Biết đâu địa ngục thiên đường là đâu

01:42 SA @ Thứ Tư - 07 Tháng Bảy, 2010


Nhà xuất bản Phụ Nữ
Tác giả: Nguyễn Khắc Phê
Năm XB : 2010
Số trang: 638 trang

Tóm tắt

Biết đâu địa ngục thiên đường là đâu “ là câu kiều mà bà mẹ thốt lên đau đớn khi cậu Tú Tâm con nhà quan “ chạy trốn “ người vợ sắp cưới, bỏ nhà đi tu. Mà đâu chỉ với cậu Tú Tâm, trong cuộc đời “ dâu bể “, câu Kiều ấy ứng với nhiều nhân vật, nhiều cảnh ngộ…

Tiểu thuyết miêu tả những số phận trải qua mấy chục năm đầy biến động của đất nước nên không thiếu những tình huống éo le, bi thảm, nhưng tác giả cũng dành nhiều tâm huyết miêu tả những cảnh đời bình dị, êm đẹp ở một làng quê, với tình mẹ con, họ hàng, làng xóm đầm ấm – vẻ đẹp truyền thống và là cội nguồn của sức mạnh Việt Nam…

Tiểu thuyết này là một trong số tác phẩm vào vòng chung khỏa cuộc thi tiểu thuyết của hội nhà văn Việt Nam ( 2006-2009 ) và theo tác giả cho biết đây là cuốn sách quan trọng nhất trong cuộc đời cầm bút của mình.


Biết đâu địa ngục thiên đường

Tiểu thuyết Biết đâu địa ngục thiên đường (Nhà xuất bản Phụ Nữ) so với nhiều cuốn tiểu thuyết trước đó của Nguyễn Khắc Phê có bút pháp đa dạng hơn với nhiều tìm tòi đổi mới: lối kết cấu không theo trình tự thời gian, hình thức độc thoại và độc thoại nội tâm, kết hợp với lối kể chuyện theo dòng ý thức của nhân vật và giọng văn tự nhiên, nhiều lúc dí dỏm mà thâm trầm...

Trong hơn 600 trang sách, tác giả dẫn ta đi vào thế giới tinh thần của nhiều nhân vật khác nhau trên con đường đi tìm hạnh phúc, lẽ sống, giữa những cơn lốc của lịch sử trong suốt hơn 30 năm trời.

Trong dung lượng và tầm vóc mang tính sử thi của cuốn sách, Biết đâu địa ngục thiên đường lại thiên về một cuốn tiểu thuyết tự truyện, ở đó các nhân vật chính đều có khuynh hướng tự ý thức để nhận diện và sửa đổi bản thân.

Dù họ là lớp thanh niên giàu lý tưởng, bước vào cuộc kháng chiến bằng tất cả niềm xác tín với trái tim nồng nàn, hăm hở như Thanh, như Kiên, hay ngập ngừng, do dự, hoài nghi như Tâm; dù họ là kỹ sư hay nhà giáo, nhà nông hay nhà buôn, là chủ hay là tớ, dù đứng ở bên này hay bên kia chiến tuyến trong cuộc cách mạng trời long đất lở... thì sau nhiều chục năm họ vẫn nối kết lại trong tình làng nghĩa xóm, trong tình bằng hữu thủy chung, cùng chia ngọt sẻ bùi với tất cả sự cảm thông, rộng lượng và nhân hậu...

Ngòi bút hiện thực của tác giả đã không né tránh khi kể lại những chuyện phi lý trái ngang và những biến cố đảo lộn hãi hùng..., nhưng ấn tượng sau cùng về tác phẩm vẫn là tình người ấm áp, sáng trong.

Chỉ tiếc, giá như tác giả phóng bút hơn, quyết liệt hơn trong việc khắc họa tính cách nhân vật và những xung đột mang tính bi kịch, tác phẩm sẽ có sức cuốn hút hơn nữa.


Nhà văn Nguyễn Khắc Phê và cuốn tiểu thuyết mới xuất bản
(Tạp chí Sông Hương)

Cuốn tiển thuyết “Biết đâu địa ngục thiên đường” của nhà văn Nguyễn Khắc Phê vừa xuất bản được xem là tác phẩm thành công nhất của ông, cũng là cuốn tiểu thuyết viết kỹ lưỡng nhất, lâu nhất. Cuốn tiểu thuyết này hiện nay nằm trong danh sách những cuốn vào chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam.

Xin giới thiệu những ý kiến nhận định rất chân thành của Giáo sư Trần Đình Sử, nhà văn Ma Văn Kháng và nhà nghiên cứu phê bình Từ Sơn.

*

* *

Nhà văn Ma Văn Kháng: Tôi và nhà văn Nguyễn Khắc Phê là bạn cùng trang lứa, là nhà văn cùng một thế hệ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tôi có một duyên may với anh Nguyễn Khắc Phê là lúc tôi làm biên tập viên ở Nhà xuất bản Lao Động đã được đọc những tác phẩm đầu tay - những cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Nguyễn Khắc Phê.

Tôi rất có ấn tượng về 2 cuốn tiểu thuyết của anh hồi đó là cuốn “Đường giáp mặt trận” và nhất là cuốn sau: “Chỗ đứng người kỹ sư”. “Chỗ đứng người kỹ sư” được giải thưởng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980. Hai cuốn này để lại ấn tượng rất sâu trong lòng bạn đọc cũng như trong lòng tôi. Sau này, tôi được đọc tiếp anh Nguyễn Khắc Phê. Chúng tôi là bạn với nhau nên nếu có tác phẩm thì thông báo cho nhau cùng tìm đọc. Tôi cũng rất thích những cuốn sau này của anh như là cuốn “Thập giá giữa rừng sâu” (NXb Trẻ, 2003); đặc biệt tôi rất hâm mộ cuốn tiểu thuyết mới xuất bản “Biết đâu địa ngục thiên đường” (NXB Phụ nữ, 2010), một cuốn sách có dung lượng khá lớn.

Nói về nghệ thuật văn xuôi của anh Nguyễn Khắc Phê thì có thể nói như thế này: Văn xuôi của anh là một thứ văn giàu chất hiện thực đời sống, giàu sự trải nghiệm sâu sắc và được viết bằng một phong cách riêng, rất kỹ lưỡng - kỹ từng câu, từng chữ, từng ý tưởng - do đó gây ấn tượng rất mạnh mẽ. Và như vậy, theo tôi đấy là một phong cách văn xuôi lớn và nghiêm túc.


GS. Trần Đình Sử: Tên tuổi nhà văn Nguyễn Khắc Phê thì tôi nghe tiếng đã lâu, nhưng gần đây tôi mới có điều kiện đọc và làm quen với nhà văn Nguyễn Khắc Phê. Tôi rất quý mến anh, bởi cái tính giản dị và rất là chí tình đối với bạn bè. Gần đây tôi đọc tiểu thuyết của anh, đặc biệt là “Những ngọn lửa xanh” (NXB Phụ nữ, 2008) và tiểu thuyết dài hơi “Biết đâu địa ngục thiên đường” mới xuất bản. Đọc văn của anh, tôi thấy được Nguyễn Khắc Phê là một nhà văn hết sức tâm huyết đối với số phận con người, với vận mệnh đất nước cũng như đối với sự tiến bộ của xã hội. Ngòi bút của anh không hề né tránh các vấn đề nhạy cảm của đất nước, đồng thời anh đã nêu các vấn đề đó một cách điềm tĩnh và rất chân thành. Cho nên ngôn ngữ của anh có sức thuyết phục và tôi nghĩ không những đối với tôi mà đối với xã hội cũng có sức thuyết phục như vậy.

Nhìn chung về sáng tác của anh Nguyễn Khắc Phê, tôi đọc không nhiều, nhưng tôi có cảm tưởng anh là một môn đệ trung thành của chủ nghĩa hiện thực. Và cũng có thể do tuổi anh đã cao, nhưng anh không chạy theo các kiểu cách tân kỳ trong nghệ thuật, anh vẫn trung thành với bút pháp miêu tả cuộc sống như là diện mạo vốn có của nó; tất nhiên là anh cũng có những đổi mới. Tôi nghĩ, ở nước mình, ngôn ngữ hiện thực trong cái tính giản dị của nó, vẫn còn có sức thuyết phục đối với đông đảo người đọc, và có lẽ đó cũng là một chỗ mạnh của ngòi bút Nguyễn Khắc Phê.


Nhà phê bình Từ Sơn(Thư gửi Nguyễn Khắc Phê nhân đọc tiểu thuyết “Biết đâu địa ngục thiên đường”): Tôi đã đọc xong “Biết đâu địa ngục thiên đường” - sau mấy tuần đọc một cách kỹ lưỡng và chậm rãi. Rất xúc động. Nỗi băn khoăn thánh thiện của bạn thể hiện rất rõ qua từng trang sách. Có thể không phải là quá lời khi tôi cho rằng ngòi bút của Phê đã rỉ máu, nước mắt và mồ hôi khi nhìn lại thân phận những con người thông qua sự chiêm nghiệm đầy trách nhiệm và đậm tính nhân văn từ những mẫu người có liên quan máu thịt đến cuộc đời mình. Hơn hai mươi năm qua - kể từ khi đặt bút viết tiểu thuyết này (1987) đến khi tác phẩm được in ra (2010) - bao nhiêu điều trăn trở, dằn vặt; bao nhiêu cân nhắc, suy tư đã đến với bạn? Tôi tin là nhiều lắm. Và cho đến tận bây giờ - khi cuốn tiểu thuyết đã được in ra - bạn vẫn còn không ngừng nghĩ suy về những gì mình đã nói, những gì mình chưa tiện nói, những gì mình không thể nói, những gì mình đã tự lý giải và còn bao điều mình chưa lý giải được về thân phận những con người. Và, trên bình diện tổng quát, số phận, con đường lịch sử và trần thế của dân tộc chúng ta trong non một thế kỷ qua vấn đề “Biết đâu địa ngục thiên đường” vẫn chưa có lời giải đáp hoàn chỉnh, đúng đắn bởi còn nhiều vùng bị che lấp chưa được rọi sáng để khảo sát, để tìm ra sự thật (những sự thật có thể rất huy hoàng và cũng có thể rất chua xót...).

“Biết đâu địa ngục thiên đường” là vấn đề nóng bỏng của mọi kiếp người từ khi trái đất này có con người - con người biết suy nghĩ, chứ đâu chỉ với “cậu Tú Tâm” (nhân vật chính trong tiểu thuyết). “Địa ngục”, “Thiên đường” là những vùng miền, những thân phận có thật trên những nẻo đường Trần thế. Con người, loài người thì đúng hơn, đã, đang và sẽ bước đi trên những nẻo đường ấy mang theo khát vọng tìm về cõi Chân, Thiện, Mỹ hoàn thiện. Chắc chắn con đường này không có điểm kết thúc - cho dù điểm kết thúc là địa ngục hoặc thiên đường hiển hiện tuyệt đối dưới dạng thức: hoặc chỉ là Địa ngục, hoặc chỉ là Thiên đường. Vì nếu kết thúc đúng là như vậy thì Con Người và văn chương - nghệ thuật chẳng còn việc gì phải làm nữa. Tôi nghĩ thế không biết có sai trái gì chăng? Tôi cho rằng Địa ngục, Thiên đường là do con người tự đặt ra dựa vào những điều có thật nơi trần thế. Trong cuộc hành trình vô tận về phía trước, loài người hầu như phải luôn đối mặt với địa ngục, phải vượt qua nó để mong đi tới thiên đường mà mình mong ước. Địa ngục, Thiên đường không ở dưới lòng đất sâu thẳm hoặc ở một nơi xa vời nào đó trong vũ trụ. Điều này thể hiện rất rõ qua những trang viết trong cuốn tiểu thuyết “Biết đâu địa ngục thiên đường” của bạn.

Tôi chia sẻ với Phê với tất cả tâm tình đồng điệu.

Nguyễn Khắc Phê

Sinh ngày 26 tháng 4 năm 1939 tại Huế
Quê quán: xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh
Các bút danh khác: Trung Sơn, Nguyễn Hoàng
Từng là Tổng biên tập Tạp chí "Sông Hương", Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Thừa Thiên - Huế
Hiện là Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Thừa Thiên - Huế
Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Hội nhà báo Việt Nam

Các tác phẩm chính đã xuất bản:
- Vì sự sống con đường, tập ký sự, 1968
- Đường qua làng Hạ, tiểu thuyết, 1976
- Đường giáp mặt trận, tiểu thuyết, 1976
- Chỗ đứng người kỹ sư, tiểu thuyết, 1980
- Miền xa kêu gọi, tiểu thuyết, 1985
- Những cánh cửa đã mở, tiểu thuyết, 1986
- Nếu được hết thay em, tiểu thuyết, 1989
- Lê Văn Miến - người họa sĩ đều tiên, người thầy đầu tiên, tập nghiên cứu 1995
- Những chặng đường từ Huế - tập phong sự, bút ký, 1996
- Nền móng của những tầng cao, tập ký sự, 1997
- Đời hoa, tập tản văn, 1999
- Thập giá giữa rừng sâu, tiểu thuyết, 2003
- Hiện thực và sáng tạo tác phẩm văn nghệ, tập chân dung văn nghệ sĩ & nghiên cứu phê bình, 2006
- Những ngọn lửa xanh, tiểu thuyết, 2008

Giải thưởng văn học:
- Giải thưởng Văn học đề tài công nhân 5 năm (1975-1980)
của Tổng công đoàn và Hội nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết Chỗ đứng
người kỹ sư
- Giải thưởng "Bông sen trắng" hạng A của UBND tỉnh Bình Trị Thiên (năm 1987) với tiểu thuyêt "Những cánh cửa đã mở"
- Giải thưởng "Cố Đô" hạng B của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế (năm 1993) với tiểu thuyết Nếu được chết thay em
- Tặng thưởng hạng B của Ủy ban toàn quốc các hội VHNT Việt Nam (năm 1995) với tập Lê Văn Miến -...
- Tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc các hội VHNT Việt Nam (năm 2003), giải "Cố Đô" hạng A (tổng kết 5 năm 1997-2003) của UBND Thừa Thiên - Huế với tiểu thuyết Thập giá giữa rừng sâu.

Đọc xong, tôi rất muốn viết ra một bài phê bình thật tâm huyết và nghiêm túc cuốn tiểu thuyết của Phê. Nhưng rồi tôi lại thấy khó quá. Cái khó đầu tiên là sức khỏe. Vào trạc tuổi “cổ lai hy” tôi cảm thấy “lực bất tòng tâm”. Muốn viết một bài phê bình đúng như ý mong muốn, tôi cần phải đọc toàn bộ các tác phẩm của bạn trong mấy chục năm qua, phải tìm đọc nhiều tài liệu và các tác phẩm văn học phản ánh một chặng đường đầy biến thiên bi tráng của dân tộc, phải cập nhật thông tin tình hình văn học hiện nay v.v… là những điều mà không một ai viết phê bình văn học có thể tự cho phép bỏ qua. Đấy là chưa kể phải tìm hiểu nhiều mặt để đưa ra được những kiến giải đúng đắn về những vấn đề mang tính thời đại bạn đã nêu ra trong cuốn tiểu thuyết này. Những công việc này hiện nay đối với tôi quả là bất cập.

Tôi muốn nhân đây chỉ ra đôi điều về nhược điểm trong cách viết “Biết đâu địa ngục thiên đường”. Có thể xem những điều tôi sắp nói dưới đây là sự chia sẻ, đồng cảm với bạn về những khó khăn chưa thể vượt qua của bạn trong quá trình viết cuốn tiểu thuyết này.

Có vẻ như Phê cân nhắc quá “chừng mực” để “phòng vệ từ xa” tránh những điều ai đó sẽ quy kết xằng bậy - tôi muốn nói hình như Phê chưa dám mạnh dạn đi đến tận cùng mọi vấn đề đặt ra nên đã để cho các nhân vật của mình “ẩn dấu” khá nhiều tâm trạng và tính cách. Các sự việc, các tình huống đầy tính bi kịch hầu như chỉ được miêu tả qua những lời trần thuật có phần nhẹ nhàng, thiếu tính quyết liệt cần có, phải có. Điều này tác giả mới chỉ làm được một phần trong các chương cuối - từ khi nhân vật bà cụ Huy tỉnh lại. Khi đọc mấy chương đầu, tôi đã “mò” đoán được “ngón nghề” của tác giả: dồn nén các tình tiết để rồi sẽ cho bung ra ở phần cuối để người đọc hiểu được “con người bí hiểm” là Tâm, “con người ngộ lẽ phải” là Kiên, là Hưng v.v... Nhờ vậy, những trang viết của bạn ở các chương cuối đã gây được xúc động mạnh mẽ cho người đọc, đã kéo được nguời đọc cùng chia sẻ các vấn đề tác giả muốn gửi gắm. Mừng cho thành công của Phê.

Trong cái hỗn độn, tạp nhạp của đời sống thường nhật và của văn chương hiện nay cuốn sách của bạn nếu ai chịu khó tìm đọc sẽ thấy lòng mình được tẩy rửa trong sáng hơn và cảm thấy cần phải làm cho cuộc đời này bớt đi những điều phi lý, vô nghĩa đã “quyến rũ” sự đam mê huyễn hoặc của nhiều người khi nó được bao phủ một lớp vỏ bọc hào nhoáng.

Vài hàng tâm sự với bạn. Mong bạn luôn sung sức trong sáng tạo và trong cuộc sống. Dù còn ngàn muôn cái đen tối che phủ đâu đó trên bầu trời nhưng, một đại văn hào (hình như Gớt) đã nói: “Cái Đẹp sẽ cứu rỗi thế giới”. CUỘC SỐNG, CON NGƯỜI với vô vàn điều huyền diệu vẫn luôn có thật trên những nẻo đường Trần thế của loài người. Chỉ cần chúng ta có một niềm tin mạnh mẽ trên cơ sở khoa học (chứ không ảo tưởng, mê tín) chắc chắn Cuộc Đời sẽ ngày một tốt đẹp và công bằng hơn.

Chúc bạn mọi sự tốt lành.

Hà Nội đầu tháng 3-2010


Nhà văn Nguyễn Khắc Phê: Đậm đà nếp sống nho gia
Văn nghệ Công An

Không hiểu sao khi nghĩ về Nguyễn Khắc Phê, tôi lại liên tưởng đến hình ảnh một ông lão ngồi bên bờ Hương Giang thả sức trầm mặc hoài vọng về những ngày đã xa và chờ đợi những tháng ngày đang đến với thái độ bình nhiên quá thể.

Bình nhiên, cái nhìn đã trải mọi sự đời: vui và buồn, được và mất... đều đã nếm trải. Ông như một nhà luyện công đạt đến mức cảnh giới, đã nắm được "mệnh" của một người sắp đi hết tuổi "lục thập y nghĩ thuật". Chỉ có điều ông có muốn nói ra, và nếu nói sẽ nói như thế nào mà thôi. Ở Huế có Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ và nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi khác làm nên "thương hiệu" cho Huế. Nhưng như nét đặc thù cố hữu vốn có, trong một buổi sáng yên lành trầm mặc của mảnh đất cố đô, người ta biết Huế còn có một Nguyễn Khắc Phê...

-Nghe nói ông đến với nghề viết cũng rất tình cờ?.

Bài viết đầu tiên của tôi đăng trên báo Văn học năm 1959 (bài ký "Những người đi tiên phong") viết về những người bạn cùng lớp phải bỏ dở khóa học vào Vĩnh Linh mở đường Trường Sơn. Thực ra, từ khi rời quê ra Hà Nội kiếm sống (1954) với nghề bán sách dạo, những cuốn sách đã cuốn hút tôi và tôi đã tập viết những truyện ngắn đầu tiên. Tuy vậy, mãi đến 1968, cuốn sách đầu tay - ký sự "Vì sự sống con đường" - mới ra đời. Cuốn sách đã được nhà văn Nguyễn Khải giới thiệu với NXB Thanh niên và được nhiều người đón đọc, động viên tôi rất nhiều vào nghiệp cầm bút.

- Sinh ra trong một gia đình có truyền thống và có thể nói là "danh gia vọng tộc", ông có thấy rằng gia đình có tác động đến sự nghiệp cầm bút của Nguyễn Khắc Phê? Đặc biệt là cha ông, có tác động đến sự nghiệp cầm bút của ông? Ông có thể kể vài ví dụ, vài giai thoại về sự tác động ấy?

+ Thực ra, ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) và ngay trong xã Sơn Hòa quê tôi, do hoàn cảnh địa lý khắc nghiệt, ruộng đất ít nên không chỉ họ Nguyễn Khắc mà nhiều dòng họ đã cho con em theo đòi nghiệp khoa cử - ngày xưa, hầu như đó là con đường duy nhất để tiến thân, thoát nghèo. Ông cụ thân sinh tôi đậu Hoàng Giáp năm 1907, lúc mới 19 tuổi, một "học vị" cao nhất thời đó, nổi tiếng là một thần đồng; nhưng Nho học trước đây, cùng với rèn luyện chữ nghĩa, rất coi trọng dạy "đạo làm người". Tôi không được ông cụ dạy chữ Hán, nhưng nếp sống - cũng có thể gọi là tấm gương một nho sĩ "cần kiệm liêm chính" của ông cụ thấm nhiễm qua mỗi hành vi, lời nói… đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc đời của anh em chúng tôi. Trong cuốn sách nổi tiếng của anh Nguyễn Khắc Viện ("Bàn về Đạo Nho") có chương "Noi theo đạo nhà" là với ý nghĩa đó.

Xin kể một mẩu chuyện nhỏ: Hồi đó cụ đương chức Phủ Doãn Thừa Thiên (tức là quan đầu tỉnh). Tính cụ không mấy khi la mắng om sòm, nói năng thường cân nhắc từng lời từng chữ. Ví như khi nghe con bảo: "Đồng hồ chết rồi!", ông liền chữa lại: "Phải nói là đồng hồ đứng chứ..."; ngay đối với người giúp việc trong nhà (xưa gọi là "đầy tớ"), ông cũng dạy con cháu phải gọi là "o", "chú" và xưng "em" hoặc "tôi" chứ không được mày tao chi tớ. Vậy mà một hôm, cụ lớn tiếng quát tháo trên công đường, lại hình như có dùng từ "chó má" gì đó. Tối, mẹ tôi hỏi: "Ông có chuyện chi tức giận mà mắng người ta là chó má thế?...". Cụ bảo: "Tôi đâu có mắng ai là chó má. Tôi chỉ bảo tên ấy rằng: Ông xem tôi là hạng chó má hay sao mà tính chuyện hối lộ với tôi?...". Hay một lần chuyển chỗ ở (nhà công vụ của Nhà nước), một gia nhân có ý muốn lấy một bộ ấm chén khá đẹp, cụ đã "chỉnh" cho một trận. Tôi nghĩ, trước khi cầm bút, phải học làm người…

- Và người anh Nguyễn Khắc Viện, học giả Nguyễn Khắc Viện có tác động như thế nào tới con đường văn chương của ông?

+ Có lẽ so với mấy anh em trong nhà, tôi là người gần gũi với anh Viện nhất do "nghiệp" cầm bút và do lúc anh Viện mới từ Pháp về nước, tôi đang trên đường đèo Mụ Dạ - một trọng điểm ác liệt nhất trên đường Trường Sơn - mà anh Viện thì đang tập trung ngòi bút cho việc tuyên truyền sự nghiệp chống Mỹ của dân tộc ta ra thế giới. Chính bài ký đầu tiên tôi viết sau trận đầu tiên Mỹ ném bom vào cầu Bãi Dinh (dưới chân đèo Mụ Dạ), tôi gửi ra cho anh Viện và anh đã biên tập lại rồi gửi đăng ở báo Văn nghệ. Sau đó, tập sách đầu tay của tôi viết về những chiến sĩ TNXP, công nhân trên con đường 12A nổi tiếng (tập "Vì sự sống con đường" - NXB Thanh Niên, 1968), anh Viện cũng là độc giả đầu tiên.

Cuốn tiểu thuyết "Đường giáp mặt trận" (NXB Lao động, 1976) anh Viện cũng đọc từ bản thảo… Anh Viện vốn kiệm lời và có lẽ tôn trọng sự sáng tạo của nhà văn nên thường không góp ý cụ thể. Có khi anh chỉ buông một chữ kèm nụ cười tươi tắn hiền lành. Như khi đọc bản thảo "Đường giáp mặt trận", anh chỉ bảo: "Được đó!". Một cuốn khác thì anh nói: "Phải kín hơn nữa!". Về chữ nghĩa, chỉ một lần anh tỏ ý không thích chữ "sự" (trong nhan đề sách "Vì sự sống con đường"). Anh bảo: "Tiếng Pháp mới viết như thế..". Nói chi tiết này để thấy, dù ở Pháp mấy chục năm, anh Viện vẫn rất quan tâm đến ngôn ngữ dân tộc. Cũng ở khía cạnh này, mỗi lần thấy tôi ra Hà Nội là anh lại nhắc nơi này vừa có khảo cổ, nơi kia có triển lãm… nên đi xem. Tôi hiểu anh muốn nhà văn phải luôn hiểu rõ cội nguồn dân tộc và có tầm văn hóa sâu rộng…

- Ông viết nhiều thể loại: Tiểu thuyết, truyện ngắn, phê bình, tạp văn, báo chí...Vậy ông muốn bạn đọc gọi với danh hiệu gì? Theo ông, thể loại nào mới thực sự là "đất dụng võ" của Nguyễn Khắc Phê?

+ Danh hiệu được bạn đọc tặng, dù là danh hiệu gì cũng đáng trân trọng. Tôi dành nhiều tâm huyết cho tiểu thuyết, nhưng có bạn mới gửi tặng sách, gọi tôi là "nhà phê bình", cũng vui. Hình như gần đây nhiều người chú ý đến những bài báo của tôi có lẽ vì tôi không né tránh những gì thường gọi là "nhạy cảm và phức tạp", và tôi thường quan tâm đến những số phận éo le, từng chịu nhiều oan trái, thiệt thòi…

- Người ta bảo Nguyễn Khắc Phê là một người cả nể. Ai đặt bài ông đều nhận và bằng mọi cách để thực hiện được lời hứa ấy, dù có thể đó không phải là những bài viết ông tâm đắc?

+ Thực ra thì tôi chưa phải là một "tên tuổi" được nhiều nơi đặt bài. Và dù có đặt bài, tôi cũng chỉ viết những điều mình hiểu rõ và tâm đắc. Tất nhiên là cũng có lúc vì những mối quan hệ này khác, mà phải viết những bài cho người ta vừa lòng. Ví như gần tết, họ nhờ viết bài về một đơn vị… Năm nay lên tuổi 70 rồi, tôi không còn sức và cũng không… dại viết loại bài như thế!

- Và ông còn là một nhà văn rất thức thời. Gần 70 tuổi, nhưng nghe bảo, trình độ tin học, Internet của ông rất "oách"?

+ Ở Huế nhà văn viết bằng máy tính đầu tiên là Nguyễn Đắc Xuân. Sau đó là tôi. Nay thì có Ngô Minh, Trần Thùy Mai, Tô Nhuận Vĩ, Võ Quế… Tôi chỉ tự học. Cũng nhiều khi "sống dở chết dở" vì không thạo tiếng Anh, bấm sai một thao tác là màn hình hiện ra những chỉ dẫn mà mình mù tịt; đành gọi "chuyên gia"… Nay thì đã khá thông thạo, gửi bài vở và ảnh cho báo chí "dễ như trở bàn tay". Internet đã mở rộng cánh cửa, mở tầm nhìn cho mọi người. Nhà văn ở nước mình càng cần điều đó. Chưa nói chuyện một bài báo hôm nay ngồi viết ở Huế, sáng hôm sau đã hiện trên mặt báo ở TP Hồ Chí Minh!

- Sống ở Huế, lại từng làm quản lý văn nghệ nhưng như nhiều anh em vẫn bảo, ông sống rất "lành", ít khi có tụ tập, hội hè cùng giới văn nghệ?

+ Tôi là người chịu khó đọc, nhưng ưu tiên cho văn xuôi và các vấn đề về văn hóa. Ở Huế, có lẽ tôi là nhà văn ít ngồi quán nhất, do luôn thấy thiếu thì giờ và có lẽ cũng do nếp sống "Nho gia" từ nhỏ ở một vùng quê đã có người gọi là "cá gỗ". Bạn bè thường đùa bảo tôi "khắc cả cà phê", không biết nhậu nhẹt gì. Thật ra, khi vui cũng "cụng li" được với nhau và sáng nào tôi cũng uống một cốc cà phê sữa (tự pha), sau khi ăn mì sợi hay cơm nguội với vừng (mè đen)! Tôi thấy như thế là hợp với sức khoẻ người cao tuổi. Thấy vệ sinh các quán ăn và cách ngâm tẩm mọi thứ thực phẩm bây giờ mà sợ!

- Tôi vẫn biết rằng con người ta có thể sinh một nơi, sống một nơi nhưng cả đời lại hoài nhớ và nợ nần một nơi khác. Ông đã từng có mặt ở rất nhiều địa danh trên đất nước nhưng cuối cùng ông lại chọn Huế…

+ Tôi quê Hà Tĩnh nhưng lại sinh ở Huế, khi thân phụ tôi làm quan Phủ Doãn ở đó. Tôi trở lại sống với Huế từ sau năm 1975 đến nay, nhưng gia đình tôi, anh chị em tôi có nhiều kỷ niệm gắn bó với Huế. Với nhiều người "Huế đẹp và thơ" có sức quyến rũ lớn; với riêng tôi, mỗi bước đi đều dễ gợi những kỷ niệm riêng rất cần cho người cầm bút: ra bờ sông, nhìn sang Thương Bạc có các câu đối của thân phụ tôi, lên Văn Miếu, có bia tiến sĩ ghi tên cụ, Trường Đồng Khánh là nơi các chị tôi theo học… Không khí yên tĩnh của Huế với bề dày lịch sử và văn hóa cũng là nơi rất thích hợp với người viết văn. Những tác phẩm như "Lê Văn Miến, người họa sĩ đầu tiên…", " Nếu được chết thay em", "Những cánh cửa đã mở", "Những chặng đường từ Huế" … và tiểu thuyết tôi vừa hoàn thành "Biết đâu địa ngục thiên đường" có rất nhiều "trường đoạn" viết về Huế.

- Và ông sẽ phát hành trong năm nay?

+ Sợ rằng "nói trước bước không qua", nhưng chắc là sẽ in trong năm 2009. Sách dày hơn 700 trang nên người làm sách thời buổi này cũng ngại…

Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Khắc Phê…

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • "Đường Cách Mệnh" của các nhà lãnh đạo

    10/04/2016Khánh DuyCuốn sách "Dẫn dắt sự thay đổi" của GS quản trị Đại học Harvard John Kotter vừa được xuất bản ở Việt Nam. Đây là cuốn sách đã tạo ra tên tuổi cho Kotter như một nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực thay đổi chiến lược doanh nghiệp.
  • Cuồng phong

    30/06/2010Sau 10 năm viết đi sửa lại, cuốn tiểu thuyết đồ sộ dày tới hơn 700 trang cuối cùng đã được xuất bản. 'Cuồng phong' là câu chuyện về lịch sử Việt Nam thế kỷ 20 dữ dội và chói sáng được kể qua chuyện đời của một dòng tộc...
  • Ngài nghị sĩ

    28/06/2010"Ngài nghị sĩ" của Phạm Chí Dũng là câu chuyện có phần giả tưởng xảy ra ở một nơi nào đó, cách VN không xa. Bi kịch của tham vọng nơi chính trường, màn đen trong não trạng của giới chính khách chi phối cử tri, những cuộc thanh trừ chính trị... đã làm cuốn tiểu thuyết này gây tò mò ngay từ đầu cho người đọc. Tác giả muốn đưa ra vấn đề cần phải hướng đến một xã hội lý tưởng như thế nào, thế nào là văn minh chính trị...
  • Những giá trị sống cho tuổi trẻ

    07/05/2009Với mong muốn làm phong phú thêm vốn sống cho các bạn trẻ - học sinh, sinh viên và các đối tượng thanh niên khác - bằng cách trang bị cho họ những giá trị tích cực và kỹ năng sống thiết thực, hữu ích trong hành trình vào đời, chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn quyển sách Những Giá trị Sống cho Tuổi trẻ.
  • Đọc “Dòng đời”

    18/12/2006Cao Huy ThuầnLần đầu tiên, văn học Việt Nam có một tiểu thuyết đồ sộ, dựng lên cả một xã hội ba mươi năm hậu chiến với đủ khía cạnh văn hóa, chính trị, kinh tế, đưa ra những bộ mặt tiêu biểu của đủ giai tầng xã hội mới cũ, vẽ lên một bức tranh hoạt họa linh động, bi hài. Phải vừa là chuyên gia, vừa là nhà văn mới viết được một truyện dài như thế, lý sự thâm hậu xen kẽ với tình tiết tài hoa...
  • Đọc tiểu thuyết "Dòng đời"

    07/12/2006Phan Đình DiệuTác giả đã tỏ ra rất chắc tay khi không e ngại đi sâu vào những khía cạnh tế nhị, chứa nhiều uẩn khúc tâm lý hoặc nhiều khác biệt chính kiến để đưa ra được một cách trung thực và thẳng thắn - dù vẫn không xa rời hình thức văn học của một cuốn tiểu thuyết - những vấn đề vừa cấp thiết, vừa nóng bỏng đặt ra cho sự phát triển của đất nước ta trong một thời kỳ dài từ quá khứ vừa đi qua cho đến hiện tại hôm nay...
  • xem toàn bộ