Di chúc Hồ Chí Minh: Vấn đề dân chủ và "Thực hành dân chủ rộng rãi" với bối cảnh hiện nay

Viện Nghiên cứu phát triển tp. HCM
09:42 CH @ Thứ Hai - 20 Tháng Mười Hai, 2010

Bài viết này tác giả trên cơ sở khẳng định giá trị về tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc và nêu lên những vấn đề cần giải quyết về mặt dân chủ để tạo động lực, đổi mới, hội nhập và phát triển thành công. Do đó bài viết không nói nhiều về thành công dân chủ hóa trong đổi mới.

Đây là vấn đề lớn, nhạy cảm khó khăn, liên quan tới sinh mệnh của đảng cầm quyền và chế dộ ta, nên trong phạm vi một bài tham luận nhân Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh, thì tác giả chỉ phát hiện và nêu vấn đề trong thực tế cần quan tâm hiện nay theo góc nhìn triết học đương đại gắn với thực tế.

Bài viết nêu lên 2 nội dung chính:

1- Ba tư tưởng cơ bản về dân chủ có giá trị lâu dài từ trong Di chúc
2- Một vài vấn đề thực hành dân chủ rộng rãi, dân chủ chiều sâu và những yếu kém trong thực tế hiện nay cần khắc phục và cần sáng tạo mới.

*

* *

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh, không chỉ là một nhà yêu nước vĩ đại hay một nhà quốc tế cộng sản lớn, kiệt xuất của thời đại ngày nay mà còn là một nhà dân chủ cách mạng tầm thế giới, nghĩa là mang khát vọng dân chủ và đấu tranh vì dân chủ, nhưng là gắn bó giữa yêu nước, độc lập dân tộc, hòa bình và hữu nghị, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Từ chủ nghĩa nghĩa yêu nước, nhân văn Việt Nam, Người đến với văn minh phương Tây và nhất là từ chủ nghĩa Mác- Ăng nghen, chủ nghĩa Lênin, rồi trở về với truyền thống văn hóa phương Đông, tiếp cận chủ nghĩa Tôn Dật Tiên, Hồ Chí Minh đã tiếp thu các tư tưởng khoa học, tư tưởng nhân văn, tư tưởng dân chủ, bình đẳng, công bằng, tư tưởng xã hội chủ nghĩa… Người đã kết hợp với chủ nghĩa yêu nước, nhân văn của Việt Nam với chủ nghĩa dân chủ, xã hội chủ nghĩa của Mác- Ăngghen- Lênin làm cốt và theo tinh thần biện chứng, thực tiễn, thâu hóa, bổ sung, phát triển và ứng dụng vào thực tế nước nhà thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người…

Nhưng ở đây, bài viết này, chủ yếu chúng tôi đề cập tới vấn đề dân chủ ở Hồ Chí Minh, xuất phát từ Di chúc của Người với ba tư tưởng cơ bản có giá trị lâu dài:

- Dân chủ và giàu mạnh, có dân chủ mới có giàu mạnh, có công bằng...
- Dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân mới có thể giành được thắng lợi trong sự nghiệp kiến quốc vĩ đại.
- “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi” và tất nhiên không chỉ trong Đảng.

Từ đó, phân tích ba vấn đề, cũng là ba yêu cầu dân chủ (dân chủ công tác cán bộ, dân chủ trong các dự án, dân chủ trong đại hội đảng các cấp và ở cơ sở) trong thực tế, chủ yếu liên quan tới 2 ý sau trên đây.

Đã có một số công trình sách báo nghiên cứu về vấn đề dân chủ trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Song nghiên cứu nó dưới tác động hoàn cảnh mới, trong đổi mới và hội nhập hiện nay thì còn ít, ý kiến còn khác nhau, nhất là việc tìm kiến các hình thức, thể chế thực hiện dân chủ rộng rãi.

I- Ba tư tưởng cơ bản về dân chủ có giá trị lâu dài từ trong Di chúc

1- Có dân chủ mới có giàu mạnh, công bằng, văn minh, hạnh phúc

Trong hoạt động thực tiễn hay trong tư tưởng lý luận, trong quan điểm đường lối, trong chính sách phát triển, Hồ Chí Minh luôn luôn có ý thức sử dụng phạm trù DÂN CHỦ gắn liền với các nhiệm vụ và mô hình, thể chế phát triển, thể hiện tinh thần dân chủ pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong những giai đoạn và hình thức phù hợp (1). Tư tưởng đó thể hiện ở chỗ: cách mang dân chủ nhân dân, chế độ dân chủ nhân dân, nhà nước ta là một nhà nước dân chủ, nhà nước dân chủ của dân, do dân và vì dân, Dân chủ là mục tiêu và động lực cũng như bản chất của chế độ mới xã hội chủ nghĩa.

Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của dân chủ, vai trò của nhân dân, rằng đó là chìa khóa vạn năng để giải quyết các khó khăn trên con đường phát triển, “khó mưới lần không dân cũng chịu khó trăm lần dân liệu cũng xong”.

Hơn nữa với tư cách là nội dung và mục tiêu của quá trình phát triển đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội thì Hồ Chí Minh, trong Di chúc của mình đã nhấn mạnh mong muốn cuối cùng của Người, sau khi đất nước có hòa bình độc lập, thống nhất, thì vấn đề là dân chủ và giàu mạnh. Không có dân chủ và giàu mạnh thì không thể có CNXH. Dân chủ là cốt tử của CNXH, nói CNXH mà thiếu dân chủ (dân làm chủ), hoặc dân chủ chỉ là hình thức, chật hẹp, hay bị xâm phạm thì gần như vô nghĩa.

Dân chủ là tiên quyết. Không có cách mạng/ cải cách dân chủ tư sản thì không có CNTB. Hơn thế, nhất là nước ta không có cách mạng/ cải cách dân chủ tư sản kiểu mới và cải cách dân chủ tiếp theo trên các mặt đời sống xã hội thì không có CNXH.Có dân chủ mới có giàu mạnh, dân chủ là tiền đề, là tiến quyết, là động lực và mục tiếu của phát triển của giàu mạnh và văn minh, công bằng và nhân ái, tụ do và hạnh phúc. Nghĩa là có Dân chủ mới có CNXH văn minh, công bằng, chân chính. Và quá trình thực hiện cách mạnng dân chủ nhân dân và cải cách dân chủ, xây dựng nền dân chủ mới, là không ngắn, nó gắn với quá trình cải biến, phát triển tiến lên CNXH. Không nên hiểu nhiệm vụ này đã xong, bây giờ chỉ còn làm nhiệm vụ cải biến, cải cách, phát triển kinh tế- văn hóa thôi.

Dân chủ tùy phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, trình độ dân trí , trình độ văn minh và thể chế của nhà nước và cả truyền thống văn hóa dân tộc, như là sản phẩm của chính nó, nhưng dân chủ là môi trường văn hóa chính trị và nguồn lực, nội lực để phát triển kinh tế, chính trị và văn hóa nhất là thời ký cải cách, cho nên dân chủ phải đi trước. Không dân chủ thì không phát huy được trí tuệ và sức mạnh toàn dân trong cải cách và phát triển. Quan nhân quả trên đây là quan hệ biện chứng, nhưng cần nhần mạnh trước hết phải dân chủ, nên Hồ Chí Minh mới đưa ra luận điểm dân chủ và giàu mạnh. Và cũng có thể nói không thực hiện dân chủ thì không có công bằng, tự do và hạnh phúc, không có dân chủ thì không có phát triển, và tiến bộ dù rằng nó là quan hệ nhân – quả biện chứng.

Cho nên nếu nói giàu mạnh trước dân chủ, công bằng trước dân chủ, thì không sai về bản chất nhưng chưa thật hợp lý, hợp trật tự lôgíc cũng như yêu cầu của thực tiễn nước nhà.

Vừa rồi trong nghị quyết 11 khóa X của BCHTW, có dự kiến sửa lại công thức “Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, mà trong công thức này, chúng ta trước đây muốn tránh lặp lại khái niệm “xã hội dân chủ”- với tâm thức hoặc kỳ thị, hoặc hiểu lầm với cách gọi phái “xã hội dân chủ” phương Tây (chủ nghĩa xã hội dân chủ). Dự kiến sửa lại (dự kiến sửa Cương lĩnh) là xây dựng “xã hội dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Theo chúng tôi, với nhiệm vụ chính ngày nay, nói đủ, có thể là: xây dựng một nước Việt Nam “Dân chủ, giàu mạnh, văn minh, công bằng, tự do, nhân ái, an bình, hạnh phúc”. Tất nhiên là có thể nói tắt như dự kiến nói trên và cũng không tách rời với nhiệm vụ khác.

2- Dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân mới có thể giành được thắng lợi trong sự nghiệp kiến quốc vĩ đại. Đây là vấn đề dân chủ xã hội, và xã hội hóa.

Chúng ta biết rằng Hồ Chí Minh rất đề vai vai trò nhân dân, giác ngộ và dựa vào dân, tin dân, trọng dân, đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh vĩ đại của nhân dân, hiểu dận, phục vụ nhân dân, quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tư tưởng nhân dân này cũng là tư tưởng dân chủ. Bao nhiêu lực lượng, bao nhiêu lợi ích đều ở nơi dân, khó bao nhiêu lần dân liệu cũng xong. Kháng chiến và kiến quốc đều nhờ nhân dân: dân lực, dân tâm, dân khí, dân trí, dân quyền, dân sinh.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, Hồ Chí Minh thấy rằng sự nghiệp xây dựng một xã hội theo xu thế thời đại là vô cùng khó khăn hon nhiều. "Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân".

Nhưng làm gì để phát huy sức mạnh ấy quả là một bài toán khó và luôn luôn mới (xin trao đổi tiếp ở mục sau). Nhưng ở đây xin nhấn mạnh là cần phải cải cách thể chế, luật pháp, công tác cán bộ, vai trò dân chủ xã hội và xã hội dân sự, nhất là vai trò giám sát xã hội, phản biện xã hội trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền.

3- Chúng ta cần thực hành dân chủ rộng rãi, dân chủ thật sự trước hết trong Đảng và gắn với dân chủ ngoài xã hội, tức cấp độ toàn xã hội, chứ không phải một thiểu số người.

Vấn đề dân chủ cũng nhạy cảm, hệ trọng như vấn đề đoàn kết dân tộc, đoàn kết trong đảng. Chính vì vậy, trong Di chúc, Hồ Chí Minh đã rất quan tâm phải thực hành dân chủ rộng rãi, trước hết trong Đảng. Người có nói rằng phải thật thà đoàn kết thì cũng có thể nói phải thật thà dân chủ, dân chủ thật sự. Người nhắc nhở, căn dặn, “Trong đảng thực hành dân chủ rộng rãi”. Đó là vấn đề gắn liền với chỉnh đốn đảng. Nhưng điều đó có nghĩa là gì, có phải cần đổi mới hay cải cách về mặt đảng hay không, và bằng hình thức nào, quy trình nào, điều kiện cần và đủ nào để có dân chủ rộng rãi, hiện nay thật sự rộng rãi chưa, mở rộng và thực chất chưa? Đã bao giờ chúng ta thực sự thảo luận, nghiên cứu, tìm kiếm thật sự hệ thống và nghiêm túc, khoa học về điều này này chưa? Ta còn nhớ trước đại hội X có bao nhiêu trăn trở cụ thể về dân chủ, những yếu kém và kiến nghị và sau đó như thế nào? Đảng ta có công khai văn kiện dự thảo để dân góp ý (chính là dân chủ rộng rãi) nhưng công tác cán bộ thì chưa được như vậy và còn nhiều vấn đề cần thảo luận.

Vậy làm sao để dân chủ rộng rãi, thực sự trong đảng phải đi trước và dân chủ trong đảng với dân chủ ngoài xã hội kết hợp với nhau?

Chúng ta cũng hay nói “phát huy dân chủ”, hoặc nó “dân chủ phải có lãnh đạo”, dân chủ gắn với kỷ cương… Đúng nhưng chúng ta ít nói là xây dựng dân chủ, phát triển dân chủ, cải cách dân chủ, “thực hành dân chủ rộng rãi” (mở rộng dân chủ), lãnh đạo phải dân chủ, dân chủ thực sự, thật thà dân chủ… Chúng tôi nghĩ ràng, cần có cả hai cách nói và thực hiện ấy mới đủ và toàn diện theo tinh thần tư tưởng và Di chúc Hồ Chí Minh. Cho nên phải thay đổi - đổi mới tư duy về dân chủ (thể chế, cơ chế thực hiện dân chủ).

Quả là trên lĩnh vực lý luận và nhất là lĩnh vực thực tiễn thì vấn đề này còn phải có đánh giá và nhận thức mới, và cần cả sự cải cách.

Chế độ ta là chế độ dân chủ, nhưng trong thời kinh tế bao cấp - tập trung quan liêu, quyền làm chủ của nhân dân còn bị hạn chế nhiều, cơ chế tập trung lấn át dân chủ, chế độ tập thể lấn át dân chủ cá nhân và dân chủ vẫn còn trừu tượng, hình thức, cấp trên bao cấp, áp đặt kiểu gia trưởng cho suy nghĩ, hành động của cấp dưới, quyền lực nhà nước lấn át quyền lực xã hội, quyền lực của Đảng lấn át quyền lực nhà nước, lãnh đạo kiểu áp đặt, dân chủ áp đặt…

Khi chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, kinh tế nhiều thành phần, tự do kinh doanh, tính tự chủ và dân chủ kinh tế được thiết lập với cơ chế mới, dân chủ mở rộng hơn. Theo đó dân chủ hóa xã hội- dân chủ pháp quyền trên các lĩnh vực xã hội, chính trị hình thành, cấi trúc lại các thành tự dân chủ trước đây và bổ sung những nội dung mới. Như vậy sang thời kỳ đổi mới, dân chủ có bước thay đổi về chất, vừa cao hơn, vừa rộng rãi hơn, các quyền lực xã hội, quyền lực của nhân dân, quyền lực nhà nước, quyền tự do cá nhân đươc, quyền của cấp dưới dần dần được khôi phục đúng với vị thế của nó hơn. Cơ chế dân chủ cơ sở được hình thành từ tình huống xuất hiện những “điểm nóng” và bắt đầu phát huy tác dụng của nó…

Tuy nhiên, nhiều vấn đề mới lại đặt ra từ trong khung cảnh, cơ chế và tình hình mới. Qua đó cho thấy, nước ta, chế độ ta vẫn chưa có đầy đủ điều kiện để phát triển hoàn thiện dân chủ mới theo hướng xã hội chủ nghĩa trong thời gain ngắn khi kinh tế thị trường, chế độ pháp quyền mới hình thành, còn nhiều bất cập và trình độ dân trí có được cải thiện hơn trước nhưng chưa cao, xã hội dân sự chưa thật sự hình thành đúng nghĩa và phát huy vai trò của nó, đội ngũ trí thức cũng chưa mang tính độc lập về trí tuệ xã hội (2). Từ đó không chỉ thể chế kìm chế quyền lực, chống lạm dụng quyền lực, tha hóa quyền lực, vi phạm dân chủ trong hệ thống các cơ quan quyền lực nhà nước mà cả thể chế và hoạt động trong công tác giám sát và phản biện xã hội còn yếu kém, lúng túng.

Cho nên không chỉ “dân chủ còn hình thức”, hoặc “dân chủ bị vi phạm”, xâm phạm, có khi nghiêm trọng, như các nhà lãnh đạo thường nói còn dân thì ca thán, mà còn là dân chủ chưa đươc mở rộng, nhiều thể chế, cơ chế thực hiện dân chủ đã quá lac hậu, bất cập, chưa cải cách các thể chế, cơ chế dân chủ, chưa có đủ những thể chế, cơ chế thực hiện dân chủ thật sự, có hiệu quả

Hoặc thể chế hành chính còn nhiều cấp trung gian lại nhiều thủ tục bất hợp lý dẫn đến tình trạng hành dân và hành nhau. Giữa các cơ quan quyền lực nhà nước thiếu cơ chế giám sát, phản biện một cách phổ biến. Cơ chế phản biện xã hội, giám sát xã hội chưa có, hoặc thiếu cơ sở pháp lý đầy đủ. Đến này vẫn chưa có luật về trưng cầu dân ý, quyền lực xã hội dân sự chưa hình thành minh bạch và có cơ sở pháp lý. Luật về hội đã sự thảo mà vẫn chưa được thông qua và ban hành. Cơ chế dân chủ trong hoạt động lý luận và khoa học xã hội dự thảo hàng chục năm chưa thông qua được.

Dân chủ trong đảng, nhất là qua hình thức sinh hoạt thường xuyên và đại hội, ứng cử và đề cử trong công tác cán bộ tuy có khá hơn, dân chủ rộng rãi trước nhiều nhưng vẫn còn hạn chế, hạn hẹp, còn khép kín, tính dân chủ hình thức, thiếu minh bạch, kém tin dân vẫn tồn tại.

Nghĩa là do hạn chế khách quan và sai lầm, thiếu sót chủ quan cũng như do “lỗi hệ thống” tạo nên mà dân chủ nhân dân, dân chủ xã hội ở nước ta vẫn còn thấp, lạc hậu về thể chế, thiếu thể chế có hiệu lực, dân chủ chưa rộng rãi, chưa có chiều sâu. Từ đó quyền dân chủ, lợi ích chính đáng của ngưới dân còn bị xâm phạm với các mức độ khác nhau và việc đấu tranh cho dân chủ cũng khó khăn. Có rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu, thảo luận và đang được tiếp tục khắc phục, thay đổi, cải cách để thiết lập, phát triển và phát huy.

II. Một vài vấn đề thực hành dân chủ rộng rãi, dân chủ chiều sâu và những yếu kém trong thực tế hiện nay cần khắc phục và cần sáng tạo mới.

Xin nêu lên 3 loại vấn đề thực tế:

Một là, thiếu dân chủ, vi phạm, xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân trong các dựa án phát triển.

Việc hiện tượng thực hiện các dự án dầu tư, nông dân mất đất, khiếu kiện đông người ngày một tăng và phức tạp, mà nguyên nhân thì có nhiều nhưng thiếu cơ sở pháp lý hoặc cơ sở pháp lý lạc hậu, bất cập, lại bị lợi dụng, để vi phạm dân chủ và xâm phạm quyền dân chủ, thiếu công khai minh bạch từ phiá chính quyền trong quy hoạch, giá cả đền bù, trong việc trục lợi làm thiệt hại lợi ích chính đáng hợp pháp của người dân là khá nghiêm trong và phổ biến.

Chúng tôi đã khảo sát 500 người dân và cán bộ cơ sở về các nguyên nhân dẫn đến xung đột lợi ích (trong đề tài “Nghiên cứu những mâu thuẫn xung đột lợi ich trong đời sống xã hội thời kinh tế thị trường ở TPHCM, thực trạng, xu hướng và giải pháp”- Hồ Bá Thâm làm chủ nhiệm) kết quả như sau.


Nguyên nhân gây nên xung đột (liên quan tới vi phạm quyền dân chủ của nhân dân) chia theo địa bàn khảo sát

Qua bảng trên , ta thấy: các nguyên nhân, đa số thống nhất ý kiến từ 82, 2% xuống 60,3%; nhưng nhiều ý kiến nhất: do thiếu dân chủ, thiếu công bằng: 82,2%; do quy hoạch không phù hợp: 81,1%; do chủ trương, chính sách không phù hợp: 79,8%; do dân ít biết về luật:77%; do cán bộ trục lợi, xa dân: 76, 8% ; do thực hiện kiểm tra, thanh tra không khách quan: 73%; do cơ chế thị trường: 70,4%; do cán bộ kém năng lực: 69,5% ; do Đảng và cán bộ đảng viên kém gương mẫu: 68,%; do các tổ chức xã hội dân sự yếu kém: 60, 3%.

Hoặc mới đây là sự vi phạm dân chủ khi thực hiện Dự án Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài:

Sau khi Báo SGGP (ngày 7-8-2009) đăng bài “Dự án đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài (TSN-BL-VĐN): Những gút mắc từ tuyến đầu”, phản ánh những rắc rối liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng đoạn từ sân bay Tân Sơn Nhất đến ngã năm Nguyễn Thái Sơn, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Những ý kiến có phần khác nhau, song chung quy đều bức xúc trước sự thiếu minh bạch trong công tác thực hiện giải phóng, đền bù…( Dự án Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài: Cần làm rõ việc thay đổi quy hoạch và mục đích giải tỏaThứ bảy, 08/08/2009, 02:32 (GMT+7). Việc phê duyệt quy hoạch chi tiết, đặc biệt là phê duyệt dự án xây dựng một tuyến đường trên điều kiện địa hình phức tạp như tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài TP.HCM, cần phải thực hiện trên cơ sở công tác khảo sát rất tỉ mỉ, thậm chí phải xác định tọa độ của một số vị trí quan trọng. Tuy nhiên, bản vẽ sơ đồ mặt bằng tuyến do Công ty GS Engineering Construction Corp lập gắn kèm với Quyết định 3585/QĐ-UBND ngày 19.7.2005 phê duyệt tuyến của UBND TP.HCM quá sơ sài. Thậm chí các mục xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước cũng như cơ quan chuyên môn theo luật định cũng bị bỏ trống. Với một bản vẽ thiết kế mặt bằng như vậy, người ta có thể thay đổi hướng tuyến của bất kỳ đoạn đường nào một cách dễ dàng, đặc biệt khi mà tỷ lệ bản vẽ là 1/10.000.

Khi dư luận lên tiếng, lãnh đạo Bộ Xây dựng tuyên bố đứng ngoài cuộc trong vụ việc này vì lý do "tế nhị" nhưng điều này sẽ là bất công đối với mấy chục hộ dân đang vô cùng bức xúc vì cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm. Nếu thực sự Thanh tra Bộ Xây dựng thấy rằng, việc khiếu nại của dân là "có cơ sở", rằng việc điều chỉnh mặt cắt, hướng tuyến đường là không phù hợp thì cần thiết phải làm các bước tiếp theo để giải quyết dứt điểm sự việc. Tránh để xảy ra tình trạng giống như Hà Nội trước đây trong chuyện nắn đường quanh hồ Tây. Sự việc chỉ được làm rõ khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc và kiến nghị Chính phủ thanh tra toàn diện dự án, trong khi trước đó Thanh tra TP Hà Nội từng kết luận, không có việc nắn tuyến khi giải quyết khiếu nại của dân. Chuyện "đường thẳng" thành "đường cong" không phải là cá biệt, Thanh tra Chính phủ cũng từng phát hiện vụ nắn đường để "lộ mặt" nhà quan chức cấp thành phố tại dự án đường quanh hồ Tây (Hà Nội) năm 2007. (Báo Thanh niên 13-8-2009).

Hai là, những yếu kém dân chủ trong công tác cán bộ.

Đây vấn đề rất hệ trọng và gần dây được bàn khá nhiều trên mạng Internet (Tuanvietnam). Đảng ta đã có nhiều kinh nghiệm về công tác cán bộ, có mặt dân chủ và khoa học, những hạn chế, yếu kém, bảo thủ trì trệ, theo lối mòn còn nhiều, cần phải khắc phục và sáng tạo mới, nhất là khi đắt nó trong yêu cầu của thời kỳ đổi mới, cải cách, hội nhập hiện nay, hướng tới Đại hội XI của Đảng.

Chúng tôi không phải chuyên gia về công tác cán bộ, nên xin thông tin đến hội thảo và bạn đọc những ý kiến của chính các nguyên cán bộ cao cấp của đảng ta phát biểu gần đây trên phương tiện thông tin đại chúng:

Bàn tròn trực tuyến trên Tuần Việt Nam giữa nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, đông đảo độc giả với các vị khách mời: nguyên Bí thư Trung ương Đảng - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan và nguyên Phó Ban tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương đặt ra những vấn đề nóng bỏng.. 02/07/2009 13:57 (GMT + 7) (TuanVietNam)-

- “Làm gì để tạo động lực mạnh mẽ, tiếp tục đổi mới?”. mọi vấn đề đều quyết định từ cán bộ”.

Rằng kinh nghiệm lịch sử, cách mạng, đổi mới cho thấy, để tạo động lực mạnh mẽ cho tiếp tục đổi mới, không có cách đi khác ngoài huy động mọi nguồn lực sức mạnh của con người. Giai đoạn phát triển mới của đất nước đặt ra những cơ hội và thách thức mới. Nhiều bạn đọc VietNamNet đã rất phấn khởi với định hướng TBT Nông Đức Mạnh nêu ra trong Hội nghị lần thứ X Ban Chấp hành Trung ương khóa X sáng 29-6- 2009 tại Hà Nội: tạo động lực mạnh mẽ để tiếp tục đổi mới. Đó là một chủ đề mà Vietnamnet, quan tâm và đã công bố kết quả của buổi trực tuyến trên Tuần Việt Nam.

Trước câu hỏi: “Làm gì để tạo động lực mạnh mẽ, tiếp tục đổi mới?”. mọi vấn đề đều quyết định từ cán bộ”. Nhưng phải thật sự dân chủ trong mọi mặt đòi sống xã hội đang cải cách, đổi mới, nhất là trong công tác cán bộ có những cơ chế mới. Chúng ta hãy lắng nghe ý kiến của những nguyên cán bộ chủ chốt cấp cao của Đảng:

Ông Vũ Khoan nhận định: Kinh nghiệm lịch sử, cách mạng, đổi mới cho thấy, không có cách đi khác ngoài huy động mọi nguồn lực sức mạnh của con người. Trong mục tiêu 10 năm tới, động lực chính, đột phá chính là huy động tính sáng tạo, lòng hăng say, niềm tin, đồng thuật toàn dân tộc. Nhiệm vụ hàng đầu là tạo nguồn nhân lực tương xứng xã hội công nghiệp hiện đại. Chú trọng đến giáo dục - hiểu theo nghĩa rộng: hơn 80 triệu người thay đổi theo nếp sống công nghiệp hiện đại. Sau đó, phải tạo động lực cho mọi người hăng say hướng tới mục tiêu chung – tạo ra cơ chế mới.

- “Chỉ có dân chủ thực sự mới tìm ra được nhân tài xứng đáng”, “phải dựa vào dân, phải nghe dân, phát huy trí tuệ của dân.Giải phóng cơ chế, giải phóng sức người” thì mới tạo được và phát huy động lực Đổi mới.

Theo ông Nguyễn Đình Hương, mọi vấn đề đều quyết định từ cán bộ. Ông Hương nhấn mạnh, chỉ có dân chủ thực sự mới tìm ra được nhân tài xứng đáng. Do vậy cần đổi mới cách làm nhân sự các cấp, từ đại hội đảng cấp cơ sở, tuyển chọn đại biểu đi dự Đại hội, cho đến Đại hội tòan quốc. Làm sao để chọn được những người có đủ tài năng, đức độ, những người xứngđáng nhất vào vị trí lãnh đạo các cấp. Những người đứng đầu phải có 4 tiêu chuẩn: bản lĩnh chính trị, giữ vững độc lập chủ quyền, XHCN, chủ nghĩa Mac-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thứ 2 là phải có trí tuệ, thứ 3 là đạo đức – điều mà toàn Đảng toàn dân quan tâm nhất; thứ 4: phải dựa vào dân, phải nghe dân, phát huy trí tuệ của dân.Giải phóng cơ chế, giải phóng sức người.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn đặt vấn đề để giải phóng sức sáng tạo của con người, cần tháo gỡ những cơ chế cụ thể như thế nào?Ông Vũ Khoan nhận định: Trong lĩnh vực sản xuất, mặc dù có chủ trương tạo điều kiện cho tất cả thành phần kinh tế tham gia, nhưng trong thực thi còn nhiều vướng mắc, cản trở doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Cơ chế độc quyền đã gỡ bỏ nhiều, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. Do vậy, cần sự thay đổi mạnh mẽ hơn nữa. Yêu cần thứ 2 để tạo động lực phát triển là đổi mới cơ bản hệ thống giáo dục. Vừa qua, giáo dục tuy tiến bộ nhưng còn nhiều khiếm khuyết, chưa đáp ứng thời kì hội nhập kinh tế quốc tế. Đổi mới giáo dục toàn diện là cấp bách. Thứ 3 là phải cải tiến phúc lợi xã hội: giáo dục và y tế.

- Phải dân chủ thực sự.“Dân chủ trong Đảng là nhiều vấn đề rộng… Nhưng cách làm như hiện nay còn thiếu, vì chưa quan tâm đúng mức sự đóng góp từ dưới lên.

Vấn đề được nhiều độc giả quan tâm, đồng thời được các vị khách mời phân tích thấu đáo là vấn đề dân chủ trong Đảng. Đảng ta quan tâm đến phát huy dân chủ. Nhưng làm gì để những quyết tâm, những chủ trương đó trở thành hiện thực? Ông Nguyễn Đình Hương – một vị lãnh đạo lão thành trong công tác Đảng cho rằng: “Dân chủ trong Đảng là nhiều vấn đề rộng… Cách làm như hiện nay còn thiếu, vì chưa quan tâm đúng mức sự đóng góp từ dưới lên.”. Ông Hương đề nghị cần mở rộng cách làm đề cử người từ dưới lên. Nếu như cách làm trước đây, “công tác tổ chức cán bộ là bí mật tới giờ phút cuối cùng”, “hiện nay đất nước đã khác, đất nước hòa bình, đã đổi mới thì nên công khai minh bạch công tác tổ chức, cán bộ, chọn lựa lãnh đạo các cấp “."Do vậy, cần thiết phải công khai minh bạch thông tin."

Ông Hương nói. “Tôi tin rằng Hội nghị TW lần này (lần thứ 11), xu thế dân chủ sẽ được toàn Đảng, toàn dân tán thành. Phải công khai hoá, dân chủ hoá. Có vấn đề gì chất vấn trong Đảng, đồng chí nào đó được quyền chất vấn, được quyền hỏi những ứng cử viên ra ứng cử vị trí cao nhất của Đảng và Nhà nước”. “Mạnh dạn đổi mới cách làm là quan trọng.” Ông Vũ Khoan cho rằng: “trong thời kì mới, không thể duy trì cách làm cũ”, nhưng “phải có bước đi cần thiết, truyền thống lâu dài, không thể thay đổi dễ dàng”.

- Đánh giá bằng hiệu quả công việc, phải có sáng kiến trong chương trình hành động, tranh cử chứ không phải “được lòng” mọi người chung chung.

Ông Nguyễn Đình Hương nhận xét:“Có một thời gian, chúng ta đã phạm sai lầm là đánh giá cán bộ không căn cứ hiệu quả công việc, mà chỉ căn cứ vào một vài điều: nói được, viết được, xử lý không mất lòng ai, là được… đề bạt.”. “Cán bộ qua thực tiễn ở cơ sở, một tỉnh ngành, mà làm có hiệu quả, để lại ấn tượng thì đó là người có đức có tài.” Thước đo của một Bí thư tỉnh chính là việc ông lãnh đạo tỉnh đóng góp được lợi gì cho đất nước, dân được hưởng lợi gì? Ông Kim Ngọc là một Bí thư tỉnh ủy xuất sắc, được nhân dân tôn vinh, tiếc rằng hôm nay chúng ta chưa có nhiều Bí thư tỉnh ủy để lại dấu ấn như ông Kim Ngọc.Ông Vũ Khoan cũng có cùng quan điểm cho rằng: Chúng ta nên quen dần với việc đánh giá nhân sự theo hiệu quả công việc cuối cùng. Ta phải thay đổi cách đánh giá cán bộ, không chỉ từ trên xuống, mà đánh giá từ dưới lên, các cấp đánh giá lần nhau. Phải làm thường xuyên, đều đặn.

-Tháo gỡ cơ chế để thu hút nhân tài, phải tin vào dân, dựa vào dân, cần có tiếng nói có tính quyết định từ nhân dân. Dân rât sáng suốt, nhưng phải có cơ chế, thể chế về công khai thông tin.

Chúng ta cần quan tâm tạo cơ chế cho những người tài năng, đức độ, có nguyện vọng cống hiến, có chương trình hành động cụ thể , có cam kết trách nhiệm khi nhận nhiệm vụ và được người dân tín nhiệm được tham gia giữ các vị trí lãnh đạo các cấp . Ông Nguyễn Đình Hương cho rằng, với 3 cơ chế hiện tại trong Đảng: ứng cử, bầu cử, thi tuyển, thì việc thi tuyển cán bộ cho thấy những kết quả rõ rêt. Điều này đã được làm thí điểm trong công tác tuyển chọn hiệu trưởng Đại học… Bầu cử trực tiếp và đề bạt vượt cấp. Các vị khách mời cùng thảo luận về vấn đề bầu cử trực tiếp ở cấp xã và trường hợp bầu chủ tịch ở Đà Nẵng thời gian qua. Ông Nguyễn Đình Hương bày tỏ thái độ “rất hoan nghênh anh Nguyễn Bá Thanh” trong trường hợp mạnh dạn đổi mới bầu chủ tịch ở Đà Nẵng. Ông bày tỏ: “Mình phải tin vào dân. Dân họ sáng suốt lắm. Nếu lo ngại thì cứ thí điểm cho bầu trực tiếp ở cấp xã. Nhưng tôi tin vào dân.” Có những việc đã từng thảo luận trong Đại hội 10 , thì nên tiếp tục xem xét để thực hiện ở Đại hội các cấp và Đại hội 11. Cũng trong những đòi hỏi bức thiết của đất nước, cần những người lãnh đạo thực sự có tài, nhà báo Nguyễn Anh Tuấn đặt ra vấn đề: “Trong thời chiến, có những vị chỉ huy được lên vượt cấp, từ đại đội trưởng lên trung đòan trưởng. Hiện nay có thể có sự vượt cấp không?”Ông Hương cho rằng: “Ở VN, vượt cấp trong kháng chiến thì có. Nhưng thời bình thì khó.” Chẳng hạn, ta có quy định chưa hết một khoá Trung ương thì không được bầu vào ban bí thư. Đó là sự cứng nhắc. Quan điểm của tôi là không phân biệt thành phần xuất thân, không quan niệm thời gian dài hay ngắn. Có người có sức bật, có đủ năng lực thực sự để gánh vác, thì nên tin tưởng giao trọng trách. Ông Vũ Khoan cũng chia sẻ đã có một số cán bộ được đề bạt “vượt cấp” và họ đã trưởng thành nhanh, không ít người đã thành công và đang giữ những vị trí quan trọng hiện nay. Nhưng vấn đề vẫn là “chúng ta chưa có cơ chế quần chúng tôn vinh, giới thiệu, kênh đó đang yếu.”. Thực tế cho thấy, rất nhiều nhân vật tiên tiến đã được đề bạt khi tuổi còn rất trẻ. Có những vị lãnh đạo được vào Bộ chính trị, vào các vị trí chủ chốt trong Đảng và nhà nước khi tuổi chưa đến 50, và đều chứng tỏ sức cống hiến của mình. Theo Ông Nguyễn Đình Hương: "Nhưng cách làm đó chưa được nhân rộng.”. "Do đó, nếu chúng ta tháo gỡ cơ chế, sẽ thu hút thêm được nhiều người tài vào bộ máy." Ông cho rằng, ta chưa huy động được nhiều thành phần vào lãnh đạo đất nước. Vì có những vướng mắc chưa được tháo gỡ trong cách tuyển chọn người. Chẳng hạn, để vương tới một vị trí nào đó thì phải có bằng cấp chính trị này. Nhưng muốn có bằng cấp nọ thì phải cần những điều kiện khác, phải là đảng viên…

-Chỉ có dân chủ hóa, xã hội hóa mới phát huy được sức mạnh toàn dân tộc.

Kết thúc cuộc thảo luận, các vị khách mời cùng nhiều độc giả bày tỏ niềm tin tưởng Đảng luôn có những đổi mới, điều chỉnh hợp lý trong các giai đoạn khác nhau. Bởi lẽ, hơn lúc nào hết, đây là lúc chúng ta cần thực sự quan tâm đến việc tập hợp, trọng dụng, vận động tổng lực nguồn lực xã hội, động viên, phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, tạo động lực mạnh mẽ để tiếp tục đổi mới. (Linh Thủy lược ghi).(Vietnamnet, Cập nhật lúc 23:41, Thứ Tư, 05/08/2009 (GMT+7). Hoặc xem thêm “Dân chủ hoá công tác cán bộ,” Vietnamnet, (VietNamNet trò chuyện với ông Bùi Đức Lại, cựu chuyên gia của Ban Tổ chức Trung ương). Cập nhật lúc 06:18, Thứ Ba, 11/08/2009 (GMT+7).

Ba là, đổi mới, dân chủ tại đại hội đảng các cấp.

Năm 2010 là năm đại hội đảng các cấp, chuẩn bị đại hội XI của Đảng vào đầu năm 2011. Kết quả, đại hội cả về nghị quyết phát triển kinh tế xã hội và bầu nhân sự cấp ủy mới có tác dụng quyết định đến thắng lợi như thế nào trong 5 năm tiếp theo (dân mình sẽ ra sao, dân tộc sẽ ra sao, đơn vị mình sẽ ra sao?). Cho nên đổi mới và dân chủ tại đại hội đảng các cấp là một yêu cầu lớn, cấp thiết nhất trong năm 2010. Dân chủ hóa cả trong chuẩn bị, thảo luận các dự thảo nghị quyết và nhất là công tác chuẩn bị và quyết định nhân sự. Phải mạnh bạo cải cáh, đổi mới cách làm và dân chủ thật sự ở đây, nếu không những thói quen, tính bảo thủ và tinh tóan lợi ích vụ lợi cũng cứ ngự trị và đại hội cho xong, vấn đề là mình và “bạn bè mình” có vào cấp ủy hay không?!

Theo Báo điện tử ĐCSVN, Đảng ta rất coi trọng dân chủ trong sinh hoạt Đảng, tiến tới đại hội Đảng bộ các cấp theo tinh thần đổi mới, dân chủ, trí tuệ. Ban chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở góp ý vào dự thảo báo cáo chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 30 của Bộ Chính trị. Ban chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã họp sáng 5-8-2009 tại Hà Nội, cho ý kiến vào dự thảo báo cáo chuẩn bị tổng kết 10 năm thực Chỉ thị số 30 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Qua kiểm tra ở các địa phương, đơn vị, các thành viên Ban chỉ đạo nhận xét: Ở đâu thực hiện tốt Chỉ thị, ở đó có sự đoàn kết thống nhất và phát triển, đảm bảo chất lượng công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là giải pháp giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự ở cơ sở; góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, ngăn chặn, đẩy lùi những vi phạm dân chủ, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Quá trình thực hiện Quy chế đã tác động sâu sắc đế ý thức chính trị, bầu không khí dân chủ và ý thức chấp hành pháp luật được nâng lên. Quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân được phát huy, tạo điều kiện để nhân dân tham gia, bàn bạc và giải quyết nhiều vấn đề ở cơ sở. Việc thực hiện Quy chế góp phần nâng cao nhận thức và thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Cán bộ, công chức nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của nhân dân, tôn trọng quyền giám sát, tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân; năng lực làm chủ của nhân dân ở cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực. Báo cáo tổng kết và việc tổ chức Hội nghị toàn quốc đã đánh giá sâu sắc thực trạng, tìm ra những nguyên nhân của yếu kém, khuyết điểm trong quá trình thực hiện để rút ra những bài học kinh nghiệm. Theo đó, cần tiếp tục mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, coi trọng dân chủ trong sinh hoạt đảng, tiến tới đại hội Đảng bộ các cấp theo tinh thần đổi mới, dân chủ, trí tuệ vì hạnh phúc của nhân dân. Các đại biểu cho rằng, báo cáo cần làm rõ vai trò của người đứng đầu trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; sửa đổi một số quy chế không còn phù hợp để phát huy dân chủ thực sự, tạo đồng thuận xã hội, ổn định xã hội để phát triển đất nước; cần mở rộng ra toàn quốc việc thực hiện quy chế Mặt trận Tổ quốc giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư.(Vietnamnet, Cập nhật lúc 23:41, Thứ Tư, 05/08/2009) (GMT+7).

Tóm lại,

Là một nước chưa qua dân chủ tư sản, lại trải qua thời kỳ phát triển theo mô hình “CNXH nhà nước”, tập trung quan liêu và bao cấp, nên nhìn chung, trên lĩnh vực dân chủ, thực hành rộng rãi, phát huy, cải cách, phát triển dân chủ còn nhiều việc phải làm và cũng còn lâu dài, không thể ảo tưởng rằng chúng ta đã có dân chủ xã hội chủ nghĩa rồi, và cao rồi, chỉ cần phát huy là đủ.

Tuy đã hình thành các nhân tố của nên dân chủ xã hội chủ nghĩa nhưng dân chủ xã hội chủ nghĩa còn nhiều mặt còn mang tính sơ khai, sơ cấp. Cho nên không chỉ phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa mà còn phải tiếp tục đổi mới, cải cách, thiết lập, hoàn thiện và phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa. Cho nên cần tiếp tục nhận thấy và thực hiện phát triển những giá trị tư tưởng về dân chủ của chủ tịch HCM, nhất là trong Di chúc, trong tình hình mới.

Làm gì để tạo động lực mạnh mẽ, tiếp tục đổi mới và hội nhập? Không có dân chủ hóa mạnh mẽ, không tiếp tục cải cách dân chủ, nhất là về thể chế, cơ chế thì không thể phát huy được động lực, các ngưồn lực để tiếp tục đổi mới và hổi nhập quốc tế. Sẽ bế tắc, nếu không cải cách dân chủ, thất sự thực hành dân chủ rộng rãi, thật sự phát huy, phát triển dân chủ theo hướng xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở tiếp thu “pháp quyền tư sản”(C. Mác) tiến bộ với những sáng tạo mới. Có nhiều vấn đề đặt ra cần nghiên cứu và thực hành, cải biến, cải cách, phát triển, phát huy dân chủ.

Nhưng xin lưu ý mấy khía cạnh của nhiệm vụ cải cách, phát triển, phát huy, thực hành dân chủ sau đây:

- Trước hết cần cải cách thể chế dân chủ, thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, nhất là dân chủ trong công tác cán bộ.

- Dân chủ, thực hiện giám sát, kiềm chế quyền lực trong các quan hệ quyền lực giữa các cơ quan quyền lực nhà nước

- Thực hành dân chủ rộng rãi ở cơ sở, thực sự tin dân, dựa vào dân.

- Giám sát và phản biện xã hội đối với các chính sách, dụ án phát triển…

- Phải chống dân chủ hình thức, tập trung quan liêu, nhất là vi phạm, xâm phạn quyến dân chủ của nhân dân. Xử lý nghiêm các hình thức vi phạm xâm phạm.


Tài liệu và tư liệu tham khảo:

1- Ăngghen vào những năm cuối đời, do tình hình cách mạng và bản thân CNTB có nhiều thay đổi, Người đã nhấn mạnh các giải pháp cải cách dân chủ và thay tự dùng CỘNG SẢN bằng từ DÂN CHỦ XÃ HỘI, Theo Website Hội nhà văn VN
http://hoinhavanvietnam.vn/News.Asp?Cat=33&S (8/12/2009), và Tạp chí Lý luận chính trị (Học Viện chính trị hành chính quốc gia HCM). Nguồn: Chủ nghĩa Mác và Hiện thực, số 3.2002, Tạp chí hai tháng một kỳ, tiếng Trung. Cơ quan chủ trì tạp chí: Cục Biên dịch thuộc Trung ương Đảng CSTQ. Hoặc xem thêm Mác – Ăngghen Tuyển tập, tập VI

2- Từ “trí thức” trong các thứ tiếng khác được coi là vay mượn từ tiếng Nga. Tôi muốn gọi trí thức là bộ phận độc lập về trí tuệ của xã hội. Đây không đơn giản là học vấn và những người có học làm việc trong lĩnh vực lao động trí óc. Sự độc lập trí tuệ là đặc điểm tối quan trọng của trí thức. Độc lập với các quyền lợi đảng phái, tầng lớp, giai cấp, nghề nghiệp, thương mại và thậm chí đơn giản là công danh.

J.P Sartre, triết gia người Pháp thế kỷ XX: "Trí thức là người làm những việc chẳng ăn nhập gì đến họ (s'occupe de ce qui ne le regarde pas)". Kỹ sư thì không lo xây cầu, thầy thuốc thì không lo khám bệnh, kinh tế gia thì không lo cộng trừ nhân chia với cái thống kê. Tại sao họ lại xớ rớ vào những chuyện không liên quan gì đến họ vậy, tại vì họ cho đó chính là chuyện của họ. Chuyện không phải là của họ mà họ thấy là của họ. Cái thấy đó làm họ trở thành trí thức. Còn quyết liệt hơn nữa, theo C.Mác "trí thức là người nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu. Không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính mình, hoặc trước xung đột với quyền lực, bất cứ quyền lực nào"(Theo GS. Tương Lai, xem Chungta. com, Thứ bảy, 15/08/2009).

D. S. Likhachev: “Người trí thức sẽ mất sự tự do trí tuệ và thôi là trí thức khi buộc phải tuân thủ mù quáng các giáo điều của một học thuyết nào đó. Thậm chí nếu khi đã hình thành nên thế giới quan và các quan điểm của mình mà người trí thức từ chối xem xét lại chúng dù chỉ đơn giản là do ương ngạnh (vì một khi anh ta đã nói ra có nghĩa là anh ta phải bám lấy nó) thì đấy cũng là điều có hại cho chính trí thức. Nếu do chính kiến mà người trí thức gia nhập một đảng đòi hỏi anh ta phải tuân thủ kỷ luật vô điều kiện và các hành động không phù hợp với ý kiến riêng của mình thì sự tự nguyện bán mình làm nô lệ đó sẽ tước đi của anh ta khả năng liệt mình vào giới trí thức. Đây là một khẳng định rất quan trọng.”(Trí thức: bộ phận độc lập về trí tuệ của xã hội bài viết của D. S. Likhachev (Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Nga) - Phạm Xuân Nguyên dịch, Lihachev.ru Chungta. com, Thứ bảy, 15/08/2009. Lời người dịch: Dmitry Sergeyevich Likhachev (1906-1999), viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Nga, nhà ngữ văn học xuất sắc, nhà bác học nhân văn lớn của nước Nga thế kỷ XX. Cả cuộc đời và sự nghiệp khoa học của mình ông luôn đấu tranh để giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa, giá trị tinh thần của con người, cho con người, vì con người. Tầm ảnh hưởng về văn hóa của D. S. Likhachev ngày càng lan tỏa sâu rộng ở Nga và trên thế giới. Bài viết này là trích đoạn phát biểu của ông tại một cuộc tranh luận khoa học về số phận của trí thức Nga (23/5/1996).

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Dân chủ, giàu mạnh với vấn đề Hạnh phúc

    20/03/2016TS Hồ Bá ThâmNgày nay, trên thế giới đang diễn ra nghịch lý: giàu có vật chất hơn lại thấy kém hạnh phúc hơn. Cho nên đã chú ý bàn về hạnh phúc, không chỉ ở cấp độ triết học mà cả kinh tế học. Song tôi nghĩ rằng cần bàn cả ở cấp độ chính trị học và xã hội học, văn hóa học, tâm lý học. Mục tiêu nào cuối cùng cũng quy về hạnh phúc...
  • Di chúc

    23/01/2014Có một ông xẩm mù cao tuổi, ngón đàn của ông thật tuyệt diệu, nổi tiếng xa gần. Ông mang theo một đứa bé mù, đi hát rong kiếm sống, lang bạt khắp nơi...
  • Khát vọng dân chủ

    19/08/2010Tương LaiDân chủ nằm ngay trong tên nước được khai sinh với Tuyên Ngôn Độc Lập 2.9.1945, nhằm xác định rõ tính chất và nội dung quachính thể “cộng hoà” mà Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước thế giới. Trên nền tảng dân chủ đó, độc lập, tự do, hạnh phúc được xác lập vững chắc, với nội dung dân là chủ, dân làm chủ...
  • Chế độ dân chủ (Nhà nước và xã hội)

    21/05/2009Các bạn đang cầm trên tay cuốn sách giáo khoa được viết một cách rõ ràng, dễ hiểu, với văn phong hài hước sẽ giúp các cháu học sinh đồng nhất mình với các nhân vật được trình bày. Mà nhân vật ở đây chính là Quốc hội, các nhà hoạt động Nhà nước và cả Tổng thống nữa.
  • Bác Hồ viết Di chúc

    17/05/2009Phạm Văn ĐồngTrong bản thảo viết tay của những lời dặn cuối cùng, mọi người chúng ta đều thấy có một số đoạn Bác để lại những dấu tích chứng tỏ Bác còn suy nghĩ, chưa phải đã thật hài lòng. Như Bác đã nói, Bác chỉ để lại mấy lời, như vậy những lời đó càng quan trọng và giàu ý nghĩa biết bao...
  • Nhà nước pháp quyền - Sản phẩm tất yếu của nền dân chủ chính trị

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtTrước hết, phải khẳng định, mô hình nhà nước pháp quyền là mô hình nhà nước phổ biến và tiên tiến nhất hiện nay. Tuy nhiên, trong hơn 200 quốc gia trên thế giới, đến nay, mới chỉ có một số nước tổ chức theo mô hình nhà nước pháp quyền, còn đại bộ phận các quốc gia vẫn chưa tổ chức theo mô hình này...
  • Dân chủ cơ sở - nhìn và ngẫm

    24/06/2007Nguyễn Chính TâmKhi công khai và minh bạch đã trở thành một điều khoản mà Việt Nam cam kết với thế giới thì cũng chính phương châm này sẽ là phương tiện chính để giải bài toán phát huy dân chủ cơ sở thành công...
  • Đọc bài "Quốc hội ta vĩ đại thật" của chủ tịch Hồ Chí Minh

    31/03/2007Trần Lưu Sơn (Sở Tư Pháp Tỉnh Hà Nam)Với bút danh T.L chủ tịch Hồ chí Minh viết bài”quốc hội ta vĩ đại thật” đăng trên Báo Nhân dân, số 2304, ngày 10-7-1960. Trong không khí chuẩn bị cho ngày bầu cử quốc hội khoá XII chúng ta cùng đọc lại bài viết của người...
  • Triết lý hành động Hồ Chí Minh

    04/03/2007PGS, TS Nguyễn Hùng HậuTriết lý hành động Hồ Chí Minh không chỉ kế thừa những tinh hoa của triết học Đông Tây kim cổ mà còn kế thừa những điểm tinh tuý của triết học Mác và đưa triết lý hành động lên tầm cao mới trong đó triết lý và hành động, nói và làm, lý luận và thực tiễn không tách rời nhau, tạo nên một khối thống nhất...
  • Vai trò động lực của dân chủ đối với sự hoạt động và sáng tạo của con người

    02/06/2006GS. TS. Nguyễn Trọng ChuẩnDân chủ gắn bó chặt chẽ với quyền sống của con người, là nhu cầu không thể thiếu của từng cá nhân cũng như của cộng đồng người trong xã hội, nhất là trong xã hội văn minh, bởi vậy dân chủ có vai trò to lớn trong việc thúc đẩy con người hoạt động và sáng tạo...
  • “Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, Chuyên chính là cái khóa, cái cửa để phòng kẻ phá hoại”

    06/01/2006Ngô Vương Anh“Dân chủ nghĩa là dân là chủ. Dân chủ là của báu vì đó không phải là thứ tự nhiên có sẵn mà đó là thành quả của cách mạng, nhân dân ta đã phải đấu tranh, hy sinh gian khổ mới giành được. Dân chủ là của báu vì đó là lý tưởng, là ước vọng của toàn thể nhân dân ta về một xã hội tốt đẹp trong tương lai..."
  • Dân tâm và dân chủ

    13/12/2005GS Tương LaiDân chủ với dân tâm gắn với nhau như bóng với hình. Để thu phục được dân tâm, để giành dân tâm thì phải thật lòng thực thi dân chủ, thật lòng mở rộng dân chủ. Để giành dân tâm, không có gì đơn giản hơn điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho cán bộ của Đảng và Nhà nước ngay từ những ngày mới giành được chính quyền từ cách mạng tháng 8/1945: " Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”...
  • xem toàn bộ