Biết cách buông bỏ - chìa khóa của sự an lạc trong cuộc sống
Người ta thích nắm hơn buông, mặc dù trên nguyên tắc buông dễ hơn nắm. Những ai biết buông - hoặc biết cách nắm như thế nào cho đúng cách - sẽ không phải chìm trong đau khổ...
1. Tôi có một người bạn. Một hôm, bạn ấy gọi điện báo bạn ấy sắp… chết! Tôi hỏi tại sao? Bạn ấy thều thào: Hãy đến đây đi, một chút thôi!
Vậy là tôi tức tốc bỏ công việc, phóng xe đến. Đẩy cửa bước vào, tôi thấy bạn đang nằm mẹp trên nền, mặt mày trắng nhợt, thoi thóp thở. Một ít máu loang dưới nền. Hoảng hốt, tôi đỡ bạn dậy, mới hay bạn đã làm một việc hết sức ngu ngốc: cắt cổ tay! Chiếc dao lam dính máu vẫn còn nằm đấy. Không rõ do thiếu kinh nghiệm hay do may mắn hoặc sợ hãi mà bạn không cắt nhằm mạch chính. Vết cắt không quá sâu nên máu đã hơi đông lại, nghĩa là không nguy hiểm đến tính mạng.
Nhưng, trông thấy bạn ngầy ngật nên tôi nghi ngờ, ngó quanh thì thấy một vỉ thuốc đã bị bóc hết nửa. Tức tốc gọi điện cho một bác sĩ, tôi mới hay rằng đó chính là thuốc ngủ. “Không sao đâu, loại thuốc an thần này thuộc loại thảo dược Đông y, uống chừng đó chỉ đờ người chứ không chết. Lấy bột sắn dây cho bạn ấy uống là được, đừng lo”, bác sĩ bảo. Tôi theo lời bác sĩ, chăm cho bạn, vài giờ sau thì bạn gần như tỉnh hẳn. Trách mắng bạn làm gì, tôi chỉ biết ngồi đó nghe bạn khóc nức nở. Hồi lâu, bạn lại chìm vào giấc ngủ, sâu và có vẻ nhẹ nhàng hơn…
Tôi không biết làm gì, lên mạng tìm đọc thông tin về việc tự tử, thấy có một bài báo viết về 10 cách tự sát phổ biến, trong đó bạn tôi sử dụng đến 2 cách đầu: cắt cổ tay và uống thuốc ngủ. Tôi xin trích lại nguyên văn như sau:
“Cắt cổ tay rất là đau, áp lực tâm lý lại lớn, mà 90% người ta không biết chính xác vị trí và độ sâu cần thiết để hạ thủ, gây ra sẹo không đáng có. Tạo được vết cắt đủ sâu là một việc dễ nản, vì rất cần kiên nhẫn và nghị lực và kiến thức chuyên nghiệp.
Do máu có khả năng đông, nên phần lớn các vết cứa cổ tay đều tự cầm máu và đóng vảy lên, nên cần phải mạnh tay cứa thêm một hoặc vài nhát nữa đúng chỗ đó. Nếu không sợ đau thì đây là cách có thể thử. Ngoài ra, phần lớn hậu quả của việc cắt cổ tay là người ta sẽ hôn mê do mất máu, trong lúc hôn mê, máu chảy ra sẽ đông lại, chết chẳng chết cho, mà đại não do thiếu máu rất có thể sẽ biến người ta thành người thực vật…”
“Rất nhiều người nghĩ thuốc ngủ thì không đau đớn, thật ra vô cùng khó chịu. Khi uống thuốc xong, bắt đầu rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê thì ở dạ dày sẽ xuất hiện hiện tượng kích thích và muốn nôn ọe, hệ thần kinh bị tê liệt nên người không động đậy được nữa, dịch nôn sẽ tràn lên phổi và cuống mũi, gây cảm giác cháy rực ở phổi và hô hấp khó khăn. Cứ phải 15 phút quằn quại như thế mới có thể chết được”.
Không rõ bài báo trên có tính cách cảnh báo hay… hướng dẫn, nhưng dù sao nghe cũng buồn. Gần đây, bạn tôi hay kể cho tôi nghe về những nỗi buồn trong cuộc sống, về những áp lực căng thẳng trong công việc. Bạn ấy nhảy việc liên tục, đến độ có lần tôi đùa rằng, chắc là bạn cầm tinh… con cóc! Nhảy, nhảy và nhảy. Nhảy hoài, mà mỗi lần nhảy thì lại mang thêm một vết thương. Tại sao bạn không tìm cách thích nghi và chấp nhận chúng? Chẳng phải bạn từng trương status trên facebook của bạn rằng: “We cannot change anything unless we accept it” - chúng ta chẳng thể thay đổi mọi thứ, trừ phi chúng ta chấp nhận chúng! Bạn nghe tôi, và cười: Bạn không phải tôi, nên bạn không hiểu đâu!
Tôi không biểu bạn, hẳn nhiên, nhưng tôi hiểu là bạn đã không đi đúng hướng. Mà không riêng gì bạn, trong thế giới hiện đại này, rất nhiều người được cho là văn minh cũng xử sự giống bạn. Trong một bài phỏng vấn, Kim Young Ha - nhà văn Hàn Quốc có sách bán chạy nhất trong số những nhà văn đương đại của xứ Kim chi từng cho biết:
“Hàn Quốc nằm trong danh sách những nước có người tự sát nhiều nhất thế giới, tỷ lệ tăng theo chiều thẳng đứng. Mức độ tự sát tuổi lão niên cũng cao, nhưng tỷ lệ tự sát của giới trẻ cao đến mức bất ngờ. Trong số các nguyên nhân tử vong của độ tuổi 20 và 30, đứng hàng thứ nhất là ‘tự sát’.
Và nguyên nhân tự sát là sự mất quân bình về tăng trưởng kinh tế và đời sống tinh thần, sự sụp đổ chóng vánh của gia đình, sự cạnh tranh khốc liệt và bất an về công ăn việc làm...
Hàn Quốc đang ở trạng thái giống như một vận động viên điền kinh không tìm được vạch chiến thắng. Chạy miệt mài nhưng chạy đến đâu cũng không nhìn thấy vạch cuối cùng. Đến khi mệt mỏi thì bị lạc đường vì không biết phải chạy đến bao giờ. Rơi vào trạng thái này thì bất cứ nơi nào cũng có sự quyến rũ của cái chết”.
2. Có lần bạn hỏi tôi làm sao để giữ được thăng bằng trong cuộc sống? Làm sao để có được sự an lạc ngay trong guồng máy cơm áo gạo tiền luôn khiến cho người ta phải quay cuồng, chao đảo? Tôi bảo: Hãy học cách buông đi! Buông thế nào? - bạn hỏi. Thiền! - tôi trả lời. Xong, tôi khuyên bạn nên đi tham dự một khóa thiền để học cách sống quân bình - tỉnh thức hay tỉnh giác - xả ly. Và, thông thường thì khóa thiền đó kéo dài 10 ngày, thêm thời gian chuẩn bị nữa là 12 ngày. 12 ngày ư? - Bạn tròn mắt - Làm sao mình có thể có được 12 ngày rảnh để tham dự khóa thiền? Mình bận đến mức không có thời gian để thở!
Nghe bạn nói vậy, tôi chỉ biết thở dài. Rõ ràng bạn đang lâm vào cơn trọng bệnh của thời đại, căn bệnh khủng hoảng vì phải chạy miệt mài mà không tìm được vạch chiến thắng. Bạn bận rộn đến mức không có thời gian vào “bệnh viện” để điều trị, dù chỉ 12 ngày!
Sau lần tự tử không thành đó, tôi nói với bạn rằng: Hãy coi như bạn đã tự sát thành công đi. Rõ ràng hôm đó bạn bỏ việc mà chẳng thèm xin ai cả. Và bây giờ bạn là một vong hồn đau khổ, bạn lang thang trong vô vọng, đó là chưa kể bạn phải bị đọa đày trong chốn lao khổ nào đó. Hãy tưởng tượng vậy đi, rằng bạn đã chết rồi! Bây giờ bạn bắt đầu một cuộc sống mới. Và, rất chân thành, trong khoảng thời gian chuyển tiếp này, coi như bạn rảnh rỗi, nhân danh tình bạn, mình xin bạn 12 ngày. Chỉ 12 ngày thôi. Bạn hãy tham dự một khóa thiền để chữa trị căn bệnh trầm kha của bạn. Sau đó, bạn có thể lại lao vào cuộc sống với thứ kháng sinh mạnh mẽ mà bạn đã tiếp nhận được, bạn có thể phần nào miễn nhiễm với căn bệnh của thời đại - miễn nhiễm nhiều hay ít là còn tùy vào sự thực hành của bạn. Được không?
Bạn trầm ngâm sau câu hỏi của tôi rồi nói rằng hãy cho bạn suy nghĩ thêm vài ngày nữa. Và, vài bữa của bạn đã hết. Hôm đó, bạn hí hửng gọi điện báo với tôi rằng bạn vừa tìm được một công việc mới, công việc này hấp dẫn hơn, ở một công ty chuyên nghiệp hơn, và dĩ nhiên lương cao hơn. Tôi buồn não nuột, dù vẫn nói: chúc mừng bạn! Nhưng, mừng sao được, vì tôi biết sau một thời gian ngắn nữa, bạn lại lôi tôi ra khóc lóc, phàn nàn rằng chỗ mới này tưởng hay nhưng mà tệ hết biết, những con người bạn cùng làm tưởng chuyên nghiệp mà “cùi bắp” dễ sợ. Bạn lại bệnh nặng hơn, khó chữa hơn. Tôi biết thế!
3. Người ta thích nắm hơn buông, mặc dù trên nguyên tắc buông dễ hơn nắm. Những ai biết buông - hoặc biết cách nắm như thế nào cho đúng cách - sẽ không phải chìm trong đau khổ. Nắm đúng cách chính là sự tinh tấn trong chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh niệm, chánh định. Buông như thế, nắm như thế mới có thể có được sự quân bình, an lạc. Nói thì dễ, nhưng thực hành mới khó làm sao. Mà khó nhất chính là làm sao buông được để rảnh tay mà nắm!
Tôi nhớ trong một bài giảng, Hòa thượng Tịnh Không có kể câu chuyện về một vị Tỳ-kheo nọ, dù xuất gia đã lâu song không chịu tu hành. Thầy ham thích hưởng thụ những thú vui ngũ dục và phạm rất nhiều trọng tội. Một hôm, thầy phản tỉnh, biết chắc rằng mình sẽ bị đọa lạc, bèn tìm đến tâm sự với các bạn đồng tu. Nhờ đó, thầy được hướng dẫn đọc những câu chuyện niệm Phật vãng sanh. Chấn động sâu sắc về pháp môn Niệm Phật, thầy quyết chí buông bỏ, chỉ nắm giữ một câu Di Đà, miên mật niệm Phật không rời.
Sau một thời gian ngắn, thầy thấy Đức Di Đà hiện thân, báo cho thầy biết mạng căn của thầy sẽ hết trong 10 năm nữa, và Đức Di Đà khi ấy sẽ đến rước thầy về cõi Tịnh độ của Ngài. Vị Tỳ-kheo vô cùng xúc động, khẩn thiết xin Phật từ bi rước thầy đi sớm, vì thầy không chắc trong 10 năm nữa điều gì sẽ lại xảy ra, liệu thầy có đủ tinh tấn để nắm giữ câu Phật hiệu không hay lại “ngựa quen đường cũ”? Đức Di Đà từ bi bảo rằng, vậy 3 ngày nữa Ngài sẽ đến rước thầy. Quả nhiên, 3 ngày sau thầy an nhiên thị tịch.
Trong kinh Di Đà, Phật dạy, trong thời gian từ 1 cho đến 7 ngày, nếu ai nhất tâm niệm Phật thì sẽ được vãng sanh. Nhưng, mấy ai biết buông bỏ và biết nắm giữ đúng cách như vị Tỳ-kheo phạm nhiều trọng tội ấy?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn