Lịch sử phương Đông và nền sử học không ADN

10:15 CH @ Thứ Sáu - 24 Tháng Sáu, 2016

Công nghệ khảo sát ADN người đang sống cho ra khám phá chưa từng có. Nghiên cứu Quan hệ di truyền của dân cư Trung Quốc đưa ra kết luận: “Người hiện đại Homo sapiens xuất hiện ở châu Phi từ 160.000 đến 180.000 năm trước. Khoảng 70.000 năm cách nay, con người từ châu Phi theo ven biến Ấn Độ tới Việt Nam...

I. Khái quát về Sử học thế kỷ XX

Sử học là khoa học khảo cứu hoạt động xã hội của những cộng đồng người trong quá khứ. Vì vậy, yếu tố quyết định thành công của Sử học là nhận thức chính xác về cộng đồng người đó có gốc gác từ đâu, qua quá trình hình thành như thế nào để có mặt tại thời gian và không gian mà sự kiện lịch sử diễn ra. Như vậy, vô hình trung, trong bước khởi đầu, mục tiêu của Sử học trùng với mục tiêu của Nhân chủng học. Nói chính xác hơn, Sử học phụ thuộc, “ăn theo” kết quả nghiên cứu của Nhân chủng học.

Thế kỷ XX, Nhân chủng học sáng tạo phương pháp đo đạc so sánh hình thái sọ (metric) để xác định các dạng người từng tồn tại trên Trái đất đồng thời định tuổi các cốt sọ để tìm hiểu nguồn gốc loài người. Từ kết quả nghiên cứu đã xuất hiện hai giả thuyết. Giả thuyết châu Phi (out of Africa hypothesis) xác định châu Phi là quê hương của loài người và giả thuyết nhiều vùng (The multiregional hypothesis) cho rằng loài người được sinh ra từ nhiều vùng khác nhau: Châu Phi cho ra người da đen, châu Âu sinh ra người da trắng, Tây Nam Á cho ra người Arian còn châu Á là quê hương của người Mongoloid.

Gần suốt thế kỷ, hai giả thuyết tranh chấp nhau, không phân thắng bại. Nhưng vào thập niên 70s, do phát hiện di cốt của người Neanderthal rất giống với người châu Âu hiện đại, thuyết Đa nguồn gốc thắng thế, chi phối Nhân chủng học thế giới.

Nhìn chung, với châu Âu, vấn đề nhân chủng khá đơn giản nhưng ở Đông Á, câu chuyện đặc biệt phức tạp.

Thập niên 1920, tại Trung Quốc có những khám phá khảo cổ học quan trọng. Đó là việc kỹ sư mỏ người Thụy Điển Anderson phát hiện văn hóa trồng kê Ngưỡng Thiều 7.000 năm trước mà chủ nhân của nó rất gần với người Trung Hoa hiện đại. Tiếp đó là di chỉ Chu Khẩu Điếm ở gần Bắc Kinh, có người Đứng thẳng (Homo erectus) khoảng 600.000 năm tuổi, mà ở tầng phía trên là di cốt người hiện đại Homo sapiens 27.000 năm trước. Những khám phá này trở thành chứng cứ thuyết phục để giới khoa học tin rằng, con người hiện đại Homo sapiens xuất hiện ở Tây Tạng, di cư vào Trung Quốc rồi từ đây lan tỏa ra toàn bộ châu Á.

Kết hợp cổ thư Trung Hoa với khám phá của khoa học, các học giả thế giới và Trung Quốc cho rằng, người Bắc Kinh là tổ tiên của người Trung Hoa. Đồng bằng miền Trung Hoàng Hà là nơi phát tích của dân tộc Trung Hoa. Từ đây con người và văn hóa Hoa Hạ lan tỏa xuống phía Nam. Bên cạnh quan niệm Âu trung: văn minh nhân loại bắt nguồn từ phương Tây thì xuất hiện quan niệm Hoa trung: Trung Hoa là trung tâm hình thành con người và văn hóa phương Đông.

Có thể nói, Nhân học và Sử học hiện đại Việt Nam ra đời trong khí quyển của hai quan niệm này. Sau gần nửa thế kỷ chiếm đóng Đông Dương, do ý đồ thống trị lâu dài vùng đất này và nhờ tích lũy được ít nhiều tri thức về phương Đông, người Pháp cho thành lập Viện Viễn Đông Bác cổ ở Hà Nội vào năm 1898. Trên lĩnh vực khoa học nhân văn, những nhà Hán học như Maspero, Aurousseau… giữ vai trò chủ đạo. Do vậy, cả Nhân học và Sử học Việt Nam được hình thành trên hai nguồn tư liệu là cổ thư Trung Hoa và những khám phá khoa học nhân văn của học giả phương Tây. Trong khi người phương Tây còn hiểu biết về phương Đông rất hạn chế thì những nghiên cứu của Viễn Đông Bác cổ như ánh đuốc tỏa sáng từ miền đất tối tăm và bí ẩn, soi đường cho giới khoa học quốc tế.

Với người Việt Nam, các học giả của Viễn Đông Bác cổ cho rằng, người Melanesien là dân cư cổ nhất ở Đông Dương. Khoảng 2000 năm TCN, người Indonesien từ Ấn Độ tràn sang, tiêu diệt hoặc đẩy người Melanesien bản địa ra các đảo Đông Nam Á. Sau cùng, khoảng năm 333 TCN, do nước Sở diệt nước Việt, người Việt từ Nam Dương Tử chạy xuống Bắc Việt Nam, tạo nên dân cư Việt Nam hôm nay.[1]

Từ sự xác định nguồn gốc như vậy đã hình thành quan niệm phổ biến cho rằng, người Việt Nam là sản phẩm đồng hóa của người Trung Hoa từ trước Công nguyên và được tiếp tục trong thời gian hơn nghìn năm Bắc thuộc. Lẽ đương nhiên, văn hóa Việt cũng là sản phẩm đồng hóa của văn hóa Trung Hoa. Không chỉ trong nhiều phong tục tập quán mà rõ ràng nhất là tiếng Viêt vay mượn khoảng 70% từ ngôn ngữ Hán và chữ Hán trở thành quốc ngữ của người Việt. Quan niệm như vậy về nguồn gốc, lịch sử và văn hóa của người Việt đã định hướng cho mọi nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam trong thế kỷ XX.

II. Những yếu tố khai sinh nền Sử học mới

Tuy nhiên, trên thực tế, đó không phải màu sắc duy nhất của bức tranh khoa học nhân văn phương Đông. Người ta vẫn thấy, trên cái nền chung ấy có những đốm sáng tương phản.

Ngay từ những năm cuối thế kỷ XIX, tại Paris, Đại tá Frey, H, (1847-1932) đã công bố ba cuốn sách liên quan tới ngôn ngữ Việt Nam là:

1. L'Annamite, mère des langues; communauté d'origine des races celtiques, sémitiques, soudanaises et de l'Indo-Chine, Paris, 1892, 248p. (Tiếng Việt, mẹ của các ngữ; cộng đồng có nguồn gốc của các chủng tộc Celtic, Do Thái, Sudan và Đông Dương);

2. Annamites et extréme occidentaux, recherche sur l'origine des langues, Paris Hachette, 1894, 272 p. (An Nam và Viễn Tây, nghiên cứu về nguồn gốc của ngôn ngữ)

và 3. Les Egyptiens préhistoriques identifiés avec les Annamites, d'aprés les inscriptions hiéroglyphiques Paris, Hachette, 1905, 106 p. (Người Ai Cập thời tiền sử liên hệ với An Nam qua chữ khắc tượng hình).

Là sỹ quan người Pháp từng công tác tại Tây Phi rồi có mặt ở Đông Dương, tác giả đã nhận ra sự gần gũi giữa ngôn ngữ Đông Dương và tiếng nói của thổ dân châu Phi cùng các sắc dân Celtic, Semitic và Soudan. Chính ông đã cảm nhận nguồn gốc châu Phi của ngôn ngữ Việt Nam. Đồng thời ông cũng phát hiện, tiếng nói của người Việt Nam có vai trò chủ đạo ở phương Đông. Từ đó ông khẳng đinh, tiếng Việt là mẹ của các ngữ.…

Đáng tiếc là tiếng nói cô đơn của tay võ biền không thể chống lại một xu hướng đang lên của những học giả có uy tín lớn.

Năm 1923, nhà khảo cổ người Pháp Madeleine Colani khám phá ra số lượng rất lớn di cốt người và dụng cụ bằng đá cuội được ghè đẽo xung quanh hòn cuội, trong một hang đá vôi thuộc tỉnh Hòa Bình, có niên đại 22.000 đến 2.000 năm TCN. Sau đó còn phát hiện rất nhiều địa điểm ở Thái Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia, Malaysia, Sumatra, Nhật Bản, Đài Loan, Australia… những di tích với các công cụ cùng một kỹ thuật chế tác.

Văn hóa Hòa Bình có ý nghĩa khoa học rất lớn trên hai phương diện:

- Đánh dấu sự chuyển tiếp từ văn minh Đá Cũ sang Đá Mới ở thời điểm rất sớm: 22.000 năm TCN. Trong khi, với tri thức kinh điển, ở phương Tây, văn minh Đá Mới chỉ xuất hiện khoảng 10.000 năm trước. Điều này cho thấy, văn minh phương Đông tiến trước phương Tây hơn chục nghìn năm. Một chứng cứ phủ nhận thuyết Âu trung.

- Diện bao phủ rộng của văn hóa Hòa Bình cho thấy Hòa Bình là trung tâm phát sinh văn hóa Đá Mới. Điều này nói lên vai trò quan trọng của Việt Nam trong văn minh phương Đông. Thuyết Hoa tâm bị nghi ngờ.

Tháng Giêng năm 1932, Hội nghị Khảo cổ học Quốc tế về Tiền sử Viễn Ðông họp tại Hà Nội xác nhận: "Văn hóa Hòa Bình là trung tâm phát minh nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp cùng chăn nuôi gia súc đầu tiên trên thế giới. Trung tâm nông nghiệp Hòa Bình có trước vùng Lưỡng Hà 3000 năm." (Encyclopédia d’Archeologie).

- Từ năm 1933 tới 1937, có cuộc tranh luận giữa nhà ngữ học Ba Lan Pzrilusky với viện sĩ Maspero về nguồn gốc của ngôn ngữ Việt Nam. Trong khi Pzrilusky đồng ý với Frey cho tiếng Việt là gốc của các ngôn ngữ phương Đông thì Maspero cực lực phản đối, vẫn giữ quan điểm của mình: tiếng Việt vay mượn 70% từ tiếng Trung Hoa. Cuối cùng, Maspero chiến thắng. Ở đây, thắng cuộc không phải chân lý khoa học mà là vai vế của người tranh luận.

- Năm 1952, tiếp nối tư tưởng của Hội nghị về Tiền sử Viễn Đông, học giả Hoa Kỳ C. Sauer khẳng định: “Về cái nôi của nền nông nghiệp đầu tiên, tôi xin thưa rằng ở Đông Nam Á. Nơi này quy tụ đầy đủ những điều kiện khác nhau cần thiết về vật lý thể chất, hóa học hữu cơ, khí hậu ôn hòa với cả hai vụ gió mùa, với chu kỳ mùa mưa ẩm ướt và mùa khô tạnh ráo, sông nước tiện cho viêc đánh cá. Đất này là trung tâm điểm giao thương cả đường biển lẫn đường bộ của Cựu thế giới. Không có nơi nào mà vị trí lại thích hợp và có đủ yếu tố cung cấp cho sự phát triển nền văn minh hỗn hợp giữa nông và ngư nghiệp tốt hơn nữa.”

"Ðúng là nông nghiệp đã tiến triển qua hai giai đoạn mà giai đoạn đầu là văn hóa Hòa Bình. Lúa nước đã được trồng cùng lúc với khoai sọ." “Tôi đã chứng minh Ðông Nam Á là cái nôi của nền nông nghiệp cổ nhất. Và tôi cũng chứng minh rằng văn hóa nông nghiệp có nguồn gốc gắn liền với đánh cá bằng lưới ở xứ này. Tôi cũng chứng minh rằng những động vật gia súc xưa nhất bắt nguồn từ Ðông Nam Á, và đây là trung tâm quan trọng của thế giới về kỹ thuật trồng trọt và thuần dưỡng cây trồng bằng cách tái sinh sản thực vật."[2]

Không chỉ vậy, ngày càng nhiều học giả như A.G. Haudricourt & Louis Hedin (1944), E. Werth (1954), H. Wissmann (1957), Jacques Barrau (1965, 1974), Solheim (1969), Chester Gorman (1970)... cho rằng vùng Đông Nam Á là nơi khai sinh nền nông nghiệp đa dạng sớm nhất của nhân loại.

- Năm 1972 từ những khám phá khảo cổ ở Thái Lan, W.G. Solheim II đã viết:

"Tôi cho rằng khi chúng ta nghiên cứu lại nhiều cứ liệu ở lục địa Ðông Nam Á, chúng ta hoàn toàn có thể phát hiện ra rằng việc thuần dưỡng cây trồng đầu tiên trên thế giới đã được dân cư Hòa Bình (Việt Nam) thực hiện trong khoảng 10.000 năm TCN..."

"Rằng văn hóa Hòa Bình là văn hóa bản địa không hề chịu ảnh hưởng của bên ngoài, đưa tới văn hóa Bắc Sơn."

"Rằng miền Bắc và miền Trung lục địa Ðông Nam Á có những nền văn hóa tiến bộ mà trong đó đã có sự phát triển của dụng cụ đá mài nhẵn đầu tiên của châu Á, nếu không nói là đầu tiên của thế giới và gốm đã được phát minh..."

“Khác với quan niệm phổ biến cho rằng, văn hóa Ngưỡng Thiều và Long Sơn ảnh hưởng xuống phía nam, tôi cho rằng, Ngưỡng Thiều và cả Long Sơn là do giai đoạn Hòa Bình sớm mang lên.”

"Rằng không chỉ là sự thuần hóa thực vật đầu tiên như ông Sauer đã gợi ý và chứng minh, mà còn đi xa hơn, nơi đây đã cung cấp tư tưởng về nông nghiệp cho phương Tây. Và sau này một số cây đã được truyền đến Ấn Ðộ và châu Phi. Và Ðông Nam Á còn tiếp tục là một khu vực tiên tiến ở Viễn Ðông cho đến khi Trung Quốc thay thế xung lực này vào nửa đầu thiên niên kỷ thứ 2 TCN, tức khoảng 1500 năm TCN." [3]

- Năm 1998 Stephen Oppenheimer cho xuất bản cuốn Địa đàng ở phương Đông: Lục địa Đông Nam Á bị chìm [4], một cuốn sách làm thay đổi quan niệm về vai trò của Đông Nam Á trong lịch sử thế giới. Từ kinh nghiệm của một bác sỹ nhi khoa phát hiện dòng gen thiên di của bệnh thiếu máu ở trẻ em hải đảo Đông Nam Á, kết nối tài liệu khảo cổ, cổ nhân chủng và giải mã truyền thuyết, ông đưa tới kết luận: Đông Nam Á là nơi nông nghiệp hình thành sớm nhất trên thế giới. Từ đây, những giống vật nuôi, cây trồng cùng tư tưởng nông nghiệp được truyền sang phương Tây qua nạn đại hồng thủy.

Hòa với những khám phá của học giả thế giới về nền văn hóa phương Đông thì vào thập niên 70s, những khai quật khảo cổ ở phía Nam Dương Tử phát hiện một thực tế không ngờ: Nhiều văn hóa khảo cổ phía Nam Trung Hoa không những tiến bộ hơn mà còn xuất hiện sớm hơn phía Bắc. Chữ tượng hình có mặt ở Giả Hồ 9000 năm trước. Tại Lương Chử, 3300 năm TCN, chữ tượng hình đã trưởng thành, sớm hơn Giáp cốt văn Ân Khư 2000 năm. Các học giả Trung Quốc buộc phải thừa nhận có một nhà nước Lương Chử ra đời sớm nhất ở phương Đông, sớm hơn nhà Hạ hàng nghìn năm. Cũng từ đó xuất hiện quan điểm cho rằng: đồng bằng phía Nam Dương Tử là người mẹ thứ hai của dân tộc Trung Hoa.Người ta càng ngạc nhiên hơn khi phát hiện văn hóa Gò Ba Sao (Tam Tinh Đôi) vùng Tứ Xuyên. Thực tế này dẫn tới sự nghi ngờ về nguồn gốc phương Bắc của con người và văn hóa Trung Hoa. Có ý kiến cho rằng, có thể sự thực ngược lại, là dòng dịch chuyển của con người cùng văn hóa từ phía Nam lên.[5]

Tuy đưa ra nhiều nhận định mới nhưng phải thừa nhận là, những bằng cứ chứng minh của chúng, nhất là về khảo cổ chưa vững chắc. Việc định tuổi hạt thóc phát hiện ở Non Nok Tha Thái Lan thấp hơn niên đại do Solheim đưa ra là một gáo nước lạnh dội vào xu hướng này.

Nhưng rồi giọt nước đã tràn ly. Cuối năm 1998 xuất hiện một sự kiện gây chấn động giới khoa học. Công nghệ khảo sát ADN người đang sống cho ra khám phá chưa từng có. Nghiên cứu Quan hệ di truyền của dân cư Trung Quốc đưa ra kết luận: “Người hiện đại Homo sapiens xuất hiện ở châu Phi từ 160.000 đến 180.000 năm trước. Khoảng 70.000 năm cách nay, con người từ châu Phi theo ven biến Ấn Độ tới Việt Nam. Sau thời gian chung sống ở đây, người từ Việt Nam di cư ra các đảo Đông Nam Á, sang Ấn Độ và 40.000 năm trước lên khai phá Trung Hoa rồi từ đó vượt eo Beringa chinh phục châu Mỹ…”[6]

Lập tức, nhiều phòng thí nghiệm di truyền học trên thế giới kiểm định nghiên cứu này. Vài năm sau, hàng loạt khảo cứu di truyền được công bố, không chỉ đồng thuận với phát hiện trên mà còn đưa ra những kết quả cụ thể, chính xác hơn.


Bản đồ di cư của con người thuở đầu tiên

Xuất phát từ thực tế này, có những người dựa vào khám phá di truyền học để viết cuốn sử mới cho phương Đông

Bắt đầu là những học giả người Việt trong nhóm Tư Tưởng ở Úc gồm Luật sư Cung Đình Thanh, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn và Tiến sỹ Nguyễn Đức Hiệp. Bằng những bài viết từ năm 2001, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn giới thiệu công trình của nhóm Y.J. Chu, tuy có những hạn chế về số lượng mẫu vật nhưng là khám phá rất có ý nghĩa trong việc khảo sát quá trình hình thành dân tộc Việt. Năm 2003, tại Sidney, Luật sư Cung Đình Thanh cho in cuốn Về Nguồn Gốc Văn Minh Việt Nam Dưới Ánh Sáng Mới Của Khoa Học. Do tiếp cận tài liệu Genetic Relationship of Populations in China của nhóm J. Y. Chu và Eden in the East của Stephen Oppenheimer nên công trình của Luật sư Cung Đình Thanh là cuốn sách đầu tiên viết bằng tiếng Việt trình bày việc người từ châu Phi di cư tới Đông Nam Á rồi từ đây đi lên khai phá Trung Hoa. Do vậy, đó cũng là cuốn sách đầu tiên cùng lúc phản bác quan niệm được thừa nhận rộng rãi là con người từ phía nam Tây Tạng xâm nhập Trung Hoa rồi đi xuống Việt Nam cũng như quan niệm cho rằng người Việt do dân cư các đảo Đông Nam Á xâm nhập: “Thuyết của GS. Nguyễn Khắc Ngữ cũng như các GS Đại học Hà Nội về người Hắc chủng ở hải đảo vào lai giống với người Mongoloid là tổ tiên của người Việt ngày nay và thuyết của các học giả Pháp và các học giả người Việt lớp cũ từ Đại Việt sử ký toàn thư đến Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim … nói về nguồn gốc người Việt là hậu duệ của người từ phương Bắc xuống phải được đảo ngược lại mới đúng với sự thực.” (trang 298) Có thể nói, ở thời điểm xuất hiện, nó tiến xa nhất trên con đường tìm về nguồn cội.

Từ năm 2004, khi tiếp cận công trình của J.Y. Chu, chúng tôi đã dành toàn bộ thời gian cùng tâm lực tìm về nguồn gốc dân tộc. Từ hơn 10 năm khảo cứu, có thể khái quát lịch sử và văn hóa phương Đông như sau:

1- 70.000 năm trước, hai đại chủng Mongoloid và Australoid từ châu Phi theo bờ biển Ấn Độ tới Việt Nam. Tại đây họ hòa huyết sinh ra hai chủng người Việt cổ là Indonesian và Melanesian, do người đa số Indonesian (Lạc Việt) lãnh đạo về xã hội và ngôn ngữ. Khi nhân số tăng, người từ Việt Nam di cư ra các đảo Đông Nam Á, sang Ấn Độ và 40.000 năm trước, đi lên khai phá Trung Hoa. 30.000 năm trước qua eo Beringa chinh phục châu Mỹ.

2- Khoảng 20.000 năm trước, tại Động Người Tiên tỉnh Giang Tây, phía Nam Dương Tử, người Lạc Việt chế tác đồ gốm đầu tiên. Sau đó vào khoảng 12.400 năm cách nay, thuần hóa thành công lúa nước. Tại văn hóa Giả Hồ tình Chiết Giang, 9.000 năm trước xuất hiện những ký tự tượng hình đầu tiên. Lúa nước và kê được trồng rộng rãi ở lưu vực Dương Tử và Hoàng Hà.

