Edgar Morin và giáo dục trong thế giới biến đổi
Vừa qua, tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội đã có cuộc Hội thảo về giáo dục với chủ đề Adgar Morin và Triết học Giáo dục với sự tham gia của một số nhà văn hóa, giáo dục và nhiều bạn trẻ. Bài viết dưới đây là tham luận của nhà văn Nguyên Ngọc tại Hội thảo...
Điểm độc đáo và đặc sắc của Edgar Morin là ông đặt vấn đề giáo dục trước những thách thức của cái mà ông gọi là “du futur”, “của tương lai”, tức trong một thế giới toàn cầu hóa và trong thế giới ấy, sự hội nhập của các quốc gia và dân tộc là một tất yếu.
Một thế giới như vậy sẽ trở nên vô cùng phong phú hơn đồng thời cũng vô cùng phức tạp hơn, các “chân lý” không còn đơn giản, rõ ràng như trước, hoặc như cách nói của Milan Kundera, chân lý tuyệt đối, duy nhất, độc tôn trước đây nay đã tan rã thành một mớ những chân lý tương đối mà các con người chia lấy cho nhau, nhận thức của con người do vậy có rất nhiều nguy cơ rơi vào điều mà E. Morin gọi là “sự đui mù của nhận thức”. Thế giới dẫu ta có muốn hay không cũng đang phẳng dần ra, cho đến những hang cùng ngõ hẻm, trái đất ngày càng nhỏ lại như một cái làng. Vấn đề căn cước quốc gia, dân tộc của con người có thể sẽ không còn quan trọng, ngay trong thực tế hành động hằng ngày, bằng căn cước địa cầu v.v… Thế giới đang biến động như chưa bao giờ có, dữ dội hơn, nhanh đến chóng mặt, cũng lại phức tạp đến rối rắm…
Liên kết các tri thức thành một khối thống nhất hoàn chỉnh tạo nên một cái nền vững chãi và bền chắc cho con người có thể ứng phó một cách chủ động và sáng tạo không chỉ với hôm nay mà cả tương lai. |
Vậy thử xem giáo dục ở ta đã ứng phó trước những thách thức nóng hổi ấy như thế nào? Có thể nói một cách tóm tắt: giáo dục ở ta đang cố chạy đuổi theo những biến động ấy, như một cuộc rượt bắt vừa đuối sức vừa vô vọng. Thể hiện cụ thể là yêu cầu ngày càng được nhắc đến và nhấn mạnh: giáo dục phải nhằm đào tạo ra những con người “dùng được ngay” cho đòi hỏi của thị trường việc làm. Giáo dục đã trở nên thực dụng hơn bao giờ hết, “ngắn hạn” hơn bao giờ hết. Chính chiến lược đuổi bắt ấy làm cho giáo dục ngày càng nặng trĩu, ai cũng thấy nặng nhưng không sao sửa chữa được, càng sửa càng nặng thêm, đến mức tình trạng “nặng” đã trở thành một trong những vấn nạn chủ yếu của giáo dục hiện nay. Song lại rất nghịch lý, một nền giáo dục như vậy lại không hề tạo ra những sản phẩm “dùng được ngay” có hiệu quả tích cực như mong muốn, may lắm cũng chỉ cung cấp được một lực lượng lao động làm thuê cằn cỗi, yếu đuối, hoàn toàn không đủ sức góp phần tạo chuyển biến đột phá thiết yếu cho đất nước trong hội nhập sôi nổi và căng thẳng ngày nay.
Chính trong thế giới đang biến động vũ bão này, giáo dục phải rất bình tĩnh trở lại với những vấn đề cơ bản nhất của con người với một tầm mức sâu và cao hơn. |
E. Morin đã trả lời câu hỏi của thế kỷ mới một cách khác, hoàn toàn ngược lại. Ông cho rằng chính trong thế giới đang biến động vũ bão này, giáo dục phải rất bình tĩnh trở lại với những vấn đề cơ bản nhất của con người, không chạy theo đuổi bắt mà trở lại những vấn đề cơ bản với một tầm mức sâu và cao hơn, để cho con người làm chủ được hiện thực ở một tầm khống chế vững chãi hơn. Chính những thách thức từ những biến động dữ dội của thế giới mới lại là cơ hội để giáo dục trở lại giải quyết những vấn đề lâu dài, cơ bản nhất của con người, như vấn đề về sự đánh lừa của hiện thực trông thấy được đưa đến tình trạng đui mù của nhận thức, hoặc vấn đề phát triển căn cước quốc gia, dân tộc của con người lên thành căn cước địa cầu, hoặc nữa những vấn đề mà ông gọi là “đạo lý của sự thông cảm” “sự giao cảm với tha nhân”, “sự nội tâm hóa lòng khoan dung” v.v…
Trong khi triết lý giáo dục của ta hiện nay là cắm cúi đuổi theo cái thực dụng tức thì, thì ông nói về sự quay lại với những giá trị lâu dài, nâng cao chúng lên, ngay trong thách thức mới tìm thấy cơ hội khắc phục những hạn chế lịch sử của con người. Trong khi giáo dục của ta chẻ nhỏ, ngày càng băm vụn các tri thức ra cho những yêu cầu cấp thời và cụ thể của thị trường lao động, thì ông nói đến việc liên kết các tri thức thành một khối thống nhất hoàn chỉnh tạo nên một cái nền vững chãi và bền chắc cho con người có thể ứng phó một cách chủ động và sáng tạo không chỉ với hôm nay mà cả tương lai. Trong khi giáo dục của ta lao vào cuộc chạy đua trang bị những kiến thức “mới” bất tận và luôn thay đổi, thì ông cho rằng điều quan trọng hơn, quan trọng nhất là tạo nên được những cái đầu được rèn luyện tốt để có thể tự nó chiếm lĩnh và làm chủ thế giới dẫu biến động đến đâu …
Các công trình về giáo dục của E. Morin mới mẻ, sâu sắc và cực kỳ phong phú. Song có lẽ đối với chúng ta lúc này thiết yếu và quan trọng nhất chính là triết lý giáo dục vừa cơ bản vừa hiện đại toát lên từ toàn bộ tưởng giáo dục của ông, thể hiện một cách chặt chẽ, mạch lạc, súc tích và hoàn chỉnh trong cuốn cuối cùng của bộ ba tác phẩm, hẳn còn có thể được khai thác ở nhiều khía cạnh phong phú khác. E. Morin coi những nguyên lý được đề xuất là “thiết yếu cho nền giáo dục tương lai”. Đối với chúng ta nó thực sự thiết yếu cho một cuộc tự vấn sâu sắc và căn bản của nền giáo dục ta ngay hôm nay, cho một đổi mới có ý nghĩa quyết định và cấp thiết của giáo dục.
Có thể nhắc lại một câu của nhà văn Mỹ Eliot, ông kêu lên: “Minh triết đi đâu rồi, chỉ còn lại tri thức! Tri thức đi đâu rồi, chỉ còn lại thông tin!” Hình như nền giáo dục chúng ta đang để lại còn ít hơn thế nữa. Nó để lại những tri thức và thông tin bị băm vụn thành những giáo điều cho người ta học thuộc lòng. Và cũng không thể không nhớ đến câu nói nổi tiếng của nhà giáo dục vĩ đại J.J. Rousseau: “Việc học tập đích thực của chúng ta là học tập về thân phận của con người”. Edgar Morin nói đến việc học tập về thân phận con người trong thế giới biển đổi như chưa từng có ngày nay.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá