'Kim thiếp vũ môn': Ranh giới thực hư trong tiểu thuyết lịch sử

11:33 CH @ Thứ Ba - 16 Tháng Năm, 2017

"Hư cấu và sự thật trong tiểu thuyết lịch sử” là chủ đề của buổi tọa đàm về cuốn tiểu thuyết lịch sử “Kim thiếp vũ môn"...

Cuốn sách Kim thiếp vũ môn của tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh xuất bản lần đầu tiên năm 2015. Đây là tiểu thuyết lịch sử đặc biệt theo dạng luận đề, nói về những thân phận con người, về số phận bi hùng của những hào kiệt, những anh tài luyện thép, đúc súng của đất Việt Nam trong thăng trầm của lịch sử.

" Bạn đọc có thể coi đây là phần nối tiếp hoàn hảo cho cuốn tiểu thuyết đoạt nhiều giải thưởng Văn học Quốc gia "Hồ Quý Ly" của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. "

Tác giả đã tôn trọng những sự thật được ghi chép trong chính sử và bổ sung những sự kiện lịch sử chưa từng chép. Đây là một điểm sáng làm nên giá trị về nội dung của tác phẩm Kim thiếp vũ môn. Lần xuất bản này tác giả đã viết lại hồi 1 và hồi 2, bổ sung thêm hồi 34, còn lại vẫn giữ nguyên như cũ.

Tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh cũng thừa nhận: “Khi viết quyển sách này người viết đã phải nhờ cậy vào không biết là bao nhiêu tác phẩm, tài liệu, bài viết, gia phả, thần phả... của người đi trước cũng như của người đương thời”.


Tác giả Trần Gia Ninh dù là một nhà khoa học vật lý nhưng lại có vốn hiểu biết rất sâu rộng về lịch sử Trung Quốc lẫn Việt Nam

.

Giáo sư Trần Ngọc Vương cho rằng: “Kim thiếp vũ môn không mang nhiều hình dáng một tiểu thuyết lịch sử. Về mặt bản chất đây là một giả thuyết khoa học được trình bày dưới dạng tiểu thuyết. Đây là một công trình khoa học đau đáu cả đời của tác giả.

Các nguồn tư liệu còn bán tín, bán nghi, chưa xác thực, có những tình tiết phải dùng trí tưởng tưởng phải ước đoán thì văn chương trình bày dễ hơn ngôn ngữ khoa học. Văn chương phải tung tẩy lên một chút để người đọc có thể cảm được. Tác phẩm là giả thuyết khoa học rất lớn ảnh hưởng đến thành tựu rất lớn của người Việt và các thành tựu của các nước trong khi vực.”

" Lạ và mới ở một cuốn tiểu thuyết lịch sử đề cao tài trí Việt với một nội dung thật độc đáo, sinh động, hấp dẫn. Đây chính là một "hiện tượng" bất ngờ, thú vị cho nền văn học nước nhà hôm nay."
(Nhà văn Phạm Quang Đẩu, Tinh Hoa Việt, Báo Đại Đoàn Kết 03/11/2015)

TS. Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc NXB Văn học đánh giá: “Dù rằng tác giả có nói rõ quyển sách này chỉ là để “góp chuyện gẫu cho kẻ sĩ lúc nhàn du” nhưng chúng tôi nghĩ không nhất thiết chỉ kẻ sĩ mới có thể là độc giả của quyển sách này.

Sẽ dễ dàng trả lời hơn cho nhận xét này không phải từ ngay những trang đầu mà là khi đã đọc hết đến những trang cuối cùng. Đây là một tiểu thuyết lịch sử đặc biệt theo dạng luận đề. Cuốn sách này nhắc cho hậu thế về những thân phận con người, về số phận bi hùng của những hào kiệt, những anh tài luyện thép, đúc súng của đất Việt trong thăng trầm của lịch sử”.


Tác phẩm Kim thiếp vũ môncủa tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh.

.

Tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh luôn nhận mình là kẻ ngoại đạo nhưng vẫn thẳng thắn cho biết: "Tôi nghĩ thứ nhất tiểu thuyết thì phải hư cấu nhưng có người chỉ lấy một sự tích rồi hư cấu tất cả. Tôi chỉ 1 phần hư cấu, tất cả mọi nhân vật và sự kiện gần như thật 100% chỉ có làm như thế nào kết nối lại thôi. Cái kết dính và tạo cho tâm hồn thì đấy là một phần hư cấu của tôi.

Ngay những người phụ nữ đưa vào trong tiểu thuyết thì cũng không hoàn toàn là hư cấu mà phải có cảm hứng thật từ những hình tượng thực mà có thể chính sử không ghi chép mà trong dân gian đặc biệt vùng Hoan Châu, tỉnh Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa đều có sự tích cả"

Mặc dù theo thể loại chương hồi dễ khô khan, nhưng tác giả đã thành công khi dựng lên những thân phận con người, những câu chuyện lịch sử lãng mạn, bi tráng, đọc rất hấp dẫn...
(Nhà báo- Nhà bình luận Hồng Sơn, Sự kiện & Nhân chứng 6/2016, Báo QĐND)

Kim Thiếp Vũ Môn được các nhà nghiên cứu văn học, lịch sử đánh giá cao vì đã kích thích và nuôi dưỡng ý chí, khát vọng, niềm tự hào dân tộc trong độc giả. Tác giả đã tham khảo và nghiên cứu rất nhiều nguồn tư liệu, nhưng không sử dụng cẩu thả mà có sự cân nhắc, chắt lọc, kiểm chứng thông tin, ngay cả với những chi tiết nhỏ nhất của tác phẩm.

* Vườn lịch sử nước ta còn vô số báu vật bị vùi sâu dưới lớp đất thời gian, đang chờ những người tâm huyết dày công dò tìm, đào bới lấy lên để mọi người chiêm ngưỡng. Trần GIa Ninh là một trong những "thợ đào vàng" hiếm hoi ấy...
(Nhà nghiên cứu văn hóa TS. Nguyễn Hải Hoành, Tạp chí Tia Sáng 13/09/2015)

* Đọc Kim Thiếp Vũ Môn để tin và yêu thêm đất nước mình. Đọc sách và thêm một lần nữa tin như tin rằng nếu có biến thì chúng ta vẫn sẽ chiến thắng như cách đây 600 năm, Lê Lợi và Nghĩa quân Lam Sơn đã chiến thắng giặc Minh xâm lược.
(Nhà văn Nguyễn Thế Hùng, báo Văn nghệ Công An 28/09/2015)

Tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh tên thật là Trần Xuân Hoài, sinh ra trong một gia đình Nho gia truyền thống ở Hà Tĩnh. Khi mới 10 tuổi, ông được gửi sang Trung Quốc học thiếu sinh quân. Cũng nhờ đó ông có cơ hội nghiên cứu tại nhiều nước trên thế giới.

Ông từng giữ cương vị Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam. Trong sự nghiệp của mình ông có hơn 50 công trình gồm sách, báo chuyên môn, bằng sáng chế...

Độc giả bắt đầu biết đến ông với bút danh Trần Gia Ninh qua các tác phẩm Kim thiếp vũ môn, Nhìn lại lịch sử Bách Việt và quá trình Hán hóa Bách Việt, Lạm bàn về dạy và học tiếng Trung Quốc ở Việt Nam, Cần một giải pháp xây dựng đội ngũ khoa học mới...


Lời Nhà Xuất Bản

Trước khi in bất kỳ tác phẩm nào, đối với nhà xuất bản Văn học, câu hỏi quen thuộc nhất là: Quyển sách này dành cho ai và ai có thể hứng thủ để đọc quyển sách này? Với Kim Thiệp Vũ Môn dù rằng tác giả ngay cuối lời cẩn bạch đã nói rõ quyển sách này chỉ là để góp chuyện gẫu cho kẻ sĩ lúc nhà du. nhưng chúng tôi nghĩ không nhất thiết chỉ kẻ sĩ mới có thể là độc giả của quyển sách này. Sẽ dễ dàng trả lời hơn cho nhận xét này không phải từ ngay những trang đầu mà là khi đã đọc đến hết những trang cuối cùng.
.
Độc giả đang cầm trên tay một cuốn tiểu thuyết. Vâng, đúng thế, quyển sách này thuộc thể loại tiểu thuyết, nhưng là một tiểu thuyết lịch sử đặc biệt theo dạng luận đề. Quyển sách này nhắc cho hậu thế về những thân phận con người, về số phận bi hùng của những hào kiệt, những anh tài luyện thép, đúc súng của đất Việt trong thăng trầm của lịch sử.
.
Vì vậy, sẽ không dễ đọc những trang viết ở Kim Thiếp Vũ Môn nếu đọc nó như đọc một quyển tiểu thuyết bình thường. Vì chưng đây là một quyển sách mà cấu trúc, văn phong và bút pháp không theo một tiền lệ nào cả, nhưng mỗi câu chữ, mỗi chương, mỗi hồi không chỉ là lịch sử, là khoa học, là tiểu thuyết, là kiếm hiệp, là trinh thám mà còn nhiều hơn thế, là tình yêu, là thân phận, là văn chương, thế sự, cuộc đời... Và hy vọng nó cũng sẽ gửi đến cho độc giả không chỉ có văn chương mà còn những chiêm nghiệm khác ngoài văn chương.
.
Nhà xuất bản Văn học trân trọng mời quý độc giả khám phá tìm hiểu những điểm rắc rối, khó khăn và thú vị trong mê trận của thời cuộc, sử liệu cùng truyền thuyết. Chúng tôi cũng mong chờ sự kiên nhẫn của độc giả khi phải tìm hiểu những rắc rối, ẩn ức, kỳ bí đằng sau mỗi câu, mỗi chương, mỗi hồi của quyển sách này.
.
Thời gian của những chuyện ghi chép ở đây lùi lại từ mấy trăm năm trước, kéo cho đến tận ngày nay. Chuyện không chỉ ở Giao Chỉ mà còn kéo từ Yên Kinh của Trung Hoa, sang tận Cao Ly, Nhật Bản... Có lúc rõ ràng như sử sách ghi chép, có khi ẩn hiện như rồng trong mây, có nhiều hồi nhiều lớp... Tiếc thay, cũng không mấy dễ đọc, khi mà cuộc đời hối hả, còn nhiều thứ dễ đọc,
dễ cảm hơn!
.
Việc cảm nhận, đánh giá và chia sẻ là tùy thuộc và độc giả sau khi khám phá đến những trang cuối cùng của cuốn sách!
.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Mấy lời cẩn bạch
Khi nói đến trí tuệ, văn minh phương Đông, thiên hạ hay nhắc đến bốn phát minh vĩ đại nhất - gồm có la bàn, làm giấy, nghề in và thuốc súng. Nhờ có thuốc súng, nhiều dân tộc đã chế ra được các hỏa khí như hỏa tiễn, hỏa pháo rồi đến súng thần công. vào đầu thế kỷ 15, nhà Minh Trung Hoa đã có trong tay một loại súng gần như súng hỏa mai mà họ gọi là Thần Cơ Thương - tức súng thần, mạnh hơn cung kiếm, đánh cho quân Tacta thua tơi tả. Đây là một phát minh thần kỳ, làm thay đổi lịch sử chiến tranh của nhân loại.
.
Sách "Minh Sử" của Trung Hoa chép: "Minh Thành Tổ đánh Giao Chỉ, chiếm được phép chế Thần Cơ Thương Pháo, đặt riêng Thần Cơ Doanh luyện tập". - Minh Thành Tổ chiếm Giao Chỉ năm 1407.
.
"Đại Việt sử ký toàn thư" tả trận đánh năm Canh Ngọ 1390 đời Trần: "Trần Khát Chân liền ra lệnh các Hỏa súng nhất tề nhả đạn, bắn trúng thuyền Chế Bồng Nga, xuyên suốt ván thuyền, Bồng Nga chết"... Như vậy, người Giao Chỉ, tức người Việt, đã sáng tạo ra súng thần cơ ít nhất là cuối thế kỷ 14, cuối đời Trần. Nhà Minh đã giấu kỹ bí kíp Thần Cơ đã chiếm đoạt được của nước Việt. Nhưng rồi nó cũng bị rò rỉ sang phương Tây qua các cuộc chiến với Tacta. Cho nên hơn năm chục năm sau, vào nửa cuối thế kỷ 15, người Ottoman, rồi người Bồ Đào Nha mới học được cách chế tạo khẩu súng hoa rmai (matchlock musket) đầu tiên. Rồi từ đó phương Tây phát triển tiếp bao nhiêu loại vũ khí cho đến ngày nay.
.
Tiếc thay, các vương triều cầm quyền nước Nam xưa thường vẫn có truyền thống ngưỡng mộ, sùng bái đạo thánh hiền, chỉ chăm chú vào thi thư lễ nghĩa, tầm chương trích cú, mà vùi dập, coi thường tài năng của dân Việt, cho nên những sáng tạo của người Việt cũng lụi tàn theo thời gian. Còn sử sách nước Việt cũng không chép lại. Quyển sách này cố chép lại những điều mà chính sử đã quên lãng đó.
.
Bạn có thể thấy nó dài dòng, vô bổ hoặc cũng có thể thấy đó là những chiêm nghiệm đáng suy ngẫm... Đơn giản, quyển sách này chỉ mong góp được một vài mẩu vụn vặt cho kẻ sĩ khi nhàn du gẫu chuyện với tri kỷ mà thôi.
Bạn có thể đọc quyển sách mà không cần chú ý đến những chú thích cuối trang hoặc cuối sách (in chữ nhỏ). Chỉ khi bạn hứng thú muốn tìm hiểu thêm thì hãy đọc những phần này.
.
Trong lần in này hồi 1 và hồi 2 đã được viết lại, bổ sung thêm hồi 34, còn lại vẫn giữ nguyên như cũ.
.
Tác giả xin chân thành cảm ơn các góp ý của bạn đọc, của bạn bè, các học giả, nhà văn... để hoàn thiện quyển sách cho lần in này. Đặc biệt xin cảm ơn Nhà xuất bản Văn học về cặp mắt xanh và những công việc quý giả, thầm lặng mà thiếu nó quyển sách này không thể được hoàn thiện và ra đời.
.
Khi viết quyển sách này người viết đã phải nhờ cậy vào không biết là bao nhiêu tác phẩm, tài liệu, bài viết, gia phả, thần phả... của người đi trước cũng như của người đương thời. Số lượng quá lớn, tên tuổi quá nhiều đến mức không thể kể ra hết được.
Do vậy, người viết chỉ dám xin đa tạ công lao của các bậc tiền bối, của các tác giả đương thời. Nếu có ai nhận ra một ý, một câu chữ, lời lẽ của mình trong quyển sách này, thì xin nhận cho một lời cảm ơn chân thành, và xin lượng thứ cho sự mạo muội của người viết quyển sách này đã không thể xin phép trước.
Thâm Giang TRẦN GIA NINH
Cẩn bút

Tên sách: Kim Thiếp Vũ Môn (tiểu thuyết lịch sử)
Tác giả: Thâm Giang Trần Gia Ninh
NXB: Văn học
Số trang: 410

Đăng ký mua theo mobile: 0903. 205. 306 hoặc
.
Nguồn:Zing News
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhìn lại lịch sử Bách Việt và quá trình Hán hóa Bách Việt

    28/11/2016Trần Gia NinhKhi đọc những câu hỏi “Vì sao đã thống trị Việt Nam hơn ngàn năm mà cuối cùng Trung Quốc vẫn không thể đồng hóa Việt Nam?”. Hoặc “Người Việt Nam (tộc người Kinh) vì sao mà khó đồng hóa như vây?, nhiều người nghĩ chắc là ý kiến của những anh chàng người Việt nặng đầu óc dân tộc chủ nghĩa. Nhưng thật bất ngờ...
  • Nhà văn Trương Tửu- từ sáng tác đến nghiên cứu, phê bình văn nghệ

    28/08/2016PGS.TS. Nguyễn Hữu SơnĐộc giả ngày nay đọc tác phẩm Trương Tửu cần đặt các công trình nghiên cứu, phê bình, sáng tác của ông trong bối cảnh đương thời mới có thể nhận thức rõ hơn dấu ấn một phong cách riêng cũng như những đóng góp nhiều mặt với đời sống văn hóa - văn học nước nhà...
  • Từ trung tâm ra ngoại biên, từ ngoại biên vào trung tâm

    07/12/2015Lại Nguyên ÂnNhìn khái lược thì đời viết văn của Nguyễn Xuân Khánh gồm ba giai đoạn khá rõ rệt, có thể diễn đạt như là con đường từ trung tâm chuyển ra ngoại biên, rồi lại từ ngoại biên chuyển vào trung tâm...
  • Cuốn tiểu thuyết lịch sử về thép và súng của người Việt

    05/11/2015Nguyên HảiSau nhiều năm đi tìm lời giải cho mấy chữ Kim-Thiếp Vũ Môn, tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh đã bổ sung thêm những sự kiện sách sử Việt chưa từng chép về hai sáng tạo tuyệt vời của tổ tiên ta...
  • Số phận một cuốn sách

    30/10/2015Vũ Từ Trang - Văn GiáViết xong năm 1974-75, năm 1990, NXB Đà Nẵng mạnh dạn cho in với tên sách "Miền hoang tưởng" với tên tác giả Đào Nguyễn. Ngay khi sách phát hành, nxb và tác giả chịu nhiều hệ lụy của các cơ quan quản lý. Trải qua sau 1/4 thế kỷ, xã hội có nhiều đổi mới, cởi mở, vừa qua, tập sách được in lại với tên sách "Hoang tưởng trắng" thay cho tên cũ "Miền hoang tưởng" và tên tác giả là Nguyễn Xuân Khánh...
  • Con người hiện đại không thể chỉ nghĩ cho mình

    30/10/2015Trinh NguyễnĐằng sau những trang viết của ông luôn có một người ngồi ngẫm ngợi và thoáng cười hiền chấp nhận mọi kẻ khác mình.
  • Có 500 năm như thế: Bản sắc Quảng Nam từ góc nhìn phân kỳ lịch sử

    24/10/2015Nguyễn Quang DiệuQuảng Nam, nơi giằng co qua lại mấy trăm năm trong quá trình Nam tiến của dân tộc; vùng đất chịu nhiều biến động, kinh qua các cuộc chiến tranh tranh giành giữa Đại Việt và Chămpa. Vùng đất này, quá trình này được Hồ Trung Tú bàn đến trong tác phẩm “Có 500 năm như thế: Bản sắc Quảng Nam từ góc nhìn phân kỳ lịch sử”. 500 năm ở đây được hiểu là tính từ năm 1306 - thời điểm Huyền Trân công chúa bước qua bên kia đèo Hải Vân...
  • "Nhà văn phải có cảm hứng lịch sử"

    20/08/2015Minh ĐiềnNhà văn phải luôn có cảm hứng lịch sử. Những gì tài năng, vốn sống, lao động nghệ thuật... hãy nói đến sau. Và ông diễn giải: cảm hứng lịch sử là ý thức được mình đang đứng ở đâu, có vai trò gì trong dòng chảy của cuộc sống. Nói “lịch sử” là nói tới quan điểm và thái độ của nhà văn, tới trách nhiệm đối với xã hội. Và viết, đối với nhà văn trước hết là hoàn thiện bản thân...
  • Trả lại chân giá trị cho Ngô Thì Nhậm

    03/02/2015TS Nguyễn Thành HữuNgày nay, từ những tài liệu chính xác của lịch sử, các nhà khoa học Việt Nam dần dần có đầy đủ cơ sở để nhìn lại cuộc đời Ngô Thì Nhậm...
  • Khúc bi tráng thức tỉnh

    19/02/2014Vĩnh QuyềnTrong bối cảnh đen tối của đất nước cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 sĩ phu Việt đã dấy lên một cao trào thức tỉnh “vô tiền khoáng hậu” khi thực hiện một chương trình đào tạo cách tân với mạng lưới trường học “phi chính phủ” thầy ăn cơm nhà lên lớp, trò đi học để làm người nước Nam mới - tân Nam tử - chứ không để làm quan, và với nguồn tài trợ đến từ nhân dân, trong đó chủ lực là doanh nhân trí thức yêu nước...
  • Hãy đánh thức tình yêu lịch sử

    30/07/2006Lịch sử là trí nhớ của một dân tộc. Nếu một dân tộc không có sự hiểu biết, giữ gìn đúng đắn lịch sử của mình thì cũng giống như một người mất trí nhớ hoặc thiểu năng trí tuệ...
  • xem toàn bộ