'Con người tự do' là đích đến của giáo dục
Mở trường trên mạng, TS Giáp Văn Dương theo đuổi triết lý "trên một mệnh đề duy nhất: Con người tự do là đích đến của giáo dục".
Quan niệm của anh về mục tiêu hướng đến của giáo dục là gì?
- Toàn bộ hệ thống giáo dục của GiapSchool, cũng như các hoạt động của nó, được xây dựng trên một mệnh đề duy nhất: Con người tự do là đích đến của giáo dục. Đây chính là triết lý giáo dục của tôi, và do đó của GiapSchool.
Vậy làm thế nào để có tự do? Tất nhiên phải có tri thức, có hiểu biết. Càng nhiều hiểu biết thì càng tự do. Phải có lựa chọn. Càng nhiều lựa chọn thì càng tự do. Phải biết buông bỏ. Càng biết buông bỏ thì càng tự do. Tất cả những điều này đều được tích hợp vào GiapSchool.
Đến đây chị có thể sẽ hỏi: Vậy vì sao con người tự do lại quan trọng? Vì chỉ khi là con người tự do người ta mới có thể hiển lộ được tất cả các khả năng của mình, và hoàn thiện mình ở mức tốt nhất có thể. Bằng cách đó, họ đã làm chủ được đời sống và tự chịu trách nhiệm với số phận của mình. Còn gì có ý nghĩa hơn khi mỗi người tự làm chủ được đời sống của mình, và tự tay xây đắp số phận của mình, để đến cuối đời, họ không thấy phải hối tiếc, không thấy mình đã phải sống đời sống do người khác áp đặt.
Con người tự do cũng là nguồn gốc của sáng tạo, khoa học và nhân văn. Nhưng tự do bao giờ cũng đi liền với trách nhiệm. Tự do càng lớn, trách nhiệm càng cao. Vì thế, giáo dục cũng nên hướng cho mỗi người trở thành một công dân có trách nhiệm.
Vì sao vậy? Vì trong xã hội hiện đại, sự phân công lao động đã dẫn đến việc mỗi người đều phải nương tựa vào người khác để tồn tại. Vì thế, công dân trách nhiệm là điều cần thiết để duy trì một xã hội phát triển bền vững và công bằng.
Hai điều này, tức con người tự do và công dân trách nhiệm, mới nghe qua thì có vẻ mâu thuẫn. Nhưng kỳ thực là không. Tự do bao giờ cũng đi cùng trách nhiệm. Vì khi có tự do rồi, anh sẽ có xu hướng hành xử có trách nhiệm để bảo vệ tự do của mình và không xâm phạm vào tự do của người khác. Vì thế, con người tự do là gốc gác của công dân trách nhiệm.
Như vậy hẳn nhiên, nếu bắt buộc phải lựa chọn một trong hai, thì tôi sẽ chọn con người tự do trước, sau đó mới đến công dân trách nhiệm.
Tuy nhiên, nhà trường hiện nay thường chỉ nhấn mạnh đến việc giáo dục học sinh phải trở người có ích cho xã hội, tức là công cụ cho một cái gì đó rất trừu tượng, mà lãng quên, hoặc không biết đến, con người tự do và đời sống cá nhân. Điều này rất nguy hiểm. Vì nếu chỉ hướng học sinh trở thành người có ích cho xã hội mà không giúp họ trở thành con người tự do thì họ rất dễ trở thành công cụ, thậm chí nô lệ một cách tinh vi, cho những khái niệm trừu tượng nhân danh trách nhiệm và sự hữu ích.
Anh dạy theo cách mà bản thân muốn hay cách anh cho rằng nhiều người cần đến?
- Con người tự do là đích đến của giáo dục. Vì thế, tôi dạy những thứ tôi thích, có xét đến tính hữu ích của nó. Chỉ khi nào con người ta được tự do làm việc mình thích, thì việc làm đó mới tốt được.
Cũng do quan niệm con người tự do là đích đến của giáo dục, nên tôi hướng người học đến việc trở thành con người tự do thông qua việc tự học, tự khai sáng, tự chịu trách nhiệm với đời sống của mình.
Tôi tự do trong việc dạy, còn anh tự do trong việc học. Mỗi người tự do và tự chịu trách nhiệm trong việc khai sáng bản thân mình.
Vì lẽ đó, tôi đã chọn khẩu hiệu (slogan) cho GiapSchool là: Tự thân khai sáng.
Anh Nguyễn Quang Thạch – người đang thực hiện dự án “Sách hóa nông thôn” - đánh giá: “Tôi tin chắc rằng hành động của anh Dương sẽ tạo nên làn sóng dân sự hóa giáo dục trong dài hạn. Tác động dân sự như anh Dương đang làm sẽ tạo áp lực với hệ thống giáo dục chính thống để họ điều chỉnh theo hướng tích cực hơn”. Anh nghĩ sao về nhận định này?
- Đó là nhận định chủ quan của anh Thạch. Tôi hy vọng anh ấy đúng. Nhưng tốt nhất là hãy để thời gian trả lời.
Thời gian vừa qua có rất nhiều ý kiến, các cuộc thảo luận về giáo dục, với yêu cầu khẩn thiết phải cải cách. Tuy nhiên, có thể thấy rằng là thảo luận chưa biến thành sự cải thiện. Lãnh đạo ngành “hứa”, nhưng kêu gọi chờ đợi đổi mới theo lộ trình, và dần đưa ra những thay đổi vụn vặt. Có những nhà giáo và nhà trường đã chỉ ra rằng sự thay đổi là có thể - như việc viết và thí điểm bộ SGK mới của nhóm Cánh Buồm - nhưng thành công của họ thường rất khó áp dụng và nhân rộng dù nhiều tâm huyết và tiền bạc đã đổ ra.
Anh có cho rằng việc này dẫn đến sự hoài nghi liệu giáo dục có thể được cải thiện một cách hệ thống?
- Giáo dục hoàn toàn có thể cải thiện một cách hệ thống nếu những người làm giáo dục đủ muốn. Vì nếu đủ muốn, họ sẽ có kế hoạch tổ chức, sẽ tham vấn ý kiến các chuyên gia, và quan trọng hơn là có chương trình hành động cụ thể, có kế hoạch triển khai và giám sát các chương trình đó một cách hiệu quả. Nói tóm lại là nếu đủ muốn thì họ sẽ làm thực sự và bám đuổi đến cùng chứ không chỉ “hứa” hoặc “bức xúc”.
Chị thấy đấy, rõ ràng hệ thống giáo dục này không phải từ trên trời rơi xuống, mà do con người tạo ra. Vậy thì chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi, hoặc ít nhất cũng là cải thiện nó, nếu chúng ta đủ muốn. Từ việc đủ muốn, chúng ta sẽ tìm ra cách thức.
Như vậy, vấn đề là phải đủ muốn, phải hành động, phải thấy đó là trách nhiệm và cơ hội của mình, chứ không phải chỉ hứa rồi bỏ đó cho hết nhiệm kỳ, hoặc triển khai nửa vời rồi tổng kết và báo cáo, hoặc đùn đẩy hết thế hệ này sang thế hệ khác.
Và nếu đủ muốn, thì các nhà quản lý giáo dục sẽ ủng hộ các hoạt động giáo dục dân sự phát triển, như nhóm Cánh Buồm chẳng hạn; sẽ hỗ trợ các nhà giáo, các nhóm có sáng kiến cải cách riêng; sẽ cho thí điểm các mô hình giáo dục mới để rút kinh nghiệm và triển khai đại trà nếu thấy ưu việt hơn mô hình hiện hành.
Ngoài ra, có một khả năng bỏ ngỏ: Có thể các nhà quản lý cũng thực sự muốn cải cách, nhưng chưa biết cải cách theo hướng nào. Các đề xuất mới, mô hình mới chưa thực sự thuyết phục họ và thuyết phục được đám đông, nên không được chấp nhận. Trong trường hợp này, cách tốt nhất là hỗ trợ các mô hình mới này, hoặc ít nhất là không cản trở, để cho thực tế kiểm chứng, thay vì hoài nghi một cách chủ quan phủ nhận ngay từ ban đầu. Nếu mô hình này tỏ ra ưu việt hơn, thì khi đó sẽ tiến hành cải cách cho an toàn.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không loại trừ một trường hợp khác, là có những lợi ích đặc thù liên quan đến giáo dục đã cản trở việc cải cách giáo dục, nên mọi việc cứ giậm chân tại chỗ hàng chục năm nay, dù vấn đề ngày càng cấp bách và xã hội ngày càng đòi hỏi một cuộc cải cách giáo dục một cách toàn diện và hệ thống.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn