Cuối cùng Weber đã tới!
(Đọc Nền đạo đức tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản, Max Weber, bản dịch của Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng, Trần Hữu Quang, NXB Tri Thức, Hà Nội, 2007)
Ở Việt Nam, với những người làm khoa học xã hội, đặc biệt là xã hội học, Weber không phải là một người lạ. Từ rất lâu, trong công trình của không ít những bậc “đại thụ”, người ta đã có thể nhận ra bóng dáng của ông. Trong các giáo trình xã hội học, sinh viên đã được biết đến tên tuổi và tư tưởng của ông. Cũng có vài cuốn sách thuộc loại từ điển hoặc giản yếu, toát yếu, tổng thuật hoặc thuộc loại lịch sử khoa học có viết. Điển hình là cuốn Max Weber của học giả Trung Quốc Hàn Lâm Hợp được dịch ra tiếng Việt và in ở Việt Nam từ năm 2004. Nhưng lần này, ông đã đến Việt Nam thực sự “bằng xương bằng thịt”, qua một bản dịch trực tiếp từ tiếng Đức, ngôn ngữ của nguyên tác, công trình quan trọng nhất của ông:Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản.
Có thể nói, dẫu không thể có cùng vị trí với những nhân vật vĩ đại như I.Kant hay G.W.F.Hégel nhưng vẫn hoàn toàn có thể xếp Max Weber vào trong số những “ông lớn” của khoa học xã hội và nhân văn như E.Husserl, như H.Bergson, như S Freud. Ông độc đáo bởi tính đa dạng của các công trình nghiên cứu, từ sử học, luật học cho đến kinh tế học. Trên tất cả, ông để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong ngành xã hội học và được coi như là thuộc vào hàng “cha đẻ” của xã hội học hiện đại cùng với những nhân vật như Émile Durkheim hay Georg Simmel. Không chỉ có vậy, ông còn góp phần đặt nền tảng về phương pháp luận cho các khoa học nhân văn hiện đại và đồng thời cũng đặc biệt được đề cao bởi chiều kích triết học trong những nghiên cứu của ông. Và trong số tất cả những công trình quan trọng của Weber, cuốn Nền đạo đức Tin lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản thuộc vào số công trình quan trọng nhất, có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất và cũng gây tranh cãi gay gắt nhất suốt từ khi nó được công bố lần đầu tiên từ năm 1904 - 1905. Có thể nói, sau Tư bản luận của Karl Marx, cuốn sách của Weber chính là chìa khóa quan trọng nhất để hiểu chủ nghĩa tư bản.
Với bất cứ một người viết điểm sách nào thì việc giới thiệu bản dịch Nền đạo đức tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản(viết tắt ĐĐTL) do nhóm dịch giả Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng, Trần Hữu Quang cũng đều là một thách thức. Thách thức trước hết bởi tầm vóc của công trình nguyên tác và thách thức bởi việc giới thiệu cuốn sách đã được tiến hành một cách hết sức chu đáo, tỉ mỉ và khá tín trong Lời giới thiệu mở đầu bản dịch. Tôi tin rằng ở Việt Nam hiện nay, chúng ta khó có thể tìm được một lời giới thiệu công trình này có chất lượng cao hơn những gì mà các dịch giả Trần Hữu Quang và Bùi Văn Nam Sơn đã làm. Làm lại công việc này để gói gọn lại trong một bài điểm sách ngắn xem chừng sẽ là vô ích. Ở đây, tôi chỉ thử đưa ra một vài suy nghĩ của mình về những giá trị cũng như những lạc thú tinh thần mà theo tôi, cuốn sách có thể mang đến cho người đọc nói riêng cũng như đời sống văn hóa, khoa học của chúng ta nói chung.
Bìa sách "Nền đạo đức tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản"
.
Trước hết, việc những cuốn sách như ĐĐTL hay các trước tác kinh điển của Kant và Hégel được dịch và xuất bản trong thời gian vừa qua đã ấn định lại đồng thời nâng cao một chuẩn mực của sách mà đã từ lâu trở nên không còn được coi trọng ở Việt Nam. Nó làm chúng ta hồi tưởng lại những cuốn sách được in từ một thời chưa xa, thời Bao cấp. Một công thức của sách nghiên cứu đã được tái định hình: lời giới thiệu, các cước chú trong mỗi trang, những phụ lục như danh mục tài liệu tham khảo, niên biểu, thư mục các loại, chú giải từ vựng (vocabulaire) và cả những chỉ mục (index). Dưới thời bao cấp, không chỉ với sách nghiên cứu mà ngay cả mảng sách văn chương, chúng ta đã có được một chuẩn mực sách với lời giới thiệu đầu sách và những chú giải gần như là bắt buộc hết sức chi tiết và phong phú. Bắt đầu từ khi thị trường sách được phó thác cho những quy luật của thị trường tự do “thiếu tính thuần lý” (xin được mượn lối nói của chính Max Weber) thì những chuẩn mực này bắt đầu bị coi thường và đáng buồn thay, đôi khi bởi chính những nhà xuất bản có uy tín trong việc làm sách. Việc tái lập lại những chuẩn mực này, thiết tưởng, sẽ góp phần lành mạnh hóa trở lại đời sống sách ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc đọc nguyên tác mang đến những niềm hạnh phúc đối với tinh thần mà không một bản tổng thuật nào có thể so sánh được. Nó là một cuộc lang thang tinh thần mà ở mỗi ngóc ngách của cuốn sách người ta đều có thể tìm thấy một cánh cửa mở cho suy nghĩ thay vì một cuộc “du hành” bị khúc xạ và bị định hướng bởi người tổng thuật. Trường hợp cuốn sách Weber cũng không phải là một ngoại lệ. Như tiêu đề của nó đã chỉ rõ, đây là một nghiên cứu về mối quan hệ giữa những nguyên tắc đạo đức của Đạo Tin lành và “tinh thần” của chủ nghĩa tư bản, nói rộng ra, đó là quan hệ giữa tôn giáo và nền tảng cấu trúc của một hình thái xã hội chứ không phải chỉ là một hình thái kinh tế. Dẫu rằng, so với thời điểm Weber viết cuốn sách, cả Đạo Tin lành và Chủ nghĩa tư bản đều đã có những thay đổi nhưng đó vẫn là những thực thể mà dù lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa chúng ta vẫn phải đối diện và “chung sống”. Thế nên, từ cuốn sách của Weber, tôi tin rằng người đọc ngày nay vẫn có thể tìm thấy những ý tướng đáng để chúng ta suy nghĩ về chính thời hiện tại . Xin được dẫn lại một trích đoạn: “Cấu trúc thuần lý của luật pháp và của bộ máy hành chính lẽ lất nhiên là điều quan trọng. Thật vậy, chủ nghĩa tư bản doanh nghiệp thuần lý hiện đại đòi hỏi phải có sự tiên liệu có tính toán, không chỉ về mặt kỹ thuật sản xuất, mà cả về mặt luật pháp, cũng như một bộ máy hành chính với những quy tắc hình thức rõ ràng. Không có những yếu tố này, thì chắc chắn sẽ có thể nảy sinh thứ chủ nghĩa tư bản phiêu lưu và thương mại đầu cơ, cũng như đủ mọi loại chủ nghĩa tư bản chịu sự chi phối của chính trị, chứ không thể nảy sinh loại hình doanh nghiệp tư nhân thuần lý với số vốn cố định và sự tính toán vũng chắc” (tr.60 của bản dịch nói trên). “Chủ nghĩa tư bản phiêu lưu”, “thương mại đầu cơ”, “chủ nghĩa tư bản chịu sự chi phối của chính trị, là những điều mà chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã hiểu và trải nghiệm. Tất nhiên, người đọc chuyên nghiệp còn có thể tìm thấy rất nhiều những gợi mở hơn thế từ cuốn sách của Weber. Tính phi thời gian, thứ lạc thú tinh thần mà một công trình nguyên tác có thể mang đến cho người đọc có lẽ thể hiện chính ở những “điểm” như thế.
Tính độc đáo của bản dịch này thể hiện ở việc nó là một công trình tập thể của bốn dịch giả - nhà nghiên cứu với sự kết hợp kiến thức chuyên môn của ít nhất ba lĩnh vực: triết học, xã hội học và thần học. Nhìn vào hệ thống cước chú dày đặc và đồ sộ, người đọc có thể yên tâm về độ khả tín của bản dịch. Nhưng chính điều đó cũng là một thách thức. Nó cho thấy sự gian khó của việc chuyển ngữ những công trình kinh điển của khoa học xã hội và nhân văn thế giới. Vấn đề ở đây không chỉ là sự thành thạo ngoại ngữ (đôi khi là những ngoại ngữ “hiếm” như tiếng Đức, tiếng ý) mà còn đòi hỏi sự am tường kiến thức ở những lĩnh vực chuyên môn sâu, mà có những ngành là thứ “của hiếm” trong điều kiện Việt Nam hiện nay như thần học hay nhân học. Liệu trong khoảng mười năm tới đây, khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam có thể đảm bảo được một lực lượng nghiên cứu viên hội đủ được những yêu cầu nói trên để đảm đương công việc “nhập khẩu” lý thuyết? Đó là một câu hỏi mà những người đứng đầu những thiết chế nghiên cứu lớn ở nước ta hiện nay không dễ trả lời. Câu hỏi ấy càng trở nên nhức nhối hơn nữa khi chúng ta biết rằng những người đang đảm đương công việc này đều thuộc lớp người đi qua ngưỡng 55 tuổi. Điều đó khiến cho việc những công trình này được xuất bản giống như những cố gắng cuối cùng của một thế hệ trong khi nỗ lực tiếp nối của thế hệ sau vẫn còn chưa định hình một cách rõ nét.
Việc một cuốn sách như ĐĐTL được in ấn và phát hành cũng là một dấu hiệu cho thấy “thể chất” của nền khoa học ở Việt Nam đã đủ một độ trưởng thành để vượt qua khá nhiều định kiến và những “nỗi sợ” kiểu như: nó có quá “ca ngợi” chủ nghĩa tư bản? nó có chống lại chủ nghĩa Mác khi đề cao vai trò của tôn giáo thay vì kinh tế, phương thức sản xuất? Đọc kĩ cuốn sách sẽ thấy những “nỗi sợ” này là hão huyền. Và như vậy thì, trong tất cả những lo lắng cần có và đáng có, chúng ta vẫn có quyền vui. Bởi lẽ:
Cuối cùng thì, Weber đã đến!
Nhìn sâu vào sự tiến triển của các khoa học xã hội ở Việt Nam trong khoảng hai chục năm gần đây, sự xuất hiện của ĐĐTL dường như là sự khẳng định cho một tiến bộ không thể chối cãi. Trong lặng lẽ, những công trình có giá trị vẫn tiếp tục được xuất bản. Sau mấy thế kỷ người Việt đã được đọc bản chuyển ngữ các trước tác của Kant và Hégel. Sau hơn một thế kỷ, làweber và sau mấy chục năm là Trần Đức Thảo, là Ricoeur hay Said. Có một hiện thực hai mặt đằng sau hiện tượng này. Trước hết là một tình trạng tụt hậu đáng lo ngại về lý thuyết giữa Việt Nam về thế giới, không chỉ với những nước Tây phương, hậu quả của tình thế Chiến tranh lạnh mà cả với chính những nước từng nằm trong khối xã hội chủ nghĩa. Việc phải sau hơn ba mươi năm, tín hiệu học của lu. Lotman mới đến được với người đọc Việt Nam ở dạng trọn vẹn của một công trình quả thật là đều đáng để suy nghĩ. Và mặt bên kia của sự tụt hậu đó là một nỗ lực đáng ghi nhận của giới nghiên cứu ở Việt Nam nhằm vượt qua sự tụt hậu. Lấy ví dụ trong khoa học văn học, ngày nay, chưa cần phải có ngoại ngữ, chỉ cần đọc đều đặn tạp chí Văn học nước ngoài, Tạp chí nghiên cứu văn học và một số công trình của Nguyễn Văn Dân, Trương Đăng Dung, Đỗ Lai Thúy, người đọc đã có thể có được một hình dung tương đối đầy đủ về các lý thuyết nghiên cứu văn chương của phương Tây, từ chủ nghĩa hình thức đầu thế kỉ XX cho đến những lý thuyết hậu cấu trúc mới đây.
Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của những công trình như bản dịch cuốn ĐĐTL đánh dấu việc giới nghiên cứu bắt đầu phải bước qua giai đoạn vẽ những “bảng lược đồ” để đi vào những công trình và lĩnh vực cụ thể, chuyên sâu.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh