Cuồng phong
Cuồng phong kể về một gia tộc bốn thế hệ.
Thế hệ thứ nhất: Cụ Cả Cồ, người nông dân với lòng yêu nước bản năng, chống cường quyền, đã tham gia khởi nghĩa chống Pháp.
Thế hệ thứ hai: ông Nghè Nguyễn Đức Nguyên thoát ly giáo lý Khổng Mạnh nghìn đời, khao khát Duy Tân, dựng xây đất nước độc lập.
Thế hệ thứ ba có sự phân chia trận tuyến. Một bên vẫn bám vào ngoại bang, tiếp tục quyền lợi thống trị của mình (người anh cả Đức Vĩnh); và một bên là chiến sĩ cách mạng, kháng chiến để giành độc lập thống nhất đất nước (người em Đức Hàm, và mở rộng ra nhân vật liên quan: Vũ Hùng).
Thế hệ thứ tư: Đức Trung, mở rộng ra nhân vật liên quan: Viết Thiều, cũng nối tiếp trong dòng chảy kháng chiến đó. Ngày thắng lợi, họ bước vào cuộc sống đời thường, với những khát vọng đời thường của kỷ nguyên “văn minh vật chất” lấn át. Và “bị kịch số phận” đã diễn ra cho những kẻ không có bản lĩnh.
Cuồng Phong đã có những trang viết rất sinh động về sai sót trong Cải cách ruộng đất, về bất cập trong Hợp tác hoá nông nghiệp, về sự chuyển sang chế độ dân chủ của Liên Xô, theo tôi hoàn toàn đúng định hướng văn nghệ. Hiệu quả nghệ thuật đến đâu chưa biết, nhưng nó hoàn toàn hợp với lôgic tâm lý nhân vật. Có chứng kiến sự đổ vỡ ấy của Liên Xô, các nhân vật Đức Trung, Viết Thiều mới có các diễn biến tâm lý rẽ ngoặt tiếp theo, và một khi không có bản lĩnh đã dẫn đến bi kịch. Có người nói: Sao kết chuyện buồn thế. Nhưng thử hỏi: Có bao giờ người ta thấy một tác phẩm thực sự văn học mà chuyện đời cứ vui hơn hớn, kết cục đại đoàn viên, toàn ngợi ca là ngợi ca… không. Văn học miêu tả cuộc đời này, các số phận con người có hạnh phúc, có đau khổ dù dưới bất cứ chế độ nào.
Các nhân vật của Cuồng phong cũng có các số phận éo le, nhiều biến động giữa cuộc đời. Họ là những con người chân thực, lý tưởng trong suốt vào đời, dũng cảm kiên cường theo lý tưởng. Nhưng khi thế giới bước sang giai đoạn “văn minh vật chất” lấn át, họ là thực thể “sinh vật” với đầy đủ khát vọng đời thường, nên đã thay đổi. Không phải tất cả như thế. Nhưng ở đây Nguyễn Phan Hách miêu tả một loại người đã thiếu bản lĩnh như thế, nên mới có các kết cục buồn ở cuối sách. Âu cũng là chức năng cảnh báo của văn học.
Cuồng phong có một văn phong đẹp, mạnh lạc khúc chiết, gợi cảm. Nhiều chương trình “dòng ý thức” khá sắc sảo. Nhiều trang trữ tình thấm đậm. Và đặc biệt nhiều trang “u mua” hóm hỉnh (đoạn tả cuộc tình Phó Cối – Gái Nhỡ, phiên toà Thu Huệ xử bị cáo Phó Cối…). Lác đác ở đâu cũng có những câu văn đọc lên bật cười. Những câu văn đôi khi cứ toát lên cái ý ngỡ như “bông phèng”, chẳng có gì quan trọng cả, nhưng đằng sau tiếng cười là giọt lệ. Và đọc Cuồng phong sẽ thấy rõ ràng những điều đó.
Chọn cách kết cấu “ dọi đèn pha”, Cuồng phong được kể lấp loáng nhưng sinh động như một cuốn phim sử thi hoành tráng. Những khoảng sáng cận cảnh xen giữa những vùng mờ nhòe mênh mông của lịch sử được tái hiện chân thực như cuộc sống qua những trường đoạn mang màu sắc điện ảnh. Và trên hết sự thật lịch sử được tôn trọng một cách tuyệt đối. Nguyễn Phan Hách không tránh né bất kì một vấn đề nào, kể cả những vấn đề vẫn được xem là nhạy cảm. Những hiện thực tăm tối và ánh sáng le lói của các phong trào yêu nước đầu thế kỉ. Những khoảng tối tiềm tàng ánh sáng của những thân phận. Những u uẩn của thời cải cách ruộng đất. Số phận của những người phía bên kia chiến tuyến. Những cựa quậy quẫy đạp đau thương của đêm dài trước đổi mới hay mặt trái của cơ chế thị trường. Tất cả những gì được xem là phức tạp hay nhạy cảm đều được tác giả soi rọi đèn pha vào đó để miêu tả và lí giải nó một cách thấu đáo.
Sách là tác phẩm để đời của tác giả, do công ty Bách Việt và Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành. Nguyễn Phan Hách sinh năm 1944 tại Bắc Ninh. Ngoài viết văn, ông còn là nhà thơ nổi tiếng với Làng quan họ quê tôi, Hoa sữa, trong đó có những câu thơ đã được phổ nhạc như "Ngày xưa tôi thầm yêu một nàng thiếu nữ, tóc em dài như gió mùa thu… ".
Trích đoạn
Có những cơn cuồng phong đi qua đã trốc tận gốc rễ mọi cây cối cho rễ chổng lên trời, ngọn cắm xuống đất. Có cơn lốc bốc được cả chiếc cối đá lên rồi ném ra xa. Nghe như chuyện bịa. Nhưng đó là sự thực.Vòi rồng hút hết nước trong hồ cạn khô, rồi phun đi đâu không biết. Ừ, cuộc đời là vậy, chẳng nên thắc mắc làm gì. Cơn cuồng phong này đã trốc tận gốc nhiều chân lý sơ đẳng mà hàng ngàn đời con người xây đắp được. Nó làm đảo lộn mọi quan niệm sống xưa nay, xây dựng quan niệm mới: nghèo là đáng trọng, giầu là đáng khinh. Giầu phải bị triệu tiêu. Nghèo lên ngôi
May sao, sự rồ dại của con con người thường cũng chỉ đến độ nào đó thì dừng lại. Sự u mê đến lúc nào đó, được bừng tỉnh…
“… Sóng thần ập đến vùng biển Thiên Thanh thật bất ngờ. Người ta hoàn toàn không có hệ thống cảnh báo. Trên thế giới, phần lớn các bãi biển cũng như thế. Hình như chưa biết gì nhiều về loại hình thiên tai này.
Hôm ấy thời tiết hoàn toàn bình thường. Trời trong vắt, nắng chói chang. Biển xanh biếc. Bãi cát phẳng mịn trải dài êm đềm…
Hình như sóng thần có nguyên nhân từ động đất, cho nên thời tiết bầu trời bình thường là phải
Tôi và Vêra đang nằm trên phao bơi dập dềnh, mắt nhắm lim dim nghe nắng reo như bọt bia tan trên da thịt. Bỗng nhiên có cái gì chuyển động như lật nghiêng mặt biển, lật nghiêng ngang trời đã dựng đứng từ lúc nào. Bức thành to dần, lừ lừ tiến về. Cảm nhận sóng dưới phao bắt đầu cuộn dữ dội, tôi và Vêra chạy lên bờ. Nhiều người ngơ ngác không hiểu gì, cũng chạy lên bờ, nhưng đứng lại quay cổ nhìn, tưởng lên bờ rồi là yên trí.
Tôi lao lại chiếc Mécxêđéc đậu dưới rặng dừa. Khách sạn mi ni tôi ở hơi xa bãi tắm, nên thường đi xe ra, và chính điều ấy đã cứu sống tôi và Vêra.
Tiếng sóng gầm thét át tiếng nổ máy. Tôi lao vút trên đường nhựa với siêu tốc độ bỏ xa bãi tắm trong phút chốc.
Tiếng sóng thần ập đến Thiên Thanh gầm vang tưởng làm vỡ bầu trời, và đuổi theo tôi.
Sóng vượt lên bãi cát, vào bờ và trườn sâu trong đất liền, chỉ cách xe một chút ít. Nêu tôi dừng lại, sóng sẽ ập đến như lưỡi “quỷ biến” khổng lồ liếm gọn chiếc xe hơi nuốt ực trong cổ họng như nuốt một hạt dẻ.
- Nhanh, nhanh nữa, sóng đuổi sát kia rồi – Vêra thét lên.
Cả mầu xanh rợn của biển trập trùng trùm lên cánh đồng, thị trấn nghỉ mát, và làng mạc xung quanh. Xe tôi như một con kiến chạy trốn cơn hồng thuỷ liền chân. Tiếng sóng gầm gào doạ nạt kinh sợ. Đất dưới chân như chòng chành…
Mệt phờ, và bỏ lại màn nước đã khá xa, tôi mới dám đỗ lại, ngoái cổ nhìn. Trước mắt tôi, cả một vùng tan hoang như đám cỏ non vừa bị lưỡi bò gặm.
Sóng thần ập vào nhanh, rút ra cũng rất nhanh, nhưng đủ thời gian để quật đổ tất cả những ngôi nhà, những cây cổ thục, dìm người chết sặc và tung nó như tung trái bóng.
Tốc độ nhanh cuả chiếc Mécxêđéc đã vượt tốc độ của sóng, nên chúng tôi thoát. Chỉ chút thì chiếc xe đã biến thành cọng rêu lềnh bềnh trên sóng. Tôi và Vêra mặt tái xanh, nhìn xác người như những con “téo mại” chết bên bờ cây, vệ cỏ. Vừa mới lúc nãy, họ cũng như tôi, đang nhởn nhơ đi tắm, vậy mà giờ chỉ còn là vật vô tri.
Sóng thần đã liếm gọn sạch tinh bãi tắm và vùng phụ cận. Những ngôi biệt thự nghỉ bé nhỏ xinh xinh, giời còn là đống gạch vụn, bắt trên đó là xác những cô Reception xinh đẹp vừa ban nẫy vẫn uốn éo tiếng Anh trên đôi môi đỏ thắm.
Biển lại phẳng lặng như tờ, tỉnh bơ, giả vờ như không biết chuyện gì vừa xảy ra. Dửng dưng, chối bỏ, bàng quang. Biển lại “thanh bình”, rì rào quyến rũ…”.
Nhà văn Nguyễn Phan Hách: Tôi nhát gan lắm
(An Ninh Thủ Đô, Hoàng Hồng thực hiện)
Khi lãng tử của Hoa sữa, Làng quan họ quê tôi bất ngờ tái xuất với cuốn tiểu thuyết được báo chí quảng cáo là “để đời” mang tên Cuồng phong, nhiều người không rõ ông Giám đốc về hưu từ NXB Hội Nhà văn vốn không ít lời khen tiếng chê vì “cá tính”... sẽ có tâm sự gì trong 750 trang giấy. May mắn hẹn được ông vào những ngày bận rộn cho các cuộc giao lưu giới thiệu tác phẩm mới, thấy cái tựa sách Cuồng phong thật trái ngược với dung mạo của ông già 64 tuổi mà từ ánh mắt đến giọng nói, tư thế, đi lại đều toát ra vẻ trung dung.
- PV: Người ta biết nhiều đến một Nguyễn Phan Hách nhà thơ, một Nguyễn Phan Hách viết truyện ngắn, chứ thực tình, không ai nhắc đến tiểu thuyết Nguyễn Phan Hách dẫu ông cũng có 3 cuốn rồi. Điều gì đã thôi thúc ông cho ra đời cuốn tiểu thuyết thứ 4 vậy?
- Nhà văn Nguyễn Phan Hách: Đúng là tiểu thuyết chưa bao giờ là thế mạnh của tôi nhưng tiểu thuyết mới là thứ tôi thích nhất. Tôi cũng cay cú lắm khi Tan mây, Mê cung và Người đàn bà buồn không được mấy ai biết đến trừ những người trong nghề dù mấy cuốn đó đọc cũng thú vị lắm. Căn bản là thị hiếu của công chúng mình chỉ thích đọc những cái gì có vấn đề, hay sự đổi mới đặc biệt trong lối thể hiện. Thế mà tôi lại không đổi mới được.
Tôi cũng không có khả năng làm những cuốn sách mang tầm thời đại, tầng tầng lớp lớp những triết lý theo kiểu hậu hiện đại. Tôi chỉ có tư duy truyền thống thôi. Cuồng phong của tôi có thể hay, có thể không. Nhưng tôi tin là khi gạt đi những cái dốt của anh viết văn, người đọc vẫn thấy cuốn sách thực sự có ích vì có thể tìm thấy câu chuyện cả một thế kỷ đầy biến động, mà có thể nói là dữ dội nhất trong lịch sử Việt Nam - thế kỷ XX.
- PV: Viết ra một cuốn tiểu thuyết mang dáng dấp sử thi phản ánh chiều dài 1 thế kỷ lịch sử có phải là tham vọng quá lớn không?
- Nhà văn Nguyễn Phan Hách: Nếu không ở cái tuổi này chắc tôi cũng không dám nghĩ đến. Tôi thai nghén Cuồng phong từ năm 2000, cho đến lúc về hưu mới viết được. Tôi tự tin về những gì mình viết bởi câu chuyện trong Cuồng phong chính là câu chuyện của dòng tộc nhà tôi và ngôi làng nơi tôi sinh ra. Sách của tôi dày thật, nhưng không phải toàn chuyện vụn vặt, dề dà, miêu tả những mối quan hệ cá nhân nhàm chán. Câu chuyện của tôi có ý nghĩa, liên quan đến nhiều người, gắn chặt với lịch sử, diễn biến nhanh, chuyển cảnh nhanh nên đọc sẽ không thấy mệt.
- PV: Cuồng phong của ông đề cập đến nhiều vấn đề trong đó có không ít chuyện nhạy cảm. Chỗ nào làm ông thấy khó viết nhất?
- Nhà văn Nguyễn Phan Hách: Khó viết thì là chuyện chứng khoán vì mình có hiểu biết gì đâu, nhưng tôi có thuận lợi là thằng con trai út nó chơi chứng khoán, và nó cũng bị trắng tay vì chứng khoán, từ chính hình ảnh đau đớn của nó mà mình viết được đoạn này. Còn kiềm chế thì nhiều, chuyện sex, chuyện nhạy cảm… tôi đều phải tiết chế tối đa.
- PV: Dường như về hưu rồi vẫn không khiến ông thôi sợ bị “tuýt còi”?
- Nhà văn Nguyễn Phan Hách: Nếu nói một cách công bằng thì tôi chính là người nổ phát súng cho sự ra đời một trào lưu văn học mới. Khi còn là Trưởng phòng Văn xuôi của NXB Hội Nhà văn, tôi đã duyệt in một loạt cuốn như Thời xa vắng, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Bến không chồng, Nỗi buồn chiến tranh… Nhất là Nỗi buồn chiến tranh, dù bắt Bảo Ninh đổi tên rồi nhưng in xong vẫn sợ rúm vó.
Tuy nhiên, để một cuốn sách đến được tay bạn đọc thì mình phải biết chỗ nào in được, chỗ nào phải bỏ. Khi viết cũng phải tính toán như thế. Không phải mình không được đụng đến những vấn đề nhạy cảm, nhưng nói làm sao phải mang tính xây dựng chứ không phải thái độ lật tẩy, hằn học.
- PV: Cứ phải tính toán căn ke như vậy, ông có thấy khổ không?
- Nhà văn Nguyễn Phan Hách: Viết thì không nhưng hồi làm xuất bản thì khổ lắm. Làm xuất bản sách văn học như làm xiếc trên dây. Đồng nghiệp không hiểu thì ghét bỏ, thậm chí cạch mặt. Một mặt thì phải đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học ngày càng tiên tiến của bạn đọc, một mặt phải lo sợ cái này sai cái kia mà bỏ sót những tác phẩm hay. Mà tôi là người trung dung. Tôi nhát gan lắm. Nên tôi rất phục Trung Trung Đỉnh và Nguyễn Khắc Trường khi thấy hai ông ấy mạnh tay như thế.
- PV: Sau khi Cuồng phong được phát hành rộng rãi, ông có nghĩ là cái danh nhà tiểu thuyết sẽ được gắn liền với Nguyễn Phan Hách?
- Nhà văn Nguyễn Phan Hách: Ôi, không không! Đã bảo rồi, văn chương là tài năng và cũng là giời cho. Cố gắng ốm xác cũng chả được gì. Theo văn chương không ai có thể khẳng định được mình sẽ như thế nào. Tôi làm thơ đến chết mà cũng được có bài Hoa sữa thôi. Tuy thế, tôi vẫn tin dù hay hay dở, cuốn sách của tôi cũng có ích, hy vọng là bạn đọc sẽ thấy nó có ích mà đón nhận.
- PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Nội dung khác
Hồi ký Hồ Hữu Tường: Một góc lịch sử làng báo
21/03/2018Phạm Quang HuyRobert Langdon tái xuất trong cuốn sách mới nhất của Dan Brown
09/02/2018Thu HoàiBí mật và sức mạnh ẩn chứa trong 'Ngôn từ' của Sartre
09/02/2018Hòa BìnhViết Kinh Bắc, trường hợp Trần Thanh Cảnh
23/07/2016Hoài NamTiểu thuyết Cá Hồi - cảm quan phê phán con người từ góc nhìn sinh thái
15/06/2016Trần Xuân TiếnNgài nghị sĩ
28/06/2010Khúc hoan ca tự do
21/01/2010Bảo Như"Đời sống tình yêu"
12/01/2010Vũ Quỳnh HươngAbsurdistan, Cộng hoà phi lý
10/11/2009Lê Tân (Phạm Viêm Phương dịch, NXB Văn học, 2009)