Giáo dục Việt Nam bước vào thế kỷ 21

03:51 CH @ Thứ Ba - 11 Tháng Hai, 2003

GS. Phan Trọng Luận

1. Ngay từ những thập kỉ đầu tiên, nhất là những năm 50 và 60 của thế kỉ 20, trước sự phát triển mạnh mẽ của KHKT, các nhà khoa học và các nhà tương lai học đã nêu ra bao nhiêu dự báo lạc quan và bi quan về bức tranh nhân loại ở cuối thế kỉ này. Dự báo có đúng, có sai nhưng con người đã cùng lịch sử đi trọn 100 năm trong máu lửa chiến tranh bi hùng và trong sáng tạo diệu kì, viết nên bao trang sử huy hoàng với bao chiến công trên mọi lĩnh vực của đời sống loài người trên hành tinh. Nhiều phát minh về thế giới vĩ mô và vi mô cuối thế kỷ 20 đã ra đời mà chính con người đầu thế kỷ vẫn chưa thể hình dung nổi. Thành tích kì diệu đến đâu và thất bại đau đớn đến đâu của mọi dân tộc cũng không tách rời khỏi nguồn sức mạnh diệu kì nhất của chính con người. Nhân loại càng văn minh, các dân tộc ngày càng phát triển thì đồng thời cũng thoát ra khỏi sự u minh về sức mạnh diệu kì của giáo dục, một hoạt động có khả năng phát huy cao độ tiềm năng vô cùng tận ở bản thân con người. Hàng triệu máy vi tính đang là niềm tự hào của trí tuệ nhân loại, chúng có khả năng làm thay đổi sâu xa đời sống tinh thần và vật chất của con người hiện đại, nhưng hàng triệu máy vi tính sẽ còn hiện đại hơn nữa trong tương lai vẫn không so sánh được với bộ máy vi tính gốc là bộ não của con người. Giáo dục khơi dậy và tạo nên được tiềm năng vô tận của con người. Bước vào thế kỷ 21 mỗi dân tộc càng ý thức được sâu sắc về sức mạnh to lớn của giáo dục. Thành tựu cũng như thất bại trong cuộc cạnh tranh của các dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hoá và nhất thể hoá cuối thế kỷ 20 càng giúp cho các nhà quản lí quốc gia thực sự thức tỉnh về vai trò của giáo dục trong công cuộc chấn hưng đất nước mình. Cùng với bước trưởng thành của dân tộc trong công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm rồi xây dựng đất nước trong hoà bình, nền giáo dục của chúng ta đã ngày càng được nhận thức đúng đắn và được đánh giá xứng đáng hơn. Với NQTW2 (Khóa VIII) giáo dục đã được nhận thức một cách hệ thống, cơ bản, có tầm chiến lược hơn bao giờ hết. Đó là kinh nghiệm lớn lao đối với giáo dục của chúng ta trong thế kỷ qua, cũng là hành trang cần thiết cho thế kỷ mới, thế kỷ của trí tuệ, của nền kinh tế tri thức. Thành tựu giáo dục của chúng ta trong thế kỷ qua nhất là từ khi có chính quyền cách mạng thực sự là to lớn, đáng tự hào về quy mô, về hệ thống, về kết quả nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Có so sánh với nền giáo dục ảm đạm, thưa thớt, nghèo nàn đầu thế kỷ hay trong những năm dưới chế độ thực dân, chúng ta mới thấy hết công sức và thành tựu của nhà nước cách mạng. Thế nhưng chúng ta từ giã thế kỷ 20 với bao câu hỏi chưa có đáp số, với bao nhiêu tranh luận chưa dứt, với bao nhiêu vấn đề bức xúc của nhà trường, của giáo dục và của chính nhân dân. Phải chăng, chúng ta chưa thực sự có được một sự thay đổi triệt để về tư duy giáo dục phù hợp với thời đại ngày nay. Thời đại thay đổi không thể tư duy theo những chuẩn mực cũ. Cũng là vấn đề thầy giáo, vấn đề chương trình và SGK, cũng là vấn đề lớp học, cũng là vấn đề mục tiêu chiến lược của giáo dục hay hiệu quả đào tạo, tất cả đều là những chủ đề muôn thuở của giáo dục, tưởng như ổn định thành kinh điển, cổ điển như chân lí bất di bất dịch, chẳng có gì phải bàn cãi nhưng thời đại ngày nay buộc chúng ta phải có cách suy nghĩ khác trước, khi mà nền công nghệ thông tin, kĩ thuật số đang đảo lộn sâu xa đời sống văn hoá và vật chất lâu dài cũng như thường nhật của mỗi con người, khi mà nhân loại đang bước vào thế kỷ của văn minh, trí tuệ, khi mà thế giới đang đi nhanh vào toàn cầu hoá và nhất thể hoá,... Tư duy giáo dục không thể nguyên như cũ. Một nhà khoa học đã nói dân tộc nào sớm đổi mới tư duy giáo dục, dân tộc đó sẽ đi đầu trong cuộc cạnh tranh ngày nay. Đó là câu hỏi, là thách thức lớn cho mọi quốc gia, cho mỗi nhà quản lí đất nước trước thềm thế kỷ mới.

2. Người ta đều nói công nghệ thông tin đang đảo lộn đời sống văn hoá và vật chất của mỗi con người ngày nay, dĩ nhiên là với những mức độ không giống nhau. Tư duy xã hội thay đổi thì tư duy giáo dục làm sao có thể giữ nguyên như cũ, dưới ảnh hướng của kĩ thuật số. Tôi vào làm việc ở một thư viện Bắc Mĩ cuối năm 1999 giống như kiểu tư duy của tôi hồi làm việc ở thư viện Lenin năm 1983. Tôi xin chị nhân viên phụ trách danh mục những luận án tiến sĩ văn học và giáo dục của Mĩ những năm 80. Chị ta lấy cho tôi xem 2 bản luận án vừa bảo vệ xong tháng 4 và tháng 8 năm 1999. Tôi nói là tôi cần bản danh mục chung. Chị ta sững ra và bảo là sẽ cho tôi mã số để về nhà truy cập trên mạng internet. Tôi không biết được thư viện người ta đã hoà mạng internet mà tôi chỉ biết kiểu tư duy thống kê thư mục. Thế là có khoảng cách xa vời trong tư duy. 40 năm trước đây, tôi không hiểu nổi ý kiến của nhà nghiên cứu văn học Avơlin khi ông cho rằng cuối thế kỷ 20, người giáo sư lên lớp không cần đến những bộ sách đồ sộ mà chỉ cần đến một cái đã mềm. Đến bây giờ thì ta biết với công nghệ thông tin, một đĩa CD-Rom có thể ghi được hàng tỉ bit tương đương với 500 cuốn sách và sắp tới đến hàng ngàn cuốn. Với một cuốn từ điểnAnkalta, học sinh có thể tự học không cần đến thầy. Một sinh viên người Anh muốn học nhạc không cần ra nước ngoài, có thể ngồi tại phòng mình vẫn học trực tiếp với một giáo sư Hồng Kông đúng vào giờ đăng kí trên mạng internet. Năm 1994, tại một cuộc hội thảo quốc tế, tôi không hiểu vì sao vị giáo sư người Úc lại nói sang thế kỷ 21, phương thức dạy học papper-free chiếm ưu thế trong giáo dục và papper-free là gì, bấy giờ tôi cũng chưa biết. Rõ ràng là với những thành tựu to lớn đó của kĩ thuật thông tin, nhiều ý niệm, nhiều khái niệm về giáo dục, về dạy học, nhiều quan niệm quen thuộc về nguồn kiến thức, về phương tiện dạy học, về vai trò chức năng của ông thầy cũng như lao động học tập của học sinh đã có nhiều điều không còn nguyên như cũ nữa.

Chúng ta đều hiểu rằng kĩ thuật không phải là tất cả, là trên hết. Đất nước ta còn có nhiều khó khăn trong việc trang bị cơ sở vật chất cho nhà trường. Nhưng rõ ràng là bước vào thế kỷ 21, vấn đề đưa công nghệ thông tin vào nhà trường là một đòi hỏi bức bách. Trong cuốnCách mạng học tập,cuốn sách được nhiều nước đón mua, kể cả Trung Quốc, như là một cẩm nang đi vào thế kỷ mới, Dryden và Vos đã nêu ra 13 điều kiện để đi vào cuộc cách mạng học tập ngày nay của mỗi cá nhân thì nắm vi tính và nối mạng internet được coi là kĩ năng hàng đầu. Đây không phải chỉ thuần tuý là vấn đề kĩ thuật mà thực chất là khả năng và chất lượng tư duy con người thời đại. Người cầm bút viết tay, tư duy khác phần nào người đánh máy chữ. Nhưng giữa người đánh máy chữ với người sử dụng vi tính và nối mạng internet đã có một biến đổi cơ bản về chất lượng tư duy khoa học và tư duy xã hội. Công cuộc đổi mới tư duy giáo dục gắn liền với việc làm chủ kĩ nghệ thông tin ở mỗi con người trong nhà trường cũng như trong xã hội ngày nay. Đưa công nghệ thông tin vào nhà trường là một đòi hỏi cấp bách góp phần hình thành và phát triển tư duy khoa học thời đại cho học sinh và cho xã hội. Cho nên đặt vấn đề xây dựng và phát triển công nghệ thông tin trong giáo dục hoàn toàn không phải chỉ là vấn đề kĩ thuật mà thực chất là vấn đề tư duy khoa học và tư duy giáo dục thời đại, là một bộ phận ngoại lực của chiến lược giáo dục thời đại ngày nay mà bất cứ một nước nào dù phát triển hay đang phát triển không thể coi nhẹ. Nước nào nắm được công nghệ thông tin trong giáo dục nước đó sẽ đi đầu trong giáo dục. Nếu không biết tận dụng thông tin liên lạc điện tử nhanh chóng trong giáo dục thì sẽ giống như cha ông chúng ta không biết sử dụng hệ chữ alphabet, không sản xuất sách giáo khoa hay cọ xát đá để lấy lửa. Không phải không có căn cứ khi J.Vos và Dryden cho rằng "Những quốc gia biết lợi dụng sự bùng nổ thông tin liên lạc số và gắn với kĩ năng học tập mới sẽ đứng đầu thế giới về giáo dục".

3. Tiếng kêu về sự xuống cấp đạo đức trong xã hội hiện đại đang là lời cảnh báo chung cho tất cả các nước trên thế giới ngày nay. Cuộc khủng hoảng về văn hoá đạo đức đang diễn ra ngày càng trầm trọng trong tất cả các nước phát triển ở phương Tây cũng như phương Đông. Song song với sự thắng thế của cá nhân trong xã hội phát triển cao độ về khoa học công nghệ, chủ nghĩa ích kỉ, chủ nghĩa thực dụng, lối sống buông thả, sự tan vỡ của gia đình đang là mối lo chung của các xã hội và các nhà giáo dục.ở Mĩ có khoảng 14,3 triệu trẻ em sống thiếu bố hoặc mẹ; khoảng 3% sống không bố không mẹ; 3,4 triệu trẻ em đang tuổi đến trường, phải đi làm để nuôi thân. Mĩ và New Zealand là 2 nước có tỉ lệ trẻ em sinh ngoài giá thú cao nhất thế giới. Nạn Teracura ở Nhật hoàn toàn xa lạ với truyền thống đạo đức của đất nước Phù Tang.ở Bangkok có trên 10.000 trẻ em lang thang và 100.000 làm nghề mại dâm.ở Nga hiện nay có đến 2 triệu trẻ em lang thang, không ai quản lí. Trẻ em mồ côi đến giữa năm 1999 là 720 ngàn em. 2.000 trẻ em tự tử và 1.500 em gái dưới 18 tuổi bị cưỡng bức tình dục. Một vài con số ít ỏi nêu trên cũng có thể giúp ta hình dung được phần nào thảm kịch về văn hoá giáo dục của xã hội hiện đại ngày nay. Bài học đau xót mà thế kỷ cũ để lại cho thế kỷ mới là không được coi trọng khoa học công nghệ mà lại là việc nuôi dưỡng tâm hồn đạo đức cho con người, nhất là tuổi trẻ. Nhiêu nhà văn, nhà văn hoá lớn trên thế giới đã khẩn thiết cảnh báo thảm hoạ tai ương đối với nền văn hoá nhân loại và nhấn mạnh đến việc tăng cường giáo dục chủ nghĩa nhân văn, ýthức cộng đồng. Hơn bao giờ hết khi khoa học kỹ thuật đã giúp cho con người chỉ quan hệ gián tiếp qua kĩ thuật điều khiển từ xa trong mọi sinh hoạt cá nhân cũng như hoạt động xã hội thì con người rất dễ có nguy cơ sống biệt lập, xa cách một cách giả tạo với cộng đồng, kể cả những người ruột thịt thân thích. Trong cái rủi có cái may: chúng ta đi sau nên có được những kinh nghiệm xương máu của các xã hội phát triển để tránh được những mất mát khó hàn gắn lại được trong lòng của nhiều thế hệ đã qua trước những hiện tượng phát triển ồ ạt, tự phát về công nghệ hiện đại. Phát triển kinh tế mà coi nhẹ xã hội, tăng cường hiệu suất lao động mà lãng quên phát triển nhân văn thì xã hội hiện đại sẽ trở nên què quặt, bệnh hoạn. Các nhà quản lý quốc gia Malaysia, Singapore đã sớm nhận ra bài học lịch sử để duy trì và phát triển bản sắc văn hoá dân tộc ngay từ trong học đường, ở những lớp học thấp nhất. Le Kuan Yew, Thủ tướng Singapore cho rằng sự khác biệt cơ bản giữa xã hội phương Tây và phương Đông là xã hội phương Đông tin vào sự tồn tại của mỗi cá thể trong gia đình của họ. Và John Naisbit (nhà tương lai học nổi tiếng người Mĩ) cho rằng, người châuá có những phẩm chất cao quý như chăm chỉ, nghiêm túc trong học tập, kỉ luật cá nhân cao, thật thà. Giá trị của gia đình được đề cao, đó chính là chìa khoá đích thực của mỗi học sinh. Cho nên, có thể khẳng định rằng nhiệm vụ chiến lược của giáo dục trong thế kỷ mới là một mặt phải xây dựng được những con người năng động sáng tạo. Không năng động sáng tạo, không thể đẩy nhanh bước đi hội nhập của dân tộc vào nền kinh tế thế giới. Không năng động sáng tạo thì bản thân mỗi con người chúng ta không thể tồn tại và phát triển trong một xã hội luôn luôn biến động và phát triển không ngừng. Nhưng mặt khác lại phải đặc biệt chú trọng đến những phẩm chất cao thượng trong nhân cách là ý chí vươn lên, lòng tự trọng, ý thức cộng đồng và lòng nhân ái.

4. Trong những thập niên cuối của thế kỷ 20 đã rộ lên ở nhiều nước phát triển và đang phát triển vấn đề đổi mới phương thức đào tạo trong các trường học. Nước Nhật được mệnh danh là "thần kì Nhật Bản" do những thành tựu khoa học công nghệ rực rỡ nhưng rồi người Nhật lo lắng không còn giữ được nhịp độ phát triên mới, nếu phương pháp đào tạo nặng về trí nhớ, về con số. Các nhà sư phạm Pháp phát hiện ra một nghịch lí không thể để cho tồn tại mãi trong nhà trường: đó là sự ngự trị dai dẳng của phương pháp giáo điều, trong khi chế độ chuyên chế và thần quyền sụp đổ từ lâu. UNESCO cũng đã công bố nhiều tài liệu phê phán lối dạy học thụ động, giáo điều chỉ có thể đào tạo ra những công chức ngoan ngoãn hơn là những công dân năng động sáng tạo. Nhiều nhà văn hoá khoa học lớn trên thế giới đã lên án, phê phán lối dạy học giáo điều cũ kĩ và đã có những nhà khoa học từng nhận giải thưởng Nob8l đã tham gia vào việc đổi mới phương pháp đào tạo ở tiểu học như phong trào "Bàn tay bột" (Les mains à la pâte) ở Pháp hay "Bắt tay vào" (Hands - on) ở Mĩ. Các nhà sư phạm Pháp cho rằng phải có những thay đổi triệt để chứ không phải chỉ là những thêm bớt, gia giảm, có tính chất cải lương. Những sự cải tiến vụn vặt, lẻ tẻ, vô hình trung lại tô điểm hay bảo vệ cho lối đào tạo cũ kĩ đang bị lên án. Phải thay đổi một cách cơ bản, thay đổi có tính chất hệ hình (Edgar Morin). Hay nói cho đúng, cần có một cuộc cách mạng về phương pháp đào tạo, về phương pháp dạy học trong nhà trường ở mọi quốc gia.

Ở ta, trong hơn 10 năm qua cũng đã đặt vấn đề đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường đặc biệt là ở phổ thông.ởmột vài bộ môn đã có đạt được những kết quả nhất định về nhận thức lí luận và thể nghiệm cụ thể vào trong giờ học. Nhưng nhìn chung một cách khách quan, phải thừa nhận là những cố gắng của chúng ta chưa thực sự tạo được những chuyển biến cơ bản có tính chất nguyên lí hay hệ hình, chưa đồng bộ và chưa được chuẩn bị thật kĩ lưỡng về lí luận cũng như tổ chức triển khai. Còn nhiều vấn đề về nhận thức cũng như lí luận chưa thống nhất trong các nhà khoa học cũng như trong đông đảo giáo viên. Thậm chí cũng còn khá nhiều ngộ nhận về lí luận và phương pháp thực hành. Đây là một cuộc vận động đổi mới phương pháp hay thực sự là một cuộc cách mạng về giảng dạy và học tập? Khái niệm "học sinh là trung tâm" có xác đáng không? Phương pháp tích cực còn có thích hợp với yêu cầu đổi mới hiện nay hay không? Nội dung cốt lõi của đổi mới có phải là chương trình và sách giáo khoa hay không?... Có phải là chưa thật hợp lí và khoa học khi triển khai đổi mới phương pháp lại bắt đầu từ phổ thông mà bỏ qua ngành sư phạm.... Bước vào thế kỷ 21, bài toán về phương pháp đào tạo và phương pháp dạy học cần được tiến hành như một cuộc cách mạng trong giáo dục, có bài bản hơn về lí luận, có tổ chức đồng bộ hơn, với sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng và đông đảo các nhà sư phạm có kinh nghiệm đặc biệt là phải bắt đầu từ ngành sư phạm và cấp học tiểu học, cấp mở đầu cho nền giáo dục ở thế kỉ mới.

