Cảnh báo “hoại tử phần hồn”!

11:47 SA @ Thứ Năm - 08 Tháng Chín, 2016

Khi xã hội xuất hiện những chuyện như học sinh tạt cả chậu a-xít vào mặt thầy giáo, cầm dao rượt đuổi thầy chạy lòng vòng quanh trường, dùng những từ ngữ lưu manh chửi rủa thầy cô, còn phụ huynh thì “đột nhập” vào lớp học hành hung thầy cô ngang nhiên trước sự ngỡ ngàng của cả trường... thì những hành động đó đã không thể được coi là bình thường trong thang bậc giá trị về luân lý đạo đức. Đặc biệt với xã hội Việt Nam vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo lâu đời.

Phải chăng truyền thống đó đang bị một cú giáng trúng đỉnh đầu bởi vụ một hiệu trưởng tổ chức mua bán dâm học sinh vị thành niên vừa bị phanh phui mới đây? Nếu xã hội không mau quên thì những “ký ức khủng khiếp” trước đây về nhân cách của người thầy so với cú giáng này chắc chưa thấm vào đâu. Từng có những ông thầy gạ tình học sinh đổi lấy điểm; có cô giáo bắt cả lớp học liếm ghế hay tát vào mặt nhau để trừng phạt tội vô kỷ luật; vì thù oán đồng nghiệp một cô giáo mầm non nhẫn tâm bỏ thuốc trừ sâu vào nồi canh của các cháu bé; có những người thầy thản nhiên giao khoán học sinh của họ cho công an giam giữ tra hỏi đến khủng hoảng tâm thần... Những ví dụ đó chỉ mới là vài nét chấm phá của một thực trạng xuống cấp về đạo đức nghiêm trọng trước hết là ngay trong chính môi trường giáo dục và rộng hơn là nền tảng đạo đức xã hội. Có người so sánh, hiện tượng đó chính là những nốt “hoại tử” trên “phần hồn” của xã hội. Đáng buồn thay, những nốt hoại tử đó chẳng những không bị ngăn chặn mà đang có nguy cơ ngày càng nhiều hơn, lan rộng hơn và càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Chúng ta không thể đổ lỗi cho riêng ngành giáo dục vì đã để xảy ra và không thể ngăn chặn những nốt “hoại tử” này. Xét cho cùng, từng giáo viên hay cả ngành giáo dục cũng phải chịu ảnh hưởng trước mọi biến động của thời cuộc. Sự xuống cấp về nhân cách của một vài thầy giáo là hệ lụy của một xã hội coi nhẹ việc rèn luyện phẩm chất con người và thiếu kiên quyết với những hành vi chà đạp luân thường đạo lý.

Khi mà sự trung thực không được coi trọng và cuộc sống hàng ngày khiến người ta nghĩ rằng có thể tiến thân bằng mọi giá, các loại bằng cấp đều có thể mua được bằng tiền và quyền, vai trò của người thầy sẽ không còn trọn vẹn như truyền thống nữa. Quan hệ giữa thầy và trò trở thành quan hệ “đối tác”. Ngay từ trên ghế nhà trường, các công dân tương lai đã “được” chứng kiến và “bị” tác động bởi những quan niệm, cách hành xử đó. Điều nguy hiểm là mặc dù các truyền thống tốt đẹp vẫn luôn được tôn vinh, nhưng thực chất chỉ còn là những nghi thức, hoặc trở thành các cơ hội. Đáng buồn thay, không ít trẻ em bắt đầu cuộc đời cắp sách đến trường bằng việc chứng kiến phụ huynh của chúng buộc phải biết cách “nắm bắt” các cơ hội như thế nào thì con em họ mới có thể đường hoàng bước vào các ngôi trường đầy thành tích.

Điều quan trọng và thật cần thiết là giờ đây mỗi người nên nhận ra một sự thật là quá trình “hoại tử” phần hồn có thể xảy ra với mỗi người, mỗi gia đình - “tế bào” của xã hội, chứ không còn là chuyện của ai khác. Để ngăn chặn nó phải kiên quyết “nói không” với các hành xử phi đạo lý. Coi trọng phẩm giá con người tức là phải có nhận thức đúng về bậc thang giá trị, trong đó phẩm giá con người phải được đo bằng sự trung thực và năng lực thực sự chứ không thể và không phải bằng những thứ bên ngoài hoặc do “xin-cho” mà có. Chúng ta cần một nền giáo dục mà trước khi học sinh trở thành “ông này bà nọ”, họ phải thành con người với đầy đủ ý nghĩa nhân văn của nó. Vì vậy, nhân cách của các nhà giáo dục hay nói rộng hơn là của những “người lớn” trong xã hội, trước tiên phải thực sự là tấm gương cho thế hệ trẻ soi mình. Bằng không, mọi lời kêu gọi hay mọi nghi lễ tôn vinh đạo lý làm người đều chỉ là nói suông và hình thức.


Học sinh hư nỗi lo không của riêng ai
(Tú Anh - Hoàng Thắng, Công An Nhân Dân)

Nhiều tờ báo đã đăng tải nhiều bài làm xôn xao dư luận và báo động nghiêm trọng về sự xuống cấp đạo đức của một số giáo viên. Bên cạnh đó, kinh hoàng hơn là một bộ phận học sinh đã tham gia vào những tệ nạn xã hội, hành động trái với luân thường đạo lý... Những câu chuyện nếu nghe khó có thể hình dung nổi nó lại xảy ra ở học đường, nơi vẫn được xem là "thiên đường" của sự trong sáng, trang nghiêm...

Còn đâu lời dạy: “Nhất tự vi sư bán tự vi sư”?

Vụ gần đây nhất gây phẫn nộ trong giới học đường là việc cô giáo Trần Thị Thanh Vân, giáo viên chủ nhiệm lớp 11B2 ở Trường THPT Nghi Lộc III thuộc xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, Nghệ An bị học sinh hành hung.

Học sinh đó là Hoàng Văn Đạt, lớp 10B2. Sự việc theo học sinh lớp 11B2 do cô Vân chủ nhiệm tìm hiểu kể lại, Đạt quen và có tình cảm từ lâu với bạn gái tên T. học lớp 11B2. T. học tập sa sút, lại thường xuyên đi muộn và bỏ học liên tục. Để giúp T. tiến bộ và lấy lại “phong độ” học tập, cô Vân đã trao đổi thân tình nhắc nhở và giúp đỡ, giáo dục T. Vì điều này, cô Vân đã bị Đạt “ra đòn”.

Trong bản tường trình với Ban giám hiệu Trường Nghi Lộc III, cô Vân viết: “Chiều ngày 24/3/2008, tôi đang ghi bài trên bục giảng thì nghe tiếng bước chân ngoài hành lang. Bỗng nhiên, học sinh Đạt ở lớp 10B2 xông lên bục giảng và đánh túi bụi vào mặt tôi. Ngay sau đó, học sinh trong lớp can ngăn nhưng em Đạt vẫn cố tình đánh tiếp”.

Bị Đạt hành hung, cô Vân bị thâm tím mặt mày, thân thể bầm dập. Tuy nhiên, hệ lụy lớn hơn cả là danh dự của người giáo viên bị xúc phạm nghiêm trọng và trở thành nỗi đau tinh thần không bao giờ nguôi ngoai đối với cô Vân. Nỗi đau ấy còn khắc sâu thêm bằng một sự việc mà có lẽ suốt cuộc đời cô Vân sẽ không bao giờ quên đó là cái thai 11 tuần tuổi cô mang trong người do “đòn thù” đã ra đi mãi mãi.

Sau sự việc gây ra cho cô Vân, Đạt đã bị đuổi học vĩnh viễn. Cùng với đó, Đạt còn phải chịu xử lý của pháp luật: Cơ quan Công an xã Nghi Xuân đã xử phạt hành chính đối với Đạt vì hành vi côn đồ.

Những trường hợp như Đạt không phải hiếm trong học đường. Các biện pháp xử lý đôi khi chẳng là bài học đau đớn cho những đối tượng học sinh như Đạt. Có lẽ vì thế nhiều vụ việc mà thủ phạm là học sinh vẫn liên tiếp xảy ra. Và ở bất kể lĩnh vực hay quan hệ nào của cuộc sống, một số học sinh cũng tạo ra mặt trái.

Cách đây chưa lâu, Nguyễn Văn Du, 17 tuổi ở xã Ea Wel, huyện Buôn Đôn đã tống tiền chính cô giáo dạy mình. Sau khi đột nhập nhà cô giáo Bùi Thị Khuyên, người đã từng dạy Du “con chữ”, vì không có gì để lấy, Du đã lấy trộm toàn bộ giấy tờ tùy thân của cô với mục đích sẽ tống tiền cô.

Đúng theo kế hoạch, khi đã tìm được số điện thoại nhà cô Khuyên, Du gọi điện buộc cô Khuyên phải chuộc tất cả giấy tờ với giá 600.000 đồng. Và trả giá cho hành động này, Du đã bị công an bắt giữ khi trên tay vẫn còn đang cầm số tiền do tống tiền cô Khuyên mà có.

Qua những vụ việc trên, đúng là với những học sinh như Du, Đạt, làm gì còn “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”!

Để ghi nhớ công ơn thầy, cô giáo người xưa có câu: “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”. Vậy mà với cả hai người này, với một số học sinh, họ chẳng tha. Thậm chí, ngay với cha mẹ, những người có công sinh thành, nuôi dưỡng như trời, bể, một số học sinh cũng chẳng vì thế mà ơn sâu nghĩa nặng như cần phải có, cũng “luộc” như người dưng. Mà những trường hợp như thế này, có lẽ không hiếm.

Cách đây chưa lâu, Cảnh sát hình sự TP HCM đã bắt giữ Phạm Văn Chiến, 20 tuổi và Nguyễn Thành Quang, 19 tuổi về hành vi tống tiền. Đau lòng là, đối tượng bị chúng tống tiền lại là người sẽ trở thành nhạc mẫu trong tương lai của Chiến. Đau lòng hơn khi thông đồng với vụ tống tiền này lại chính là con gái “cưng” của người bị tống tiền đồng thời là người yêu của Chiến. Đó là Quách Tú Y., ở Bạc Liêu.

Tại Cơ quan Công an, Chiến khai đã chung sống như vợ chồng với Quách Tú Y. Do thiếu tiền tiêu xài, Chiến đã rủ Nguyễn Thành Quang, đồng hương Cần Thơ với Chiến (tạm trú tại phường 13, Tân Bình) cùng lập kế hoạch với Quách Tú Y. viết thư cho bà Nguyễn Xíu Lý, mẹ của Y. với nội dung: nếu không chuộc 3 triệu đồng thì con gái bà sẽ bị bắt đi bán dâm. Nhưng chưa kịp cầm số tiền ấy đi tiêu xài, cả nhóm đã bị công an giải về nơi làm việc. Trước sự chứng kiến của các đồng chí công an và cả gia đình, Y. đã thừa nhận thông đồng với Chiến để tống tiền mẹ (!?).

Những nguyên nhân không mới

Sở dĩ có sự “tuột dốc không phanh” về mặt đạo đức của một số học sinh như vậy có thể nói xuất phát từ nhiều lý do. Thứ nhất, do tác động từ mặt trái của sự phát triển xã hội. Bởi dù thế nào, mọi hành vi, thái độ của học sinh nói riêng, con người nói chung cũng là “sản phẩm” của xã hội hiện nay.

Thứ hai, do tuổi “giao thời” từ bé sang lớn. Vì hầu hết những sự vụ của học sinh đều xảy ra ở tuổi “lỡ cỡ”. Ở tuổi này, học sinh luôn muốn khẳng định cái tôi trong xã hội và trong gia đình bằng việc làm của mình. --PageBreak--

Thứ ba, bắt nguồn từ giáo dục chưa nghiêm khắc từ nhà trường và gia đình. Nhưng tựu chung những lý do ấy, nguyên nhân quan trọng nhất để ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh phải kể đến việc giáo dục của gia đình. Bởi gia đình là môi trường đầu tiên và tác động nhiều nhất đến tính cách của học sinh. Con người sinh ra và lớn lên ở đâu, ở đó sẽ để lại dấu ấn đậm đặc trong tính cách, hình thức của họ. Và quả thật nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình giàu có luôn giáo dục và quản lý con bằng... tiền.

Những chuyện giáo dục con bằng tiền có lẽ chẳng ở đâu biết nhiều hơn những công ty chuyên về dịch vụ vệ sĩ. Công ty Tư vấn và cung cấp thông tin Hoàng Nhân là một trong những công ty như vậy. Mới đây, Công ty Hoàng Nhân đã tiếp một bà mẹ đau đớn trong nước mắt khi cậu con trai lớn, học sinh lớp 11 của một trường bán công tại Hà Nội “cuỗm” của bố mẹ hơn 10.000 USD rồi trốn nhà đi mấy ngày chưa về.

Bà đến nhờ Công ty Hoàng Nhân tìm con và tìm hiểu cuộc sống của con mà vì quá mải mê với công việc kinh doanh, bà chưa một lần nào biết hay có ý định biết đến nó. Chỉ khi nó trốn đi cùng với số tiền không nhỏ, bà mới chợt nhận ra cần phải có trách nhiệm tìm hiểu về cuộc sống của cậu con trai ấy.

Bà kể, con trai bà, từ trước tới nay vẫn quen lối sinh hoạt chỉ một mình. Nghĩa là sáng nào trước khi ra khỏi nhà bà cũng để lại khoảng 200.000 đồng để cho con ăn uống, xăng xe... nói chung chi phí trong một ngày. Chưa kể tiền quần áo, giày dép... bà đáp ứng con hết mình.

Vì theo lý của bà, vợ chồng bà bận rộn công việc kinh doanh từ khi các con chưa ngủ dậy tới khi về các con bà đã ấm êm trong chăn đệm, không cho tiền, chúng ăn uống, “hít thở” làm sao. Hơn nữa, để bù trì việc không thể cho các con một cuộc sống do mẹ tận tay chăm sóc thì việc cho tiền có thể giúp các con bà hiểu bà quan tâm đến chúng và có thể quản lý chúng bằng tiền với hình thức: “Ngoan thì tao cho tiền, không thì thôi”.

Nhưng với cách quản lý ấy, bà không ngờ rằng vượt ra khỏi suy nghĩ của bà, cậu con quý tử đã “chôm” một số tiền không nhỏ để rồi khiến bà phải có mặt ở Công ty Hoàng Nhân để nhờ cậy.

Sau một tuần tìm hiểu, Công ty Hoàng Nhân đã khám phá ra “thế giới” riêng của con bà. Thế giới ấy, nghe xong, người mẹ chỉ biết ngồi chết điếng trên ghế không nói nổi một câu. Bởi quanh đi quẩn lại nó chỉ gói gọn trong: tiền - tình - cờ bạc - hút xách... chứ không có chút lý tưởng, khát vọng của tuổi trẻ như của những học sinh đang ngày đêm miệt mài với sách vở để có thể xây dựng tương lai của mình tươi sáng.

Cuộc sống ấy được Công ty Hoàng Nhân mô tả trong nhật ký theo dõi “cậu ấm” này như sau: sáng bắt đầu từ 10h đã có mặt tại quán bi-a trên đường Xuân La để “chọc” bi ăn tiền; trưa ăn cơm hộp ngay tại quán; chiều, khoảng 3 đến 4 giờ sau khi đã “ăn” bi ở lỗ, “đánh bóng” mặt đường cùng với một nhóm bạn gồm cả trai lẫn gái.

Nếu không thay vì điều đó có thể ngồi “chít chát” đến 6h tối rồi “đáp” tại một “bãi chung thân” là nhà nghỉ nằm trên đường Giải Phóng. Tại đây, một cuộc sống “quần hôn” bắt đầu và cùng với đó là “đi mây về gió” với khói tài mà bay đặc phòng. Đêm, sau khi đã lót dạ bằng món “fast food”, có mặt tại sàn nào đó hoặc “rong” lên tận Bắc Ninh để “lắc” đến 3h sáng mới kết thúc cuộc sống của một ngày và lại về “bãi đáp chung thân”. Cứ như vậy, cuộc sống của cậu ấm này kéo hết ngày này sang ngày khác. Còn học tập, hoàn toàn bị bỏ bê, hiếm lắm mới có lần cậu “đánh võng” trước cổng trường với lý do ngắm “chân dài”.

Giống như cậu ấm vừa kể, một “liễu yếu, đào tơ” khác mới 17 tuổi mà cũng biết vui đến mức tàn canh sát ván. Thậm chí còn vắt kiệt cái sức “bẻ gãy sừng trâu” trong những đêm thâu với các thú vui quái gở: lắc, chất kích thích, tình dục... Mà nói đến khoản thứ ba này thì “cô chiêu” ấy có quan niệm đến... ghê người. Xin nói thêm cô gái này cũng là một trong những “đồng bọn” của cậu ấm nói trên.

Theo Hương (tên cô gái), việc quan hệ tình dục “bình thường” như việc ăn, ngủ... hàng ngày. Và trong quan hệ tình dục, cũng chẳng cần biết người đã “chung chăn gối” với mình là ai. Chả thế Hương thật thà kể, Hương chẳng nhớ nổi đã ngủ với bao nhiêu người và tên của họ là gì, Hương cũng chẳng nhớ, cả lúc ngủ với họ. Hương giải thích: những lúc trong người "rần rật" vì chất kích thích hay những khi "đáp ơn" cứu "net", Hương đều OK với chuyện "chăn gối" với bất kỳ ai.

Khi biết chuyện của Hương, người nhà Hương đã dửng dưng với câu trả lời “xanh rờn”: “Nó làm nó chịu. Trước đây, nói nó có nghe đâu. Nó thích là nó làm. Bây giờ, hơi sức đâu mà chạy theo nó để cứu vớt. Mà muốn cứu vớt cũng chẳng được. Nó “nghiện” lối sống đó rồi”.

Không quan tâm đến con như cha mẹ Hương hay giáo dục con bằng tiền như người mẹ ở phần trên cũng đều dẫn con đến hư hỏng. Còn quan tâm một cách thái quá và thái độ ứng xử hống hách, ngông nghênh nhất là với giáo viên dạy con cũng là một nguyên nhân nữa phụ huynh dễ đẩy con đến với mặt trái của xã hội. Chuyện này thoạt nghe tưởng vô lý nhưng không thiếu trong xã hội hiện nay.

Chân lý “muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” dường như chẳng còn tồn tại ở một số người. Chuyện xảy ra tại Trường tiểu học Quang Trung, Hà Nội. Vì một học sinh quá tinh nghịch, nhằm răn đe và giáo dục học sinh đó, giáo viên đã “phạt” cho ngồi một bàn riêng. Vậy mà khi biết chuyện này, phụ huynh của học sinh đó đã “nhảy” lên với giáo viên như tổ chức một cuộc họp ban phụ huynh với mục đích “đấu tố” giáo viên, rồi làm đơn đề nghị thay giáo viên.

Không những thế vị phụ huynh ấy còn dùng điện thoại di động nhắn tin khủng bố giáo viên với nội dung sỉ vả, xúc phạm danh dự... Bảo vệ con như vậy, vị phụ huynh nói trên liệu có hiểu hành động ấy đã “nối giáo” cho những việc làm sai trái của con, thậm chí còn dạy con coi thường thầy giáo, một việc làm trái với đạo lý “trọng thầy” vốn có trong truyền thống bấy lâu ở ta.

Tương tự, hiện nay ở các trường phổ thông khá phổ biến hiện tượng đòi đổi giáo viên khi không thích. Chuyện này có khác nào đòi đổi cha, mẹ. Mà ở đời, theo đạo lý làm người có ai đòi đổi cha mẹ không? Ấy thế mà nhiều phụ huynh đồng tình với việc làm vô lý này.

Theo ông Nguyễn Thành Kỳ, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hiện nay đúng là đạo đức của học sinh có nhiều biểu hiện sa sút. Là người trong ngành giáo dục, ông Kỳ cũng không phủ nhận việc dạy dỗ của giáo viên so với trước không nghiêm khắc. Căn nguyên của tình trạng đó, ông Kỳ cho rằng xuất phát từ đời sống kinh tế khó khăn của giáo viên đã khiến họ không thể tâm huyết dạy dỗ toàn diện cho học sinh.

Thêm vào đó phương pháp giáo dục cứng nhắc của một số giáo viên và của cha mẹ cũng chính là tác động tiêu cực đến học sinh. Theo ông Kỳ để phù hợp với xã hội hiện tại và để phù hợp với nhận thức của lớp trẻ, biện pháp giáo dục nên đề cao tính mềm dẻo và linh hoạt.

Trẻ em như “búp trên cành”, xét đến cùng, học sinh vẫn ở tuổi ấy. Vì ở tuổi ấy nên các em cần một sự định hướng, giáo dục đúng đắn. Để có sự định hướng, giáo dục đúng đắn, cha, mẹ, thầy cô phải là những người nhạy cảm, biết lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp, nhất là với tuổi “lỡ cỡ” từ bé sang lớn, tuổi dễ thích nghi với mọi biến đổi của xã hội. Nếu không, như đã thấy: hậu quả là hàng loạt tuổi trẻ bị qua đi trong đen tối, thác loạn. Và gánh chung hệ lụy ấy là gia đình, xã hội.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhân cách tuyệt chủng

    08/04/2020Dương Ngọc DũngChúng ta không thấy rằng hiện nay một hệ thống giá trị để giúp cá nhân định hướng sự phát triển tinh thần không tồn tại hay nếu có tồn tại cũng chỉ là một hình ảnh già nua, mờ nhạt, một kỷ niệm hơn là một động lực mạnh mẽ khuyến khích cá nhân tự thăng tiến theo một chiều hướng tích cực...
  • Nhìn lại việc giáo dục nhân cách cho sinh viên

    08/09/2016GS. Tương LaiNếu trong một thời gian dài, lòng trung thành được nói đến nhiều hơn sự trung thực thì đã đến lúc cần xếp lại vị trí ưu tiên cho cái cần được chăm lo bồi dưỡng, “cái đang thiếu”! Mà nếu thiếu cái gì đó, thì “cái còn lại còn gì là đáng giá” kể cả lòng trung thành!
  • Mở rộng không gian lối sống để bảo vệ các giá trị

    03/03/2016Cao Tự ThanhDi sản văn hóa truyền thống bao gồm cả các giá trị vật thể lẫn phi vật thể cũng bị đặt trước nhiều thách thức mới, trong đó nổi bật là tình trạng mất mát chưa từng có so với trong những giai đoạn thời bình trước kia. Đây là một nguy cơ mà nhiều năm qua đã không ngăn chặn được...
  • Từ kiến thức đến nhân cách

    20/10/2015Vương Trí NhànCái vấn đề đặt ra chung quanh khái niệm người trí thức vốn khá đa dạng. Ở một số nước, người ta nhấn mạnh lương tâm trách nhiệm con người trí thức trước xã hội. Ở một số nước khác, người ta thích bàn đến mối quan hệ giữa tự do và phục vụ, dấn thân và "xây tháp ngà" để làm khoa học. Riêng ở Việt Nam, theo ý chúng tôi, trong nhiều trường hợp, câu chuyện nhân cách vẫn nổi lên rõ rệt hơn cả...
  • Thấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?

    21/10/2003Trương HiệuCuộc điều tra về giáo dục học tại TP.HCM mới đây đã cho thấy thực trạng: 60% sinh viên sống khép mình, ít tham gia hoạt động xã hội; 10% sinh viên hướng vào vui chơi, hưởng thụ và chỉ có 30% sinh viên say mê học tập...
  • Hiện đại hóa lối sống

    20/09/2013Nguyễn Trần BạtViết về những yếu tố cản trở đến quá trình phát triển, người ta thường nói đến thể chế, chính sách... Theo chúng tôi, nói thế không sai, nhưng chưa đủ. Có một nguyên nhân rất quan trọng và rất sâu xa khác, đó là những mặt tiêu cực của truyền thống văn hoá, trong đó đặc biệt phải kể đến lối sống. Việc nghiên cứu ảnh hưởng của lối sống đối với phát triển đòi hỏi có những công trình khoa học...
  • Hơn 50% sinh viên không… hứng thú học tập

    26/09/2008Mai MinhMột nghiên cứu mới đây của PGS.TS Nguyễn Công Khanh, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã chỉ ra một loạt các con số về phong cách học của sinh viên và trong đó, có không ít con số rất “giật mình”.
  • Khi sinh viên “vùi mình” vào game, vào sex…

    29/08/2008Theo B.H (PhuNuNet)Càng ngày càng có nhiều bạn trẻ trong đó không ít là sinh viên bị ám ảnh bởi quan niệm “trẻ không chơi, già hối hận” và lao vào những cuộc chơi bạt mạng thâu đêm suốt sáng. Không phải họ đang tận dụng tuổi trẻ, họ đang liều lĩnh, phí phạm tuổi xuân thì đúng hơn...
  • Toàn cầu hóa và nguy cơ suy thoái đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện nay

    28/05/2007Nguyễn Thị Thanh HuyềnToàncầu hóalà một xu thế khách quan,có tácđộng mạnh mẽ đến mỗi quốc gia, dân tộc và mỗi cá nhân con người. Sự tácđộng củanó có tính hai mặt: tích cực và tiêu cực. Tác động tiêu cực của toàn cầu hóa dẫn đến nhiều nguycơ mà do nhiều nguyên nhân, dẫn đến nguycơ suy thoáiđạo đức, lối sống của con người Việt Nam...
  • Háo danh & viết ẩu sẽ làm hỏng nhân cách

    12/01/2007Hà ThưNăm 30 tuổi, nhà văn Tạ Duy Anh cho ra đời truyện ngắn "Bước qua lời nguyền" làm xôn xao văn giới. Cho đến nay, sau 15 nămbước qua lời nguyền ấy, Tạ Duy Anh vẫn miệt mài viết, không ngừng sáng tạo, vắt hết mình vào những con chữ, những cuộc đời của nhân vật, những trang viết đang đồng hành cùng anh...
  • Một số mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình xây dựng lối sống mới ở nước ta hiện nay

    08/11/2005Võ Văn ThắngQuá trình xây dựng lối sống ở nước ta hiện nay đang gặp phải một số mâu thuẫn. Đó là, mâu thuẫn giữa yêu cầu kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc với xu hướng phủ nhận những phẩm chất đó; mâu thuẫn giữa yêu cầu kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với xu hướng phương Tây hóa; mâu thuẫn “hóa giải” các mâu thuẫn đó, đồng thời đảm bảo mục tiêu xây dựng lối sống mới, hiện đại, văn minh và mang đậm bản sắc dân tộc...
  • Sinh viên = Xoàng xĩnh?

    29/09/2005Nguyễn Trương QuýTại sao vẫn tồn tại quan niệm là sinh viên thì luôn đi cùng với sự lúi xùi, xoàng xĩnh, với không gian nhà trọ tù đọng, với học như đi xem phim rạp, hết phim rồi sẽ ra, thế nào cũng tốt nghiệp?
  • Nhìn lại việc giáo dục nhân cách cho Sinh viên

    01/09/2005Tương LaiNếu trong một thời gian dài, lòng trung thành được nói đến nhiều hơn sự trung thực thì đã đến lúc cần xếp lại vị trí ưu tiên cho cái cần được chăm lo bồi dưỡng, “Cái đang thiếu mà nếu thiếu cái đó, thì cái còn lại còn gì là đáng giá” kể cả lòng trung thành!
  • Nhân cách trẻ

    27/01/2004Mỗi thế hệ có một quan niệm của mình về nhân cách. Lớp già và lớp trẻ nhiều khi “xung khắc” cũng một phần vì nghĩ về nhân cách khác nhau, về ứng xử khác nhau. Nhân cách có nét chung phổ biến mà cũng có nét riêng đặc thù của mỗi lớp người, mỗi thành phần, thậm chí mỗi cá nhân...
  • Đi tìm nhân cách người Việt Nam

    05/01/2004KS. Trần Quốc KhảiThực sự mới ra khỏi chiến tranh hơn chục năm nay, người Việt Nam vẫn sống trong hào quang của chiến thắng. Kém về thể lực và trí lực, cộng với niềm tự kiêu đôi khi không tỉnh táo, thế hệ trẻ Việt tuy đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc bứt phá trong tương lai, nhưng chỉ số nhân cách của người Việt Nam hiện đại đang ở đâu? Dưới kết quả nghiên cứu khoa học về nhân văn trên cơ sở vật lý và toán học, câu trả lời ấy là...
  • xem toàn bộ