Chúng ta là hình hay là bóng?
Thời gian này, trên mạng xã hội facebook vẫn còn thấy đường link của những trang blog vốn rất “ăn khách” từ mấy năm trước. Chủ nhân các blog phải nhờ đến ạng xã hội để chuyển thông tin không phải là không có lý do, lượng người sử dụng và thời gian truy cập các mạng xã hội đã tăng rất nhanh, hơn gấp ba lần chỉ trong vòng ba năm qua (theo dữ liệu của comSore) và dĩ nhiên, theo đó độc giả của blog cũng giảm xuống gần như tương ứng.
Một bloger nó, “mạng xã hội nhảm nhí, chỉ toàn khoe hình ảnh sinh hoạt vớ vẩn, khoe con cái,…”. Tuy nhiên nhận xét đó không làm chậm đi được trào lưu mạnh mẽ này. Theo một nghiên cứu đăng trên tờ New York Times năm ngoái, blog chỉ còn phù hợp với những người lớn tuổi, những người có khả năng (và thích) viết dài, phân tích sâu. Nhưng giờ đây, dùmuốn hay không, họ cũng phải làm quen với mạng xã hội do phần đông độc giả của họ và giới trẻ đã chuyển hẳn sang mạng xã hội, nhất là Facebook, nơi mỗi cá nhân có thể thể hiện và cập nhật mình bằng rất nhiều cách vừa dễ, vừa nhanh, gọn, đồng thời vẫn giữ được kết nối với bạn bè và người thân.
Các nhà nghiên cứu về văn hóa mạng cho rằng, sự thoái trào của blog và sự lên ngôi của mạng xã hội liên quan đến việc giới trẻ ngày càng ít có thời gian để suy nghĩ sâu và viết về những câu chuyện trong cuộc sống, mà thay vào đó là mô tả những tình trạng, diễn biến ngay tức thời. Điều này có nguyên nhân từ việc phần lớn cư dân mạng đang chuyển sang truy cập Internet bằng các thiết bị d động vì nó thuận tiện hơn, mọi lúc, mọi nơi. Và điện thoại di động với màn hình nhỏ, và không có bàn phím như máy tính, thì phù hợp với những gì ngắn gọn và nhanh nhất, như những dòng trạng thái và hình ảnh chớp nhoáng kiểu “đang ăn trưa ở nhà hàng XYZ cùng với A,B,C”.
Các nhà nghiên cứ lưu ý rằng, điều đó có nghĩa là chính các phương tiện đang định dạng một thế hệ mới với văn hóa và cách thể hiện bản thân mới. Nghĩa là, không phải phương tiện sinh ra để phục vụ con người, mà con người đang trở thành nô lệ của phương tiện. Đó là lý do tôi lại nhớ lại câu chuyện Cái bóng của Andersen.
Hình trên là biểu đồ mà một chuyên gia phân tích mạng lưới lập cho chính những mạng lưới bạn bè trên mạng xã hội Facebook của mình. Sơ đồ mô tả tính trung tâm hay ngoại biên của mỗi cá nhân, cho thấy mức độ "nổi tiếng" của mỗi cá nhân trong nhóm. (mỗi nhóm thể hiện bằng một mầu sắc) tùy theo khoảng cách xa hay gần trung tâm của cá nhân đó. Theo chuyên gia này, có những cá nhân dù không "nổi tiếng" trong một nhóm nào cả, thậm chí nằm ở vị trí ngoại biên, nhưng lại có vốn xã hội rất cao do vẫn có quan hệ với nhiều nhóm khác nhau.
*
* *
Một cô bạn theo tôi về quê mấy ngày và nhờ tôi dẫn đi chơi. Dĩ nhiên là tôi rất vui lòng. Chỉ có điều, suốt cuộc đi chơi, cô ấy hầu như không chú ý gì đến cảnh vật, con người, lịch sử của một nơi chốn mà tôi rất sẵn lòng giới thiệu. Nếu không phải đang “online” trên điện thoại, thì cô ấy cũng liên tục tạo dáng và nhờ tôi chụp hình ảnh cô ấy ở mọi nơi, mọi tư thế. Để đưa lên Facebook, cô nói.
Mỗi ngày bình thường, cô cũng đã đưa lên mạng xã hội không ít hơn vài ba cập nhật, về mọi hình ảnh mình hiện diện ở khắp nơi, từ ăn uống, làm việc, vui chơi, và những câu trạng thái thể hiện mình là một cô gái đẹp, sành điệu, thông minh, quyến rũ và thành đạt…Cô nhận vô số lời bình khen ngợi, ngưỡng mộ từ các “fan” nam, nữ. Một lần gặp lại cô, tôi hỏi, em đang rất hạnh phúc và mỹ mãn phải không, theo những gì chị thấy trên Facebook. Cô nói, nhìn vậy thôi chị ạ, em có nhiều chuyện buồn phiền, em thật sự đang rất khủng hoảng và hoang mang. Thế nhưng chẳng có ai để em chia sẻ điều đó cả.
Tôi không thể giúp gì được cho cô bởi chính cô đã xây dựng nên chân dung của bản thân mình theo cách đó, và trở thành nạn nhân của nó. Càng cô đơn và hoang mang, cô gái càng tiếp tục tự xây dựng nên một hình ảnh hào nhoáng về bản thân, và càng ngày càng khó quay trở về con người thật của bản thân mình. Tôi không giúp gì được co cô cũng như trong chuyến đi chơi chung ấy đã không thể chỉ cho cô thấy những điều rất đẹp của một nơi chốn mà nếu muốn biết, cô cần có thời gian và một đời sống nội tâm bình yên để quan sát, lắng nghe và cảm nhận.
Cô gái, cũng như rất nhiều thành viên của các mạng xã hội – nhất là giới trẻ, đang xây dựng ở đó một cái bóng lộng lẫy của mình, và rồi lại trở thành nô lệ của nó.
Và nếu đó không phải là một hình ảnh thật, hãy nhớ rằng, không phải mọi sẻ chia, quan tâm, những phản ứng của những thành viên khác cũng hoàn toàn là thật. Có khi nhấn nút “like” (ưa thích) chỉ vì muốn được người ta “like” lại. Có khi tưởng mình biết nhiều về một người, chỉ vì thông tin người ấy cập nhật thường xuyên, mà không phải vì mình thực sự quan tâm và được người ấy thực sự chia sẻ. Có những bạn trẻ có hàng ngàn bạn bè trên Facebook và trở thành “hotbuy”, “hotgirl”, nhưng không có lấy một người bạn tâm giao thật sự cho mình. Đã có những nghiên cứu ban đầu về những người bị tổn thương, khủng hoảng tâm lý và cảm thấy bị phản bội, bị xâm phạm đời tư về những ảo tưởng trên mạng như thế.
Quay lại chuyện cái bóng, lớn lên đọc lại, tôi biết rằng đó là một ẩn dụ nhiều tầng lớp. Không phải tại cái bóng quá ghê gớm, mà vì nhà bác học đã không kiểm soát nó, đã quá coi trọng nó, không xem nó là cái bóng như đúng ra nó phải thế. Và nhà bác học cũng không phải bị giết chết như trong truyện đã kể. Thật ra ông vẫn sống, ông chính là cái bóng đó, nhưng không còn là ông nữa. Đó là một cái chết từ từ, êm ái, chết lúc nào không hay.
Nhiều bài bài báo, nghiên cứu cho rằng Facebook đang cho thấy giới trẻ ngày càng “tự yêu bản thân” một cách thái quá, bằngcách mô tả về bản thân, đưa hình ảnh chính mình như là “trung tâm của thế giới” mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, đó cũng chính là điều khiến mạng xã hội trở thành trào lưu mạnh mẽ lấn lướt blog, nơi chỉ có một số lượng nất định những cá nhân có khả năng viết lách, phân tích hay cung cấp thông tin là trở thành “ngôi sao”. Ở mạng xã hội, ai cũng có thể vừa là trung tâm, vừa là một mắt xích của mạng lưới đó, và tìm được những công chúng của họ. Nếu không thích ai đó, đơn giản là bỏ người ấy ra khỏi danh sách của mình. Người ta sẽ tự điều chỉnh và đào thải nhau trên mạng xã hội một cách tự nhiên. Ở phương diện khác, Facebook, đại diện cho các mạng xã hội, đã bị chỉ trích nhiều về tính bảo mật thông tin cá nhân, an toàn cho trẻ em…Tuy nhiên, những điều này đã được cảnh báo và nếu người tham gia lưu ý cũng như kỹ lưỡng trong việc sử dụng các tính năng bảo mật đã được thiết kế, mọi việc có thể được kiểm soát. Với những ai hiểu rõ mạng xã hội và làm chủ được những gì xung quang nó, đây quả thật là một cổng kết nối mạnh mẽ giữa con người với con người, và còn đem lại sức mạnh rất lớn nếu chúng ta biết sử dụng phương tiện này. Điều nguy hiểm nhất của mạng xã hội, chính là những ảo tưởng về sự kết nối, và ảo tưởng về bản thân từ đó, nếu người sử dụng không tỉnh táo phân biệt được đâu là những giá trị thật của con người và cuộc sống, của những mối quan hệ và của chính mình. |
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý