Triết lý giáo dục của người Việt
Hội nghị TƯ 6 đề ra việc thực hiện nghị quyết Đại hội 11 “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục-đào tạo”. Các nhà nghiên cứu lý luận sôi nổi bàn về đổi mới giáo dục. Tranh cãi gay gắt nhất là chuyện tìm triết lý giáo dục. Nhiều người cho rằng không thấy lối ra cho giáo dục là vì không tìm được triết lý giáo dục. Một số vị giáo sư khẳng định rằng nước ta chưa từng có một triết lý giáo dục, ngay cả thời hưng thịnh nhất như Lý, Trần. Cách đây mấy thập kỷ, khi giáo dục bắt đầu lâm vào khủng hoảng, người ta cho phục hồi câu “tiên học lễ, hậu học văn”, một triết lý giáo dục của nho giáo từng được cả châu Á vận dụng, nhưng lần này đã không cứu vãn nỗi đà xuống cấp của nền giáo dục Việt Nam. Nước ta đã từng bị ngàn năm bắc thuộc, kẻ địch dùng triết lý giáo dục của chúng, chữ viết của chúng, văn hóa, phong tục của chúng để hòng đồng hóa dân tộc ta, vậy mà không thành. Phải chăng đó là vì chúng ta có nền tảng văn hóa và triết lý giáo dục cao hơn họ?
Trong một bài nói năm 1974, ông Lê Duẩn cho rằng tư tưởng nhân văn Việt Nam thể hiện ở câu ngạn ngữ “thương người như thể thương thân” cao thượng hơn chữ nhân của Khổng giáo, “việc gì mình không muốn thì đừng gây ra cho người khác” (Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân). Văn hóa Việt Nam đề cao tình thương yêu, quan hệ bình đẳng giữa các dân tộc, chủng tộc cũng vô cùng cao thượng: “Bầu ơi, thương với bí cùng; Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn”.
Việt Nam là một trong số các dân tộc chịu quá nhiều truân chuyên bởi phải liên tục đối phó với thiên tai, địch họa. Do đó, người Việt có tư duy rất năng động, không suy nghĩ một chiều, luôn trăn trở tìm tòi nhiều kế sách. Trong giáo dục, ông cha ta có nhiều triết lý đối chọi, hoặc bổ sung cho nhau, hậu thế phải tùy cơ mà vận dụng. Đề cao vai trò người thày,”không thày đố mày làm nên”, nhưng ngay sau đó ông cha ta lại khuyên”học thày không tày học bạn”. Học thày học bạn, nhưng còn phải học từ cuộc sống nữa “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. “Học” và “hành” vốn là hai từ gốc hán, sau khi du nhập vào nước ta thì chúng nhập lại thành một từ “học hành” có tính triết lý: học phải đi đôi với hành. “Học vấn” cũng là từ gốc hán, ở Trung Quốc có nghĩa là người có công phu ăn học, nhưng sang ta từ “học” cộng với “hỏi” một từ thuần Việt, trở thành triết lý giáo dục: Hỏi đóng vai trò quan trọng trong sự học. Đặc biệt, chúng ta có hai triết lý giáo dục quan trọng mà cho đến nay ngẫm ra vẫn đang ngang tầm thời đại, đó là: “Học ăn, học nói, học gói, học mở” và “Học một, biết mười”. Theo từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân thì “Học ăn, học nói, học gói học mở: Lời khuyên người ta điều gì cũng cần phải học, kể cả những việc tưởng như tầm thường”; “Học một, biết mười: Nói người thông minh từ điều học được suy rộng ra biết nhiều hơn”.
Các định nghĩa kể trên đều đúng, nhưng có lẽ chưa đầy đủ. Mong rằng các nhà nghiên cứu khoa học giáo dục bỏ công phân tích, chắc chắn sẽ khám phá được nhiều điều bổ ích. Điều kỳ diệu của câu ngạn ngữ “học ăn, học nói, học gói, học mở” là chọn ra được bốn động từ ăn, nói, gói, mở, mỗi từ chỉ ra rất nhiều cách nghĩ trái ngược nhau, cách làm đối chọi nhau, từ cụ thể đến trừu tượng. Động từ “ăn” kết hợp với một hoặc nhiều từ khác tạo ra được khoảng 300 từ mới, nhiều từ chỉ nghĩa bóng như “ăn cướp cơm chim” là hành vi hà hiếp người bần cùng, “ăn cây nào rào cây ấy” chỉ sự trung thành; “ăn cháo đá bát” chỉ hành vi phản bội. Cũng như vậy, từ “nói” có thể chỉ ra hơn 200 hoạt động khác nhau. Từ “gói” và từ “mở” vừa chỉ những hoạt động cụ thể như “gói món đồ”, vừa miêu tả những việc trừu tượng như “gói gọn vấn đề rộng lớn này trong một vài câu”; “mở khóa chiếc va li” và “mở cửa hội nhập quốc tế”, “mở lòng, mở dạ”. “Học ăn, học nói, học gói, học mở” chính là điều kiện, là phương pháp để “học một, biết mười”, làm xuất hiện những thiên tài Việt Nam không qua khoa bảng.
Hai thành ngữ này mang triết lý giáo dục sâu sắc của dân tộc ta. Trước hết, xác định chủ thể của sự nghiệp giáo dục là người học. Học là để nâng cao năng lực sống, nhằm đối phó với vô vàn thử thách của xã hội và thiên nhiên. Phải là con người tự do mới có dủ nhân cách để “suy rộng ra”, tưởng tượng được các tình huống sẽ xảy đến và dám quyết định cách xử lý chưa từng có tiền lệ.
“Học một, biết mười” không phải chỉ là nhờ ở trí thông minh. Nhà giáo dục J. Donald Walters rất có lý khi nói: “Trí thông minh đơn độc sẽ là tiêu chí rất nghèo nàn cho sự vĩ đại. Có quá nhiều kẻ thông minh nhưng ngốc nghếch trong thế giới này, tuy thông minh nhưng đáng tiếc là họ đã thể hiện một sự thiếu hiểu biết về lẽ phải thông thường. Và “những người này không có khả năng ngoại lệ về cảm nhận, vốn là bí mật sau chót của thiên tài”. Ông cho rằng những người đạt được thành tựu phi thường ở bất cứ lĩnh vực nào đều phảỉ có phẩm chất vĩ đại về mặt nào đó như một con người.
Đặt người học là chủ thể thì phải tôn trọng cá tính của trẻ, tôn trọng sự phản biện của người học. Theo Rousseau: “Mỗi đứa trẻ là một tính khí riêng biệt”. Ông khuyên, giáo dục phải quan tâm các năng khiếu bẩm sinh, sự khác biệt của các cá nhân, nếu không sẽ “tiêu diệt khuynh hướng riêng biệt và để lại sự đơn điệu buồn tẻ”. Nhiều nhà giáo dục cho rằng phẩm chất đầu tiên của con người là thành thật với chính mình. “Sự thành thật với bản thân cũng sẽ khiến bạn không thể xảo trá với bất kỳ ai khác” (Shakespeare, trong Hamlet). Luther Burbank nhà thực vật học nổi tiếng cho hay, sự hiểu biết về bản thân mình là một phần thiết yếu đã giúp cho ông hiểu và thực hiện đối với cây cỏ. Thậm chí nhìn thấu triệt các hoạt động vũ trụ cũng cần một mức độ nào đó sự hiểu biết về bản thân. Các nhà giáo dục cho rằng, Pytagore khẳng định trái đất tròn giữa thời cổ đại hẳn không phải từ kiến thức thông thường mà có tính mở rộng ý thức của riêng ông. Phải chăng cũng nhờ “mở rộng ý thức của riêng mình” mà Nguyễn Huệ dám hứa chắc với quân sĩ sẽ cùng ăn Tết ở Thăng Long, nơi đang có 20 vạn quân Thanh hùng hổ chiếm đóng?
Triết lý giáo dục từ hai ngạn ngữ nói trên chỉ ra rằng, cuộc sống muôn mặt, nhìn mặt trước phải biết có mặt sau, khi gói lại phải tính đến lúc mở, mọi vấn đề nãy sinh đều có cách giải quyết, mỗi mục tiêu có rất nhiều đường đến, chân lý phải được khám phá không ngừng, chớ tự buộc mình và buộc người khác vào những giáo điều! Triết lý đó nãy sinh và bảo vệ những phản biện nảy lửa. Khi bọn nha lại khuyên dân “Con vua thì được làm vua. Con sãi ở chùa phải quét lá đa”. Lập tức bị đáp trả: “Bao giờ dân nổi can qua. Con vua thất thế lại ra quét chùa”. Quyết liệt hơn nữa là: “Được làm vua, thua làm giặc”. Trong chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, tính phản biện vẫn càng sâu sắc. Ví dụ, phê phán thói tâng bốc lãnh đạo một cách quá lố: “Mất mùa là bởi thiên tai. Được mùa bởi có thiên tài Đảng ta!”
Đúng như nhà giáo dục lớn John Dewey đúc kết :”Triết lý là lý luận giáo dục xét như một thực tiễn được thực hiện một cách có chủ tâm”. Triết lý giáo dục Việt Nam đã góp phần tạo ra những con người giành giữ cho đất nước này chiến thắng và trường tồn vậy!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý