Tin ở con người

11:19 SA @ Thứ Năm - 05 Tháng Sáu, 2014

Rời bỏ cuộc sống đủ đầy nơi xứ người để dấn thân vào sự nghiệp cải cách giáo dục ngay trên đất nước mình, TS Giáp Văn Dương cho ra đời kênh giáo dục trực tuyến GiapSchool với tuyên ngôn “Tự thân khai sáng”...

Trong một bài viết của mình, anh cho biết: “năng suất lao động của người Việt, theo tổ chức Năng suất Á châu, kém người Nhật, Mỹ và Singapore khoảng 20 lần. Thậm chí kém những người hàng xóm cùng hoàn cảnh với chúng ta 100 năm về trước. Do đâu nên nỗi?

Trên bề nổi khoảng cách này do nền sản xuất lạc hậu, thâm dụng lao động giản đơn thay vì công nghệ. Nhưng sâu xa thì do năng lực của thể chế, chất lượng của lao động và đặc tính văn hoá xã hội. Thể chế hiện thời không khuyến khích sản xuất. Con người không đủ năng lực đáp ứng những công việc đòi hỏi kiến thức và kỹ năng cao, do nền giáo dục bất cập. Văn hoá lại nghiêng về chụp giật ngắn hạn và ứng phó tình thế. Ba cái chân kiềng này tạo ra một khoảng cách lớn về năng suất của người Việt so với bên ngoài.

Làm sao để phát triển? Câu hỏi này sau hơn 100 năm, đến nay vẫn chưa có lời đáp?

Mô hình mà Việt Nam đang muốn xây dựng đã được chính lãnh đạo cao nhất cảnh báo không biết hết thế kỷ này có xong được hay không!

Các thế hệ trước mới thực hiện được một nửa của cuộc giải phóng, đó là giải phóng dân tộc. Nhưng nửa còn lại, quan trọng hơn nhiều, là giải phóng con người, thì không được nhắc đến.

Để làm nốt công đoạn này, chỉ có thể bắt đầu bằng một nền giáo dục khai phóng để mỗi người có thể tự thân khai sáng hầu phát huy hết năng lực của mình. Tất nhiên việc này chỉ có thể được thực hiện ở diện rộng dưới sự đầu tư và bảo trợ của nhà nước.

Cải cách giáo dục trước tiên phải bắt đầu từ đâu? Từ lứa tuổi mẫu giáo, hay từ đại học?

Còn cải cách giáo dục nên bắt đầu từ đâu ư? Còn có thể từ đâu khác ngoài con người. Vì giáo dục bắt đầu từ con người và cũng kết thúc ở con người. Mà trong con người, quan trọng nhất là tư duy. Vậy tư duy giáo dục phải được đổi mới trước thì cải cách giáo dục mới có thể thành công được. Mà vẫn con người đó, cách làm đó, mô hình đó, cơ chế đó, làm sao có thể thành công được.

Nhưng cụ thể việc đổi mới tư duy là đổi mới cách gì? Tôi cho rằng, đó chính là việc đổi cách tiếp cận từ “Học cái gì?” sang “Học thế nào?”, và tiếp theo là “Học để làm gì?”. Từ xưa đến nay, Việt Nam tập trung vào “Học cái gì?”, nên sách giáo khoa rất quan trọng. Nhưng nay đổi sang “Học thế nào?”, thì phương pháp giảng dạy, phương pháp học tập phải là trọng tâm, chứ không phải là sách giáo khoa nữa.

Về việc cải cách nên tập trung vào bậc nào trước, tôi cho rằng nên bắt đầu đồng thời ở bậc tiểu học và đại học. Cải cách ở tiểu học để hướng tới một sự thay đổi dài hạn, còn tiến hành ở đại học để có sự thay đổi tức thời, tạo nhân lực cho cuộc cải cách dài hơi, và hiệu quả cũng có thể đong đếm ngay được.

Tôi đề cao khai tâm hơn khai trí vì tôi rất sợ trí trá, tức nhân danh trí mà làm điều trá nguỵ.


Với câu hỏi cải cách cho một tương lai nào?, tôi cho rằng cải cách giáo dục phải hướng đến việc tạo ra những con người mà chúng ta muốn có, và xây dựng một xã hội mà chúng ta muốn sống. Do đó, trước khi cải cách, lẽ ra những người tiến hành cải cách phải hình dung được rõ ràng những phẩm tính của con người mà họ muốn tạo ra trong 10 – 20 năm, và xã hội họ muốn sống trong ít nhất là 30 – 50 năm tới.

Vậy con người mà cuộc cải cách đó hướng đến là gì? Chỉ có thể trả lời, đó là con người tự do, đối lập với con người công cụ mà hệ thống giáo dục hiện thời đang tạo ra. Chỉ có như thế mới có cải cách toàn diện, triệt để.

Khi tiếp xúc nhiều môi trường giáo dục khác nhau, anh đã phản tư lại mình, tự truy vấn lại mình như thế nào để nhìn ra những điểm yếu riêng có? Làm thế nào để giáo dục vừa mang tính phổ quát, khoa học, lại vừa tránh được lỗi khi cho rằng mình khác biệt?

Khi ra ngoài, tôi có điều kiện so sánh mình với bạn bè bên ngoài, xã hội Việt Nam với các xã hội bên ngoài. Từ đó rút ra được điểm mạnh điểm yếu, điểm khác biệt của mình so với người. Rồi sau đó đi xa hơn là tự đặt câu hỏi để phản tư lại mình, quán chiếu lại mình, rồi bước ra khỏi cái mớ bòng bong mà mình đang vướng phải, bằng buông bỏ và lựa chọn. Đó là con đường mà tôi đã đi.

Riêng việc làm thế nào để giáo dục vừa mang tính phổ quát, vừa khoa học mà bớt sai lầm, thì tôi chủ trương sử dụng các bộ giá trị phổ quát làm định hướng. Đây là những giá trị được kết tinh trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, và đã được kiểm chứng ở nhiều nền văn hoá khác nhau. Chúng không hề xa lạ, mà chính là những giá trị mà chúng ta đã biết, như: chân, thiện, mỹ, tự do, dân chủ, bình đẳng…

Trong giáo dục, anh đề cao sự khai tâm trước khi khai trí? Cách “khai tâm” nhanh nhất với giới trẻ theo anh là gì?

Khai tâm là một điểm son của giáo dục truyền thống. Tâm theo cách hiểu của nền giáo dục này, chính là các giá trị phổ quát đương thời. Rộng hơn thì Tâm chính là quan niệm về lương tri, về sự thiện hảo của con người. Vì thế, khai tâm chính khai mở tính người. Có hoạt động giáo dục nào quan trọng hơn việc khai mở tính người?

Tất nhiên, câu chuyện bắt đầu rắc rối ở chỗ: thế nào là người? Thường thì chúng bị áp đặt câu trả lời giống nhau, theo mệnh lệnh từ trên xuống qua hệ thống giáo dục của nhà nước. Ra ngoài xã hội, thì câu trả lời được ẩn trong các thói quen, tập tục truyền thống. Chỉ rất ít người có ý thức đi tìm câu trả lời cho riêng mình.

Tôi đề cao khai tâm hơn khai trí vì tôi rất sợ trí trá, tức nhân danh trí mà làm điều trá nguỵ.

Theo kinh nghiệm của tôi, cách nhanh nhất để khai tâm cho trẻ là làm gương, tôn trọng trẻ và chân thành với trẻ. Trẻ nhỏ học qua việc bắt chước, nên việc làm gương rất quan trọng. Trẻ nhỏ cũng có nhu cầu được tôn trọng, và cần được đối xử chân thành. Yêu thương cũng rất quan trọng, nhưng nhiều bậc phụ huynh hoặc thầy cô dù rất yêu thương con trẻ nhưng vẫn không thể khai tâm được, vì họ dạy trẻ một đằng, nhưng sống một nẻo.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Người Việt trẻ tự đốt đuốc mà đi

    04/05/2019TS. Giáp Văn DươngĐất nước cần vượt lên. Vì thế, với người Việt trẻ, một cuộc vượt lên chính mình là cần thiết. Khi còn mò mẫm trong sáng tối, khi còn chao đảo giữa muôn vàn xô đẩy của cuộc đời, thì không còn cách nào khác là phải tự đốt đuốc cho mình, phải tự mình vạch đường mà tiến bước...
  • Khai trí – Sự nghiệp trăm năm cần tiếp nối

    13/01/2016Tiến sĩ Giáp Văn DươngLàm sao để phát triển? Làm sao để vươn lên? Câu trả lời không là gì khác ngoài những điều một nhóm trí thức tinh hoa đã chỉ ra từ hơn một trăm năm về trước: Trước hết cần khai dân trí...
  • Biển Đông: cơ hội để nhìn lại

    23/05/2014TS. Giáp Văn DươngMấy ngày nay, cả nước sôi sục vì sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến hạ đặt tại khu vực biển Hoàng Sa, cách đảo Lý Sơn chỉ 119 hải lý, tức nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam...
  • Gọi tên triết lý giáo dục

    14/05/2014TS. Giáp Văn DươngTriết lý giáo dục của hệ thống hiện thời là đào tạo con người công cụ. Đây là cái sai nghiêm trọng nhất trong những cái sai của hệ thống giáo dục này.
  • Học để làm gì?

    06/05/2014Giáp Văn DươngTrọng tâm của giáo dục là việc học, chứ không phải là việc dạy hay nội dung chương trình. Vì thế, mọi hoạt động của giáo dục theo tôi đều phải xoay quanh việc học.
  • Trí thức cận thần và trí thức độc lập

    08/04/2014Giáp Văn DươngBài học lớn nhất mà chúng ta học được từ Nguyễn Trường Tộ chính là sự thất bại của ông trong việc kiến nghị những giải pháp canh tân đất nước với tư cách một trí thức. Từ đó thấy rằng, chỉ khi nào người trí thức tự giác tránh con đường cụt mang tên "Trí thức cận thần" để đi trên con đường mới - con đường trí thức độc lập, trí thức dấn thân - thì đất nước mới có thể tránh được nguy cơ trở thành "đất nước cận thần" và giữ được nền độc lập đúng nghĩa...
  • Phải luôn sẵn sàng để cải cách chính mình

    18/02/2014Mai Lâm - Quý HiênGS Ngô Bảo Châu cho rằng: Việc xuất hiện những nhóm dân sự tham gia giải quyết các vấn đề mà thực tế đời sống đặt ra là dấu hiệu tích cực trong lĩnh vực GD...
  • xem toàn bộ