Nói cuộc cách mạng về phương pháp phải bắt đầu từ nhà trường sư phạm, từ cấp tiểu học mà đúng ra phải từ tiền học đường. Nhưng đó là nói về nhà trường. Mục đích cuối cùng vẫn là làm sao để từng cá nhân, mỗi cá thể, mỗi công dân tự mình có ý thức tạo được một cuộc cách mạng học tập trong bản thân. Nhà trường phải giúp cho từng học sinh thay đổi triệt để quan niệm và phương pháp học tập phù hợp với yêu cầu của thời đại ngày nay, thời đại mà mỗi người phải học tập suốt đời. Muốn học tập không ngừng, học tập cả đời thì phải biết tự học, phải biết tự sử dụng bộ não của mình. Nhà trường không thể là nơi truyền thụ đơn thuần thành tựu khoa học của quá khứ mà phải là nơi tập luyện cho mỗi người nắm được tri thức để sử dụng tri thức, đặc biệt là sáng tạo tri thức. Cuộc cách mạng học tập thúc đẩy mỗi con người biết tự giải phóng tiềm năng của bản thân, biết khai thác cao độ tiềm năng bộ não của mình. Dạy học phải là dạy cho người học biết học, biết cách học, biết phát huy cao độ tiềm năng bộ não của bản thân. Câu chuyện về nhà khoa học nổi tiếng Tony Buzan là một bài học sâu sắc cho mọi người ngày nay trên con đường học vấn và lập nghiệp. Tốt nghiệp mấy bằng đại học cùng lúc ở đại học British Colombia Canada năm 1964, Buzan tự hỏi hàng ngàn tiếng đồng hồ học toán, hàng ngàn tiếng học ngôn ngữ và văn học, hàng ngàn tiếng để học địa lí và lịch sử. Nhưng đã có tiếng để xem óc mình hoạt động như thế nào? bao nhiêu tiếng để học cách học, để suy nghĩ. Nói cách khác là để sử dụng cái đầu của mình? Cảm nhận được cái vô lí của sự học và sự dạy ở nhà trường, ông quyết định đi tìm sách và suy nghĩ nghiên cứu để viết về cái công cụ có giá trị nhất của con người là bộ não. Ông đã viết cuốn sách trong đó cuốnUse your headnổi tiếng, bán chạy hơn triệu bản. Cuốn sách đã góp một tiếng nói có giá trị vào cuộc cách mạng học tập trên thế giới. Một cuốn sách nữa viết năm 1999 về Cách mạng học tập của Dryden và J.Vos đã gây chấn động dư luận và được coi như là cẩm nang đi vào thế kỷ mới. Thông tin ở ta còn quá im ắng trong khi một nước như Trung Quốc trong vòng 25 tuần đã tiêu thụ 7 triệu rưỡi cuốn. Khai thác bộ não, phát huy tiềm năng to lớn của bộ não con người là chiến lược dạy và học ngày nay để tiến bước vào thế kỷ mới. Tiếc rằng ở ta nhận thức về cuộc cách mạng học tập còn quá giản đơn, nông cạn và chắp vá. Tiến hành một cuộc cách mạng học tập trong nhà trường và trong bản thân mỗi con người phải là một nhiệm vụ chiến lược cấp bách của giáo dục trong thế kỷ 21. Có thế mới kịp thời loại trừ lối dạy áp đặt, nhồi nhét, thụ động, chỉ dùng lời thuyết giảng như vẫn diễn ra hiện nay, ở không ít nhà trường phổ thông và đáng tiếc là ngay cả một số không nhỏ các trường đại học, kể cả đại học sư phạm. Nội lực của dân tộc ta trên con đường cạnh tranh khốc liệt với các nước trên thế giới, khi chúng ta bước vào thế kỷ 21 đầy thách đố này, tuỳ thuộc phần lớn, nếu không nói là hàng đầu vào cuộc cách mạng học tập sắp tới.

Cách đây 50 năm, có nhà khoa học khi bàn về thế kỷ mới đã sớm nhắc nhở bạn đọc hãy tích cực tham gia vào chứ không thể là một người đứng xem thế sự xoay vần. Trang đầu cuốn sổ tay của học sinh trung học Canada vào năm học 1999 đã ghi một câu hỏi "Sang thế kỷ 21 bạn sẽ làm gì? và bạn đã chuẩn bị gì cho công việc đầu thế kỷ mới?" Phải chăng đó cũng là lời khuyên và câu hỏi đang đặt ra cho tất cả chúng ta.

(Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu giáo dục, số 1/2001)


Tài liệu tham khảo
Dryden. Vos :The Learning Revolution,Hard-Cover1999


FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: