Lạm bàn về văn hoá và kinh tế

07:40 CH @ Chủ Nhật - 13 Tháng Bảy, 2008

Chưa bao giờ vấn đề văn hoá lại nổi lên gay gắt như hiện nay. Quá nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế đơn thuần chính là nguyên nhân khiến bản thân nền kinh tế đang đối mặt với khó khăn, lạm phát gia tăng, tăng trưởng chậm lại, và chắc chắn đây không chỉ là chuyện trước mắt mà là xu hướng lâu dài, nếu chúng ta không tìm đến ngọn nguồn của vấn đề: Văn hoá không song hành với tăng trưởng kinh tế, những bất cập về văn hoá đang cản trở bước phát triển của đất nước.

Căn cứ vào đâu? Kinh tế có thể đo đếm được, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm có thể tính đến con số lẻ phần trăm. Nên nói kinh tế nước nhà tăng trưởng, chắc không ai nghi ngờ. Trong khi đó, văn hoá vừa đa dạng, lại không có thước đo thích hợp. Căn cứ trên số người thoát nạn mù chữ hoặc số trẻ em được đến trường như UNDP vẫn thường xếp hạng trình độ phát triển của các quốc gia trên thế giới, chắc chắn sẽ không thấy được bức tranh văn hoá của đất nước trong thời gian qua, không trả lời được câu hỏi liệu văn hoá nước nhà đang tiến lên hay thụt lùi. Cho nên phải viện đến các bằng chứng để lý giải.

Hơn hai năm trước đây, Intel nhảy vào sân chơi Việt Nam tưởng chừng như một cú hích có thể bẻ cong quỹ đạo phát triển kinh tế nước nhà theo hướng công nghệ cao, ít tiêu tốn năng lượng mà lại thân thiện với môi trường, vốn đang bị tàn phá nặng nề sau nhiều năm phát triển kinh tế một chiều. Nhưng Intel đã thất vọng khi chỉ chọn được 40 người trong số 2000 nhân viên cần tuyển dụng, điều nằm ngoài dự tính của họ. Cú hích đã không thành. Không chỉ Intel, người trong cuộc như chúng ta cũng không khỏi ngỡ ngàng. Hoá ra “trí tuệ Việt Nam”, “sao khuê đất Việt”... mà năm nào cũng đến hẹn lại lên trên (truyền hình), chẳng qua chỉ là những màn trình diễn cây nhà lá vườn.

Hãy cảm ơn Intel! Chưa biết họ sẽ đóng góp nhiều ít vào tốc độ tăng trưởng GDP trong những năm sắp tới, nhưng họ đã mang đến một thước đo văn hoá chân thật khiến chúng ta phải thức tỉnh, để còn nhận ra mình là ai. Sinh thời Cao Bá Quát vốn là người thông tuệ đến mức được xem như đã cuỗm mất một trong hai bồ chữ của thiên hạ, nhưng khi được làm tuỳ tùng theo đoàn công cán của triều Nguyễn sang Nam Dương qua ngả Tân Gia Ba đã phải thốt lên: “Tân Gia vượt biển lên tàu/Mới hay xã hội một màu bao la/ Giật mình nghĩ đến quê nhà/Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi!”.

Khác với cái thời bế quan tỏa cảng mà họ Cao đã sống, giờ đây ta đang hội nhập sâu với thế giới tràn ngập thông tin. Mỗi một người trí thức Việt Nam, nhất là những người thường được xem như giới tinh hoa văn hoá của đất nước, hiểu rất rõ mình là ai trong các đồng nghiệp trên thế giới, mình đã được sử dụng như thế nào và thực sự đóng góp được những gì cho đất nước (chứ không phải mấy cái ghế mà mình đã chen được!).

Giới tinh hoa cần phải nói lên sự thật này để những nhà hoạch định chính sách đừng mang ảo tưởng về hiện trạng văn hoá và trí thức Việt Nam. Chính cái ảo tưởng đó là một trong những lý do khiến cho văn hoá không phát triển như một quốc sách đích thực. Giới trí thức hiện nay phải chịu trách nhiệm trước dân tộc về chuyện này. Đã không vươn lên xứng tầm vóc dân tộc và thời đại thì chớ, một số lại còn bày ra những “trò chơi quá đà” hòng đánh bóng mình và ru ngủ mọi người.

Cho nên nói đến sự bất cập về văn hoá hiện đang cản trở kinh tế phát triển cũng chính là nói đến sự yếu kém của giới tinh hoa văn hoá. Tại sao khi đánh giá hiện trạng văn hoá của nước nhà ta lại chỉ nhìn vào giới tinh hoa mà quên mất rằng chúng ta đang có phong trào văn hoá quần chúng hết sức phong phú, có làng văn hoá, khu phố văn hoá rộng khắp mọi nơi? Có vẻ như nghịch lý, song có gì đó khiến cho những quá trình kiến tạo địa chất không thể biến những gò đất kia thành quả núi! Mà chỉ có đứng trên đỉnh núi cao mới thấy được con đường phải đi phía trước. Lại cũng chính qua những đỉnh núi này mà thế giới bên ngoài mới nhìn thấy Việt Nam, thế hệ người Việt mai sau mới biết đến thời đại hiện nay chúng ta đang sống.

Chúng ta đang mong thoát khỏi tình trạng chậm phát triển, và mục tiêu này thường được hiểu đồng nhất với GDP trên đầu người vựợt quá 1000-2000USD. Lại một biểu hiện nữa của quan điểm kinh tế đơn thuần. Nhìn ra thế giới, trình độ phát triển khác nhau của các quốc gia không phải đo bằng GDP, mà bằng trình độ văn hoá, giáo dục, khoa học công nghệ, trí tuệ và tâm thức của cộng đồng. Đương nhiên, có thực mới vực được đạo, song đồng tiền không tự nó sinh ra văn hoá để rồi văn hoá làm ra nhiều tiền hơn.

Chả thế mà nhiều nước có GDP cao nhưng vẫn lạc hậu, rất nhiều người thất học, phụ nữ bị xem thường, và đây thường là mảnh đất thuận lợi cho phân hoá giàu nghèo, các nguồn lợi kinh tế chỉ tập trung vào một thiểu số giàu có. Nếu chạy theo GDP bằng mọi giá, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng kẻ giàu nứt đố đổ vách, người nghèo xác xơ, một kịch bản dường như đang xảy ra qua những vụ chiếm dụng đất đai dưới danh nghĩa các dự án phát triển như báo chí đã thường xuyên nêu lên.

Cúp điện vô tội vạ là chuyện thời sự gây bức xúc hiện nay ở nước ta. Trước tình hình này, quan điểm chung từ trên xuống dưới là gấp rút xây dựng các nhà máy phát điện mới, đẩy tốc độ tăng trưởng điện năng lên cao hơn nữa, từ 15-16%, gấp hai lần tốc độ tăng GDP hiện nay, lên 20-25%. Trong khi đó, đại đa số các nước trên thế giới, kể cả người đàn anh láng giềng khát điện như Trung Quốc, cũng chỉ tăng điện năng chưa đầy 10%/năm. Rất tiếc rằng quá ít người, nhất là những nhà kinh tế chính thống, góp ý cho Nhà nước phải kiên quyết xem xét lại chính sách năng lượng độc nhất vô nhị này.

Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay, sử dụng năng lượng có hiệu quả, không lãng phí, không tàn phá tài nguyên thiên nhiên và môi trường là một tiêu chí quan trọng đánh giá một quốc gia thuộc loại phát triển hay chậm tiến. Nhất là không để cho những công nghệ lỗi thời tiêu tốn điện năng tìm thấy mảnh đất “dễ thương” này để đầu tư, “hợp tác”.

Đây chính là vấn đề văn hoá và đạo đức. Xây dựng một lối sống mới trong toàn cộng đồng cho thích hợp với xã hội văn minh phi cac bon của thế kỷ XXI là điều cần phải làm, hơn là moi hết của cải dành cho thế hệ mai sau ở dưới lòng đất lên rồi xả rác thải ra môi trường dưới danh nghĩa tăng trưởng kinh tế.

Nếu trên tầm vĩ mô GDP được xem là tiêu chí độc tôn, thì ở những thang bậc thấp hơn, đồng tiền được xem là thống soái. Quan hệ logic này rất dễ chứng minh. Trong các hoạt động văn hoá, khoa học công nghệ, đồng tiền đã trở thành cứu cánh, không còn là phương tiện như sứ mạng vốn có của nó. Đây có lẽ là lý do quan trọng nhất khiến văn hoá bị xâm hại, thụt lùi, và những nhà văn hoá đích thực khó tìm thấy chỗ đứng để phát huy vai trò của mình trong cộng đồng. Một môi trường văn hoá lành mạnh, dân chủ, không chịu sự thống trị của đồng tiền là mục tiêu cần vươn tới để phát triển giới tinh hoa, chỉ có thế văn hoá mới thực sự trở thành động lực thúc đẩy xã hội phát triển.

Chúng ta đang chứng kiến những tượng đài vô hồn, hoặc mới dựng lên đã thành phế phẩm, những dự án phim hoành tráng hàng trăm tỷ đồng đang có nguy cơ phá sản sau những cãi vã bất phân thắng bại giữa những người trong cuộc. Khi đồng tiền trở thành cứu cánh trong nghệ thuật, chúng ta chỉ có thể chờ đợi một nền nghệ thuật khá lắm cũng chỉ làng nhàng, cũng như chúng ta đang có một nền đại học và khoa học làng nhàng. Chả thế mà một nhà khoa học nổi tiếng thế giới, sau nhiều năm sinh sống và làm việc ở Hà Nội vẫn không hiểu nổi tại sao một dân tộc oanh liệt một thời lại để khoa học và đại học Việt Nam chịu cảnh “làng nhàng” (mediocrity) như hiện nay. Có thể chính Intel cũng bất ngờ như thế khi tính chuyện đầu tư vào Việt Nam.

Cuối cùng không thể quên vai trò của lãnh đạo tầm vĩ mô. Thấm đẫm trong một môi trường văn hoá lành mạnh, những nhà hoạch đinh chính sách sẽ không chỉ lo cho cái dạ dày của người dân mà còn hướng đến trái tim và khối óc của họ. Chỉ có thế kinh tế mới phát triển bền vững.

Nguồn:VietnamNet
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đừng thu nhận tri thức kiểu... “văn hoá quà vặt”

    14/06/2019Vân LongThời gian cho mỗi người như một tấm vải, nếu tập trung ta có thể may được vài bộ áo quần tử tế. Nếu thu nhận tri thức theo kiểu “văn hoá quà vặt” “kiến thức quà vặt”, ta sẽ chỉ có được những “chiếc khăn tay sặc sỡ vụn vặt mà thôi.
  • Nhìn doanh nhân dưới góc độ văn hoá

    10/10/2018Vương Trí NhànNhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn chia sẻ những cảm nghĩ của mình, sau gần một tháng nghiền ngẫm bài báo của SGTT: “Đâu là những việc cần làm nếu muốn nhìn giới kinh doanh dưới góc độ văn hoá”...
  • Văn hóa và Tăng trưởng

    25/11/2016Nguyễn Trần BạtỞ đâu con người có năng lực nhận thức tốt hơn, có năng lực và điều kiện hưởng thụ tốt hơn, có điều kiện để tư duy một cách tự do và sáng tạo hơn, có sức cạnh tranh tốt hơn, tóm lại, ở đâu con người cảm thấy hạnh phúc thì ở đó có sự phát triển....
  • Vai trò của nhân tố văn hoá trong nền văn minh

    26/05/2016TS. Hồ Sĩ QuýTới tận hôm nay, những định nghĩa về văn hóa được coi là có giá trị nhất vẫn chưa làm thỏa mãn giới nghiên cứu. Vì thế việc định nghĩa khái niệm này còn đang được xem như một điều thách thức - những định nghĩa mới, xuất phát từ những cách hiểu khác nhau tiếp tục xuất hiện...
  • Tính lạc hậu tương đối của Văn hoá

    25/05/2016Nguyễn Trần BạtTrong số những cuộc xung đột, những xung đột về văn hóa tuy không phải luôn hữu hình và quyết liệt, nhưng âm thầm, bền bỉ, dai dẳng và có sức cản rất lớn đối với tiến trình phát triển chung của nhân loại. Nghiên cứu về tính lạc hậu tương đối của văn hóa với tư cách một thuộc tính tự nhiên của văn hóa và ảnh hưởng của nó đối với tiến trình phát triển và toàn cầu hóa là việc làm rất quan trọng, bởi nó sẽ giúp các dân tộc hạn chế khả năng xảy ra xung đột trên cơ sở đó, khai thác những ảnh hưởng tích cực của văn hóa...
  • Muốn hội nhập, phải thoát khỏi văn hoá làng xã

    29/09/2015M. T. ghiViệt Nam là một dân tộc ngàn đời nay sống bằng nghề nông trồng lúa nước, cho nên toàn bộ văn hoá VN, xã hội VN, cái hay cái dở của VN đều từ văn hoá làng xã mà ra...
  • Văn hoá và Hiện tại

    26/08/2015Nguyễn Trần BạtToàn bộ đời sống tinh thần của chúng ta hiện nay là gì, nếu không phải là sản phẩm của văn hoá?
  • Văn hoá và Quá khứ

    26/11/2014Nguyễn Trần BạtVăn hoá là sản phẩm của quá khứ. Nhưng không phải bất cứ điều gì xảy ra trong quá khứ, bất cứ cái gì từng xuất hiện trong quá khứ đều thuộc về văn hoá, mà chỉ có những gì mang tính kế thừa một cách có hệ thống mới trở thành văn hoá. Quá khứ càng dài, càng phong phú thì vốn văn hoá càng lớn, càng đa dạng...
  • Văn hoá và Tương lai

    17/05/2014Nguyễn Trần BạtTương lai không phải là của văn hoá, tương lai là của con người với tư cách là một thực thể văn hoá. Trình độ nhận thức của con người đã đạt đến mức con người nhận thấy văn hoá trở thành quan trọng....
  • Lại chuyện văn hoá từ chức

    04/11/2010Hà Văn ThịnhChuyện ở xứ Hàn. Vì điên khùng bất chợt, một anh lính rút súng bắn chết 8 người. Ông bộ trưởng quốc phòng từ chức. Ông bộ trưởng không hề biết người lính ấy thuộc ông quản lý, có thể bị điên. Nhưng ông ta nghĩ, nhất định mình phải chịu trách nhiệm...
  • Doanh nhân và văn hoá

    09/07/2007Tô PhánChuyện hai doanh nhân thuộc Hội Doanh nghiệp trẻ TPHCM công khai xem phim đồi trụy trên khoang VIP chuyến bay VN 535 của Vietnam Airlines ngày 17.6 hành trình Hà Nội - Paris, đã và đang gây phẫn nộ trong dư luận...
  • Quyền lực và văn hoá: Một màu bốn lợi ích cho Hà Nội

    07/02/2007Ngô Tự LậpVăn hóa hình thành cùng với một cộng đồng người và dù hay hay dở cũng gắn liền với cộng đồng ấy. Trong cuộc sống, thông qua những hoạt động đa dạng của mình, mỗi thành viên của cộng đồng đều tham gia vào việc xây dựng văn hóa. Tuy nhiên, trong một cộng đồng, cho dù là một cộng đồng dân chủ nhất, các thành viên không bao giờ bình đẳng tuyệt đối. Những thành viên có nhiều quyền lực hơn sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn đến văn hóa cộng đồng...
  • Văn hoá và... “văn hoá”

    21/12/2006Lê Thanh ĐứcQuá khứ văn hoá có trở lại được không, quá khứ văn hoá không việc gì phải “trở lại”, nhưng thích nghi, dịch chuyển và tiếp biến liền mạch sang hiện tại và cả tương lai. Hình thái có thể khác, nhưng tinh hoa không mai một...
  • Văn hoá là sự kết tinh của những sáng tạo

    09/03/2006Trương Gia BìnhSự khác nhau của các thời đại văn minh đó dựa trên những căn bản nào? Các nguồn lực quyết định sự tiến bộ trong mỗi thời đại văn minh là gì? Động lực thúc đẩy các quốc gia phát triển trong mỗi thời đại văn minh ở đâu?
  • Văn hoá và đổi mới

    30/01/2006Phan NgọcHiện nay, ai cũng thấy những đổi mới có thể nói kỳ lạ đến mức ta không thể hình dung được...
  • Bản sắc văn hoá - tính tương đối của sự đa dạng

    25/08/2005Ngô Tự LậpThế nhưng chúng ta cũng không thể không nói đến niềm hân hoan khi tiếp xúc với những miền đất lạ, những tiếng nói lạ hay những giai điệu xa xôi. Những gì diễn ra trong quan hệ giữa các nền văn hoá vào phút giây gặp gỡ gieo trồng những cảm xúc giống như tình yêu trai gái khi lần đầu ánh mắt giao nhau. Tất cả nói lên điều gì? Bản sắc đóng vai trò như thế nào trong đời sống nhân loại? Và sự đa dạng về bản sắc có cần đạt đến bằng mọi giá hay không?
  • Toàn cầu hoá và sự đa dạng văn hoá

    18/07/2005Dương Thuấn, Mai Văn HaiVăn hoá Việt Nam đang có nguy cơ bị văn hoá nước ngoài lấn át và mất dần đi bản sắc dân tộc! Đã có không ít bài viết cảnh báo về vấn đề này và bày tỏ sự quan ngại đó. Thực tế có đáng lo như vậy hay không? Trước tình hình toàn cầu hoá nhanh chóng như hiện nay, hội nhập là tất yếu, không có con đường nào khác nếu muốn phát triển. Để làm sáng tỏ về vấn đề này, chúng tôi muốn nói đến việc toàn cầu hoá và sự đa dạng văn hoá.
  • xem toàn bộ