Triết lý giáo dục mầm non và manh nha giải pháp
- Kỳ trước: Giáo dục mầm non – gốc người bền vững
Khung chương trình giáo dục mầm non Việt Nam xem ra không khác bao xa so với thế giới ở các kiến thức, kỹ năng, niềm say mê kì vọng đạt được của trẻ: kỹ năng xã hội, kiến thức khoa học, say mê khám phá…Nhưng chương trình thực dạy trong các trường mầm non xem ra không có bao nhiêu ngoài mấy bài thơ, bài hát mà trong các giờ đó các con phải ngồi ngoan ngoãn theo sự sắp đặt của cô giáo...
1. Triết lý giáo dục mầm non Montessori
Từ Rousseau tới Montessori, tính tự nhiên trong các hoạt động của trẻ, sự gắn liền với thiên nhiên trong đời sống của trẻ đều được đặt lên hàng đầu. Trong khi Rousseau là người đầu tiên tạo ra một luồng tư tưởng giáo dục chưa bao giờ có trước đó thì Montessori, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Rousseau, đã phát triển triết lý giáo dục hiện đại này thành một mô hình trường học mà sau một trăm năm hoạt động không ai còn có thể phủ nhận hiệu quả của nó. Tính hiệu quả xét một cách phổ quát: sự hình thành nhân cách của những con người tự do, sáng tạohay theo khía cạnh mũi nhọn của giáo dục: sự nuôi dưỡng những mầm non thiên tài từ trong môi trường giáo dục đầu tiên và quan trọng này.
Một vài đặc điểm của triết lý Montessori: thầy cô giáo phải là những người đã được chuẩn bị từ bên trong - đã tự mình tôi rèn bản thân để trở nên những con người từ bi, bác ái, từ chối sự độc tài, kiêu ngạo. Nhân cách của người thầy đặc biệt hay thậm chí là tuyệt đối quan trọng đối với giai đoạn học thẩm thấu này của tuổi ấu thơ, quan trọng hơn tất cả mọi học liệu và phương pháp. Thầy cô là người thiết kế, tạo môi trường giáo dục đầy ắp tính văn hóa để trẻ em có thể say mê, tập trung vào hoạt động chơi của chúng trong một khoảng thời gian đủ dài không bị người lớn ngắt quãng (theo bà, khoảng thời gian lý tưởng nhất là 3 giờ đối với trẻ từ 2 tuổi rưỡi đến 6 tuổi). Chính sự tập trung và say mê này làm nên yếu tố kỷ luật và trật tự cho môi trường giáo dục chứ không phải các hình thức thưởng phạt hay thậm chí quát nạt, dọa dẫm. Sự tập trung vào một hoạt động và không bị ngắt quãng này càng tuyệt đối không phải để phục vụ lợi ích của người lớn là rảnh tay với con trẻ, như cách các ông bố bà mẹ trẻ cho con một chiếc iphone, ipad hay một cái điều khiển tivi và chúng ngồi đó bất động hàng giờ liền. Tôn trọng sự lựa chọn hoạt động chơi (hay chính là học) của trẻ là để chính trẻ làm bừng nở con - người – tương – lai của mình, khả năng và phẩm chất của mình. Việc dành một khoảng thời gian đủ dài để trẻ vui vẻ tập trung vào công việc của mình là bước quan trọng để trẻ phát triển năng lực tư duy, năng lực khám phá. Và quan trọng nhất là niềm SAY MÊ và VUI THÍCH lao động (là trạng thái bẩm sinh nơi mỗi đứa trẻ) không bị làm hỏng đi, để khi lớn lên chúng lại hoang mang vì không tìm ra niềm say mê trong cuộc đời mình.
Nghiên cứu sơ qua một vài đặc điểm của mô hình giáo dục Montessori chúng ta thấy rằng khó mà bê nguyên mô hình này áp dụng cho đông đảo các trường lớp mầm non hiện tại ở Việt Nam, ví như tiêu chuẩn bộ học liệu Montessori, giáo viên theo chuẩn chương trình Montessori….. Bàn vậy không phải để bàn lùi rằng chúng ta không có đủ cơ sở vật chất lẫn nguồn nhân lực để áp dụng mô hình giáo dục mầm non này, mà là để thấy chúng ta cần tôn trọng những yếu tố nào tuyệt đối không thay đổi được, và yếu tố nào có thể tạm thay đổi. Cụ thể với quan điểm cá nhân của tôi, có hai yếu tố quan trọng nhất là: trẻ em phải được tự do lựa chọn hoạt động chơi và môi trường phải là môi trường giáo dục đầy ắp tính văn hóa, xét theo yếu tố con người (thầy cô) lẫn vật chất (các học liệu mang tính khám phá, sáng tạo).
Vậy hiện trạng giáo dục mầm non của ta đã đảm bảo được các yếu tố quan trọng này chưa?
2. Manh nha một mô hình giáo dục hướng đến đông đảo trẻ em Việt Nam
Khung chương trình giáo dục mầm non Việt Nam xem ra không khác bao xa so với thế giới ở các kiến thức, kỹ năng, niềm say mê kì vọng đạt được của trẻ: kỹ năng xã hội, kiến thức khoa học, say mê khám phá…Nhưng chương trình thực dạy trong các trường mầm non xem ra không có bao nhiêu ngoài mấy bài thơ, bài hát mà trong các giờ đó các con phải ngồi ngoan ngoãn theo sự sắp đặt của cô giáo (gần như không có thầy giáo, cũng lại là một điều đáng tiếc cho sự phát triển của trẻ). Những bài thơ bài hát này quan trọng hay không quan trọng với trẻ? Những đứa trẻ này liệu có thích thú ngồi ngoan học hát học thơ? Hay chỉ để cuối tuần nhận phiếu bé ngoan và về hát khoe ba khoe bà?
Sau khi có cơ hội nghiên cứu về mô hình giáo dục mầm non High Scope, tôi nghĩ rằng nó khả thi ở Việt Nam, ngay cả với nông thôn, miền núi. Dựa trên triết lý giáo dục kinh điển của Rouseau và Montessori, mô hình này có sự uyển chuyển, sáng tạo ở cách bố trí lớp học. Các góc chức năng phong phú và hoàn toàn có thể nhặt nhạnh các vật liệu địa phương để thiết kế lớp học, chứ không nhất thiết đòi hỏi các bộ giáo cụ đắt tiền của Montessori. Và chính vì tính uyển chuyển này, một lớp học ở thành phố sẽ khác hoàn toàn một lớp học ở nông thôn, miền núi. Ví như góc xây dựng của một lớp học ở thành phố có thể là những bộ xếp hình đắt tiền những góc xây dựng của trẻ em nông thôn có khi lại là một vài bó rơm, cành cây để xây lên ngôi nhà tranh. Về nguồn nhân lực, vì sự đòi hỏi chuyên môn cao nhất và nhiều nhất ở giáo viên là việc thiết kế không gian lớp học (đã có mô hình) nên họ không phải quá bận bịu, đối phó với các loại giáo án này, bài soạn kia và do đó có nhiều thời gian gần gũi, chơi cùng con trẻ, có lẽ do đó cũng sẽ giải quyết được bài toán thiếu nguồn giáo viên mầm non cho các vùng nông thôn và miền núi.
Tất nhiên đây chỉ là một hình dung về một mô hình giáo dục mầm non có thể áp dụng rộng rãi, chưa thể gọi là một ý tưởng có tính khả thi. Tuy nhiên, rất có thể nó sẽ là một gợi ý cho những ai đang tâm huyết với con trẻ của dân tộc Việt.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn