Dòng đời – Dòng tâm huyết

08:34 SA @ Thứ Hai - 18 Tháng Mười Hai, 2006

Bộ tiểu thuyết Dòng đời của Nguyễn Trung (4 tập) là bộ sách đồ sộ cả về chữ và nghĩa. Nó bao quát một khoảng thời gian khá dài: hành trình ba mươi năm của đất nước; một không gian khá rộng: từ Việt Nam sang châu Âu, sang Mỹ; nó bao gồm nhiều tip nhân vật: tốt xấu, cũ mới, già trẻ, ở nhìều trình độ, nhiều nghề nghiệp, sống ở khắp nơi trong và ngoài nước. Dòng đời là tác phẩm có tính sử thi, nhưng không thuần sử, nghĩa là tác giả không chỉ liệt kê và mô tả những sự kiện xảy ra trên đất nước mà chủ yếu ông tái hiện cái hành trình gian khó của sự nảy sinh, sự đơm hoa kết trái, những bài toán và lời giải còn ở phía trước của công cuộc đổi mới.

Về nghệ thuật, Nguyễn Trung lựa chọn bút pháp hiện thực rất giản dị, rất trong sáng, văn của ông không có những yếu tố như hiện thực huyền ảo, tính biểu tượng, hoặc sự phá vỡ cấu trúc không thời gian của bút pháp hiện đại, hậu hiện đại, nó thuộc loại hiện thực thuần phác nhất. Nhưng như tôi đã viết trong một bài về chủ nghĩa hậu hiện đại, không cần sự đổ khuôn của các chủ nghĩa cực đoan trong văn chương, nếu người viết đủ sức tái hiện được một cách chân thực cái cuộc sống luôn thay đổi cũng sẽ đạt được sự sáng tạo, cái mới, một sự đổi mới về chất, nó còn cao quý hơn ngàn lần sự thay đổi đơn thuần về hình thức nhưng trống rỗng. Nó đòi đỏi nhà văn không chỉ có khiếu văn mà còn phải có trí tuệ và vốn sống, nghĩa là phải có tri thức. Nguyễn Trung chấp nhận cái thách thức này. Khởi điểm, bộ Dòng đời đã tái hiện một thực tiễn vô cùng phức tạp của đất nước sau ngày thống nhất, khi cái vết chém nơi sông Bến Hải đã liền trên cơ thể Tổ quốc nhưng mãi không liền sẹo trong lòng khá nhiều người từng sống trong chế độ cũ, những khó khăn chồng chất khi vừa trải qua cuộc chiến dài đẵng, có tính hủy diệt; thêm vào đó là những hậu quả nặng nề do sự đổ vỡ của những mối quan hệ quốc tế, do những sai lầm ấu trĩ, thiếu kinh nghiệm dẫn đến cái nhìn giáo điều, thiếu biện chứng v.v… Rồi trong cái đêm tối mịt mùng ấy, những đốm lửa của trí tuệ, của tâm huyết đã nảy sinh, dần bùng cháy, dần làm sáng rõ ra con đường cần phải đi của dân tộc, dần làm sáng rõ những cơ hội và thách thức, đặt ra những sự lựa chọn sinh tử, những giải pháp sống còn.

Thực ra, các ý tưởng trong Dòng đời cũng chính là những ý tưởng Nguyễn Trung đã thể hiện ở dạng báo chí trong loạt bài “thời cơ vàng” và “hiểm họa đen” được đăng trên VietNam.net và sau đó một loạt báo khác đăng tải, thảo luận, từng tạo nên một dư luận rất sôi động trong độc giả. Tất nhiên đọc Dòng đời sẽ thú vị hơn nhiều, bởi những ý tưởng thuần lý lẽ báo chí đó đã được ông văn chương hóa, đã được ông bồi đắp da thịt và thổi hồn cho chúng, tức nhân vật hóa, làm cho chúng hiển hiện và sinh động nhiều lần hơn.

Nhân vật chính là Phạm Trung Nghĩa, một sĩ quan cao cấp, một thương binh, đồng thời cũng là một cán bộ của một học viện quân sự, từng tốt nghiệp Đại học Quân sự Phrun-de, có tài và đức độ, một con người giàu suy tư, khả năng phân tích sâu sắc, luôn có những chính kiến độc đáo, sẵn sàng sả thân vì lợi ích chung. Chính qua cuộc sống của Phạm Trung Nghĩa, từ công việc đến những mối quan hệ ruột thịt, đồng nghiệp, bạn bè… Nguyễn Trung đã đan kết nên một mạng lưới nhân vật, dựng lên một cuộc sống muôn mầu muôn vẻ, và đặc biệt, ông có chủ ý dựng lên những cuộc đối thoại độc đáo giữa các nhân vật khác biệt nhau. Qua đó, những vấn đề cốt lõi, cấp thiết, nan giải, quyết định sự tồn tại và phát triển của chế độ và đất nước đã được đặt ra, được phân tích, được cọ xát.

Đó là cuộc đối thoại giữa ông Nghĩa và thủ trưởng của mình, tướng Lê Hải, về cái mà Nguyễn Trung gọi là “quán tính lịch sử”, cái nguy cơ “quan cách mạng”, nguy cơ người chiến thắng biến thành “kẻ cai trị”, coi đất nước như chiến lợi phẩm; rồi cuộc đối thoại giữa ông Nghĩa và anh ruột mình, ông Chính, một nhà kỹ thuật, về sự “thô lậu hóa”, “thông tục hóa” học thuyết Mác, về công trình triết học của Trần Đức Thảo “mối quan hệ biện chứng giữa thế giới khách quan và con người”; cuộc đối thoại không thể dung hòa giữa hai thế hệ, giữa Tân, một nhà toán học trẻ, tiếp cận được cái mới nên có cách nhìn ngược với ông Hai Phong, một cán bộ cách mạng kỳ cựu; đặc biệt cuộc trò truyện giữa ông Tám Việt, một nhà lãnh đạo Trung ương, với nhóm ông Nghĩa, tướng Lê Hải và ông Chính về nhiều vấn đề tối hệ trọng: từ việc kinh tế quốc doanh “nắm hai phần ba vốn” nhưng chỉ làm ra “một phần ba của cải”, về sự lựa chọn giữa “phát triển kinh tế quốc doanh” hay “phát triển cả nền kinh tế?”, đến điều “cơ chế chủ quản, bao cấp chính là nguyên nhân của tham nhũng”, mà “tham nhũng chính là sự bóc lột, nó còn dã man hơn bóc lột giá trị thặng dư của tư bản ngàn vạn lần”; từ việc cuộc sống đang đặt ra cho Đảng sự lựa chọn “giai cấp” hay “dân tộc” đến tư duy “gọt chân cho vừa giày, bắt cuộc sống phục vụ cho chủ nghĩa”; từ cái kết luận “đổi mới làm không nổi lại chạy sang đa nguyên, đa đảng, thì đấy là chạy theo sự cám dỗ huỷ diệt”, đến việc xem lạinhững bài học của lịch sử, đó là “cách vận dụng học thuyết Mác của Bác Hồ”,mỗi “điều chỉnh chiến lược đều phải dựa vào ngọn cờ dân tộc dân chủ”, “không có con đường dân tộc và dân chủ mà Bác đã lựa chọn cho Đảng không có thành quả cách mạng hôm nay” v.v…

Có một nét rất độc đáo của Dòng đời, Nguyễn Trung có lẽ thuộc những nhà văn hiếm hoi ở trong nước đã mạnh bạo và đầy bản lĩnh mang những vấn đề thiết cốt nhất về lịch sử, về ý thức hệ; những tri thức về triết học, về chính trị, về kinh tế và văn hóa vốn vẫn quen nhìn một hướng nay được đặt trong một pham vi rộng lớn hơn, toàn diện hơn, chúng được soi rọi từ mọi góc độ, kể cả từ hướng nhìn ngược vớihướng nhìn chính thống quen thuộc. Trong vấn đề hết sức gai góc và nhạy cảm này, nếu người viết bị dẫn dắt bởi sự tính toán ích ỷ, hãnh tiến, xu thời, kể cả bởi sự yếu kém về trình độ, rất dễ có cái nhìn sai trái, thiển cận, làm méo mó thực tại. Nói ra những điều tốt đẹp thật dễ nhưng tìm ra được biện pháp phù hợp để biến chúng thành hiện thực mới khó. Chính vì cái tâm khác nhau, mục đích khác nhau, nên người ta có những suy nghĩ, cách làm khác nhau, chính điều này đã phân loại ra người này là xây dựng, còn kẻ kia là phá hoại. Nguyễn Trung trước hết là một người có cái tâm trong sáng, ông không ngại mổ xẻ những thực trạng gai góc, nhưng cái nhìn của ông là cái nhìn biện chứng, mọi sự vật hiện tượng được khảo sát trong một chỉnh thể chịu tác động qua lại của những cái khác, chính vì thế ngòi bút của ông là ngòi bút xây dựng, ông không hề nương tay trước bất kỳ cái xấu, cái ác, cái tha hóa, cái thoái hóa, cái bất cập, cái không phù hợp nào,nhưng có một điều bất di bất dịch ở ông là ông luôn bảo vệ lý tưởng cao đẹp của cách mạng, đó là cuộc cách mạng giải phóng kiếp nô lệ hôm qua và sự nghiệp đổi mới đi tới hạnh phúc, tiến bộ của ngày hôm nay.

Trong văn học Việt Nam, đối với riêng tôi, lần đầu tiên tôi được đọc một cuộc đối thoại bình đẳng, cởi mở, giữa hai sĩ quan có tri thức là anh em ruột, Nghĩa và Lễ, nhưng đã bị số phận quẳng về hai phía của chiến tuyến. Sự chia cắt đã nhào nặn họ thành hai con người có ý thức hệ ngược nhau, dù họ vẫn chung một dòng máu, chung một nguồn cội, vẫn thương yêu nhau. Người anh, nếu có chuyện đối mặt ngoài chiến trường cũng không thể “bắn vào đầu em mình”, nhưng ông rất đau đớn khi với tất cả lý lẽ nghiêm túc mà không phải hoàn toàn vô lý, người em, dù xác nhận một chế độ xây dựng được đội quân đánh bại được cuộc chiến tranh của Mỹ và chế độ Cộng hòa phải ưu việt hơn, vẫn nói thẳng với ông là: “Đất nước đã chiến thắng cuộc chiến tranh nhưng anh chưa thắng nổi em đâu”. Bởi người em khi tranh luận về Các Mác, về chủ nghĩa Cộng sản, cho rằng Các Mác là một nhà khoa học, nhà triết học, nhưng phía người anh đã biến Các Mác thành một ông thánh, biến lý thuyết chủ nghĩa cộng sản thành một giáo lý, và “mô hình kinh tế cộng sản của Mác tưởng tượng ra thì em không tin”. Khi không chấp nhận ý thức hệ như vậy, người em dù “thua trận” vẫn khó chấp nhận mình làmột kẻ “có tội”, và đã phải luôn tự dằn vặt với câu hỏi “Đất nước này từ nay trở đi là của ai?”. Chính từ sự mặc cảm “mất nước” giống như viên đại tá chế độ cũ này đã khiến nhiều người Việt Nam phải rời bỏ đất nước. Sau ba mươi năm, vết thương trong lòng nhiều người đến nay vẫn còn sưng tấy. Dòng đời là một tác phẩm trong nước hiếm hoi viết khá nhiều về cuộc sống những người Việt kiều; ở đó có những người dù khác chính kiến vẫn có một tấm lòng hướng về Tổ quốc, luôn mong đất nước phát triển; ngược lại, vẫn còn không ít người, đã rời bỏ đất nước vì nhiều lý do khác nhau, cố đi ngược lại xu thế hội nhập toàn cầu hóa, dùng việc chống phá đất nước như một nghề kiếm sống, cầu danh.

Qua Dòng đời, cũng lần đầu tiên tôi được đọc cuộc đối thoại giữa hai chú cháu, chú: ông Phạm Trung Học, một nhà tư bản từng di cư vào Sài Gòn rồi sang Mỹ, và cháu: ông Phạm Trung Nghĩa. Câu hỏi và sự phân tích của một ông chú già từng bôn ba làm ăn khắp nơi trên thế giới khiến cho ông cháu giàu suy tư phải giật mình: “Đổi mới chỉ là bản năng tự vệ của chế độ hay là một con đường tất yếu để phát triển?”. Nếu chỉ là hành động tự vệ nhất thời thì nhiều cái nay là đúng mai có thể lại bị cho là sai, bao mồ hôi nước mắt của người lao động rất có thể lại thành công cốc. Điều khác, nếu mở rộng làm ăn mà pháp luật không nghiêm thì đồng tiền sẽ có đủ sức mạnh xơi tất, chẳng kể nhà tư bản hay những người cộng sản. Rồi : “Đổi mới để phát triển đất nước hay thành phần kinh tế?”; “Đổi mới làm cho mọi đồng vốn đều sinh lời hay chỉ ưu ái bộ phận nào đó?”. Những câu hỏi thực tiễn vẫn chưa có những câu trả lời thỏa đáng, và mỗi câu trả lời đều là những lựa chọn quan trọng liên quan mật thiết đến sự phát triển của đất nước và cuộc sống của mỗi người dân. Và cuối cùng một ông già dù cho Các Mác có công với các nước tư bản, khi coi tư tưởng Mác như liều vắc-xin phòng ngừa sự tiêu vong, nhưng : “Những gì chú được biết về Nga-Xô, về Trung cộng…khiến chú …không bao giờ chấp nhận được Cộng sản cháu ạ”, nhưng nếu “Đảng của cháu tự coi mình là Đảng của dân tộc… phải cố trở thành lực lượng tinh tuý của dân tộc” vàtrước câu hỏi cụ thể của người cháu: “Nếu lực lượng lãnh đạo nước ta trở thành con rồng là Đảng Cộng sản Việt Nam thì chú có chấp nhận Đảng này không ạ?” thì ông trả lời : “Sao lại không hở cháu?”.

Như vậy những khác biệt đối nghịch địch-ta không dễ dung hòa, chính tình ruột thịt, tình yêu quê hương đất nước, trách nhiệm công dân, tấm lòng vì cái thiện, và đặc biệt là sự phát triển của đất nước… đã dần lấp đi cái khoảng cách tưởng không thể nào lấp đi được ấy, chính nó là liều thuốc hiệu nghiệm nhất của hòa hợp, hòa giải. Nhiều người từng là kẻ thù nay trở thành những trí thức, những doanh nhân thành đạt, lại có những đóng góp quý giá cho đất nước.

Ngược lại điều trên, nhiều cán bộ đảng viên từng chung chiến hào lại biến chất, tự ngăn cách mình thành những kẻ đối nghịch. Nguyễn Trung đã vẽ nên rất sinh động nhiều quá trình biến đổi này. Như Đặng Danh Tiến, một nhà lý luận cao cấp, danh tiếng, vì cái nhìn thiếu biện chứng, giáo điều, xa rời thực tiễn, cộng với bản tính hãnh tiến, không từ bất kỳ mánh lới, thủ đoạn nào, kể cả sự vu cáo đồng chí mình, luôn nung nấu tham vọng “trở thành người trong cuộc”, đã dần dần bị tha hóa. Cần phải hiểu tha hóa theo nghĩa triết học, đó là sự biến đổi thành cái ngược lại, thành vật cản trở. Khi tuân theo sách vở một cách nô lệ, Đặng Danh Tiến đã “phát minh” ra công thức cứng nhắc, thô thiển: “Đảng + chính quyền + xí nghiệp quốc doanh = 1”, chính sự phát triển đã biến nó thành lạc hậu, thành lực cản xã hội, đã đào thải chính chủ nhân của nó. Rồi sự thoái hoá biến chất của Chín Tạ, một “quan cách mạng” điển hình. Chính từ Chín Tạ, những kẻ cơ hội như Thắng, con trai Tiến, và Liên, một phụ nữ xinh đẹp và ghê ghớm, đã lợi dụng. Vì lòng tham vô bờ, chúng xúm lại tìm mọi cách luồn lách, dẫm đạp lên cả luật pháp, cả luân thường đạo lý, cùng nhau “kinh doanh cơ chế”,“kinh doanh quyền lực”, và “tham nhũng cả Đảng”. Lần đầu tiên, Nguyễn Trung đã chỉ ra Đảng cũng trở thành đối tượng của bọn tham nhũng. Theo lẽ thường những kẻ phạm pháp phải bị trừng trị, nhưng trong thực tế ta thấy không hẳn vậy, trường hợp Chín Tạ, đích danh ông Tám Việt, nguyên một cán bộ lãnh đạo cấp Trung ương đề nghị xử lý, vậy mà vẫn có tình trạng “im lặng đáng sợ”. Phải chăng, chính sự thực thi pháp luật không nghiêm là nguyên nhân cơ bản của quốc nạn tham những hôm nay?

Không chỉ dừng lại ở việc vẽ ra sinh động cái mảng tối của cuộc sống, mục đính chính của tác giả Dòng đời là muốn rút ra bài học, để tái hiện cái hành trình gian khó của nhận thức, của hành động, và của sự lựa chọn để phát triển. Theo lời tâm sự của nhà tư bản Phạm Trung Học với ông Nghĩa: “Đối với nước ta kinh nghiệm rút ra từ những năm này…không một học thuyết hay trường phái kinh tế nào… quý báu” bằng. Chính cái kinh nghiệm đó cho thấy không có cái đúng sai cứng nhắc mà chỉ có sự phù hợp hay không phù hợp mà thôi. Kinh tế bao cấp, kế hoạch hóa từng là sức mạnh góp phần làm nên chiến thắng trong công cuộc giành độc lập nhưng lại kìm hãm sự phát triển trong thời bình. Sản xuất tập thể, ngăn sông cấm chợ, “thu mua như cướp, phân phối theo tem phiếu như cho” đã làm cả nền sản xuất suy thoái, dẫn đến lạm phát, nghèo đói. Chính thực tiễn buộc người ta phải xây dựng lại cái mà hôm qua người ta đập bỏ, điều này được Nguyễn Trung thể hiện rất sinh động qua gia đình bà Sáu Nhơn, một nhà tư bản yêu nước, sau giải phóng bị cải tạo theo kiểu “đánh tuốt” bất kể “có công” với cách mạng hay không. Những rồi chính những đứa cháu nội lại bước theo con đường của bà khi chính sách kinh tế nhiều thành phần hồi sinh. Từ ngăn sông cấm chợ, sản xuất tập trung, bao cấp, kế hoạch hóa, nền kinh tế đã được dẫn dắt bởi nhu cầu của thị trường. Công cuộc đổi mới đã ra đời. Ở đây người ta buộc phải học lại bài học “tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội” của triết học Mác. Rồi khi cả nền kinh tế khởi sắc như có một phép lạ, bài học “thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý” cũng được xem lại. Mọi người đều nhận ra cái chân lý thật giản dị: trí tuệ toàn dân luôn cao hơn, đúng đắn hơn, hiệu quả hơn bất cứ những kế hoạch cứng nhắc được vạch ra bởi những nhóm trí thức cao cấp nào, và không sự dẫn dắt nào chính xác bằng sự dẫn dắt của chính cuộc sống. Lịch sử đã phát triển theo đường vòng, nhưng không phải là đường vòng khép kín mà là đường xoáy trôn ốc, đất nước đã bước lại những bước đi của quá khứ nhưng ở tầm mức cao hơn.

Trong Dòng đời , Nguyễn Trung cho thấy công cuộc đổi mới đã làm cho việc làm ăn như các trận địa được mở ra đủ hướng, trăm hoa đua nở.

Vợ chồng Vũ, Ngọc; Quân, Vân là những người cháu bà Sáu Nhơn, đã được người bà rèn luyện bằng việc đi bỏ sữa chua mấy năm ròng; khi dày dạn, bà đã cho họ mở xưởng dệt, xưởng cơ khi, và họ đã đi lên từ con đường đồ đồng nátđó; Dược sĩ Yến, vợ liệt sĩ Phạm Trung Nam con ông Chính, không chịu làm thuê cho công ty nước ngoài lương 1200 đô, chỉ muốn áp dụng những kiến thức mình được học, sau khi phải đổ bao mồ hôi nước mắt, từ một xí nghiệp dược sụp đổ đã dựng lên được cơ đồ; Tịch, cháu tướng Lê Hải, người xã đội trưởng năm nào, nay thành tư bản đỏ bằng việc kinh doanh đồ sứ vệ sinh và nuôi tôm công nghiệp; đặc biệt tôi rất quý hai nhân vật Tân và Tín, con hai ông đại tá anh em ruột Nghĩa và Lễ từng ở hai phía chiến tuyến. Tân là nhà toán học, giảng viên đại học Stockholm, từng được thỉnh giảng tại đại học Thanh hoa, Havard, từng được dự hội thảo tại đại học Maine, dự hội nghị toán học châu Âu tại Greenwich; Tín một chuyên gia ngân hàng cao cấp làm việc tại Goldman Sack, có dự kiến về Hà Nội tham gia Dự án Hợp tác cải tiến hệ thống ngân hang Việt Nam. Họ là đại diện lớp thanh niên trí thức mới của Việt Nam, tiếp cận được tri thức tiên tiến, họ chính là đại diện còn hiếm hoi của những người sẽ làm nên nền kinh tế tri thức trong tương lai. Để tránh tụt hậu, nước ta không thể chỉ trông vào những công việc cần nhiều hoạt động cơ bắp của con đường đồng nát, việc nuôi tôm hay việc gia công các sản phẩm, mà phải trông chờ vào chính những người như Tân, Tín ở tất cả các lĩnh vực.

Dòng đời, một tác phẩm đồ sộ, dường như không phải Nguyễn Trung viết lên mà cái vốn sống cả quãng đời dài 70 năm đầy ứ của ông đã trào lên trang giấy; người đọc rất dễ tin, rất dễ bị cuốn vào mạch truyện bởi cuộc sống trong Dòng đời là cuộc sống thứ thiệt, không giống sự “sáng tác” của những cây viết vừa non tay vừa thiếu vốn sống; bao tình cảm, bao suy tư, bao nỗi niềm của tác giả rất dễ được người đọc đồng cảm bởi sự chân thành, bởi sự nặng lòng của ông đối với sự phát triển của đất nước.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • "Ai quan tâm đến đất nước sẽ đọc tôi"

    13/12/2006Trang ThanhBộ tiểu thuyết đề cập đến những sự kiện chính trị lớn liên quan đến vận mệnh dân tộc. Với hình tượng nước xuyên suốt 4 tập mang tên Dòng xoáy, Nước đứng, Lõm nước và cuối cùng là Triều dâng, “Dòng đời” được coi là biểu tượng cho dòng lịch sử của đất nước Việt Nam đi ra khỏi những cuộc chiến tranh để bước vào thời kỳ mới với vai trò lịch sử mới...
  • Đọc tiểu thuyết "Dòng đời"

    07/12/2006Phan Đình DiệuTác giả đã tỏ ra rất chắc tay khi không e ngại đi sâu vào những khía cạnh tế nhị, chứa nhiều uẩn khúc tâm lý hoặc nhiều khác biệt chính kiến để đưa ra được một cách trung thực và thẳng thắn - dù vẫn không xa rời hình thức văn học của một cuốn tiểu thuyết - những vấn đề vừa cấp thiết, vừa nóng bỏng đặt ra cho sự phát triển của đất nước ta trong một thời kỳ dài từ quá khứ vừa đi qua cho đến hiện tại hôm nay...