Bác Hồ viết Di chúc
Bạn đọc đều biết Bác để ra bốn năm (l0/5/1965 - l0/5/1969) để viết bản Di chúc gần 800 từ (bản công bố năm 1969), kết tinh một cuộc đời hoạt động diễn ra trong phần lớn thế kỷ XX, thế kỷ đã chứng kiến những biến đổi cách mạng sâu rộng nhất trên khắp các lục địa và trong lịch sử loài người. Tôi biết rất rõ Bác đã mất nhiều thời gian để ôn lại, để đánh giá những điều mình đã trải trong đời hoạt động biết bao phong phú và đa dạng ở rất nhiều nơi, gặp biết bao cảnh ngộ gian nguy, và cuối cùng vượt qua được tất cả bởi ý chí kiên cường và đức tin vào thắng lợi cuối cùng. Một cuộc đời như vậy rút lại trên vài trang giấy. Trong bản thảo viết tay của những lời dặn cuối cùng, mọi người chúng ta đều thấy có một số đoạn Bác để lại những dấu tích chứng tỏ Bác còn suy nghĩ, chưa phải đã thật hài lòng. Như Bác đã nói, Bác chỉ để lại mấy lời, như vậy những lời đó càng quan trọng và giàu ý nghĩa biết bao.
Dưới đây tôi thấy cần nhắc lại nguyên văn một số đoạn trong những lời quý giá đó:
Về Đảng:
“Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
… Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”1
Về thanh niên, thế hệ mai sau:
“ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”2.
Và đây là đoạn kết:
“Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.
Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế.
Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”3.
Trong lúc ôn lại văn kiện cực kỳ quan trọng này, tôi thấy cần nhắc một điều căn dặn đã gây xúc động rộng rãi trong đồng bào ta: đó là điều có liên quan đến việc mai táng sau khi Bác mất. Về quyết định của cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước bảo tồn thi hài của Bác và xây một cái lăng để đồng bào, nhất là đồng bào miền Nam, và người nước ngoài đến thăm viếng Bác, cần phải khẳng định một lần nữa rằng đó là một quyết định đúng đắn, sáng suốt, được đồng bào hoan nghênh. Tuy nhiên, sau khi nhắc lại quyết định này, tôi cần nói sự suy nghĩ của tôi về những điều Bác căn dặn. Ở đây, tôi cũng thấy không có cách nào hơn là ghi lại nguyên văn những điều Bác mong muốn:
“Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.
Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hoả táng”. Tôi mong rằng cách “hoả táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn.
Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam.
Đồng bào mỗi miền nên chọn 1 quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây 1 ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao phó cho các cụ phụ lão”4.
Chúng ta đứng trước một con người rất đẹp, một tâm hồn rất đẹp, một cách làm rất đẹp, và như vậy tôi nghĩ trong lúc yên giấc nghìn thu, Bác Hồ sẽ luôn luôn sống với non sông đất nước, sống với cỏ cây hoa lá, sống với đồng bào, đồng chí, sống với các cụ già và các cháu thiếu niên, nhi đồng.
Vào cuối đời, Bác trăn trở nhiều, tìm điều gì thiết thực có thể làm ngay cho dân, cho những người khó khăn, thiếu thốn nhất, thể hiện trong những đoạn Bác dành để căn dặn về những việc cần chú ý làm cho con người, cho mỗi tầng lớp nhân dân,... đặc biệt là việc miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân.
Về những lời dặn cuối cùng của Hồ Chí Minh, không chỉ đồng bào nước ta mà người nước ngoài khắp bốn biển năm châu đều rất xúc động khi đọc bản Di chúc. Mọi người đều coi đây là một văn kiện chứa đựng những tư tưởng và tình cảm tuyệt đẹp, sâu xa và giản dị như con người của Bác Hồ. Tôi thấy không cần nhắc lại những gì người trong nước và nước ngoài nói về áng văn này. Tôi chỉ kể một câu chuyện, là tôi có gặp một vị nữ giáo sư đại học Ấn Độ, bà nói với tôi rằng bà đã dùng những lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để dạy sinh viên trường đại học của bà.
1. Hồ Chí Minh: Sđd, 2000, t. 12, tr. 510
2, 3. Hồ Chí Minh: Sđd, 2000, t. 12, tr. 510, 512.
4. Hồ Chí Minh: Sđd, 2000, t. 12, tr. 510-502
Bác dặn trồng cây thay vì dựng bia đá, tượng đồng
(Lê Kiên, Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh)
Trong Di chúc, Bác dặn trồng nhiều cây ở những nơi lưu niệm Người, không nên dựng bia đá, tượng đồng. Bác chỉ rõ việc cần phải làm trước tiên sau chiến tranh là chỉnh đốn Đảng.
Bác viết di chúc như thế nào?
Bản di chúc đầu tiên được Bác khởi thảo từ ngày 10 đến 15-5-1965, hơn bốn năm trước ngày bác mất, có chữ ký của bí thư thứ nhất Lê Duẩn. Từ đó cho đến bản cuối cùng viết ngày 10-5-1969, Bác đã nhiều lần sửa chữa và bổ sung, khi thì đánh máy, khi thì viết tay. Điều đó cho thấy Bác cẩn thận thế nào đối với từng chữ, từng câu trong di chúc, vì ở đó dồn hết tâm huyết và trí tuệ, tình thương yêu và sự trăn trở trong suốt cả đời Người.
Trong di chúc, Bác dặn trồng nhiều cây ở những nơi lưu niệm Người, không nên dựng bia đá, tượng đồng - Ảnh tư liệu |
Một điều khá đặc biệt nữa là trong suốt quá trình viết, đọc lại và sửa di chúc, tài liệu mà Người chú thích bên cạnh là “tuyệt đối bí mật”, Bác đều thực hiện vào tháng 5 - tháng có ngày sinh của Bác. Tài liệu lưu trữ của Bảo tàng Hồ Chí Minh cho thấy: Năm 1966, Bác đã đọc lại tài liệu “tuyệt đối bí mật” vào các ngày 11, 15 và 16-5 trước lúc đi chữa bệnh. Năm 1968, Bác dành thời gian suốt từ ngày 10 đến 19-5 để viết lại đoạn đầu, sửa và viết thêm một số đoạn của di chúc. Điều thú vị nữa là phần lớn những lần viết, đọc và sửa di chúc của Bác đều được bắt đầu từ lúc 9 giờ sáng và kết thúc lúc 10 giờ.
Về việc xin làm khác lời Bác dặn
Đoạn “về việc riêng”, năm 1965, Bác dặn dò về việc tang và viết về hỏa táng, dặn để lại một phần tro, xương cho miền Nam; năm 1968, Bác viết lại đoạn này, dặn để tro vào ba hộp sành, cho Bắc, Trung, Nam mỗi miền một hộp. Bản di chúc công bố năm 1969 không có đoạn này, Thông báo 151 của Bộ Chính trị (khóa VI) giải thích: “Sở dĩ trước đây chưa công bố đoạn Bác viết về yêu cầu hỏa táng là vì thể theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) thấy cần thiết phải giữ gìn lâu dài thi hài của Bác để sau này đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam, bạn bè quốc tế có điều kiện tới viếng Bác, thể hiện tình cảm sâu đậm đối với Bác. Chính vì lẽ đó mà chúng ta đã xin phép Bác về điểm này được làm khác với lời Bác dặn”.
Cụ thể, bản viết tay năm 1968 Bác dặn: “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống sẽ tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện thì “điện táng” càng tốt hơn”.
“Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro xương đó. Trên mả không nên có bia đá, tượng đồng mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi”.
“Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”.
Thấy trước tương lai
Trong di chúc công bố năm 1969, Bộ Chính trị cho sửa lại một câu Bác viết năm 1965: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa” được sửa là: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài”. Theo Thông báo 151, sở dĩ có sự sửa đổi đó là vì cuộc kháng chiến lúc đó còn đang diễn ra rất khó khăn, ác liệt. Tuy nhiên, từ ngày Bác ra đi cho đến ngày “Mỹ cút” và đến ngày “ngụy nhào” chỉ có mấy năm đã cho ta thấy cái nhìn thấu tương lai và niềm tin tất thắng của Bác. Cũng như khi xưa, Bác đã có lần dự báo nước ta sẽ giành được độc lập vào năm 1945.
Là người khai sinh Đảng, khai sinh Nước, hơn ai hết Bác lường trước rất rõ những khó khăn của công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh, vì thế đoạn viết thêm vào di chúc năm 1968, Bác dặn: “Đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm. Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.
Giải thích tại sao đoạn trên đây không được công bố trong Di chúc 1969, Thông báo 151 cho biết: “Về việc chưa công bố một số đoạn Bác viết thêm năm 1968 về những việc cần làm sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước giành thằng lợi hoàn toàn, đó là vì năm 1969 khi Bác qua đời, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước còn đang gay go, ác liệt, chúng ta chưa giành được thắng lợi cuối cùng nên việc công bố những đoạn văn nói trên lúc ấy là chưa thích hợp”.
PGS-TS Bùi Đình Phong, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ, tâm sự rằng nghiên cứu Di chúc Bác Hồ, sau mỗi năm ông lại phát hiện thêm những nét mới. Sau những dòng chữ ngắn gọn là những tổng kết kinh nghiệm cả một đời hoạt động vì nước, vì dân của Bác. “Bác nói nguyên lý đoàn kết: Không thực hiện dân chủ thì không đoàn kết được, nhất là dân chủ trong Đảng. Vì Đảng ta cầm quyền, không dân chủ trong Đảng thì làm sao dân chủ trong dân được. Bác dạy phải thường xuyên phê bình, phát triển đoàn kết, tức là không phải hôm nay làm, mai không làm” - ông Phong nói.
Nhớ di chúc thiêng liêng của Bác, chúng ta cũng nhớ tới những lời thề trong điếu văn mà Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã đọc trước linh cữu của Người:
“Vĩnh biệt người, chúng ta thề:
Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh...
Trước anh linh Hồ Chủ tịch, chúng ta nguyện suốt đời trung thành với Người, đem hết tâm hồn và nghị lực, đoàn kết thành một khối sắt thép, phấn đấu quên mình, quyết làm tròn nghĩa vụ cao cả vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân”.
Bốn mươi năm qua đi kể từ ngày Bác Hồ kính yêu qua đời, đọc lại di chúc thiêng liêng của Người trước lúc ra đi, cùng với bản “Di chúc về chính trị” - “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”(được Người viết đầu năm 1969) chúng ta càng thấu hiểu được tầm cao của Bác, tình thương yêu vô bờ và cả nỗi lo lắng, trăn trở lớn lao cuối đời lãnh tụ.
Năm 1969, vì một số lý do, Bộ Chính trị (khóa III) đã sửa một câu và chưa cho công bố một vài đoạn trong Di chúc Hồ Chủ tịch; 20 năm sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã ký thông báo công bố toàn văn các bản Di chúc của Bác Hồ. Thông báo số 151-TB/TW, ngày 19-8-1989 của Bộ Chính trị “về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ký viết: “Nhân kỷ niệm 20 năm ngày Bác qua đời và chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) thấy có trách nhiệm thông báo đến toàn Đảng, toàn dân một số vấn đề liên quan đến di chúc và ngày Bác qua đời”. |
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành