Con người tự do là đích đến của giáo dục

Tiến sĩ Vật lý
04:45 CH @ Thứ Sáu - 26 Tháng Năm, 2017

Triết lý giáo dục của thời đại mới phải hướng đến việc đào tạo con người tự do, thay vì đào tạo con người công cụ như hệ thống giáo dục hiện thời. Con người tự do là đích đến của giáo dục.

.

Tôi đã dành 22 năm của cuộc đời mình để đi học. Trong đó, 17 năm học phổ thông và đại học ở Việt Nam, và 5 năm sau đại học ở nước ngoài. Trong khoảng thời gian đó, tôi đã trực tiếp trải nghiệm ba nền giáo dục khác nhau.

Tôi cũng là một phụ huynh có ba con nhỏ. Con đi học, tôi vì trách nhiệm và vì tò mò mà dành thời gian tìm hiểu chương trình, rồi học cùng con ở hai quốc gia khác nhau nữa. Vậy tính ra, tôi đã đi qua năm nền giáo dục Á - Âu, cả trực tiếp và gián tiếp.

Vậy tôi thấy gì khác nhau trong năm nền giáo dục đó? Và quan trọng hơn, bài học nào sẽ được rút ra từ những trải nghiệm thực tế đó.

Tôi thấy rằng, dù khác nhau về văn hóa, thể chế và tôn giáo, nhưng mục tiêu giáo dục nơi đâu cũng chỉ chia ra thành hai loại: Đào tạo con người công cụ và đào tạo con người tự do.

Hai mục tiêu này không tách bạch tuyệt đối, thường lồng ghép xen lẫn vào nhau theo chủ ý hoặc vô thức do tập tục. Tùy theo mức độ công cụ hay tự do nhiều hay ít, mà hệ thống giáo dục đó sẽ tạo ra con người công cụ hay con người tự do theo cách tương ứng.

Như mọi hệ thống sản xuất khác, một hệ thống chỉ có thể vận hành trơn tru hiệu quả và không rơi vào hỗn loại khi hình dung đích xác được sản phẩm đầu ra có những thuộc tính nào. Với giáo dục, thì đó chính là việc gọi tên triết lý giáo dục thông qua việc trả lời câu hỏi cốt yếu: Hệ thống giáo dục hướng đến việc đào tạo con người nào?

Câu trả lời cho câu hỏi này hông là gì khác, mà chính là triết lý giáo dục. Chỉ khi nào câu hỏi này được trả lời rõ ràng, dõng dạc và chính danh thì triết lý giáo dục mới tỏ lộ và trở thành tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt động của hệ thống giáo dục. Nếu không, giáo dục sẽ rơi vào bế tắc.

Với cách hiểu về triết lý giáo dục như thế, với việc phân tích nội dung chương trình giáo dục và với những trải nghiệm về hệ thống giáo dục hiện hành, tôi hoảng hốt nhận ra rằng, triết lý giáo dục của hệ thống hiện thời là đào tạo con người công cụ.

Đó là lý do vì sao tôi đã gặp nhiều khó khăn khi ra nước ngoài du học trong những ngày đầu. Tôi gần như phải tự đào tạo lại từ đầu, không chỉ kiến thức, kỹ năng, mà còn là những quan niệm về bản thân mình và cuộc sống, và cả những giá trị mà một xã hội cần hướng tới.

Tôi hiểu rất rõ cái giá mà tôi phải trả trong suốt thời gian đó. Và sau khi tỉnh ngộ ra điều đó, tôi bắt đầu gây dựng và theo đuổi một triết lý giáo dục mới, phát biểu giản dị rằng: Con người tự do là đích đến của giáo dục.

Nói cách khác, câu trả lời cho câu hỏi “Học để làm gì?” sẽ ngắn gọn là: Học để làm người tự do.


Ảnh minh họa (Internet).

.

Vấn đề đặt ra: Con người tự do là gì? Và vì sao giáo dục lại cần hướng đến việc đào tạo ra những con người tự do như vậy?

Con người tự do, như tên gọi của nó, thể hiện trước hết ở việc tự do đi tìm câu trả lời cho câu hỏi cốt yếu “Tôi là ai?”. Đó chính là tự do tư tưởng. Tư tưởng về chính bản thân mình. Con người khác với con vật ở chỗ con người biết hỏi “Người là gì, tức Tôi là ai?”, còn con vật thì không. Chính việc tự do đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này là cội nguồn của văn minh nhân loại, hình thành nên nhân tính và xã hội con người.

Mà muốn vậy, điều kiện tiên quyết là họ phải có được tự do tư tưởng để tư duy và trước khi đi đến câu trả lời cho câu hỏi tôi là ai của riêng họ đó.

Mà để tư duy hiệu quả và chính xác, họ cần thông tin như những nguyên liệu đầu vào. Vì thế, tự do tư tưởng đòi hỏi tự do thông tin như một điều kiện cần. Nếu không có tự do thông tin, sẽ không có tự do tư tưởng. Trong giáo dục, điều này có nghĩa, học sinh và giáo viên phải được quyền tiếp cận với các nguồn tư liệu và tài liệu tham khảo khác nhau, thể hiện trước hết ở nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau được lưu hành.

Trong lớp học, học sinh phải được tự do bày tỏ ý kiến và diễn giải của mình. Nội dung bài học vì thế không được phép đóng cứng vào một diễn giải cụ thể nào, dù đó là diễn giải của người thầy đáng kính. Nếu không, học sinh sẽ mắc kẹt vào một diễn giải cụ thể, làm thui chột sáng tạo và trở nên máy móc. Việc học rõ ràng không phải chỉ là ghi nhớ giải pháp của thầy cô, mà là tìm được bao nhiêu giải pháp theo cách của riêng mình cho vấn đề mình đang đối mặt.

Tự do tư tưởng vì thế gắn liền với việc dịch chuyển nhận thức để không bị đóng cứng vào một nhận thức đã có. Chỉ khi đó, người học mới có khả năng mở ra những nhận thức mới, tương thích với thời đại mới, thời đại mà những người sinh ra và dạy dỗ họ không có cơ hội để bước vào.

Việc thi cử khi đó cũng không đi theo hướng có học thuộc, biết đúng điều đã được dạy để thi hay không, mà trở thành thước đo cho sự trưởng thành của người học, mà quan trọng nhất là sự trưởng thành trong tư duy của họ, biểu hiện qua một năng lực cốt yếu: Năng lực tư duy độc lập.

Vì sao như vậy, vì nếu không có năng lực tư duy độc lập, một người dù đã bạc đầu, vẫn cần phải cậy nhờ đến tư duy của kẻ khác, do đó trên thực tế vẫn là trẻ vị thành niên. Đất nước không cần nhiều trẻ vị thành niên bạc đầu như vậy. Đất nước cần những con người trưởng thành, có tư duy độc lập, để xây dựng một đất nước độc lập và trưởng thành.

Rồi nữa, sau khi có tự do tư tưởng, thì lại phải có một hình thức nào đó để biểu đạt cái tự do tư tưởng đó, vì thế mà tự do ngôn luận phải được hình thành. Nếu không, tự do tư tưởng chỉ diễn ra trong đầu của mỗi cá nhân, bị giới hạn bởi chính nhận thức chủ quan của cá nhân đó, do đó không mang lại lợi ích gì nhiều cho xã hội.

Con người khác con vật chủ yếu ở khả năng nhận thức và tư tưởng, trong đó có nhận thức và tư tưởng về chính bản thân mình. Vì thế, tự do tư tưởng là tầng thứ nhất, là nền móng quan trọng nhất của con người tự do.

Tầng thứ hai của con người tự do là tự do lựa chọn. Lựa chọn là cấp độ cơ bản nhất của hành động. Nhìn thật kỹ chúng ta sẽ thấy mọi hành động có nghĩa đều bắt đầu bằng một lựa chọn. Ngay cả khi không lựa chọn cũng là một lựa chọn. Vì thế, để cho sức mạnh và sự hữu ích của tự do tư tưởng được hiện thực hóa, cần thiết phải có tự do lựa chọn.

Vì sao? Vì sau khi đã có tự do tư tưởng, đã có thể tư duy độc lập, thì ta phải làm điều gì đó chứ? Không ai trả lương cho người lao động vì họ biết gì và nghĩ gì trong đầu. Người lao động được trả lương vì họ tạo ra được giá trị gì cho người sử dụng. Nếu giáo dục chỉ đào tạo ra những thế hệ học nhiều thi giỏi mà không biết làm việc, không có khả năng lựa chọn thì rõ ràng nền giáo dục đó đã sai đường.

Với giáo dục, tự do lựa chọn thể hiện trước hết trong việc được quyền lựa chọn hình thức học tập phù hợp với mình. Vì thế, bên cạnh những loại hình trường hiện có, loại hình homeschooling, tức học tại nhà, cần được thừa nhận về mặt pháp lý. Trẻ vì lý do gì đó, như sức khỏe yếu, mới ở nước ngoài về, hoặc đơn giản là muốn thay đổi cách học một thời gian, mà chọn hình thức học tại nhà thì cần được thừa nhận, miễn sao có cơ chế kiểm tra đánh giá.

Quyền tự do lựa chọn còn thể hiện ở việc được lựa chọn chương trình học tập. Vì lẽ đó, cần phải có nhiều bộ sách giáo khoa, thay vì chỉ một bộ sách giáo khoa như hiện giờ. Rồi xa hơn thế, người học cần được quyền lựa chọn giáo viên phù hợp. Vì thế hệ thống giáo dục cần phải tổ chức sao cho lựa chọn này thực hiện được, ví dụ bỏ biên chế suốt đời. Không thể nào một giáo viên kém, nhưng vì lý do nào đó, vào được hệ thống giáo dục, thì nghiễm nhiêm ở đó gần 40 năm cho đến lúc về hưu mà không có cách nào để thay thế.

Tự do lựa chọn được đặt cơ sở trên tự do tư tưởng. Tự do tư tưởng diễn ra ở bên trong bản thân mình, còn tự do lựa chọn là sự thể hiện cái tự do bên trong đó ra bên ngoài thông qua lựa chọn. Nhờ đó, tự do bên trong mỗi người được thể hiện ra đời sống, và hòa cùng tự do của người khác, trên cơ sở tôn trọng tự do của chính người khác đó.

Nhờ có tự do lựa chọn mà một người có khả năng tự quyết về cuộc đời mình, do đó làm chủ cuộc đời mình, và do đó tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình như một hệ quả tất yếu. Đó là sự trưởng thành đích thực. Đó là điều mà giáo dục hướng tới. Nếu không, xã hội sẽ thì là một tập hợp những kẻ vị thành niên, dù đầu đã bạc và khi đi học thì điểm cao ngất ngưởng.

Nói cách khác, một người có tự do lựa chọn là một người đã có khả năng lãnh đạo bản thân, làm chủ cuộc đời mình, và tự chịu trách nhiệm về sự làm chủ đó. Đó chính là những phẩm chất mà một người học cần hướng tới. Lãnh đạo bản thân, làm chủ cuộc đời mình là thước đo cho sự trưởng thành thực sự cho người học.

Sau khi đã có được tự do tư tưởng và tự do lựa chọn, chúng ta đã thành con người tự do ở cấp độ cơ sở nhất. Nhưng con người không chỉ có tư tưởng. Con người còn có cơ thể này và muôn vàn cảm xúc và các trạng thái tinh thần đi kèm. Mỗi sự thay đổi trạng thái của cơ thể, trạng thái cảm xúc, trạng thái tinh thần thì đều tạo ra một sự trở thành mới. Nguồn gốc của những sự trở thành mới này là sự tương tác của những gì đang diễn ra bên trong và bên ngoài mình, cũng như sự kết nối của những gì đang diễn ra bên trong và bên ngoài mình đó.

Tầng thứ ba của con người tự do sẽ là tự do trở thành, tức được tự do trong việc quyết định trở thành người mình chọn để trở thành. Nó bao gồm tự do thân thể, tự do biểu đạt cảm xúc, tự do biểu lộ tinh thần. Sự thay đổi của chúng chính là sự thay đổi của chúng ta. Người học phải nhận biết và làm chủ được những sự thay đổi đó, thông qua lựa chọn trong tự do và sau khi suy xét.

Vì thế, tự do trở thành đặt cơ sở trên tự do lựa chọn và tự do tư tưởng.

Cho đến nay, tự do thân thể đã được pháp luật bảo hộ, nhưng nhiều khi còn mâu thuẫn khi triển khai. Quyền tự do thân thể chưa được nhận thức đúng. Bạo hành trong gia đình và nhà trường, một sự xâm phạm tự do thân thể điển hình, vẫn xảy ra thường xuyên. Bạo lực học đường bùng phát cũng là chỉ dấu xấu cho thấy tự do thân thể đã bị xâm phạm ngay trong môi trường trong sáng nhất là nhà trường.

Còn tự do biểu đạt, dù là cảm xúc hay tinh thần, gần như ít khi được xét đến. Một phần do văn hóa truyền thống, một phần do giáo dục đã bỏ qua thứ tự do trở thành này, nên con người không được sống thật với cảm xúc và các giá trị tinh thần của mình, lại càng không dám biểu đạt chúng ra cho người khác thấy. Tất cả những điều này đều không tốt cho sức khỏe tâm thần, cho sức sáng tạo, và rộng hơn là cho một xã hội lành mạnh.

Vì sự trở thành có nguồn gốc từ sự kết nối và phản ứng với những gì đang diễn ra bên trong và bên ngoài mình, tự do trở thành vì thế là cơ sở cho sự triển khai việc sống của một người ở trong đời sống. Nhờ đó, một người có thể tự phát triển bản thân mình, tự hoàn thiện việc sống của mình trở nên lịch lãm, tinh thông và đẩy việc sống trở thành một nghệ thuật đáng ngưỡng mộ.

Khi đó, người ấy không chỉ trả lời được câu hỏi “Tôi là ai?”, mà còn có thể trả lời được câu hỏi cốt yếu khác, như:Ý nghĩa cuộc sống là gì? Ta đang đi qua cuộc sống này như thế nào?, Ta sẽ làm gì với cuộc đời mình?Trên tất cả, những câu trả lời này sẽ không chỉ đến được từ lý trí nhờ tự do tư tưởng, mà đến từ toàn bộ khối trải nghiệm của mình ở trong đời sống, chân thật như một phần của đời sống đang-là.

Tầng thứ tư của con người tự do là tự do kiến tạo, có được trên nền móng từ ba thứ tự do đã nói ở trên. Tương lai của một con người, tương lai của một quốc gia, nằm ở thứ tự do kiến tạo này.

Vì con người ta chỉ có thể sống ở thì hiện tại, tức ở cái bây-giờ, nên cả bốn tầng bậc tự do này đều diễn ra ở thì hiện tại. Tuy nhiên, tự do kiến tạo lại có mục tiêu hướng đến tương lai, cụ thể là kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn so với những gì đang có.

Tự do kiến tạo vì thế là tự do trong việc tư tưởng, lựa chọn và trở thành một tương lai mới tốt đẹp hơn, hiệu quả hơn, xứng đáng hơn. Điều này là cần thiết, vì nếu không, mỗi người và do đó cả xã hội, sẽ chỉ giậm châm tại chỗ mà không tiến lên được bước nào trên hành trình phát triển.

Tuy nhiên, có được tương lai kiến tạo không hề dễ. Một người chỉ có thể kiến tạo tương lai nếu tương lai đó đã được kiến tạo trong tâm trí mình trước hết. Do đó, tự do kiến tạo lại trở về với nền móng ban đầu của nó, đó là tự do tư tưởng. Không có tự do tư tưởng sẽ không có tự do kiến tạo.

Vì nhận thức của con người là kết quả của một chuỗi những trải nghiệm mà họ đã kinh qua, nên họ chịu giới hạn bởi chính những trải nghiệm họ đã kinh qua đó. Nói cách khác, nhận thức của chúng ta bị giới hạn bởi chính nhận thức của chúng ta ở trong quá khứ. Vì thế, nếu không ra khỏi quá khứ, tương lai sẽ bị giam hãm bởi chính quá khứ. Lịch sử của đất nước chúng ta trong mấy chục năm gần đây đã minh chứng cho điều này, rằng quá khứ vẫn còn đang ngự trị. Với giáo dục thì điều này lại càng trở nên rõ nét, khi cải cách giáo dục cứ mãi sa vào sự vụ hết lần này đến lần khác mà không ra khỏi được bế tắc do chính quá khứ mang lại.

Vì vậy, để có được tự do kiến tạo, giáo dục phải là cho người học có khả năng vượt qua những rào cản nhận thức gây ra bởi quá khứ. Nói cách khác, giáo dục phải có khả năng làm cho người học vượt thoát khỏi những giới hạn do chính giáo dục mang lại. Điều này thể hiện trước hết ở khả năng thay thế những nhận thức cũ, giá trị cũ, tham chiếu cũ băng những cái mới. Nhờ đó, chúng ta có thể vượt qua chính mình để tạo chính mình.

Thực tế cho thấy, ai không làm chủ cuộc sống sẽ bị cuộc sống làm chủ. Ai không làm chủ tương lai sẽ bị tương lai gạt bỏ ngoài lề. Tự do kiến tạo vì thế là thứ tự do vượt thoát chính mình để tồn tại và phát triển.

Một con người tự do như thế, tức một con người có tự do tư tưởng, tự do lựa chọn, tự do trở thành và tự do kiến tạo, là một con người của thời đại mới. Và cũng chỉ một con người tự do như thế mới có khả năng sống một cuộc đời đáng sống, cho mình và xã hội.

Đó là lý do vì sao tôi luôn tâm niệm rằng, triết lý giáo dục của thời đại mới phải hướng đến việc đào tạo con người tự do, thay vì đào tạo con người công cụ như hệ thống giáo dục hiện thời.

Con người tự do là đích đến của giáo dục.

---

Ghi chú: Bản rút gọn của bài này đã đăng trên mụcGóc nhìn của Vnexpress.net.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Triết lý giáo dục trong những cuốn sách kinh điển

    10/04/2016Cao Việt DũngNền giáo dục Việt Nam nơi đào tạo ra rất nhiều đứa trẻ được nuông chiều nhưng không thực sự được tôn trọng, tự tin vì rất nhiều thứ khác ngoài nền tảng kiến thức và bản lĩnh cá nhân, chắc chắn cần có các thay đổi. Lời gợi ý đúng đắn rất có thể sẽ đến từ những cuốn sách như thế này.
  • Bốn trụ cột là triết lý giáo dục của UNESCO?

    09/09/2014Vũ Cao ĐàmMột số nhà nghiên cứu cho rằng, nội dung “Bốn trụ cột” là: “Học để biết; Học để làm; Học để tồn tại; và Học để chung sống” trong bản báo cáo nổi tiếng của Jacques Delors năm 1996 chính là nội dung triết lý giáo dục của UNESCO. Nhưng có nhiều đồng nghiệp đọc xong “Bốn trụ cột” đó nghi ngờ: “Có phải như thế là triết lý giáo dục không?”...
  • Gọi tên triết lý giáo dục

    14/05/2014TS. Giáp Văn DươngTriết lý giáo dục của hệ thống hiện thời là đào tạo con người công cụ. Đây là cái sai nghiêm trọng nhất trong những cái sai của hệ thống giáo dục này.
  • Triết lý giáo dục mầm non và manh nha giải pháp

    12/05/2014Nguyễn HươngKhung chương trình giáo dục mầm non Việt Nam xem ra không khác bao xa so với thế giới ở các kiến thức, kỹ năng, niềm say mê kì vọng đạt được của trẻ: kỹ năng xã hội, kiến thức khoa học, say mê khám phá…Nhưng chương trình thực dạy trong các trường mầm non xem ra không có bao nhiêu ngoài mấy bài thơ, bài hát mà trong các giờ đó các con phải ngồi ngoan ngoãn theo sự sắp đặt của cô giáo...
  • Khủng hoảng giáo dục là do không có triết lý giáo dục

    17/04/2014Nhà giáo Ưu tú, TS Lê Vinh DanhTS Lê Vinh Danh thu hút tôi vào một hướng khác, đó là những suy tư của ông đối với nền giáo dục nước nhà. Ông cho rằng khủng hoảng lớn nhất của hệ thống giáo dục VN trong vòng 60 năm qua là việc không chỉ ra được triết lý của nền giáo dục...
  • Triết lý giáo dục của người Việt

    02/11/2012Tống Văn CôngCách đây mấy thập kỷ, khi giáo dục bắt đầu lâm vào khủng hoảng, người ta cho phục hồi câu “tiên học lễ, hậu học văn”, một triết lý giáo dục của nho giáo từng được cả châu Á vận dụng, nhưng lần này đã không cứu vãn nỗi đà xuống cấp của nền giáo dục Việt Nam...
  • Triết lý giáo dục

    24/02/2012Kim ĐịnhVấn đề giáo dục và văn hóa khỏi nói ai cũng nhận là quan trọng. Vì vậy ngoài bộ quốc gia giáo dục còn có nhiều hội nghị giáo dục cũng nhóm họp để tìm giải đáp cho những vấn đề liên hệ...
  • Một triết lý giáo dục gần gũi với nhu cầu của thế kỷ 21 và dân tộc Việt Nam ngày nay

    12/11/2010TS. Bùi Trân Phượng...nếu có tác giả nào, từ cách đây gần 80 năm đã chủ trương một triết lý giáo dục gần gũi với nhu cầu của thời đại chúng ta vào đầu thế kỷ 21 và cần thiết cho dân tộc Việt Nam ngày nay, đó chính là nhà toán học - triết gia người Anh Alfred North Whitehead (1861-1947). Là đồng tác giả với Bertrand Russell của bộ sách ba quyển Nguyên lý toán học (Principia Mathematica, 1910, 1912, 1913), ông đã đóng góp có ý nghĩa vào luận lý học và thần học thế kỷ 20.
  • Năm học mới và triết lý giáo dục cũ

    18/08/2009Thu San Nguyễn Thế HùngNăm học mới đã gần đến, các trường học khắp cả nước đang chuẩn bị đón học sinh khai giảng. Tuy nhiên, năm nay hơi bị trục trặc vì dịch cúm H1N1. Các thầy giáo và học sinh, cả cha mẹ học sinh nữa đang chờ đón nhiều thay đổi ở năm học này, nhưng có lẽ sẽ khó có đột phá nào quan trọng Cỗ xe giáo dục đang đi theo đường ray hiện tại, rất khó chuyển hướng. Cỗ xe ấy có quán tính rất lớn.
  • Về triết lý giáo dục

    28/07/2009Nguyên NgọcTheo tôi, nguyên nhân đầu tiên, sai lầm đầu tiên và bao trùm là ở chính vấn đề quan trọng nhất, cơ bản nhất của giáo dục: ở triết lý giáo dục. Nói nôm na ra là chúng ta định xây dựng và thực hiện nền giáo dục này để làm gì? Tôi cho rằng đang có vấn đề hết sửa nghiêm túc ở chỗ này, nơi lâu nay ta tưởng mọi sự đã chẳng còn có chuyện gì phải bàn nữa.
  • “Hoa Anh Đào Nhật bản và cô hàng bánh rán bán rong” hay một triết lý giáo dục mới

    21/04/2009PhD. Nguyễn Thế HùngHình như có một sự liên lạc mơ hồ giữa điệu múa “Hoa Anh Đào khô” của Nhật Bản với các gánh hàng quà rong nhan nhản trên khắp các phố phường Hà Nội. Điệu múa “Hoa Anh Đào khô” cho phép chúng ta nhìn sâu sắc hơn những đặc điểm tâm lý cơ bản dân tộc của Việt nam. Những đặc điểm ấy chi phối mỗi người dân Việt nam chúng ta hàng ngày, hàng giờ, trong mọi hoạt động. Những đặc điểm này làm nên lịch sử và văn hóa của đất nước chúng ta. Nhưng vì những đặc điểm này là máu thịt của ta, nên ta quá quen biết chúng, đến độ xem các đặc điểm tâm lý ấy là tầm thường.
  • Triết lý giáo dục bình đẳng, vì con người

    26/02/2008GS. Phan Đình DiệuVới nguồn kinh phí hiện nay, nếu biết chắt chiu chi tiêu theo kiểu "con nhà nghèo" thì VN hoàn toàn có thể miễn học phí đối với các cấp học phổ cập và giảm dần tiến đến bỏ học phí ở các cấp THPT và ĐH để xây dựng một nền giáo dục bình đẳng, vì con người. Đồng thời, cần có sự điều chỉnh chương trình để hướng tới đào tạo những HS có năng lực đọc hiểu, khả năng tư duy toán học, khả năng hiểu biết và vận dụng kiến thức khoa học, và năng lực xử lý tình huống chứ không chỉ biết học thuộc lòng...
  • Lại chuyện triết lý giáo dục

    11/10/2007Nguyên NgọcMấy hôm nay bỗng lại thấy xôn xao lên chuyện triết lý giáo dục. Có lẽ là vì vừa có cuộc hội thảo về chuyện triết lý giáo dục do một cơ quan nào đó của Bộ GD-ĐT tổ chức, mà quả thật nếu không có một bài báo tường thuật lại khá sơ sài thì chẳng ai biết nó diễn ra ở đâu, vì sao, để làm gì.
  • xem toàn bộ