Bài học canh tân trong tiểu thuyết “Hồ Qúy Ly” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh
“Hồ Qúy Ly” không đơn thuần kể lại câu chuyện của thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15 mà nhà văn đang “ôn cố tri tân”. Cuốn sách không viết về nhân vật lịch sử Hồ Qúy Ly mà viết về thời đại của Hồ Qúy Ly-thời đại của những cách tân qua góc nhìn của chính những con người sống trong thời đại ấy…
***
Canh tân qua góc nhìn của những nhân vật cùng thời đại
“Hồ Qúy Ly” không đơn thuần kể lại câu chuyện của thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15 mà nhà văn đang “ôn cố tri tân”. Cuốn sách không viết về nhân vật lịch sử Hồ Qúy Ly mà viết về thời đại của Hồ Qúy Ly. Chúng ta ai cũng biết Hồ Qúy Ly là một nhà cách tân thời kỳ phong kiến. Khi nắm quyền lớn trong tay, dưới một người mà trên muôn người, Hồ Qúy Ly đã đưa ra các cách tân quan trọng trong xã hội đương thời. Ông đề xuất giảm bớt những chính sách ưu đãi về phân chia điền địa với quý tộc nhà Trần. Trong hai thời đại Lý- Trần, Phật giáo được tôn vinh, nhiều thanh niên quy y cửa Phật, Hồ Qúy Ly bắt họ hoàn tục, cắt giảm quyền lợi của nhà chùa, và bắt đầu có những biểu hiện đầu tiên của “độc tôn Nho giáo” mà sau này nhà Lê đã thực thi một cách thành công. Ông thực hiện rất nhiều cách tân, nhưng cách tân quan trọng nhất chính là sử dụng tiền giấy. Với một loạt những cách tân đầy tiến bộ nhưng lại dồn dập trong thời gian ngắn ngủi và thời điểm không thích hợp có lẽ đã trở thành nguyên nhân thất bại của triều đại nhà Hồ. Tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh không những khắc họa chân thực không khí thời đại mà còn đưa ra rất nhiều điểm nhìn đối với cuộc cách tân.
“Hồ Qúy Ly” có một cấu trúc đặc biệt. Mỗi chương viết về một nhân vật lịch sử trong thời đại ấy: Trần Nghệ Tông, Hồ Nguyên Trừng, Trần Khát Chân, công chúa Huy Ninh… và đương nhiên là có Hồ Qúy Ly. Cùng một cuộc cách tân ấy, mỗi người có một cách nhìn nhận, một thái độ và một phản ứng.
Câu chuyện được kể bằng ngôi thứ nhất – “tôi”, chính là Hồ Nguyên Trừng. Đây thật sự là một phương pháp đặc sắc trong dòng văn học dã sử. Trong các tiểu thuyết dã sử của cả phương Tây (“Ai-van-hô”, “Robinhood”, “Chiến tranh và hòa bình”…) hay phương Đông (“Thủy Hử”, “Tam Quốc diễn nghĩa”, “Nho lâm ngoại sử”…), các nhân vật thường ở ngôi thứ ba nhằm mục đích thể hiện tính khách quan trong các sự kiện. Nhưng ở tác phẩm này, mọi sự kiện, xung đột đều được nhìn nhận và đánh giá qua con mắt của Hồ Nguyên Trừng, tác giả “Nam ông mộng lục”. Bằng phương pháp này, tác phẩm tạo được một hiệu ứng khác so với những tác phẩm văn học dã sử trước đó. Người đọc cảm nhận thấy mình như người trong cuộc, cũng được chứng kiến tận mắt cuộc cách tân thời ấy. Cũng qua nhân vật Hồ Nguyên Trừng, nhà văn gửi gắm được suy tư, nỗi đau thân phận của người trí thức trước bao biến thiên của lịch sử.
Hồ Nguyên Trừng là một nhân vật tài hoa ở thời kỳ ấy. Theo sử sách ghi chép lại, ông là người toàn đức toàn tài, văn võ song toàn. Bản thiết kế thành Tây Đô (Thanh Hóa) chính là của ông. Ông còn sáng chế ra “Thần Cơ hỏa sang”, một loại súng trường đầu tiên ở đất Việt. Khi quân Minh xâm chiếm Đại Việt, cha con Hồ Qúy Ly bị áp giải về Trung Quốc chịu phạt, Hồ Nguyên Trừng nhờ tài năng xuất chúng mà vẫn được cất nhắc làm quan, đến chức Công bộ thượng thư. Những năm tháng ở đất Bắc, ông đã viết tác phẩm “Nam ông mộng lục” nổi tiếng. Trong lời tựa của “Nam ông mộng lục”, tác giả có viết: “Những nhân vật trong sách, một thời phồn hoa, rồi thời cuộc biến đổi không còn để lại vết tích, chỉ còn một mình tôi biết được và kể ra, như vậy chẳng phải mộng là gì”. Hồ Nguyên Trừng trong “Hồ Qúy Ly” không những có đầy đủ tài năng ấy mà còn chấp chứa biết bao tâm sự ưu thời mẫn thế, thân phận của tài năng bị chèn ép giữa các thế lực chính trị.
"Thế đấy! Thời nay sao đẻ ra lắm kẻ cuồng. Nguyễn Cẩn là một kẻ cuồng tín. Đến cả Khát Trân cũng chẳng ra ngoài một chữ cuồng. Họ đinh ninh với một ý tưởng rồ dại vì suy nghĩ của mình, không từ một thủ đoạn nào, không dung tha cho một ai trái ý họ... Có đúng không? Ai cũng rồ dại vì những câu nói khoa trương. Họ có biết đâu được hồn nước mới là điều chính yếu. Chẳng ai thông minh hơn được hồn của núi sông mình. Ai đúng, ai sai? Khát Chân hay Quý Ly? Vả lại đường đi của hồn núi sông thật là ngoắt ngoéo. Đánh giá thành ư? Bại ư? Có khi bại mà mấy trăm năm sau lại là thành. Có khi người đời chỉ vì mê muội mà kéo ánh sáng trở về bóng tối. Sự mơ màng lòe loẹt làm chậm bước chân của hồn núi hồn sông?" |
Bài học cải cách từ cuộc Canh tân của Hồ Quý Ly
Giá trị lớn nhất của tác phẩm “Hồ Qúy Ly” nằm ở bài học lịch sử : “Canh tân”. Có thể xem cuộc “Canh tân” của Hồ Qúy Ly là cuộc canh tân táo bạo nhất cho đến thời điểm đó. Những cải cách của ông được ghi lại trong cuốn “Minh đạo” (dịch Nôm là “Con đường sáng”).
Đối với “Minh đạo” cũng như cả cuộc canh tân, trí giả thời đó, kẻ chê, người khen, cũng có kẻ bằng mặt mà chẳng bằng lòng… Nhưng rõ ràng, tại thời điểm đó, một cuộc cải cách là cần thiết. Trong câu chuyện, tác giả để Hồ Qúy Ly nhấn mạnh về một “phương thuốc lớn”. Việc làm chính trị chẳng khác gì y đạo, cũng có bắt bệnh, cũng có kê đơn. Nhưng người làm nghề y mỗi lần chỉ có thể bắt bệnh kê đơn cho một người, còn kẻ làm chính trị thì phải bắt bệnh, kê đơn cho cả một dân tộc. Để bắt được bệnh đã khó, không khéo không có bệnh lại chẩn đoán thành có bệnh, có bệnh lại cứ tưởng rằng vô sự; nhưng bắt được đúng bệnh rồi thì kê đơn ra sao đây, âu cũng là việc khó. Cái căn bệnh ấy, chính ông vua già Trần Nghệ Tông là người nhận thức được hơn ai hết. “Chính ông là bà đỡ cho những cải cách của Quý Ly, đã giúp Quý Ly tiêu diệt những đối thủ, ngay cả khi đối thủ ấy là con cháu ông. Lại cũng vẫn chính ông là người muốn kéo dài đến vô hạn cơ nghiệp của nhà Trần, tổ tiên ông, mặc dầu ông biết điều đó không thực tế, mặc dầu ông biết các tôn thất, các cựu thần nhà Trần ở mọi nơi hiện đang thối ruỗng. Vậy ông đang tự chống lại bản thân. Ông có miếng thịt thối, muốn cắt đi, nhưng vì nó là cơ thể ông nên không đành lòng.” Đó chẳng phải cũng chính là căn bệnh thời đại của chúng ta hay sao? Miếng thịt thối ấy ai là người dám cắt bỏ để giữ cho cơ thể được khỏe mạnh? Hay cứ để nó đấy vì tiếc xương thương thịt rồi hoại tử mà chết? Đứng trước vận mệnh của dân tộc: hoặc là đổi mới hoặc là bại vong, việc từ bỏ những quyền lợi của một tổ chức cầm quyền để thực hiện một cuộc Cách mạng toàn diện là điều cần thiết. Nhà Trần đã không dám dũng cảm thực hiện sứ mạng ấy và chuốc lấy bại vong, là điều đương nhiên.
Bài học Canh tân trong “Hồ Qúy Ly” còn là bài học về lòng dân. Đối lập với phe Canh tân là phe thủ cựu, đáng tiếc rằng phe thủ cựu lại nắm phần đông. Nhưng tại sao những biện pháp của Hồ Qúy Ly là cần thiết mà triều nhà Hồ vẫn thất bại thảm hại? Trước hết phải nói rằng vì Hồ Qúy Ly quá nôn nóng. “Minh đạo” là hướng đi tiến bộ, nhưng không thể một sớm một chiều có thể thực thi. Điển hình nhất là việc sử dụng tiền giấy. Người dân ta thời ấy chưa ý thức được giá trị của tiền tệ và chưa có một nền tài chính hoàn thiện, việc sử dụng tiền giấy thực là chuyện viển vông. Nhưng sai lầm nghiêm trọng hơn là việc xây thành Tây Đô. Giữa lúc ngân sách quốc gia thiếu hụt trầm trọng, người dân còn sống lầm than, chiến tranh với Chế Bồng Nga vừa mới kết thúc và sắp sửa đương đầu với quân Trung Hoa, thành Tây Đô chẳng khác nào được xây lên bằng xương bằng máu của dân khiến người dân oán than. Quan trọng hơn cả, chính tầng lớp trí giả thời ấy cũng không đồng tình với các biến pháp của Hồ Qúy Ly. Thái độ của Trần Khát Chân, Phạm Sinh, Sử Văn Hoa và thậm chí cả Hồ Nguyên Trừng thể hiện rõ điều ấy. Tại sao vậy khi nhà Hồ luôn thực hiện các chính sách chiêu hiền đãi sĩ? Ấy là bởi Hồ Qúy Ly quá cố chấp, không muốn nghe lời can gián, luôn đàn áp phe bất đồng quan điểm mà không hề tiếp thu hay thuyết phục họ. Bởi vậy mà người đời quay lưng với biến pháp hay nói đúng hơn là quay lưng với nhà Hồ, khởi nghĩa của nông dân nổi lên khắp nơi, bên ngoài thì giặc phương Bắc dòm ngó, cha con Hồ Qúy Ly cuối cùng vẫn chung một kết quả với nhà Trần.
Qủa thực, phương thuốc lớn cho một dân tộc không dễ kê đơn. Hồ Qúy Ly bắt mạch được căn bệnh của thời đại mình, kê được đơn thuốc rồi nhưng vì không biết dùng đúng thời điểm và liều lượng mà dẫn đến thất bại. Không chỉ thế, việc dùng thuốc sai cách ấy ảnh hưởng tới sự tồn vong của dân tộc. Nếu như thời ấy hai gia tộc Trần – Hồ cùng bắt tay nhau để thực hiện Duy tân thì triều đình nhà Minh đã chẳng giương lá cờ “Phù Trần diệt Hồ” ngụy tạo, đưa hàng vạn quân lính vào xâm lược nước ta được. Đó là bài học xương máu cho chúng ta trong công cuộc cải cách và thực hiện tiến trình dân chủ ở hiện tại và tương lai.
(*)Ông Nguyễn Xuân Khánh bắt đầu sự nghiệp viết lách từ năm 1955, cùng thời với Nguyên Ngọc, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng… Khi tên tuổi Nguyễn Xuân Khánh mới chớm xuất hiện nhờ vài truyện ngắn thì sự kiện “Nhân văn giai phẩm” khiến ông “chìm xuồng” cùng biết bao cây bút khác. Sau khi bị treo bút, ông phải bươn chải đủ mọi nghề để kiếm sống, nào thì làm thợ may 7 năm, bán máu 3-4 năm, thợ khoá, dịch sách, hợp tác xã mua bán và lao động cải tạo cùng với lưu manh đĩ điếm 1 năm. Khi bắt đầu xuất bản “Hồ Qúy Ly”, ông Xuân Khánh vẫn chỉ là ông thợ cạo ở vỉa hè Hà Nội. Cho đến bây giờ, ông có tất cả 3 tác phẩm là “Hồ Qúy Ly”, “Trư cuồng” và “Mẫu Thượng Ngàn”. Riêng “Trư cuồng” được viết bằng một hình thức đặc biệt của văn học Nam Mỹ – văn học hiện thực huyền ảo.
“Trư cuồng” bị cấm xuất bản ở Việt Nam vì tác phẩm phản ánh xã hội Việt Nam trong thời kỳ bao cấp. Mặc dù sau này ông viết “Mẫu Thượng Ngàn” cũng thu hút được nhiều độc giả, nhưng tác phẩm tâm huyết của cả cuộc đời ông chính là “Hồ Qúy Ly”, thực sự ám ảnh người đọc.
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn Quân"Tôi viết sách vì trăn trở với tương lai đất nước"
23/11/2013Anh Vũ