Dụ ngôn tên mắc nợ
Mình có một người bạn vong niên mà mình rất quí trọng. Vừa rồi chị gửi cho mình một câu chuyện “Dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót” trong Thánh kinh.
Chuyện kể rằng: một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn nén vàng. Y không có gì để trả nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con tài sản để trả nợ. Bấy giờ tên đầy tớ sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết”. Tôn chủ liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ gặp một đồng bạn mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao!”. Bấy giờ người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh”. Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ.
Thấy sự việc như vậy, các đồng bạn của y rất buồn và đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ tôn chủ cho đòi tên đầy tớ đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi vì ngươi đã van xin ta, nhưng đến lượt ngươi, ngươi không thương xót đồng bạn như chính ta đã thương xót ngươi sao?” Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông.
Chị bạn có nhắn nhủ mình: “Bất công của ông Trời thì rất lớn – xấu đẹp, giàu nghèo, bệnh tật mạnh khỏe, sinh ra xứ nghèo, xứ giàu.. v.v. Nhưng con người đừng làm cho bất công này lớn, mạnh, thô bạo hơn. Cách Mạng Pháp 1789 đã đưa nhân loại tiến một bước rất xa…Tự do - Bình đẳng - Huynh đệ. Muốn có được những khái niệm này trên giấy tờ, con người đã đổ máu rất nhiều và bây giờ vẫn còn đổ máu rất nhiều để những chữ này ở lại trên giấy tờ”. Càng ngẫm nghĩ mình thấy càng chí lý.
Và mình miên man nghĩ…Thử nói cho bạn bè nghe nhé:
Con người vốn đề cao tính sở hữu: danh vọng, quyền chức, của cải, tài sản, vợ chồng, con cái, tư tưởng, cá tính, thậm chí muốn sở hữu tận hơi thở của người họ yêu quí…Họ khư bám víu vào những cái tưởng là của mình, giữ thật chặt trong vòng cương toả, trong nỗi sợ hãi mất mát. Mọi bi kịch cũng phát sinh từ đây. Và từ nỗi sợ hãi mất mát con người trở nên độc ác, bất công với đồng loại, miễn sao họ được an toàn và có lợi. Nhưng ngẫm cho cùng thì cái duy nhất con người có thể sở hữu đó là tài sản. Nhưng sự sở hữu này cũng khá tương đối. Bạn có thể sở hữu cả tỷ tỷ đô la nhưng để sở hữu một trái tim, một trí óc, một tư tưởng…con người thì không thể. Cũng có nghĩa bạn không thể sở hữu người nào đó dù bạn rất muốn vì đó là chồng (vợ), con cái, người yêu thương, kẻ nô lệ, người bạn muốn điều khiển, chi phối…Khi không sở hữu được thì khó mà áp đặt ý muốn của bạn lên người đó, kể cả khi bạn dùng đến bạo lực, vũ khí tối tân nhất. Vậy nên điều thứ nhất hiền nhân khuyên bạn là nên nhớ bạn không thể sở hữu con người. Khi quan hệ, đối thoại với ai đó nên nhớ chân lý này. Một khi bạn áp đặt mong muốn sở hữu lên một người, và nhất là người đó bị khuất phục (dù là bề ngoài) thì cũng là lúc bạn huỷ diệt nhân cách cua người ta. Một người bị huỷ dịêt nhân cách thì thật khó lường những gì anh ta có thể làm, ngay cả với bạn? Bạn hãy sẵn sàng đón nhận những hậu quả do chính hành động của bạn.
Điều thứ hai bạn cũng nên nhớ: quan hệ, đối xử với con người trong sự tôn trọng, có nhân cách và đừng coi người khác không hiểu biết gì. Cái đáng ghê sợ nhất là điều kiện hoá mối quan hệ với ai đó khiến họ luôn phải gắn chặt với mình, phụ thuộc vào mình, dần biến họ thành nô lệ để dễ sai bảo. Tất cả chúng ta có mặt ở cuộc đời này đều như một lữ khách đến và lại ra đi trong mối nhân duyên. Ta đến cuộc đời với hình hài nude, không tài sản, thậm chí không quần, áo. Khi ta ra đi khỏi cuộc này thì cũng với hai bàn tay trắng, thậm chí có thể cũng với thân hình nude, mình đâu quyết định được? Khi ta đến có rất nhiều người chờ đón, nhưng khi ra đi chỉ có mình ta…Coi thường, chà đạp, hiếp đáp, trả thù, bắt nạt, bất công, ra lệnh…với con người là điều rất dễ làm, nhưng để xây dựng, sửa chữa mối quan hệ tốt đẹp với người thì rất lâu mới thành công. Phàm là người đều muốn được bình đẳng, yêu thương, tôn trọng. Thế nên ai cũng cần tự do để có được những cái họ mong muốn. Không gian tự do giúp người ta phát triển những cảm xúc tốt đẹp. Nhờ cảm xúc này con người tự biết đặt mình trong sự bình đẳng, yêu thương và tôn trọng người khác. Nếu người nào tước đi tự do của người khác thì chả khác nào nhốt họ trong “trại súc vật”(*) và người đó chỉ đạt đến tầm của kẻ chăn súc vật mà thôi. Người “bị chăn” cũng cần có năng lực cảm xúc để nhận biết về tự do của bản thân để phấn đấu có được nó.Chúng ta cần tỉnh táo, thông minh để có được cảm xúc này. Không ai dám nói chỉ có tự do để làm toàn việc tốt vì có thể sẽ (tự do) làm những việc bị coi là sai lầm. Nếu ta tỉnh táo thì sẽ biết nên làm gì, tránh né việc xấu và sửa sai ra sao? Và thật tai hại nếu ai đó ra lệnh cho người khác dù với ý muốn để giúp người kia tránh được sai lầm. Không ai thực sự tuân lệnh của kẻ khác, nếu có chỉ là giả vờ. Bởi thế ở đâu càng nhiều mệnh lệnh thì ở đó càng nhiều sự giả dối. Sự giả dối nếu được dung túng lâu dài thì cuộc sống ở đó càng nhanh bị phá huỷ. Sự tàn phá của giả dối còn kinh khủng hơn bom nguyên tử vì nó phá đến tận cùng tiềm thức con người.
Thứ ba bạn nên nhớ là đừng bao giờ làm theo những gì cứng nhắc, giáo điều, kinh viện dù nhân danh chân lý, luân lí, đạo đức, văn hoá…Hãy trở về với tự nhiên. Mình rất thích Đạo đức kinh của Lão Tử ở khía cạnh khuyên con người nên trở về với thiên nhiên, học theo thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên và làm như thiên nhiên mách bảo. Điều thiêng liêng nhất của thiên nhiên chính là sự yêu thương. Khi để yêu thương mách bảo là ta đã để thiên nhiên khơi nguồn mạch sống vốn có của nó. Chẳng phải chúng ta có mặt trong cuộc đời này là để yêu thương con người sao? Làm bất cứ việc gì bởi tình yêu chả hơn vì nghĩa vụ, trách nhiệm hay sao? Chống lại thiên nhiên tức là chúng ta đã chống lại sự yêu thương con người. Mà tai hoạ khi con người không còn có thể yêu thương là thế nào thì bạn biết rồi đấy…Sự tiêu vong trong các mối quan hệ giữa người với người, giữa người với thể chế chính trị chỉ chờ chực cơ hội này để huỷ diệt. Trong cơn huỷ diệt của sự vô cảm, lãnh cảm, thờ ơ, độc ác thì chả ai sống sót hết. Bạn hãy lựa chọn đi…
Nghe có vẻ rối rắm nhưng thực ra rất giản dị (nhưng cũng không dễ làm được): hãy buông bỏ vài điều, nhiều điều, tiến tới buông bỏ cái tôi của mình...Để khi ra đi, ta có thể thanh thản nói, mình mắc nợ rất ít, hoặc không mắc nợ ai hết, và không bắt ai còn nợ nần gì mình...
Tiếc thay xã hội nơi chúng ta đang sống hôm nay đang vận hành ngược với cả ba điều cơ bản trên. Hãy tự hình dung cái gì sẽ đến bạn nhé…
-----------
*) - “Trại súc vật” – Tiểu thuyết của Georgor Corwell
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015