Gọi tên triết lý giáo dục
Triết lý giáo dục của hệ thống hiện thời là đào tạo con người công cụ. Đây là cái sai nghiêm trọng nhất trong những cái sai của hệ thống giáo dục này.
Có hay không triết lý giáo dục?
Triết lý giáo dục được hiểu là những khái quát ngắn gọn, thường chỉ trong một câu thôi, được sử dụng làm định hướng vận hành cho cả hệ thống giáo dục.
Như vậy, triết lý giáo dục khác với triết học giáo dục ở chỗ, triết học giáo dục là một phân ngành riêng của triết học, chọn giáo dục làm đối tượng nghiên cứu. Còn triết lý giáo dục lại là tinh thần chủ đạo, là hồn cốt thần sắc, của cả một hệ thống giáo dục và do đó của mọi hoạt động giáo dục liên quan.
Dựa vào triết lý giáo dục, cả hệ thống giáo dục, và theo đó là các hoạt động của nó, được thiết kế, vận hành và điều chỉnh tương ứng.
Hiện nay, triết lý giáo dục vẫn đang được xem là điểm bế tắc của hệ thống giáo dục Việt Nam. Mọi bất cập hiện có, và sự thất bại của các cuộc cải cách giáo dục trong mấy chục năm qua, đều có thể truy nguyên về việc thiếu vắng một triết lý giáo dục đúng để dẫn dắt.
Triết lý giáo dục cần phải chuyển sang hướng đào tạo con người tự do, để học có thể tư duy độc lập, tư duy sáng tạo, thay vì đào tạo con người công cụ như mục đích của hệ thống hiện thời. |
Trước tình hình đó, đã có nhiều bàn thảo và nghiên cứu về triết lý giáo dục được tiến hành, bao gồm các đề tài nghiên cứu và các hội thảo lớn nhỏ, với mục đích tìm xem Việt Nam có triết lý giáo dục không, và nếu có thì đó là gì.
Nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng: Không một phát biểu tường minh nào về triết lý giáo dục được tìm ra. Tất cả vẫn chỉ quanh quẩn trong những câu chữ cũ, hoặc lảng tránh vòng vo, và cuối cùng là đều trở về các nghị quyết.
Điển hình là ngày 29-4-2014, khi trả lời báo chí trong phiên họp báo của Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận nói: “Tôi xin khẳng định triết lý trực tiếp của giáo dục chúng ta là Nghị quyết 29 của trung ương”.
Tìm đọc Nghị quyết 29 thì thấy rằng nghị quyết này dài hơn mười trang A4, nội dung được trình bày trong hơn 7.000 từ. Vậy thì thử hỏi ai có thể nhớ được để mà vận dụng và để gọi nó là triết lý giáo dục được?
Trên thực tế, nội dung của Nghị quyết 29 đã được đề cập trong những nghị quyết trước đó nhiều năm.
Câu trả lời của bộ trưởng đã cho thấy đây là một sự lảng tránh, trong nhận thức về triết lý giáo dục của người đứng đầu ngành.
Nhưng rõ ràng bất cứ hệ thống giáo dục nào cũng phải có một tinh thần chủ đạo, một triết lý dẫn dắt, dù có được gọi tên hoặc thừa nhận hay không.
Nay câu chuyện về triết lý giáo dục lại trở lại, với việc xúc tiến đề án cải cách căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thì câu hỏi về triết lý giáo dục lại cần được đào xới trở lại, ít nhất cũng ở mức nhận chân vấn đề, để có thể điều chỉnh kịp thời.
Vậy thì hãy một lần nhìn thẳng vào hệ thống giáo dục hiện thời và các hoạt động của nó, để định hình xem triết lý giáo dục đang được sử dụng là gì?
Tìm triết lý giáo dục ở đâu?
Muốn tìm triết lý giáo dục thì câu hỏi đầu tiên đặt ra là: Tìm triết lý giáo dục ở chỗ nào?
Có hai cách trả lời cho câu hỏi này, tùy theo cách tiếp cận: hệ thống hoặc sản phẩm. Hai cách tiếp cận này quan hệ chặt chẽ với nhau như hai mặt của một đồng xu, nên không thể tách rời nhau trên thực tế, vì hệ thống nào thì sản phẩm đó.
Đó thực chất chỉ là hai diễn giải khác nhau cho cùng một vấn đề. Cụ thể:
Cách 1: Tìm ở các nguyên tắc thiết kế hệ thống giáo dục, xem hệ thống này được thiết kế như thế nào và để làm gì?
Cách 2: Tìm ở sản phẩm đầu ra của hệ thống giáo dục, tức ở những phẩm tính của con người mà hệ thống đó dự kiến đào tạo ra. Nói nôm na thì đó là việc trả lời câu hỏi: Hệ thống giáo dục này muốn tạo ra con người nào?
Với cách tiếp cận thứ nhất, người viết bài này đã từng đưa ra năm nguyên tắc thiết kế cho hệ thống giáo dục: mở, sáng tạo, toàn diện, hiện đại và hội nhập. Trên cái nền hệ thống đó, các hoạt động giáo dục sẽ diễn ra và tự điều chỉnh nhằm tạo ra những con người sáng tạo, hiện đại và hội nhập.
Thực tế, đó cũng là một phát biểu về triết lý giáo dục, nhưng theo cách tiếp cận về thiết kế hệ thống, thay vì tiếp cận ở sản phẩm đầu ra, để tránh sa vào những tranh cãi bất tận về triết lý giáo dục.
Nhưng cách tiếp cận hệ thống này chỉ phù hợp với những nhà làm chính sách. Còn với đa số thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh thì đây là những vấn đề quá xa vời. Cái họ cần hơn, và gần gũi hơn, là một hình dung về kết quả của việc học, về sản phẩm của giáo dục, để ước định sau nhiều năm đi học, thì học sinh của họ, con cái họ, và bản thân họ, sẽ trở thành người như thế nào.
Những người tham gia giáo dục cần một minh định như thế, để định hướng và điều phối mọi hoạt động giáo dục của mình. Cái minh định đó, không là gì khác hơn là triết lý giáo dục được tìm ra trong cách tiếp cận thứ hai, tức tiếp cận sản phẩm đầu ra.
Điển hình của cách tiếp cận này là giáo dục Nho giáo, với hình dung rất rõ ràng về sản phẩm đầu ra: học để làm quan, với hình mẫu tối hậu là trở thành người quân tử. Chính nhờ sự tường minh trong mục tiêu này mà hệ thống giáo dục Nho giáo đã đứng vững hàng ngàn năm. Chỉ đến khi nội hàm của khái niệm người quân tử không còn phù hợp nữa thì nền giáo dục này mới sụp đổ.
Ngày nay, hình dung về sản phẩm đầu ra không được tường minh và dõng dạc như thế, do bị ẩn giấu dưới trùng trùng các lớp ngôn ngữ của các nghị quyết, các chỉ đạo, các khái niệm chưa rõ ràng như khái niệm về con người mới xã hội chủ nghĩa, các luận thuyết giáo dục và tất nhiên của muôn vàn hoạt động giáo dục riêng lẻ hàng ngày, một cách vô thức hoặc chủ ý.
Nay nếu muốn tìm triết lý giáo dục thì chẳng còn cách nào khác là hãy tạm thời lùi xa một bước để nhìn thẳng vào nội dung của các hoạt động giáo dục, từ đó lần ra được điểm hội tụ của các hoạt động này, để xem khi cộng hợp lại thì chúng sẽ hướng đến việc tạo ra con người như thế nào. Đó chính là đầu dây mối nhợ của câu chuyện nhức đầu này.
Triết lý giáo dục hiện thời là gì?
Quan sát các hoạt động giáo dục đang được triển khai, có thể nhận thấy:
• Mục đích chính của việc học là học để thi. Thi gì thì học nấy.
• Nội dung chương trình được kiểm soát chặt chẽ dưới dạng sách giáo khoa và sách giáo viên. Thầy hiếm khi dạy ngoài sách, trò cũng chỉ phải học thuộc sách hoặc đề cương thầy giao.
• Phương pháp dạy chủ yếu là truyền đạt một chiều, theo kiểu đọc-chép, nặng tính áp đặt. Phương pháp học chủ yếu là học thuộc bài mẫu hoặc dạng mẫu. Phần thảo luận để phát triển tư duy phê phán, tư duy độc lập và tính sáng tạo không được khuyến khích. Người thầy là trung tâm của lớp học.
• Với các môn về khoa học xã hội, cả thầy và trò chỉ được chấp nhận một cách diễn giải chính thống. Với cuốn sách giáo khoa trên tay, người thầy là hiện thân của chân lý.
Những đặc điểm này nói lên điều gì?
Chúng nói lên rằng, hệ thống giáo dục hiện thời không khuyến khích học trò ra khỏi vòng kiểm soát của nội dung chương trình. Về đại thể, trò không được phép vượt quá thầy và đi ra ngoài sách giáo khoa.
Nó cũng không khuyến khích người học tự tìm tòi khám phá để xây dựng kiến thức cho riêng mình mà phải học thuộc và thừa nhận như chân lý một nội dung định trước.
Những con người được tạo ra từ hệ thống này cũng không được trang bị đủ kiến thức cập nhật, và đặc biệt không đủ kỹ năng để cạnh tranh trong môi trường quốc tế, vì lối học từ chương, học thuộc, học tủ, học để thi đang là chủ đạo.
Trò giỏi theo cách học này được hiểu là học giỏi và thi giỏi, chứ không phải là làm giỏi.
Nói một cách khác, hệ thống giáo dục hiện thời không hướng đến việc đào tạo con người tự do và độc lập, có tư duy phê phán, tư duy sáng tạo; mà chủ ý hình thành một người ngoan ngoãn, thích tuân thủ và cần cầm tay chỉ việc. Đó chính là hình ảnh của con người công cụ.
Hệ thống hiện thời được thiết kế để tạo ra những con người như vậy. Và các hoạt động giáo dục cũng dẫn đến kết quả như vậy. Do đó, dù nhìn từ cách tiếp cận nào thì cũng thấy đây chính là tinh thần chủ đạo của hệ thống giáo dục hiện thời.
Vì thế có thể nói, triết lý giáo dục hiện thời là đào tạo con người công cụ.
Điều này được cộng hưởng mạnh mẽ với nền văn hóa truyền thống, khi sự tuân thủ trên nguyên tắc ứng xử một chiều trên - dưới thấm đẫm trong mọi gia đình, và lối học từ chương từ xa xưa đã được coi là một chuẩn mực.
Triết lý này cũng phù hợp với lịch sử nhiều chiến tranh của Việt Nam, đặc biệt là trong thế kỷ 20, khi sự tuân thủ cấp trên và thực hiện mệnh lệnh là một trong những nguyên tắc sống còn của thời chiến.
Có sự kế thừa nền giáo dục truyền thống, có môi trường thời chiến, hoặc tư duy của thời chiến còn rớt lại, để sinh sôi, nên triết lý giáo dục này đã không bị phán xét hoặc phản biện thấu đáo.
Nhưng nay hoàn cảnh đã thay đổi, Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập toàn cầu, nhu cầu về sáng tạo và tự chủ cá nhân trở thành bức thiết, thì triết lý giáo dục đào tạo con người tuân thủ này đã không còn phù hợp.
Nó chính là nguyên nhân trực tiếp và sâu xa làm cho nền kinh tế của Việt Nam kém cạnh tranh và do đó đất nước rơi vào tụt hậu, mà biểu hiện cụ thể nhất là năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực đến hàng chục lần.
Vì thế, trong cuộc cải cách lần này, triết lý giáo dục cũng cần phải chuyển sang hướng đào tạo con người tự do, để học có thể tư duy độc lập, tư duy sáng tạo, thay vì đào tạo con người công cụ như mục đích của hệ thống hiện thời.
Điều này cũng tương tự như việc học để làm quan, để trở thành người quân tử theo quan niệm của Nho giáo, đã không còn phù hợp khi làn sóng văn minh phương Tây tràn đến hồi đầu thế kỷ 20 nên cả nền giáo dục đã phải thay đổi.
Chỉ khi nào thực hiện được sự thay đổi này thì mới có thể đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Còn nếu không, sự thất bại giống như các cuộc cải cách giáo dục trước đây là điều có thể dự báo trước.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn