Nho giáo trong lịch sử tư tưởng văn hóa Việt Nam

02:05 CH @ Thứ Năm - 07 Tháng Tư, 2016

Từ xưa Nho giáo đã có mặt trong lịch sử Việt Nam, đã trở thành một mặt của văn hóa Việt Nam. Nhưng Nho giáo chỉ trở thành hệ ý thức phong kiến Việt Nam khi giai cấp phong kiến Việt Nam đã trưởng thành “cho nó” và chế độ phong kiến Việt Nam được xác lập rõ rệt với đầy đủ những đặc trưng cơ bản của nó. Nho học Việt Nam gắn liền thành một bộ phận hữu cơ của chế độ phong kiến Việt Nam...

I- Vài điều về phương pháp

Trước hết chúng tôi xin nêu lên ở đây một vài điều về phương pháp:

1. Lợi ích nhân dân, dân tộc ngày xưa và lợi ích cho cách mạng ngày nay là thước đo giá trị của mọi tư tưởng nói chung và Nho giáo nói riêng.

Nói cách khác là nên suy nghĩ vấn đề dưới ánh sáng của quan điểm duy vật lịch sử và đường lối cách mạng tư tưởng - văn hóa của Đảng ta.

2. Không nên xuất phát từ lí thuyết Nho giáo đơn thuần mà nên xuất phát từ thực tiễn Việt Nam. Cũng không nên cô lập vấn đề Nho giáo ra khỏi quá trình phát triển của lịch sử Việt Nam xưa nay.

3. Không nên sa vào các lối diễn dịch bình văn thuyết đạo hay vội vàng lập ra các bảng liệt kê những yếu tố này đáng tiếp thu, những yếu tố kia đáng gạt bỏ. Trái lại nên đi vào bản chất của lịch sử tư tưởng, triết học và hiện thực của các qui luật, các vấn đề chứ không phải là hiện thực rời rạc của các sự kiện. Có như thế mới góp phần tiến tới tổng kết được lịch sử tư tưởng - văn hóa và xây dựng lí luận cơ bản, làm cơ sở khoa học cho các ngành dần dần có được trách nhiệm giáo dục trong việc thực hành đạo đức văn hóa mới, chứ không trực tiếp phải là làm thay và bao biện các ngành ấy.

Đối với chúng tôi, một phương pháp như vậy vẫn còn trong lý tưởng. Đây chỉ là một bước thể nghiệm ban đầu. Phải được sự tham gia soi xét và bảo ban của tập thể mới mong tới ngày hoàn hảo được.

II- Nho giáo trong lịch sử tư tưởng – văn hóa Việt Nam

Từ xưa Nho giáo đã có mặt trong lịch sử Việt Nam, đã trở thành một mặt của văn hóa Việt Nam. Nhưng Nho giáo chỉ trở thành hệ ý thức phong kiến Việt Nam khi giai cấp phong kiến Việt Nam đã trưởng thành “cho nó” và chế độ phong kiến Việt Nam được xác lập rõ rệt với đầy đủ những đặc trưng cơ bản của nó. Nho học Việt Nam gắn liền thành một bộ phận hữu cơ của chế độ phong kiến Việt Nam. Có ba giai đoạn:

1. Ở thời kỳ Bắc thuộc, Nho giáo chỉ lưu hành trong bọn thống trị dân phương Bắc. Nam giao học tổ do Sĩ Nhiếp mở ra đầu thế kỉ XI cũng chỉ có mục đích đào tạo những người thừa hành cho bọn Thái thú, Thứ sử và chỉ thu hẹp trong đất Luy Lâu và ở các bản doanh của người Hán mà thôi.

Trong dân gian, tín ngưỡng và tình cảm Lạc Việt vẫn là gốc rễ phổ biến và bền chặt. Đó là lòng tin mãnh liệt vào tiên tổ giống nòi riêng, tình yêu đất nước quê hương nhà, lòng sùng kính những người thủ lĩnh anh hùng, tập thể bộ tộc và dân tộc có kì tích dựng nước, giữ nước và sáng tạo văn hóa nông nghiệp. Tóm lại đó là tinh thần cộng đồng bộ tộc hay dân tộc, một thứ tinh thần tập thể đã được rên đúc nên trong quá trình lịch sử từ xa xưa cho đến thời kỳ Hùng Vương.

- Từ thế kỉ I, II đầu C.N., đạo Phật lan truyền sang đất ta, ban đầu là từ hướng Nam lên - nhưng đạo Phật muốn bén rễ vào nhân dân ta thì tự mình cũng phải tìm cách đồng nhất với tín ngưỡng của nhân dân. Và về mặt này thì đạo Phật quả đã có tác dụng nhất định và sớm trở nên phổ biến so với Nho giáo.

- Từ thế kỉ VI, VII trở đi, Phật giáo và Nho giáo từ phương Bắc mới vào mạnh. Phật giáo này đã mang trong mình nó những yếu tố văn hóa Trung Quốc, trong đó có Nho giáo (chẳng hạn như kinh Phật được dịch ra Hán văn, được lý giải theo quan điểm kinh điển nho gia và được biện chính bằng lịch sử Đại Hán. Còn Nho giáo lúc này đã mang tính chất huyền học (pha Đạo giáo và Phật giáo, hoặc chịu ảnh hưởng của đạo phù thủy sa-man, mà tiêu biểu nhất là thuyết phong thủy thần bí và phép yểm linh thiêng man rợ của tên quan thực dân Cao Biền đang lăm le muốn nối tiếp chính sách của Mã Viện xưa để tiêu diệt truyền thống anh hùng của nhân dân ta, hòng dễ bề thống trị.

Cuộc đấu tranh giữa tín ngưỡng dân gian với Đạo giáo Cao Biền và Nho học “thực dân” rất quyết liệt đã diễn ra trên lập trường giành độc lập dân tộc và duy trì truyền thống cộng đồng công xã Việt Nam, gắn rất chặt với các cuộc khởi nghĩa anh dũng của nhân dân Việt Nam. Cuộc đấu tranh này in hằn rất rõ rệt ở trong tài liệu văn hóa dân gian về thời Bắc thuộc (truyện thần Tản Viên nhổ nước bọt vào mặt Cao Biền, truyện thần Tô Lịch cảnh cáo Cao Biền...). Ta thấy Nho học cấu kết với Đạo giáo để phục vụ xâm lược, nhưng nhân dân Việt Nam đã phản ứng mãnh liệt. Và càng phản ứng mãnh liệt với giai cấp thống trị xâm lược thì nhân dân lại càng phản ứng với Nho học “thực dân”. Và càng phản ứng với Nho học “thực dân” thì nhân dân lại càng hướng về đạo Phật và phương thuật dân gian, tạo ra những mầm mống cho Thiền học Việt Nam và Đạo nội (đạo gốc bản địa Việt Nam) hình thành về sau này.

2. Cho đến khi Vương quốc Đại Việt được hình thành độc lập sau cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc dai dẳng kiên trì ngót ngàn năm, thì truyền thống cộng đồng dân tộc cũng được phát huy, nền dân chủ công xã được tôn trọng, tín ngưỡng dân gian được duy trì. Nhà nước quý tộc xuất thân từ các cộng đồng bộ tộc mạnh nhất như Đinh, Lê, Lí, Trần tuy đang trên đà phong kiến hóa, nhưng lại rất cần một tôn giáo phiếm thần luận, và một chủ nghĩa đại từ đại bi (Phật có ở mọi nơi, ai cũng thành Phật được, Phật thương yêu trăm họ) (Vua là Bồ tát hiện thân của Đức Phật) để đề cao và phổ biến hóa vương quyền và thống nhất dân tộc, nghĩa là qui tất cả các công xã có quyền tự trị (có lệ làng và thần thành hoàng riêng) vào một mối (phép vua và ơn vua). Vì vậy đạo Phật vẫn chiếm địa vị chủ yếu: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt” nói lên lòng dân còn tán dương đạo Phật, nói lên sự việc nhà chùa còn được thay mặt “Bồ tát vua” quản lí đất làng và đời sống tinh thần ở làng. Cũng vì vậy mà chế độ tăng thông (quốc tăng) hình thành có chân rết xuống tận sư làng, gần như là tổ chức hành chính - tôn giáo kiểu Khmer và Lào mà ngày nay ta còn quan sát được.

Mặt khác, nhân dân cũng đang cần một sự viện trợ tinh thần để cứu chữa nỗi bất hạnh đầu tiên đang diễn ra trong xã hội phụ quyền tư hữu phong kiến có người giàu, người nghèo, người sang, người hèn, người mạnh, người yếu, người ác, người hiền, v.v... nên nhiệt liệt đón nhận Phật giáo. Tình hình này được phản ánh rất rõ ở trong truyện cổ tích thần kì lấy Bụt làm lực lượng phù trợ cho những nhân vật hiền lành bị áp bức bóc lột.

Như thế là đến lúc đó Nho giáo cũng vẫn chưa nhập cuộc hoàn toàn vào đời sống tinh thần Việt Nam. Tuy nhiên, Nho giáo đang cố tìm chỗ đứng cho nó ở trong các tầng lớp quý tộc, nhất là trong đám văn quan, võ quan đã được triều đình trọng dụng. Chế độ phong kiến càng phổ biến, tính chất xã hội đẳng cấp quan liêu càng phát triển, ý thức bảo vệ chế độ và xã hội phong kiến càng tăng thì việc đẩy mạnh Nho học và cải cách xã hội theo quan điểm Nho giáo từ trên xuống lại càng rõ rệt. Từ bên dưới chế độ công xã gia trưởng càng bị phân hóa và từ bên trên chế độ vương quyền tập trung càng được xác lập xuống tận địa phương, thì cái khung xã hội và hệ thống văn hóa giáo dục nho học cũng hình thành. Cũng từ bên dưới, đi liền với chế độ khoa cử tuyển dụng ngày một rộng rãi hơn, những người có học vấn nho học ra làm quan và sự phát triển các học đường nho gia ở từng vùng nó đẩy lùi dần uy lực của Phật giáo cơ sở. Cũng từ bên trên là sự bành trướng do các nho phái đại thần trong triều đình đẩy lùi dần uy lực của tăng lương đạo Phật ra khỏi địa vị cố vấn của vương quyền. Những kiểu người Bồ Tát - Vua (như Ỷ Lan, Lí Nhân Tông thời Lí, như Thái Tông, Nhân Tông thời Trần) đã bị phê phán; sự xa hoa viển vông và lãng mạn của Phật giáo bị đả kích, sự thống nhất giữa thiền sư và trí giả không còn đầy đủ nữa; tiếng nói ngọt ngào nhã nhặn giữa cao tăng và đại thần cũng mất. Tiếng nói của những Chu An, Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh, v.v... dần dần có hiệu lực. Các sử gia nho học vừa là những nhà hành trị tích cực như Lí Tế Xuyên, cũng bắt đầu thu hút lý tưởng chinh phục thiên nhiên và chiến thắng kẻ thù xâm lược của nhân dân vào lịch sử đương đại của vương quốc Đại Việt, bằng cách hiện đại hóa huyền thoại và truyền thuyết Việt cổ, hiện đại hóa tín ngưỡng thành hoàng của các công xã theo ý đồ
huyền thoại hóa uy lực của vương quyền và tướng lĩnh mới. Truyền thống thờ cúng anh hùng dân tộc bắt đầu bị Nho giáo hóa theo quan điểm trung quân, bị Đạo giáo hóa theo nghi lễ âm phù cho vua quan, tướng lĩnh và đẩy lùi dần hoặc hạn chế quá trình Phật hóa truyền thống vốn đã có từ trước Bão cực truyện và chấm dứt ở Lĩnh Nam truyện của Trần Thế Pháp.

Bấy nhiêu sự kiện chứng tỏ cuộc đấu tranh tôn giáo giữa Nho - Phật Đạo đang diễn ra âm ỉ, khá sâu sắc, nhưng không ồn ào đổ máu, không thôn tính lẫn nhau, mà trái lại để tạo ra một sự thăng bằng trong đời sống tinh thần Việt Nam. Các tôn giáo dung hòa và bổ sung lẫn nhau, để thỏa mãn các mặt yêu cầu của đời sống đã đi vào khuôn khổ của phương thức sản xuất phong kiến Việt Nam: Nho giáo chi phối con người về mặt lý tính và nghĩa vụ xã hội;

- Phật giáo chi phối con người về mặt tình cảm, tưởng tượng và ước mơ nhân đạo;
- Đạo giáo chi phối con người về mặt ý chí khắc phục khó khăn trần thế bằng phương thuật bí ẩn.

Đó chính là nội dung của “Tam giáo đông nguyên”, về cơ bản đã tồn tại suốt trong thời kỳ phong kiến, đã tạo ra tính chất hỗn hợp trong văn hóa, phong tục, tập quán và nghi lễ Việt Nam.

Chúng ta sẽ thấy rằng Nho giáo đã muốn độc tôn và chỉ đạo đời sống của nhân dân Việt Nam trong chế độ phong kiến, nhưng không tài nào độc tôn và chỉ đạo được, chúng ta cũng sẽ thấy rằng chế độ phong kiến Việt Nam không phải chỉ tồn tại duy nhất bằng Nho giáo mà thôi. Tất cả những mặt tích cực và tiêu cực của xã hội, con người và dân tộc ở trong chế độ phong kiến đã bị điều hòa và cân bằng vào trong cái gọi là Tam giáo đồng nguyên ấy.

Nho giáo như vậy đã nhập cuộc tương đối muộn và muốn nhập cuộc được phải tự hạn chế mình, tự đồng hóa mình vào thực tiễn cơ cấu xã hội và đời sống tinh thần Việt Nam. Cũng như bà đỡ đẻ của nó là chế độ phong kiến Việt Nam đã xác lập tương đối muộn và phải dung hòa với chế độ công xã cổ truyền Việt Nam mới tồn tại được.

Chừng nào không có sự dung hòa về mặt xã hội, không có sự dung hòa về mặt tôn giáo đó thì lập tức có khủng hoảng của Nho giáo. Và ở đây lại càng dễ xác nhận điều đánh giá cơ bản của chúng ta là Nho giáo không phải là một yêu cầu tự nhiên không có không được của con người Việt Nam ở trong lịch sử.

3. Lịch sử từ thế kỉ XV càng nói lên điều đó: một con người Việt Nam nhất trong những con người Việt Nam là Nguyễn Trãi đã từng nếm mật nằm gai trong cuộc chiến đấu vĩ đại của nhân dân, của dân tộc, đã áo vải hài gai, chân đất, sống làm đứa lê dân, nói tiếng nói mộc mạc của nhân dân, con người Việt Nam ấy cũng chính là con người đầu tiên thất vọng với chế độ phong kiến và Nho giáo mà mình đã từng tin tưởng dấn thân vào xây dựng nền móng cho nó. “Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng” vì quyền sống của dân tộc, của con người Việt Nam chân chính mà miệng vẫn nói:

Bụi có một lòng trung với hiện
Mài chẳng khuyết, nhuộm chẳng đen!

Ôi! Lí tính và nghĩa vụ cơ hồ như chỉ còn lại ở ngôn từ Nho giáo nữa mà thôi. Còn tình cảm thì cơ hồ như đã là tiếng nói nhân đạo chủ nghĩa của nhân dân rồi. Bi kịch Nguyễn Trãi mở đầu cho một cuộc đấu tranh có tính chất dân chủ và nhân đạo chống lại chế độ phong kiến nếu không toàn bộ thì cũng là trên những mặt tinh thần chủ yếu nhất của nó. Như mọi người đều biết, từ thế kỉ XV, Nho giáo muốn độc tôn về chính trị, văn hóa, học thuật, giáo dục và cả văn nghệ nữa, trên cơ sở sự phát triển tột độ của chế độ quân chủ tập trung, nhưng cũng chính từ đó lại bắt đầu thời kỳ xuống dốc của chế độ phong kiến và của cả Nho học. Cả hai như hình với bóng này, đều bộc lộ tính chất bảo thủ, giáo điều hình thức và tàn nhẫn của nó.

Cuộc đấu tranh của nhân dân bằng vũ khí và vũ khí phê bình bằng văn hóa dân gian và văn học nôm bình dân suốt trong ba thế kỉ liền đã đưa đến một cuộc phê phán toàn diện các tôn giáo trong đó có Nho học. Nho giáo đã bị đánh từ những nguyên lí đạo đức cơ bản của nó:

- Phép vua thua lệ làng
- Được làm vua, thua làm giặc
-Con hơn cha nhà có phúc
-Tre già măng mọc
-Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn
- Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ.

Mục tiêu đánh vào triều đình, đánh vào quan lại, địa chủ cường hào, đả kích chế độ phụ quyền, phê phán lễ giáo phong kiến ở trong đời sống thực tiễn cũng như ở trong văn hóa, văn học nghệ thuật, ca, hò, vè, truyện cười, truyện thơ nôm, họa và điêu khắc gỗ dân gian và đặc biệt là sân khấu dân gian ở khắp mọi vùng, ở kinh kì Thăng Long... là mục tiêu của một phong trào bình dân rộng rãi bao gồm chủ yếu là nông dân rồi đến thợ thủ công, người buôn bán nhỏ, dân nghèo kẻ chợ và cả những trí thức bình dân thết thế... mà cao điểm nhất là vào thế kỉ XVIII với cuộc cách mạng Tây Sơn, phong trào này nhằm bảo vệ những tình cảm cộng đồng tự nhiên, chủ nghĩa nhân đạo bình dân và triết lý thực tiễn lao động... Các yếu tố văn hóa dân gian này bị hủy hoại ở ngay trong làng xóm, tức là ở công xã nông thôn. Công xã này cũng đã bị phân hóa bởi chính sách ruộng đất và chế độ địa chủ mới của bọn phong kiến Lê - Trịnh ở ngoài Bắc và Nguyễn ở trong Nam; công xã đó không còn tương đối thanh bình như dưới thời Lí - Trần nữa. Đó là cốt lõi của tư tưởng dân chủ và nhân đạo Việt Nam cận đại, đã từng vượt qua được một cách lạc quan và dũng cảm những bước tấn công bằng vũ khí (“dẹp loạn”, “dẹp giặc”) hay bằng văn hóa (“bài trừ tà đạo, dâm từ, ngụy văn, xướng ca vô loài...”) và đang có cơ hội trở thành chủ đạo trong thực tiễn với sự thắng lợi của cách mạng Tây Sơn, đóng góp rất lớn vào việc kết thúc chế độ phong kiến phản động và thống nhất đất nước từ Nam chí Bắc.

Nhưng vì không có một giai cấp tiên tiến đại diện cho một phương thức sản xuất tiên tiến, nên cuộc đấu tranh văn hóa đã không triệt để như chính cuộc cách mạng Tây Sơn vậy. Người bình dân Việt Nam, chủ yếu là nông dân cuối cùng vẫn bất lực trong việc xây dựng cho mình một hệ ý thức mới, một lí luận mới, một nền văn hóa mới. Rút cuộc họ vẫn không thoát ra khỏi được cái khung phong kiến; và cái đỉnh cao nhất của họ cũng chỉ là lý tưởng người hiền, vua hiền (Thiền nhân và minh quân), ở trong một nước “an cư lạc nghiệp”. Thì chính ở đây họ lại quay về với tôn giáo, điều hòa tất cả Nho, Phật, Đạo trong cái khung hỗn hợp chủ nghĩa rõ nhất là ở trong truyện thơ nôm và kịch bản chèo mà tác giả của nó là không ai khác ngoài những nho sĩ hay tu sĩ, đạo sĩ bình dân đã cải biến văn hóa dân gian thành văn học thành văn theo lập trường chiết trung thỏa hiệp ấy:

Văn hóa dân gianTính trời (hay tình cảm tự nhiên)Triết lý dân gian
Tống nhoTrung - hiếu - tiết – nghĩa(Nho)
Đại thừa (A-di- đà)Từ bi - bác ái - hành thiện(Phật)
Đạo nộiĐồng bóng và bói toánĐạo

và theo thần tượng tín ngưỡng đã được tô vẽ lại Thị Kính và Liễu Hạnh. Hai nhân vật này lại càng tiêu biểu cho sự phản ứng rất sâu sắc nhưng cũng rất tiêu cực của người phụ nữ Việt Nam nói riêng và của các tầng lớp nhân dân Việt Nam nói chung từ cuối thế kỉ XVIII sang thế kỉ XIX. Họ đang khao khát sự giải phóng mà chưa tìm được hướng đi đúng đắn.

Như vậy là chủ nghĩa kinh nghiệm và tính chất thực tiễn là đặc trưng của văn hóa dân gian chỉ có thể lồng vào hệ thống ý niệm và thuật ngữ tôn giáo phong kiến mới tồn tại được. Đó là sự chuyển biến không triệt để của phương thức sản xuất nông nghiệp và chế độ phong kiến Việt Nam khôi hỗn hợp đồng nguyên lại trở lại ở trong cơ cấu xã hội và ở trong cơ cấu tư tưởng Việt Nam, ở trong văn hóa dân gian lẫn văn hóa thành văn.

Đành rằng nhân dân và văn hóa dân gian vẫn luôn luôn là hạt nhân và không bao giờ ngừng đấu tranh để tự giải phóng cả. Cho nên mới có những Hồ Xuân Hương, những Cao Bá Quát, đã ráng sức đưa văn hóa Việt Nam đến những cá tính chiến sĩ của thời cận đại: Nhưng cuối cùng thì Nho giáo lại vẫn thống trị và trở nên phản động với nhà Nguyễn bao gồm những ông vua sùng bái Nho giáo ngoại lai một cách mù quáng nhất. Và cũng chính vì vậy mà cái thước đo giá trị của những nho sĩ lúc bấy giờ lại không phải ở chỗ nho sĩ nhất của họ, mà ở chỗ họ đã dứt khoát từ giã được bao nhiêu phần nho sĩ của họ để xông vào công cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc và truyền thống dân chủ, tập thể chủ nghĩa do nhân dân hằng tích lũy được. Sự phân hóa đó càng ngày càng rõ rệt trước cuộc đụng độ của dân tộc Việt Nam và văn hóa Việt nam với chủ nghĩa tư bản thực dân xâm lược và văn hóa tư sản nô dịch phương Tây. Có những nho sĩ phản động, có những nho sĩ yêu nước đã thấy cần xét lại nội dung của trung quân ái quốc. Một cuộc tự phê phán của nho học bắt đầu từ Nguyễn Trường Tộ rồi Nguyễn Đình Chiểu và đến Phan Bội Châu cuối đời thì mới triệt để được.

III. Vài điều rút ra từ lịch sử

1). Xét ra thì tính cách nho sĩ ở trong lịch sử Việt Nam thật là phức tạp:

  1. Có lòng yêu nước nhưng trùng hợp với chủ nghĩa chủng tộc và chủ nghĩa chí sĩ (hay anh hùng cá nhân).
  2. Trọng giáo dục và học vấn, nhưng nệ cổ, giáo điều, siêu hình phiến diện, không những không khuyến khích mà còn thù địch với tính năng động sáng tạo.
  3. Trọng gia đình nhưng theo chủ nghĩa gia trưởng tàn bạo - với phụ nữ và tuổi trẻ .
  4. Trọng nghĩa vụ chung mà không trọng quyền lợi chính đáng của cá nhân; đức trị, lễ trị mà không có pháp trị.
  5. Trọng lịch sử nhưng sùng bái quá khứ và văn hóa phong kiến nước ngoài (phương Bắc), phong kiến hóa quá khứ và do đó không có một sử quan đúng đắn.
  6. Yêu dân nhưng không hề có ý thức công dân và một tư tưởng dân chủ đúng nghĩa.
  7. Đòi cách vật trí tri mà lại xa lánh lao động và khoa học kĩ thuật.
  8. Chấp kinh tòng quyền mà lại phủ định lẽ tiến hóa và biện chứng.
  9. Hoạt động cải thế mà lại lúc thì phóng đãng huê tình lúc thì ẩn dật cầu an, v.v...

2) Không có một Nho giáo đồng nhất, thuần túy trong lịch sử Trung Quốc (cũng như không có một tôn giáo đồng nhất trong không gian và thời gian). Lại càng không có một Nho giáo thuần túy “Nho giáo” ở Việt Nam, trong một nước mà dân tộc đó phải đấu tranh vô cùng mềm dẻo để bảo vệ và phát huy bản lĩnh của mình trước nhiều luồng giao lưu văn hóa mạnh mẽ và kiên quyết anh dũng chiến đấu chống lại hàng loạt cuộc xâm lược nguy hiểm nhất trong lịch sử để bảo vệ thắng lợi nền độc lập dân tộc.

Những gì tích cực của Nho giáo đáng phát huy thì cũng mang trong mình nó cái tiêu cực đáng loại trừ - không có những đóng góp của tư tưởng nhân dân và tình cảm dân tộc của người Việt Nam chân chính và không có sự bổ sung của triết lý tôn giáo phương Đông khác vào trong bản thân Nho giáo thì nó không tồn tại nổi ở Việt Nam - và khi chính quyền phản động nhà Nguyễn và sau này bọn thực dân xâm lược cũng như bọn Mỹ nguy ngày nay muốn thổi hơi sống cho nó thì cũng là lúc Nho giáo đã suy tàn với chế độ phong kiến.

3) “Bình cũ, rượu mới” là một quá trình thử thách, một kinh nghiệm tồn tại của Nho giáo trong thời cận đại, hiện đại từ Nguyễn Đình Chiểu đến Phan Bội Châu - giữ bình mà không đổi rượu làm sao được, khi dân tộc đang muốn trút cái gánh nặng “truyền thống lạc hậu” để vượt qua được những thử thách vô cùng lớn như cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc hàng trăm năm với một bọn thù địch tự mệnh danh là chủ nhân của một nền văn hóa công nghiệp hiện đại...

Vì vậy giai cấp vô sản Việt Nam đặt vấn đề kế thừa và tiếp thu có phê phán truyền thống dân tộc như Hồ Chủ tịch đã đặt, thì những khái niệm như trung, hiếu mới nghe ra tưởng có vẻ như Nho giáo, nhưng nội dung đã là nội dung cách mạng rồi. “Trung với nước, hiếu với dân” là một phương châm đạo đức cách mạng của người Việt Nam ngày nay.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Văn hóa truyền thống Đông Á: có hay không các giá trị nhân quyền?

    18/08/2018Vũ Công GiaoBực tức trước việc các quốc gia Châu Á đề cao và khẳng định các giá trị nhân quyền trong truyền thống văn hoá của châu lục, gần đây, một số người phương Tây đã chỉ trích rằng, văn hoá truyền thống ở phương Đông nói chung, ở Đông Á nói riêng chủ yếu bao hàm những tư tưởng độc tài, phi dân chủ, tàn bạo mà không hoặc chứa đựng rất ít những giá trị nhân quyền...
  • Nho giáo và pháp luật

    08/06/2017Phạm Duy NghĩaNho giáo, “một cái nhà đẹp, lâu ngày không ai sửa sang, đến nỗi bị cơn gió bão đánh đổ bẹp xuống”, tưởng như đã hoang tàn vụn nát trước đủ luồng triết lý Tây phương, liệu có còn giá trị đáng kể gì trong cuộc kiến thiết hệ thống pháp luật Việt Nam. Một câu hỏi lớn, chắc sẽ còn day dứt người đương thời và các thế hệ con cháu mai sau. Bài viết dưới đây bước đầu nghiên cứu vai trò và giới hạn của pháp luật trong những phương cách tác động đến thói quen hành xử của con người, sự tương tác giữa các phương pháp của Nho giáo và phương pháp điều chỉnh của pháp luật, cũng như đưa ra một vài thiển ý góp phần làm cho pháp luật nước ta ngày càng gần hơn với cuộc đời.
  • Về số phận của Nho giáo

    02/09/2016Hồ Sĩ QuýCũng như những thập niên trước ở Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore hay Hồng Kông, Nho giáo và văn hóa Nho giáo hiện vẫn giữ vai trò và vị thế của mình một cách tự nhiên trong đời sống. Chúng là sản phẩm của bản thân đời sống, được bảo tồn và duy trì lặng lẽ trong đời sống, theo những quy luật mà người ta không dễ can thiệp một cách cảm tính. Và do vậy, khi cần, chúng sẽ phát huy tác dụng theo quy luật tất nhiên của đời sống. Số phận của Nho giáo trong thế kỷ XXI, về căn bản, do đời sống xã hội quy định./.
  • Nghiên cứu nho giáo Việt Nam trong bối cảnh khu vực và thời đại

    29/09/2013Phó GS Phan Văn CácNho gia vốn quy giá trị nhân sinh thành giá trị xã hội, cho rằng con người phải có trách nhiệm nhất định đối với gia đình, xã hội, đất nước và cả thế giới: đó là lí tưởng cuộc đời và lẽ sống của mỗi người...
  • Bảy khúc biến tấu trên một chủ đề của Khổng phu tử

    05/12/2009Cao Xuân HạoThầy Khổng (Khổng tử, húy là Khổng Khâu), người được cả và Thiên hạ tôn làm THẦY, dạy rằng: Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã (Luận ngữ)
  • Quân tử và tiểu nhân trong Luận ngữ

    30/11/2009Trần Đình ThảoBài viết trình bày và phân tích sự phân loại con người theo tiêu chuẩn đạo đức thành quân tử và tiểu nhân của Nho giáo, chủ yếu là trên cơ sở quan niệm của Khổng Tử về quân tử và tiểu nhân trong Luận ngữ. Tác giả chỉ ra ba điểm khác nhau cơ bản giữa hai loại người này: một là, trên phương diện làm theo đạo “Trung dung”; hai là, trên phương diện nhận thức về nghĩa và lợi; và ba là, trên phương diện thực hành đạo đức. Từ đó, bài viết chỉ ra ý nghĩa sâu xa của việc Nho giáo so sánh hai loại người này và mục đích giáo dục của Nho giáo.
  • Nho giáo và văn hóa Việt Nam

    24/11/2009Trần Quốc VượngKhi tiếp xúc cưỡng bức với văn minh Pháp dưới dạng thực dân ở cuối thế kỷ XIX, nền văn minh Việt Nam truyền thông - mà “sợi dây liên kết” (để dùng lại một từ và một ý niệm của Ăng-ghen) là nhà nước quân chủ Nho giáo - đã tỏ ra bất lực. Thực ra, nói như Ức Trai:
  • Nền giáo dục theo tinh thần nho giáo

    09/11/2009Gs. Đặng Đức SiêuKhổng Tử - ông tổ của Nho gia, sống và hoạt động ở thời Xuân thu (1) một thờ đại lịch sử mà các nhà Nho sau này đã phê phán là thời “đời suy đạo hỏng”, “vua không ra vua, tôi không ra tôi, cha không ra cha, con không ra con” đạo lý cương thường đảo ngược, thiên hạ đại loạn.
  • Nho giáo và kinh tế

    03/11/2009Trần Đình HượuNho giáo coi buôn bán là nghề của kẻ hèn hạ (tiện trượng phu). Trong tứ dân thương nhân bị xếp vào hạng bét, và về sau nhiều chính sách ức thương khác được ban hành. Mạnh tử đã bàn về vấn đề phân công, vấn đề trao đổi, vấn đề giá cả, chính sách thu thuế chợ, thuế đường...
  • Yếu tố thiêng liêng trong tiếp hợp nho giáo

    15/10/2009Hồ LiênNgày nay, sự phát triển của mỗi nền văn hóa dân tộc gắn bó với quá trình giao lưu tiếp xúc với các nền văn hóa khác đã được hiểu như một quy luật phổ biến. Nhưng trong quá trình “chung chạ” ấy, như thế nào để “hòa nhi bất đồng”, bản sắc văn hóa dân tộc là gì, câu hỏi ấy tưởng như dễ trả lời, nhưng chỉ ra được, “bắt tận tay day tận trán” là việc không dễ dàng.
  • Hiện đại đối thoại với nho giáo

    16/08/2009Bùi Đăng DuyTrong ngàn năm lịch sử, Nho giáo đã là hệ tư tưởng thống trị trong xã hội Việt Nam. Ngày nay, cơ sở kinh tế - xã hội của nó không còn nữa, nó vẫn để lại dấu ấn khá đậm nét trong mọi lĩnh vực của đời sồng xã hội.
  • Cái kiêu của nhà Nho

    23/06/2009Hoài TrânNho giáo, với tư cách là một học thuyết đạo đức thường nhấn mạnh sự đòi hỏi về đức khiêm cung ở người quân tử. "Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích" - cái đầy gọi cái vơi, võng xuống thì được làm cho đầy trở lại - có thể nói, đây chính là một "lí do triết học" dẫn đến đòi hỏi đạo đức nói trên trong Nho giáo.
  • Nền tảng Nho giáo của tư tưởng xã hội hài hòa (trích đăng)

    20/03/2009Nguyễn Tài ĐôngTìm ra và khẳng định tư tưởng xã hội hài hòa có nền tảng lý luận từ kho tàng triết học truyền thống là đã tiếp sức sống cho tư tưởng này, vấn đề còn lại là, phát triển các kênh đối thoại đa dạng hơn nữa giữa truyền thống và hiện đại mà ở đặc biệt là giữa chủ nghĩa Mác và Nho giáo để tìm ra nhiều lời giải đáp hữu hiệu cho hiện thực xã hội hài hòa.
  • Mạnh Tử quan niệm về nhân, nghĩa

    20/12/2006Hoàng Ngọc YếnGiáo sư Francois Jullienđặc biệt chú ý những công trình: xác lập cơ sở cho đạo đức, đối thoại của Mạnh Tử với một triết gia khai sáng (Grasset, 1995)… làm nổi bật vai trò cơ bản của triết học trong đối thoại giữa những nền văn hóa, đưa ra một phương pháp luận so sánh văn hóa Đông - Tây mới mẻ...
  • Khủng hoảng các giá trị nho giáo

    14/12/2006Trần Văn ĐoànMọi cuộc bàn luận về khủng hoảng giá trị đều không dễ và tôi ngại rằng cuộc bàn luận này cũng khó đạt tới kết quả mong muốn, cho dù chúng ta có đủ thời gian, công sức và tiền bạc. Tính mơ hồ, sự phong phú và cả tính phức tạp nữa của cái mà chúng ta gọi là giá trị đã làm cho công việc trở nên quá khó khăn. Chúng ta tranh cãi về ý nghĩa của giá trị, mà không bàn đến việc tại sao chúng ta phải chấp nhận các giá trị đó. Để tránh các vấn đề rắc rối như thế, chương này chỉ giới hạn trong việc chẩn đoán triệu chứng con bệnh trong một xã hội Nho giáo cụ thể...
  • Quan niệm của nho giáo về xã hội lý tưởng

    20/10/2006Nguyễn Thanh BìnhGiống như bất kỳ một học thuyết chính trị - xã hội nào khác, Nho giáo cũng đưa ra quan niệm về một xã hội lý tưởng với tất cả những đặc điểm căn bản của nó và các biện pháp để tạo lập duy trì cái xã hội ấy.
  • Lý học và tượng số của Nho - Lão - Phật giáo

    23/08/2006Đ.H.LTừ khi ra đời và phát triển đến thế kỷ XI là thời điểm Nho giáo thịnh vượng nhất cùng với những tên tuổi lớn như: Âu Dương Tu, Thiệu Ung, Chu Hi...Đồng thời cho đến lúc này, Nho giáo được chia ra thành hai bộ phận: đạohọc và đứchọc, và trình độ triết học của Nho giáo đã được nâng lên cao ngang với Lão học và Phật học...
  • Tôn giáo - Nếp sống - Giáo dục - Y tế

    18/08/2006Nguyễn Đức ĐànTrong lịch sử nhân loại, tôn giáo đã từng đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của các dân tộc. Từ khi con người trở thành một sinh vật tự nhận thức được về mình và về thế giới xung quanh thì nhiều câu hỏi đặt ra không trả lời được: con người từ đâu mà ra? Con người sẽ đi đến đâu? Ai sinh ra vạn vật, muôn loài?... Bấy nhiêu câu hỏi đặt ra mà không giải đáp được đã dẫn con người đến các tín ngưỡng và từ các tín ngưỡng có tính chất dân gian đó, tổ tiên ta đã đi đến tôn giáo.
  • “Nhân” trong luận ngữ của Khổng Tử

    17/08/2006Lê Ngọc AnhNho giáo ra đời vào thế kỷ VI trước công nguyên do Khổng Tử là người sáng lập. Tại quê hương của Nho giáo đã từng có lúc rộ lên "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng", nhưng thực tế đã chứng minh, cuối cùng thì Nho giáo vẫn là học thuyết có sức sống lâu bền nhất...
  • Tư tưởng nho giáo về gia đình và việc xây dựng gia đình mới ở Việt Nam hiện nay

    21/12/2005Minh Anh...kế thừa những tư tưởng tích cực của Nho giáo về gia đình trong việc xây dựng gia đình mới ở Việt Nam hiện nay nhằm thực hiện thành công xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là việc làm cần thiết...
  • Đạo Khổng còn hợp với thời nay không?

    26/11/2005Nguyễn Văn NghệGần đây, trong mối giao lưu và hội nhập ngày càng được đẩy mạnh với các nước trong khu vực, nhiều học giả đã quay trở lại với việc đánh giá vai trò của Nho giáo trong xã hội Việt Nam thời hiện đại. Bài viết sau giúp bạn đọc tổng hợp một số ý kiến của các học giả nước ngoài, và quan diểm của một số nhà nghiên cứu Việt Nam...
  • xem toàn bộ