Hậu quả của giàu xổi
Ở một làng nghèo kia, nhìn quanh gia đình nào cũng khốn khó lắm. Người này nhìn người hàng xóm mặc quần píchkê mông, anh ta cũng tự thấy mình không hơn gì tuy quần mình còn lành lặn, vì ai cũng biết mấy hôm nữa quần anh ta cũng phải píchkê như họ mà thôi. Mọi người sống cuộc đời lam lũ vốn đã quá vất vả, tần tảo sớm hôm, nên lòng bảo dạ ăn ở với nhau nên quây quần, lấy sự lương thiện, dĩ hòa vi quý, chín bỏ làm mười, bán anh em xa mua láng giềng gần... làm điều căn bản. Mọi người đều sẵn sàng đến giúp nhau tất cả những gì có thể mà chả bao giờ toan tính tiền nong.
Trên khuôn mặt những người phụ nữ của làng quê nghèo đó vẻ tất bật lo toan luôn thường trực ở bao nhiêu nét nhăn đen sạm. Những buổi đi chợ của họ cho gia đình thường là từ sáng sớm đến tối mịt với vài chục ngàn đem về, rồi họ mua được mớ rau mớ cỏ, hỉ hả khoe với nhau đã thêm nếm được củ hành quả ớt. Họ dạy nhau cách bớt đi được một vài số điện thắp sáng, gọi điện thoại theo cách mà người ta khuyến mãi, trọn vẹn cả một cuộc trao đổi mà chẳng mất đồng nào. Đó là những niềm hạnh phúc hàng ngày của họ….
Làng quê nghèo đó nhờ Dự án quy hoạch đô thị đã trở thành mặt đường, thời buổi giá đất đắt hơn kim cương, ai ai cũng được đổi đời. Mỗi gia đình được chuyển đến nơi ở mới chất lượng cao, nhận được những món tiền đền bù kếch xù mà trước kia trong mơ họ cũng không dám tưởng tới. Nhà nhà đua nhau mua xe máy, điện thoại di động đắt tiền, rủ nhau ăn nhậu tối ngày... Những cuộc bù khú rộng dài của họ thường dẫn đến sự khoe khoang như cãi nhau, rằng người này tiêu tiền sành điệu hơn người kia những gì, hoặc buôn chuyện hàng giờ trên điện thoại về hóa mĩ phẩm nào có thể xóa đi những nếp nhăn xưa kia trên khuôn mặt họ. Việc giúp nhau đã trở thành xa lạ, bây giờ sẵn tiền là thuê được ngay những trung tâm dịch vụ luôn coi họ như những ông chủ. Đêm đêm trên chiếu bạc họ sát phạt nhau lạnh lùng những món tiền to.
Nhưng chẳng mấy chốc cạn tiền, những con người đó bây giờ đã rất ngại lao động, nghề nghiệp mới vẫn chưa có, đã quen ăn ngon mặc đẹp, bắt đầu cảm thấy trong thâm tâm sự bế tắc về tương lai mù mịt của mình. Họ tìm cách bán lại rẻ mạt những thứ xa xỉ trước kia đã mua để lấy tiền trang trải nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Làm gì để kiếm sống đây? Họ tiếp tục đỏ đen để có tiền. Họ đưa mắt nhìn sang những người hàng xóm mà nghĩ rằng những người kia sao lại tự nhiên có nhiều tiền một cách rất vô lí thế nhỉ và tiêu tiền sao mà vung tay đến vậy?... Sao mình lại không tìm cách kiếm tiền từ những người ấy nhỉ? Những ý nghĩ làm ăn lẫn nhau cứ như một sự ám ảnh nhen lên bứt rứt họ hàng ngày... Nhưng rút cuộc đại bộ phận họ đã trở thành những người cầm đồ của nhau, một số khác thì tự mở quán nước chè chén ở gầm cầu thang, hay bên vườn hoa của toà nhà chung cư, những quán nước như vẫn thấy ở gốc đa đầu làng xưa kia.
Trong những người được kể trên, có vài người khôn ngoan sớm nghĩ ra rằng: Gia đình mình đã bao nhiêu đời chân lấm tay bùn không ngóc đầu lên được, nay có một món tiền nếu ăn xài thì rồi cũng hết, đầu tư làm kinh tế thì chẳng hay... nên đã nghe theo một đường dây mua được mảnh bằng cấp cho mình và đã chui vào nơi quan trường... Những người này thấy cảnh những hàng xóm ngày xưa của mình đang bế tắc mà cười nửa miệng: Cho chúng mày chết, ai bảo ngu mãi thế!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015