3. Khoảng 7.000 năm trước, diễn ra sự tiếp xúc giữa người Việt trồng kê và người Mông Cổ du mục tại cao nguyên Hoàng Thổ phía Nam sông Hoàng Hà (người Mông Cổ cũng từ Việt Nam đi lên 40.000 năm trước, nhưng do di cư riêng rẽ tới đất Mông Cổ nên giữ được gen Mongoloid thuần chủng, được gọi là người Mongoloid phương Bắc- North Mongoloid) sinh ra chủng người Việt mới Mongoloid phương Nam. Người Việt Mongoloid phương Nam tăng số lượng, trở thành chủ thể của lưu vực Hoàng Hà.

4. Khoảng 3.300 năm TCN, nhà nước đầu tiên ở phương Đông của người Lạc Việt được thành lập với kinh đô Lương Chử vùng Thái Hồ, ranh giới gần trùng sát với nhà nước Xích Quỷ. So sánh với truyền thuyết thì đó là nhà nước của Thần Nông. Khoảng năm 2879 TCN diễn ra việc lập nước Xích Quỷ.

5. Khoảng năm 2698 TCN, người Mông Cổ đánh vào Trác Lộc, chiếm đất của người Việt ở Nam Hoàng Hà, lập nhà nước Hoàng Đế. Bại trận, người Việt từ lưu vực Hoàng Hà (Núi Thái -Trong Nguồn) di tản xuống phía Nam, đem nguồn gen Mongoloid về, chuyển hóa dân cư Việt Nam và Đông Nam Á sang chủng Mongoloid phương Nam.

Từ 2.000 năm TCN, dân cư Đông Dương cũng như Việt Nam duy nhất là chủng (race) Mongoloid phương Nam gồm nhiều sắc tộc (ethnicities) khác nhau. Khoảng 500 năm TCN, đồng bằng sông Hồng hình thành. Các sắc dân Việt từ Đông Dương và Nam Dương Tử tụ về khai phá đất mới. Những sắc dân Thái, Tày, Hẹ (Hakka) từ Trung Nguyên trở về mang theo tiếng nói đơn âm, hữu thanh. Do sống trong môi trường thuận lợi về kinh tế và giao lưu văn hóa, lại tiếp thu tiếng nói đơn âm nên tại đồng bằng sông Hồng hình thành sắc tộc mới, là người Kinh. Do chưa hiểu nguồn gốc nên trước đây gọi cộng đồng này là người Việt. Như vậy, người Kinh là sắc dân được sinh ra muộn nhất từ cộng đồng người Việt.

6. Vào Nam Hoàng Hà, người Mông Cổ bỏ lối sống du mục, học làm nông nghiệp và văn hóa của người Việt. Do sống chung, lớp người lai Mông-Việt ra đời, tự gọi là Hoa Hạ. Do nhân số ít và văn hóa chưa phát triển, người Mông Cổ bị người Việt đồng hóa về máu huyết cũng như văn hóa. Do giữ địa vị thống trị, người Mông Cổ bắt cộng đồng nói theo cách nói Mông Cổ (phụ trước chính sau)

7. Suốt thời kỳ dài, các vương triều Hoa Hạ chỉ chiếm phần đất nhỏ ở đồng bằng miền Trung Hoàng Hà và luôn trong cuộc chiến tranh với các nước hoặc bộ tộc người Việt xung quanh. Phía Nam Dương Tử hoàn toàn là đất của người Việt. Năm 2.200 TCN, nhà nước Xích Quỷ phân rã, hình thành các quốc gia Việt, Ngô, Sở của người Việt.

8. Cuối thời Chiến Quốc, nhà Tần, một quốc gia của người Việt, diệt lục quốc, lập đế quốc Tần. Khi nhà Chu diệt vong, người Hoa Hạ hết vai trò lãnh đạo. Mặt khác, tới lúc này, người Hoa Hạ cũng được đồng hóa để hòa mình trong cộng đồng Việt. Lưu Bang vốn người nước Sở nên nhà Hán do ông thành lập cũng là quốc gia của người Việt. Tuy nhiên, vì uy danh từ xa xưa của Hoa Hạ nên không chỉ Lưu Bang mà các đế vương sau này cũng nhận là Hoa Hạ.

9. Từ cuối đời Hán và tiếp tới sau này, các bộ tộc du mục ở Tây Bắc liên tục xâm nhập, có thời gian dài thống trị Trung Quốc như Nguyên, Thanh nên rất nhiều người Mongoloid phương Bắc vào Trung Quốc hòa huyết với người tại chỗ. Nhưng hầu hết họ dân bản địa bị đồng hóa thành người Mongoloid phương Nam, được gọi là người Hán.

10. Do dân cư Trung Quốc được hình thành trên nền cơ bản là người Việt nên tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa. Tiếng Trung Quốc là tiếng Việt được nói theo giọng và cách nói Mông Cổ (Mongol parlance).

11. Với chúng tôi, việc tìm nguồn gốc chữ viết Trung Hoa là thách thức lớn. Sách sử cho thấy, tới giữa thời Thương, các vương triều Hoa Hạ chưa có chữ. Nhưng khi Bàn Canh chiếm đất An Dương của người Dương Việt ở Hà Nam, lập nhà Ân (khoảng 1300 năm TCN) thì chữ tượng hình Giáp cốt văn Ân Khư xuất hiện, ở dạng thức đã trưởng thành. Nguyên nhân do đâu?

Tuy phát hiện chữ tượng hình ở văn hóa Giả Hồ (Chiết Giang) 9.000 năm trước, Bán Pha (Sơn Tây) 6.000 năm trước, Lương Chử hơn 5000 năm trước nhưng các học giả phương Tây không thừa nhận. Rất may là vào cuối năm 2011, tại di chỉ Cảm Tang tỉnh Quảng Tây, khi khai quật những đàn tế của người Lạc Việt, hàng nghìn mảnh xẻng đá khắc chữ tượng hình được tìm thấy. Như giọt nước làm tràn ly, hàng nghìn phù tự (chữ dùng để bói toán và cúng tế) trên các mảnh đá ở Cảm Tang Quảng Tây 6.000 năm trước khẳng định: người Lạc Việt đã sáng tạo chữ tượng hình khắc trên đá, yếm rùa, xương thú rồi đưa lên Hà Nam. Khi chiếm đất An Dương, người Hoa Hạ đã chiếm đoạt loại chữ này rồi phát triển lên. Như vậy, có thể khẳng định, chữ Việt là chủ thể tạo nên chữ viết Trung Hoa

12. Một câu hỏi nan giải khác: cây lúa được trồng trước hết ở đâu? Tuy với niềm tin vững chắc rằng Đông Nam Á là quê hương của cây kê và cây lúa nhưng vì thiếu chứng cứ khảo cổ học nên không thể đưa ra lời khẳng định. Thật may là vào năm 2012, khảo cổ học phát hiện tại Động Người Tiên tỉnh Giang Tây cùng mảnh gốm 20.000 năm là hạt lúa trồng 12.400 tuổi. Điều này xác nhận người Lạc Việt thuần hóa cây lúa sớm nhất trên thế giới.[7]

Trên địa bàn Đông Á, người Việt đã sáng tạo nền văn hóa nông nghiệp rực rỡ mà tiêu biểu là quan niệm Âm Dương, Ngũ hành, kinh Dịch, kinh Thi, tiếng nói phong phú, chữ tượng hình giàu biểu cảm…

Nhưng trớ trêu thay, tộc người sinh ra dân cư và sáng tạo nền văn hóa phương Đông kỳ vĩ lại có số phận bất hạnh. Mất đất đai, mất con người, mất văn hóa, mất chữ viết… hàng nghìn năm người Việt bị coi như đám trôi sông lạc chợ, sống phận tôi đòi dưới bóng Trung Hoa!

Nay, nhờ ánh sáng của khoa học nhân loại, dân tộc ta tìm lại được cội nguồn, văn hóa, lịch sử của mình. Hy vọng tri thức mới sẽ khiến người Việt ngửng đầu làm tròn sứ mệnh vinh quang dẫn dắt nhân loại trong kỷ nguyên mới để xứng đáng với tổ tiên xưa.

Những ý tưởng trên đã được chúng tôi trình bày trong hàng trăm bài viết và năm cuốn sách: Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt (NXB Văn Học, 2006), Hành trình tìm lại cội nguồn (NXB Văn Học, 2008), Tìm cội nguồn qua di truyền học (NXB Văn Học, 2011), Viết lại lịch sử Trung Hoa (SG Nhà xuất bản, Amazon phát hành) và Tiến trình lịch sử văn hóa Việt (SG Nhà xuất bàn, Amazon phát hành).

Có thể khẳng định, những công trình kể trên mở đầu cho cuốn sử mới và chân thực của phương Đông.

III. Số phận của nền Sử học không ADN

Khi chứng minh được rằng, con người từ phương Nam lên,mặc nhiên cả một thế kỷ Sử học lập thuyết trên cơ sở con người từ phương Bắc xuống sụp đổ!

Một sự thực được phơi bày: nhân chủng học là khoa học tự nhiên nên việc tìm nguồn gốc con người không chỉ cần phương pháp luận đúng mà còn rất cần một công nghệ thích hợp. Công nghệ hiệu quả nhất mà khoa học sáng tạo được ở thế kỷ trước là đo sọ (metric): đo những chỉ số của sọ người như chiều dọc, chiều ngang, chiều rộng hố mắt, độ nổi của vành mày, mặt nghiêng hay mặt đứng… rồi từ tỷ lệ giữa chúng mà xếp thành từng chủng người. Công nghệ này gặp hai trở ngại. Trước hết là những mẫu sọ cổ thường được phát hiện ngẫu nhiên, vì vậy việc khảo cứu chúng không thể tiến hành theo hệ thống. Mặt khác, số mẫu vật tìm được thường rất ít. Do vậy khi giải bài toán thống kê độ chính xác không cao.

Công nghệ đo sọ tuy đưa tới những khám phá ban đầu về nhân loại: Loài người gồm ba đại chủng Australoid, Mongoloid và Europid… nhưng việc định loại con người ở bậc phân loại thấp hơn (chủng người race) gặp nhiều khó khăn và thiếu chính xác.

Thất bại của Nhân học thế kỷ XX đã kéo theo thất bại của Sử học.

Cho tới nay nhiều sử gia bỏ công sức khảo cứu về người Việt, người Hán, người Chăm, người Khmer… trong khi chưa biết những cộng đồng đó có nguồn gốc ra sao, có mối quan hệ với nhau thế nào nên không thể hiểu họ một cách đúng đắn. Một khoa học mà đối tượng nghiên cứu của nó chưa xác định được thì có thể khẳng đĩnh, kết quả của nó chỉ là giả tạm.

Có hai lý do để khẳng định Sử học phương Đông thế kỷ XX chỉ là giả tạm:

  1. Loài người hay một chủng người xuất hiện tới nay trên mặt đất đều có một quá trình. Nhưng do chưa biết quá trình đó nên các nghiên cứu về con người phải bỏ qua thời tiền sử để khảo cứu nó từ 2000 năm cách nay, nhất là dựa vào văn tự. Khi chưa biết gốc thì mọi chuyện nói về ngọn đều không có cơ sở.
  2. Cũng do chưa xác định được nguồn gốc và quá trình hình thành của mỗi chủng người nên mọi khảo cứu về nó dựa vào hình dáng, chất liệu các rìu đá, hoa văn khắc trên đồ gốm rồi ngôn ngữ… đều chỉ là những chứng cứ gián tiếp, không phản ánh đúng sự thực.

Đúng như nhận định của nhà nhân học người Mỹ Jared Diamond: “Giờ không còn là lúc chơi với những mẩu xương và những hòn đá nữa. Những gì thuộc về con người mà không được di truyền học xác nhận đều không đáng tin cậy.”

Do vậy, có thể kết luận: về cơ bản, Sử học phương Đông thế kỷ XX không phản ánh đúng thực chất những gì diễn ra trong quá khứ. Đó là nền Sử học thất bại, đã bị thực tế lịch sử phủ định.

Tuy nhiên, có sự thực là, cái nền sử học đã chết cả về hồn và xác ấy, như hồn ma bóng quế vẫn tiếp tục quá trình gieo rắc sự ngu dân của nó:

Năm 2005, trả lời Đài BBC tiếng Việt, Giáo sư Trần Quốc Vượng khẳng định: “Quan điểm chung của phía Việt Nam là công nhận thuyết 'đa trung tâm'. Theo đó, không có một trung tâm nào trên thế giới, từ đó nghề nông được truyền sang các vùng khác.. Các cư dân Hoa Bắc thời cổ, vốn trồng kê, cao lương và sau là lúa mạch. Còn các cư dân Đông Nam Á trồng lúa mùa theo các mùa nước” [8]

Trong cuốn Nguồn gốc người Việt-người Mường, tác giả Tạ Đức cụ thể hóa ý tưởng của Aurousseau, cho rằng, người Lava từ Trung Quốc di cư xuống, làm nên dân cư và văn hóa Việt thời Phùng Nguyên. [9]

Tạ Chí Đại Trường và các học giả Mỹ như K Taylor, L. Kelley cho rằng, không hề có nước Xích Quỷ và thời Hùng Vương trong sử Việt. Người Việt, người Thái… là những chủng khác nhau!

Thay mặt giới sử gia, PGS Lê Văn Lan tới diễn đàn Quốc hội tuyên bố: “Lịch sử Việt Nam chỉ bắt đầu vào 700 năm TCN, khi nhà nước Văn Lang ra đời. Do đó Lời nói đầu của Hiến Pháp năm 1992 ghi: “Đất nước Việt Nam trải qua mấy nghìn năm lịch sử” thay vì “Trải qua bốn nghìn năm lịch sử,...” như Hiến Pháp 1980 (!)

Sài Gòn, tháng Sáu, 2016

Tài liệu tham khảo

  1. Léonard Aurousseau, "Khảo về cỗi rễ dân An Nam". Bản dịch của Hồng Nhân Phạm Quỳnh. Nam Phong tạp chí số 84, tháng 6-1924, tr.480. Dẫn theo Cao Thế Dung: Tên nước Việt. (http://www.mevietnam.org/NguonGoc/ctd-tennuocvietnam.html)
  2. Carl Sauer. Agricultural Origins and Dispersals, The American Geographical Society, New York, 1952
  3. Wilhelm G. Solheim II. New light on Forgotten Past. National Geographic, Vol. 139, No. 3, Mar.1971.
  4. Stephen Oppenheimer. Eden in the East: the drowned continent of Southeast Asia.https://www.amazon.com/Eden-East-Drowned-Continent-Southeast/dp/0753806797
  5. Hà Văn Thùy. Viết lại lịch sử Trung Hoa. SG Nhà xuất bản. http://www.amazon.com/Viet-Lai-Lich-Trung-Vietnamese/dp/1500462675/ref=sr_1_1?s=books&ie=UTF8&qid=1407022568&sr=1-1&keywords=ha+van+thuy
  6. J. Y. Chu et al. Genetic relationship of populations in China: http://www.pnas.org/content/95/20/11763.full
  7. Xianrendong http://archaeology.about.com/od/xterms/qt/Xianrendong.htm
  8. Nghe phỏng vấn 20 phút với GS. Trần Quốc Vượng: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/programmes/story/2005/03/interviewweek112005.shtml
  9. Tạ Đức. Nguồn gốc người Việt – người Mường. NXB Trí thức 2013
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đặt lại vấn đề nguồn gốc dân tộc và văn minh Việt Nam

    06/02/2016Nguyễn Văn TuấnHỏi một người Việt bình thường về nguồn gốc dân tộc Việt Nam, câu trả lời mà người ta thường nghe là tổ tiên của chúng ta xuất phát từ Trung Quốc. Ngay cả người có kiến thức rộng, có quan tâm đến dân tộc và văn hóa Việt cũng có những ý kiến tương tự. Đào Duy Anh, trong Việt Nam Văn hóa Sử cương; và Trần Trọng Kim, trong Việt Nam sử lược, cũng từng cho rằng người Việt có nguồn gốc hoặc từ Trung Quốc hay từ Tây Tạng...
  • Trả lời câu hỏi: Vì sao người Việt không bị đồng hóa?

    15/09/2015Hà Văn ThùyTác giả Nguyễn Hải Hoành cho rằng: “... dân tộc Việt Nam tồn tại được và không bị đồng hóa sau hơn 1.000 năm chịu sự thống trị của một quốc gia liền kề có nền văn hóa lớn mạnh là nhờ đã phát huy bản lĩnh trí tuệ của mình, thể hiện ở chỗ sáng tạo được biện pháp đọc chữ Hán bằng tiếng Việt, qua đó đã vô hiệu hóa chủ trương đồng hóa ngôn ngữ của các triều đại phong kiến Trung Hoa.”. Đó là cách nhìn rất sai về con người và văn hóa phương Đông. Một cách nhìn giản đơn, hời hợt trong khi thực tế lịch sử phức tạp và sâu xa hơn nhiều...
  • Chủ nhân di chỉ khảo cổ An khê có đúng là người Việt cổ?

    13/04/2016Hà Văn ThùyĐọc bài báo, chúng tôi rất mừng với thành công của các nhà khảo cổ Nga-Việt về phát hiện khảo cổ cách đây 80 vạn năm ở Gia Lai. Tuy nhiên, theo chúng tôi, phát hiện này là bình thường, không có gì gọi là “chấn động” vì nó không phải là đóng góp mới cho khảo cổ học thế giới...
  • Có một điểm ở đó phát sinh mọi chuyện

    06/01/2016Hồ Trung TúTôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm của anh Vương Trí Nhàn khi đặt vấn đề và đi tìm căn nguyên của các hiện tượng tha hóa đạo đức trong bản sắc văn hóa của dân tộc. Quả thật cái cách xét tật mình như thế là luôn cần thiết và cũng tỏ ra khá hiệu quả. Tuy vậy thật khó mà đồng ý với anh khi bảo rằng căn nguyên của những căn bệnh ấy nó đã có từ thời xa xưa khi người ta tạo nên những câu tục ngữ....
  • Con người rời khỏi châu Phi khi nào?

    30/11/2015Hà Văn ThùyCon người rời châu Phi 85000 năm hay 60000 năm trước là chuyện của các nhà khoa học, dường như không quan hệ gì tới cuộc sống bình thường của nhân loại hôm nay. Tuy nhiên, với người Việt Nam, những con số vô hồn ấy lại có ý nghĩa vô cùng lớn lao...
  • Phát hiện thêm chữ khắc trên đá của người Lạc Việt

    01/11/2015Hà Văn ThùyCuối năm 2011, tại di chỉ Cảm Tang thị trấn Mã Đầu huyện Bình Quả thành phố Bách Sắc, các nhà nghiên cứu văn hóa Lạc Việt tỉnh Quảng Tây phát hiện hàng trăm mảnh xẻng đá của người Lạc Việt có niên đại từ 4000 đến 6000 năm trước...
  • Phải chăng tiếng Việt chỉ có 1200 năm lịch sử?

    13/10/2015Hà Văn ThùyTrong Hội thảo Việt học quốc tế lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội năm 1998, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn có tham luận nhan đề: “Thử phân kỳ lịch sử 12 thế kỷ của tiếng Việt.” ... Nhưng ở cuối tham luận, dường như không thực sự tin vào đề xuất của mình, tác giả thận trọng viết: “Cho đến đây chúng ta vẫn chỉ chuyên nói về 12 thế kỷ lịch sử của tiếng Việt. Vì tự đóng khung như vậy tất nhiên tư liệu sẽ hạn chế, không đủ để soi sáng một số vấn đề...
  • Thủy tổ người Việt thực sự ở đâu?

    20/09/2015Hà Văn ThùyTừ lâu, tôi tâm niệm sẽ làm một khảo cứu nghiêm túc xác định nơi sinh thành của thủy tổ người Việt nhưng vì chưa đủ duyên nên chưa thành. Nay nhân có người “đòi”, xin được trả món nợ. Tìm ra chính xác tổ tiên người Việt là việc vô cùng khó vì thế mà suốt 2000 năm qua, dù bỏ bao công sức và tâm trí, chúng ta vẫn đi tìm trong vô vọng.
  • Cách tiếp cận các công trình nghiên cứu Nguồn gốc dân tộc

    16/04/2015Việt Nhân & Lê An ViViệc giải nghĩa thuật ngữ, từ ngữ trong các công trình nghiên cứu, cụ thể là các tác phẩm của các nhà nghiên cứu thuộc nhóm An Vi là một việc quan trọng và cần thiết...
  • Cuộc truy tìm nguồn gốc người Việt lần thứ ba

    20/02/2015Hồ Trung TúTruy tìm nguồn gốc người Việt ngỡ như đã xong bỗng gần đây được xới lên, nhất là trên mạng, nơi có điều kiện bày tỏ quan điểm một cách khá bình đẳng. Theo dõi những cuộc trao đổi này, chúng tôi chợt nhận ra vẫn còn những câu hỏi vô cùng lớn về nguồn gốc người Việt chưa được giải đáp...
  • Một kiến giải sai về nguồn gốc dân tộc

    31/07/2014Kéo dài thêm sai lầm của những người đi trước, sách của ông Tạ Đức không chỉ trái ngược với thực tế lịch sử mà còn đẩy khoa học nhân văn Việt Nam thụt lùi một nửa thế kỷ! Không những thế, do phủ định nguồn gốc bản địa của con người và văn hóa Việt, nó gây hoang mang, làm nản lòng những ai đang gom nhặt chắt chiu từng mảnh vụn của quá khứ, khôi phục gia tài lịch sử chân thực của dân tộc...
  • xem toàn bộ