Người phụ nữ thách thức bạo quyền
“Sự tầm thường của cái ác”
Gốc Do Thái, bà phải hai lần chạy tránh hoạ phát xít: năm 1933, sang Pháp sau khi Hitler lên cầm quyền, rồi năm 1941 sang Mỹ khi nước Pháp bị Hitler chiếm đóng. Từ trải nghiệm bản thân, bà đi sâu nghiên cứu các cơ chế quyền lực, suy ngẫm về những hậu quả của chúng và đặt lại vấn đề trách nhiệm của xã hội trước những hậu quả ấy.
Theo dõi phiên toà xét xử Eichmann, tay trùm phátxít thân tín của Hitler, bà đưa ra nhận xét nổi tiếng: Eichmann là một tay quan liêu đầy tham vọng, hiện thân cho sự “tầm thường của cái ác”. “Tầm thường”, vì hắn ta chỉ hành động đơn thuần theo mệnh lệnh, và lạnh lùng xem việc giết người hàng loạt chỉ từ giác độ của sự hiệu quả và quán tính của bộ máy tổ chức.
Hannah Arendt: “Trong ngôn ngữ của thế kỷ 18, các nguyên tắc của tinh thần cách mạng là: tự do công cộng, hạnh phúc công cộng và tinh thần công cộng”.
Từ đó, H. Arendt nhấn mạnh đến mối quan hệ bản chất giữa quyền lực và cái “không gian” trong đó nó thể hiện ra. Bà khái quát hoá, và không giới hạn mối quan hệ này chỉ trong các tổ chức chính trị.
Bất kỳ tổ chức nào cũng trở thành “chính trị” cả, khi các cấu trúc quyền lực được xây dựng lên thông qua một tiến trình tổ chức: “Mọi tổ chức, cho dù gồm những nhà chính trị hoặc những nhà khoa học – vốn không can thiệp vào các cuộc tranh chấp chính trị – cũng đều là một định chế chính trị, khi con người tổ chức lại, sử dụng tổ chức để hành động và chiếm hữu quyền lực”.
Nói cách khác, khi con người tập hợp lại để đưa ra những quyết định thì tập hợp ấy trở thành không gian thể hiện quyền lực. Những quyết định sẽ vô nghĩa, nếu không có những kẻ tuân lệnh và thực hiện chúng.
Câu hỏi nghiêm trọng đặt ra qua bài học điển hình của tội ác phátxít: những kẻ “chỉ” tuân lệnh thôi thì có phải chịu trách nhiệm hay không? Arendt dứt khoát trả lời: “Trong thế giới chính trị của người lớn, từ “tuân lệnh” chỉ là một cách nói khác của sự tán đồng và ủng hộ”. Mọi hình thức bạo quyền đều dựa trên sự tán đồng công khai hoặc thầm lặng của số đông, và không thành viên nào trong số đông ấy có thể rũ bỏ trách nhiệm.
Arendt cũng ý thức về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của kinh tế lên chính trị. Vì thế, khi kinh tế tác động đến chính sách, nó phải được phê phán nghiêm chỉnh và sớm muộn sẽ bị vạch trần trách nhiệm, nhất là trong thời đại thông tin ngày nay. Trong lĩnh vực kinh tế, không hiếm trường hợp người ta nhấn mạnh đến việc “tuân lệnh” và “hoàn thành nhiệm vụ” mà hiếm khi tự đặt mình trước trách nhiệm đạo đức. Eichmann cũng đã lập luận như thế, nhưng không thể thoát khỏi sự trừng phạt.
Arendt rút ra kết luận từ những phân tích của mình: “Sự thật đáng buồn là phần lớn những thảm hoạ đều do những kẻ không hề biết cân nhắc đến thiện ác gây ra”. Điều dễ thấy: khi kết quả rõ ràng là tồi tệ, người ta lại viện lý do rằng quyết định ban đầu đều đã được mọi người nhất trí cả, và vì thế: “Khi ai cũng có lỗi, thì không ai có lỗi hết”.
Lao động, tạo tác và hành động
Các hình thức bạo lực khủng khiếp trong thế kỷ 20, theo Arendt, đều nhằm chứng tỏ con người hoàn toàn có thể khống chế được! Muốn thế, chúng phải tiêu diệt bản ngã, tính đa dạng và tính tự khởi của con người. Chẳng hạn, trại tập trung của chế độ phátxít nằm bên ngoài mọi hệ thống trừng phạt hay thi hành án bình thường. Nó không chỉ nhằm tiêu diệt con người về thể xác mà còn tiêu diệt con người pháp lý: tước bỏ quyền hạn là điều kiện tiên quyết để khống chế toàn diện con người.
Tiếp theo đó, là tiêu diệt con người luân lý: cái chết trở thành vô danh và mọi hành vi luân lý, mọi quyết định lương tâm đều không thể thực hiện được. Vì thế, theo Arendt, để ngăn cản việc biến con người thành “những cái xác biết đi”, chỉ còn cách phải hợp lực để bảo vệ “bản ngã và sự khác biệt” của con người.
Thay vì xuất phát từ ý thức về cái chết như là bệ phóng hướng đến tương lai như Heidegger, Arendt xuất phát từ sự sinh ra của con người. Từ khi chào đời, con người bắt đầu năng lực kiến tạo của mình. Cá nhân có trách nhiệm xây dựng thế giới cùng với những con người khác. Ba điều kiện cơ bản của cuộc sống là lao động, tác tạo và hành động:
– Lao động để duy trì sinh mệnh của cá nhân và giống loài, điểm chung của mọi sinh vật. Lao động tự nó không gắn liền với sự tự do mà là một sự tất yếu đi cùng con người đến hết cuộc đời.
– Qua lao động, con người bắt đầu nhận ra sự hữu hạn của kiếp người. Để đi tìm sự trường tồn, con người dùng mọi vật liệu để xây nên một thế giới nhân tạo bên cạnh thế giới tự nhiên. Chính thế giới ấy mới mang lại cho con người cảm giác được “trở về nhà”.
– Sau cùng, khi con người thành lập và duy trì những cộng đồng chính trị, chính hành động mới tạo ra những điều kiện cho việc tiếp nối các thế hệ, cho ký ức và lịch sử. Hành động là sợi dây nối kết những cá nhân, đồng thời biểu lộ tính duy nhất, tính khác biệt và tính đa dạng của con người.
Hành động chính là sự tương tác về chính trị theo nghĩa rộng nhất. Sự tương tác ấy rõ ràng chỉ có thể diễn ra trong không gian công cộng. Không phải ngẫu nhiên khi nền dân chủ cổ đại Hy Lạp quan niệm rằng lao động là công việc nặng nhọc mang tính cưỡng bách trong khuôn khổ gia đình, còn hành động mới diễn ra trong không gian công cộng của “nghị hội”. Không gian công cộng ấy chính là nơi giao lưu chính trị, nơi kiến tạo cộng đồng và nơi thể hiện sự tự do của những con người bình đẳng.
“Vita activa”
Hannah Arendt gọi đó là “vita activa” (“đời sống hoạt động”) một cách công khai và tích cực của con người tự do đúng theo tinh thần của Kant: con người là kẻ ban bố quy luật và đồng thời là thẩm phán của chính mình: “Chỉ có bạo lực mới câm nín, và chính vì thế, bạo lực trần trụi không bao giờ được vỗ ngực tự xưng là vĩ đại!”
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá