Để rồng không ngủ quên
Năm 2011 là tròn 10 năm cuốn sách Đánh thức con rồng ngủ quên viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam được xuât bản. Mười năm qua “Con rồng” Việt Nam đă “thức dậy” như thế nào? Sinh viên Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với nhà kinh tế, đồng chủ biên của cuốn sách - PGS , TS Trần Nam Bình , giảng viên trường Thuế vụ , khoa luật , Đại học New South Wales (Australia)
Bẫy và Rồng
- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về Việt Nam trong năm qua, dưới con mắt của một học gia kinh tế?
Tôi không đủ khả năng đánh giá Việt Nam một cách toàn diện. Từ quan điểm một người gốc Việt ở xa, tôi có một vài nhận xét tập trung vào góc cạnh kinh tế như sau: năm 2010 là năm mà tình hình kinh tế thế giới kém thuận lợi và kinh tế Việt nam đã gặp nhiều trở ngại. Tuy Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng và mức đầu tư trực tiếp nước ngoài tốt nhưng tốc độ tăng trưởng không tốt lắm. Nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô vẫn chưa được giải quyết, ví dụ như lạm phát và nhập siêu. Hai vấn đề kinh tế nổi cộm khác là (1) các thành quả kém cỏi của các công ty quốc doanh (2) tỷ suất lợi nhuận rất thấp của các nhà đầu tư lớn, nhất là các công trình do Chính phủ tài trợ. Nói tóm lại Việt nam sẽ phải đối diện nhiều thách thức kinh tế trong năm 2011.
- Tại sao trong cuốn sách của mình, ông và các tác giả lại nghĩ tới hình tượng Rồng?
Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí và tôi đã dùng biểu tượng rồng cho cuốn sách mà chúng tôi chủ biên vì các lý do như sau: Thứ nhất, theo huyền thoại mà người Việt chúng ta thường tự nhận là hậu duệ của Lạc long Quân. Thứ hai, cũng theo truyền thuyết, giống rồng thường có giấc ngủ rất dài. Thứ ba, khi thức tỉnh rồng có thể bay lượn lên cao, trông rất là “hoành tráng”. Đó là hy vọng của chúng tôi cho đất nước và dân tộc chúng ta. Đối với riêng tôi hình tượng rồng cũng có một hàm nghĩa khá tế nhị hơn như sau: Rồng không phải là loài vật có thực. Phát triển tại Việt Nam có toàn diện và có thật hay không, phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực của chúng ta.
- Con rồng lúc ông đánh thức” (năm đầu tiên của thế kỷ 21) và con rồng của thời điểm hiện tại (sau thập niên đầu của thế kỷ 21) có gì thú vị?
Sau một thập niên, “con rồng” Việt Nam đã có nhiều tiến bộ đáng kể. Tăng trưởng kinh tế tốt và đều đặn, mức độ nghèo tuyệt đối giảm nhanh, nền kinh tế có khả năng phục hồi khi tình hình kinh tế thế giới kém thuận lợi… Tuy nhiên phát triển kinh tế tại Việt Nam không đồng bộ và dựa rất nhiều vào dòng vốn bên ngoài. Nói gọn lại, nếu việt Nam năm 2000 là con rồng còn ngái ngủ, thì Việt Nam năm 2010 là con rồng đã tỉnh ngủ. Con rồng tỉnh ngủ theo nghĩa, người Việt của chúng ta hiện nay có khả năng đỏnh giá đúng đắn hơn vị trí của chúng ta trong cộng đồng quốc tế.
- Chuyện hoá hổ, hoá rồng… thường là mong ước của không ít quốc gia, đặc biệt là các quốc gia châu Á trong nhiều năm trở lại đây. Nhưng để có uy vũ của hổ và sức mạnh của rồng thì là chuyện chẳng dễ dàng gì. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Các quốc gia đang phát triển nào lại chẳng muốn trở thành rồng, thành hổ?! Các nền kinh tế công nghiệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Hongkong là niềm mơ ước chung của các nước đang phát triển, nhất là các nước trong khu vực châu Á. Nhưng từ ước mơ đến hiện thực là quá trình rất gian khổ, cần chính sách tốt của nhà nước và hy sinh lớn lao của dân chúng cùng xảy ra một thời điểm. Theo ý kiến cá nhân của tôi, Việt Nam đã đi được một phần trong quá trình đó. Hành trình phát triển còn xa và còn nhiều thử thách.
- Trong khu vực những hổ và rồng nào mà ông ấn tượng nhất? Vì sao?
Trong suy nghĩ của tôi Hàn Quốc là con hổ thực sự của khu vực, của Châu Á, và của cả thế giới. Chỉ trong vòng xấp xỉ một thế hệ, Hàn Quốc đã thay đổi từ một nước chậm tiến thành một cường quốc kinh tế, và một thành viên của tổ chức phát triển hợp tác kinh tế (OECD). Ngoài ra Hàn Quốc cũng đạt được nhiều thành quả về giáo dục, khoa học, kỹ thuật, văn hoá và thể thao. Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về lịch sử (Thuộc địa cũ của các nước láng giềng bị chia cắt…) và văn hoá( Khổng giáo). Tôi nghĩ hai điểm mà việt Nam có thể học hỏi từ Hàn Quốc là tinh thần (1) tự ái dân tộc (2) phục vụ cộng đồng. Đó là hai nhân tố giúp hàn Quốc phát triển rất nhanh trong 25 năm vừa qua.
- Thu nhập trung bình đang là cái bẫy của các quốc gia đang phát triển như Việt nam. Để rồng, để hổ không dính bẫy thì phải làm sao, thưa ông?
Tuy thu nhập bình quân ngang bằng sức mua tại Việt Nam hiện nay thuộc vào hạng thấp trên thế giới (161/225) người ta bắt đầu nói đến cái bẫy thu nhập ở giữa (middle income trap) nói một cách đơn giản cụm từ này ám chỉ hiện trạng khi các quốc gia đang phát triển tăng trưởng đến mức thu nhập ở giữa thì mức tăng trưởng chậm lại và do đó bị vướng mắc trong hạng thu nhập này (ví dụ như malaysia). Đây không phải là vấn đề ngắn hạn cho Việt Nam và chúng ta vẫn là quốc gia thu nhập thấp. Tuy nhiên các nhà chính sách tại Việt Nam cũng nên dần dần suy nghĩ vấn đề này là vừa. Theo ý kiến của riêng tôi Việt Nam có thể tránh được cái bẫy này nếu (1) Thể chế và sự quản trị quốc gia trở nên linh động hơn (cái cách thể chế hành chính bao gồm cả việc xét lại vai trò của các tổng công ty quốc doanh, (2) Lực lượng lao động trở lên thông minh hơn (do đó có thể sản xuất những hàng hoá và dịch vụ có giá trị thêm vào cao hơn) và (3) Cơ sở hạ tầng phát triển hơn.
- Còn chiếc bẫy (thiếu thốn tương đối ) và sự ganh tỵ thì sao, thưa ông?
Thiếu thốn tương đối và ganh tỵ là những vấn đề xã hội hiện thực. Khi mức sống khá thấp thì người ta chỉ quan tâm đến sự cải thiện kinh tế của mình. Nhưng khi mức sống được cải thiện hơn, người ta sẽ bắt đầu so sánh với những người khác cùng chung cảnh ngộ ban đầu. Đó là nguồn gốc thiếu thốn tương đố và ganh tỵ có thể dẫn đến bất ổn xã hội, nhất là khi dân chúng chia thành một nửa có, một nửa không có. Thuyết này có thể được bổ sung bằng hiệu ứng “đường hầm”. Xem một đường hầm có hai làn giao thông cung một chiều, Vì giao thông bị tắt nghẹn, một làn bị kẹt cứng nhưng làn kia vẫn chuyển động được. Người lái xe trong làn bị kẹt xem đó là triệu chứng tốt vì họ nghĩ sẽ đến phiên họ ra khỏi đường hầm. Tương tự khi quá trình phát triển kinh tế bắt đầu, các lợi ích của tăng trưởng kinh tế chỉ đến với một phần nhỏ của dân số. Thành phần không đươch hưởng không cảm thấy bất mãn ngay vì họ kỳ vọng sẽ được hưởng các lợi ích này trong tương lai. Nhưng trong một thời gian chờ đợi mà không có sự thay đổi, sự thấu cảm ban đầu sẽ trở thành cảm giác thiếu thốn tương đối. Khi nhiều người có cùng cảm giác như vậy các va chạm xã hội sẽ sảy ra.
- Áp lực hoá hổ, hoá rồng rất lớn. Sẽ ra sao nếu giấc mơ chỉ là giấc mơ?
Nếu chúng ta tự chọn “hoá hổ”, “hoá rồng” là mục đích trong ngắn hạn hay trung hạn, thì đó là một áp lực quá lớn cho các nhà lãnh đạo các nhà làm chính sách, các doanh nghiệp và các cá nhân Việt nam. Tôi nói như vậy vì hổ hay rồng là những ý niệm tương đối. Khi Việt nam tăng trưởng thì các nước khác cũng tăng trưởng theo. Bắt kịp các quốc gia phát triển hơn mình là đủ khó, đừng nói chi đến chuyện trở thành rồng hay trong ngắn hạn hay trung hạn không trở thành hiện thực đó sẽ là thất vọng lớn lao và có thể tạo nên một số bất ổn xã hội ngắn hạn. Nhưng nó cũng có thể là đọng cơ cho đột phá về tư duy đổi mới. Nói chung tôi lạc quan theo nghĩa tôI tin rằng Việt nam sẽ trở thành cường quốc kinh tế trong dài hạn ( đòi hỏi một, hai thế hệ)
Vươn tầm châu lục
- Thưa, ông có tin vào một kỳ tăng trưởng diệu kỳ của Việt Nam? Để có sự kỳ diệu đó cần phải hộ đủ các yếu tố gì?
Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả đáng kể trong tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, những thành tựu này chưa thể xem là diệu kỳ. Thực ra, Việt Nam tăng trưởng chậm hơn Nhật, Hàn Quốc và Trng Quốc trong những thời kỳ tương tự. Tôi chưa thấy rõ Việt Nam sẽ đạt được sự tăng trưởng kỳ diệu trong thời gian sắp tới, một phần vì điều kiện kinh tế thế giới hiện nay. Nói xa hơn, để đạt được sự tăng trưởng kỳ diệu, Việt Nam cần có sự đột phá về tư duy của nhiều người, nhiều giới như sau: [1] tầm nhìn và sự quyết tâm của lãnh đạo; [2] chiến lược và thực thi hiệu quả của các nhà hoạch định chính sách; [3] tinh thần cộng đồng của các cá nhân.
- Theo ông, giới trẻ Việt Nam có vai trò thế nào trong việc đánh thức con rồng ngủ quên? Ông kỳ vọng gì ở họ?
Tôi đồng ý là thế hệ trẻ Việt Nam sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc “đánh thức con rồng” ngủ quên. Các bạn trẻ rất năng động rất hiếu học và hội nhập quốc tế rất nhanh. Như tôi nói ở trên, “Đánh thức con rồng ngủ quên” đòi hỏi đầu tiên và trên hết, tàm nhìn và quyết tâm của giớt lanh đạo; còn người trẻ Việt Nam cần phát triển: [1] kỹ năng chuyên môn; [2] suy nghĩ sáng tạo; [3] lý tưởng phục vụ cộng đồng. Như tôi đã đề cập trong một bài viết trong báo sinh viên Việt Nam trước đây, giới trẻ rất cần sự “đam mê” trong việc đóng góp cho đất nước.
- Việt Nam được coi là nước có dân số vàng, theo ông, dưới góc nhìn của một nhà kinh tế, là thế nào tận dụng lợi thế này?
Việt Nam được xem là có dân số vàng theo nghĩa dân số trẻ và do đó lực lưọng lao động tiềm năng của Việt Nam rất hùng hậu. Tuy điều đó đúng, chính nó cũng là một thách thức cho Việt Nam. Nếu muốn tận dụng năng lực của những người trong tuổi lao động, chúng ta cần một hệ thống giáo dục- đào tạo thích ứng, cập nhật và toàn diện. Đây là một thách thức lớn cho Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là các nhà làm chính sách giáo dục đại học.
- Một kỷ niệm của ông với một người trẻ Việt mà ông đã từng gặp, để ông thấy rằng, giấc mơ hoá rồng không còn xa?
Trong nhiều năm qua, ở trong nước cũng như ngoài nước, tôi đã gặp nhiều bạn trẻ người Việt, thường là các Sinh Viên. Các bạn đã gây ấn tượng rất sâu sắc và khiến tôi phấn khởi về nhiều góc cạnh khác nhau. Trao đổi với các bạn làm tôi cảm thấy lạc quan về tương lai nước Việt. Tuy nhiên, điều đó không hàm nghĩa là: Giấc mơ hoá rồng của Việt Nam không còn xa.
- Xin cảm ơn ông.
Sách Đánh thức con Rồng ngủ quên
Tác giả: Phạm Đỗ Chí - Trần Nam Bình (chủ biên)
Năm xuất bản: 2001
NXB TP Hồ Chí Minh & Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (VAPEC)
Tuyển tập "Đánh thức con Rồng ngủ quên" là một tập hợp chất xám nặng ký về kinh tế. Ngoài các luận đề thuần lý thuyết kinh tế, một vài tác giả còn đề cập đến điểm hệ trọng khác trong yếu tố phát triển là "vốn Người" (Human capital), là một yếu tố quyết định sự thành bại. Giáo sư Nguyễn Hữu Liêm, vốn được đào tạo từ các lãnh vực nông nghiệp, hành chính, luật pháp đã nhìn yếu tố "con người" như một chiến lược phát triển kinh tế quốc gia: "Vấn đề nhân sự ở đây không chỉ dừng lại ở số lượng, khả năng chuyên môn, kinh nghiệm trong quá trình đào tạo. Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến phẩm chất đạo đức kinh tế của con người Việt Nam" (trang 184). "Đạo đức kinh tế" là vấn đề mới mẻ, chưa có một kinh tế gia Việt Nam nào đưa ra, ít ra trong nửa thế kỷ qua, khi người Việt bắt đầu làm quen với danh từ "kinh tế".
Một khía cạnh khác trong yếu tố nhân sự đối với các ‘chuyên gia Việt Nam ở hải ngoại’, cũng đã được chuyên gia "Ngân hàng Thế giới" Phạm Nguyên Trí đánh giá thực tiễn về tiềm năng của nó. Thật là một lời tiên tri của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi được tác giả David Aikman (Pacific Rim) hỏi về vấn đề người Việt di tản, ông đã trả lời: "Đó là một điều phiền muộn cho chúng tôi, khi người Việt phải lìa bỏ quê hương ra nước ngoài, nhưng đa số họ sẽ trở về với quê cha đất tổ". Sự đóng góp của các thức giả trong tuyển tập này đã chứng minh lời tiên tri đó.
"Đánh thức con Rồng ngủ quên" không phải là cuốn sách đọc chỉ để bồi bổ kiến thức suông, nó chứa đựng những vấn đề chuyên môn mà mọi thành phần trong cơ cấu kinh tế quốc gia cần phải học tập và rút tỉa, và bài học ấy có đạt được kết quả mỹ mãn hay không còn tùy thuộc vào nổ lực của "con người kinh tế Việt Nam".
David Aikman (Pacific Rim) đã mô tả về những con Rồng châu Á: "Không có một vùng nào trên trái đất phát triển quá mau chóng trong hai thập niên vừa qua (1986) như Vùng Thái Bình Dương. Không có một khu vực nào phát triển mậu dịch với Mỹ gia tăng quá nhanh chóng như nó. Và cũng chưa có vùng nào mà sự hổ tương sâu xa giữa an ninh chính trị, thịnh vượng kinh tế với một thị trường "béo bở" của Mỹ như nó.". Vậy, nếu "con người kinh tế" Việt Nam thể hiện đúng vai trò của nó, thì chúng ta có thể phấn khởi tin tưởng vào tương lai rằng: Chưa có một con Rồng nào vừa vươn vai thức dậy trong quá khứ, mang một vóc dáng hùng tráng như con Rồng Việt Nam.
Những nội dung khác
Qua 28 tiểu luận của 24 chuyên gia, đa số đang làm việc trong các lãnh vực chuyên môn về Kinh tế, tiền tệ.v.v... cho các Tổ chức Quốc tế như IMF, World Bank, các cán bộ chuyên ngành trong nước, các giáo sư đang giảng dạy ở các đại học trên thế giới đã dàn trãi những vấn đề kinh tế chuyên môn như:
* kinh tế thị trường
* mậu dịch khu vực và quốc tế
* vai trò nhà nuớc trong việc phát triển kinh tế
* chính sách tài khóa
* đầu tư nước ngoài
* chiến lược phát triển nông nghiệp
* kinh tế vĩ mô và khu vực phát triển công nghiệp
* vai trò giáo dục trong việc phát triển kinh tế
…
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức Phương"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá