Đức Dalai Lama tóm tắt Pháp thoại với Vienam CEO Club tại Dharamshala (7/11 - 8/11/2013)
Tôi và các bạn, chúng ta đều là loài người, có cấu tạo thân thể như nhau, cảm xúc như nhau, phẩm chất như nhau. Não bộ người Việt và người Tạng không hề khác nhau. Chúng ta là nhân loại, có cùng tiềm năng ở mọi cấp bậc. Do vậy, đây là cuộc trao đổi bình đẳng giữa người với người, không có phàm hay Thánh. Cuộc nói chuyện của những người chỉ khác nhau về văn hóa, truyền thống, chủng tộc sẽ là sự xẻ chia đầy ích lợi. Ở đây ai nói tiếng Anh? (nhiều!) Ai nói tiếng Pháp? (rất ít !?) Tôi tưởng mọi người Việt đều biết tiếng Pháp vì đất nước các bạn từng là thuộc địa của Pháp trong khá nhiều năm! Vậy là người Việt đã không chỉ quên đi cuộc xâm lăng của người Pháp mà còn quên luôn ngôn ngữ của họ, rất khoan dung!
NỘI DUNG:
Cách đây 50 năm (1959) khi tôi mới lưu vong sang Ấn Độ cùng một số nhỏ người Tây Tạng, lúc đó dân số Tây Tạng là 6 triệu người, giờ đã là 7 triệu dù sống trong môi trường và hoàn cảnh khắc nghiệt. Các nước khác cũng thế: dân số tăng nhanh, trong đó có Việt nam. Mức độ phát triển vật chất tăng rất nhanh, nhiều phương diện được phát triển siêu tốc, xuất hiện rất nhiều người giàu. Nhưng hạnh phúc thì không tăng mà hình như đang giảm đi rõ rệt; trong khi tham lam, oán thù, căng thẳng lại gia tăng nhiều.
Các nhà khoa học tới lúc này mới chợt phát hiện ra: phát triển vật chất không hề đem tới hạnh phúc. Rất nhiều người nghiêm túc nhận ra: thế giới đang lâm vào một loại hình khủng hoảng vô cùng nghiêm trọng: sự mất cân bằng khủng khiếp khi đầu tư phát triển vật chất mà không hề để ý đến việc phát triển tâm linh, mọi người thật khó khăn để tìm được hạnh phúc.
Tôi thấy thầy Yonten trước khi đi Việt nam hơi gầy, nhưng lúc trở về tu viện (Namgyal) thì trông tròn trịa ra, chắc là ở Việt nam rất hạnh phúc!
Vậy vấn đề về hạnh phúc thực sự nằm ở đâu?
Ở sự suy thoái phẩm hạnh cao thượng một cách nghiêm trọng, và thật đáng buồn là không thể nào tránh được.
Mọi thứ ở dạng vật chất đơn thuần thì không có tốt - xấu - cao - thấp. Sự phân chia cấp bậc này nằm trong dòng tâm thức của mỗi người.
Tiêu chí của pháp luật quốc gia là “thanh liêm chính trực” không thể thực hiện được chính vì sự suy thoái phẩm hạnh này. Ở Việt nam giờ đã dễ thở hơn rất nhiều dù chính thể vẫn thế. Trung quốc hay Việt nam vẫn là 2 quốc gia chủ nghĩa cộng sản nhưng lại xuất hiện rất nhiều tỷ phú, khoảng cách giàu - nghèo tăng lên, nạn tham nhũng tăng vọt. Dù chính phủ Trung quốc đã rất mạnh tay trong việc bài trừ tham nhũng nhưng họ có thành công không? Kết quả ra sao? Kết quả thực sự không đáng là bao. Tôi thấy ở Úc hầu như không có tỷ phú nhưng khoảng cách giàu - nghèo lại không đáng kể lắm. Ấn độ cũng là một nước lớn và mạnh nhưng nạn tham nhũng cũng rất cao. Đây là bệnh ung thư toàn cầu và người nghèo gần như phải gánh chịu toàn bộ. Đó thực sự là một thách thức thật gay go.
Chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để cùng nhau giải quyết dần căn bệnh ấy?
*/ Phẩm hạnh cao thượng là rất cần thiết. Giáo dục đạo đức thế tục là cực kỳ quan trọng để diệt trừ những tệ nạn - những căn bệnh - trong hệ thống xã hội.
*/ Làm thế nào để giáo dục tâm hướng thiện và đạo đức phải vạch ra thật rõ ràng: sống tốt thì được gì và sống bất thiện thì bị mất mát gì.
*/ Rất nhiều nhà lãnh đạo tâm linh ở Ấn độ đã bỏ công sức để nghiên cứu kiến thức về TÂM và cách vận hành của TÂM. Những kiến thức này giúp ta hiểu được cơ chế vận hành để từ đó thấy được cách luyện TÂM (6 tâm vương: chủ đạo - 52 tâm sở: thừa hành).
*/ Phát triển phẩm hạnh cao thượng mà chỉ đựa vào tôn giáo thì không đủ và không thỏa mãn; vì còn 1 tỷ người trên thế giớ không có tôn giáo, 6 tỷ người còn lại dù có tôn giáo vẫn không phải toàn bộ đều tín tâm. Do đó phải tìm để hiểu CHỨC NĂNG và TIẾN TRÌNH của TÂM. Tôi có thành lập tổ chức MIND AND LIFE (Tâm và cuộc sống) với mục đích đem việc giáo dục đạo đức thế tục vào học đường (chương trình này triển khai ở Mỹ đã gần 30 năm). Phải hiểu sự thật rất quan trọng là: rắc rối luôn đến và luôn hiện diện; ta không thể lờ nó đi được.
Và rắc rối luôn nằm trong TÂM! Do đó, giáo dục để có được cách suy nghĩ đúng là vô cùng cần thiết.
*/ Con người sống theo lối quần thể nên dứt khoát cần phát triển đạo đức thế tục. Phải ý thức thật rõ ràng rằng: mọi phiền phức là do chính ta tự tạo ra cho mình! Có những người chỉ chăm chắm đến việc trước mắt mà không quan tâm đến hậu quả của tương lai. Hạnh phúc của mọi người liên đới với nhau vì chúng ta chịu sự chi phối của mối tương quan trong cộng đồng nhân loại.
Ta phải quan tâm đến hạnh phúc của người khác như hạnh phúc của chính ta thì hạnh phúc mới có thể phát triển (ví dụ: người Việt có liên đới với người TQ, người TQ có liên đới với người Nhật, người Nhật có liên đới với người Triều. . .)
HỎI – ĐÁP (với Đức Dalai Lama)
*/ Thầy: đừng nhìn tôi như một người đặc biệt hay như một vị Thánh. Hãy coi tôi như một người bạn 79 tuổi và người bạn 79 tuổi này cũng có được chút kinh nghiệm để giúp các bạn đôi điều gì đó.
Hỏi: Đối với những người ngoại đạo, giới hạn của người cư sĩ trong việc phổ biện Phật pháp là tới đâu?
Đáp: Theo thiển ý của tôi, mọi quan điểm cần có điểm gặp nhau. Trong việc phổ biến Phật pháp, không có giới hạn cho bất kỳ giới hạn nào.
Hỏi: Yêu thương họ hàng người thân thì dễ, nhưng làm sao yêu thương được kẻ thù? Làm sao thực hành tâm đại bi đối với những đối tượng ấy? (chướng duyên)
Đáp: Yêu thương bi mẫn là bản tánh tự nhiên sẵn có trong tâm của mọi con người.
Mọi loài thú đều có tình yêu thương đối với con từ lúc sinh con ra. Đây là loại tình yêu vật lý, thiên vị (mẹ nào thì yêu con nấy chứ không yêu con của mẹ khác) và có điều kiện (nếu mẹ không tỏ ra yêu con thì con cũng không yêu thương lại). Khi không có tình yêu thương thì sẽ không có giao kết và sự quan tâm.
Yêu thương bi mẫn là yêu thương ở mức vô điều kiện, được phát triển từ khả năng tư duy - khả năng của trí tuệ. Đây là tình yêu thương của trí thông minh
Tâm sân hận ảnh hưởng nghiêm trong đến sức khỏe và sự bình an. Hãy chịu khó quan sát bản thân xem: khi có những tâm niệm khởi lên, thì loại tâm nào đem đến lợi lạc, giúp bạn bình an; còn loại tâm nào khiến bạn khó chịu, đau khổ, bất an? Sự quan sát trải nghiệm này là một điều kiện rất quan trọng để thực hành tâm từ bi. Ta sẽ thực tập để phát triển lòng yêu thương từ mức có điều kiện tiến tới mức vô điều kiện.
Tập yêu thương từ bi là phép luyện tâm, là khi ta yêu thương không giới hạn, yêu thương được cả kẻ thù - những đối tượng ghét ta. Chúng ta đặt giới hạn do hành động: khi hành động (đáng ghét) mất đi thì đối tượng (ta ghét) mất đi, kẻ thù mất đi.
Tâm từ bi phát triển trên nền tảng của trí thông minh. Và chỉ có con người mới có trí thông minh để luyện tâm.
Khi mình yêu mình: hoàn toàn không có điều kiện, dẫu có thế nào thì minh vẫn yêu mình. Suy ra, người khác cũng vậy, vì chúng sinh đều mong muốn và mưu cầu hạnh phúc.
Khoa học đã nghiên cứu từ lâu và đã biết: khi tâm tiêu cực nổi lên, hệ thống miễn nhiễm của cơ thể sẽ bị “ăn mòn” dần. Khi khởi tâm bi mẫn ta sẽ có an bình: đây là liều thuốc cần thiết và vô cùng tuyệt diệu.
Ý nghĩa của NGHỈ NGƠI: là bình an trong dòng tâm thức, chứ không phải ngưng các hoạt động cơ bắp. THƯ GIÃN: là đạt được an lạc nội tâm
Dù phải chạy ngược chạy xuôi nhưng với tâm hoàn toàn tĩnh lặng, bình an thì bạn vẫn đang trong trạng thái nghỉ ngơi thư giãn.
Hỏi: Đã đạt được đến mức không cảm thấy ghét ai và rất muốn giúp người khác theo giáo lý đại thừa, nhưng rất nhiều lúc cảm thấy bất lực, cảm giác những cố gắng của mình dường như vô ích khi thấy những tệ nạn quanh mình có vẻ tăng lên mỗi ngày chứ không hề chuyển biến tích cực?
Đáp: Làm sao có thể giúp hết thảy mọi người vì khả năng của ai - dù là ai đi nữa - cũng đều có giới hạn! So với các bạn, có lẽ tôi có thuận lợi hơn đôi chút, nhưng dứt khoát vẫn bị giới hạn rất nhiều so với những điều tôi ao ước được làm và có thể làm. Ngay cả Đức Phật Thích Ca cũng phải chấp nhận sự giới hạn. Ngài muốn giúp mọi chúng sinh, nhưng cũng có lúc Ngài không thể giúp. Vấn đề ở đây là Bồ Đề Tâm: dù giới hạn là bao nhiêu, khi bạn phát tâm bồ đề mãnh liệt thì bạn vẫn hoàn toàn đủ khả năng thực hành Bồ Tát Đạo.
Giúp đỡ + Phụng sự = Đạt thành Bồ Tát Đạo
Khi bạn đã cố hết sức mà vẫn không giúp được đối tượng thì phải hiểu rằng rắc rối đến từ phía bên kia, không phải đến từ bạn, nên không có gì phải áy náy.
Đức Phật cũng gặp rất nhiều giới hạn (chướng duyên) khi giúp đỡ chúng sinh, nhưng TÂM TỪ của Ngài là vô hạn.
Khi ta muốn giúp nhưng đối tượng chưa hội đủ duyên lành để được nhận thì ta cũng không thể giúp được. Nên mọi việc đều cần sự có mặt của NHÂN và DUYÊN. Vì vậy Đức Phật đã nói: “không thể dùng nước để rửa hết tội. Mọi đau khổ không thể dùng tay để xoa dịu”. Chẳng ai chia xẻ được sự chứng đắc cho người khác, chỉ có thể hướng dẫn người ta con đường thực hành dẫn tới chứng đắc mà thôi; còn chấp nhận lên đường và chấp nhận đi hay không là hoàn toàn tùy họ, ta không can thiệp được.
Ví dụ: khi thực hành hạnh Bố Thí thì không phải ai ta cũng cho, bởi không thể cho tất cả mọi người đang cần được. Nhưng dù không cho được, khi ta khởi tâm từ đối với họ, cũng vẫn là đang bố thí. (Bố thí viên mãn: là không giới hạn trong sự giúp đỡ. Kể cả khi kẻ thù gặp nạn, ta vẫn cần giúp đỡ kẻ ấy).
Hỏi: Làm sao để vẫn hưởng thụ nhưng không dính mắc vào vật chất, vì cũng chẳng ai biết chắc được có kiếp sau hay không? Trường học ở VN chỉ dạy kiến thức mà không dạy đạo đức, làm sao để dạy con về đạo đức làm người?
Đáp: Chương trình giáo dục đạo đức thế tục trong học đường của tôi hiện đang lưu hành trong một số trường học tại Mỹ, Hy vọng sẽ có ở Việt nam.
Nếu ở phương Tây người ta cho rằng đạo đức dựa trên nền tảng tôn giáo thì đạo đức thế tục nên được xem là một tôn giáo. Và có đạo đức nghĩa là phải tôn trọng những tôn giáo khác và tôn trọng cả những người không tôn giáo nhưng sống tốt.
Đây là ý tưởng khá táo bạo nhưng rất thực tế, bởi nếu đạo đức dựa vào tôn giáo thì ta sẽ lấy tôn giáo nào làm chuẩn mực? Tôi nghĩ rằng đây là giải pháp khả thi cho khá nhiều vấn đề, và sẽ không phụ thuộc vào bất kỳ tôn giáo nào.
Hỏi: Tác dụng của việc tụng kinh là gì vì con cũng chưa tin lắm vào việc tụng kinh?
Đáp: Nếu chỉ tụng kinh mà hết khổ thì Đức Phật đã tụng kinh cho muôn loài hết khổ từ lâu lắm rồi! Thế nên Ngài mới nói: “không thể dùng nước để rửa hết tội”!
Phật dạy: “Mình chính là đấng cứu thế cho chính mình”
Có một số vị tự xưng là Lama và nói với các bạn: “hãy đưa tiền cho tôi, tôi sẽ đưa bạn đến đất Phật” - Các bạn có tin không? Chỉ có một con đường là hãy tu tập tinh tấn thì mới hết khổ mà thôi. Tụng kinh là để nhắc nhở quí vị về con đường tu tập.
Hỏi: Tôi sống đúng mực, nhưng đồng nghiệp xung quanh khá bê tha, một số còn vô đạo đức. Tôi không hành động như họ nên bị cô lập, nhưng tôi vẫn phải làm việc để nuôi gia đình. Tôi nên như thế nào đây và phải làm gì đây?
Đáp: Gặp những người sống bê tha, nếu chưa cảm hóa được họ thì cũng không nên phê bình hay chỉ trích, miễn đừng hành động như họ là được. Cần hòa đồng, tùy hoàn cảnh mà sống. nếu họ xúi bạn giết người hay đốt nhà thì lại là chuyện khác. Tu là tu tâm, không đơn giản chỉ là sửa hành động bên ngoài. Chư Phật thị hiện ở khắp mọi nơi, kể cả những nơi trà đình tửu điếm, nhưng là để làm lợi ích cho chúng sinh.
Thầy giảng tiếp một chút về KIẾP SAU và NGÃ (chắc Thầy thấy cần): Từ thời xa xưa (5 - 6 ngàn năm), con người thờ mặt trời và mặt trăng, có lẽ do họ nhìn thấy mà không lấy xuống được để biết thực sự đó là gì. Khi gặp rắc rối không thể vượt qua, thì con người chọn cách cầu nguyện một đấng toàn năng (do họ nghĩ tưởng ra), nên tôn giáo bắt đầu xuất hiện.
Trong Đại hội tôn giáo toàn cầu, có một học giả (tên Sophie) đã đặt ra 3 câu hỏi: 1/CÁI TÔI là gì? 2/ CÁI TÔI bắt đầu từ đâu? 3/ CÁI TÔI có kết thúc không?
Mọi tôn giáo khác đều cho rằng: có CÁI TÔI tồn tại độc lập với 5 uẩn. Phật giáo nói rằng: không có CÁI TÔI nào ngoài 5 uẩn. Từ UẨN ra NGÃ. Không có linh hồn tồn tại độc lập bên ngoài 5 uẩn. Đức Phật dạy: “nếu có NGÃ, thì đó chính là CON MA của tâm thức” Khi CÁI TÔI (tưởng tượng) khởi lên, ta bám ngay vào đó sinh CHẤP - NGÃ - THAM - SÂN - SI ( NGÃ chỉ là giả, không thật, xuất hiện bởi duyên hợp).
*/ NGÃ có bắt đầu? Một số tôn giáo tin có đấng sáng tạo, nên từ ngày đầu, NGÃ bắt đầu, tâm sẽ thương đấng sáng tạo. Họ cảm thấy an tâm với ý tưởng này vì mọi sự đều do đấng sáng tạo thiết lập ra, kể cả kẻ thù cũng do đấng sáng tạo tạo ra. Từ đó, họ cũng giảm bớt sân hận, dễ dẹp hiềm khích, vì họ nghĩ “ta cũng do đấng sáng tạo sinh ra và nên thuận lời ngài. Địa ngục hay thiên đàng là do ngài quyết định”
Tuy nhiên, nếu đấng sáng tạo sinh tôi (Dalai Lama) ra ở thiên đàng thì dứt khoát tôi sẽ ở luôn trên ấy. Còn nếu ngài sinh ra tôi ở địa ngục thì ngìa chắc chắn sẽ gặp rắc rối to với tôi đấy nhé!
Bà la môn cho rằng: Phạm thiên là đấng sáng tạo, ta tốt thì lên thiên đàng, xấu thì xuống địa ngục. Có NGÃ nhưng không có điểm bắt đầu.
Phật giáo thấy rằng: THỨC là sự nhận biết -> nó biến chuyển không ngừng, hoại diệt trong từng sát na (1 tictac là 360 sát na) bởi hội đủ NHÂN DUYÊN. Cả NHÂN cũng vô thường.
Ví dụ: hiện tượng Big Bang cần tích tụ đủ điều kiện mới xảy ra và không có điểm bắt đầu. Hiện tượng này giống cơ chế của dòng tâm thức.
- Các khoa học gia nói rằng: Dòng tâm thức tồn tại trong tế bào vật chất. Tế bào chết thì dòng tâm thức chấm dứt. Tế bào như bức tường, tâm thức là bức tranh treo trên tường, tường mất thì hết chỗ treo!
- Thầy trả lời: Quí vị nghiên cứu thế nào thì tôi chấp nhận như thế (chứ không phải đồng ý!)
Nhưng triết học Phật giáo nói rằng CÓ dòng tâm thức tồn tại độc lập. Các hoa học gia nói KHÔNG vì không chứng minh được là CÓ, chứ không thể chứng minh được là không có. Không chứng minh được không có nghĩa là không có!
Ví dụ: tinh cha huyết mẹ gặp nhau cũng chưa đủ để thụ thai, mà còn cần có dòng tâm thức nhập thai mới thành thai thực thụ. Vì tinh cha huyết mẹ gặp nhau biết bao lần nhưng không phải lúc nào cũng đậu thai, đó là do thiếu dòng tâm thức nhập vào.
*/ Mọi tôn giáo đều xiển dương lòng từ bi nên cần tôn trọng các tôn giáo khác. Nhiều hình thái triết học - nhiều tín ngưỡng ra đời để giúp đỡ những đối tượng có căn cơ khác nhau, chứ không phải để chống đối lẫn nhau. Mọi tôn giáo đều nhằm phát triển lòng từ bi. Nếu gây bạo động mang danh tôn giáo thì sẽ rất đau buồn! Tôn giáo nào không phát triển được từ bi thì không đạt được mục đích.
*/ Giáo pháp của Đức Phật: không có đấng sáng tạo. Không có nhân thường hằng mà mọi sự từ NHÂN QUẢ và DUYÊN SINH. Lối lý luận này phù hợp với mọi trình độ.
Duyên Sinh là thuyết độc đáo nhất của Phật giáo, các tôn giáo khác không có. Nền tảng về GIỚI - ĐỊNH - TUỆ đều giống nhau, dù là truyền thống Phật giáo nào.
*/ Một số học giả cho rằng Phật không dạy bằng tiếng Phạn nên họ phủ nhận giáo pháp đại thừa. Nhưng thật sự Đức Phật có dạy, dù không phổ biến. Ngài Long Thọ đã chứng minh được giáo pháp đại thừa là từ Đức Phật (dù không phổ thông).
*/ Hưởng thụ mà không bám chấp: có 3 dạng khổ là KHỔ KHỔ, HOẠI KHỔ và HÀNH KHỔ Khi ta quán hạnh phúc tạm thời từ ngũ dục, đã thấy trong đó có nhân của khổ. Thấy được nhân khổ, ta sẽ hiểu cần phải buông bỏ để dứt khổ.
*/ Ăn chay - ăn mặn: Phật không cấm ăn mặn, chỉ cấm sát sinh. Đời xưa, các khất sĩ phải chấp nhận ăn tất cả những gì mà thí chủ cúng dường, dù là chay hay mặn. Ăn chay để phát triển lòng từ và có lợi cho sức khỏe. Ăn mặn mà không cố ý và không tổn hại ai thì vẫn có thể chấp nhận được. Khi ăn, ăn theo tam tịnh nhục (không thấy, không nghe, không nghi) và phải cầu nguyện cho những chúng sinh đã bỏ thân để nuôi mình.
HỎI – ĐÁP
(với Geshe Lean chiều 7/11/2013)
*/ Ôn tập: Ý tưởng và khát vọng của Đức Dalai Lama.
*/ Không có kiến thức vững vàng thì dễ bị “dắt” theo con đường sai trái hoặc trở thành kẻ ba phải, ai nói gì cũng gật.. Lòng yêu thương phải vượt lên mọi biên giới.
Hỏi: Cư sĩ là thành phần hộ pháp, họ nên có thái độ thế nào đối với những người ngoại đạo đang muốn tìm hiểu Phật pháp?
Đáp: Giáo pháp dạy NGỌC NHƯ Ý. Giáo pháp để phục vụ mọi thành phần, nhiều tín ngưỡng, để giữ được hạnh phúc trong nhiều kiếp nhằm phát triển tâm linh tiến bộ.
Lời ta nói hay nhưng phải tu tâm mới thực sự đem lại lợi lạc cho ta và cho người nghe.
Vọng tưởng về NGÃ hoành hành từ khi mới sinh ra. Những đau khổ trong tâm thức chỉ có thể chữa lành bởi Phật pháp.
- Khi tham ái : nên quán thân bất tịnh ]
Đây là cách đối trị tạm thời
- Khi tham sân: nên quán từ bi ]
Muốn đoạn trừ vĩnh viễn, cần tu pháp quán vô ngã + phát tâm bồ đề + thực hành Bồ tát hạnh.
Khi tu, không phải chỉ tu cho mình mà phải phát nguyện tu cho cả những người khác (đại thừa) và phải chú tâm phát triển lòng từ bi để giúp đỡ người khác phát tâm bồ đề với hạnh nguyện giải thoát cho mọi người, không phải cho riêng mình.
Cư sĩ cần có thời gian tu tập để chuyển hóa tâm, sau đó nên chia sẻ kinh nghiệm. Việc dùng knh nghiệm giúp đỡ người khác hiểu giáo pháp không có gì sai trái. Tâm thanh tịnh - nói để người khác hiểu nhằm xiển dương giáo pháp - thì hoàn toàn đáng khích lệ. Chỉ khi tâm bất thiện thì mới tạo tội (nói để trở thành leader, muốn thành người quan trọng được ngưỡng mộ, thành “thầy”!)
Việc chia sẻ giáo pháp không phải chỉ tu sĩ mới được phép, mà đây là nhiệm vụ của mọi người con Phật, để mang giáo pháp của Phật đến với mọi chúng sinh đau khổ. Miễn người Phật tử phải cẩn thận, đừng để sinh tâm tham lam – ngã mạn là được.
Hỏi: Vậy khi chia sẻ thì đâu là giới hạn và làm cách nào nhận ra giới hạn?
Đáp (thầy Yon ten - trước bữa tối): Giới hạn là khi người ta không muốn nghe nữa hoặc không thể tiếp thu được nữa.
- Chỉ nên nói khi được hỏi. hướng người ngoại đạo bằng cách ứng xử của bản thân và đợi đến khi người ta hỏi.
- Cư sĩ có quyền chia sẻ vì họ có sự trải nghiệm của quá trình thực hành. Kinh nghiệm thế nào thì chia sẻ thế ấy, sẽ rất lợi lạc cho những người có cùng căn cơ. Hiểu được đến đâu thì chia sẻ đến đấy.
Hỏi: tôi thấy bình thản an nhiên với tất cả và luôn ở trạng thái nhận biết mọi việc mình làm, có phải tôi đã thấy được bản lai diện mục?
Đáp (thầy Yonten): Không, đó mới chỉ là trạng thái ĐỊNH của tâm, tầng thô. Trạng thái CHÂN NHƯ chỉ có thể đạt được khi thực hành và trải nghiệm trọn vẹn TÁNH KHÔNG của các pháp và của NGÃ.
Hỏi: Người chết rồi, linh hồn có còn ở nhà không? Nếu họ siêu thoát rồi thì linh hồn ở đâu? Tụng kinh có giúp siêu thoát không? Nếu siêu thoát rồi thì tụng kinh có lợi gì không?
Đáp (Thầy Lean): Không còn gì để nghi ngờ rằng sau khi chết, tâm thức vẫn còn vương vấn trong nhà vì thương người thân, luyến thân, bám chấp những điều lúc sống còn trăn trở.
Dòng tâm thức không mất đi, không triệt tiêu vì nó rất vi tế và không phụ thuộc vào tế bào não. Khi tâm ta không thỏa mãn, còn tham - sân - si thì khi chết sẽ không đi ngay. Nếu chỉ nguyện cầu không thì chưa đủ mà phải tu mới mau giải thoát. Khi còn tâm bất thiện là còn tập nhân (tập hợp các nhân) để tạo nghiệp chướng luân hồi.
Muốn nhanh siêu thoát chỉ có cách tu tập, vì điều đó không mua được bằng tiền, Nên còn sống ngày nào là may mắn ngày đó vì còn thân và còn trí thông minh để tu. Nếu không, khi cận tử nghiệp đến sẽ rất rắc rối, vì thông thường ở thời điểm đó ta khá hoảng sợ, lo lắng, rất dễ phát sinh tâm bất thiện.
Khi còn sống mà chịu khó tu tập thì sẽ rất lợi lạc vì đương sự được hưởng trọn thành quả. Cận tử nghiệp và qua đời: người thân cầu nguyện cũng vẫn có ích nhưng không nhiều bằng. Thực tế, đã có những người về mượn xác để nhờ người thân tu tập giúp mình siêu thoát, vì lúc đó họ không còn thân nên khó tu.
Do vậy, hãy nỗ lực tu tập khi còn sống, cố gắng học hỏi để làm lợi cho mình và cho người thì khi chết sẽ không còn bám chấp hay quyến luyến, sẽ dễ siêu sinh. Đó là an lạc ngay trong kiếp sống hiện tại và là cách cầu nguyện cho bản thân.
Cầu nguyện cho người khác sau khi họ chết là cách cuối cùng, khi không còn có thể làm gì khác được nữa.
Hỏi: Có những người hành hạ trẻ em bắt chúng đi ăn xin. Nếu ta không cho thì liệu có phải là thiếu lòng bi mẫn với đứa trẻ đó?
Đáp: Cho hay không đều đúng. Tuy nhiên, nếu cho thì cho ít thôi. Còn nếu cho để được tiếng là có lòng bi mẫn thì đó là tâm bất thiện!
Sáng ngày 8 - 11 - 2013: ĐỨC DALAI LA MA giảng BÁT NHÃ TÂM KINH
(Phần tinh yếu nhất của Phật pháp - Còn gọi là Vô Tự Tánh Pháp Luân)
*/ Đây là bản kinh về DIỆT ĐẠO – TÁNH KHÔNG. Bản kinh này chỉ ra con đường tận diệt tận gốc khổ đau (Y pháp phụng hành).
*/ Có 4 loại niết bàn:
- Tự tánh niết bàn: sẵn có
- Hữu dư niết bàn: đạt trạng thái niết bàn khi còn thân.
- Vô dư niết bàn : đạt trạng thái niết bàn và đã bỏ thân (nhưng vẫn còn trong sắc giới)
- Vô trụ xứ niết bàn: Thành Phật - Hết luân hồi
*/ Vạn pháp không tự tánh: phải hiểu là các đối tượng của pháp không có tự tánh chứ không phải không có pháp (không nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, vị, xúc. . .)
*/ Như lai tạng: Phật tánh - bản thể chân như. (Bản lai diện mục: thấy được bản thể chân như). Khi tu tập diệt trừ nhiễm ô, tâm sẽ chuyển dần tới được bản thể chân như.
*/ Những ô nhiễm là sự gán đặt, dính mắc, có thể gõ bỏ, tẩy trừ được. Hoàn toàn có thể tách sự ô nhiễm ra khỏi tâm thức vì sự ô nhiễm chỉ bám chặt vào bên ngoài của tâm, chứ không phải tâm ô nhiễm. Nó như màu nhuộm bám lên vải trắng, bám rất chặt nhưng vẫn có thể tẩy ra được, và tấm vải vẫn trắng.
*/ Khi thực hành tu tập đến mức không cần cố gắng nữa, ta đạt được “gaté” thứ 1.
*/ Gia hành đạo: tu huệ và hiểu được TÁNH KHÔNG (nhưng chưa cảm), ta đạt được “gaté thứ 2.
*/ Kiến đạo: lãnh hội và cảm nhận được TÁNH KHÔNG, ta đạt “paragaté” (go beyond)
*/ Thực hành Thập Địa Bồ Tát: thực hành được TÁNH KHÔNG, ta đạt “parasamgaté”.
*/ Chứng đạo: xả hết mọi hiểu biết để TRỤ KHÔNG (Bodhisvaha).
Kinh Bát nhã giải thích rất rõ đạo lộ để tu chứng.
(Bát Nhã Tâm Kinh thuộc loại gia trì kinh, từ chính kim khẩu của Đức Phật; khác với tùy hứa kinh là tùy duyên mà nói, vd như Kinh Pháp cú. Bài kinh này tả lại hoàn cảnh ngài Xá Lợi Phất đối thoại với Bồ Tát Quán Tự Tại: không có phước lớn - như ngài Xá Lợi Phất - thì sẽ không thấy được Bồ Tát thị hiện. Nhìn từ bên ngoài sẽ thấy có vẻ như ngài Xá Lợi Phất nói chuyện một mình, không bình thường! Nhưng lúc đó ngài đang nói chuyện với Bồ Tát Quán Tự Tại, chỉ có Phật chứng kiến và nói thành lời).
Giáo pháp đại thừa chỉ có những đại chúng nào có đủ duyên tịnh nghiệp mới có căn cơ lãnh hội trọn vẹn hoàn hảo. Nếu vẫn còn nghi ngờ về giáo pháp của Phật thì khi thực hành – trải nghiệm TÁNH KHÔNG sẽ giúp hành giả hiểu rõ giáo pháp ấy một cách khoa học.
Ví dụ như phân tích vi lượng tử: cái CÓ của vật chất khi được khảo sát thì thấy là KHÔNG (khi ở dạng hạt, lúc ở dạng sóng xem CẢ VŨ TRỤ TRONG MỘT NGUYÊN TỬ ĐƠN của Thầy và LƯỚI TRỜI AI DỆT của Nguyễn Tường Bách để hiểu rõ). Cái CÓ vẫn luôn hiện diện, chỉ không tìm thấy bản thể. Dù vậy, tác dụng và tác hại vẫn xảy ra và vẫn gây ra ảnh hưởng lợi - hại.
PHÁP tồn tại là do ta gắn tên đặt tuổi từ ý muốn chủ quan. Tại sao cần trải nghiệm TÁNH KHÔNG? Nếu không, ta sẽ luôn bám chấp vào một bản thể do ta tưởng tượng ra để rồi đọa khổ TÁNH KHÔNG là chìa khóa duy nhất để thoát sinh tử luân hồi, đạt được thân tâm an lạc, ví TÁNH KHÔNG giúp đoạn diệt si mê (là nguồn gốc của mọi khổ đau do chấp thật).
*/ Tâm chấp thật vọng tưởng là tâm điên đảo, ta hoàn toàn có thể đoạn trừ. Vì mọi pháp không thật, nên tâm chấp thật vào pháp cũng không thật, hoàn toàn có thể diệt trừ. Trí tuệ đạt đến bờ bên kia (niết bàn) gọi là trí tuệ bát nhã.
Niệm (tốt - xấu) là khát vọng, không phải từ trí tuệ; kể cả lòng từ bi cũng là một dạng khát vọng ở mức độ bản năng Cần thực hành đạt tuệ giác để giúp khát vọng từ bi phát triển và lớn mạnh (bản năng từ bi: các giáo pháp khác cũng xiển dương).
*/ Trí tuệ bát nhã sẽ phát triển từ:
- Đọc - hiểu kinh bát nhã
- Đạo lộ bát nhã (gaté, gaté. . .bodhisvaha)
- Tu trí bát nhã (tánh không).
Sắc: nhìn có vẻ độc lập, nhưng không tìm thấy pháp.
Vẫn có CẢNH (trần) và CĂN (giác quan) để nhận biết (thức) cảnh; chúng luôn có quan hệ đối đãi. Trong khi ta vẫn cho rằng chúng tồn tại độc lập, không có quan hệ đối đãi với nhau. Nếu pháp là thật có thì nó sẽ không cần nương nhờ vào bất cứ pháp nào khác, khi những thứ khác mất đi nó vẫn cứ tồn tại, nhưng trên thực tế thì hoàn toàn không phải như thế kể cả TÁNH KHÔNG cũng không!
*/ Nếu không có NGÃ thì ai luân hồi? Các uẩn luân hồi chứ không có đối tượng khác luân hồi (Phật pháp định nghĩa và chỉ rõ mối tương quan của 5 uẩn - 12 duyên sinh - 18 sắc giới). Phật dạy rất rõ trong:
- Lần chuyển pháp luân thứ 1: Nhân vô NGÃ
- Lần chuyển pháp luân thứ 2: 5 uẩn cũng vô NGÃ, cũng đều là KHÔNG.
Chấp thật rất nguy hiểm vì sẽ khiến ta trôi lăn trong luân hồi!
*/ Thầy kể chuyện: có 2 vị tăng thảo luận với nhau về kinh bát nhã
- Vị 1 đọc: không mắt, tai, mũi, lưỡi. . .(nguyên văn bát nhã tâm kinh)
- Vị 2 nói: Sao chẳng đọc luôn không đầu cho gọn!
*/ Không bản thể khác hẳn TÁNH KHÔNG của pháp:
- Có: vì phụ thuộc (duyên khởi) mà sinh ra.
- Không: khi không phụ thuộc thì không có nữa
Pháp vẫn có bản thể, nhưng bản thể ấy phải phụ thuộc các yếu tố khác để tồn tại chứ không thể tồn tại độc lập, khi lấy đi những yếu tố phụ thuộc thì pháp ấy không còn nữa, nên ta gọi là KHÔNG, chứ không phải pháp không có bản thể.
Một nhà khoa học - là bạn tôi - đã nhận xét rằng: “khi động cơ tiêu cực nổi lên, 90% là do vọng tưởng” (ngài Long Thọ phân tích điều này rất rõ trong bộ Trung Quán Luận căn bản).
*/ Đoạn trừ nghiệp và phiền não: cần nhìn rõ sự thật một cách chính xác để hiểu. Khi hiểu sự thật, ta sẽ đủ khả năng để tự giải thoát.
Ví dụ: hầu hết ai cũng sợ rắn. Hãy tưởng tượng trong bóng tối chập choạng, bạn nhìn thấy trên mặt đất có hình gì giống như con rắn. Nỗi sợ lập tức nổi lên và bạn sẽ phản ứng theo cách như thể “con rắn kia” sẽ gây nguy hiểm cho bạn. Muốn thoát khỏi sợ hãi thì cần phải xác định rõ thứ kia thực sự là gì. Niệm chú thì nỗi sợ chỉ vơi bớt nhưng vẫn còn. Khi bạn nhận ra đó chỉ là 1 sợi dây to nằm ngoằn ngoèo, không phải rắn, nỗi sợ hãi sẽ lập tức biến mất.
Giống như vậy, phiền não cũng như một con rắn tưởng tượng trong bóng tối của vô minh, không phải thật. Khi dùng ánh sáng của trí tuệ soi vào thì sẽ thấy rõ những phiền não là không thật. Hiểu như vậy thì ta sẽ có thể buông bỏ tất cả những vọng tưởng vượt thắng phiền não thì sẽ thoát nghiệp, tạo con đường thoát khỏi luân hồi.
*/ Vì nghiệp và phiền não khởi lên từ hiểu biết sai lầm, tạo động cơ bất thiện cộng với tham - sân - si làm khởi tâm tán loạn điên đảo. Do đó ta phải luôn quán sát tâm để đoạn trừ phiền não và diệt nghiệp (đoạn trừ thói quen và tư tưởng chấp thật).
Pháp vô ngã, nhưng do tập khí nên ta chấp thật là có NGÃ. Đoạn trừ tâm chấp thật chỉ có thể thực hiện được từ sự nỗ lực của bản thân, không còn cách nào khác. Quá trình này rất khó nên ta phải cố gắng từng bước nhỏ, từng bước một! Do ta chấp thật vào đối tượng khiến sinh tham - sân - si. Khi hiểu rằng đối tượng không thật thì vọng tưởng sẽ mất đi: qui trình này là cách vận hành của tâm.
Phiền não giống như người khách không tốt ghé chơi, họ đến rồi đi. Bản thể của tâm vốn thanh tịnh. Nếu bản thể của tâm là phiền não thì ta sẽ phiền não 24/24, không lúc nào vui được, sẽ liên tục tham - sân - si, không bao giờ có cảm giác bình an. Nhưng rõ ràng, có những lúc ta rất bình tâm an lạc (và cảm thấy rất dễ chịu vì được trở về bản thể nguyên thủy của TÂM). Như vậy, tham - sân - si phiền não thực sự là những kẻ lữ hành ghé ngang. Hoặc giống như những lớp màu nhuộm trên khuôn vải trắng: ta hoàn toàn có thể tẩy sạch lớp màu đó đi. Khi tẩy xong thì tấm vải lại trắng: tâm lại trở về bản chất thanh tịnh vốn có.
Tâm tham - sân - si bám vào vọng tưởng - chấp thật để nảy mầm và phát triển. Tam độc này là tập khí quá sâu dày, nên ta cần phải vô cùng nỗ lực để chuyển hóa từ từ cho đến khi chúng đoạn diệt.
Tâm từ bi có khả năng vô lượng vô biên, là nền móng cơ bản và vững chắc - từ vô thỉ vô chung - cho tâm thức nương tựa, không bao giờ hủy diệt.
Ví dụ: mắt ta tốt nhưng vướng phải bức tường nên ta không thấy được những điều phía sau bức tường đó (Mắt: tâm từ bi - Bức tường: sự vô minh - Những điều sau bức tường: lý duyên sinh, nhân quả, vô ngã, vô thường v.v. . .)
*/ Diệt đế (thông qua đạo lộ bát nhã) giúp ta đạt Nhất Thiết Chủng Trí: không gì không thấy, không gì không biết! - nghĩa là đạt được sự nhất nguyên khi thấy cả 2 mặt Chân đế và Tục đế trong cùng một pháp Trạng thái diệt đế rất sống động, nó ở trong tầm tay ta, không phải là điều xa vời hay kỳ bí.
Một học giả Ấn độ đã nói: “tôi không cố chấp để nói rằng Phật pháp là tối thắng, nhưng khi nghiên cứu thì thấy có rất nhiều điều hiển nhiên mà mọi người nên thực hiện theo để bớt khổ và dứt khổ”.
Ngài Tông Khách Ba - một vị chân tu và cũng là học giả xuất sắc của Phật giáo, là một trong những người trải nghiệm trọn vẹn TÁNH KHÔNG và lãnh hội đầy đủ giáo lý của Đức Phật đã nói: “Nếu không thấu hiểu được Thuyết Duyên Sinh và Tánh Không thì càng tu sẽ chỉ càng kêu gọi thêm kẻ thù (phiền não) đến nhiều hơn”.
Khi hiểu được sự khác nhau giữa giáo lý của Đức Phật và những giáo pháp khác thì tại sao không khởi tâm? Đây là lý do hợp lý, chính đáng để qui y.
Chuyện vui: Có vị Lama mỗi khi giảng pháp thì yêu cầu học trò đọc lời qui y. Một hôm trò hỏi: “xin cho con hỏi: Phật ở đâu?” - Ngài chỉ lên không trung đáp: “Giữa hư không có một đám mây có ánh sáng vàng. Trong đó có Đức Phật”!?!? Bạn có tin không?
Bạn tôi có lần đặt câu hỏi với 1 tín đồ của tôn giáo khác (và họ tin có Thượng đế - god): “Thượng đế là ai?” - Và nhận được câu trả lời: “Thượng đế là một vị ta không thể thấy và không giải thích được”.
Tôi không coi thường khinh chê ai, chỉ quan sát để thấy sự khác nhau mà thôi. Khi gặp người khác tôn giáo, tôi vẫn bảo rằng tôi tu giống họ. Có lần tôi gặp những người Công giáo, họ lắng nghe, quan sát, rồi sau đó nói với tôi rằng: “chúng tôi thấy ngài tu cũng giống chúng tôi. Ngài không có vẻ gì khác một người Kitô giáo mẫu mực”. Tôi nói với họ: “tôi nghĩ tôi tu không khác gì quí vị và tôi tu rất tốt. Tôi thấy quí vị tu cũng thật tốt, không hề khác những Phật tử thuần thành”!
Sự khác nhau nằm ở nhận thức triết học khi ta quan sát - nhìn nhận thực tế khách quan; nhưng pháp hành và mục đích thì hầu như giống nhau.
Những niệm tiêu cực sẽ khiến bạn cô đơn sợ hãi. Khi trí tuệ xuất hiện, bạn lập tức thay đổi thái độ. Còn bám chấp là còn thái độ ích kỷ, nghi ngờ, lo sợ, ngăn cách. Khi quán rằng người khác cũng giống mình, bạn sẽ dễ trải lòng và liền trở nên cởi mở hơn.
Ví dụ: khi đang ngồi đây, nếu tôi “tâm niệm” mình là Dalai Lama (vua của các lama) thì biên giới lập tức hình thành: tôi là số 1 trong đạo Phật, là bậc Thánh tình trạng đạo đức giả sẽ xuất hiện. Khi có ai hỏi một điều gì đó, dù tôi không biết thì cũng phải gồng mình lên rất “hùng dũng” trả lời tôi biết, chứ chả lẽ Thánh mà lại không biết! Sự căng thẳng và sợ hãi sẽ có mặt ngay sau sự hiện diện của CÁI TÔI!
Tình trạng này phải được thay đổi!
Nếu khởi niệm lành: tôi là họ - họ là tôi. Tôi muốn hạnh phúc - họ cũng muốn hạnh phúc. Nếu không quan tâm và thương yêu người khác tôi cũng không hạnh phúc bằng cách này, ta có thể tăng trưởng lòng lợi tha.
- Ái trọng tự thân (có sẵn): yêu quí bản thân, coi mình là trung tâm. Điều này chẳng đem lại lợi ích gì và là nguồn gốc đau khổ.
- Ái trọng tha: thương tha nhân là lý do qui y, phát tâm bồ đề.
Phải tu tập thật tinh tấn thì mới tự giúp mình và đem tới lợi lạc cho những chúng sinh khác. Ví dụ: người mẹ cụt tay thì dù thương con mấy cũng không thể giúp được con mình.
Việc thiết thực hàng ngày là cần hành trì tinh tấn, đọc kinh bát nhã, thực tập để chuyển hóa dòng tâm thức, thay vì chỉ nhìn tượng nguyện cầu. Tượng chỉ nhắc nhở chúng ta về Phật, chứ tượng có dạy chúng ta được gì đâu! Mỗi khi hành trì, hãy nguyện với Đức Phật: “con xin sẽ chuyển hướng tâm thức cho đến khi đạt vô thượng bồ đề”.
HỎI - ĐÁP
(Với geshe Lobsang Yon ten chiều 8/11/203)
*/ Ôn phần bài giảng buổi sáng của Đức Dalai Lama
*/ Khi thực hành:
- Giới: Bớt tầng thô lậu của tiêu cực
- Định : Đoạn trừ cảm xúc tiêu cực, nhưng chưa dứt hẳn tận gốc.
- Tuệ: Đoạn trừ tận gốc phiền não (Tánh Không)
Cái TÔI không xuất hiện độc lập chứ không phải không có (pháp)
Tứ diệu đế là nền tảng của tất cả giáo lý trong Phật pháp. Phật thuyết kinh chuyển pháp luân 3 lần:
- Lần đầu dạy: cái TÔI không tồn tại độc lập
- Lần 2 dạy rõ: các PHÁP cũng không tồn tại độc lập.
- Lần 3 dạy kỹ: Xác nhận rõ các pháp CÓ theo cách nào và KHÔNG có theo cách nào.
Khi chỉ thực hành TÁNH KHÔNG, ta có thể đạt niết bàn (hàng thanh văn, duyên giác). Khi thực hành TÁNH KHÔNG cùng lúc với bồ đề tâm thì ta có thể đạt quả vị giác ngộ (quả vị Phật).
Trong Bát Nhã Tâm Kinh có 3 tầng ý nghĩa:
- Trực tiếp: từ ngữ câu chữ (phần văn)
- Gián tiếp: nền tảng của sự giải thoát (ý) luận ra nghĩa là “hãy dừng mọi nguyên nhân tạo ra phiền não, đó là con đường giải thoát”.
- Ẩn nghĩa: Cách hành trì.
Hỏi: Xin thầy giải thích rõ hơn về VÔ MINH?
Đáp: Vô minh là dòng tâm thức vi tế, là những tập khí sâu dày khiến ta không nhận ra bản chất trong sáng của chân tâm. Vì vô minh nên ta luôn cho rằng sự vật tồn tại thống nhất và độc lập.
Ví dụ 1: nhìn cầu vồng, ta thấy rõ nhưng không thể tìm thấy thứ gì cụ thể đã tạo nên nó, nhưng nhìn thì vẫn thật có trước mắt, ta vọng tưởng cầu vồng là do những gì đó cụ thể tạo ra.
Ví dụ 2: ngọn lửa làm ta phỏng, nhưng ta không thể tìm được khía cạnh vật chất của ngọn lửa, dù vậy, lửa vẫn tồn tại trước mắt. Từ LỬA chỉ là ký hiệu, là cách đặt tên chủ quan của ta khi nhìn thấy hiện tượng đó, không phải là bản thể.
Ví dụ 3: bàn tay
- Chân đế: TÁNH KHÔNG - Sắc tức thị không phần nào trong bàn tay được gọi là bàn tay? Không có phần đó!
- Tục đế : SẮC - Không tức thị sắc nhưng bàn tay vẫn hiện diện (do duyên sinh - tức là đủ điều kiện) với mọi ảnh hưởng và tác dụng của nó.
Hỏi: Theo Phật pháp, có linh hồn không?
Đáp: Ấn giáo nói rằng “có linh hồn - ngã thường hằng và là nền tảng. Vị thần sáng tạo ra thế giới là Vishnu”. Theo đạo Chúa “chúng ta là một phần của Chúa”. Đạo Phật không thấy như thế.
Ví dụ: tôi thay đổi liên tục từ lúc sinh ra tới bây giờ, như vậy cái TÔI nhất định phải thay đổi vô thường. Nghĩa là không có một cái TÔI thường hằng, trường cửu. Đạo Phật cũng cho rằng có phương phần từ duyên sinh (vô phương phần: không có phần tử nhỏ nhất hay riêng lẻ - tư tưởng của một trường phái ngoại đạo cho rằng Đấng sáng tạo là Đại Ngã, chúng ta là Tiểu Ngã).
Vô thường có 2 mức độ:
- Thô: Cần sự tác động của ngoại lực - ngoại cảnh
- Vi tế: tự thân thay đổi do duyên sinh
Ví dụ: cái ly khi bị đập sẽ bể (thô), nhưng nó cũng tự thay đổi trong từng sát na (vi tế)
Hỏi: cầu nguyện trước di ảnh có ý nghĩa gì khi người chết đã tái sinh và luân hồi theo thuyết nhà Phật? (SH)
Đáp: Người Tây tạng thờ cúng - cầu nguyện nhiều cho người chết có đời sống khác tốt hơn, hạnh phúc hơn. Người Việt cũng luôn cầu nguyện cho người thân siêu thoát, tốt. Cầu nguyện chỉ không tốt khi ta cầu sai: tôi cầu nguyện cho người đó giúp tôi. Có thể cầu nguyện trong thời gian bao lâu cũng được, và cầu nguyện cho họ hàng người thân là điều tốt.
Khi chết, thần thức lưu lại có khi 10 phút, 1 ngày. .nhưng tối đa là 49 ngày, sau đó sẽ đi (theo truyền thống tôn giáo ở Tây tạng). Công đức cúng của người sống sẽ lợi lạc cho người chết dù họ đã tái sinh. Tốt nhất là chỉ xin sự gia hộ của tam bảo mà thôi. Nếu người chết đủ duyên phước để tái sinh vào những cảnh giới cao hơn thì sẽ đi rất nhanhHỏi : Hiện tượng ngoại cảm thực hư là thế nào? Có thật hay không?
Đáp: Một người khi chết, có thể tái sinh lại thành người, tái sinh ở cảnh giới cao hơn hoặc bị đọa vào tam đồ khổ. Nếu họ tái sinh ở những cảnh giới có thân vi tế (không thân) thì không nói được. Ý kiến riêng của tôi: khi tái sinh vào cảnh giới không thân, có những người sẽ mượn thân người khác để nói. Có những vị bảo rằng: “nếu bạn theo tôi, tôi sẽ cho bạn thấy cảnh giới giác ngộ vì tôi có khả năng đặc biệt”. Là Phật tử, chúng ta nên suy nghĩ, quan sát, điều tra kỹ trước khi đặt niềm tin vào một ai đó.Không ai có thể thấy trước được tương lai vì nó phụ thuộc vào những duyên ta đang tạo ra cộng với những nghiệp sẵn có. Ngài Pháp Xứng đã nói: “ai cho tôi biết tương lai, điều đó chẳng có ý nghĩa gì. Ai chỉ cho tôi con đường giải thoát thì mới là bậc thầy của tôi”.
Hỏi: Khi con người xuất hiện trên trái đất, số lượng rất ít. Nếu theo thuyết nhà Phật là ta xuất hiện do luân hồi, tinh cha + huyết mẹ + tâm thức nhập vào mới có con người, vậy thì tại sao bây giờ đông thế, lấy đâu ra thêm tâm thức? Có nên theo phong thủy?
Đáp: Vì sao bạn bảo nhiều? Căn cứ vào đâu để tính là nhiều? Theo Phật pháp, mọi loài đều tái sinh và có thể tái sinh vào những loài khác ở kiếp sau. Số lượng con người gia tăng là do sự tái sinh của những loài khác lên. Thuở xưa, các loài bậc thấp cực nhiều, giờ đầu thai thành người. Và chúng sinh thì vô lượng vô biên, tất cả đều xoay vòng trong 6 cõi.Về phong thủy, thật sự không quan trọng lắm. Đó chỉ là niềm tin của người Trung quốc. Là người con Phật thì đừng mê tín quá.
Hỏi: Hộ niệm người chết với Phật A di đà thì người ấy có được Phật đón không? Nếu người ấy được Phật đón thì có công bằng với những người sống thiện lành không khi người kia lúc sống là người ác?
Đáp: Khi cận tử nghiệp đến, dù người đó cả đời niệm Phật và sống tốt, nhưng thời điểm cận tử lại khởi vọng tưởng thì sẽ dễ tái sinh cõi dữ. Một người ác, nhưng thời điểm cận tử phát tâm mãnh liệt sám hối và niệm Phật thì vẫn có khả năng sinh vào cõi lành. Công bằng hay không, điều đó sẽ được phán xét bởi cách bạn suy nghĩ và hành xử (thuộc tâm thức) sự sám hối thành tâm và mãnh liệt sẽ giúp nghiệp nhẹ đi rất nhiều. Kiến thức này rất quan trọng: vấn đề là sống bất thiện - ác, thì phút cận tử sẽ rất khó lòng mà chuyển đổi được dòng tâm thức Phút lâm chung, khởi niệm ác thì dễ bị đọa cảnh giới ác - khởi niệm lành thì dễ tái sinh cõi lành.Kết thúc:
- Hãy để Phật pháp luân chuyển trong cuộc sống và là cuộc sống của bạn.
- Đừng phân biệt Phật giáo nước này hay Phật giáo nước kia.
- Người Việt đang sính Mật thừa, nhưng nên học hiển giáo để có nền tảng vững chắc trước, rồi hãy học Kim cang thừa sau, nếu muốn!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn Quân"Tôi viết sách vì trăn trở với tương lai đất nước"
23/11/2013Anh Vũ