Đọc lại văn thơ Đông Kinh nghĩa thục
Trong kho tàng văn chương - văn hoá Việt Nam mấy trăm năm nay, có lẽ không có một nhóm tác giả, một tao đàn, một phong trào nào tồn tại ngắn ngủi mà lại có tiếng vang tốt đẹp, lâu dài như phong trào Đông Kinh nghĩa thục.
Ngắn ngủi, bởi phong trào Đông Kinh nghĩa thục bắt đầu khởi xướng, xưng danh, là vào một ngày mùa xuân năm Đinh Mùi (1907), rồi chỉ khoảng 9 - 10 tháng sau, phong trào bị thực dân Pháp đàn áp, các tác giả thơ văn. cũng là những kiện tướng của Đông Kinh nghĩa thục bị bắt, bị tù đày.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam có nhiều trang thật đau thương và anh dũng. Đông Kinh Nghĩa thục là một trang như thế. Lật lại hồ sơ văn chương - văn hoá Việt Nam hơn một thế kỉ qua, chúng ta có thể thấy rằng:
1. Tuy ra đời, tồn tại - phát triển và bị khủng bố nặng nề mà phải đóng cửa, nhưng thơ văn được dùng để giảng dạy trong Đông Kinh nghĩa thục là những tác phẩm thấm đượm tình yêu nước, luôn sục sôi một niềm cảm thương cho những nỗi khổ nhục mà người dân Việt phải chịu, luôn toát lên tinh thần sẵn sàng xả thân vì lẽ tồn vong, phát triển của giống nòi. Dòng thơ văn này từ mấy trăm năm trước đã là những khúc quân hành ca bị tráng, quyết liệt như Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn (1232 - 1300), như Đại cáo bình Ngô của đại thi hào Nguyễn Trãi(1380- 1442), ....rồi lại bùng lên mãnh mẽ sôi nổi, liên tục vào những thập niên nửa cuối thế kỉ XIX trong các cao trào chống Pháp với nhiều tác giả lừng danh, hợp lại, có đủ giọng điệu cung bậc trữ tình như Nguyễn Đình Chiểu (1822- 1888),Nguyễn Xuân Ôn (1825 - 1889) Nguyễn Thông (1827 - 1884), Nguyễn Trường Tộ (1828 - 1871) Phan Văn Trị (1830 - 1910), Nguyễn Quang Bích(1832 - 1889) Nguyễn Văn Lạc (tức Học Lạc 1842 - 1915), ....
2. Thoạt đầu, phong trào Đông Kinh nghĩa thục được khởi xướng tại khu nhà số 4 phố Hàng Đào, Hà Nội. Đó là một trường học mà hiệu trưởng là nhà nho - học giả Lương Văn Can (1854 - 1927). Chẳng bao lâu sau, phong trào này lan rộng đến các tỉnh Bắc Bộ như: Hà Đông, Sơn Tây, Thái Bình...rồi nhiều tỉnh miền Trung như: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận....,đóng vai trò trụ cột tại các trường Đông Kinh nghĩa thục ở các tỉnh vẫn là những nhà nho thức thời, yêu nước, có khả năng trước thuật và sáng thơ văn. Trong hệ thống các trường Đông Kinh nghĩa thục kể trên, ngôi trường ở Hà Nội có vai trò trung tâm, hạt nhân. Đông Kinh nghĩa thục khắp nơi đã tạo ra sự khởi sắc trên lĩnh vực giáo dục - văn hoá - văn chương, đã có hàng trăm hàng ngàn thanh thiếu niên từ các đô thị và nhiều vùng quê đến theo học. ở đấy họ không chỉ học văn chương theo lối mới , họ còn học cả toán pháp, địa lý, lịch sử, công kỹ nghệ...,đương thời đã có câu: “Buổi diễn thuyết người đông như hội/ Kỳ bình văn khách đến như mưa” nói về không khí giảng dạy, học tập ở những trường này. Ngày nay nhìn lại nội dung và phương pháp của Đông Kinh nghĩa thục, ta có thể cho rằng Đông Kinh nghĩa thục đã là một cuộc cải cách giáo dục đáng nể trọng.
Thơ văn được dạy trong các trường Đông Kinh nghĩa thục gồm hai dòng khối:
- Những áng văn chương của các nhà cách mạng đồng thời cũng là những văn thi gia lừng lẫy thời bấy giờ như: Phan Bội Châu (1867 - 1940), Phan Châu Trinh (1872 - 1926), Nguyễn Thượng Hiền (1868 - 1925) ...được Ban Tu thư của các trường và những người lãnh đạo Đông Kinh nghĩa thục tuyển chọn,
- Phần nhiều hơn, là sáng tác của chính những nhà nho chủ xướng và trực tiếp thực thi phong trào hay cộng tác với phong trào sáng tác ra. Họ là những người như: Lương Văn Can, Nguyễn Bá Học (1857 - 1921), Nguyễn Quyền (1869 - 1941), Lê Đại (1875 - 1951), Đào Nguyên Phổ (1861 - 1907), Nguyễn Phan Lãng (1870 - 1951), Võ Hoành (1873 - 1946) ...,rồi Hoàng Tăng Bí (1883 - 1939), Phạm Duy Tốn (1883 - 1924), Dương Bá Trạc (1884 - 1944)...Vào năm 1907 ấy, người nhiều tuổi nhất là Lương Văn Can, ở tuổi 53, còn phần đông ở tuổi 30 - 40, và ít tuổi nhất là Lương Ngọc Quyến (con trai Lương Văn Can), ở tuổi 17.
Từ sự liệt kê thật đơn giản mà hơi dài, dù chưa thể coi là tạm đủ những tên tuổi như trên, chúng ta được mình: Thì ra, ở tuổi mà bây giờ ta còn gọi là “nhà văn trẻ”, “tác giả trẻ” ấy, các vị trên đã quả cảm và thông tuệ đứng ra lĩnh trách nhiệm làm một cuộc đổi mới cho văn thi đàn nước Việt để ngày nay chúng ta tôn vinh họ là những nhà khai sáng, tiên phong!
Chúng tôi nói như vậy, bởi, hãy thử trở lại với Việt Nam vài ba năm trước, mươi năm trước cái mốc 1907 mà xem, ta thấy gì? Ta có thể thấy: Đó là những năm phong trào Cần vương đã thất bại, phong trào Đông du cũng đã bị phong toả và đang vào hồi tan rã, xã hội Việt Nam đang ở buổi “ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào”, có nhiều tri thức và dân chúng một mực lên án, nguyền rủa bất cứ biểu hiện “Tây hoá” nào, có bộ phận khác lại tập tọng theo Âu hoá bỏ rơi truyền thống ông cha, còn phần đa, người ta muốn tìm đường an phận ...,đã mấy ai nghĩ đến việc tự từ bỏ sự non yếu của mình, tìm ra sự văn minh của người để có cách chấn hưng phong hoá, tranh đua thực nghiệp, phục hồi danh dự đâu.
Thế mà giữa buổi ấy, các nhà chủ trương thực hành Đông Kinh nghĩa thục và các trợ thủ của họ đã quả quyết rằng: Cái thứ chữ Latinh ghi âm tiếng Việt của bọn giặc Tây dương chính là “hồn của nước”, nên phải học cho được, dùng cho ngay; nó là công cụ, trước, là để canh tân văn chương văn hoá Việt, sau, nó là phương tiện truyền bá tư tưởng yêu nước đánh giặc, là phương tiện để học hỏi kiến thức về kinh tế - kỹ thuật - công nghệ mà chấn hưng toàn diện nước non nhà.
Có tình cảm cao đẹp mà không xác định được bước đi cho đúng và tìm cho được công cụ thích ứng thì lúng túng, thất bại như thế nào, chúng ta đã rõ. Nhắc lại ý này, để chúng ta thấy các bậc tiền bối ở đầu thế kỉ XX đã có được sự minh mẫn và chính xác khi tạo ra một sự đổi mới như thế nào.
Thấm nhuần tư tưởng đổi mới hội nhập, thoạt đầu, ngỡ như chỉ là đổi mới phương tiện nghệ thuật - ngôn ngữ/chữ viết này cho sáng tác thơ văn, về sau, là hơn thế, những cây bút như Hồ Hiểu Chánh, Phạm Duy Tốn, Dương Bá Trạc...,rồi kế tiếp đó là những Hoàng Ngọc Phách, Đông Hồ,Trần Tuấn Khải... và cả Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh đã trở thành những tác gia. Các trang văn xuôi và những áng thơ viết bằng chữ Việt mà Đông Kinh nghĩa thục nhiệt tình cổ vũ mang tư tưởng, tâm hồn và tiếng nói của người Việt bình dân hay người Việt có học hành của họ đã trở thành những hiện vật không thể thiếu trong bảo tàng văn chương - văn hoá dân tộc.
3. Trong khối lượng thơ văn Đông Kinh nghĩa thục gồm 2 nguồn khối vừa nêu ở trên, dễ tới hơn một ngàn trang để lại, chúng ta thấy có mấy vấn đề cần được tìm hiểu và suy ngẫm thêm.
Trước hết, là vấn đề cảm hứng sáng tạo. Như chúng ta biết, một áng thơ văn ra đời, thường được bắt nguồn từ rất nhiều nguyên cớ và cảm hứng gần xa mà không thể, không dễ định ra ngay là nguồn cảm hứng nào, nguyên cớ tư tưởng tình cảm nào đã dẫn dụ và đóng vai trò quyết định tạo ra cái hay, cái độc đáo của tác phẩm.
Với thơ văn Đông Kinh nghĩa thục, câu chuyện này tưởng có phần giản dị, dễ hiểu hơn thì phải, Cái hay, cái độc đáo của khối thơ văn này thường chỉ bắt nguồn từ một cảm hứng lớn, có tính chất bao trùm, chủ đạo là lòng yêu nước thương nòi, là ý định giác ngộ đồng bào nhận ra phần u mê tăm tối đương có ở bản thân mà mạnh bước trên con đường học hỏi, duy tân, để một mai góp công sức đưa nước nhà sánh vai được với năm châu bốn biển, không phải hổ thẹn với tiên tổ Lạc Hồng. Chả thế mà ta thấy từ Kêu hồn nước của Nguyễn Quyền, Cáo hủ lậu văn (truyền là củaYên - Sĩ - Phi - Lý - Thuần) đến Nên dùng đồ nội hoá (?), hay Bài ca á tế á (Nguyễn Thường Hiền? Dương Bá Trạc....) và hàng loạt văn thi phẩm bi thương thống thiết của Phan Bội Châu như Xuất dương lưu biệt, Việt Nam vong quốc sử, Hải ngoại huyết thư... thì cảm hứng sáng tạo đã như nhập làm một với mục đích mục tiêu của mỗi tác phẩm ở từng đoạn, từng chương.
Ở đây, tính giáo dục, tính tuyên truyền và khả năng thức tỉnh lương tâm lương tri, khả năng cổ vũ thúc giục người học lên đường cứu nước nhiều khi đã gắn quyện thành một thể thống nhất, làm nên sự độc đáo của dòng thơ văn của Đông Kinh nghĩa thục. Trong bài Thiết tiền ca(Bài ca đồng tiền sắt), Nguyễn Phan Lãng đã chỉ ra âm mưu thay tiền bạc bằng tiền sắt của thực dân nhằm bòn rút tài nguyên của nước ta: “Chợt lại thấy bắt tiêu tiền sắt/Thoạt tai nghe bần bật khúc lòng/ Trời ơi có khổ hay không/ Khổ gì bằng khổ mắc trong cường quyền/ Họ khinh lũ đầu đen không biết/ Đem mẹo lừa giết hết dân ta/ Bạc đem vào đổi sắt ra/ Bạc kia thu hết sắt mà làm chi!”
Trên con đường hiện đại hoá văn chương - văn hoá dân tộc, ngoài phương diện đóng góp về chữ viết và cảm hứng cùng nội dung tư tưởng của tác phẩm, nếu chú ý đến bộ phận văn nghị luận của Đông Kinh nghĩa thục, ta thấy dòng sáng tạo này còn có một số đóng góp kiệt xuất, như ở tác phẩm Văn minh tân học sách. Trong áng văn này, bằng một lối viết dẫn giải tự nhiên, nhẹ nhàng lúc mở đầu, tác giả đã dần dần chỉ ra những tệ nạn cần phê phán, chối bỏ của người Nam, những cái văn minh của châu Âu để dân ta học tập... và viết tiếp:
“Nay đã từng ngẩng đầu trông lên, cúi đầu nhìn xuống, trầm ngâm suy nghĩ cho cùng, để tìm kế mở mang dân trí giữa muôn khó khăn, thì thấy chỉ có sáu đường:Một là dùng văn tự nước nhà..../ Hai là hiệu đính sách vở.../ Ba là sửa đổi phép thi..../ Bốn là cổ võ nhân tài.../ Năm là chấn hưng công nghệ..../ Sáu là mở toà báo....”
rồi kết luận:
“Thời buổi ngày nay không phải là thời buổi biến thông ư? Người Âu súc tích tâm tư, tài lực có mấy nghìn, có mấy trăm năm nay, làm nảy ra được cuộc văn minh, bành trướng không ngừng, lần lượt tràn lan vào các nước châu á. ấy thực là một ánh sáng rực rỡ giữa đám tối tăm. Thật là trời mở cho ta mà mình lấp lại sao? Ngày ngày ngồi giữa cái thú ca múa hồ sơn mà không lo, rồi nhìn núi sông đổi dời mà không thương tiếc! Chả biết hai mươi lăm triệu đồng bào ta rồi sẽ kết cục ra sao đây? Chả biết rồi đây, người đời sau xem người đời nay, người đời nay xem người đời xưa sẽ đặt ta vào địa vị nào đây”.
Có phải là đã có nhiều khi người cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI cứ tưởng các cụ ta ngày trước lẩm cẩm? ừ, thời nào chả có người thế nọ thế kia. Nay mà đọc kỹ văn các cụ hãy chỉ xét riêng cái thuật viết thôi, thiết tưởng, cũng phải nhận là mình nhầm to rồi! Văn nghị luận các cụ Đông Kinh nghĩa thục sáng tỏ, chặt chẽ về lập luận, lại có khuyến dụ định hướng mà không bó buộc mệnh lệnh, mà gợi nghĩ gợi suy....
Cái gốc của văn chương Đông Kinh nghĩa thục là tư tưởng, cái lan toả của văn chương Đông Kinh nghĩa thục là nhờ tình cảm. Cái tư tưởng của các cụ nay vẫn chưa cũ, cái tình cảm của các cụ nay cũng như là của mỗi chúng ta... đó chính là đặc sắc và sức sống của thơ văn Đông Kinh nghĩa thục vậy.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015