Nghe tiếng dân trên không gian ảo

02:37 CH @ Thứ Hai - 04 Tháng Tám, 2014

Internet ngày càng phát triển và trở thành không gian rất thuận lợi cho việc phát biểu ý kiến cá nhân. Trước thực tế đó, các nhà lãnh đạo phản ứng như thế nào? E ngại, hạn chế hay lắng nghe và tương tác?

Báo Tuổi Trẻ ngày 1/9/2005 dẫn nguồn tạp chí Bắc Kinh cho biết các lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc (TQ) đã sử dụng Internet để thu thập ý kiến của người dân. Một trong những dấu hiệu cho thấy điều đó là phát biểu của Thủ Tướng Ôn Gia Bảo: “Hôm qua tôi đảo một vòng trên mạng Tân Hoa Xã. Các công dân mạng biết hôm nay tôi họp báo nên họ đã đặt cho tôi một số câu hỏi. Sự quan tâm của họ đối với các vấn đề đất nước khiến tôi xúc động sâu sắc. Rất nhiều ý kiến và đề nghị có giá trị”. Nhiều địa phương ở TQ hiện nay đã lập các website dành cho nhân dân hoặc cung cấp những hộp thư điện tử miễn phí để nhận thông tin, ý kiến của họ. Hội Đồng Nhà Nước TQ từ năm ngoái đã chỉ đạo một số tổ chức thu thập các ý kiến trên mạng và định kỳ tổng hợp làm báo cáo gửi các lãnh đạo cao cấp để nắm bắt tình hình và kịp thời giải quyết(*). Đây là bước chuyển lớn về nhận thức, chứng tỏ các nhà lãnh đạo TQ đã có thái độ “mở” khi tiếp cận Internet, biết cách khai thác thế mạnh của nó, biết nhìn rộng hơn, nghe kỹ hơn trong “cõi ảo” để nắm lấy những thông tin sát thực.

Một trong những xu hướng rất rõ trong thời đại thông tin là ngày càng có nhiều diễn đàn trực tuyến (forum) xuất hiện, cũng như nhiều công dân mạng thích phát biểu trên diễn đàn về mọi vấn đề, từ đời sống tình cảm đến tình hình kinh tế, xã hội. Đối với họ, những dịch vụ khác của Internet như chat, e-mail vẫn chưa đủ vì chỉ cho phép trao đổi thông tin trong một vài người, hoặc một nhóm. Trong khi đó, trên diễn đàn, ý kiến được phổ biến công khai, được nhiều người từ khắp nơi đọc, đánh giá, nhận xét, trao đổi và bổ sung thông tin.

Trao đổi trên mạng nhiều khi rất thú vị vì tư duy của người tham gia được kích thích, họ lại có thời gian đào sâu suy nghĩ, tìm hiểu nhiều nguồn thông tin, liên hệ, đối chiếu nhiều góc độ khác nhau, từ đó nảy ra những ý tưởng mà bình thường (khi thông tin không được trao đổi) không thể có được. Ngoài ra, trên diễn đàn còn có nhiều thông tin mà theo con đường thông thường đôi khi khó đến tai lãnh đạo do phải qua nhiều trung gian. Với những đặc tính đó, các diễn đàn, nếu được khuyến khích và được tổ chức, định hướng sẽ là nguồn cung cấp thông tin, ý kiến rất bổ ích với chính quyền.

Ngược lại, chính quyền cũng có thể thông qua mạng để trả lời người dân, giải thích chính sách hay những khúc mắc của dân, tránh những hiểu lầm không cần thiết. Đó cũng là một phần công việc thường ngày của chính quyền, chỉ khác là thực hiện thông qua mạng.

Ở Singapore có một cơ quan thuộc Chính Phủ (Feedback Unit) chuyên thu thập ý kiến phản hồi của người dân. Cơ quan này quản lý một cổng điện tử của chính phủ dành tham khảo ý kiến người dân (tại địa chỉ http://app.feedback.gov.sg/asp/index/asp) và thường xuyên mời gọi người dân vào đó tham gia góp ý, thảo luận. Cổng này lấy câu “Your Opinion Counts” (Ý kiến của bạn là có giá trị) làm khẩu hiệu. Tại trang lấy ý kiến, có đoạn giới thiệu: “Tại sao bạn phải kìm nén những suy nghĩ của mình? Hãy cho chúng tôi biết quan điểm của bạn về các chính sách và những vấn đề quốc gia”. Không chỉ khuyến khích người dân bày tỏ suy nghĩ, nhiều bộ ngành của Singapore tham gia cổng điện tử này đã trả lời người dân rất chu đáo, cặn kẽ. Mới đây Feedback Unit đã mời nhân dân thảo luận về bài diễn văn chào mừng ngày Quốc Khánh của Thủ Tướng Lý Hiển Long với những gợi ý rất cụ thể, thiết thực.

Đối với VN, cách làm này nếu được áp dụng sẽ tạo điều kiện thu hút chất xám toàn dân. Vấn đề là VN cần có một cái nhìn thoáng hơn về không gian điện tử. Trong lễ trao giải 10 CIO xuất sắc Đông Dương hồi tháng 5/2005, ông Nguyễn Ngọc Kim, Phó Chủ Tịch UBND tỉnh kiêm giám đốc Trung Tâm Công Nghệ Tin Học tỉnh Lào Cai (một trong 10 CIO được nhận giải) nói rằng, điều kiện đầu tiên để ứng dụng tốt CNTT là thay đổi nhận thức, và người cần thay đổi nhận thức đầu tiên chính là lãnh đạo! Từ chỗ e ngại Internet, đến sử dụng nó để tương tác với dân, người lãnh đạo phải có tư duy tích cực, mở rộng lòng để lắng nghe và đón nhận.

(*): Theo báo Tuổi Trẻ ngày 1/9/2005

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tham mưu: Kiến thức và trung thực

    16/06/2017Trần Bạch ĐằngGần đây, trong một số sai sót cả về chính sách lẫn điều hành ở tầm mức ảnh hưởng không hay đến xã hội, dư luận có nhắc một tác nhân - những người tham mưu. Tất nhiên, cách đánh giá nào đó sẽ không thực sự công bằng bởi lẽ cũng có những ý kiến tham mưu - ta hiểu, những ý kiến đóng góp cho người ra quyết định cuối cùng - mang lại hiệu quả không nhỏ, thậm chí rất lớn nữa.
  • Nhân dân như là một phạm trù của Văn hóa chính trị

    25/07/2014Nguyễn Trần BạtNói đến đời sống chính trị người ta thường nghĩ ngay đến các nhà chính trị và các chính đảng. Đó là những bộ phận rất quan trọng cấu thành đời sống chính trị. Nhưng sẽ không có cả các nhà chính trị lẫn các chính đảng nếu không có nhân dân. Nhân dân bao giờ cũng là các đối tượng để các đảng lôi kéo...
  • Đồng thuận xã hội

    17/06/2014Nguyễn Trần BạtCó một thuật ngữ được báo chí và truyền hình sử dụng khá nhiều trong những năm gần đây, nhưng lại đang được hiểu một cách không đầy đủ, đó là đồng thuận. Có thể khẳng định, cho đến nay khái niệm này vẫn chưa được nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện....
  • 12 quy luật của nền kinh tế số

    30/09/2005TS. Lê Trường TùngCác chuyên gia dự kiến nền kinh tế số sẽ kéo dài không quá một hoặc hai thế hệ. Khi mạng số lấp đầy mọi lĩnh vực trong đời sống của chúng ta thì sẽ xuất hiện nền kinh tế khác, với những quy luật hoàn toàn mới. Những quy luật mô tả sau đây nên xem như quy luật thời kỳ quá độ...
  • Thông tin xã hội và vai trò của nó trong quản lý xã hội

    24/08/2005Nguyễn Hữu Đễ (*)Thông tin xã hội có nội dung rất đa dạng và phức tạp. Đối với quản lý xã hội, vai trò quan trọng của nó được thể hiện ở chỗ; Thứ nhất, thông tin xã hội là cơ sở, điều kiện cần thiết để tiến hành quản lý xã hội: thứ hai, tùy theo chất lượng, nó có thể đẩy nhanh hoặc làm chậm tốc độ phát triển của hệ thống xã hội và cuối cùng, quyết định sự thành công hay thất bại của cả quá trình quản lý xã hội.
  • CNTT biến đổi xã hội: 9 viễn cảnh và thách thức

    19/07/2005Việc phát triển mạng ở quy mô toàn cầu sẽ đụng chạm đến các mối quan hệ quốc tế khi dòng thông tin vô hình chảy xuyên biên giới và các công ty đa quốc gia sử dụng mạng toàn cầu phục vụ lợi ích riêng. Thách thức lớn nhất cho mọi thành viên xã hội là hiểu được mình cần tận dụng các thành tựu tiên tiến của truyền thông điện tử hiện đại trong giao tiếp như thế nào...
  • "Chúng ta nhất trí với nhau dễ dàng quá!"

    09/07/2005TS Lê Đăng Doanh“Chúng ta nhất trí với nhau nhiều quá và dễ dàng quá!”, giáo Sư Robert Wade nổi tiếng của Đại học Kinh tế London lừng danh đã thốt lên như thế trong phiên bế mạc hội thảo tổng kết 20 năm đổi mới hôm 1/7/2005 vừa qua.
  • xem toàn bộ