bại... Ví dụ: Khi nhà Trần suy thoái, bắt đầu từ vua Trần Dụ Tông (1340 ) đi vào sa đọa, triều đình thành nơi mặc sức ăn chơi, đàng điếm. Thậm chí trong triều còn tổ chức gá bạc... đã khiến dân chúng điêu linh, đất nước suy thoái. Người hiền tài không được dùng, lời nói thẳng không được nghe, đại công thần như Trần Nguyên Đán không được dùng... Cho đến năm 1.400, triều Trần mất vào tay Hồ Quý Ly. Rồi sau đó nhà Hồ do Hồ Quý Ly lập nên từ sự cướp ngôi nhà Trần đã không chống lại được giặc xâm lược nhà Minh, mặc dù xây hẳn một tòa thành kiên cố bằng đá để phòng thủ nhưng lại thất thủ ngay từ khi giặc chưa đến.

Đó là bài học cho sự coi thường dân, khinh dân, xa dân, khiến dân không trợ giúp. Bài học này cho đến hôm nay, và tôi tin chắc rằng mãi mai sau, cũng không bao giờ cũ.

- Người ta thường nói tiểu thuyết là hư cấu, tiểu thuyết lịch sử cũng vậy. Ông suy nghĩ thế nào về điều này và tiểu thuyết lịch sử có vai trò như thế nào đối với cuộc sống?

Đúng thế. Tiểu thuyết là sự hư cấu. Khác nhau ở chỗ sự hư cấu ấy như thế nào và hư cấu ra sao mà thôi. Viết tiểu thuyết lịch sử có nhiều cách. Nếu chọn cách văn chương hóa lịch sử; hay cảm hứng sáng tạo của nhà văn dựa trên những biến cố, những sự kiện trung thành với lịch sử, thì sự hư cấu của nhà văn càng phải thận trọng và hình tượng nhân vật không vì thế mà kém hấp dẫn. Vai trò của tiểu thuyết lịch sử là dựng lại xã hội quá khứ vốn đã có và những bài học cho ngày nay. Nếu một dân tộc biết học từ quá khứ của dân tộc mình thì dân tộc ấy có trí khôn và sức mạnh được nhân lên nhiều gấp ngàn lần.


Nhà văn Hoàng Quốc Hải tại lễ ra mắt bộ sách "Bão táp triều Trần" của NXB Phụ nữ

.

- Theo ông, người viết tiểu thuyết lịch sử đòi hỏi phải có những yếu tố gì?

Tôi cho rằng, trước hết phải yêu lịch sử và có nhu cầu tìm hiểu quá khứ. Người viết tiểu thuyết lịch sử phải am hiểu giai đoạn lịch sử mà mình cần phục dựng, muốn am hiểu về nó phải tìm hiểu mọi mặt đời sống từ kinh tế, chính trị, văn hóa, phong tục, tôn giáo, tín ngưỡng, xã hội... từ mọi nguồn thông tin, thư tịch, dân gian... Điều đặc biệt là tìm hiểu kỹ lưỡng đời sống dân chúng và văn hóa phổ cập trong dân gian; chính những cái đó là linh hồn của truyện. Lịch sử không bày, đặt sẵn mà lịch sử chỉ giữ lại cho ta những tín hiệu, chẳng khác những mật mã. Công việc của nhà văn chính là giải mã lịch sử. Nếu nhà văn giải mã đúng, nghĩa là phục dựng lại xã hội từ trong quá khứ như nó có; điều đó đem lại cho người đọc một cảm nhận chân thực. Nếu giải mã sai, người đọc sẽ phải tiếp nhận một sự thật méo mó, lệch lạc như là một sự xuyên tạc lịch sử. Chìa khóa để giải mã chính là sự trung thực của nhà văn và những thẩm thấu văn hóa mà nhà văn tiếp nhận được.


Một số đầu sách của nhà văn Hoàng Quốc Hải

.

- Ông có thể nói rõ hơn về sự hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử?

Tiểu thuyết nói chung kể cả tiểu thuyết lịch sử đều phải lấy hư cấu làm phương tiện nghệ thuật và tiểu thuyết lịch sử cũng không có ngoại lệ. Vấn đề là phải hư cấu như thế nào đạt đến chân thực lịch sử và chân thực cuộc sống. Chân thực đến mức người đọc phải thừa nhận đây mới là lịch sử. Cũng không có nghĩa là sự bịa tạc, mà là sự tìm tòi đi đến chân thực.

- Vậy theo ông, sự thật lịch sử trong tiểu thuyết lịch sử và trong lịch sử, cái nào đáng tin cậy hơn?

Sự thật lịch sử trong tiểu thuyết lịch sử đáng tin cậy hơn vì nó được giải mã, nó có cuộc sống. Sự thật lịch sử trong lịch sử chỉ là những tín hiệu chứa đựng những thông tin vô cảm. Nhưng trong tiểu thuyết lịch sử nó lại sống động. Đấy là tôi nói đối với tiểu thuyết lịch sử đã được giải mã đúng hướng.

- Nếu vậy nhà văn giải thích thế nào khi cùng một giai đoạn lịch sử, cùng một thời điểm lịch sử lại có nhiều cuốn tiểu thuyết lịch sử của nhiều nhà văn đề cập đến. Vậy cuốn nào là đáng tin cậy hơn! Chẳng hạn về Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đã có nhiều tiểu thuyết lịch sử thành công, ngay cả cuốn Vạn Xuân của một nữ nhà văn Pháp?

Như tôi đã nói, sự đáng tin cậy nhất là nhà văn giải mã đúng lịch sử. Khai thác lịch sử, mỗi nhà văn có một cách tiếp cận khác nhau. Có người bao quát cả một giai đoạn khá dài của lịch sử, người chỉ chẻ một lát cắt, người lại trộn lẫn quá khứ với hiện tại... Đúng, sai, hay, dở chỉ có thời gian và độc giả các thời đại có quyền phán xét. Lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc là một kho báu bất tận và vô cùng quý hiếm mà chúng ta chưa khai thác được bao nhiêu. Còn rất nhiều điều ẩn khuất đòi hỏi nhà văn bằng cái tâm, cái tài của mình, văn chương hóa được lịch sử để những ký hiệu lịch sử có được đời sống thật…

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Công minh lịch sử và công bằng xã hội đối với tự lực văn đoàn

    12/03/2019Văn TạoTự lực văn đoàn là một tổ chức văn học ra đời tại thị trấn Cẩm Giàng, Hải Dương trong thời gian 1932-1939. Về tổ chức và công lao của Tự lực văn đoàn, đã từng có nhiều đánh giá khác nhau cả về các mặt tích cực lẫn về mặt tiêu cực.
  • Đối thoại giữa Lịch sử và Tương lai

    24/06/2018Nguyễn Tất ThịnhLịch sử và Tương lai vốn không mâu thuẫn gì, nhưng có những quan điểm khác... cuộc trò chuyện này đi đến sự hợp nhất về chiều hướng thời gian của sự phát triển...
  • Chữ Tâm của nhà báo trong bối cảnh lịch sử hôm nay

    20/06/2018Trần Văn ChánhNhững ai muốn bước vào nghề báo, có lẽ từ lúc vỡ lòng cho tới khi buông bút, không nên nghĩ đây là một cái nghề để cầu danh, cầu lợi, mà là phương tiện để ‘hành đạo’...
  • 'Con chim phụng cuối cùng': Người phụ nữ khắc họa bức tranh lịch sử

    21/08/2017Thanh NhànChín mảnh ghép đều mang gương mặt nữ quyền được bàn tay Nguyễn Thị Kim Hòa thổi hồn thành chín bức chân dung lịch sử chân thực và dữ dội...
  • Cuốn sách lật lại 'vụ án Thái sư hóa hổ' nổi tiếng lịch sử

    20/08/2017Thanh NhànTác phẩm diễn tả trọn vẹn chân dung Thái sư Lê Văn Thịnh từ thuở thiếu thời cho đến khi qua đời cùng những suy nghĩ trăn trở của tác giả về con người tài hoa bạc mệnh...
  • Xác minh sự thật lịch sử không đơn giản

    31/07/2017Thư Hiên thực hiện“Chức năng cao cả nhất của lịch sử là tôn trọng sự thật. Tuy nhiên, nhận thức lịch sử là một quá trình” - giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, trò chuyện cùng TTCT sau lễ vinh danh học sinh giỏi quốc gia môn sử lần đầu được tổ chức.
  • 'Kim thiếp vũ môn': Ranh giới thực hư trong tiểu thuyết lịch sử

    16/05/2017Gia Hạ"Hư cấu và sự thật trong tiểu thuyết lịch sử” là chủ đề của buổi tọa đàm về cuốn tiểu thuyết lịch sử “Kim thiếp vũ môn"...
  • Giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ: Suy nghĩ từ thực tế của một số nước

    17/02/2017Vũ Minh GiangĐưa nội dung lịch sử vào các cuộc thi trí tuệ, kiến thức là một hình thức khuyến khích thanh niên tìm hiểu lịch sử. Làm cho thanh thiếu niên thấy một cách tự nhiên rằng hiểu biết lịch sử là một tiêu chuẩn đánh giá sự uyên bác và trí tuệ. Trong hầu hết các cuộc thi trí tuệ ở nước ngoài tôi thấy hầu như ở đâu cũng có những câu hỏi liên quan đến lịch sử...
  • Lịch sử phương Đông và nền sử học không ADN

    24/06/2016Hà Văn ThùyCông nghệ khảo sát ADN người đang sống cho ra khám phá chưa từng có. Nghiên cứu Quan hệ di truyền của dân cư Trung Quốc đưa ra kết luận: “Người hiện đại Homo sapiens xuất hiện ở châu Phi từ 160.000 đến 180.000 năm trước. Khoảng 70.000 năm cách nay, con người từ châu Phi theo ven biến Ấn Độ tới Việt Nam...
  • Tất cả đã có trong lịch sử

    04/06/2016Vương Trí NhànVề tham nhũng, Đại việt sử ký toàn thư ghi, không phải đến thời vua Lê chúa Trịnh, mà ngay từ đời Lê Nhân Tôn ( sau Lê Thái Tổ và Lê Thái Tôn, trước Lê Thánh Tôn ), tức khi vương triều thịnh trị, đã có hiện tượng “ trên thì tể tướng, dưới thì trăm quan, hối lộ bừa bãi ”...
  • Nhìn nhận lại môn lịch sử - Dạy gì về Phan Châu Trinh?

    30/05/2016Nhà văn Nguyên NgọcNói chuyện lịch sử bao giờ cũng cần rất thận trọng. Nói lịch sử với lớp trẻ càng cần thận trọng hơn. Về Phan Châu Trinh, nhân vật sáng chói đầu thế kỷ XX của chúng ta, ít ra cũng cần cố gắng nói với những người trẻ hôm nay rằng ông từng thống thiết nhận ra những câu hỏi sâu sắc nhất của phát triển dân tộc, mà lịch sử éo le đã buộc phải bỏ dở dang. Vậy thì chính lớp trẻ hôm nay phải tiếp tục...
  • Nho giáo trong lịch sử tư tưởng văn hóa Việt Nam

    07/04/2016Cao Huy ĐỉnhTừ xưa Nho giáo đã có mặt trong lịch sử Việt Nam, đã trở thành một mặt của văn hóa Việt Nam. Nhưng Nho giáo chỉ trở thành hệ ý thức phong kiến Việt Nam khi giai cấp phong kiến Việt Nam đã trưởng thành “cho nó” và chế độ phong kiến Việt Nam được xác lập rõ rệt với đầy đủ những đặc trưng cơ bản của nó. Nho học Việt Nam gắn liền thành một bộ phận hữu cơ của chế độ phong kiến Việt Nam.
  • Cuốn tiểu thuyết lịch sử về thép và súng của người Việt

    05/11/2015Nguyên HảiSau nhiều năm đi tìm lời giải cho mấy chữ Kim-Thiếp Vũ Môn, tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh đã bổ sung thêm những sự kiện sách sử Việt chưa từng chép về hai sáng tạo tuyệt vời của tổ tiên ta...
  • Viết tiểu thuyết lịch sử không nên lệ thuộc vào chính sử

    17/09/2010Hương Lan thực hiệnSau 20 năm miệt mài, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã hoàn thành hai bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ về nhà Trần và nhà Lý đúng vào thời điểm cả nước chuẩn bị chào đón đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. “Phổ cập lịch sử là trách nhiệm của nhà văn”, ông chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị trong ngày ra mắt hai tác phẩm lớn của mình – “Tám triều vua Lý” và “Bão táp triều Trần”...
  • xem toàn bộ