Người tạo nên vụ Big Bang 80 năm trước ở Sài Gòn

12:50 CH @ Thứ Sáu - 27 Tháng Ba, 2020

.Ngày 24/3 này, chúng ta có một kỷ niệm lớn: 80 năm ngày mất của Phan Châu Trinh (năm nay là 91 năm), và sau đó mấy hôm, ngày 4/4, kỷ niệm 80 năm đám tang vĩ đại của ông, mà Nguyễn Ái Quốc trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản hồi ấy đã viết là "trong lịch sử người An Nam chưa hề được chứng kiến một sự kiện to lớn như vậy bao giờ".




Ảnh tư liệu về đám tang Phan Châu Trinh tháng 4 năm 1926

Quả thật là một đám tang vĩ đại: theo các con số đáng tin cậy, 100.000 người đã đi theo linh cữu ông, kéo dài trên 2 cây số, trong khi năm 1926, dân số cả Sài Gòn và Chợ Lớn cộng lại là 345.000 người. Hơn một phần tư người Sài Gòn - Chợ Lớn đã long trọng tiễn đưa nhà ái quốc yêu quý của mình đến nơi an nghỉ cuối cùng. Rõ ràng không chỉ là một đám tang, mà là một cuộc biểu dương lực lượng hùng vĩ của quần chúng yêu nước, báo hiệu những chuyển động xã hội sẽ không còn gì ngăn cản được. Lại còn thêm một động thái khác thường nữa: hầu hết các tỉnh trong nước đều cử người về Sài Gòn dự đám tang, sau đó trở về địa phương mình tổ chức lễ truy điệu: thật sự đã diễn ra một quốc tang, trong toàn quốc, mà lại ngay trong lòng chế độ thực dân vô cùng khắc nghiệt và tàn bạo. Từ đám tang Phan Châu Trinh, có thể nói cả một lớp người mới, được chấn động bởi sự kiện hùng tráng đó, đã lên đường, một thế hệ cách mạng mới đã bước vào cuộc đấu tranh.

Con người mà cái chết đã gây nên chấn động lớn đến thế là ai vậy? Ông đã đi theo những con đường nào, đã để lại những gì cho dân tộc mình để có thể tạo nên một cuộc động đất dữ dội đến vậy - như đánh giá của Hoàng Xuân Hãn mấy mươi năm sau đó: "một Big Bang của lòng yêu nước".

Phan Châu Trinh (1872-1926)

Ông là nhà cách mạng xã hội, có tư tưởng dân chủ đầu tiên, là nhà văn hóa, một nhân cách lớn.

Phan Châu Trinh là một tấm gương sáng trong phong trào Duy Tân đầu thế kỷ 20. Ông là một nhà nho yêu nước có nhiều suy nghĩ tiến bộ. Có thể xem ông là người có tư tưởng dân chủ sớm nhất trong số các nhà nho yêu nước tiến bộ đầu thế kỷ.

Đặc biệt hơn nữa, ông chọn con đường dấn thân tranh đấu nhưng ôn hòa, bất bạo động. Ông coi dân chủ cấp bách hơn độc lập và coi việc dùng luật pháp, cai trị quy củ có thể quét sạch hủ bại phong kiến.

Với tinh thần yêu nước nồng nàn, suốt đời gắn bó với vận mệnh đất nước, với cuộc sống sôi nổi, gian khó và thanh bạch, ông xứng đáng để hậu thế ngưỡng mộ, noi theo ngày hôm nay...

>>Xem trang Tác giả...

Huỳnh Thúc Kháng, một trong những người đồng chí gần gũi nhất của Phan Châu Trinh đã viết một câu thoạt nghe rất lạ: "Phan Châu Trinh là nhà cách mạng đầu tiên của Việt Nam". Trong khi, rất cần chú ý, ông không dành sự đánh giá đó cho một nhân vật kiệt xuất cùng thời, cũng rất gần gũi, thân thiết với ông và được ông hết sức kính trọng, là Phan Bội Châu. Theo ông, Phan Bội Châu là nhà ái quốc rất lớn, có lòng yêu nước thống thiết bậc nhất. Nhưng là "nhà cách mạng" thì ắt phải có chỗ khác, mà là khác căn bản: nhà cách mạng không chỉ yêu nước, chống ngoại xâm mà còn là người có chủ trương làm thay đổi xã hội. Phan Châu Trinh chính là một con người như vậy, và đấy là chỗ phân biệt cơ bản giữa ông với tất cả những bộ óc lớn nhất của dân tộc cùng thời với ông.

Ấy là vào đầu thế kỷ trước, sau những thất bại đau đớn của tất cả các phong trào đấu tranh, các cuộc khởi nghĩa anh hùng mà bi tráng, vấn đề tìm được một con đường cứu nước đúng đắn đang được đặt ra vô cùng bức bách, giằng xé tâm can mọi con người Việt Nam. Như mọi sĩ phu đương thời, Phan Châu Trinh cũng đứng trước câu hỏi nóng cháy đó. Ông đã trả lời câu hỏi sống còn ấy như thế nào? Nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn đã có một phân tích rất sâu sắc về Phan Châu Trinh. Ông viết: "Sau khi phong trào Cần Vương bị đàn áp tan rã hoàn toàn, Phan Châu Trinh đã đi sâu nghiên cứu những nhược điểm cơ bản về văn hóa xã hội Việt Nam. Cụ thấy rõ nguyên nhân sâu xa đã đưa đến mất nước là sự thua kém của xã hội ta so với phương Tây. Phan Châu Trinh đã đưa ra một đường lối mới để tìm lối thoát cứu nước ...". Phân tích này hết sức quan trọng.

Như vậy, điểm độc đáo, đặc sắc đầu tiên của Phan Châu Trinh là ở ngay trong chỗ phương hướng đi tìm nguyên nhân mất nước: Khác với tất cả những bộ óc lớn nhất của dân tộc lúc bấy giờ, ông đi tìm nguyên nhân mất nước, nguy cơ dân tộc, không phải ở đâu khác mà là trong văn hóa, từ văn hóa. Có thể nói không sợ sai: ông trước hết là một nhà văn hóa lớn, một con người coi văn hóa là nền tảng cơ bản nhất của xã hội, của số phận dân tộc. Đất nước mạnh hay yếu, dân tộc thịnh hay suy trước hết là ở trong văn hóa, do văn hóa. Chỉ riêng điều này thôi, ông đã vượt lên tất cả những người cùng thời.

Điểm đặc sắc lớn thứ hai: Là người yêu nước chân chính, ông không hề mị dân, không chỉ một mực nhắm mắt ca ngợi dân tộc mình, mù quáng chửi bới ngoại bang bất kể mọi thứ, ông không tự lừa bịp mình và lừa bịp đồng bào mình bằng những tự hào hão. Yêu nước, yêu đồng bào mình vô cùng nên ông dám nhìn thẳng vào những nhược điểm, mà là những nhược điểm cơ bản của dân tộc, những căn bệnh trầm kha hủy hoại đất nước, một cái nhìn đòi hỏi một sự trung thực và một lòng dũng cảm rất lớn. Ông dám lớn tiếng nói: Dân tộc ta đã thua vì dân tộc ta quả đã quá kém cỏi, mà là kém cỏi ở tận gốc, ở văn hóa, ở những căn bệnh cơ bản về văn hóa.

Và thứ ba: Nhược điểm cơ bản so với ai? Ông nói rõ: So với phương Tây. Tức là, nói chính xác và theo cách nói ngày nay: ông là người đầu tiên, trong thời của ông, nhận ra một cách rõ ràng, toàn diện, có hệ thống cuộc toàn cầu hóa. Cuộc toàn cầu hóa lần thứ nhất đang diễn ra mà cả nước ta u mê không hề biết, cứ nghĩ và hành xử như suốt mấy nghìn năm trước, khi "thế giới" đối với chúng ta chỉ gồm có "thiên triều Trung Hoa" với các chư hầu chung quanh. Ông nhận ra thời đại đã khác. Suốt mấy nghìn năm trước, rất nhiều lần chúng ta đã phải đối mặt với đối thủ của mình trong một thế chênh lệch lực lượng hết sức bất lợi, nhưng dẫu sao giữa ta với họ vẫn là cùng một thời đại lịch sử, đấy đều là những cuộc xâm lược và chống xâm lược trong nội bộ chế độ phong kiến phương Đông. Lần này khác hẳn. Đối thủ của chúng ta là của một thế giới đã mở rộng ra mênh mông, đã toàn cầu hóa, và trong cuộc toàn cầu hóa ấy, ta chậm, thấp hơn họ một thời đại. Thất bại như vậy là tất yếu.

Vậy con đường thoát duy nhất là phải ra sức rút ngắn khoảng cách về thời đại đó, nâng dân tộc mình lên ngang tầm thời đại với đối thủ của mình, chỉ trên cơ sở đó mới có thể giải quyết mọi vấn đề và bằng những phương thức thích hợp tùy hoàn cảnh cụ thể.

Như vậy, chúng ta thấy, khác và vượt lên rất xa những người cùng thời, Phan Châu Trinh không chỉ đặt vấn đề giải phóng dân tộc, ông đặt vấn đề xa hơn và căn bản hơn: phát triển dân tộc, trong một thời đại đã hoàn toàn thay đổi. Suốt cuộc đời ông, Phan Châu Trinh đã cống hiến tất cả cho con đường ông đinh ninh là duy nhất đúng đó. Là một người Quảng Nam hết sức Quảng Nam, ông rất "ngang bướng" vì chân lý ông đã tin, quyết đeo đuổi nó đến cùng. Ông khăng khăng tuyên bố: "Tôi xin nói thực với các anh, tôi đã bỏ hai phần ba đời tôi để tìm lấy thuốc mà chữa trị cho nước nhà. Thông minh tôi tuy kém, tài trí tôi tuy hèn, nhưng trong buổi giao thời này, tôi có thể dám nói rằng: cái trách nhiệm nòi giống của dân tộc Việt Nam, tôi không nhường cho ai cả".

Trên cơ sở nhận thức rõ ràng và quyết liệt đó, ông cùng Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, cái "Bộ ba Quảng Nam" nổi tiếng, phát động phong trào Duy tân sôi nổi. Đến nay nhìn lại, có điều rất lạ: Phong trào ấy không hề có có chủ trương và chuẩn bị khởi nghĩa... Mà là một cuộc đại cải cách giáo dục, được tiến hành đầu tiên ở Quảng Nam (60 trường đã được mở ra trong một thời gian rất ngắn, chủ trương một nền giáo dục hoàn toàn mới) rồi loang rộng ra khắp Trung Kỳ (trong khi ở Hà Nội có Đông Kinh Nghĩa Thục, mà Phan Châu Trinh cũng là một trong những người tham gia sáng lập). Phan Châu Trinh là người có lòng tin khổng lồ vào sức mạnh của tri thức. Ông tin rằng tri thức được gieo rắc vào quần chúng thì sẽ có thể làm lay trời chuyển đất. Quả không sai: chỉ sau ba năm vận động Duy Tân, đã bùng nổ ra cuộc Trung Kỳ dân biến, cuộc nổi dậy lớn nhất của quần chúng, một trong những báo hiệu sớm nhất của Cách mạng Tháng Tám về sau.

Kỷ niệm Phan Châu Trinh, cần làm sống lại những tư tưởng vẫn còn mới mẻ một cách kỳ lạ của ông.


LỜI ĐẠT TRONG
LỄ QUỐC TANG NHÀ CÁCH MẠNG PHAN CHÂU TRINH 91 NĂM TRƯỚC (24-3-1926)

.

Thông qua Lơi Đạt của Hội đồng trị sự lo đám tang Cụ Phan Châu Trinh, đạt đồng bào ta ở Sài Gòn và khắp Trung, Nam, Bắc kỳ, ta thấu hiểu ảnh hưởng của ông đối với quốc dân và những nhà ái quốc đã nhân cơ hội "tiêu cực" này để "tích cực" vùng lên chống nanh vuốt thực dân:

"Hỡi anh em chị em,

Hỡi ôi: Trời gieo họa lớn cho non sông Việt Nam ta, cho cả đồng bào Hồng Lạc ta, làm cho một vị ái quốc anh hùng, bấy lâu lưu lạc nước ngoài, nay mới về đây, chí cao chưa toại, nghiệp cả chưa thành, đã vội ngậm hờn nơi chín suối.

Ấy là Cụ Phan Châu Trinh tạ thế.

Cụ Phan Châu Trinh là một người đã bước thức nhất lên con đường cải cách chính trị của quốc dân ta, trong 20 năm cụ đã bỏ nhà bỏ vợ con, bị tù đày, để cầu cho dân ta được mau tiến hóa. Công nghiệp ấy lớn biết dường nào! Nhất là trong nước suy kém, trò đời đảo điên mà được một người có nhân cách cao thượng, khí tiết hùng hào như cụ, thì thật là vẻ vang cho dân tộc ta lắm.

Dẫu cho kẻ thù của Cụ kiếm cách mà vùi giập Cụ đến thế nào đi nữa. Cụ cũng đứng đầu hàng trong cuốn Việt Nam Phục Hưng Sử sau này.

Tiếc thay từ ngày Cụ về ở Sài gòn đến nay, chưa thi thố gì được mấy thì thọ bệnh càng ngày càng nặng. Chúng tôi đã lo hết phương cứu chữa song không thể khỏi được. Cụ đã ly trần ngày 24 tháng 3 năm 1926 lúc 21 giờ rưỡi.

Chúng tôi đã lập sẵn ban Hội đồng này để lo việc tang của Cụ và đã khâm liệm Cụ một cách rất long trọng ấy là tỏ chút lòng tôn kính một người ái quốc của chúng ta.

Chúng tôi lại gởi tờ báo tang này khắp cả ba kỳ, thỉnh cầu đồng bào ta thi hành theo như chương trình sau này:
...

"
Phần tiếp theo là những điều khoản khá tỉ mỉ cho mọi người, mọi giới, mọi đoàn thể và chúng ta đã thấy cả ba kỳ răm rắp tuân theo.

Đoạn gần cuối có mấy câu tỏ ý rất khôn khéo: "... đối với người có công, chúng ta há chẳng nên biểu dương và sùng bái hay sao. Nếu cụ Phan Châu Trinh mà không được hưởng cái lễ long trọng này thì những người như Cụ sống đây ai còn thiết gì đến chúng ta nữa. Một dân tộc nào không biết tôn kính người ái quốc là dân tộc ấy không có lòng ái quốc, chính phủ chẳng hề ra lệnh cấm dân ta ái quốc, miễn là chúng ta hành động một cách có trật tự".

Tờ Đạt do những nhân vật tiếng tăm nhất Sài Gòn thời bấy giờ đứng tên: Bùi Quang Chiêu, Phan Văn Trường, Lê Quang Liêm, Nguyễn Văn Thinh, Trần Văn Đôn, Nguyễn Phan Long... Trong số những tên kế tiếp có cả Trần Huy Liệu.

Trong những đoàn thể đi đưa là Thanh Niên Cao Vọng (Thanh Niên Đảng). tổ chức chính trị của Nguyễn An Ninh đóng góp không nhỏ vào việc huy động quần chúng làm lễ quốc tang này.

Báo chí cũng góp phần không nhỏ vào công cuộc vận động lễ quốc tang này.

Cuộc đời Phan Châu Trinh đi vào trang sử đấu tranh chống phong kiến, ngoại xâm, xây dựng dân chủ ở Việt Nam, mở ra con đường duy tân, chấn hưng văn hóa rất dài và chông gai của dân tộc!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Phan Châu Trinh và sự thức tỉnh dân tộc thế kỷ XX

    03/11/2015Đỗ Hòa HớiVề Phan Châu Trinh, trước đây đã có nhiều người nghiên cứu, nhất là về vai trò, vị trí của ông đối với phong trào cách mạng đầu thế kỷ. Tuy nhiên, do phương pháp, trình độ nhận thức, cững như do hạn chế về tư liệu mà sự đánh giá về ông cũng có nhiều điểm chưa thỏa đáng. Vấn đề Phan Châu Trinh trong điều kiện cho phép hiện nay đặt ra trước các nhà nghiên cứu nhiều khía cạnh mới mẻ. Trong bài viết này tác giả cố gắng tìm hiểu những đóng góp của ông vào sự thức tỉnh dân tộc đầu thế kỷ XX như là một thử nghiệm, một sự lựa chọn con đường phát triển cho dân tộc...
  • Tư tưởng lập hiến của Phan Châu Trinh

    17/04/2015Phan Đăng Thanh"Còn như theo cái chủ nghĩa dân trị thì tự quốc dân lập ra Hiến pháp, luật lệ, đặt ra các cơ quan để lo chung cho mọi người... ". Tư tưởng lập hiến tiến bộ của Phan Chu Trinh được tác giả trình bày khá đầy đủ, cụ thể trong bài viết này.
  • Tư tưởng canh tân sáng tạo nền văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX của chí sĩ Phan Châu Trinh

    26/09/2014Đỗ Hòa HớiVới sự nghiệp đổi mới, vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa và hiện đại hóa văn hóa dân tộc đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Qua tìm hiểu chí sĩ Phan Châu Trinh, chúng tôi thấy ông là một tấm gương mạnh dạn canh tân và sáng tạo nền văn hóa dân tộc vào thời điểm đầu thế kỷ XX.
  • Ảnh hưởng triết học phương Tây trong quan niệm của Phan Bội Châu về con người

    22/10/2005Đỗ Thị Hoà HớiPhan Bội Châu là người có vị trí đặc biệt trong lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ông được coi như chiêc cầu nối giữa truyền thông và hiện đại. Trong tác phẩm Nhân sinh Triết học, về nền học vấn của phương Đông, trên cơ sở những giá trị dân tộc, Phan Bội Châu đã biết cách tiếp nhận những giá trị hiện đại của triết học phương Tây, đặc biệt là vấn đề phương pháp để làm mới quan niệm về con người. Trong tác phẩm này, nghiên cứu về con người của ông được sử dụng qua các khái niệm nhân thể, nhân tính, nhân dục, nhân cách, nhân sự. Qua đó, ông khẳng định những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, đồng thời, kêu gọi nhân dân biết cách giữ lấy giá trị truyền thông cũng như tiếp nhận những giá trị mới phù hợp của thời đại để đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người...
  • Phan Châu Trinh toàn tập

    05/10/2005Bộ sách “Phan Châu Trinh tòan tập” vừa ra mắt nhân dịp giỗ lần thứ 79 ngày mất của nhà chí sĩ họ Phan (24-3-2005). Hội khoa học lịch sử VN, trực tiếp là giáo sư Chương Thâu, nhà sử học Dương Trung Quốc và bà Phan Thị Minh - hậu duệ của cụ Phan Châu Trinh - đã sưu tập tòan bộ trước tác của cụ Phan và lần đầu tiên công bố đầy đủ nhất trong ba tập sách với tổng cộng hơn 2000 trang in khổ lớn...