100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục: Trong cái nhìn hôm nay
Cái nhìn của một số trí thức thời nay về phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Ngẫm chuyện xưa để nói chuyện nay - con đường phát triển dân tộc...
Trao sự hiểu biết cho nhân dân(1)
Nguyên Ngọc
… Phan Châu Trinh là người đầu tiên đi tìm nguyên nhân mất nước không phải ở đâu khác mà là ở trong văn hoá, trong “những nhược điểm cơ bản về văn hoá của xã hội Việt Nam”. Nhược điểm, thua kém so với ai? “So với phương Tây”. Nói cách khác, theo ngôn ngữ ngày nay, ông là người Việt Nam đầu tiên nhận ra cuộc toàn cầu hoá thời bấy giờ, cuộc toàn cầu hoá lần thứ nhất, trong đó Việt Nam đã thua, vì vẫn sống như chưa hề có thực tế thời đại to lớn đó. Thời đại đã thay đổi. Đối thủ của chúng ta đã thay đổi. Trong tất cả các cuộc chống ngoại xâm suốt hàng ngàn năm trước, có những lần tương quan lực lượng giữa ta và kẻ thù từng rất chênh lệch bất lợi cho ta, song cả hai đều thuộc về cùng một thời đại lịch sử, đấy đều là những cuộc xâm lược và chống xâm lược trong nội bộ chế độ phong kiến phương Đông. Lần này khác hẳn: chúng ta thua, một cách tất yếu, vì thấp hơn đối thủ của mình một thời đại. Muốn cứu dân tộc, phải khắc phục khoảng cách về thời đại đó, đưa dân tộc mình lên ngang cùng thời đại với đối thủ của mình, rồi từ đó mới có thể giải quyết mọi vấn đề trên cùng một bình diện thời đại với họ. Cũng có thể nói cách khác: Phan Châu Trinh đã tiến một bước rất xa trong nhận thức về số phận dân tộc; ông không chỉ đặt vấn đề độc lập dân tộc, ông đặt vấn đề phát triển dân tộc, ông cho rằng phải nhìn và đặt vấn đề độc lập dân tộc trong toàn bộ vấn đề rộng xa hơn nhiều là phát triển dân tộc trong một thời đại đã đổi khác một cách căn bản...
Phan Châu Trinh (1872-1926) Ông là nhà cách mạng xã hội, có tư tưởng dân chủ đầu tiên, là nhà văn hóa, một nhân cách lớn. Phan Châu Trinh là một tấm gương sáng trong phong trào Duy Tân đầu thế kỷ 20. Ông là một nhà nho yêu nước có nhiều suy nghĩ tiến bộ. Có thể xem ông là người có tư tưởng dân chủ sớm nhất trong số các nhà nho yêu nước tiến bộ đầu thế kỷ. Đặc biệt hơn nữa, ông chọn con đường dấn thân tranh đấu nhưng ôn hòa, bất bạo động. Ông coi dân chủ cấp bách hơn độc lập và coi việc dùng luật pháp, cai trị quy củ có thể quét sạch hủ bại phong kiến. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, suốt đời gắn bó với vận mệnh đất nước, với cuộc sống sôi nổi, gian khó và thanh bạch, ông xứng đáng để hậu thế ngưỡng mộ, noi theo ngày hôm nay... |
Nhìn lại phong trào Duy Tân - Phan Châu Trinh, có điều có thể coi là hết sức kỳ lạ: không hề có tổ chức đảng hay mưu đồ khởi nghĩa nào hết, như tất cả các phong trào yêu nước, cứu nước trước đó và cả sau đó. Chỉ có một cuộc khai hoá rộng lớn và sâu sắc, bằng một công cuộc gieo rắc vào quảng đại quần chúng những kiến thức và tư tưởng mới, làm cho quần chúng đang sống trong cõi tối tăm mịt mùng ấy biết rằng có một thế giới mênh mông bao quanh mình, cái mà ngày nay ta gọi là một cuộc toàn cầu hoá đang diễn ra, mình đang sống trong thế giới ấy, mình phải và có thể vươn tới, hoà nhập vào cái thế giới ấy, cái thế giới trong đó mỗi con người đều có những quyền của mình, mà mình đang không được hưởng. Công việc “tổ chức” chủ yếu của phong trào Duy Tân là gieo rắc tri thức. Phan Châu Trinh là người có lòng tin khổng lồ vào sức mạnh của tri thức. Ông tin tưởng sâu sắc rằng nhân dân có tri thức thì có thể lay trời chuyển đất. Ông căm ghét đến xương tuỷ sự ngu muội, chính sách ngu dân, quyết liệt chống lại nền giáo dục hư học chỉ nhằm ngu dân, nhốt chặt dân tộc trong vòng u mê tối mò. Ông chủ trương một cuộc đại vận động dân chủ, dân quyền (Nguyễn Sinh Sắc gọi Phan Châu Trinh là “Nam quốc dân quyền tiên tổ chức”, người tổ chức nền dân quyền đầu tiên ở nước Nam). Và dân chủ, dân quyền, đối với ông, trước tiên, tiên quyết là quyền được thông tin, như cách nói ngày nay. Dân biết. Người dân phải được biết mình có những quyền gì, và biết rằng mình chưa được hưởng những quyền đó. Dân biết thì dân sẽ đứng dậy. Sẽ tự quyết định vận mệnh của mình. Trao sự hiểu biết cho dân, có thể nói đó là tất cả nội dung chủ yếu của phong trào Duy Tân - Phan Châu Trinh. Cho nên, phong trào ấy, rất kỳ lạ và rất thú vị, về cơ bản lại là một cuộc vận động cải cách giáo dục vĩ đại, vĩ đại vì nội dung tân tiến và cả vì quy mô của nó, ngay trong lòng chủ nghĩa thực dân.
100 năm đã qua. Có phải vấn đề hôm nay là tiếp tục công cuộc “cách mạng tân văn hoá”, như cách gọi của Hoàng Xuân Hãn, mà lịch sử, với tất cả sự thật khắc nghiệt của nó, đã buộc chúng ta còn để dở dang từ ngày còn người ấy, “khuôn mặt sáng giá nhất của Việt Nam” đầu thế kỷ XX đã khởi xướng, và chưa xong.
(1) Trích từ tham luận: Từ vụ Big Bang 80 năm trước
Nghĩ trước 100 năm(2)
PGS.TS. Phạm Xanh, Lê Thị Huyền Trang (Khoa Lịch sử, ĐHKHXH&NV)
Đông Kinh Nghĩa Thục đã đề ra một chương trình đào tạo với nội dung phong phú, nhạy cảm với những biến đổi thời đại, gắn liền với thực tiễn sinh động “tìm đúng cái cần xây, cần chống ngay tại xứ sở quốc gia mình”.
Nội dung giảng dạy trong nhà trường trải trên hầu khắp các lĩnh vực từ khoa học cơ bản đến các ngành đào tạo thực nghiệp. Thử làm một phép so sánh với hệ thống Nho học trước đây, ta có thể thấy sự biến đổi cả về lượng và chất, số lượng các ngành đào tạo thậm chí còn hơn hẳn giáo dục Pháp - Việt.
Trong nội dung giảng dạy của mình, trường đã cập nhật những tri thức hữu dụng mang tính thời đại. “Quốc dân độc bản” trang bị cho người học những kiến thức cơ bản nhất về hệ thống luật pháp, nhà nước, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân.
Đặc biệt vấn đề chấn hưng công nghiệp được đặt ra một cách bức thiết. Những người làm nghề buôn bán được trả lại địa vị xứng đáng. Các chí sĩ Đông Kinh đã gạt bỏ những quan điểm lệch lạc xuất phát từ nền Nho học để có một cái nhìn khách quan, đúng đắn và dân chủ hơn về tầng lớp thương nhân.
Trong thời gian tồn tại ngắn ngủi của mình, những kiến thức liên quan đến thực nghiệp mà nhà trường Đông Kinh cung cấp mới chỉ mang tính chất khai tâm. “Quốc dân độc bản” có một loạt bài giải thích các thuật ngữ, khái niệm kinh tế: “máy móc”, “máy móc sao lại làm hại công nhân”, “tránh cái hại của sự phân công và sử dụng máy móc”, “ích lợi của đại công nghiệp”, “tiền công”, “tư bản”, “nhà tư bản cũng có ích cho người nghèo”, “mậu dịch”, “tiền tệ”, “sec”…
Ngày nay chúng ta đang tiến hành từng bước cải cách giáo dục, gắn việc học với thực tiễn, đó chẳng phải là mục tiêu chính của mô hình thực nghiệp Đông Kinh đặt ra hay sao? Đông Kinh Nghĩa Thục là một gợi mở, một bước đệm quan trọng, giáo dục Việt Nam đã, đang và sẽ thực hiện những trăn trở của các sĩ phu từ trăm năm trước.
(2) Trích từ tham luận: Đông Kinh nghĩa thục - mô hình trường đa ngành, đa cấp đầu tiên ở Việt Nam
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn