Khi sinh viên “vùi mình” vào game, vào sex…
Càng ngày càng có nhiều bạn trẻ trong đó không ít là sinh viên bị ám ảnh bởi quan niệm “trẻ không chơi, già hối hận” và lao vào những cuộc chơi bạt mạng thâu đêm suốt sáng. Không phải họ đang tận dụng tuổi trẻ, họ đang liều lĩnh, phí phạm tuổi xuân thì đúng hơn.
Chơi liều
Cờ bạc, lô đề không phải là hiện tượng mới lạ gì trong giới sinh viên. Chỉ cần lượn một vòng quanh các trường có nhiều nam sinh viên như ĐHXD, ĐHTL, ĐHGTVT… là có thể thấy ngay dịch vụ lô đề trá hình dưới các quầy bán xổ số mọc lên như nấm. Tầm từ 4h -5h30, lực lượng nam sinh viên tạt ù vào các quầy này đánh mấy con lô có khi nhiều gấp mấy lần số sinh viên đang… ngồi trên thư viện nghiên cứu. Một buổi tối ngồi cùng cánh sinh viên trường đại học XD, người viết bài này đã giật mình khi được nghe kể những câu chuyện về mức độ liều lĩnh trong cách “ăn chơi” của một số “hảo thủ” trường này đã được “giang hồ” đồn thổi thành giai thoại.
Q.T là một nhân vật tiêu biểu. Đây là một thiếu gia có bố mẹ làm nghề buôn gỗ. Gia đình giàu có nên T tiêu xài không hề suy nghĩ. T có một niềm đam mê không tài nào gỡ nổi là lô đề. Chơi đều và chơi rất bạo, ngày nào cậu cũng lượn quanh các quán ghi lô gần chỗ trọ đến mức mấy bà bán xổ số ở đó nhìn thấy cậu như… bắt được vàng. Có hôm riêng tiền “đầu tư” vào quỹ của thần họ “Lô” tên “Đê Huyền” của cậu đã lên tới vài triệu. Có lẽ đây là “quỹ đầu tư” có tỉ lệ rủi ro cực cao nên tiền bạc và những đồ đạc hàng hiệu của T như chiếc xe Nouvo cáu cạnh, máy tính xách tay Vaio sành điệu cũng theo thời gian mà nói lời chia tay với khổ chủ.
Hết tiền, hết đồ để cắm, T bắt đầu vay mượn bạn bè và ghi lô chịu ở các cửa hàng. Số nợ cứ lên khoảng chục triệu là cậu lại gọi điện về nhà xin tiền và nói dối là “mất xe máy”, “mất máy tính”… Nhiều lần như thế nên sinh nghi, bố mẹ cậu lên tận nơi kiểm tra mới tá hỏa trước sự thật về “quý tử” nhà mình.
Chính sách thắt chặt tài chính được ban hành nhằm kiểm soát và tiến tới cắt đứt hẳn “cơn nghiện” lô đề của T. Nhưng mọi nỗ lực của bố mẹ đều trở thành số không khi T làm cách nào đó đã “chôm” được cả sổ đỏ ngôi nhà bố mẹ cậu đang ở và đem đi “cắm”, tiếp tục “niềm đam mê” của mình. Liều lĩnh đến mức này thì đúng là chỉ có một!
Không đam mê cờ bạc nhưng T.M.Q (ĐHM - ĐC) lại mê mẩn với thế giới ảo trong Võ Lâm Truyền Kì. Trong thế giới đó, cậu không còn là một sinh viên quèn tên Q. đến tiền ăn hàng ngày cũng phải ngửa tay xin bố mẹ nữa mà là một “anh hùng”, một cao thủ võ lâm hành tẩu giang hồ, trừ gian diệt bạo được người trong thiên hạ (ảo) kính nể.
Q sống với thế giới ảo nhiều hơn thế giới thật. Số giờ cậu lên giảng đường ngày càng thưa thớt, thay vào đó là những đêm bạc mặt trước màn hình với những “chiêu thức”, những “bí kíp” võ công đọc lên đã thấy méo cả miệng. Cậu làm tất cả để thể hiện đẳng cấp của mình trong thế giới ảo. Q bỏ tiền thật để mua lấy những “vũ khí” ảo nhằm trang bị cho nhân vật của mình thật tinh nhuệ. Số tiền chi ra từ vài trăm nghìn đồng rồi lên đến vài triệu và hàng chục triệu lúc nào chẳng hay. Nợ nần chất đống, Q bị các chủ nợ săn lùng và còn bị báo lên cả ban giám hiệu nhà trường. Chỉ khổ cho bố mẹ nông dân của Q. Khi được nhà trường gọi lên giải quyết chuyện nợ nần của con, hai bác đã không thể hiểu nổi con mình nợ người ta hàng chục triệu để mua cái gì.
Uống liều
Hiện tượng sinh viên uống rượu đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện đối với nhiều người. Bất cứ một dịp nào: sinh nhật, lễ tết, ngày cuối tuần… thậm chí là chả cần “nhân dịp“, các sinh viên cũng tụ tập chén tạc, chén thù. Người viết bài này đã từng chứng kiến ba cậu sinh viên ĐHXD uống hết 3 chai rượu Lúa Mới (loại 1 lít một chai) trong buổi liên hoan chia tay một đồng chí lên đường “về quê mẹ” (vì bị đình chỉ học một năm) mà đồ nhắm chỉ có mấy củ lạc với vài quả khế. Uống xong, cả bọn say xỉn, nôn mửa ra phòng khiến ai vô tình đi ngang qua sẽ cảm thấy kinh hãi với lối sống buông thả của một bộ phận sinh viên hiện nay.
Ai cũng biết uống nhiều như vậy sẽ cực hại đến lục phủ ngũ tạng nhưng tất cả đều phớt lờ và cho rằng “vui là chính, sức khỏe là thứ yếu”. Thậm chí những khi “viêm màng túi”, nhiều sinh viên còn đi mua những loại rượu rẻ tiền chỉ vài nghìn/lít mà theo lời X.B (K50, ĐHBK) là “rượu ít cồn nhiều”. Uống những loại này, đầu đau như búa bổ, mắt nở hoa cà hoa cải vô cùng hại người. Biết thế, nhưng tất cả đều bỏ qua, chỉ cần lúc “trăm phần trăm” thấy vui là được. Mọi chuyện sau này đến đâu thì đến, chả cần quan tâm.
Và yêu… cũng liều
Yêu liều ở đây là yêu nhiều, yêu vô tội vạ, bạ đâu yêu đấy. Nghe có vẻ buồn cười nhưng đó là sự thật. Nhiều sinh viên hiện nay quan niệm tình yêu đơn giản như mua một cái áo, sắm một cái quần. Thấy vừa, đẹp thì “mặc” lâu lâu một chút, không thấy ưng ý thì lại thay ra ngay và chuyển sang chiếc khác.
Một nữ sinh viên tên D. (ĐH Luật Hà Nội) khi được bạn bè hỏi “đã yêu mấy người” thì hồn nhiên trả lời: “Để tao đếm đã”. Và cô nàng đếm thật. Mỗi cái tên con trai tương ứng với một ngón tay xòe ra. Một lúc cũng được chừng 6, 7 người. Tưởng hết rồi, bạn bè le lưỡi lắc đầu. Nhưng một lúc nàng lại bổ sung: “À quên, còn anh X”. Độ phút sau lại “Ý chết, anh K chưa có trong danh sách”. Ngán ngẩm, bạn bè gọi nàng là “người đẹp có trái tim vô số ngăn”.
Nếu chỉ là tình yêu trong sáng, thì yêu nhiều cũng không gây hậu quả gì nghiêm trọng. Nhưng một bộ phận sinh viên hiện nay đang đánh đồng tình yêu với tình dục. Nhiều người trong số họ quan hệ với bạn trai/bạn gái mà thậm chí còn không nắm rõ quá khứ của nhau. Tiền sử những bệnh lây truyền qua đường tình dục của đối phương lại càng mù tịt. Học thức cao nhưng không ít đôi thiếu nghiêm trọng những kiến thức sinh sản giới tính. Hậu quả là tình trạng nạo phá thai ở Việt Nam đứng hàng cao nhất thế giới và không ít “nam thanh nữ tú” phải lén lút, vội vàng đến những phòng khám hoa liễu chữa trị căn bệnh “khó nói”. Khám chữa không tới nơi tới chốn, nhiều bạn đã phải trả giá quá đắt cho những phút giây lầm lỡ khi không còn khả năng sinh con.
Nguy hiểm nhất là tình trạng “tình cho không biếu không”, những cô gái có tiểu sử tình dục không rõ ràng tự động đến sống chung với các nam sinh viên. Họ chỉ cần có chỗ ăn ở còn không cần yêu cầu gì khác. Đây thực chất là những cô gái bán hoa đã hết thời tìm cách mồi chài, chèo kéo những sinh viên vốn tò mò, thích của lạ. Đây là những đối tượng có nguy cơ bị nhiễm HIV rất cao. Mới đây, cái chết của một nam sinh trường TL vì bị nhiễm HIV từ những cô gái “cho không biếu không” này đã dấy lên dư luận lo ngại trong xã hội về thực trạng nhức nhối này.
Thay cho lời kết
Đây chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong đại đa số những sinh viên đang ngày đêm chăm chỉ học hành, tích lũy tri thức, đạo đức góp phần xây dựng, bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, những số lượng này cũng đã nói lên rằng ngày càng nhiều sinh viên, những trụ cột tương lai của đất nước, đang sống không có lý tưởng, trượt dài trong những “cuộc vui suốt tháng, trận cười thâu đêm”. Họ tưởng mình đang tận hưởng tuổi trẻ, nhưng thực ra chính họ đang tiêu phí tuổi xuân một cách liều lĩnh.
Vùi mình vào những thú chơi vô bổ, vào rượu, vào sex, họ đang đánh đổi sức khỏe, tương lai, hạnh phúc thậm chí là cả tính mạng của mình. Sự liều lĩnh trong cách sống của một bộ phận những sinh viên này khiến người ta có cảm giác họ sống mà không cần biết đến ngày mai. Không biết dừng lại, những sinh viên này sẽ sớm nhìn thấy hậu quả của những gì mình gây ra.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005